Saturday 30 April 2016

Ngọ Môn - Đại Nội


Hơn 40 năm trời ở Huế, hôm qua mới có dịp chụp được tấm hình Ngọ Môn về đêm, nhân khai mạc Festival Huế 2016.
"Huế luôn luôn mới"
PVH

Wednesday 27 April 2016

HUẾ MÌNH ĐẸP LẠ


(st)
          Từ ngày 19-24/4, tại cụm sân An Cựu City, Huế; giải vô địch Nam tennis toàn quốc đã được tổ chức rất thành công, thu hút sự quan tâm của giới hâm mộ thể thao thành phố cũng như cả nước.
          Mới làm quen với quần vợt chưa tới 10 năm nhưng tôi đã kết duyên với môn thể thao này và cùng có niềm đam mê ngang bằng với môn bóng- thể thao vua vậy.
          Cũng nhờ đam mê mà biết thêm các vùng đất mới thông qua các giải Grand Slam Tennis hàng năm như Úc Open, Pháp Open, Wimbledon, Mỹ Open và hàng chục giải ATP 1000, 500, 250 khác tại những thành phố nổi tiếng trên khắp thế giới.
          Rất ấn tượng với những cảnh quay từ trên cao của các tay máy chuyên nghiệp quốc tế, qua đó mới biết được một New York lung linh thế nào về đêm, một Paris xanh mướt ra sao trong mùa hè, một London "phớt tỉnh" thế nào với những mặt cỏ xanh rì và đồng phục thi đấu bắt buộc trắng tinh của các danh thủ, và một Sydney rạng rỡ với nhà hát hình các con hàu???
          Nhưng suốt tuần qua, khi xem tennis trực tiếp qua kênh Thể Thao TV, phần điểm tin tức đầu các trận đấu mới thấy được Huế mình đẹp chi mà đẹp lạ. Cũng là Đại Nội, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, lăng Khải Định ....đó thôi, nhưng qua cách nhìn và góc quay đặc biệt của các tay máy rất "kết Huế" tôi thấy thành phố mình đang sống đẹp vô ngần, đẹp long lanh, duyên dáng, kiêu sa, mộng mơ, trầm mặc, trong trắng, tinh hương, đầy sức sống và niềm tin vươn tới tương lai.
          Từ đó mới hiểu thêm một ẩn ý của câu thơ ai đó ngâm nga" Huế mình đẹp nhất lòng dân". Vâng, chỉ có lòng người, tình người chân thật mới cảm nhận ra được nét đẹp sâu thẳm của xứ Huế mình thương...

          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Monday 25 April 2016

NIỀM VUI


Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nắng nóng là tình trạng học sinh bị đuối nước liên tục xảy ra trên khắp mọi miền của đất nước. Đây không chỉ là nỗi lo của các bậc phụ huynh mà cũng là nỗi lo chung của toàn xã hội. Với mong muốn giúp cho các em nhỏ rèn luyện sức khỏe, ng cao nhận thức cũng như kỹ năng tự thoát hiểm khi gặp sự cố trong môi trường nước nên Trung tâm chúng tôi đã hợp tác với UBND thành phố Huế thực hiện dự án phổ cập bơi dành cho các cháu học sinh tiểu học. Đây là năm thứ 4 dự án được triển khai tại thành phố Huế và là năm thứ 2 dự án được triển khai tạithị xã Hương Thủy.
Vào sáng ngày 19 tháng 04 năm 2016 tại bể bơi Hương Thủy, đại diện PGD, BĐH Trung tâm, giáo viên các trường và đông đảo phụ huynh đưa con đến tham dự buổi tổng kết khóa bơi 2015- 2016Qua buổi kiểm tra đánh giá thì có hơn 90% số em bơi được cự ly 25m và 10% còn lại có thể đứng nổi dưới nước
Với thành tích đã đạt được, thầy Nguyễn Thanh Hưng vô cùng phấn khởi. Thầy Hưng thay mặt cho PGD Hương Thủy gửi lời cám ơn đến chủ tịch HĐQT, BĐH Trung tâm đã tạo điều kiện cho các cháu nhỏ ở đây có một sân chơi thật bổ ích và trên hết là đã có gần 500 em đã biết bơi nhờ vào dự án phổ cập bơi của Chương trình.
Vui mừng không kém thầy Hưng là bà Nguyễn Thị Lan mẹ của một học sinh trong khóa học cho biết: “ Tui vui quá mấy chú ơi, ngày mô cũng nghe báo đài đăng tin trẻ nhỏ bị đuối nước tui lo lắng lắm, hôm ni thấy thằng con nhà tui bơi được tui vui quá, cảm giác lo lắng cũng đã tiêu tan rồi mấy chú à”!
Về bản thân, tôi là người theo dõi các em từ buổi học đầu tiên cho đến ngày hôm nay. Khi tôi thấy các em bơi được trong nước, thấy nụ cười mãn nguyện của các bậc phụ huynh tôi hết sức vui mừng. Một lần nữa, tôi xin thay mặt những người được hưởng lợi từ dự án xin gửi lời cám ơn, lời chúc sức khỏe đến chủ tịch HĐQT đã quan tâm giúp đỡ cho người dân địa phương. 
Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật lý

Saturday 23 April 2016

Tháng 4


 Mở đầu tháng 4 Huế chào hạ với hội chợ sách và những đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở một vài địa điểm phòng trà của Huế. 

