Wednesday 29 July 2015

CỤ BÀ 78 TUỔI HÀNG NGÀY ĐI LƯỢM VE CHAI, NUÔI HEO ĐỂ NUÔI HAI ĐỨA CHÁU ĂN HỌC



Đến đường Ngự Bình phường An Cựu, chúng ta hỏi cụ bà hàng ngày đi xin nước vo gạo về nuôi heo, đi lượm ve chai để nuôi 2 đứa cháu ăn học thì ai ai cũng biết. Bà cụ này có tên là Phan Thị Chiên. Cụ Chiên năm nay đã gần 80 tuổi. Cụ có 3 người con, đứa đầu thì đã qua đời từ lâu, đứa thứ 2 do bị bệnh tâm thần nên chính quyền địa phương đã đưa đến trại tâm thần. Trong 3 đứa thì chỉ có duy nhất người con trai út là có vợ và có 2 đứa con nhưng người vợ của anh cũng đã bỏ đi khi đứa con thứ 2 của anh mới được 1 tuổi. Cách đây hơn 1 tháng, anh con trai út của bà cũng đã qua đời do bị đột quỵ và để lại 2 đứa cháu cho bà chăm sóc.
Đường vào nhà cụ đi qua một con hem nhỏ, đi vào cuối con hẻm là đến nhà của cụ. Đây là 1 căn nhà cấp 4 do hội phụ nữ phường và những người hàng xóm đóng góp xây dựng. Trong căn nhà nhỏ này thì thứ duy nhất đáng giá đó là một chiếc tivi đời cũ, ngoài chiếc tivi thì chúng tôi chẳng thấy thứ gì đáng giá. Trong  nhà chỉ có một chiếc chiếu để cho mấy bà cháu ngồi và cũng là chỗ ngủ của mấy bà cháu. Trong nhà còn có một chiếc bàn nhựa và mấy cái ghế dùng để ăn cơm. Ngồi trò chuyện cùng bà thì chúng tôi được biết: Bà có 2 đời chồng, chồng đầu của bà là liệt sĩ. Người chồng thứ 2 thì có với bà 3 đứa con nhưng từ khi bà sinh được đứa thứ ba thì ông ấy cũng bỏ nhà đi biệt xứ. Và thật không may, biết bao công sức cụ bỏ ra để nuôi các con đều đổ xuống sông xuống biển. Tất cả chúng đều không thể giúp được gì cho bà cả. Đứa thì bị tâm thần, 2 đứa thì đã mất. Ngồi trò chuyện với chúng tôi mà 2 hàng nước mắt của bà cứ chảy dài trên má. Bà nói: “ số tui khổ quá mấy chú ơi, người ta tuổi này thì con cháu cả bầy, thích đi đâu ăn gì thì được con cháu chăm lo đầy đủ. Tui đây khổ cực quá, tuổi cao sức yếu mà hàng ngày phải lo kiếm tiền để nuôi cháu”. Nhìn bà, nghe bà nói mà những người trong đoàn chúng tôi có mặt hôm đó ai ai cũng thấy xao lòng. Cầu mong sao có những ân nhân, những tấm lòng tốt để có thể giúp bà có cuốc sống tốt đẹp hơn, giúp cho 2 cháu học hành đến nơi đến chốn.

NIH

Monday 27 July 2015

Tháp nhu cầu Maslow


Nội dung tháp do nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow đưa ra năm 1943 chắc nhiều người đã biết, đã hiểu. Nhưng cách hiểu đó thường theo nghĩa kinh điển, như những gì ngài Maslow muốn trình bày thủa ban đầu. Theo đó nhu cầu con người có thể phân chia thành 5 cấp hình tháp từ dưới lên:
Tầng 1 : nhu cầu cơ bản: ăn, uống, ngũ...
Tầng 2: nhu cầu an toàn: công việc, chổ ở,
Tầng 3: nhu cầu giao lưu tình  cảm và trực thuộc
Tầng 4: nhu cầu được yêu thương, kính trọng
Tầng 5: nhu cầu tự thể hiện bản thân mình: biết chính xác bản thân mình là ai, đang làm gì, mình muốn gì và cần gì. Một trạng thái của sự thành đạt.
Theo logic, những nhu cầu mức dưới được thỏa mãn thì chắc chắn những nhu cầu mức trên mới được xác lập.
Có một sự thật mà ít người được biết: đó là gần cuối đời Maslow ngộ ra rằng nếu một cá nhân bằng cách nào đó biết cách để tự tu tập, hoàn thiện cá nhân của mình trước thì chắc sẽ đạt được những nhu cầu khác theo cách "êm dịu" hơn nhiều.
Khi con người "ngộ" ra được ý nghĩa cuộc đời  thì người ấy  sẽ biết sống hiền hòa, dung dị, rộng lượng, quên đi cái "ngã" sân- si- tham của mình để hiểu tường tận hơn về nhân sinh; người như vậy sẽ trân trọng và yêu mến cuộc sống và tìm cách tận hưởng nó. Nếu thực chất như thế người đó sẽ được mọi người xung quanh  yêu mến nể phục, kính trọng.


Đương nhiên, khi có một gia đình vững vàng làm nền tảng thì con người sẽ yên tâm để làm việc một cách tự tin, thoái mái có nhiều động lực và sáng kiến hơn.
Khi sống và làm việc trong một môi trường có nhiều người tôn trọng, quí mến mình, chắc chắn bản thân người được quí mến đó sẽ không để mình phải thiếu cái ăn, cái mặc hay nhu cầu cần được yêu thương.

Vì vậy, có người cho rằng tháp nhu cầu Maslow nên được áp dụng ngược lại. Tức là con người hãy biết tự hoàn thiện bản thân mình  thì sẽ cảm hóa thu hút nhiều thứ khác về mình một cách chân chính, minh bạch.


Có một điều ít người suy luận và chứng nghiệm về tháp nhu cầu này là: không hẵn mọi người đều có khuynh hướng đi lên, mà có người khi đã đạt được mức thứ 5 - cao nhất trong tháp Maslow rồi, sau một thời gian lại dần dần đi xuống. Có nghĩa là: cái đạt được của anh trước đây là "giả tạo", "rỡm", được xây dựng trên "kịch bản có sẵn" của một "kịch sĩ" siêu hạng. Theo thời gian, nhu cầu của con người này lùi dần về mức 2, mức rất thật: "cơm, áo, gạo, tiền" - đúng với bản chất thật đã được tô trát bấy lâu mà thiên hạ không biết nên luôn tung hô...trong quá khứ. Cũng có thể con người này trước đây rất "gộc" nhưng " bị suy thoái" theo thời gian???

