Wednesday 31 October 2012

NGHE VÀ NÓI



Phần đông mọi người chỉ biết nói chứ không biết nghe, và người thật sự biết nghe lại càng ít. Nghe quan trọng hơn nói, vì người biết nói tạo ấn tượng thông minh trước người khác, còn người biết nghe, tuy không tạo ra sự lóa mắt như người nói, nhưng tạo cảm giác quan tâm, gần gũi, thân thiết với người khác, càng có sức thu hút hơn.
Tâm lý con người rất là kỳ lạ, thích làm người thông minh, nhưng lại không thích làm bạn với người thông minh, mà họ thích tiếp cận với những người biết quan tâm, thân thiết, gần gũi. Vì vậy biết "nghe" nhiều khi quan trọng hơn biết "nói".Tầm quan trọng của lắng nghe không chỉ dừng lại ở đây. Bác sĩ cần lắng nghe lời của bệnh nhân để hiểu được tình trạng bệnh tật và cho thuốc, ông chủ xí nghiệp cần lắng nghe báo cáo của cấp dưới để đặt định đối sách giải quyết vấn đề. Mọi người đều cần phải lắng nghe để tạo sự liên thông với người khác.
Vấn đề là "thích nói không thích nghe" là một nhược điểm của con người.Chỉ cần để ý các buổi gặp gỡ không chính thức như các buổi liên hoan hay bàn chuyện phiếm, có những người bức bối muốn nói, không kịp chờ đợi người khác, người này vừa nói xong thì lập tức có người vội vã tiếp lời. Thậm chí còn xảy ra hiện tượng nhiều người tranh nhau nói. Qua đó bạn có thể thấy con người thích nói như thế nào!
Ví dụ như: người bán hàng nắm rõ nhược điểm nhân tính này nên để cho khách hàng được nói năng thoải mái. Bất luận khách hàng khen ngợi, thuyết minh, bác bỏ, oán thán hay cảnh cáo, trách móc, chửi mắng, người bán hàng đều cẩn thận lắng nghe bày tỏ sự quan tâm và coi trọng. Như thế mới giành được tình cảm của khách hàng và những báo đáp thiện ý. Vì vậy lắng nghe - hết lòng lắng nghe lời của khách hàng, bất luận là người mới vào nghề hay lâu năm là điều cần ghi nhớ suốt đời. Nhìn từ bên ngoài, những lời nói chủ động của khách hàng và sự lắng nghe bị động của người bán hàng thì tựa như khách hàng đang năm ưu thế tuyệt đối, còn ngưới bán hàng rơi vào thế bị động bất lợi. Kỳ thực không phải như vậy. Người nghe, tức người bán hàng có lợi hơn khách hàng, tức người nói. Vì sao? Các nhà khoa học đã chứng minh, với tốc độ nói khoảng 125 từ/1 phút, còn tốc độ tư duy của người nghe thì gấp bốn lần người đang nói, khi người nói còn đang mải suy nghĩ về nội dung nói thì người nghe đã đủ thời gian để mổ xẻ, phân tích, kiểm thảo ý kiến khách hàng, từ đó có sự ứng phó thích hợp.
Vì vậy, người bán hàng biết lắng nghe, thì nhìn bề ngoài như đang thế yếu, nhưng kỳ thực người đó đang ở thế mạnh. Người ta thường nói: "Nói là bạc, im lặng là vàng". Nên đổi câu này thành: "Nói là bạc, lắng nghe là vàng" thì xác đáng hơn.

D.N 

Tuesday 30 October 2012

THÔNG BÁO

Do trở ngại đường truyền khi đăng nhập, việc post bài bị trễ hơn thường lệ.

BBT

Friday 26 October 2012

NGHỆ THUẬT TUYÊN TRUYỀN


  
Bậc thầy của nghệ thuật này chính là Paul Joseph Gobbels.
Tiến sĩ Paul Joseph Gobbels (1897–1945) là Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã, cánh tay phải của trùm phát xít Adolf Hitler về tuyên truyền và vận động. Sau khi Hitler tự sát, ông giữ chức Thủ tướng Đức trong một ngày, chấp thuận việc hạ sát sáu đứa con của mình rồi tự sát.

Cách thức tuyên truyền của ông hết sức đơn giản, nhưng hiệu quả cao đến bất ngờ đó là: một vấn đề, không biết thật hay giả, nhưng cứ được tuyên truyền lập đi lập lại, với tần suất cao ngất trời thì cuối cùng quần chúng sẽ coi thông tin đó là sự thật hiển nhiên.

Chính ông, sau Hitler, là người đã sản sinh những huyền thoại. Các huyền thoại này đã in sâu vào tâm trí người dân Đức thời đó, thành một sức mạnh tinh thần ghê gớm và tàn bạo, làm vùng phát lên chiến dịch tiêu diệt người Do Thái và Thế chiến II tàn khốc.