Hội chợ sách là những cuốn sách cũ hay tựa sách đã lỗi thời được giảm giá mạnh. Người ta đến với hội chợ sách vẫn đông và đa phần là những sinh viên, học sinh. Thế mới biết trong thời đại công nghệ này không hẵn văn hóa nghe nhìn đã thắng thế tuyệt đối so với văn hóa đọc, thứ văn hóa tạo nên trí tuệ nhạy bén và tâm hồn con người sâu sắc.

Như thường lệ mọi năm ngày đầu tiên của tháng 4 người ta lại tổ chức đêm nhạc với những cac khúc của Trịnh Công Sơn để tưởng nhớ ngày mất của ông. Và thật trùng hợp ngày này cũng là ngày cá tháng tư, ngày quốc tế nói láo, ngày mà người ta nói dối bông đùa nhau cho đời thêm “mập mờ”. Trịnh Công Sơn sinh ra ở Dak lak và lớn lên trưởng thành ở Huế nên có thể nói tính cách và tâm hồn của ông được xây dựng từ Huế nên tâm hồn ông mang một màu Huế “rặc”. Xứ Huế đượm buồn man mát như là một luồn gió thổi vào tâm khảm những người sống nơi đây nên dễ sinh ra ý tứ thơ văn, ca từ. Có lẽ chính vị vậy nơi đây có khá nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn. Và cũng chính vì thế Trịnh Công Sơn cho ra đời đa phần là những nhạc trữ tình đượm buồn, nhiều khi u uất đến những ca từ thật sự trừu tượng khó hiểu. 

Tháng 4 này Huế cũng tất bật lo trang hoàng đường phố và dọn dẹp lòng đường cho “ngăn nắp” để Huế bước vào mùa lễ hội, mùa Festival lần thứ 9 tại Huế. Đến hẹn lại lên cứ 2 năm một lần vào năm chẵn Huế lại làm Festival một lần. Ngân sách thu lại từ việc tổ chức sự kiện thì không nhiều nhưng nó lại có tác động xã hội ghê gớm. Những con người tưởng chừng như bần cùng tới nơi có việc làm. Ai ai cũng có thu nhập khi du khách kéo đến Huế. Người đạp xích lô thồ hàng nay chuyển qua xích lô du lịch, đạp suốt nhưng sạch sẽ và thu nhập hơn. Người bán hàng rong cũng bán nước được nhiều hơn khi khách du lịch lên cơn khát trong cái nóng oi bức của đất Kinh kỳ này. Còn nhà hàng, khách sạn thì khỏi bàn, khách vào ra cũng tấp nập hơn, hàng hóa chạy cũng nhanh hơn…

Tháng 4 này cũng là tháng kỷ niệm ngày quê hương thống nhất về một cõi “từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Nhà nhà sum họp, quê hương thôi không còn điêu linh.


Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Anh Văn

Friday 22 April 2016

Lớp học bơi tại khu vực Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế


Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước chính vì thế trang bị cho trẻ những kỹ năng sống là mục tiêu hàng đầu hiện nay. Đặc biệt phổ cập bơi cho học sinh tiểu học là một trong những kỹ năng cần thực hiện nhất, mục tiêu là trang bị cho các em những kỹ năng cơ bản khi vận động trong môi trường nước; phát triển thể chất, nâng cao nhận thức khi hoạt động dưới nước nhằm phòng tránh những nguy hiểm khi lụt lội và giảm thiểu các tai nạn về sông nước trên địa bàn thành phố Huế. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất cả nước. Do đó, phổ cập bơi cho các đối tượng trong đó các em học sinh là yêu cầu cấp bách và cần thiết trong việc phòng chống tai nạn do đuối nước gây ra.
Tiếp tục mở rộng dự án "phổ cập bơi cho học sinh tiểu học" phối hợp với UBND TP Huế và phòng giáo dục thành phố Huế được triển khai lần đầu vào năm 2012, đến năm nay, tiếp tục triển khai rộng rãi trên khắp địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm tạo điều kiện cho tất cả trẻ em nghèo ở khắp nơi trên mọi vùng miền của địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được hưởng lợi.

Năm nay lớp học bơi khu vực Hương Thủy có vẻ chuyên nghiệp và hiện đại hơn lớp học bơi tại xã Lộc Bổn vào năm ngoái (những địa điểm mà tôi có cơ hội kiểm tra). Các em được vùng vẫy trong hồ bơi chuyên dụng, không còn cái cảnh Thầy và trò phải giăng lưới trên phá Tam Giang, hay lặn xuống làm vệ sinh khu vực đó trước khi để các em xuống bơi vì sợ mảnh chai hay những vật nguy hiểm cho quá trình học bơi của các em, thậm chí khu vực khởi động cho trẻ cũng không "đâu vào đâu"…Rồi không biết kết quả học bơi như thế nào, có bơi được hay không sau khi hoàn thành khóa học nhưng rõ ràng một điều là các em bị các bệnh về da như mụn nhọt vì các em học bơi trong môi trường nước trộn lẫn với bùn… Đặc biệt năm nay yêu cầu đối với trẻ học bơi tại khu vực Hương Thủy hơn hẳn năm ngoái, ngoài yêu cầu về độ tuổi, thêm một yêu cầu mà tôi nghĩ là hợp lý đó là phụ huynh phải đưa đón con khi đi học và tan học, tránh tình trạng năm ngoái tại khu vực xã Lộc Bổn, có em học sinh tan học, tự đi về và bị tai nạn do không có ai quản lý trên đường đi mà các em thì lại quá hiếu động..