Nghiên cứu tháp Maslow mới cảm sâu lòng người và  nổi đau nhân sinh!


PVH

Saturday 25 July 2015

Đôi điều suy nghĩ..


            Đọc bài báo nói về Lưu Linh, người nghiện rượu thời xa xưa cũng thấy cái hay, cái sầu của nó. Uống rượu quên sầu, uống rượu mừng cũng vui. Có lẽ phải hiểu nhiều qua câu chuyện về ông Lưu Linh:
            “Tương truyền, Lưu Linh, người đời Tấn (210-270), quê đất Bái, nay thuộc Từ Châu, Giang Tô, là một trong “Trúc Lâm thất hiền” (bảy nguời hiền trong rừng trúc). Các ông này rượu chè suốt ngày. Khi Lưu Linh chết có cả thơ đề trên mộ:
Họ Lưu lãng tử chẳng nên tài
Vác cuốc “chết đâu chôn đó ngay”
Say khướt đã coi ngang vạn vật
Chết khô chi bận chút hình hài
Nghìn năm mộ cổ cỏ gai mọc
Muôn dặm đường dài cát bụi bay
Tỉnh táo mà chi xem thế sự
Cánh bèo trôi giạt đáng thương thay
Lưu Linh đã lưu danh muôn thưở chỉ vì rượu tối ngày. Thời nay ai say sưa bét nhè được gọi là đệ tử Lưu Linh.”
            Ngày nay, nghĩ đến việc uống rượu bia vừa có hại cho sức khỏe nếu chúng ta không biết kiềm chế, nhiều khi còn gây tai nạn cho người đi đường ví dụ như vụ ông Đinh Thế khai nhận mình có hơi men khi điều khiển xe ô tô gây ra vụ TNGT trên cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) chiều 13/7 làm 5 người thương vong vừa qua. TP Đà Nẵng cũng có nhiều biện pháp hạn chế tình trạng uống quá chén bằng cách cho taxi miễn phí cho người say rượu về đến nhà. Nhưng theo tôi việc này cũng ít có khả thi vì nhiều người uống rượu bia ít khi cho là mình say dể lên xe taxi về nhà.

QH

Friday 24 July 2015

Thanh trà Huế


 Cứ vào tầm cuối tháng 7 đầu tháng 8 hằng năm, là mùa thanh trà ở Huế, không biết Thanh trà có từ khi nào nhưng ngày xưa Thanh trà, nhãn Huế, măng cụt là một trong những ấn phẩm để tiến cung cho Vua, đủ để thấy rằng Thanh trà là một loại trái cây đặc biệt, người ta thường ví Thanh trà, măng cụt và nhãn Huế là những cô nàng “đỏng đảnh”, khó tính nhưng vô cùng quý phái, thanh tao, thanh tao như cốt cách vốn có của người Huế, bởi vì Huế vốn dĩ không được tạo hóa đãi ngộ về thiên nhiên, về điều kiện khí hậu vì thế mà trái cây nào có thể tồn tại ở Huế thì đó là loại trái cây ngon không nơi nào sánh được, chúng ta có Bưởi, hay nhãn và măng cụt ở miền Tây nhưng người sành ăn sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt, đó chính là nét đặt biệt mà ông Trời đã ban tặng cho miền đất khí hậu khắc nghiệt như thế này, và con người Huế cũng vậy, người Huế cũng hòa mình vào dòng phát triển nhân loại cũng hội nhập tuy nhiên luôn  luôn giũ gìn bản sắc của mình…

Thanh trà Huế không phải là loại dễ trồng, chỉ trồng ở khu vực phường Thủy Biều, khu vực xung quanh thượng nguồn sông Hương, nơi có phù sa bồi đắp hằng nằm, có lẽ nhờ một phần phù sa đó mà tạo nên trái cây đặc sản mang thương hiệu Huế, không phải cứ ở Huế là trồng được loại cây này cho dù cùng một giống và cách chăm sóc không hề khác chút nào, đó cũng là lý do giải thích tại sao người Huế luôn luôn giữ được “nét trầm tư” rất Huế…

Vài năm trước, người làm vườn ở Thủy Biều còn phải vất vả tìm đầu mối để bán Thanh trà của mình vào mùa thu hoạch, tuy nhiên sau khi đăng ký độc quyền thương hiệu loại trái cây đặc sản này, khỏi phải nói người dân Thủy Biều đã vui mừng như thế nào bởi vì đăng ký thương hiệu không chỉ khẳng định tự hào tự tôn của vùng miền, đồng thời nó còn mang ý nghĩa về kinh tế, tạo điều kiên công ăn việc làm cho người dân nâng cao thu nhập để dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo trong tương lai.


