Tuesday 31 May 2011

LỄ TỔNG KẾT MẪU GIÁO TỔ 11 – PHƯỜNG PHÚ BÌNH – TP HUẾ

Cũng như các cháu mẫu giáo ở các trường chính qui khác, năm nay các cháu Mẫu giáo lớp tình thương tổ 11 được tổ chức lễ tổng kết năm học 2010 - 2011 và được Trường Mẫu giáo Phú Bình cùng với Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (TTKKTL) phát quà và mong các cháu có một kỳ nghỉ hè thật vui vẻ.
Vào ngày 25/05/2011 các cháu lớp Mẫu giáo tình thương tràn ngập niềm hạnh phúc trong không khí xôn xao và ấm cúng của lễ tổng kết năm học. Các cháu rất vui mừng hớn hở khi nhận được những món quà thật đơn sơ, giản dị như giấy khen, bánh kẹo, sữa, cặp sách, vở, bút tô màu. Nếu như năm học trước 2009 - 2010 lớp Mẫu giáo tình thương này có 22 cháu theo học và trong đó có 12 cháu được ra lớp một thì năm nay chỉ có 16 cháu theo học và trong đó dự kiến 5 cháu sẽ ra lớp một. Tuy nhiên, trong năm cháu sẽ ra lớp một năm nay, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, khả năng có vài cháu là không được ra lớp một. Cho nên dự kiến TTKKTL sẽ hỗ trợ thêm (ngoài việc hoàn trả số tiền tiết kiệm và hỗ trợ thêm 30%) để phụ huynh 5 cháu này đủ tiền nhập học vào lớp một cho con mình.
Buổi lễ kết thúc, các cháu ra về trong niềm vui sướng, hân hoan với những gói quà trên tay. Các cháu nhận được sự quan tâm, khích lệ đáng có từ phía các tổ chức là rất cần thiết cho hiện tại và tương lai sau này của gia đình và các cháu.

H.S

Monday 30 May 2011

KHÔNG XẾP HÀNG – THÓI QUEN XẤU CỦA CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Xếp hàng là một vấn đề vô cùng đơn giản mà tất cả chúng ta ai cũng biết và  cũng đã từng học qua khi mới ngập ngừng vào lớp mẫu giáo, cấp I, cấp II, trung học phổ thông... chúng ta đều phải xếp hàng hằng ngày. Ấy vậy mà khi rời ghế nhà trường, thói quen xếp hàng lại theo bụi phấn trắng rơi xuống đất đi đâu mất...
Trong cuộc sống hiện đại, xếp hàng không chỉ là hành động tôn trọng quyền "đến lượt" của mình và của người khác, một thói quen biểu hiện nếp sống văn minh mà nó còn phản ánh rất lớn đối với cái nhìn về con người và đất nước chúng ta. Ở nước ngoài, đặc biệt là những nước phát triển thì xếp hàng trở thành một cách sống, một thói quen của họ. Cho dù là trẻ em, người lớn, giang hồ, đầu gấu... hay thế nào thì họ vẫn luôn tôn trọng việc này, nó thể hiện lối sống văn minh và lịch sự, thể hiện sự tôn trọng mình và người khác.  Hơn thế nữa xếp hàng còn giúp cho công việc nhanh và công bằng hơn. Còn ở Việt nam thì chuyện xếp hàng chưa thực sự trở thành thói quen và cũng không được người dân quan tâm. Hầu như tất cả mọi người đều rất quen thuộc hàng ngày với cảnh xô đẩy, chen chúc nhau để được nhanh chóng mà không phải chờ đợi như ở các siêu thị, bệnh viện... thậm chí cả khi đi dự tiệc buffet, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy cảnh chen lấn nhau để lấy thức ăn. Hiện nay, ở Việt Nam việc không chịu xếp hàng khi đi làm một việc gì đó không chỉ là những người có trình độ văn hoá thấp mà thậm chí là những tầng lớp trí thức, những người đang làm việc tại đây lợi dụng mối quan hệ quen biết để “ chen ngang” vào làm trước. Ví dụ ở các Bệnh viện, mọi thủ  tục từ lúc lấy số thứ tự để khám, chụp hình CT, siêu âm, đóng tiền... đều phải xếp hàng. Trong khi rất nhiều bệnh nhân, những bà mẹ vừa bế con vừa xếp hàng, những cụ già tay xách nách mang... đang xếp hàng để chờ tới lượt mình thì chốc chốc lại có những cô y tá mặc áo blu trắng cầm giấy tờ chen ngang vô yêu cầu những người bên trong giải quyết trước cho mình. Có lẻ họ cho rằng vì là đồng nghiệp với nhau nên dĩ nhiên công việc của họ phải được giải quyết trước.
            Qua đó chúng ta có thể thấy trình trạng chen lấn, xỗ đẩy không chịu xếp hàng ở nước ta còn rất phổ biến, hàng ngày chúng ta có thể nhìn thấy tình trạng này ở bất cứ nơi đâu. Vì tâm lý “tranh thủ” cho cá nhân nên một chuyện tưởng nhỏ như chuyện xếp hàng cũng trở thành một vấn đề mà chúng ta thường bị phàn nàn, chê trách, đôi khi làm hỏng cả những hình ảnh đẹp khác.
            Có thói quen xếp hàng và nhường nhịn là biểu hiện của người có văn hóa ứng xử văn minh. Ở những nơi, văn hóa xếp hàng còn biểu hiện một “cục gạch” thay cho người xếp hàng đang đi đâu đó, thì văn minh ở xứ đó chắc còn lâu lắm mới tiến được bằng văn hóa xứ người. Nên chăng, chúng ta cùng nhau uốn nắn hành vi của mình hàng ngày thông qua văn hóa “xếp”, xếp hàng, xếp xe, xếp ghế, xếp áo quần, xếp tài liệu, kể cả xếp những cánh hạc giấy để mong ước và cầu nguyện hòa bình cho toàn nhân loại.

X.Q

Friday 27 May 2011

KHIÊM TỐN

 
Khiêm tốn là một đức tính tốt mà mọi người cần phải trau dồi, rèn luyện. Nội dung khiêm tốn có nghĩa là sự kính nhường, có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người.
Khiêm tốn sẽ có sự tỉnh táo, để nhận thức được chân lý một cách đúng đắn, khách quan; đồng thời có được sự ủng hộ, giúp đỡ chân thành của mọi người. Nó đem lại cho ta nhiều khả năng cả về trí lực và vật lực để đạt đến sự thành công cũng như sự tin tưởng của mọi người. Để đạt tới sự chuẩn mực, đức khiêm tốn cần phải đặt trong mối quan hệ tương xứng với lòng tự tin. Đức khiêm tốn càng cao thì lòng tự tin phải càng lớn. Bởi tự tin chính là "cơ sở vật chất" cho khiêm tốn. Tương tự, lòng tự tin cũng phải lấy khiêm tốn làm "cái neo" để không vượt quá hiện thực. Nếu không có "cái neo" này thì lòng tự tin dễ chuyển sang tự tôn rồi tự kiêu, tự phụ lúc nào không hay.
Trong phát ngôn, cổ nhân đã dạy "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Khiêm tốn trong phát ngôn còn là việc sử dụng từ ngữ giản dị, dễ hiểu, không dùng từ "đao to búa lớn" hay "cao siêu huyền bí". Khiêm tốn trong phát ngôn còn là không nói nhiều về mình, không khoe khoang. Trong thái độ ứng xử, khiêm tốn có nghĩa là "nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người", không quá tự tin hay độc quyền chân lý, luôn "kính trên nhường dưới". Thái độ khiêm tốn trong phê phán, đóng góp cho người khác đó là: không tiếc lời khen nhưng thận trọng khi phê phán, thận trọng khi sử dụng ngôn từ để tránh tổn thương lòng tự trọng của người khác Khi được người khác phê phán, góp ý cần bình tĩnh, nhẫn nại lắng nghe và tiếp thu những điều hợp lý. Biểu hiện rõ nhất của tính khiêm tốn.Bản thân mỗi chúng ta phải tạo lập cho mình một mục đích sống mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Chính mục đích lớn này sẽ tạo cho chúng ta động lực để luôn luôn tự điều chỉnh, thực hiện được yêu cầu "thắng không kiêu, bại không nản".