Ngày nay trong thời đại thông tin, chúng ta một lần nữa lại thấy sức mạnh to lớn của tuyên truyền, và cách thức không mấy khác so với thời ông Gobbels đã sử dụng.

Nhưng có một điểm khác ngày xưa là: trình độ dân trí bây giờ đã cao hơn  trước và họ biết sử dụng thông tin đa chiều để kiểm chứng thông tin bằng kinh nghiệm và thực tế cuộc sống để tự rút ra kết luận cho riêng mình.
Không như thời ông Mao bên Trung Quốc, dân chúng đói meo mà chính phủ vẫn tung hô thành tích "Đại nhảy vọt", và dân đói lã nhưng cứ mông lung tự hỏi cơ địa mình hình như "bị sai lệch gì đó?" vì "chính phủ khẳng định dân chúng thực sự no ấm, nông lương được xuất khẩu vố khối sang Liên Xô và Đông Âu kia mà..."

Vậy nghệ thuật tuyên truyền suy cho cùng chỉ bền vững trên cơ sở sự thật của thông tin. Thiếu tính sự thật, dù tuyên truyền tài giỏi đến đâu cũng thì cuối cùng cũng bị xã hội đào thải, như chính ông Gobbels đã phải trả giá bằng mạng sống của vợ chồng ông và sinh mệnh của 6 đứa con thơ vô tội.

PVH

Wednesday 24 October 2012

TỰ DO HỌC THUẬT


 PGS.TS Lê Cung - Phó Hiệu trưởng Trường 
Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng

Tự do có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến bộ xã hội, và phát triển của văn minh nhân loại, trong đó có khoa học.

Gần đây, khi tham gia một buổi bảo vệ luận án TS Kinh tế, nghe một giáo sư người Huế, nay công tác tại phía Nam phản biện luận án tiến sĩ kinh tế của một nghiên cứu sinh có câu:
"Tại sao trong phần "Cơ sở lý luận" tác  giả chỉ có trích dẫn hoàn toàn K.Mác và Lê Nin, thế các nhà kinh tế học hiện đại khác đi đâu hết. Hơn nữa theo tôi, tác giả có sự nhầm lẫn và chưa phận biệt rõ giữa hai khái niệm : "hiệu quả" và "hiệu quả kinh tế" vì vậy sự phân tích trong nhiều chương, đoạn của luận án Kinh tế thiếu sức thuyết phục".

Trong thời buổi hiện nay, phản biện như vậy cũng có thể gọi là khách quan, khoa học và khá "tự do" và chân tình, tôn trọng sự thật khoa học...

Hôm nay, đọc được bài viết của PGS Tiến sĩ sử học Lê Cung về "Luận án Tiến sĩ Y khoa của một tù nhân Côn Đảo" đăng trên báo Hồn Việt số 63 tháng 10/2012, chúng ta mới thấy được tình trạng "tự do học thuật" của Đại học Y khoa Huế trước 1975.

Theo đó, tác giả đã lược thuật lại luận án của nghiên cứu viên Nguyễn Minh Triết bảo vệ tại hội đồng trường Đại học Y khoa Huế ngày 29/1/1972. Ông Triết vốn là sinh viên yêu nước, bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt giam tại Côn Đảo trong hơn 3 năm.

Ta hãy lắng nghe lời phát biểu tại buổi lễ bảo vệ của GS Bùi Duy Tâm, chủ tịch hội đồng (xin trích dẫn): "Sự thành công của luận án đã đền đáp một phần xương máu của người tù".

Với luận án này ông Triết đã được xếp thủ khoa. Sau đó tạp chí Đối Diện xuất bản tại Sài Gòn thời đó đã cho đăng toàn bộ phần thứ nhất của luận án gồm ba chương (I,II,III).

Tự do học thuật muôn năm!

PVH

Monday 22 October 2012

HOẠT ĐỘNG TẶNG ÁO PHAO CHO NHÓM NGƯỜI THAM GIA PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO Ở THÔN ĐẬP GÓC – XÃ PHÚ MỸ - HUYỆN PHÚ VANG