TH

Thursday 23 July 2015

VĂN HÓA XẾP HÀNG NƠI CÔNG CỘNG


Ngẫm thấy mà buồn khi nói đến văn hóa xếp hàng nơi công cộng ở quê hương tôi sao mà khác xa so với những nơi khác quá. Chỉ mới đây thôi, hình ảnh không mấy là tốt đẹp lại tái diễn trước mắt tôi trong buổi lễ phát học bổng vừa qua. Hình ảnh người người nhốn nháo, chen chúc nhau để tranh nhau vào đăng ký trong tiết trời chẳng mấy chi là mát mẻ làm tâm trạng chúng tôi càng thêm rối bời, có chút gì bực bội và tất nhiên nó ảnh hưởng không nhỏ đến buổi lễ, khiến cho công tác trao học bổng bị chậm trễ hơn so với dự kiến. Biết rằng lần lượt cũng đến phiên mình nhưng cái ý thức chờ đợi và chờ đợi đối với chúng ta là chưa có và xem có vẻ là rất khó để sửa đổi. Tính thiếu kiên nhẫn, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân luôn luôn đặt quyền lợi bản thân lên lợi ích tập thể khiến cho hình ảnh đẹp đẽ vốn có của con người Việt Nam dần trở nên xâú xí đi trong mắt bạn bè quốc tế. Để nói đến văn hóa xếp hàng phải nói luôn là đề tài muôn thuở, và bạn có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu như  việc tranh nhau để mua vé xem văn nghệ, giành giật nhau để mua hàng giá rẻ, khuyến mãi…hay nổi cộm hơn hết là cảnh tượng hỗn loạn, vô cùng hổ thẹn khi người ta trèo hàng rào, chen chúc nhau để tắm miễn phí hồ Tây cho thấy ý thức yếu kém của người Việt Nam, đến nỗi một người Nhật học tập và làm việc ở nơi đây được hai năm anh đã thốt lên rằng: “Người Việt Nam như thế là bình thường. Nếu Việt Nam không như vậy thì không vui nữa.” Nhận xét của anh khá là cay đắng khi nhìn nhận về cách ứng xử của người Việt trong mắt người nước ngoài là như thế nào. Đặt bên cạnh câu chuyện “cậu bé người Nhật và gói lương khô” sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì lợi ích cộng đồng đã từng làm lay động bao triệu con tim những người yêu quý nước Nhật về truyền thống giáo dục tốt đẹp lâu đời về đạo đức, sự chịu đựng, biết đối diện sự thật, đoàn kết và sẻ chia đã ăn sâu trong tâm trí của người Nhật ngay khi còn nhỏ, thế mà ngẫm lại chuyện của nước mình thật thấy mà buồn và đáng hổ thẹn cho người dân ở nước mình. Hãy học cách người Nhật đang làm, giáo dục ý thức ngay từ ấu thơ biết cách nhường nhịn, sẻ chia và trên hết là đức hy sinh cao cả, đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân là cách để xây dựng một đất nước tiên tiến, văn minh và giàu mạnh. Vậy thì còn chần chờ gì nữa. Hãy hành động ngay từ bây giờ bạn nhé!

NT

Wednesday 22 July 2015

Thực phẩm đối với sức khỏe con người


Trong thời đại ngày nay, việc ăn uống của mọi người không còn là ăn no mặc ấm nữa mà chúng ta đã biết ăn ngon, mặc đẹp. Lựa chọn thức ăn phù hợp và thông minh để bảo vệ sức khỏe cho mỗi chúng ta là điều thiết yếu. Với tình hình thực phẩm bị nhiễm độc tràn lan như hiện nay, việc tìm thực phẩm tốt và đầy đủ dinh dưỡng cũng rất khó. Chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt các  thực phẩm từ thịt và nên ăn chế độ ăn lý tưởng là gạo lứt, gạo xát không kỹ quá, vừng, lạc, rau củ, đậu nành, rong biển, trái cây, ít cá, thủy sản và cũng phù hợp với khí hậu bán nhiệt đới của nước ta. Nhịp điệu tâm sinh lý của con người lại luôn biến chuyển theo dòng thời gian. Do đó thực đơn cũng luôn luôn thay đổi. Ắn uống phải phù hợp theo thời tiết và mùa. Mùa đông lạnh lẽo, mưa phùn gió bấc, trời u ám nên dùng thức ăn làm ấm người như: rau củ nấu chín hơn, dùng một ít gia vị có lợi cho tiêu hóa như gừng, tiêu, tỏi. Ngược lại, về mùa hè, khô nóng nên ăn các thức ăn mát người như rau sống, xà lách, các món luộc, còn tránh bớt các loại thức ăn xào, rán, nhiều dầu mỡ, hoặc nấu nướng, chế biến quá cầu kỳ. Không sử dụng nước đá nhiều làm hư hại răng và sinh nhiệt trong cơ thể.
Thức ăn phải phù hợp với từng người từng lứa tuổi. Người già tránh ăn mặn như thanh niên, phụ nữ nên ăn rau quả nhiều hơn nam giới, người lao động chân tay nên ăn thịt cá nhiều hơn người lao động trí óc.
Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người để học tập, làm việc và lao động sản xuất, nhưng đồng thời cũng có thể gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh. Không có thực phẩm nào được coi là có giá trị dinh dưỡng nếu nó không đảm bảo vệ sinh.
Hiện nay có rất nhiều người nước ngoài ăn chay trường, đó cũng là một cách ăn thanh lọc và giải độc cho cơ thể, bảo đảm sức khỏe và cũng là cách họ phản đối việc giết mổ động vật để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của con người. Ăn chay vốn đã quá quen thuộc đối với người Việt Nam chúng ta nhất là ở Huế, trung tâm Phật giáo của cả nước, có rất nhiều nhà hàng chay ngon và đông khách. Không riêng vào các ngày rằm mà hàng ngày cũng có rất nhiều người đủ mọi thành phần, lứa tuổi và đặc biệt các bạn trẻ ăn chay rất nhiều. Lợi ích của việc ăn chay thì đã có rất nhiều tài liệu sách báo nói đến chúng ta nên duy trì việc ăn chay mỗi tháng một lần hoặc có thể nhiều hơn tùy theo nhu cầu và sở thích.Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm đa dạng để phục vụ cho nhu cầu của con người. Chúng ta nên biết phân biệt và chọn lựa thực phẩm phù hợp để bảo vệ cho sức khỏe của chúng ta.

KL



Tuesday 21 July 2015

HỌC BỔNG CHO CÁC EM Ở CƠ SỞ BẢO TRỢ VÀ HƯỚNG NGHIỆP TRẺ EM XUÂN PHÚ 2015


          Theo thông lệ hàng năm cứ vào khoảng giữa tháng 07 Dương lịch, Trung tâm Khuyến khích Tự lập Huế sẽ trích một phần lãi từ hoạt động cho vay để phát học bổng cho những em học sinh nghèo vượt khó, là con em của những khách hàng vay vốn. Năm nay, ngoài phát học bổng cho con em của những khách hàng vay vốn, Trung tâm còn dành tặng 3 suất học bổng cho 3 em học sinh đã có thành tích học tập tốt tại Cơ sở bảo trợ và hướng nghiệp trẻ em Xuân Phú, đây là nơi chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa. Các em ở Cơ sở bảo trợ và hướng nghiệp trẻ em Xuân Phú không chỉ được lo ăn ở miễn phí mà các em còn được Cở sở cho đi học ở các trường công lập từ lớp 1 đến lớp 12 và lên đại học, đối với những em không có khả năng để theo học văn hóa thì Cơ sở sẽ cho các em đi học nghề để sau này có công ăn việc làm để nuôi sống bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội. Mặc dù trước khi vào Cơ sở bảo trợ thì mỗi em đều có một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi vào sống chung ở đây thì các em đều rất vui vẽ và xem nhau như anh chị em trong một đại gia đình, các em luôn cố gắng hỗ trợ nhau để cùng vươn lên trong học tập nên trong năm học vừa qua đã có một số em đạt thành tích học tập tốt.
          Trong đợt này ngoài dành tặng 3 suất học bổng cho 3 em đã có thành tích học tập tốt trong năm học vừa qua, Trung tâm còn kêu gọi Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố Huế tặng thêm cho ba em ba vé bơi miễn phí. Tuy đây chỉ là những phần quà nhỏ nhưng chúng tôi hy vọng sẽ góp phần chia sẽ bớt những khó khăn cho các em và Cơ sở bảo trợ khi bước vào năm học học mới.   