D.N

Thursday 26 May 2011

NHỮNG THÓI QUEN CỦA NHÂN VIÊN CÔNG SỞ HIỆN NAY

Trong một môi trường làm việc, nếu mọi nhân viên đều có ý thức với việc làm và hành động của mình để không ảnh hưởng đến người khác thì môi trường làm việc đó thật là thoả mái, còn nếu trong một môi trường làm việc mà nhân viên có nhiều thói quen xấu thì thật là kinh khủng. Do đó, bạn phải biết những thói quen nào có lợi nên phát huy và thói quen nào xấu cần từ bỏ càng nhanh càng tốt. Dưới đây là 10 thói quen xấu mà bạn nên từ bỏ:
Thói Quen Xấu:
1. Nói chuyện điện thoại quá to
             Ở nơi làm việc khi nói chuyện điện thoại, bạn không nên nói quá to, nên nói to vừa đủ để phía bên kia nghe rõ. Hơn nữa, bạn cũng cần phải hạn chế các cuộc điện thoại cá nhân, nên để điện thoại ở chế độ rung. Những tiếng nhạc điện thoại quá lớn và không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của những người xung quanh.
2. Luôn trì hoãn mọi công việc
             Sự trì hoãn chính là kẻ cắp thời gian và là kẻ thù của công việc. Liên tiếp lỡ hẹn trong công việc sẽ làm đồng nghiệp thất vọng về bạn, thiếu lòng tin vào lời hứa của bạn. Do vậy, hãy thực hiện và hoàn thành công việc ngay khi có thể.
3. Lạm dụng internet quá nhiều
             Bạn thường xuyên sử dụng internet cho các mục đích cá nhân, truy cập vào các trang mạng xã hội, viết email cho bạn bè…? Sự lạm dụng internet thái quá sẽ khiến đồng nghiệp nghĩ rằng bạn lười biếng, không chịu làm việc.
4. Chơi điện tử
            Bạn đã bao giờ không hoàn thành việc đúng thời hạn chỉ vì chơi điện tử chưa? Nếu câu trả lời của bạn là “Có” thì bạn hãy từ bỏ ngay thói quen này. Bạn có thể từ bỏ bằng cách xoá hết các trò chơi điện tử trong máy tính làm việc của bạn ở văn phòng.
5. Bật nhạc quá to
            Ở hầu hết các công sở, nhân viên đều có thể nghe nhạc trong giờ làm việc. Tuy nhiên, nếu bạn bật quá lớn thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến mọi người xung quanh. Tiếng nhạc to sẽ khiến họ khó tập trung vào công việc. Do vậy, hãy thật lịch sự khi muốn nghe nhạc trong giờ làm việc.
6. Luôn kiếm cớ để không thực hiện công việc
            Đây là một thói xấu rất dễ gặp ở hầu hết các nhân viên. Bạn luôn kiếm cớ để “bao biện” cho những việc bạn chưa hoàn thành? Nếu thói quen này lặp đi lặp lại nhiều lần, sẽ chẳng một đồng nghiệp nào còn tin tưởng vào những lờ bạn nói hết cả.
7. Không nhiệt tình với đồng nghiệp
         Thật là khó chịu khi ngồi làm việc gần một đồng nghiệp cả ngày chỉ biết ngồi tại bàn làm việc và chơi game, đọc báo, trong khi những người xung quanh thì phải “vùi đầu” vào một “núi” công việc. Bạn nên linh hoạt và sẵn sàng, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp.
8. Hay than vãn, phàn nàn
          Phàn nàn và than vãn về mọi điều xảy ra xung quanh bạn không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mà còn khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu. Nói xấu đồng nghiệp hoặc sếp trong một khoảng thời gian dài sẽ không gây thiện cảm chút nào với đồng nghiệp hết cả.
9. Nói xấu đồng nghiệp
            Thật là kinh khủng khi phải làm việc trong một môi trường có người thích nói xấu người khác, ngồi với người này thì nói xấu người khác và người lại, đây là nguyên nhân chính gây nên sự mất đoàn kết nội bộ. Nếu bạn thường có thói quen này thì bạn sẽ mất nhiều thời gian phung phí và vô ích và cản bước thành công của bạn. Do vậy, bạn nên khắc phục thói quen này, không nên nói xấu người khác, nên nghĩ về những việc tốt hơn, nếu nói xấu người khác, bản thân hành động đó là là xấu rồi, bạn đến cơ quan để làm việc chứ không phải làm mất đoàn kết nội bộ.
10. Cơ thể phát ra mùi khó chịu
             Mùi cơ thể do vệ sinh cá nhân kém hoặc do mùi nước hoa nồng nặc có thể ảnh hưởng không tốt đến những đồng nghiệp xung quanh bạn, đặc biệt là khi phòng làm việc của bạn kín. Để tránh không gây khó chịu cho đồng nghiệp do những mùi cơ thể phát ra, bạn nên sử dụng lăn nách, sữa tắm thường xuyên, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày...

Thói quen tốt cần áp dụng

1. Đọc nhiều tài liệu và sách báo
việc học kết hợp với thực tế sẽ giúp bạn rất nhanh chóng nắm được vấn đề. Hãy dành khoảng thời gian nhất định trong ngày đọc báo chí và các thông tin liên quan đến lĩnh vực bạn làm việc để cập nhật những thông tin mới nhất có thể.

2. Bỏ bớt những nhiệm vụ không quan trọng
Vấn đề ở đây không phải là bạn bỏ lại không làm công việc được giao mà bạn nên xem xét lại công việc và thời gian làm việc một ngày của bạn. Nhận biết đâu là công việc quan trọng và cần quan tâm nhất để làm. Thay vì làm những công việc mà kết quả không đem lại lợi ích gì cho công việc, bạn dành thời gian đó để suy nghĩ và hoàn thành công việc quan trọng hơn.

3. “Phớt lờ” email và chat
Hầu hết chúng ta đều có thói quen trả lời thư điện tử hay cửa sổ chat ngay khi chúng hiện lên màn hình. Thói quen này sẽ khiến bạn bị sao nhãng trong công việc và đôi khi sẽ lấy đi của bạn một khoảng thời gian mà bạn không nhận ra. Hãy quy định một thời điểm nhất định trong ngày để kiểm tra hòm thư hay tin nhắn trong yahoo. Ví dụ, bạn nên kiểm tra thư vào buổi sáng khi đến cơ quan, sau khi ăn trưa về và trước khi tan sở. Điều này vẫn đảm bảo bạn có thể trả lời nhanh những thư thắc mắc gửi đến và không làm bạn bị mất tập trung khi đang làm việc khác.

4. Tạo ra khoảng thời gian giải lao ngắn trong giờ làm việc
Bạn có thể cho phép mình nghỉ khoảng 5 phút trong giờ làm việc mỗi khi bạn cảm thấy mỏi mệt. Lúc đó bạn có thể đi lại quanh phòng, uống một tách trà sẽ giúp bạn thư giãn đầu óc và lấy lại tinh thần để tiếp tục làm việc.

5. Không quá cầu toàn trong mọi việc
Trong cuộc sống cũng như công việc, những người cầu toàn luôn trì hoãn hoặc làm một công việc mất rất nhiều thời gian bởi vì họ mong muốn một kết quả hoàn mỹ. Điều này chưa hẳn là tốt bởi vì khó có việc gì có thể hoàn hảo. Khi bạn không quá cầu toàn trong mọi việc sẽ giúp bạn giải quyết công việc nhanh và dễ dàng hơn. Điều duy nhất bạn cần chú ý là đảm bảo kết quả công việc khả quan và trôi chảy.      

X.Q

Wednesday 25 May 2011

CẢI TIẾN PHƯƠNG TIỆN THU RÁC SINH HOẠT

* Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách trên mỗi quốc gia, và cả thế giới và có rất nhiều phương án để khắc phục, giảm thiểu hậu quả quả của ô nhiễm môi trường gây ra. Trong đó việc xử lý và thu gom rác thải sinh họat gặp nhiều khó khăn cả về phương tiện và phương pháp, hiện nay phổ biến là việc thực hiện 3R (Reduce: giảm thiểu, Reuse: sử dụng lại, Recycle: tái chế) đang được áp dụng tại một số thành phố lớn trên thế giới trong đó có thủ đô Hà Nội (Việt Nam) vài năm gần đây. Nhưng vẫn có nhiều vấn đề phải nhắc đến, ở Việt Nam cách thức áp dụng hình thức 3R là mỗi công nhân vệ sinh môi trường đến từng hộ gia đình phát 3 túi nilon đựng rác hữc cơ, vô cơ; do đó việc áp dụng vẫn chưa đại trà, tốn nhiều công sức công nhân, việc phát túi nilon tới hộ gia đình khi túi nilon hỏng bản thân nó lại là rác thải cho môi trường! Trong khi đó, công việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm tới từng người dân trong xã hội ngày nay, do vậy tiến trình giảm thiểu giảm thải ô nhiễm môi trường chưa rộng khắp.