Đập Góc là một thôn nằm bên đầm phá rất thấp trũng của xã Phú Mỹ và nằm khá cách biệt so với các thôn khác ở trong xã. So với người dân ở các thôn khác thì đời sống của người dân ở Đập Góc còn nhiều khó khăn, đa số người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, trẻ em ở đây ngoài thời gian đi học chữ ở lớp học ghép miễn phí còn tranh thủ thời gian để phụ giúp bố mẹ công việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở trên đầm phá. Do Đập Góc nằm cách biệt so với các thôn khác ở trong xã, lại nằm bên đầm phá rất thấp trũng nên hàng năm cứ vào mùa mưa lũ thì người dân ở đây lại cảm thấy rất lo lắng, nếu nhìn từ xa thì Đập Góc trông giống như một hòn đảo nhỏ và phương tiện đi lại chủ yếu của người dân trong mùa này là bằng thuyền rất nguy hiểm. Mặc dù đa số người dân ở thôn Đập Góc đều sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở trên đầm phá nên khá quen thuộc với môi trường sông nước, nhưng vào mùa mưa lũ do mức nước cao hơn và chảy mạnh hơn so với bình thường nên người dân rất lo lắng cho tính mạng và tài sản của mình sẽ bị nước cuốn trôi, đặc biệt là tính mạng của trẻ em ở trong thôn. Để giúp người dân trong thôn hạn chế những thiệt hại do mưa lũ gây ra, một số người dân trong thôn đã chủ động thành lập một nhóm người tham gia phòng chống lụt bão nhằm mục đích bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa lũ, nhưng phần lớn những người tham gia nhóm phòng chống lụt bão này đều không có áo phao hỗ trợ nên cũng rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy để giúp những người trong nhóm phòng chống lụt bão yên tâm hơn khi giúp người dân trong thôn bảo vệ tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ, chúng tôi đã trích một khoản kinh phí mà nhà hảo tâm gửi tặng để mua áo phao tặng cho những người tự nguyện tham gia nhóm phòng chống lụt bảo ở Đập Góc. Nhận được áo phao chúng tôi trao tặng mọi người trong nhóm đều rất vui mừng, phấn khởi, vì bản thân họ đều biết rất rõ sự nguy hiểm khi đi lại trên sông nước vào mùa mưa lũ nếu không có áo phao hỗ trợ, đặc biệt là khi còn phải giúp bảo vệ tính mạng và tài sản của những người dân khác trong thôn, nhưng do điều kiện kinh tế của người dân ở đây còn nhiều khó khăn nên không có tiền để mua ao phao hỗ trợ cho những người tham gia phòng chống lụt bão để họ yên tâm trong công tác. Với những chiếc áo phao mà chúng tôi trao tặng hy vọng trong mùa mưa bão năm nay, những người tham gia phòng chống lụt bão ở Đập góc sẽ yên tâm hơn khi đi lại trên sông nước, cũng như giúp người dân hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.


              Nguyễn Xuân Quý

Friday 19 October 2012

NUÔI CHIM BỒ CÂU – LÀM GIÀU NÔNG THÔN

Trong nông nghiệp nông thôn ta từ xưa tới nay, đã phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, tiến tới làm giàu. Trong đó, phải kể đến mô hình làm giàu nông thôn từ việc nuôi chim bồ câu. Hiện nay, mô hình này đang được bà con nhân rộng ra nhiều địa phương cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Định,…
Quy trình nuôi chim bồ câu khá đơn giản, không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân. Chim bồ câu ra ràng thường được dùng làm thực phẩm như nấu cháo, hầm thuốc bắc để tẩm bổ sức khoẻ. Theo đông y, thịt bồ câu tính bình, vị mặn, dinh dưỡng phong phú, thơm, vị ngọt, là loại thực phẩm tốt cho người già, trẻ em, người bệnh và sản phụ. Thịt chim bồ câu có tác dụng bổ thận kiện tì vị, ích khí huyết, dùng cho trường hợp gầy yếu, hư nhược, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt,… Chính bởi những đặc tính quý này nên thịt chim bồ câu rất có giá trên thị trường.
So với các loại gia cầm khác thì nuôi chim bồ câu không khó, bởi chúng rất ít bị bệnh lại dễ tính, chỉ cần làm cho chim bồ câu chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng là được. Về nguồn thức ăn thì rất đơn giản, một ngày chim bồ câu ăn 2 bữa, chủ yếu là thóc và ngô cùng với nguồn nước uống sạch. Không phải lo về tiêu thụ sản phẩm, vì bồ câu là thức ăn quý và bổ dưỡng nên khách hàng thường vào tận nơi đặt hàng, nhiều khi không có đủ để cung cấp ra thị trường. Và điều quan trọng hơn hết là nuôi chim bồ câu rất kinh tế, nó mang lại nguồn thu nhập ổn định và đều đặn nếu bà con biết chịu khó tìm tòi, học hỏi những mô hình kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng bệnh… Nếu nhân rộng với qui mô lớn thì mỗi người có thể làm giàu với mô hình nuôi chim bồ câu đang ngày càng phát triển này.