Tuy nhiên, trên tất cả là dự án đã làm đúng với những gì nhà tài trợ đã tâm huyết nhằm hạn chế tối đa hơn nữa tình trạng chết đuối của trẻ em (gần 6000 trẻ em/năm) và nâng cao sức khỏe cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước. Hy vọng và hy vọng hơn nữa…

Đinh Thị Thúy Hằng
Cử nhân Anh Văn

Thursday 21 April 2016

CHẤT LƯỢNG VỆ SINH CỦA "ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ"


 Có thể nói, ẩm thực đường phố là một nét văn hóa không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của các nước trên thế giới nói chung và cả ở Việt Nam ta nói riêng. Đặc biệt là ở các thành phố lớn thì lượng thức ăn nhanh, thức ăn bán ở vỉa hè càng mọc lên đông đúc. Không nói đâu xa, chỉ riêng thành phố Huế chúng ta không thì cũng không thể thống kê hết có bao nhiêu hàng quán bán thức ăn vỉa hè. Ngoài ra thì còn có những gánh hàng rong, những chị tay xách nách mang hàng hóa đi bán khắp các hang cùng ngõ hẻm. Dường như xã hội ngày càng hiện đại thì người ta đều có xu hướng chuyển sang ăn những thức ăn nhanh, vừa tiện lợi lại nhanh chóng. Hơn nữa, những thức ăn được bày bán ở vỉa hè dường như trông ngon và hấp dẫn hơn, trông rất bắt mắt nên thu hút đông đảo thực khách. Nhưng đằng sau những món ăn đầy hương vị và hấp dẫn này cũng tồn tại những mối nguy hiểm không ngờ tới ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tất nhiên, hầu hết mọi người đều nhận thức được rằng, chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm tại hầu hết các quán bán vỉa hè đều không được đảm bảo nhưng đều nhắm mắt cho qua bởi sự tiện lợi của nó.
Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, khi mà chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm đang gióng những hồi chuông báo động đỏ về sự mất vệ sinh và an toàn thực phẩm. Hàng ngày, thông qua các thông tin đại chúng như tivi, báo đài, internet chúng ta đều nhận thức được là người dân ta đang tự đầu độc lẫn nhau bằng cách đem tẩm những hóa chất độc hại vào trong các thực phẩm đem bày bán tràn lan trên thị trường. Chính những điều này khiến cho những bà nội trợ phải hoang mang khi đứng trước những mặt hàng mà sạch bẩn lẫn lộn. Vậy thì chúng ta hãy tự đặt câu hỏi là, với những thức ăn vừa nhanh lại vừa rẻ liệu có đảm bảo an toàn? Mỗi chúng ta hãy tự cân nhắc để rồi đưa ra cho mình những quyết định đúng đắn khi lựa chọn thực phẩm sạch cho bản thân, cho gia đình. Chúng ta đừng nên bỏ tiền ra để rồi mua bệnh vào người. Ngày nay, dường như căn bệnh ung thư đang ngày một càng quét nhân loại và người mắc bệnh đang ngày một trẻ hóa. Chính vì vậy mà chúng ta hãy cẩn trọng  hơn trong cách ăn uống của mình.


Phan Thị Mến
Cử nhân Quản trị kinh doanh

Wednesday 20 April 2016

NIỀM ĐAM MÊ BÓNG ĐÁ


(Ảnh minh họa)

Thời đá bóng bằng rơm khô, bao ni lông, dây chuối khô,… được vấn tròn thành quả bóng, thậm chí là trái dừa khô đã qua đi từ nhiều năm tháng. Nhưng những kĩ niệm và niềm đam mê bóng đá luôn hiện hữu trong lòng mình. Nó vừa phản ánh thuở ấu thơ một thời, đồng thời nó vừa là niềm đam mê khao khát được thể hiện nghệ thuật, tài năng môn thể thao này.
Dù chỉ trên một thửa ruộng bị bỏ hoang hay vừa gặt xong, một góc sân nhỏ, một đoạn đường xóm trong làng, hay một bãi đất trống nào đó, bất kể lúc nào dù trời nắng hay mưa nếu có cơ hội là bạn bè rủ nhau chơi đá bóng một cách hăng say quên cả mệt nhọc. Nếu ngày nào vì lí do nào đó không tụ tập chơi bóng được thì tâm trạng rất buồn bã. Hầu như ngày nào cũng chơi bóng đá, cho dù hôm nay mệt lử, thậm chí bị thương tích nhưng ngày mai vẫn tiếp tục chơi.
Thuở xưa, chúng tôi chơi bóng đâu có khái niệm để thể dục, rèn luyện sức khỏe; chỉ duy nhất một điều đó là sở thích, và niềm đam mê (trong đó một phần vì không có điều kiện để chơi các trò chơi khác như tuổi trẻ bây giờ).
Giờ đây, bóng đá không chỉ là niềm đam mê, sở thích, mà còn là để rèn luyện sức khỏe, tăng cường tính đoàn kết, phát huy tinh thần đồng đội, giao lưu, mở rộng mối quan hệ quen biết,…Tuy  không có nhiều thời gian, không còn là tuổi trẻ, không còn là  sức khỏe dồi dào như ngày xưa nhưng niềm đam mê bóng đá ấy không bao giờ bị mai một trong suy nghĩ.
Tôi luôn nghĩ rằng bóng đá mang tính nghệ thuật và sáng tạo rất cao, tinh thần đồng đội, đoàn kết rất hiệu quả, mang lại cho mọi người một tinh thần sản khoái, một cảm giác thật hạnh phúc hơn bao giờ hết, và hạnh phúc vui sướng nhất là thời khắc đội mình ghi bàn sút tung lưới đối phương.