* Để khắc phục nhược điểm này chúng ta cần phải cải tiến phương tiện chứa rác thải cũ thay thế túi nilon để thu rác bằng thùng rác 3R- W (Reduce: giảm thiểu, Reuse: sử dụng lại,Recycle:táichế – Watter: nước).
Thùng rác 3R- W có vỏ ngoài là hình hộp bằng nhựa plastic có kích thước 0,4 x 0,6 x 0,5m có nắp đậy bên trong thùng có 3 ngăn đựng rác rời có thể lấy ra cho vào được có ba màu khác nhau. Để chứa các loại rác khác nhau.
Hình 1: Cấu tạo trong của thùng chứa rác 3R- W
Bên trong thùng chứa giác nhỏ: Gồm có 3 thùng rác nhỏ có kích thước như nhau, nhưng có ba màu khác nhau (Xanh lá cây, màu đỏ, màu vàng) kích thước 0,4 x 0,2 x 0,4 m
Phía dưới đáy thùng nhỏ là khoang rỗng dùng để chứa nước thải, dung dịch lỏng thát ra từ 3 thùng nhỏ A, B, C có kích thước 0,6 x 0,4 x 0,1m.
Hình 2: Cấu tạo trong của thùng chứa rác nhỏ
Thùng rác nhỏ có ba màu khác nhau
+ Thùng nhỏ có kích thước 0,4 x 0,4 x 0,2 m phía dưới có mọt lỗ nhỏ để thoát nước, nếu không muốn thoát nước có thể dùng nút cao su nút lại.
+ Thùng chứa rác có ba màu khác nhau thì chức năng chứa rác khác nhau:
- Thùng màu xanh lá cây dùng để chứa rác hữu cơ, có thể phân huỷ được như: thực vật, chất thải động vật, giấy…
- Thùng màu đỏ nằm giữa dùng để chứa rác vô cơ có thể tái chế được, rác không thể phân huỷ được như nilon, thuỷ tinh vỡ…
- Thùng màu vàng dùng để chứa các chất độc hại, nguy hiểm, cần thu gom để xử lý riêng. Khi rác thải là chất độc hại có dịch lỏng thì láy nút cao su nút lại lỗ nhỏ.
Tuỳ theo mỗi hộ gia đình, cơ quan, trường học, công ty có thể thay đổi kích thước, số thùng nhỏ chứa rác. Ví dụ: Ở vùng nông thôn, hay hộ gia đình thành phố có thể thay thế thùng nhỏ màu vàng bằng thùng chứa rác màu xanh, hay màu đỏ…
Hình 3: Thùng chứa rác cho nhiều hộ gia đình, cơ quan.
Khi hộ gia đình đi đổ rác, thì rác ở thùng nào thì đổ rác vào thùng màu đó. Xanh – xanh, Đỏ – đỏ…  Công nhân đi thu rác thì luôn kèm theo ba thùng rác bốn màu khác nhau và rác loại nào thì chứa rác loại đó. Với xe chở rác chuyên dụng không phải cải tiến phương tiện chỉ thay đổi thời gian thu gom rác như:
- Thứ 2 thu rác thùng màu xanh
- Thứ3 thu rác thùng màu đỏ
- Thứ 4 thu rác thùng màu vàng
- Thứ 5 thu nước thải.
Và lặp lại tương tự các ngày trong tuần, hoặc trong ngày
* Việc cải tiến phương tiện thu rác có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc xử lý rác tại nguồn, tại từng hộ gia đình, từng cá nhân trong khi môi trường đang có ô nhiễm nghiêm trọng nhất là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp…
- Rác hữu cơ trong thùng rác màu xanh lá cây có thể đem chế biến thành phân bón, ủ kín phân huỷ nhờ vi sinh vật, tạo khí thiên nhiên (Biogas).
- Rác vô cơ, rác khó phân huỷ trong thùng rác màu đỏ có thể thu hồi lại để tái chế, hay xử lý tuỳ theo từng loại rác…
- Rác độc hại trong thùng rác màu vàng có thể xử lý riêng bằng các phương pháp phù hợp…
- Nước thải thu được trong thùng màu xám không đổ xuống ao hồ sông ngòi, mà lắng lọc dùng xử lý hoá chất để thu hồi lại…
Việc sử dụng thùng rác 3R- W có ưu điểm hơn so với sử dụng túi nilon riêng biệt cả về kinh tế và phương pháp xử lý.

T.H

Tuesday 24 May 2011

GIỮ GÌN SỨC KHOẺ SAU KHI SINH

Cơ thể bạn cần khoảng 1-2 tháng để phục hồi lại sức khỏe. Giai đoạn này, bạn nên chú ý một số điểm sau.
Chế độ ăn:
Nhiều phụ nữ có cảm giác đói bụng sau khi đã dồn hết sức lực cho việc “vượt cạn”. Vì thế, sau khi sinh vài giờ, bạn nên ăn nhẹ. Nếu đói, bạn có thể ăn cơm, cháo… với khẩu phần như một bữa chính bình thường.
 Bạn cũng nên nhớ uống thêm nước lọc.
Tránh đồ ăn có ớt, tỏi, hành, các gia vị cay nóng; thức ăn nhiều dầu mỡ, rượu và thuốc lá cũng cần tránh xa.
Tránh các món có tính hàn như cua, cá, ốc...
Tránh những thức ăn gây dị ứng, không ăn đá lạnh, uống nước lạnh.
Vệ sinh:
Nên lau rửa, vệ sinh thân thể bằng nước ấm hàng ngày. Chú ý không thụt rửa âm đạo quá mạnh, sâu, vì có thể gây nhiễm trùng, tổn thương âm đạo.
Không tắm rửa ở nơi có gió lùa, dễ gây hiện tượng cảm lạnh ở bà mẹ. Bởi vì sau khi sinh, thận khí bị suy nhược nên cơ thể bạn rất dễ bị nhiễm lạnh. Tránh tiếp xúc với nước lạnh, giặt quần áo…Bạn có thể đánh răng, vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn. Nên dùng loại bàn chải mềm và sử dụng nước ấm để đánh răng, xúc miệng.
Thời điểm đọc sách báo:
6 tuần sau sinh, bạn mới nên tiếp xúc với sách báo. Nếu xem sách báo trước khoảng thời gian đó, cơ thể bạn chưa được phục hồi đầy đủ, có thể gây hại cho thị giác, khiến mắt nhức, mỏi, sút giảm thị lực.
Bạn cũng không nên xem tivi hay tiếp xúc với máy vi tính quá sớm.
Sử dụng biện pháp tránh thai:
-Bạn có thể quan hệ tình dục trở lại sau 4-6 tuần, nếu không thấy có dấu hiệu bất thường nào về âm đạo. Nếu không cho con bú, bạn nên áp dụng biện pháp tránh thai ngay.
- Nếu âm đạo viêm nhiễm, tiết dịch hôi, có màu đỏ, bạn nên chữa trị dứt điểm trước khi có quan hệ vợ chồng trở lại.
Vận động:
Sau khi sinh vài ngày, bạn có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông, giúp ăn ngon, ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên, bạn không nên vận động quá mạnh hay làm nhiều việc nặng nhọc…
Nếu sinh bình thường, không phải sinh mổ, khoảng 4-6 tuần, bạn nên tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể mau chóng hồi phục.
Lưu ý: Sử dụng túi chườm ấm để chườm bụng, lưng, hai bên bẹn. Hành động này giúp bạn thoát khỏi tình trạng đau lưng, mỏi gối, da bụng săn chắc hơn, bớt nhăn nheo…
Những dấu hiệu nguy hiểm sau sinh:
Nếu gặp phải một trong những dấu hiệu sau, tốt nhất, bạn nên nhanh chóng đến bác sĩ:
- Chảy máu âm đạo: Âm đạo liên tục chảy máu hoặc tiết dịch bất thường.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Biểu hiện là đi tiểu buốt, tiểu rắt.
- Táo bón kéo dài: Dù bạn đã tuân thủ một chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin nhưng vẫn bị chứng táo bón trong một thời gian dài. Tốt nhất, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của một bác sĩ có chuyên môn.
- Áp-xe vú hay các dấu hiệu cơ thể mỏi mệt, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mờ mắt, lơ mơ, hôn mê…