H.S

Thursday 18 October 2012

HY VỌNG & THẤT VỌNG





Đập thủy điện Dakrong 3 mới nghiệm thu xong đang trong quá trình tích nước thì bị vỡ tan hoang. Dưới đây là một vài ý kiến ghi nhận của phóng viên  tại vị trí đập vừa mới bị vỡ.

"Tại hiện trường, những khối bêtông khổng lồ vỡ ra từ thân đập bị trôi xuống hạ lưu nơi xa nhất chừng vài trăm mét. Bên ngoài những khối bêtông này lòi ra lưa thưa những que sắt, loại lớn nhất có phi 16, những que sắt này không có dấu bị kéo đứt, gãy mà đa số vẫn còn nguyên vẹn. Điều này cho thấy, sắt được kết cấu cho từng khối bêtông riêng rẽ, chúng không được hàn hoặc tổ chức kết cấu cho toàn bộ thân đập. Tại những nơi bêtông bị bể ra, bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất nhiều tạp chất gồm đất, gỗ, củi..., một số nơi có thể dùng tay bẻ bêtông vẫn rời ra từng cục. Ngay dưới chân thân đập, nơi chỉ chịu áp lực nước xối từ trên cao xuống, bêtông cũng bị xói trôi nhiều đoạn, lòi ra những que sắt nhỏ. 

       Còn ngay tại vị trí đáy đập, nơi phần nổi của đập vừa bị cuốn trôi hôm 7.10, cũng chỉ thấy lòi lên những que sắt loại nhỏ. Một người thợ xây dựng, chuyên nhận làm nhà ở cho cư dân ở địa phương nói: “Tôi không phải kỹ sư, nhưng nhìn vào kết cấu sắt trong các khối bêtông và nơi đáy đập, tôi nghĩ sắt như vậy vừa ít, vừa quá nhỏ, không đủ để giữ hàng trăm tấn bêtông thế này”.

Việc xây đập thủy điện ai cũng biết có nhiều tác dụng như: hạn chế lũ, điều tiết nước tưới tiêu cho nông nghiệp về mùa khô, phát điện, cải thiện tiểu khí hậu khu vực  dự án, tạo công ăn việc làm cho dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực và bảo đảm nguồn năng lượng quốc gia...

Biết bao nhiêu là hy vọng...thế mà nghe tin như sét đánh ngang tai, bổng nhiên trở thành thất vọng khôn cùng không chỉ đối với người dân địa phương mà còn cả với bất cứ ai còn mang trong mình một chút liêm sĩ.

Không biết còn có bao nhiêu con đập như vậy đang và sẽ sắp được nghiệm thu để đưa vào sử dụng trên đất nước ta?
Ôi! Cay đắng quá!

PVH

Tuesday 16 October 2012

TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO



"Tôn sư trọng đạo" không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào "Tôn sư trọng đạo" vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.
Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho mối người "Không thầy đố mày làm nên". Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Bởi vậy, "tôn sư trọng đạo" không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một. "Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế "tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.
Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩa thì vấn đề "tôn sư trọng đạo" càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Đức Nhân

Friday 12 October 2012

"BẮT GÀ"




Người ta thường nói "bắt giò" là để ám chỉ việc đã nắm rất rõ một công việc, một vấn đề, và có thể giải quyết rốt ráo triệt để vấn đề này.

Khi nói "bắt giò", chúng ta thường liên tưởng tới giò của con gà, thay vì giò vịt, giò chim, giò con chi chi... đó. Nói nôm na "bắt giò" thì  đích thị phải "bắt giò gà".

Nhưng lại quên một điều là gà có rất nhiều loại, chung qui có 2 loại chính là "gà rừng" và "gà vườn".

Bắt "gà rừng" thì hơi khó khăn, nếu gặp gà có cựa, chẳng hạn 9 cựa (Như Lễ vật cần có để cưới được Mỵ Nương trong truyện Sơn Tinh-Thủy Tinh)- thì không dễ gì mà bắt được. Vì rừng thì rộng, mà "gà rừng" thường mạnh mẽ, tư do và có sức mạnh thực sự (vì có vây cánh bảo vệ, có "luật rừng" làm bùa hộ mạng", có khi tấn công lại kẻ đi bắt giữ nó bằng những miếng "võ gà" khó lường. Vì vậy, đừng nghĩ bắt được gà rừng là dễ nhé.

Trái lại, bắt "gà vườn" thì dễ hơn nhiều, vì vườn có rộng mấy cũng không rộng bằng rừng tự nhiên mênh mông được, gà vào vườn thì có đâu tự do và hung hăng như gà rừng được, sức mạnh thì coi như chỉ còn là huyền thoại vàng son một thủa.