Hồ Sơn

Cử Nhân Kinh Tế - Huế

Tuesday 19 April 2016

GÓP NHẶT CHUYỆN CŨ


          Nhiều khi chuyện cũ muốn quên đi cũng không được. Có những chuyện theo ta suốt cả cuộc đời. Tự hỏi, nếu được kể ra vài việc mà bản thân nhớ được từ hồi còn nhỏ tới nay, chắc tôi sẽ kể ngay ra những câu chuyện sau đây mà không cần đắn đo soát lục trí nhớ.
Chuyện thứ 1: Là người đam mê trái bóng, thời ở quê mỗi khi có việc liên quan tới quả bóng tròn là tôi cố tới tham gia cho bằng được. Một hôm, thấy các anh trong xóm lăn "quả bóng tròn" bằng sắt nặng trịch, tôi cũng tham gia. Tối về khoe với "mạ" rằng: hôm nay cùng các anh chơi vui lắm, có quả bóng tròn và nặng lắm. Mạ tôi hỏi han cụ thể sau đó kết luận "bom bi" đó con, nên tránh xa, riêng mạ sẽ báo cho các phụ huynh biết.
          Sáng sớm hôm sau tôi  trốn mạ, dậy sớm ra chỗ chơi lăn "bóng sắt", có một số anh lớn đang cầm bi tròn lăn qua lăn lại. Tôi hô to " bom đó, nổ chết chừ". Các anh khựng lại một chốc, sau khi hiểu ra điều tôi muốn nói, ai nấy đều chạy biến, bỏ lại mấy cục bi tròn trên nền cát. Sau này nghĩ lại tôi thấy mình khi đó cũng hơi liều, nhưng khá có trách nhiệm. Và coi đó là "việc làm thiện" có ý nghĩa  đầu tiên của cuộc đời. Việc này đã trôi vào dĩ vãng cùng với chiến tranh, bom đạn.
Chuyện thứ 2: Sau chiến tranh, được về Huế học là niềm vui lớn, vì tất cả đều mới mẻ, chỉnh chu không giống làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên.
          Tôi có chơi với một nhóm bạn thích giúp người khác đặt biệt là người già cả neo đơn. Chúng tôi hẹn nhau một tuần sẽ cùng tới nhà một cụ già không con cái trong phường, nơi các bạn đang sống để giúp các ông bà dọn dẹp nhà cửa, làm vườn và trồng rau xanh... Thỉnh thoảng nấu giúp ông bà một nồi cơm, với củi khô gom được khi dọn vườn. Hoạt động này của chúng tôi mặc dù là tự phát và không cho ai ngoài nhóm biết, nhưng không biết bằng cách nào được nhà trường ghi nhận và phát động thành phong trào cho toàn liên đội noi theo. Phong trào "Trần Quốc Toản" hình thành từ đó. Trường tôi học là một trường trong thành nội luôn dẫn đầu phong trào Trần Quốc Toản toàn thành phố mấy năm liền.
Chuyện thứ 3: Cách đây hơn 15 năm, một lần gần Tết tôi bàn với gia đình là bớt ít thu nhập có được mua quà tết tặng người nghèo mà mình biết. Ngoài  một vài hộ nghèo sống chung khu phố, tôi cùng vợ đi tìm một cụ già neo đơn sống một mình trên con thuyền nhỏ trước chùa Thiên Mụ.
          Đây là cụ già tôi đã gặp rất nhiều lần khi đưa các bạn Nhật thăm cảnh chùa bằng thuyền du lịch. Chiều 30 Tết, khi tới các nhà gần bến Thiên Mụ hỏi thì được biết bà cụ hiện đang neo thuyền ở bến đối diện. Xuôi về hạ lưu một chặng, chúng tôi hỏi một gia đình vạn đò đang neo thuyền chuẩn bị đón Tết, thì được người chồng sẵn sàng chở vợ chồng tôi qua bờ bên kia để thăm cụ già. Chuyến đò cả đi và về khoảng 45 phút, và chúng tôi đã trao được quà. Chúng tôi muốn hậu tạ người đưa đò tốt bụng nhưng không biết bằng cách nào cho tế nhị. Vợ tôi đề nghị tặng anh chị và các cháu đòn chả và cuộn nem chúng tôi mua để dùng tết đang treo trên xe. Tôi cho là ý kiến hay. Nhưng cũng phải "năn nỉ" mãi thì vợ chồng anh "vạn đò" mới nhận cho. Chúng tôi cảm nhận được sự tốt bụng của đôi vợ chồng "vạn đò" cùng đàn con nheo nhóc sống trên con thuyền chật chội. Chắc anh chị và các cháu giờ đây đã yên ổn định cư tại một căn nhà kiên cố rộng rãi đưỡ xây dựng theo chương trình tái định cư dân vạn đò do thành phố Huế triển khai, và cũng đang mở lòng giúp đỡ nhiều người nghèo khó khăn khác.
          Chuyện thì rất cũ nhưng chắc tình cảm lồng trong đó thì không bao giờ phai nhạt trong ký ức những người liên quan.