K.L

Monday 23 May 2011

CÓ CHÍ THÌ NÊN

Ngày nay, có biết bao nhiêu người vừa mới gặp khó khăn là đã từ bỏ, nản chí. Thế nhưng bên cạnh đó còn có những con người có ý chí, quyết tâm để đạt mục đích chính đáng của mình. Chính họ đã nhận ra rằng: “Có chí thì nên”. “Có chí thì nên”: một bài học giáo dục cho con trẻ rất hay của người xưa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Đôi khi chính chúng ta phải nhìn nhận rằng số người thiếu sự quyết tâm, ý chí phấn đấu cầu tiến ngày càng nhiều trong xã hội. Dường như chính bản thân họ, đúng hơn tự thân vận động đã bị mất đi trong cái tiện nghi đầy đủ. Vì lẽ đó mà học lại sống một cách an nhàn, thiếu sự nỗ lực, ý chí cầu tiến. Và sẽ tai hại hơn khi chính họ chưa được rèn luyện, được dạy cách thích ứng với mọi tình huống bất ngờ xảy đến. Mặc khác còn có những người lại bi quan, không có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc trước mắt là đùn đẩy, có suy nghĩ là sẽ không làm được, từ bỏ tất cả mọi thứ. Những con người ấy chỉ nhìn sự việc qua một khía cạnh, một khía cạnh bó hẹp trong cái khuôn khổ mà họ từ tạo ra. Một cái vỏ bọc của sự bi quan. Họ chỉ thấy cái xấu, cái bất lợi trước mắt nhưng lại quên đi lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó lại có những người mới vừa gặp thử thách đầu tiên là lại tự bỏ cuộc. Chuyện này đã quá quen thuộc. Việc từ bỏ nhanh chóng ấy là do người đó thiếu sự tự tin, cầu tiến, họ sợ thất bại, họ không dám nhìn nhận sự thật dù có thể là phủ phàng. Và cũng đôi khi có nhiều người đã nổ lực hết sức mình để vượt qua thử thách nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn. Điều đó lại càng dẫn đến việc người ấy sẽ bị áp lực đè nặng, để rồi nản chí, dừng cuộc đua nửa chừng trong khi bản thân học chỉ mới đi một phần ba chặng đường. Thật ra chẳng có gì mới lạ cả. Con người từ cổ chí kim vẫn chạy đường trường trên cái lối mòn, ngặt nghèo này. Bù lại-và cũng chính từ đó mà ra?- xã hội loài người vẫn luôn trọng vọng những ai đạt được mục đích của mình, và mục đích càng cao lại càng thêm vinh dự. Cái chính yếu và được đề cao vẫn lài cái quyết tâm, chừng nào còn bền gan trên đường; cho dù đã thất thểu, hay chỉ còn thoi thóp; thì tệ lắm cũng vẫn được người đời khen tặng là có chí hướng, có nghị lực. Vì vậy, chúng ta cứ cố gắng hết sức của mình, hãy sử dụng chính khả năng, con người thật của ta thì dù có thất bại đi chăng nữa, chúng ta cũng vui lòng. Điều đó đâu đáng để ta buồn, có thất bại mới có thành công, có nghị lực mới đạt được kết quả.
Văn hóa con người vẫn chỉ quảng bá và đề cao sự kiên cường. Chúng ta đều được dạy từ lúc nằm nôi là một khi đã quyết định hướng đi và mục tiêu thì nhất định phải vững lòng theo đuổi đến cùng. Phải theo đuổi cho đến khi thắng lợi vẻ vang hay thất bại hào hùng, nhưng chúng ta tuyệt không được dạy cách rút lui kịp thời, cách bỏ cuộc đúng lúc. Sa lầy trong cuộc chiến, bám trụ một cách bền gan, chôn vùi thêm bao sinh mạng cũng mặc kệ. Nhưng để lập trường bị lung lạc hay mất niềm tin là tệ hại, xét lại mục tiêu hay đường hướng đặt ra-cho dù trên cơ sở nào cũng vậy - thì quả phạm vào tối kị. Điều này nghe chừng như chỉ là một sự ràng buộc về văn hóa hay xã hội, song thực sự lại có vẻ được đóng khuôn sẵn trong tâm trí, tư duy con người. Theo đó, chính những con người có khả năng lí luận sâu sắc lại là những người ít sẵn sàng tự chuyển đổi cách nhìn. Trái lại, họ là thành phần bám víu mạnh mẽ nhất vào đường hướng đã từng lựa chọn. Lẽ nào, con người ta lại tâm niệm cuộc sống chỉ là những quảng đường việt dã nối tiếp và đã lên thì không thể dừng hay quay lại. Nói thẳng ra là chính chúng ta cần phải biết lượng sức mình, đừng lấy cái tính bền chí của mình mà lại làm dụng nó vì mục đích thiếu thiết thực.
Nếu nói một vận động viên chỉ cần tính bền bỉ, kiên cường là có thể chinh phục đường đua 42km thì quả là một sai lầm. Họ hiểu rằng chỉ một yếu tố “ý chí” thì không thể giúp họ hoàn thành chặng đường nếu thiếu “sức lực”. Chúng ta cũng như học nhưng thay vào đó là “cơ hội”. Chính chúng ta tạo nên cơ hội và cần phải khôn ngoan trong việc tận dụng nó. Đừng ngồi đó mà há miệng chờ sung, một việc ngu xuẩn, phung phí thời giờ. Và khi biết cách tạo ra cơ hội cho bản thân mình thì ắc hẳn người ấy sẽ có được lợi thế. Việc để có được ý chí bền bỉ cần phải dựa vào chính chúng ta. Nó dễ có, nhưng cũng dễ mất nếu như không biết gìn giữ và di dưỡng nó hằng ngày. Đừng cố tạo ra áp lực cho ta, điều đó sẽ gây ra việc phản tác dụng trong việc hình thành tính “kiên trì”. Mối quan hệ giữa “chí” và “cơ hội” là sự liên kết chặt chẽ mà một người muốn thành công có.

Đ.N

Friday 20 May 2011

VỆ SINH MÔI TRƯỜNG CHỢ - VẤN ĐỀ ĐÁNG BÁO ĐỘNG HIỆN NAY

Đi chợ là công việc quá đỗi quen thuộc của bất kỳ người phụ nữ nào và bản thân tôi cũng vậy. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ngày ngày chọn mua thực phẩm ở chợ Nhưng quả thật, không riêng gì các chợ  địa phương mà ngay cả đến cả các chợ lớn khác như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự…bên cạnh nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm thì vấn đề vệ sinh khu vực chợ vẫn đang là một trong những tình trạng đáng báo động nhất hiện nay.
Mặc dầu hầu hết các chợ đều bố trí, sắp xếp các mặt hàng tương đối ngăn nắp theo từng chủng loại riêng nhưng cơ sở vật chất nhiểu chợ còn nhiều hạn chế, nền chợ ẩm thấp, nước thải tù đọng gây ra ruồi nhặng để từ đó gia tăng vi khuẩn gây dịch bệnh nguy hại đến an toàn tính mạng của người dân. Kể từ những năm trở lại đây, tình trạng dịch ở gia cầm gia súc như H5N1, dịch lợn tai xanh… vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể bùng phát bất cứ khi nào và nơi đâu mặc dầu đã có sự can thiệp của chính quyền chức năng, sỏ Y tế… Bên cạnh đó, phải kể đến tình trạng giết mô gia cầm trong chợ vẫn còn phổ biến. Mặc dù hầu hết chợ đã có khu vực giết mổ riêng nhưng hệ thống xử lý nước thải và chất thải không đạt yêu cầu, gây ra ô nhiễm môi trường không chỉ ở khu vực chợ mà còn ảnh hưởng đến các khu vực sinh hoạt của người dân. Thậm chí một số chợ ở gần sông nước, cứ bao nhiêu rác thải, chất thải cứ thế được tống và đổ ra sông ngòi thiếu kiểm soát góp phần gây ô nhiễm nguồn nước một cách trầm trọng gây nguy hại đến sức khỏe của người dân địa phương và làm mất mỹ quan thành phố Huế. Không chỉ có thế, người bán còn bày thịt gia súc, gia cầm vào thúng mủng và đặt ngay dưới nền đất ẩm ướt. Hầu hết các chợ đã có đội thu gom rác thế nhưng do công việc làm thủ công với một số lượng lớn nên việc dọn sạch là  rất khó và rác thải cứ ùn tắc từ ngày này qua ngày khác gây bốc mùi hôi thối rất khó chịu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng ôp nhiêm môi trường chợ và các khu vực dân cư lân cận. Mặc dầu đã có sự phản ánh từ người dân tuy nhiên tình trạng này hiện vẫn chưa thể giải quyết một cách thỏa đáng và cứ thế người dân lại phải tiếp tục chịu đựng tình trạng ô nhiễm kéo dài này.
Do đó, để khắc phục tình trạng này, trước hết các ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường, tuyên truyền vận động để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường ở các chợ, cần có cơ chế xử phạt rõ ràng nâng cao ý thức giữ gìn vệ snh môi trường đối với người kinh doanh buôn bán. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng chợ sạch sẽ, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như môi trường vệ sinh chợ. Ngoài ra, việc nâng cao ý thức người tiêu dùng cộng thêm với việc trang bị sẵn cho mình những kiến thức về an toàn thực phẩm trong khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm là hết sức quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho toàn xã hội.

