Friday, 7 December 2012

NỤ CƯỜI




Ngôn ngữ esperanto được đánh giá là khoa học và logic, thậm chí là dễ sử dụng đối với một số người, nhưng không thực dụng, do vai trò quan trọng của ngôn ngữ mẹ đẻ, đặc biệt là ngôn ngữ mẹ đẻ của những quốc gia hùng mạnh nhất về kinh tế  chính trị.

Quốc Tế Ngữ được sáng tạo bởi một học giả Ba Lan, Ludwik Lejzer Zamenhof trong khoảng 1872 tới 1885 tại Warszawa. Ludwik Lejzer Zamenhof am hiểu nhiều tiếng châu Âu, nhưng ông không hiểu nhiều về châu Á cũng như các ngôn ngữ của châu lục này. Vào thời điểm Quốc Tế Ngữ được sáng chế, ngôn ngữ này được kì vọng sẽ là ngôn ngữ phổ thông, được sử dụng trong mọi sinh hoạt hàng ngày của nhân dân toàn thế giới.

Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, tại thời điểm điều tra năm 1996, số người sử dụng Quốc Tế Ngữ như thứ tiếng thứ nhất chỉ là khoảng từ 200 cho tới 2.000 người. Có khoảng 2 triệu người khác trải khắp 115 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng ngôn ngữ này như ngôn ngữ thứ hai của mình. Thực ra chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu người sử dụng ngôn ngữ Esperanto là quốc  tế ngữ  trên thế giới này. Không biết được tính phổ dụng của ngôn ngữ này hiện nay đến đâu, có đúng như mong ước của người sáng tạo ra ngôn ngữ này hay không?

Từ vài thập kỉ nay, quốc tế ngữ được sử dụng để dịch những cuốn Kinh thánh. Những người được nhà thờ Công giáo La Mã dịch Kinh thánh sang Quốc Tế Ngữ, thường là những nhân vật có tiếng tăm với dân chúng trong vùng. Một vài trong số họ cũng chính là những người có công hoàn thiện Quốc Tế Ngữ, logic hơn trước.
Tất nhiên có một từ  không cần phải thông qua esperanto mà ai cũng hiểu được đó là “nụ cười”.
Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Nụ cười làm cho khí huyết lưu thông tốt hơn, giảm đi phiền muộn, khiến cho mọi người thân thiện xích lại gần nhau, làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn. Cười nhiều, sống lâu. Không ai nở quở trách một phụ nữ đang cười.

Khi Việt Nam mở cửa, nhiều du khách tới Việt Nam đều ngạc nhiên là người dân nước này không tiếc ban phát nụ cười cho thiên nhiên và con người. Một hình ảnh từng gây ấn tượng cho một nhà báo nước ngoài khi chụp được  bức hình một cụ già móm mém cười hết cở, hỏi ra mới biết cụ già này đang ung thư phổi giai đoạn cuối!!!

Vậy ra, nụ cười, không cần phiên dịch thì những người có quốc tịch khác nhau vẫn hiểu được, thậm chí còn có sức mạnh hơn cả khi được thể hiện bằng một từ chính xác trong tiếng Anh phổ dụng như “smile” của cụ già nói trên.

Vậy có thể nói: nụ cười không có biên giới  ngăn cách về ngôn ngữ.


PVH

No comments:

Post a Comment