Vậy, khi nói "bắt giò" thì nên nhớ đó là "bắt giò gà" và gà này đã được cho "về chơi ở vườn" rồi đấy nhé! Dù gà này nguyên là gà rừng, và có 9 cựa hay vài chục "cựa" đi chăng nữa, nhưng khi đã bị thuần hóa và đưa vào "vườn" thì sinh mệnh của nó phải gắn chặt với "vườn".
Người Việt ta khi nói "Cho Về Vườn" thì có ý nghĩa ghê gớm lắm đó!

Ngẫm ra thiên hạ cũng có cái lý từ lời nói đến hành động.

PVH

Thursday 11 October 2012



Quỹ Học bổng SVQN kính mến!
Lời đầu tiên cho phép em được gửi đến quỹ Học bổng SVQN lời chúc sức khỏe kính trọng nhất. Em kính chúc các bác, các cô, các chú, các anh chị và các bạn trong quỹ luôn luôn mạnh khỏe, vui vẻ và thành công trong cuộc sống.
Kính thưa quỹ Học bổng SVQN!

Em tên là Nguyễn Minh Phú. Em vừa sinh ra đã không có 2 tay do bị ảnh hưởng chất độc màu Da cam Dioxin từ bố . Em là con thứ 3 trong một gia đình có 4 người con tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.  Bố mẹ em là nông dân trồng lúa nước nên kinh tế trong nhà đều phụ thuộc vào 4 sào ruộng thường xuyên bị mất mùa, đói kém. Dù cuộc sống trong nhà rất khó khăn thiếu thốn nhưng bố mẹ vẫn nuôi 4 anh em được ăn học đến nơi đến chốn với niềm hy vọng con cái sau này sẽ không phải làm ruộng vất vả mà vẫn không đủ ăn như bố mẹ nữa. Dù cho sức khỏe yếu lại mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng bố mẹ vẫn chịu thương, chịu khó làm việc, ngày nào em cũng thấy bố mẹ cặm cụi làm việc ngoài ruộng từ sáng sớm đến tối mịt mới về mặc cho trời mưa hay nắng bố mẹ vẫn không quản khó nhọc. Thấy bố mẹ khổ như vậy, em rất thương bố mẹ nhưng em không làm được gì để giúp đỡ bố mẹ, nhiều lúc em tính nghĩ học ở nhà để bố mẹ đỡ vất vả hơn nhưng bố mẹ vẫn luôn động viên em cố gắng học hành cho tốt để bố mẹ vui lòng. Em thiết nghĩ: “mình đã không làm được gì mà không học nữa thì cuộc sống của mình sau này lại càng vất vả hơn, mình càng làm gánhnặng hơn cho bố mẹ” nên em đã cố gắng và quyết tâm học hành. Sự cố gắng của em cũng được đáp lại. Suốt 12 năm học em đều đạt học sinh khá, giỏi và giờ đây em đã là một sinh viên năm nhất của trường ĐH công nghệ thông tin – ĐHQG-HCM. Bố mẹ và gia đình ai nấy đều rất vui mừng nhưng niềm vui không được bao lâu thì nỗi buồn lại ập đến. Vào được Đại học là niềm vinh dự và sự tự hào của bố mẹ nhưng con đường Đại học là một quãng đường rất dài, đằng sau đó phải đánh đổi bằng mồ hôi, những giọt nước mắt và cả sự hy sinh thầm lặng của bố mẹ để có tiền cho em ăn học: nào là tiền học phí (em được miễn nhưng vẫn phải đóng hết, sau này về địa phương mới nhận lại), nào là tiền ăn, tiền ở, tiền sách vở, tài liệu, thuốc thang…v.v. Vì em không có 2 tay không thể tự chăm sóc bản thân nên phải có bố vào ở cùng với em để chăm sóc nên chi phí phải tăng lên gấp đôi. Bố mẹ em giờ đã già yếu (gần 60 tuổi) nên sức khỏe không được như trước. Bố em là thương binh 4/4 lại bị chấn thương sọ não thường xuyên tái phát, bị cắt bỏ ¾ dạ dày và bị thoái hóa khớp chân trái không co lại được nên việc đi lại rất khó khăn nhưng bố vẫn xin Giám đốc kí túc xá để được làm tạm vụ. Mẹ thì mắc bệnh đau đầu thần kinh tiền đình hay bị đau ốm. Giờ chỉ có một mình mẹ ở nhà làm ruộng kiếm tiền để nuôi đứa em trai đang học trung cấp ngoài Thái Bình và 2 bố con em ở trong này. Khó khăn càng chồng chất khó khăn. 