N.T

Thursday 19 May 2011

TÍN DỤNG VI MÔ – CƠ HỘI CHO NGƯỜI NGHÈO

Như chúng ta đã biết, đói nghèo là một vấn đề xã hội mang tính toàn cầu. Những năm gần đây, nhờ có chính sách đổi mới, nền kinh tế nước ta đang từng bước tăng trưởng nhanh. Chính vì vậy mà đời sống của nhân dân ta đang ngày một được nâng lên một cách rõ rệt. Song, một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt dân cư ở các vùng xâu vùng xa, nông thôn… vẫn đang đang chịu cảnh nghèo đói, chưa đảm bảo được những điều kiện tối thiểu của cuộc sống. Hơn nữa, sự phân hóa giàu nghèo vẫn đang diễn ra mạnh, là vấn đề xã hội cần được quan tâm. Chính vì lẽ đó chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của chiến lược phát triễn kinh tế xã hội của nước ta hiện nay.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới đói nghèo, trong đó có một nguyên nhân quan trọng đó là: Thiếu vốn để sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, một trong những cách tiếp cận để giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay là khuyến khích người dân tham gia vào lĩnh vực tài chính vi mô, tạo cơ hội cho người nghèo có vốn kinh doanh nhờ các khoản tín dụng nhỏ hay còn gọi là tín dụng vi mô.
Vậy tín dụng vi mô là gì? Có thể hiểu nôm na rằng, tín dụng vi mô là tín dụng cho người nghèo: là những khoản vay nhỏ, rất nhỏ do các ngân hàng hoặc một tổ chức nào đó cung cấp cho người nghèo. Mục đích là giúp họ có thể tham gia hoạt động sản xuất hay tiến hành kinh doanh. Tín dụng vi mô thường dành cho cá nhân vay, không cần tài sản thế chấp, hoặc thông qua việc cho vay theo nhóm.
Với tín dụng vi mô thì tuy các khoản cho vay là không lớn như các ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách, nhưng các khoản vay này lại có ý nghĩa rất quan trọng bởi những khoản vay này có thể đến được với những người nghèo và nghèo nhất. Theo thông lệ, để được vay một khoản tiền lớn tại các ngân hàng thì trước tiên chúng ta phải có tài sản để thế chấp. Trong khi đó người nghèo thì lấy đâu ra tài sản để thế chấp mà vay. Chính vì vậy mà Tín dụng vi mô rất có ý nghĩa đối với người nghèo. Có thể nói Tín dụng vi mô là một chiếc cầu bắc qua sông để người nghèo vượt qua “biển khổ” bằng chính năng lực của mình.
Nếu coi hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính của các ngân hàng là biển, là sông thì tín dụng vi mô chỉ giống như là các con mương, con lạch đưa nguồn nước đến tận các cánh đồng hay nói rõ hơn là đưa nguồn vốn đến tận nhà người dân.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều tổ chức lớn  cũng đã có những hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ người nghèo được hưởng dịch vụ tiết kiệm và tín dụng để thay đổi cuộc sống. Ở nước ta, tài chính vi mô cũng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia, với xu hướng hoạt động đang phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Hệ thống tài chính của chúng ta đang trong giai đoạn phát triển và còn một tỉ lệ lớn người dân Việt Nam có thu nhập thấp chưa thể tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức. Do đó, tài chính vi mô chính là cơ hội để các đối tượng này tiếp cận được các dịch vụ tài chính góp phần cải thiện cuộc sống.
Cùng với xu hướng phát triển của thị trường về ngành tài chính vi mô; ngoài ra nhằm tạo cơ hội cho người nghèo có nguồn vốn sản xuất kinh doanh thì hiện nay TTKKTL cũng đã và đang cung cấp dịch vụ Tín dụng vi mô dành cho người nghèo trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế. Tính đến nay, Trung tâm chúng tôi đã giải quyết được nhu cầu vay vốn cho các hộ dân ở 42 phường xã. Khách hàng chủ yếu của Trung tâm đa số là phụ nữ. Họ sử dụng nguồn vốn vay chủ yếu để chăn nuôi, buôn bán, sản xuất.... Dưới hình thức trả góp nhiều lần, những khoản vay rất nhỏ từ chương trình Tín dụng vi mô tưởng chừng như “gió vào nhà trống” đã giúp không ít các hộ vay khởi nghiệp, bước từng bước vững chắc hơn trong cuộc sống hàng ngày. Và trong thời gian qua cũng đã có một số hộ dân đã thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn vay của Chương trình. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố chúng ta còn rất rất nhiều người nghèo có nhu cầu vay vốn để tiền hành sản xuất kinh doanh nhưng do nguồn lực của Trung tâm chúng tôi còn hạn chế nên chưa thể đi sâu đi sát và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong tương lai chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng mô hình cho vay vốn đến với nhiều địa bàn hơn nữa để góp phần giúp các hộ dân có nguồn vốn ban đầu để khởi nghiệp.

P.T.M

Wednesday 18 May 2011

13 thói quen nơi công sở có hại cho sức khỏe và công việc chung

1. Ngồi lâu
Việc ngồi bất động hàng giờ trước máy tính làm việc rất không có lợi cho sức khoẻ, khiến cơ thể mắc phải các chứng như máu khó lưu thông, bị cứng cơ, đau lưng, mỏi eo, đặc biệt dễ gây tổn thương cho vùng cổ.
Vậy nên, cách mỗi tiếng, nên đứng dậy vận động 1 lần. Việc thường xuyên vận động cổ và eo sẽ có lợi cho sức khoẻ.
2. Khát mới uống nước
Công việc bận rộn khiến bạn quên uống nước thường xuyên. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, mà còn làm tổn thường đến thận của bạn.
3. Nhìn máy tính liên tục
Tia bức xạ của máy tính gây tổn thương lớn cho làn da và cơ thể. Việc nhìn máy tính liên tục trong thời gian dài cũng khiến thị lực giảm sút.
Đặt 1 chậu cây xanh trên bàn làm việc, thường xuyên uống trà xanh hoặc trà hoa cúc có thể hoá giải bớt tác hại của các tia bức xạ này.
4. Ngồi vắt chéo chân
Tư thế này có vẻ khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, nhưng thực tế lại dễ làm cho máu ở chân khó lưu thông hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cột sống.
5. Ngồi điều hoà trong thời gian dài
Làm việc lâu trong phòng kín, mở điều hoà, không khí không được lưu thông, khó có thể hít thở không khí trong lành, dễ khiến cơ thể bạn bị suy nhược, dễ mắc bệnh.
6. Ít vệ sinh thiết bị văn phòng
Các thiết bị hàng ngày bạn vẫn dùng tới như điện thoại, bàn phím máy tính, con chuột… trong văn phòng bao lâu rồi chưa được làm sạch? Chính những “cái nôi vi khuẩn này” là “các nguy cơ tiềm ẩn” đối với sức khoẻ đấy.
7. Nhịn đại tiểu tiện
Dù bận đến đâu bạn cũng không nên nhịn đại tiểu tiện, vì điều đó sẽ khiến thận gặp rắc rối.
8. Không tập trung cho công việc do sau mê lướt mạng
9. Không giải quyết công việc theo kế hoạch, chờ nước đến chân mới nhảy
10. Thường xuyên đi làm trễ, nghỉ việc nhiều, không có cơ hội được giao những việc quan trọng
11. Thiếu tự giác trong công việc (đòi hỏi tính  tự giác và tự trọng cao),  hay so đo với đồng nghiệp
12. Thói quen xài của chùa, thiếu ý thức tiết kiệm ngân sách từ những hành vi nhỏ nhất – như tiết kiệm một tờ giấy in, tắt vi tính khi đi ra ngoài, khép chặt cửa khi bật điều hòa…
13. Thói quen ỷ lại các mối quan hệ với cấp trên, không tự khẳng định năng lực bản thân bằng kết quả cụ thể của một công việc được giao.