XQ                                                                                              

Monday 20 July 2015

ĐÔI NÉT VỀ TRUNG TÂM THỂ DỤC THỂ THAO THÀNH PHỐ HUẾ VÀ SỐ EM HỌC SINH ĐƯỢC NHẬN VÉ BƠI THÁNG

Ông Nguyễn Văn Dấu giám đốc TTTTDT tặng vé bơi miễn phí cho các em học sinh

Trung tâm thể dục thể thao thành phố Huế được thành lập ngày 29/03/2002  tại trụ sở 150 Nguyễn Trãi – Phường Tây Lộc – Thành Phố Huế và được chuyển từ đơn vị trực thuộc phòng VH- TT thành đơn vị trực thuộc UBND thành phố Huế. Trung tâm TDTT hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chi bộ gồm 05 Đảng viên. TTTDTT đã xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng các hạng mục: nhà thi đấu, tập luyện bóng  bàn, cầu lông, sân tập ngoài  trời, nhà giữ xe, khu dịch vụ TDTT. Ngoài ra, TTTDTT còn giúp UBND và phòng VH-TT thành phố Huế trên một số lĩnh vực như xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT thành phố trên cơ sở phương hướng, mục tiêu, định hướng của thành phố, tham mưu cho phòng VH-TT đề xuất UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý phong trào thể dục thể thao, tuyên truyền, bồi dưỡng đào tạo cán bộ của thành phố...
Ba năm trở lại đây, TTTDTT Thành phố Huế đã kết hợp với trung tâm khuyến khích tự lập Huế tổ chức thực hiện dạy bơi cho học sinh trong thành phố, đa số chủ yếu là học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, TTTDTT Thành phố Huế đã giúp miễn phí về cơ sở vật chất trong buổi lễ trao học bổng cho học sinh Ngô Trọng Châu ngày thứ 7 (18/07/2015). TTTDTT còn dành tặng 5 vé bơi tháng miễn phí cho trung tâm khuyến khích tự lập vào ngày diễn ra buổi lễ phát học bổng.
Qua sự hợp tác nhiệt tình của TTTDTT Thành phố Huế, chúng tôi thấy được việc làm đầy ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng mà trung tâm khuyến khích tự lập đã thực hiện được.

QV

Saturday 18 July 2015

HỌC BỔNG “ CHÂU TRỌNG NGÔ” NĂM 2015


Trung tâm Khuyến khích Tự lập là 1 tổ chức thiện nguyện do ông bà người Mỹ gốc Việt thành lập. Hoạt động chính của Trung tâm là hỗ trợ người nghèo vay vốn làm ăn với lãi suất thấp. Số tiền lãi thu được từ hoạt động Tín dụng này Trung tâm sẽ dùng để tổ chức các chương trình: Xây trường mầm non, tặng áo ấm cho trẻ em nghèo vào mùa đông, bắt nước sạch, xây nhà vệ sinh tại các chợ, mở các lớp phổ cập bơi cho các cháu con nhà nghèo, trao học bổng cho những em con nhà nghèo học giỏi…
Vào lúc 9giờ ngày 18 tháng 07 năm 2015 tại số 150 đường Nguyễn Trãi, thành phố Huế. Trung tâm Khuyến khích Tự lập tại Huế sẽ tổ chức buổi lễ trao học bổng “ Châu Trọng Ngô”. Đây là một hoạt động thường niên của Trung tâm nhằm khuyến khích, động viên các cháu con nhà nghèo đã biết nổ lực, vượt qua mọi khó khăn để đạt những thành tích cao trong học tập. Trong đợt phát học bổng lần này, Trung tâm sẽ tiến hành trao tặng 152 suất học bổng dành cho các cháu học sinh cấp 1 và cấp 2 đến từ các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang và một số cháu ở thành phố Huế.
Với mỗi phần quà trị giá 500 nghìn đồng và 10 quyển vở do dự ánThrive tài trợ. Chúng tôi hy vọng số tiền này sẽ giúp các em đóng học phí đầu năm học đồng thời cũng sẽ là niềm động viên, khuyến khích và tiếp thêm sức mạnh để giúp các em có thể vượt qua mọi khó khăn đạt thành tích cao trong học tập.
N.IH

Friday 17 July 2015

Mua hàng qua mạng, được gì và mất gì?


 Xã hội ngày càng phát triển và hiện đại hơn, mạng internet cũng phát triển song song, vì thế mà mua hàng qua mạng (mua hàng online) đã trở  thành một nhu cầu không thể thiếu của các tín đồ thời trang. Vậy mua hàng qua mạng, những tín đồ thời trang được gì và mất gì???

Ngày xưa, khi muốn mua một món hàng, phải đi đến tận nơi để “xem, sờ”, thẩm định chất lượng màu sắc, rồi mới quyết định có mua hay không, ngày nay, các tín đồ thời trang chỉ cần click chuột hay chỉ cần một cuộc gọi điện thoại là có ngay một món đồ mình ưng ý, từ áo quần, mỹ phẩm, phụ kiên, thậm chí món ăn thức uống… Ưu điểm nổi trội nhất của mua hàng qua mạng đó là chúng ta tiết kiệm được thời gian di chuyển, đặc biệt những hình ảnh đầy màu sắc mê hoặc, sự đa dạng về chủng loại hàng hóa của những món hàng rất dễ khiến chúng ta “lầm đường lỡ bước” và thế là bao nhiêu tiền trong ví “lần lượt đội nón ra đi” để thỏa mãn niềm đam mê mua sắm, tuy nhiên đó là cái được, vậy các tín đồ thời trang mất gì? Đó là hình ảnh thật của sản phẩm, chất lượng của sản phẩm thường khác xa thực tế, cho dù những thương hiệu nổi tiếng, đặc biệt màu sắc của sản phẩm không bao giờ như hình ảnh được quảng cáo trên mạng, những hình ảnh lung linh trên mạng đã được qua chỉnh sửa, tuy nhiên các tín đồ thời trang “té ngửa” khi hàng về đến tay, có một trào lưu hiện đang thịnh hành đó là mua hàng online từ các hãng thời trang nổi tiếng như HM, Zara, Topshop… hay mua thực phẩm chức năng từ các trang Amazone, Ebay…tuy nhiên chất lượng có tốt hay không thì phải xem lại cho dù đó là các trang web online có tiếng ở nước ngoài, thậm chí ngay cả người Mỹ, họ cũng ngần ngại khi mua hàng từ Amazone..vì cũng có lúc họ mua nhầm hàng nhái, hàng giả.. 