Trong lúc khó khăn thì em may mắn được biết đến Học bổng SVQN qua sự giới thiệu của cô Nguyệt nên em viết thư này kính mong Học bổng SVQN xem xét cấp học bổng cho em để em được tiếp tục đi học và theo đuổi ước mơ. Ước mơ của em sau này sẽ trở thành một kỹ sư Công nghệ thông tin để em có thể góp chút sức lực nhỏ bé của mình cống hiến cho xã hội. Nếu em may mắn được nhận học bổng thì em sẽ sử dụng nó cho việc học tập và tham gia vào công tác từ thiện.

           Em xin chân thành cám ơn!


                                                                            Em: Nguyễn Minh Phú
                                              ĐH CNTT – ĐHQG-HCM, KP6, P.Linh Trung, Thủ Đức.
                                                                               ĐT: 0936.100.616
                                                                      Email: minhphu177@gmail.com

Monday 8 October 2012

FED



       FED là tên gọi tắt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
       FED có các nhiệm vụ sau:
1.   Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tác động các điều kiện tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn
2.   Giám sát và quy định các tổ chức ngân hàng đảm bảo hệ thống tài chính và ngân hàng quốc gia an toàn, vững vàng và bảo đảm quyền tín dụng của người tiêu dùng
3.   Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và kiềm chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính
4.   Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức quản lý tài sản có giá trị, các tổ chức chính thức nước ngoài, và chính phủ Hoa Kỳ, đóng vai trò chủ chốt trong vận hành hệ thống chi trả quốc gia.
         Do cơ chế vận hành khác biệt, FED tuy được gọi là ngân hàng Trung ương, của chính phủ nhưng thực chất lại thuộc sở hữu của các ngân hàng thành viên – bản chất là ngân hàng tư nhân.
         Nếu nói về “nhóm lợi ích” thì  FED chắc chắn là nhóm có sức mạnh và độ chi phối lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, do bị ràng buộc của nền hành pháp vững chắc, FED không thể tự mình tác oai tác quái để thâu tóm và đưa lại lợi ích cho mình theo cách tham lam nhất có thể mà “các nhóm lợi ích” như chúng ta biết đã từng làm…
         Mới đây, FED vừa kết thúc cuộc họp chính sách định kỳ bằng tuyên bố tung ra một chương trình mua trái phiếu không giới hạn với quy mô 40 tỷ USD/tháng để hỗ trợ tăng trưởng và giảm thất nghiệp. Đây chính là chương trình nới lỏng định lượng thứ ba (QE3) mà thị trường đã đồn đoán và chờ đợi bấy lâu. Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, đây là lần thứ 3 FED tung ra chính sách này, trước đó là QE1 và QE2.

          Nội dung của QE3 là FED tiếp tục mua trái phiếu chính phủ, tiền vì vậy được đưa thêm vào lưu thông. Bởi có thêm tiền trong lưu thông, lãi suất sẽ giảm xuống và chi tiêu, vay ngân hàng sẽ gia tăng. Mục tiêu hướng đến tăng trưởng và giảm thất nghiệp đang ở mức cao thật là rõ ràng.

          Chính sách được một tổ chức tài chính lớn cân nhắc ban hành, chắc chắc sẽ ảnh hưởng tới kinh tế nước Mỹ và thị trường chứng khoán nước này, sau đó lan rộng ra toàn cầu.
     
         Tôi chưa trả lời được câu hỏi: thế thì chính sách này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?
         Cũng như chưa trả lời được câu hỏi của người bạn cùng khóa mà thầy dạy môn Kinh tế Chính trị đứng lớp cách đây 25 năm còn mắc nợ trong một buổi thảo luận: “Thưa thầy, giải thích giúp chúng em, thế giới đang "chuộng" usd, nước Mỹ họ có "máy in tiền usd" thế thì điều gì sẽ xảy ra nếu nước Mỹ không làm gì cả, cứ ngồi in usd cho thế giới  sử dụng và dự trữ…”. Mặc dầu tôi được biết FED chỉ giới hạn tiền usd in ra chưa tới 400 tỉ hiện lưu thông trên toàn thế giới, câu hỏi trên vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

         Ùh...FED như vậy đó, đâu có dễ hiểu như ta tưởng. Nhất là cái khoản “là ngân hàng Trung ương, ngân hàng của chính phủ Mỹ nhưng thuộc sở hữu tư nhân”.
        Thật là đau cái đầu, "Đâu Cái Đài".

         PVH

Friday 5 October 2012

Sắc Huế vào Thu


Huế đang vào thu! Những bước đi vào mùa của Huế thật là lạ lùng, bất chợt, làm cho mỗi giác quan của con người cứ bối rối ngẩn ngơ, không biết đón nhận buổi giao mùa bằng một thứ tình chi cho vừa lòng kẻ đến.