T.H

Tuesday 17 May 2011

Ý THỨC LÀM VIỆC THEO NHÓM CỦA NHÂN VIÊN HIỆN NAY


Trong bất kỳ một môi trường trường làm việc nào, kể cả trong hoạt động thể thao, giải trí.... mọi cá nhân đều hiểu và tin rằng việc tư duy, lập kế hoạch, quyết định và hành động sẽ được thực hiện tốt hơn khi tất cả cùng hợp tác, bởi : "Không một ai trong chúng ta có thể giỏi bằng tất cả chúng ta hợp lại". Làm việc theo nhóm là hoạt động luôn được công nhận và đánh giá cao. Những người lang thang cô độc, cho dù có là một nhà sản xuất xuất sắc tới mức nào đi nữa thì cũng được đánh giá thấp hơn những cá nhân đạt được thành quả cùng với nhiều người khác. Sự đền bù, tiền thưởng và những phần thưởng...phụ thuộc vào thực tế mức độ hợp tác cũng như đóng góp và thành tựu đạt được của từng cá nhân. Nếu trong một tổ chức, cơ quan, các nhân viên đều ý thức được tầm quan trọng của  làm việc theo nhóm và sức mạnh đạt được của sự cùng nhau hợp tác thì chắc chắn cơ quan đó sẽ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù các nhân viên đều được lãnh đạo phân theo từng nhóm với những công việc khác nhau, nhưng các nhân viên trong nhóm vẫn không chịu hợp tác hay hỗ trợ nhau trong công việc, mặc dù công việc được phân cho từng nhóm là công việc chung của tất cả các thành viên trong nhóm đó, nhưng phần lớn việc hoàn thành hoặc giải quyết công việc đó đều do một hoặc hai cá nhân trong nhóm thực hiện. Nguyên nhân là do các nhân viên chưa có ý thức và tinh thần hợp tác cao trong khi làm việc theo nhóm, trình độ tri thức, tâm lý ỷ lại, ghanh tỵ hoặc thiếu trách nhiệm, thiếu tin tưởng...lẫn nhau, vì thế mà thời gian hoàn thành công việc cũng như tính hiệu quả trong công việc còn thấp. Do đó, để xây dựng và phát huy tinh thần làm việc theo nhóm thì những thành viên trong nhóm cần phải tin rằng sự cống hiến của mình cho tập thể được cấp trên đánh giá đúng đắn, chính xác và nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng, không có sự không rõ ràng ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi người, các thành viên trong nhóm phải được định hướng rằng thành quả của tập thể có từ sự đóng góp tích cực của mỗi người. Ngoài ra, chúng ta phải tạo ra môi trường mà các nhân viên cảm thấy tự tin, thoải mái, tự tin và tin tưởng lẫn nhau để cùng nhau làm việc, hợp tác và hỗ trợ nhau để đạt đến mục tiêu chung đã được đặt ra.

X.Q

Monday 16 May 2011

NGHĨ VỀ “CHỮ TÂM” TRONG CUỘC SỐNG


Tôi đã từng nghe một lời bài hát rằng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Thật đúng vậy, sống trên đời mỗi chúng ta cần phải có một chữ “Tâm”. Bởi có Tâm mới làm nên sự nghiệp. Vậy chữ Tâm ở đây có nghĩa là gì?
Ø     Tâm là trái tim bằng xương bằng thịt.
Ø     Tâm là ý thức của con người.
Ø     Không chỉ là ý thức, “Tâm” còn là thế giới bên trong, cái chủ quan, tâm hồn, tình cảm, ý đồ, tinh thần, tâm lý. “Tâm” không chỉ là lý mà còn là tình.
Ø     Tâm còn biểu hiện là sự cảm thông, biết chia sẽ với người khác lúc hoạn nạn, khó khăn. “Tâm” là tâm tính, tâm can, tâm tư, tâm khảm, là toàn tâm toàn ý cho công việc, cho sự nghiệp, lý tưởng của mình.
Ø     Và ngoài ra còn rất nhiều ý nghĩa khác nhau nữa nhưng chung quy lại thì “Tâm” chính là phẩm chất của một con người.
Và cũng từ chữ “Tâm” nếu ghép với những chữ khác ta cũng có rất nhiều nghĩa như: tà tâm, lãnh tâm, ác tâm, nhị tâm, nhẫn tâm…để chỉ những kẻ độc ác, vô cảm, phản trắc. Xã hội nào cũng đề cao chữ Tâm, đề cao đạo đức, bởi vì chữ Tâm, đạo đức là gốc của sự hài hoà, vững bền, phát triển. Những danh nhân được tôn vinh đều là những người có tâm trong sáng, cao cả. Và cũng có thể nói rằng: Cái Tâm là cội nguồn gốc rễ cho mọi sự thành công của mỗi một chúng ta. Thật vậy, bất kỳ một công việc nào cũng cần có “cái Tâm” dù là việc lớn hay việc nhỏ. Cái Tâm ở đây chính là tinh thần trách nhiệm trong công việc mình làm, trách nhiệm với việc mình được giao phó. Tinh thần trách nhiệm ấy được thể hiện qua cách chúng ta thực hiện công việc, bất kể hoàn cảnh hay cảm xúc nào cũng phải tuân theo cam kết, và lúc nào cũng muốn công việc của mình hoàn thành một cách tốt đẹp. Đó chính là “có Tâm” trong công việc. Vì thế chúng ta không cần phải nói cho mọi người biết rằng là chúng ta đang làm việc “có Tâm”. Bởi vì Tâm nó đã thể hiện qua hoạt động, hành vi và qua cách ta sống mà tất cả mọi người đều nhìn nhận được.
Và phần thưởng cuối cùng dành cho những người có Tâm trong công việc chính là sự thành công.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng chọn cho mình một công việc trước hết là để kiếm sống, sau đó là làm giàu. Trong đó sẽ có người thành công, có người thất bại, có người hài lòng với công việc hiện tại, có người lại bất mãn với công việc mình đã lựa chọn....Chung quy lại thì bất cứ ai cũng mong muốn mình sẽ thành công trên mỗi con đường mà chúng ta đi. Nhưng mỗi chúng ta lại có những suy nghĩ khác nhau, những hành động khác nhau để đạt được mục đích đó. Và những người đi đến đích sớm nhất và thành công nhất sẽ là những người biết dựa vào chữ Tâm để tiến bước. Và nhà thơ Nguyễn Du cũng đã từng nói “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”.Thật đúng vậy, dù bạn có tài, dù bạn giỏi hơn người khác nhưng bạn thiếu đi “cái Tâm” thì tài năng ấy cũng trở nên vô dụng đối với xã hội bởi vì tài năng ấy chỉ để phục vụ cho những mục đích thấp hèn và vị kỷ. Chẳng hạn như hiện nay một số công ty, nhà cung cấp vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi “chữ Tâm” đã tạo ra những sản phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng như: ớt bột có chứa chất gây ung thư, thịt lợn nhiễm bệnh... vẫn được bán tràn lan trên thị trường.
Trong nhịp sống hối hả như hiện nay, việc giữ Tâm luôn tĩnh lặng, sáng suốt, an lạc là một việc làm rất khó. Bởi vì, chúng ta đang sống, đang tương tác với xã hội này, mà xã hội thì luôn luôn vận động và lôi cuốn con người vào guồng máy vật chất. Mọi chuyện dù lớn hay nhỏ đều tác động ít hay nhiều đến với chúng ta. Có đôi lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và khi hoàn cảnh đưa đẩy ta bàng hoàng nhận ra, hình như mình đã không còn là mình và mọi chuyện đang không nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa. Những lúc ấy nếu không vững tâm thì thật là tai hại. Ta sẽ có những sai lầm, mà thời gian thì không bao giờ trở lại để sửa những sai lầm.
 Như các cụ ta vẫn nói “sống có đức mặc sức mà ăn”. Tuy câu nói này nghe có vẽ rất đơn giản nhưng nó lại chứa đựng một ý nghĩa  rất to lớn, đúng đắn và sâu sắc. Hơn bao giờ hết, câu nói này rất phù hợp và cần được nêu cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt là với những bạn trẻ đang từng bước xây dựng sự nghiệp tương lai như chúng ta.