Rồi thêm một cách thức mua hàng online từ nguồn gọi là hàng xách tay, hàng xách tay đến Việt Nam bằng nhiều nguồn như tiếp viên xách về, đi bằng tàu biển, dịch vụ shipping và thậm chí hàng “ngoại” nhưng lại được sản xuất tại Việt Nam và nguyên vật liệu lại từ Trung Quốc, vô tình chúng ta tự “rước bệnh vào thân” rồi lại “tiền mất tật mang” vì mua hàng không rõ nguồn gốc trên mạng và “ham rẻ”

Vì thế mà, các tín đồ thời trang hãy tỉnh táo trước “cám dỗ” của bán hàng qua mạng, hãy chọn cho mình những trang bán hàng qua mạng uy tín, và đặc biệt đừng ham hàng giá rẻ, bởi vì ‘của rẻ bao giờ cũng là của hôi”

TH

Wednesday 15 July 2015

BỚT GIẬN



Thủ phạm vụ thảm sát tại Bình Phước đã bị bắt, vụ án gần như khép lại.
Dư luận dồn hết sự giận dữ lên đầu hai nghi phạm, nhiều tiếng nói còn lan  đến phụ huynh của 2 tên này.
Bài này không phải bênh vực tội ác và nguồn gốc của nó, chỉ muốn nói đôi điều về nổi đau của các đấng sinh thành.
Việc phụ huynh 2 nghi can đã tự tử không thành sau khi biết con mình phạm tội là nỗi sám hối lớn nhất mà họ có thể làm được và chỉ có thế!. Thật quá đau lòng, khi khúc ruột mình mang nặng đẻ đau, báo đáp được công sinh thành, trả hiếu thì lại gây ra tội ác tày trời.
Để tìm nguồn gốc của tôi ác xin hãy bắt đầu đi tìm nhân cách một con người được hình thành từ:
1) Giáo dục gia đình,
2) Giáo dục nhà trường,
3) Giáo dục từ xã hội,
4) Tự giáo  dục.

Giáo dục từ gia đình: phụ huynh của các nghi can là những người lao động bình thường, có cuộc sống lương  thiện, có người từng là bộ đội xuất ngũ, họ lam lũ mưu sinh bằng chính sức lao động của mình và nuôi con từ sự khó nhọc của cuộc sống. Vì vậy không thể nói, họ dạy dỗ con cái làm điều ác. Sự giáo dục có nhiều cách: làm gương, hành động, lời nói, dạy học, chỉ bảo...Các vị phụ huynh này như trên đã phân tích, vì là những người lương thiện nên họ sẽ không dạy con của họ làm điều bất nhân. Có chăng, công việc cực nhọc và phần lớn sức lực phải dồn cho mưu sinh nên họ không có thời gian gần gũi nhiều hơn với con cái để uốn nắn những điều không lương thiện mà con họ bị tiêm nhiễm bên ngoài. Đến đây, phải chăng chúng ta nên cảm thông cho các bậc phụ huynh, và xem họ là những người đáng thương hơn là đáng trách.
Giáo dục từ nhà trường: Là nơi trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng sống,  lòng nhân ái, tình yêu đồng loại, yêu tổ quốc...Tất cả những gì học được ở nhà trường sẽ ảnh hưởng tới người học suốt cả cuộc đời. Ông cha ta có câu: "Không thầy đố mày làm nên" là vậy!
Không biết 2 nghi can đã học qua những ngôi trường nào, ở đâu, kết quả ra sao?...nhưng với hành vi đồng phạm giết người của chúng có thể thấy rằng: giáo dục trong nhà trường đối với 2 tên này đã thất bại "toàn tập". Phải chăng nền giáo dục chúng ta đang có vấn đề như dư luận đã phân tích, dù nền giáo dục này không cố ý đào tạo ta những "tên giết người" chuyên nghiệp.
Giáo dục từ xã hội: Nếu tìm một nguyên nhân sâu xa nào đó, thì có thể nói rằng vụ thảm sát có yếu tố xã hội tác động, đạo đức xã hội đến thời nguy cơ, băng hoại, lao dốc mà chưa có biện pháp chấn chỉnh. Từ thông tin của vụ án được truyền thông loan tải, có thể lọc ra một vài mối lo âu chung của xã hội hiện nay:
- Lối sống khoe mẽ, "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" của giới thanh niên;
- Tính thực dụng trong tình yêu của lớp trẻ và cả người lớn;
- Sống thử quá sớm trước khi cưới;
- Biết đến tiền và tình quá sớm, không thông cảm với nổi khó khăn của người nghèo;
- Tình yêu là sự phù phiếm, chiếm đoạt, không có tình yêu lý tưởng và cao cả;
- Coi thường người không có tiền,xem  người không có tiền coi như là đồ bỏ đi trong xã hội này;
- Mạng xã hội và văn hóa nước ngoài, xã hội đen ảnh hưởng tác động đến tâm tư lối hành xử của giới trẻ;
- Lối sống hưởng thụ không dựa vào công sức lao động của mình;
- Muốn giàu có bằng con đường "không minh bạch";
- Tính ích kỷ " Không ăn được thì đạp đỗ, triệt sạch;
- Tư duy kiểu ăn bám và hèn hạ như: mất tình và tiền thì coi như mất sạch;
...
Tự giáo dục: Nếu một thầy trụ trì ở Hải Dương phải tự vẫn do nợ tiền chồng chất vì chơi ma túy và đàn đúm cùng lưu manh, thì 2 nghi can này còn trẻ quá, chưa đủ tầm và bản lĩnh để tự giáo dục.