          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Friday 15 April 2016

KHẢO SÁT HỘ DÂN VAY VỐN


          Công việc của chính của chúng tôi là hoạt động tín dụng, từ nguồn lãi tín dụng này, chúng tôi lại tiếp tục triển khai nhiều chương trình, nhiều việc thiện nguyện khác để giúp đỡ người dân, trẻ em trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
          Quá trình khảo sát các hộ dân vay vốn ở từng địa bàn do mỗi một nhân viên phụ trách là không thiếu được. Trong tháng 4/2016, sau khi ấn định ngày giờ với cộng tác viên, nhóm chúng tôi đã tiến hành về địa bàn phường Thủy Châu – thị xã Hương Thủy để khảo sát các hộ dân được đề xuất trong lần vay vốn này.
          Theo chân anh tổ trưởng tổ vay vốn, nhóm chúng tôi khảo sát gần được 10 hộ vay. Đa số bà con ở địa bàn trong lần khảo sát này đều là hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở gia đình, ở chợ Thần Phù. Độ tuổi của các chị rơi vào khoảng từ 40-48. Đến khảo sát các hộ dân này, các chị đều cho biết nguồn vốn của chương trình rất cần thiết không chỉ cho các chị mà còn cho toàn bộ người dân trên địa bàn phường Thủy Châu. Với hình thức vay vốn trả gốc và lãi hàng tháng, số tiền 4.000.000 đồng/hộ dân. Thời điểm tháng này nhóm chúng tôi sẽ giải ngân cho 1 tổ với tổng số tiền là 40.000.000 đồng. Qua việc khảo sát, một phần để nắm rõ tình hình hoạt động địa bàn do mình phụ trách, phần còn lại để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các chị em vay vốn là rất cần thiết.
          Các hộ dân vay vốn trong lần khảo sát này chủ yếu buôn bán ở khu vực chợ Thần Phù, trong đó có thể kể đến: chị Vân bán trứng, chị Thủy bán heo giống, o Não kinh doanh heo giống, chị An bán cháo, chị Hạnh bán áo quần … Qua buổi khảo sát, chuyện trò với chị em một cách cởi mở, họ cũng cho biết thu nhập cũng khá tạm ổn với cuộc sống gia đình cá nhân. Thu nhập vợ, thu nhập chồng cũng có thể gọi là có cuộc sống ổn định, con cái ăn học đàng hoàng.

          Thời gian đến, nhóm chúng tôi sẽ tiến hành giải ngân cho tổ vay vốn lần này và hy vọng với số tiền được nhận sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con nơi đây kinh doanh buôn bán.

Nguyễn Duy Tùng
Cử nhân Kinh tế
Cử nhân Môi trường

Wednesday 13 April 2016

THỰC TRẠNG CÁC KHU TÁI ĐỊNH CƯ Ở HUẾ


Khu tái định cư còn thiếu điện nước ở huyện Quảng Điền
(Ảnh từ nguồn Bienphong.com.vn)

Thừa Thiên Huế là địa bàn dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như mưa bão, sạt lở bờ sông và lở đất đặc biệt là ở xã Quảng Công, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền. Trước những thách thức đó, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đến môi trường trong đó có giải pháp tái định cư cho các hộ dân vạn đò, ở đầm phá. Tuy nhiên dự án khu tái định cư cho người dân có vẻ chưa được khả quan cho lắm nên một số người dân còn e ngại chưa chịu chuyển đến vì những lý do như khu định cư chưa có hệ thống điện nước không đầy đủ, đường dân sinh chưa hoàn thiện nên người dân chưa chịu chuyển đến sinh sống. Bên cạnh đó người dân quen việc đánh bắt thủy hải sản để mưu sinh nên khi chuyển đến khu tái định cư ở thì họ không thích ứng được vì không có đất sản xuất và không có kiến thức về sinh kế phi thủy hải sản.
Do đó, thiết nghĩ các tổ chức chương trình dự án của tỉnh sẽ hoàn thiện công trình điện nước đầy đủ và hỗ trợ sinh kế cho người dân chẳng hạn như đưa ra mô hình nông nghiệp chăn nuôi, các mô hình thí điểm đã thực hiện thành công. Nâng cao kiến thức và hiểu biết đối với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông và hậu quả của nó gây ra. Nâng cao nhận thức về lợi ích mà khu tái định cư mang lại như người dân có cơ hội được học hành, có khả năng sinh kế phi thủy hải sản. Nếu một số hộ muốn quay trở lại cuộc sống dân vạn đò và tiếp tục việc mưu sinh của họ thì sau này họ sẽ đối mặt  với nhiều khó khăn hơn. Chẳng hạn nhà nước sẽ không còn cấp tiền hỗ trợ nữa, quỹ đất trong các khu tái định cư thậm chí ngày càng thu hẹp và chi phí xây dựng nhà ở thậm chí còn cao hơn. Vì vậy giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, hy vọng người dân sẽ cân đong đo đếm để tránh được sự mất mát về sau.