P.T.M

Wednesday 11 May 2011

TỰ TIN

    
      Trong thực tế cuộc sống, ta có thể thấy được rất nhiều những danh nhân, những con người thành đạt với sự thành công trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta thường hay đặt câu hỏi rằng tại sao và bằng cách nào mà những người như thế có thể tiếp cận được sự thành công, ngoài những đức tính, phâm chất cần thiết như sự chăm chỉ, tài năng, linh hoạt trong giao tiếp, may mắn,… Để có được những sự thành đạt như thế, con người cần có một phẩm chất không kém phần quan trọng ở thời đại này, đó chính là sự tự tin. Vậy sự tự tin là gì và nó có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc sống mỗi con người?
    Tự  tin là tin vào chính bản thân mình, tin vào chính giá  trị, những phẩm chất tốt đẹp đang tồn tại bên trong con người mình, tin vào những thành công, những thành quả mà mình đã đạt được trong quá  khứ để vững bước đón nhận những thử thách mới trong tương lai; tin vào tài năng của mình, những ước mơ tốt đẹp mà mình theo đuổi và tin rằng dù có phải thất bại đi chăng nữa, mình vẫn có thể thực hiện được nó ở những lần sau. Tự tin trái ngược với sự hèn nhát, rụt rè, thiếu niềm tin vào bản thân và lo sợ phải thất bại, không dám theo đuổi ước mơ.
    Tự  tin là một phẩm giá mà mỗi cá nhân cần phải hướng tới và rèn luyện để có thể tồn tại và phát triển trong cuộc sống và sự nghiệp. Với sự tự tin, chúng ta sẽ tạo được một nền móng vững chãi trong tâm hồn, một bản lĩnh vững chắc của bản thân, từ đó chúng ta có thể xác định rõ rang rằng: chúng ta là ai trong cuộc đời này, xác định rõ con đường chúng ta sẽ đi trong cuộc đời, sự nghiệp. Chỉ có thế chúng ta mới có thể hình thành và theo đuổi ước mơ đúng đắn của chính bản thân mình, cũng là thể hiện bản thân. Đồng thời, sự tự tin trong cuộc sống hay công việc thường nhật mang đến cho ta khả năng quyết đoán trong việc lựa chọn khi mắc phải những vấn đề cần sự giải quyết. Người tự tin sẽ không ngần ngại trước bất cứ một công việc nào dù công việc đó có quá sức với họ đi chăng nữa và họ có thể thất bại.
Qua đó, ta có thể thấy được: tự tin như một nguồn động lực giúp cho ta có thể chấp nhận đương đầu với những thử thách trong cuộc sống, dù thành công hay thất bại thì đó cũng là cơ hội để chúng ta học thêm những kiến thức mới, phát hiện, đào sâu những phẩm chất tồn tại bên trong con người chúng ta mà bấy lâu nay chúng ta không biết. Quan trọng hơn, sự tự tin sẽ tiếp cho ta thêm sức mạnh và nghị lực để có thể vượt qua thất bại, khó khăn trước mắt để tiến lên phía trước, đồng thời cũng là chìa khóa dẫn đến thành công trong công việc. Điển hình cụ thể hơn: những người nói tiếng Anh giỏi chắc chắn phải có nhiều lần đứng ra nói chuyện với người khác, người nước ngoài bằng tiếng Anh, cũng phải vấp những lỗi về ngữ pháp, cách dùng từ, nhưng sự tự tin trong giao tiếp đã giúp họ vượt qua và đạt được thành công trong việc học ngoại ngữ. Cuộc sống luôn đầy rẫy những thử thách, nếu chúng ta không tự tin, tin vào chính mình để vượt qua thì thành công sẽ khó mà đến với chúng ta.
    Hầu như ai cũng biết, tự tin là một kĩ năng, phẩm chất cần thiết cho con người. Thế nhưng không phải ai cũng có trong người sự tự tin ấy. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn quan sát thấy được những người nhút nhát, thiếu niềm tin vào bản thân, hay thích dựa dẫm vào kẻ khác, dẫn đến sự thiếu kĩ năng và kiến thức cần thiết. Điển hình là một số bạn trẻ, dù đã bước sang tuổi trưởng thành rồi mà vẫn không tự tin dấn thân vào đời, tự lập để mà kiếm sống, kĩ năng sống thì không có, sống vật vờ vô ích như một người thừa của xã hội. Một số kẻ còn thiếu tự tin đến mức không dám chấp nhận những thử thách trong công việc, để cho những cơ hội thăng tiến bay qua mà không muốn nắm bắt vì sợ thất bại, không tin vào những khả năng của bản thân mình có thể làm được.
 Và tệ hơn nữa là có một số người tự tin quá mức đâm ra chủ quan, tự phụ vào chính bản thân mình, xem trọng và đề cao cái tôi của mình, xem thường người khác. Ắt hẳn khi còn thơ ấu, chúng ta đã đều được đọc truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ”, Thỏ đã chủ quan quá mức nên thua ê chề trong cuộc đua với Rùa. Những người chủ quan như thế sẽ khó tránh khỏi thất bại. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải hiểu tự tin thôi vẫn chưa đủ để dẫn đến thành công, cần có sự hỗ trợ của đức tính khác như cần cù, sự khéo léo, linh hoạt trong công việc,… và cả sự giúp đỡ của người khác để vươn tới thành công mai sau.
    Tự tin là chiếc chìa khóa dẫn đến sự thành đạt trong cuộc sống, vậy chúng ta hãy rèn luyện nó ngay từ bây giờ để trở thành một con người năng động , bản lĩnh trong xã hội, tồn tại một niềm tin mãnh liệt vào bản thân trước chông gai cuộc đời.

Đ.N

Tuesday 10 May 2011

GIỚI TRẺ THỜI HỘI NHẬP: NHỮNG CÁI NHÌN HỆ LỤY

Sự sống quý giá

Cuộc sống hiện đại khiến cho không ít giới trẻ nhanh chóng thích ứng với nhịp độ hối hả và tất bật của chốn thành thị. Không biết bao nhiêu câu chuyện về giới trẻ, con người trẻ vẫn còn khá nhiều điều để ta phải suy nghĩ. Đối với tôi, tuổi trẻ là một khoảnh khắc quý giá nhất của mỗi con người, bởi tất cả những dự định và tương lai đều sẽ được định đoạt bởi trong chính những thời khắc ấy. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay mà ở đó không thể thiếu những chiếc máy vi tình kết nối internet giúp mọi người mở ra một thế giới công nghệ đầy màu sắc, khám phá nhiều nền văn hóa trên thế giới. Và một câu hỏi được đặt ra rằng” Lý tưởng sống của giới trẻ thời @ là gì?”.
Trong mỗi thời đại, mỗi điều kiện lịch sử khác nhau thì các thế hệ thanh niên Việt Nam đều có một sứ mệnh nhất định. Đó là sứ mệnh làm cho bản thân, gia đình, cho nhân dân, tổ quốc nhằm hướng đến một cuộc sống văn minh trong ấm no, hạnh phúc và họ có quyền lựa chọn đường đi cho riêng mình và ấp ủ nuôi dưỡng cho những lý tưởng sống của bản thân. Nếu như lớp trẻ khi xưa đấu tranh vì khát vọng cháy bỏng, quét sạch quân thù, đem lại hòa bình cho dân tộc thì giới trẻ ngày nay cũng có những sứ mệnh đấu tranh chống đói nghèo, lạc hậu, với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… nhằm xây dựng một đất nước phát triển giàu mạnh và hướng đến hội nhập với các quốc gia phát triển trên thế giới…
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng không thể phủ nhận một bộ phận lớp trẻ vẫn đang sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Họ buông xuôi cho số phận và cứ thế càng lấn sâu vào vòng xoáy tối tăm và mãi không thể nào tìm ra lối thoát. Họ vô tình tiếp tay cho cái xấu, cái ác, những mảng đen tối của xã hội gây ra nhiều hệ lụy vô cùng đáng tiếc. Những tệ nạn bạo lực học đường không chỉ giới hạn giữa các nam sinh mà hiện nay trên các mạng xã hội Youtube.com vẫn nhang nhản bóng dáng của nữ sinh thuộc thế hệ Teen 8X, 9X đánh nhau, xé áo, nói tục chửi thề…Bên cạnh đó, những danh hiệu mà các TEEN tự phong cho những cô nàng, anh chàng đẹp trai, đẹp gái như HOTBOY, HOTGIRL vẫn không ngừng được các TEEN nhà ta tung lên trên các blog cá nhân, facebook để cùng nhau chia sẻ hay “tám” vô số chuyện trên đời từ trào lưu thời trang, thần tượng Hàn Quốc, Đài Loan… rồi đến những scandal đình đám với những clip đen về quan hệ tình dục hay việc post những bức ảnh “tự sướng”, “show hàng” để thể hiện cá tính… của những cô cậu học trò hay của những ca sĩ, diễn viên HOTBOY, HOTGIRL hiện giờ. Tuổi trẻ thường bồng bột, nhất thời và dám nghĩ dám làm nhưng nhìn vào những việc như thế này thì họ đang đi quá đà và vô hình dung họ đang dần đánh mất chính bản thân mình. Đồng ý đất nước ta đang trên đường hội nhập với thế giới nhưng làm thế nào để hội nhập chứ đừng hòa tan. Hội nhập để làm gì? Hội nhập để tiếp thu những cái mới, cái tốt, cái tinh hoa của thế giới để áp dụng vào đất nước chứ không phải chúng ta du nhập những tư tưởng “sống thoáng, cởi mở của văn hóa phương Tây” để dần đánh mất những thuần phong mỹ tục cũng như văn hóa vốn có của dân tộc, của con người Việt Nam thuần túy.
Có thể nói, bên cạnh những bạn trẻ với lý tưởng sống cao đẹp và lành mạnh khi họ tích cực tham gia vào các hoạt động của đoàn trường, của xã hội như chiến dịch mùa hè xanh, mùa tuyển sinh hay những hoạt động tình nguyện Festival, phong trào hiến máu nhân đạo..thì bên cạnh cũng tồn tại không ít những bạn trẻ sống không có lý tưởng, không mục đích và lãng phí nhiều thời gian cho việc ăn chơi, đua đòi, chơi game, chát chít…Và hậu quả dẫn đến những hệ lụy không mong muốn đó là sự trượt dài trong học tập, nghiện ngập, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai, cướp của, giết người…
Có thể nói, những lỗi lầm này không nên chỉ đổ lỗi tại cơ chế thị trường, toàn cầu hóa mà chắc chắn có một phần lớn trách nhiệm của các bậc phụ huynh chỉ mãi lo kiếm tiền, tiến thân cho kịp với sự phát triển của xã hội mà quên đi bổn phận và trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái. Điều mà các bậc làm cha, làm mẹ nên làm lúc này là nên nắm bắt lứa tuổi phát triển tâm sinh lý của con em mình để quan tâm, tâm sự và chia sẻ xem chúng thích gì, cần gì, làm thế nào là đúng, thế nào là sai để hướng dẫn cho chúng biết những cái gì nên làm, không nên làm và qua đó, giúp chúng định hướng cho tương lai.
Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ duy nhất một lần sống. Vì thế, hãy sống làm sao cho có ý nghĩa, sống sao cho không hổ thẹn, ân hận và hoài phí, sống có lý tưởng, có mục đích, có hoài bão để có thể đóng góp công sức của mình trong công cuộc đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững, giàu mạnh và có thể cạnh tranh với những nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.