Đến đây, nếu lượng hình thì các bậc phụ huynh chỉ có lỗi 1/4 hay 25% mục được phân tích. Nếu đi sâu chi tiết, họ chỉ có lỗi khi không có thời gian để gần gũi chăm sóc con nhiều hơn, thì lỗi của họ cũng chưa tới 1%.
Nhưng cũng như những người thân của nạn nhân, họ đang là những người đau khổ và bất hạnh nhất trong giờ phút này.
Chúng ta có cần phải trút thêm vào đầu họ những trách móc nữa hay không?
Xin hãy bớt giận!


PVH

Monday 13 July 2015


Năm 2012 Bộ GD-ĐT ban hành thông tư cấm dạy thêm, học thêm đối với giáo viên và học sinh các cấp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc học thêm và dạy thêm vẫn diễn ra không công khai. Và dư luận ngày càng bức xúc, bất bình với việc cấm lấp lững này.
Thực hiện theo qui định của Bộ, nhiều Hiệu trưởng nhà trường đã có nhiều cách thức khác nhau để quản lý việc cấm giáo viên trường mình dạy thêm cho học sinh. Nếu giáo viên nào vẫn còn dạy thêm thì sẽ bị kỹ luật trước toàn trường. Thực tế cũng cho thấy là nhiều giáo viên ở nhiều trường học không thể kiếm thêm thu nhập bằng việc dạy thêm cho học sinh, mặc dù kinh tế gia đình khó khăn, lương thấp không đủ sống. Tuy nhiên, một số giáo viên vẫn tìm cách dạy chui để đáp ứng theo nhu cầu học tập của học sinh và cũng duy trì được nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là một vấn đề rất quan trọng trong công tác quản lý dạy thêm và đã khiến dư luận bức xúc ngày càng tăng, nhiều giáo viên cảm thấy bất công. Trong khi đó, nhu cầu học thêm của học sinh ngày càng cao, các bậc phụ huynh ngày càng có điều kiện muốn con mình học thêm để gia tăng kiến thức, chuẩn bị hành trang cho con mình. Nhưng giáo viên bị cấm, muốn học thêm thì các em  phải học ai? Các em tìm đến các sinh viên, các giáo viên không chuyên,… để học thêm trong bối cảnh giáo viên mình bị cấm dạy thêm. Như vậy, vô tình đã đưa những học sinh này tìm đến những thầy giáo, cô giao không chuyên, kiến thức chưa đầy đù, kinh nghiệm chưa trải qua, phương pháp chưa được huấn luyện, trau dồi. Chính những người này sẽ truyền đạt kiến thức cho các em học sinh. Ai dám chắc kiến thức truyền đạt cho học sinh sẽ đảm bảo như các giáo viên chuyên nghiệp – người mà cuộc đời và sự nghiệp và cả cái tâm của họ gắn liền với bục giảng?
Quả thực là một vấn đề hết sức bất cập hiện nay. Các em là tương lai của đất nước. Những người trang bị kiến thức, chuẩn bị hành trang tương lai cho các em là những giáo viên không chuyên như vậy có tốt không? Các giáo viên thực thụ cần được trao dồi nghề nghiệp, nâng cao kiến thức, cần có thu nhập chính đáng cải thiện đời sống gia đình thì không được thể hiện trong khi bằng cấp và nghiệp vụ thì được công nhận. Mong sao các thầy giáo cô giáo được quan tâm một cách thấu đáo hơn.
HS

Saturday 11 July 2015

SÂN CHƠI DÀNH CHO NGƯỜI DÂN


Đi tập thể dục buổi sáng, đây không chỉ là thói quen của một số ngườimà đã trở thành thói quen của đại đa số người dân xứ Huế. Nhưng thật đáng tiếc là ở Huế hiện nay, sân chơi dành cho người dân vẫn chưa có nhiềuNếu các bạn đi bộ vào buổi sáng thì các bạn sẽ thấy: Những người lớn tuổi thường tập thể dục bằng hình thức đi bộ, chạy bộ dọc các con đường hai bên bờ sông Hương, đi dạo quanh các tuyến đường xung quanh Thành Nội. Đám thanh thiếu niên thì tranh thủ những khoảng đất trống trước Đại Nội, bên cạnh Phu Văn Lâu để đá cầu, đánh cầu lông…Một số người có kinh tế khá giả thì họ mua xe đạp để đạp vào mỗi buổi sáng. Nhìn chung, Huế vẫn rất thiếu sân chơi dành cho người dân. Vừa qua, tại phường Kim Long đã đưa vào sử dụng thành công một mô hình sân chơi giá rẻ dành cho người dân địa phương. Sân chơi này có các hạng mục dành cho thanh thiếu niên ( như xà đơn, xà kép… ) và sân chơi dành cho các em thiếu nhi ( như lưới lốp, cầu trượt đa năng, xích đu…). Tuy vừa mới đưa vào sử dụng nhưng sân chơi nàycũng đã có đông đảo người dân đến vui chơi vào mỗi buổi sáng. Với sự thành công từ mô hình sân chơi này thì hy vọng trong tương lai, thành phố Huế sẽ có nhiều sân chơi khác ra đời nhằm góp phần nâng cao đời sống  tinh thần cũng như rèn luyện sức khỏe cho người dân.
N.IH

Friday 10 July 2015

Trẻ em thành thị và trẻ em nông thôn…



Không có ai có thể chọn lựa nơi mình được sinh ra trong gia đình đầy đủ, giàu có hay nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng chúng ta có thể chọn lựa và quyết định cuộc sống của mình, tuy nhiên để có được cuộc sống như mình mong muốn, đó cả là một quá trình phấn đấu không ngừng trong khi đó cho dù trẻ em nông thôn hay thành thị đều có quyền và nhu cầu như nhau vì thế mà nhân một lần đi cộng đồng, nhìn thấy nhưng đứa trẻ ở vùng quê nghèo, rồi lại liên tưởng đến những đứa trẻ ở thành thị, thực sự thấy khoảng cách đó còn quá xa, trẻ em ở vùng nông thôn còn thiếu thốn quá nhiều so với trẻ em thành thị.