Nguyễn Hoàng Quang Vinh
Cử nhân tiếng Anh

Cử nhân Quản trị Kinh doanh

Monday 11 April 2016

SỰ KỲ DIỆU CỦA GẠO

                         
             
Tháng vừa rồi ngoài công việc ra, chúng tôi đã cùng đoàn Bát Tràng đi ăn những món đặc sản ở Huế như bánh bèo, bánh nậm, bánh ram, bánh khoái, bánh cuốn...Tất cả các món đều mang một hương vị riêng ngon đến lạ thường. Mỗi món ăn đều kèm một nước chấm khác nhau nên thật không dễ để phân biệt từng hương vị của nó. Đặc biệt là các món ăn đều làm từ bột gạo mà người Việt Nam chúng ta rất cầu kỳ trong việc chế biến.
Chẳng hạn như bánh bèo. Những người thợ trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ từ khâu chọn gạo, xây bột cho đến đổ bánh... để làm sao chiếc bánh khi ăn phải vừa mềm, vừa dẻo nhưng không quá dai và vẫn giữ được hương thơm của bột gạo. Tương tự bánh khoái, ram ít, bánh cuốn, bánh chưng, phở, bún bò, xôi, cơm rượu... đều được chế biến từ tinh bột gạo hay gạo nếp. Từ đó ta có thể thấy nguyên liệu gạo là nguyên liệu truyền thống luôn có trong mỗi món ăn ẩm thực của người Việt Nam. Hiện nay các sản phẩm từ gạo đã được chế biến thành các sản phẩm ăn liền để phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các chế phẩm từ gạo cũng đã khiến cho thị trường Việt Nam nâng cao được chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu.
Hơn nữa nước gạo được lấy từ lúc vo gạo dùng để rửa mặt làm trắng da, ngăn chặn sự lão hóa, và giúp da trở nên đẹp hồng hào. Ngoài ra nước vo gạo cũng được dùng như sản phẩm làm đẹp khác chẳng hạn làm mặt nạ dưỡng da, dầu gội đầu, chống hôi miệng hay làm kem đánh răng
Thật là một kinh nghiệm thú vị đặc biệt khi biết rằng hầu như sản phẩm chúng ta dùng đều liên quan đến gạo. Chúng ta có thể tự hào về truyền thống nông nghiệp của chúng ta. Một nền nông nghiệp đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Chúng ta cũng tự hào sự tinh tế sáng tạo trong nền văn hóa ẩm thực mà cha ông chúng ta vẫn lưu truyền cho đến ngày nay. Một nền văn hóa ẩm thực đơn giản, tinh tế, hợp khẩu vị và được nhiều người nước ngoài ưa thích. Chúng tôi hy vọng rằng nền ẩm thực của Việt Nam sẽ có thương hiệu nổi tiếng để định vị trên bản đồ du lịch thế giới. Nhờ đó mà ẩm thực Việt Nam có thể hỗ trợ và giúp xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam trong tương lai thông qua sự nổi tiếng của mình.
Nguyễn Hoàng Quang Vinh
Cử nhân Tiếng Anh

Cử nhân Kinh tế QTKD

Saturday 9 April 2016

HÃY BIẾT NHẬN SAI VÀ SỮA SAI


 Đã là con người thì không có ai là hoàn hảoai rồi cũng sẽ gặp phải sai lầm những sai lầm đó có thể đến do chủ quan hoặc khách quan, nhưng quan trọng là chúng ta biết tự nhận ra sai lầm của mình  tìm cách khắc phục, có như vậy thì chúng ta mới ngày càng tiến bộ được.
Nhưng thực tế thì lại có rất ít người tự nhận ra được lỗi lầm của mình cho dù sự việc mình gây ra đã quá rõ ràng, nhưng vẫn một mực không chịu thừa nhận mà lại đỗ trách nhiệm cho người khác, nếu có nhận thì cũng chỉ nhận cho qua chuyện chứ không hề thành tâm. Vấn đề này không chỉ tồn tại ở những con người bình thường mà thậm chí là cả những người lãnh đạo ở các bộ, nghành, các công ty…, có nhiều sự việc gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân nhưng nhường như hiếm khi chúng ta thấy được những lời xin lỗi công khai và nêu lên hướng khắc phục cụ thể từ những người này, thậm chí có người chỉ xin lỗi cho qua chuyện rồi để yên ở đó.
Vừa rồi trên mạng xã hội có đăng tải clip về một vị Giám đốc và 100 nhân viên Công ty sản xuất kem Akagi của Nhật Bản cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng vì buộc phải tăng giá kem từ 60 yên lên 70 yên Nhật do khó khăn của nền kinh tế.Đây là sự việc mà họ không hề mong muốn và cũng phải do bản thân họ gây ra mà do khó khăn chung của nền kinh tế. Mặc dù đây là một hãng kem rất được người tiêu dùng ưu chuộng nhưng họ không vì thế mà họ coi thường trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng, việc làm của họ đã cho thấy họ rất tôn trọng người tiêu dùng. Có nhiều người cho rằng đây là cách để họ thu hút sự chú ý của người dân, nhưng theo tôi đây là một việc làm rất khôn ngoan và mẫu mực, rất có trách nhiệm đối với người tiêu dùng và rất đáng để chúng ta học hỏi.
Việc làm sai và nhận sai là rất cần thiết, nhưng vấn đề là phải làm gì để khắc phục những sai lầm đó lại càng cần thiết hơn, nó thể hiện ý thức, trách nhiệm và sự cầu thị của mỗi con người.
Nguyễn Xuân Quý
Cử nhân Kinh tế