Có những ngày nghe hơi lạnh rùng mình trên da thịt thoáng sần lên một chút gai ốc “đổi trời, tưởng như từ đây mưa phùn sẽ lâm râm không ngừng trên mái ngói, bỗng nhiên cơn nóng ở đâu về bất chợt, như một nỗi nhung nhớ mùa hè, nồng nàn hâm hấp những giọt mồ hôi thấm bết tóc mai.
Ngỡ ngàng, lưỡng lự là những ngày đầu thu của Huế, như một nỗi bấp bênh! Ðang mưa bỗng nắng, đang buồn bỗng vui ! Có chắc chắn chi một cơn gió heo may, để cứ đinh ninh mùa thu mãi hoài chìm trong màu tím! Có bền bỉ chi những cơn mưa đuổi nhau trên đầu sóng, để cứ mãi tin từ đây bốn bề hiu hắt lòng rộng không che! Huế đang say đắm rực rỡ với chiều vàng trên sông Hương, bỗng nhiên não nùng rũ rượi trong màu xanh thủy mặc trên những con đường cây lá giao nhau trong Thành Nội. Huế suốt một ngày mây xám vần vũ xao xuyến cả bầu trời tháng tám, tưởng trăng lạnh đầu non không bao giờ trở lại, bỗng đâu nửa khuya trên gối đầy ắp ánh trăng liêu trai, vằng vặc, quyến rũ và mê hoặc như một tình nhân bí mật không hẹn mà về.
Hãy đừng tin chi vào chút nắng trên hàng cau nơi thôn Vỹ ! Một buổi sáng trời trong như ngọc, trái tim chưa kịp reo vui với nỗi mong đợi một ngày đầy nắng ở nơi đây ,chưa chi đã nghe đâu đó trong thoáng gió bay về hơi nước của cơn mưa đang ào ạt nơi cầu Bến Ngự. Cũng đừng vui hay buồn chi với cơn mưa buổi sáng nơi đường Ngự Viên, tưởng như cầm chân được ai đang dứt áo ra đi thành người ở lại nơi đây vĩnh viễn. Chỉ chưa đầy một chút quay lưng ra áo, nắng đã lên, lấp lánh ngoài sân, quí giá như vàng ngọc, mời gọi ra ngõ, rủ nhau đem áo ra phơi ngoài dậu, thúc dục kẻ hành nhân rảo bước...
Và cứ thế những ngày qua đi, không vội mà như có tiếng dục giã của thời gian đang nhuộm lần sắc nhớ...
Những khi nắng lên, những khi mưa về bất chợt, Huế vào thu đã không dành cho tôi một ý niệm, một hình ảnh cố định nào đề con tim chiều theo một nhịp. Buổi giao mùa của Huế cứ giăng mắc những mảng trời vô định, vần vũ những đám mây lang thang như một thứ thiên la địa võng bao phủ lấy tâm hồn, nhận chìm con tim xuống một vùng vực thẳm mơ hồ nào đó, mất hút nẻo đi về, và lũ giác quan như những kẻ mù, sờ soạng trong không gian vô bờ của gió, của nắng, của mưa, của trăng, của sương, của mây, bỗng trở thành nhạy cảm đến mức tinh vi trong sự lắng nghe âm vang của tiếng mùa nơi từng giọt mưa rơi, nơi từng rung động của lá, nơi từng câm nín của ánh  trăng...nơi từng bước chuyển trong muôn ngàn nẻo vô thường của Huế đầu thu.