Ngay cả việc đưa đón con đi học cũng vậy, ở những trường thành thị, cho dù 4h30 là giờ tan học nhưng khoảng chưa tới 4h trước cổng trường, các phụ huynh đã tập trung kín cổng trường từ ô tô, xe máy tới xe đạp điện gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, rất mất trât tự trong khi đó ở nông thôn, phụ huynh phải lo đi làm kiếm sống, thời gian đâu để đưa đón con tan trường, nhiều đứa trẻ tự đi học bằng xe đạp, đạp nghênh ngang giữa đường vì thế mà đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra…

Đôi điều tản mạn về khoảng cách còn quá xa giữa trẻ em thành thị và trẻ em nông thôn cho dù trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, tất cả mọi trẻ em đều có quyền nhận và hưởng thụ như nhau trên tất cả mọi phương diện vì thế cần có những chính sách đặc thù cụ thể nhằm xóa bỏ dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn nhằm mang lại cho trẻ em nông thôn những đặc quyền như trẻ em thành thị để đến khi hội nhập, trẻ em nông thôn không mang mặc cảm về khoảng cách bởi vì mặc cảm có thể làm động lực để các em phấn đấu nhưng nó cũng chính là con dao hai lưỡi đó là làm cho các em luôn mặc cảm, tự ti và từ bỏ luôn ước mơ của chính mình.
TH

Wednesday 8 July 2015

"NHÓM LÒ"



Đó là từ giới truyền thông VN thường đề cập đến về lời của TBT Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong phiên bế mại đảng hội cách đây mấy năm. Không biết vô tình hay hữu ý, tổng thống Hoa Kỳ B.Obama đã tiếp ông Trọng trước một lò sưởi, mà xem ra trong đó củi và chất dẫn cháy được chất rất chỉnh tề. Đó là hình ảnh được chụp ở phòng Bầu dục vào trưa ngày 7/7/2015. Cũng là ngày đáng ghi nhớ, bởi vì không ngẫu nhiên mà ông Trọng lại lật tay áo nhìn đồng hồ ngay sau khi vừa bước vào căn phòng này và bắt tay tổng thống HK.
Nội dung thảo luận giữa hai ông đã được truyền thông loan tải, nên không đề cập thêm ở đây.
Tác động của việc gặp này thì có nhiều ý kiến trái chiều. Có thể do quan điểm và góc nhìn khác nhau nên sự đánh giá tất yếu sẽ không thể đồng nhất.
Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan nhất, gác lại mọi thiên kiến thì có thể nói với việc gạt bỏ các chuẩn thức ngoại giao để đón tiếp ông Trọng, người Mỹ đã phát đi một thông điệp rất rõ ràng là họ đang mở vòng tay đón một dân tộc, dân tộc đó là nước đứng thứ 10 trên thế giới có người dân yêu mến nước Mỹ nhất.
Nếu vậy, các thanh củi được xếp trong lò sưởi tại phòng Bầu dục chắc chắn đã cho thấy những biểu trưng rất rõ về mối quan hệ hai nước trong tương lai.
Những ai yêu mến hai dân tộc này nên chung tay "nhóm lò" đã được chuẩn bị sẵn.


PVH

Monday 6 July 2015

VIÊN GẠCH THỜI BAO CẤP


Những người từng trải qua cuộc sống thời bao cấp thì ai cũng biết cảnh người dân xếp hàng trật tự để mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt trước cửa hàng mậu dịch. Những ai đến trước thì được mua trước, những ai có việc phải đi ra ngoài thì họ chỉ cần đặt một viên gạch như là cách xác nhận sự có mặt của mình, không có sự tranh giành, chụp giựt. Nhưng ngày nay chỉ vì cố được miễn phí, người ta có thể đánh mất chính mình.
Vào tháng 04/2015, sự việc hàng nghìn người chen lấn, vượt rào cao hơn 2m vào công viên nước Hồ Tây để được tắm và vui chơi miễn phí, rồi cảnh những thanh niên cởi trần sàm sở những cô gái mặc bikini và gào thét trông rất phản cảm và gây xôn xao như luận. Hay cảnh hàng trăm người tranh giành nhau áo mưa phát miễn phí, có người thậm chí còn chạy lên sân khấu để giật áo mưa từ tay vị đại diện người Hà Lan và các tình nguyện viên trong một sự kiện “ Đừng để bị ướt mưa” được tổ chức vào năm 2013 tại Hà Nội, Cảnh hổn loạn đã khiến cho một sự kiện vốn trang trọng trở nên xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Tất cả cũng chỉ vì hai chữ “ miễn phí”, vì một chút lợi người ta sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng và đánh mất chính mình. Những chuyện phản cảm đó đã cho thấy rất nhiều người Việt hiện nay vẫn còn mang tam lý tham rẻ, thích được xài đồ miễn phí. Nếu nhìn thấy chỗ nào có nhiều người xúm lại thì có thể đoán được chỗ đó đang đại hại giá hoặc tặng đồ miễn phí, điều này thể hiện rõ thói a dua, không trật tự của một bộ phận người dân. Cuộc sống của người dân ngày nay đã khá giả và xã hội cũng văn minh hơn trước rất nhiều nhưng sao ý thức lại tệ hơn trước như vậy, vào thời bao cấp mặc dù rất nghèo khổ nhưng lại rất trât tự và giàu tình thương.
Chỉ cần một viên gạch xếp hàng cũng đã cho thấy phẩm giá của những con người sống vào thời ấy, rất trong trẻo, tự trọng và nề nếp.
XQ

Friday 3 July 2015

DƯA HẤU VÙNG ĐẤT CÁT PHA


Có một dịp đến Quảng Lợi, tôi được tận mắt chứng kiến một vùng đất cát, tuy không trắng lắm như ở các vùng khác nhưng nó cũng là thứ cát màu trắng của vùng đầm phá Tam Giang.

Dọc hai bên đường, người dân bán dưa hấu. Từng quả dưa tròn to, xanh tươi, bắt mắt. Được một đồng nghiệp giới thiệu đây là dưa nhà do bà con Quảng Lợi trồng (không phải dưa Trung Quốc), tôi vội xuống xe mua liền ba trái, cái dành tặng cho người thân, cái làm món giải khát cho các con. Vừa rẻ lại an tâm vì tận mắt nhìn thấy ruộng dưa hai bên đường, ngay sau lưng cô gái xinh đẹp bán dưa, tôi vui mừng với thành quả của chính người dân nơi đây.