Wednesday 6 April 2016

MÙI VỊ TRÁI CÂY QUÊ TÔI



Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một quê hương cho riêng mình. Tôi cũng vậy, và tôi rất yêu quê hương của mình. Yêu những người hàng xóm lâu năm, yêu những cây lúa trên cánh đồng, yêu luôn mùi vị trái cây quê hương những lúc đến mùa sai quả.  Đó là những thứ gắn liền với cuộc sống của tôi từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Có ai còn nhớ câu “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”. Mỗi khi nghe câu hát này nó làm tôi thêm yêu quê hương mình đến da diết. Nhớ những ngày hè nóng nực, tôi cùng đám bạn trải chiếu ngồi dưới gốc cây khế sau vườn để hóng mát. Gió thoang thoảng đung đưa nhánh cây tạo thành những làn gió nhẹ làm xua tan đi cái nóng đến mệt cả người .Hóng mát xong, chúng tôi lại trèo lên cây chọn những trái khế ngon nhất hái xuống, rồi cắt nhỏ thành hình ngôi sao năm cánh mời mọi người cùng ăn. Vị ngọt của trái khế làm dịu đi cơn khát trong mùa hè đầy nắng.
Mùa trái cây mà bọn trẻ chúng tôi mong chờ nhất ngày ấy vẫn là mùa mít. Từ khi cây mít mới đâm chồi đã làm chúng tôi mong mỏi chờ đợi. Không hiểu sao mùi vị chát chát của những trái mít non lại làm bọn tôi mê mẩn đến vậy. Khi ăn vị chát của nó trộn lẫn với vị mặn của muối, hoặc vị ngọt của ruốc hấp dẫn đến làm sao. Đến khi mít chín, thì mùi thơm tỏa ngát một vùng. Từng múi mít được cắt ra bày lên đĩa, vị ngon ngọt của nó không ai có thể chối từ. Những sợi xơ mít cũng được dùng để kho với cá khô, còn hột mít dùng để hấp với cơm nóng ăn rất béo ngậy. Mỗi khi đến mùa mít chín thì nhà nào trong xóm cũng đều được thưởng thức những món ngon giống nhau như vậy cả.
Ngoài ra, quê tôi nhãn lồng cũng được trồng rất nhiều . Nhãn lồng quê tôi trái của nó không to giống nơi khác, nhưng vị rất ngon, thịt của nó rất dày.  Đến mùa, từng chùm nhãn sai quả được bọc lại để cho trái được ngon hơn và để tránh chim ăn . Đối với món trái cây này, ăn bao nhiêu chúng tôi cũng không bao giờ thấy ngán.
Dù tương lai sau này có được đi đến vùng đất nào thì tôi vẫn chẳng bao giờ quên được mùi vị trái cây của quê hương tôi. Nó không chỉ đơn thuần là mùi vị trái cây, mà là mùi vị quê hương của riêng tôi.


Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế

Monday 4 April 2016

TỰ TRỒNG RAU TẠI NHÀ


Trước những nỗi lo về sự tình trạng kém vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại rau củ quả được bày bán ngoài chợ như rau bị phun thuốc, tiêm bơm hóa chất độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng cho nên việc tự trồng rau sạch tại gia đình là lựa chọn thông minh của người dân thành phố bởi phương pháp trồng rau đơn giản, dễ trồng, dễ quản lý, an toàn và tiện lợi. Ngoài ra, việc trồng rau không chỉ tạo thú vui tiêu khiển của các chị em nội trợ sau những giờ làm việc căng thẳng, là cách để giải khuây nỗi buồn, sự cô đơn của các ông các bà tuổi xế chiều mà còn tạo ra những sản phẩm sạch ngay trong chính những bữa ăn gia đình.
Do không có đất trồng, lại chật hẹp về diện tích, không gian nên người thành phố đã nghĩ ra rất nhiều cách trồng rau vô cùng sáng tạo và thông minh như trồng rau trên ban công, sân thượng, trồng trong thùng xốp, chậu kiểng, thậm chí là tận dụng những vật dụng tái chế, bị vứt đi như từ chai nhựa, túi vải, ống nước, xô cũ đã hỏng, chiếc nồi cơm điện hỏng, chiếc mũ bảo hiểm cũ…những vật dụng tưởng chừng chỉ để ném ra sọt rác nay lại trở nên vô cùng hữu ích khi dùng làm nơi trồng rau. Tuy nhiên, trồng rau trong thùng xốp đặc biệt rất được người dân ưa thích hơn cả bởi chúng có trọng lượng vô cùng nhẹ, dễ trồng, dễ quản lý và chất liệu xốp có khả năng cách nhiệt cho rễ cây rất tốt.
Thiết nghĩ, trồng rau đơn giản là đổ đất vào thùng, gieo hạt, chăm sóc bón phân, tưới nước là xong, nhưng không phải chỉ có thế, nếu trồng và bón phân chăm sóc không đúng cách và đúng kỹ thuật thì sẽ gây tác dụng ngược trở lại, sản phẩm rau sạch của chúng ta chế biến sẽ không được ngon và quan trọng nhất là hàm lượng dinh dưỡng trong rau sẽ bị mất đi không đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình. Do vậy việc tự trồng rau tại nhà không nên theo xu hướng, mà cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng để bữa ăn trong gia đình luôn luôn là niềm vui và đạt giá trị dinh dưỡng cao nhất.