PK

Wednesday 3 October 2012

HOẠT ĐỘNG TẶNG CẶP SÁCH VÀ ÁO MƯA CHO HỌC SINH Ở LỚP HỌC NGHÈO THÔN THANH LAM – THỊ TRẤN PHÚ ĐA





Bắt đầu vào năm học mới 2012-2013, lớp học nghèo do người thầy tàn tật đứng ra giảng dạy cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường ở Thôn Thanh Lam – thị trấn Phú Đa có 11 em xin đăng ký đi học, nhưng hiện tại lớp mới chỉ có 6 em đang theo học, 5 em còn lại vẫn chưa đi học được, do 5 em này là con em của những hộ dân vạn đò sống quanh các con sông ở Thành Phố Huế, vì cuộc sống quá khó khăn nên không có tiền để cho con đến lớp, các em này tuy còn nhỏ nhưng đều phải lênh đênh trên sông nước để phụ giúp bố mẹ công việc đánh bắt thủy hải sản. Theo thầy Trai thì đa số các em này có độ tuổi từ 7-11 tuổi nhưng chưa một lần được đi học. Tuy gia đình các em này sống cách thi trấn Phú Đa khoảng 30Km, nhưng vì gia đình các em có người thân đang sinh sống ở đây nên biết về lớp học miễn phí của thầy Trai, vì thế đã giới thiệu cho bố mẹ các em về lớp học này và đăng ký xin cho các em về học để biết chữ để sau này có một tương lai tươi sáng hơn. Tuy cuộc sống của thầy và trò đều rất khó khăn, bản thân thầy thì bị tàn tật không làm việc nặng được nên không thể giúp vợ con về vấn đề tài chính, còn trò thì đa số là con em của những gia đình nghèo khổ, có mức thu nhập thấp nên cũng không thể giúp thầy giải quyết vấn đề khó khăn về tài chính, chỉ có thể lấy công sức lao động của mình để giúp thầy như cuốc đất, trồng khoai, sắn và thu hoạch khoai sắn…nhưng cả thầy và trò đều rất vui vẽ, thầy luôn nhiệt tình truyền đạt những kiến thức mà mình có được bằng những phương pháp khác nhau nhằm giúp trò có thể tiếp thu bài một cách nhanh chóng và trò cũng cố gắng chăm chỉ học tập để không phụ công thầy. Để giúp thầy và trò có điều kiện dạy và học tốt hơn, ngoài số tiền 3.000.000đ mà chúng tôi đã trao tặng cho lớp học đợt trước. Hôm nay, ngày 27-09-2012 thông qua sự tài trợ của những tấm lòng hảo tâm chúng tôi đã tiến hành mua cặp sách và áo mưa để tặng cho những em đang theo học ở lớp học này, vì đa số các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn nên bố mẹ không có tiền để mua cặp sách cho các em, các em phải bỏ sách, vở, bút…vào trong túi ni lông rất bất tiện. Ngoài ra, về mùa mưa thì đa số các em đều không có áo mưa để mặc, các em phải lấy những tấm ni lông lớn để che mình lại cho đỡ ước hoặc phải mặc những cái áo mưa củ rách nát nên về mùa này mỗi khi đến lớp các em đều bị ướt và vấn đề sức khỏe của các em cũng không được đảm bảo. Hiện tại do lớp học mới chỉ có 6 em theo học nên chúng tôi chỉ tặng cặp sách và áo mưa cho 6 em này, trong thời gian tới nếu 5 em còn lại đi học chúng tôi sẽ tiến hành tặng cho các em. Hy vọng với chiếc cặp sách mà chúng tôi trao tặng sẽ giúp các em có cái để đựng sách, vở, bút… đàng hoàng hơn, còn áo mưa sẽ giúp các em không bị ướt cũng như đảm bảo vấn đề sức khỏe cho các em trong mùa mưa vì mùa mưa cũng sắp đến gần. Tuy được coi là một lớp học nhưng điều kiện dạy và học ở đây còn rất nhiều thiếu thốn, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm, mọi sự giúp đỡ dù lớn hay nhỏ điều rất có ý nghĩa cho thầy và trò ở lớp học này, giúp thầy và trò có điều kiện để dạy và học tốt hơn cũng như động viên thầy và trò cố gắng vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Monday 1 October 2012

THÊM MỘT MÙA BỘI THU




Cứ mỗi mùa gặt hái, bà con lại nô nức ra đồng. Ở nhiều miền quê già, trẻ, trai, gái đều ra đồng, càng nhiều càng tốt với mong muốn trời đất ôn hòa để hoàn thành thu hoạch một vụ lúa xuông sẽ.
 Năm nay một mùa thu hoạch nữa lại đến, bà con lại mừng rỡ nhưng lại đầy lo âu. Vì sao vậy? Vì sự sống của tất cả các thành viên trong gia đình phụ thuộc vào những hạt thóc đó. Một khi mùa mưa lụt kéo đến, "trên mưa dưới nước", nhiều bà con ở một số vùng nông thôn thất nghiệp,  không có việc gì làm, chỉ biết khoanh tay, ăn không ngồi rồi". Sự sống của họ nhờ vào những hạt thóc thu được từ hôm nay. Bà con phải trãi qua rất nhiều công đoạn với thời gian 3 tháng mới cho được kết quả hôm nay. Nếu hôm nay mùa thu hoạch có trắc trở gì thì không biết sự sống của bà con sẽ ra sao nữa. Có lẽ họ phải chịu sống cảnh cùng cực, cơ hàn thôi. Có ai thông cảm và sẽ chia cùng sự khốn khổ của họ không?
May sao, mùa thu hoạch năm nay thời tiết khá thuận lợi, bà con lại được "Thêm một mùa bội thu", nhen nhóm hy vọng nhỏ nhoi ấy của bà con phần nào được thỏa mãn. Đó cũng chính là nguồn an ủi giúp họ vượt qua khó khăn, quên cả những nỗi nhọc nhằng một khi mùa thu hoạch đến.

H.S