N.T

Friday 6 May 2011

LÒNG THƯƠNG

Trên đường phố chúng ta gặp nhiều cảnh ngộ thương tâm: một bà già với gánh hàng nặng trĩu trên tấm lưng còng, một em bé bán vé số nhỏ bé và nhem nhuốc, một người bán chai bao mệt mỏi đang dựa vào gốc cây, người phụ nữ với đứa con tật nguyền đang xin ăn ở chợ,… Tất cả đều gợi cho chúng ta lòng thương cảm và là lý do để sẵn lòng giúp đỡ họ.
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp đó có nhiều trường hợp chỉ là cảnh tạm thời mà chúng ta thấy, còn mặt khuất sau giờ làm việc của họ lại trái ngược hẳn. Một người bán chai bao với tấm nón rách, xe đạp cà tàng, nét mặt đen đúa với bộ đồ xấu xí trở về căn nhà khá khang trang, sáng sủa và trong nhà dựng một chiếc xe tay ga đỏ chót. Người phụ nữ ngồi đếm lại số tiền đi xin được cũng khoảng 80 - 90 nghìn sau khi trả tiền thuê mượn đứa con tật nguyền của người đàn bà khác...Người đàn ông xin ăn mù và tật nguyền ở chân chẳng bao giờ bị ngã…. Và thu nhập của họ nhiều khi còn cao hơn những người lao động chân chính khác mà lại nhàn nhã hơn.
Mỗi người có một nghề và mỗi cách sống khác nhau và không ai có quyền cấm cản họ. Nhưng nếu như vậy thì khác nào họ đang lừa gạt, bóc lột những người khác, những người nhẹ dạ cả tin. Mặc dù sự giúp đỡ họ nhận được từ mỗi người chúng ta không nhiều nhưng vô tình chúng ta đã tiếp tay cho các hành động của họ, để cho các hoạt động này tiếp tục tái diễn và phát triển. Có một thời gian rộ lên thông tin có thật về một ngôi làng ở Thanh Hóa chuyên đi ăn xin trong những tháng rỗi rãi sau vụ mùa. Điều này làm mất mỹ quan thành phố và làm mất lòng tin vào con người vốn có trong mỗi người chúng ta.
Trên thực tế, nhóm người này còn tạo ra nhiều tệ nạn xã hội khác như bóc lột sức lao động trẻ em, trộm cắp, rượu chè…thậm chí nhiều người còn sử dụng số tiền kiếm được vào ma túy. Những người này đã đánh mất lương tâm và lòng tự trọng khi chọn cho mình loại nghề nhàn rỗi này. Ở đây chúng ta không đề cập đến những người thực sự mất khả năng lao động và không còn cách gì khác ngoài việc phải ngồi đầu đường xó chợ xin ăn sống qua ngày.
Vì vậy, nên chăng các hoạt động từ thiện hay những tấm lòng hảo tâm nên đến đúng địa chỉ, đúng người và tốt nhất nên đến những trung tâm nhân đạo mà ở đó có những định hướng giúp đỡ cho những người nghèo về lâu về dài và để những giúp đỡ đó thực sự có ích đối với họ. Còn kiểu giúp đỡ hàng ngày, giúp đỡ tức thì như chúng ta vẫn thường làm đối với người nghèo chỉ như muối bỏ bể mà thôi và đôi lúc không khéo chính chúng ta đã làm hại họ, khuyến khích họ phát triển cái công việc thiếu đạo đức này.
Tự căn bản trong mỗi người đều có lòng thương người nhưng nó nên được đặt đúng chỗ, đúng nơi nó cần đến để cho thế giới quanh ta đẹp hơn, sạch hơn.

Xin có 2 câu chuyện được tải từ Internet về để mọi người “thưởng thức”:
Câu chuyện thứ nhất: Cô gái nhảy và người ăn xin
Vương Tú Phong, Truyện ngắn Trung Quốc

Trong căn phòng nhỏ đẹp đẽ ở ngoại ô có một cô gái xinh đẹp.Một hôm, có một người ăn xin đi qua. Ông ta ăn mặc rách rưới cùng mái tóc bạc trắng, trông rất đáng thương. Cô gái động lòng trắc ẩn, cho ông 10 đồng. Cô hỏi người ăn xin :" Mỗi ngày trừ lúc đi ăn xin thì ông làm gì?"
Người ăn xin nói: "Trang điểm".
"Trang điểm?" Cô gái kinh ngạc :"Đi ăn xin mà cũng cần trang điểm sao?".
"Đúng vậy, tôi trang điểm, đánh phấn để già yếu hơn một chút, cùng khổ hơn một chút, như thế khiến người khác càng động lòng, thì tôi càng có thể xin được nhiều tiền hơn. Còn cô, ngoài lúc đi làm thì cô làm gì?"
Cô gái nói: "Trang điểm".
Người ăn xin cũng gật đầu, nhưng không tỏ ra lạ lắm, vì ông hiểu, rất nhiều các công ty hiện nay đều bắt nhân viên của mình phải trang điểm, ông hỏi :"Cô làm ở đâu?".
"Làm ở sàn nhảy. Tôi trang điểm để trẻ hơn một chút, cao sang hơn một chút, các khách sang trọng mới thích tôi, mới thưởng cho tôi nhiều tiền".
Nghe cô gái nói vậy, người ăn xin lập tức móc 10 đồng ra trả lại.
Cô gái kinh ngạc hỏi :"Sao thế, ông không cần sao?".
Người ăn xin nói :"Đúng vậy, không cần, vì đội ngũ của chúng tôi có nguyên tắc : Không được xin tiền của người cùng nghề".

Câu chuyện thứ hai: Ăn xin tri thức

Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.

- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.

Ăn mày rất thích kể lể.

- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…

- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.

- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.

Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:

- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?

Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.

Ông ta giảng giải:

- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.

Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.

- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…

- …???

- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.

Ông ta lấy giọng nói tiếp:

- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.

- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.

- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Các đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!

- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?

- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.

- Hả? Nhiều vậy sao?

Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:

- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.

Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.

Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.

- Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.

- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?

Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.

- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.

Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.

Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.

- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!

Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.

- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?

Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.

Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.

Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!

- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.

Quá chuẩn!

- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.

- Ối ông cũng có vợ con?

- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.

A.D