Nguyễn Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn



Friday 1 April 2016

Quê Ngoại


     Ba tôi là người miền Trung, mẹ tôi người  Đồng bằng Sông Cửu Long nên có thể nói quê ngoại tôi ở miền Tây. Thời tôi còn ở độ tuổi măng non mỗi lần hè về là lại được cho về quê ngoại chơi theo như kiểu ba tôi thường bảo là “đi cho đỡ mất gốc ngoại”. Thời đó phương tiện đi lại không nhanh gọn như bây giờ. Muốn đi thì phải mua vé tàu (vì đi máy bay giá gấp 3 4 lần giá tàu) đi mất gần 2 ngày mới tới ga Sóng Thần (ga Sài Gòn) rồi lại bắt xe từ bến xe Miền Tây ở Sài Gòn về quê Ngoại, con đường đi bằng xe cũng cách trở mất thời gian lắm bởi phải đi qua mấy chuyến phà mới tới nơi mà chờ được chuyến xe cũng phải có thời gian vì cứ 2 tiếng mới có chuyến xe một lần. Có khi vào chơi 10 ngày mà di chuyển trên đường không cũng đã mất 4 ngày rồi. Không như bây giờ đặt vé may bay bay đi Sài Gòn mất tầm 2 tiếng rồi ra bến hầu như lúc nào cũng có chuyến xe về, các hãng xe như Phương Trang vào ra bến tấp nập không nghĩ đã thế những chiếc phà ngày nay đã được thay bằng những chiếc cầu dây văng dài ngoằng làm cho con đường trở nên ngắn hơn.
     Nhớ thuở trước mỗi lần vừa đặt chân tới nhà ngoại là liền được “thết đãi” một bụng nước dừa. Bởi gần như đi đâu cũng thấy cây dừa. Cây dừa mọc bao quanh những cánh đồng lúa vàng ươm rộng mênh mông, chốc chốc lại có vài đàn cò sà xuống đậu trên cánh đồng trông rất yên bình và ấm cúng đến lạ. Nhưng bây giờ về cảnh tượng đó cũng khó có thể tìm thấy nữa. Bây giờ người ta chuyển qua nuôi tôm và cá gần hết, người ta không còn mặn mà với cây lúa nữa vì cây lúa không đem lại tài chính nhiều cho họ như con tôm, con cá. Những ngày còn cắp sách đến trường tôi vẫn thường được bảo rằng Đồng bằng Sông Cửu Long là “vựa lúa của Việt Nam” hay “bát gạo Châu Á” , nghe sao mà tự hào thế nhưng bây giờ khi về đây chính những con người đang tạo ra niềm tự hào thế nhưng xem chừng cũng không mặn mà lắm với những mỹ từ như thế vì những khó khăn khi gắn bó với cây lúa cũng quá nhiều do đất bị nhiễm mặn vì nước biển dâng; thiếu nước tưới tiêu và nhiễm mặn vì phía nước bạn Trung Quốc xây đập ngăn nước ở đầu sông Mekong, việc thu mua lúa gạo của thương lái với giá thấp chưa hợp lý; sự trợ giá cho gạo của Chính phủ chưa sâu sát….vv.
     Đặc điểm của người quê ngoại tôi là thích “lai rai” xị đế buổi chiều, cả ngày lao động mệt mỏi thế nào không biết nhưng chiều về thường làm ít mồi nhẹ rồi rủ thêm ít bạn chén chú chén anh rứa là vui. Có lẽ cái chất phóng khoáng của người dân nơi đây được đến từ điều kiện ưu đãi của thiên nhiên nên họ ít lo nghĩ gì nhiều. Ngay đến những nhà ở họ cũng ít khi xây kiên cố, chỉ xây nhà cấp 4 có lẽ vì vậy ngành tôn hoạt động ở đây khá mạnh.
     Nhớ những năm lên 6 lên 7 mỗi lần đi ngang cây cầu khỉ nhìn xuống bờ kênh thì thấy con còng bò đỏ cả bờ kênh tôi thường hay nhảy xuống để bắt còng. Con còng thường đào những cái hang thông nhau rất khó bắt. Muốn bắt nó phải chặn cửa hang này đến cửa hang khác mà dí nó bắt mới được. Nay thì việc tìm được đôi ba đàn còng cũng đã rất khó rồi bởi những con kênh bây giờ không còn tự nhiên như ngày xưa nữa.
     Dẫu biết rằng xã hội ngày càng đi lên rồi sẽ có nhiều điều đổi thay về con người cũng như vùng đất, cơ sở hạ tầng nhưng mong sao sẽ không có nhiều biến động quá làm thay đổi đi những thứ vốn dĩ là thương hiệu, hình ảnh quen thuộc nơi đây như con còng lội đỏ bờ kênh, bông lúa vàng cả mảnh đất quê, giọng hoài lang ai đượm màu chân quê… để sau này di sản để lại cho con cháu chỉ còn là hình ảnh xuất hiện trong những bài thơ, lời bài hát dân ca hay chỉ trong một bộ phim về phương nam xa xưa nào đó.

Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Anh Văn