Nhưng, ngoài cái vẻ xanh mọng mượt mà ấy, nếm cái vị dưa hấu ngọt ngọt chua chua tôi mới thấy vị khác lạ của vùng đất này. Vẫn là vị ngọt thường trực của dưa hấu nhưng nó có pha vị chua chua nhẹ, nhẹ như kiểu ai đó lỡ tay vắt vài giọt chanh vào. Té ra toàn bộ dưa hấu tại đây đều có pha vị chua như vậy. Một người dân cho biết sỡ dĩ có vị chua ấy là do đất trồng là đất cát pha. Cái đất cát màu trắng nghèo dinh dưỡng chỉ trồng được một số loại cây mà thôi. Mà đến cả củ khoai ở đây cũng có vị chua như vậy. Cái vị chua nhẹ khiến cho cái vị ngọt trở nên thanh hơn, tinh khiết hơn, khác hẳn cái kiểu ngọt lừ như dưa hấu nơi khác.

Những tưởng cái vị dưa hấu ấy, cái nghèo của vùng đất cát trắng khiến cho người ta chán chê, nhưng không, “ăn hoài đâm nghiện” nhiều người ở đây chỉ thích ăn thứ dưa hấu ấy cũng như không thể rời xa vùng cát trắng nghèo mà rất đỗi thân thương.

AD

Thursday 2 July 2015

TẬP HUẤN MÔ HÌNH TIẾT KIỆM TẠI TRƯỜNG MẪU GIÁO THỦY XUÂN



       Phát huy tính hiệu quả và thiết thực từ chương trình tiết kiệm hằng ngày ở lớp học ghép ở thôn Đập Góc vào năm 2011, TTKKTL chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình này tới các giáo viên và phụ huynh ở trường mầm non Thủy Xuân – Phường Thủy Xuân – TP Huế - một trong những trường học đã triển khai thành công dự án “ cải thiện môi trường bền vững thông qua mô hình giáo dục xanh”. 

Do dân cư tập trung rải rác trên địa bàn nên hệ thống trường mẫu giáo Thủy Xuân hiện nay có 3 cơ sở, tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn và thiếu thốn, đời sống của các phụ huynh con em còn nghèo, chủ yếu là tầng lớp lao động chân tay nên việc các em đến lớp thường xuyên cũng là vấn đề nan giải và khó khăn. Để giúp cho các em có thêm điều kiện để đến trường ngày một đông đủ và thường xuyên hơn, chúng tôi đã quyết định phổ biến mô hình tiết kiệm này thông qua việc tích lũy số tiền nho nhỏ có thể là 5.000đ -10.000đ hằng ngày và cũng có thể là hằng tháng khoảng 200.000đ – 300.000đ tùy theo khả năng mỗi người để thông qua đó người dân có thể giúp thực hành thói quen tiết kiệm hữu ích cho gia đình, và người hưởng lợi không ai khác chính là các mầm non tương lai của đất nước. Mỗi người tham gia sẽ được lập một cuốn sổ tiết kiệm và sau khi kết thúc một năm, chúng tôi sẽ hoàn trả lại tất cả số tiền được nộp và ngoài ra mỗi thành viên sẽ được hỗ trợ thêm mức lãi tối đa là 10%/người nhằm khuyến khích động viên cho các giáo viên và phụ huynh có thêm nhiều điều kiện để đóng học phí, mua thêm sách vở, đồ dùng học tập, và nhiều vật dụng cần thiết khác.
          Mặc dầu bước đầu triển khai kế hoạch còn khá nhiều khó khăn, tuy nhiên hy vọng rằng với tất cả sự cố gắng, nỗ lực tối đa từ phía Trung Tâm và nhà trường, chúng tôi tin rằng việc áp dụng mô hình tiết kiệm thiết thực này sẽ gắn kết chặt chẽ từ nhà trường và gia đình. Qua đó giúp nhân rộng ra nhiều vùng lân cận khác trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế.
 NT

Wednesday 1 July 2015

Ý THỨC VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG


Hàng năm, cứ sau mỗi đợt nghĩ lễ hay nghỉ tết thì ta lại thấy trên thời sự truyền hình thống kê những vụ tai nạn giao thông vừa xảy ra. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm nhưng nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do ý thức tự giác của mỗi người dân chúng ta.
Trên những tuyến đường quốc lộ, những chuyến xe khách đường dài cứ nối đuôi nhau chạy một cách hiên ngang. Có khi nó cứ vô tư lạng lách lấn chiếm lề đường mặc trên xe có mấy chục mạng người. Thực trạng tài xế điều khiển xe trong lúc đang ngủ gục vẫn còn xảy rathật sự đó là một điều rất nguy hiểm
Đã có quy định “không nên sử dụng bia rượu vượt quá nồng độ cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông “ nhưng rồi rất nhiều người vẫn cố tình lờ đi không quan tâm. Ý thức tự giác của người dân trong việc tuân thủ các luật lệ về an toàn giao thông vẫn còn rất kém, đa số chỉ mang tính đối phó mà thôi.
Tôi vẫn còn nhớ câu “đừng nhanh một giây mà chậm cả cuộc đời”, hàm ý của nó thật sâu sắc. Xung quanh ta vẫn có nhiều trường hợp cũng vì nóng vội như vậy mà họ phải đau khổ suốt đời. Như thông tin gần đây cho biết có nhiều vụ tại nạn xảy ra khi di ngang qua đường tàu. Mặc dù tiếng còi tàu đã vang lên từ xa, hàng rào chắn cũng sắp đóng lại, vậy mà có nhiều chiếc xe máy vẫn cố tình phóng qua cho bằng được kể cả xe ô tô. Để rồi người may mắn thì qua kịp, người không may mắn thì gánh hậu quả của tai nạn giao thông. Bỗng nhiên khiến cuộc đời mình đau khổ người thân mình phải lo lắng. 
Khi chất lượng cuộc sống ngày càng cao, xe đạp điện là một trong những phương tiện đi lại được các em học sinh sử dụng nhiều nhất. Nhưng cũng vì chưa nắm rõ luật lệ an toàn giao thông, nên có em có rất nhiều hành vi sai trái trong lúc điều khiển phương tiện này. Một số em đi xe đạp điện mà tốc độ còn nhanh hơn cả xe máy thông thường, không biết vì lý do gì cũng rất nhiều em không đội mũ bảo hiểm trong lúc điều khiển.Vào những giờ cao điểm đường đông người, các em cứ thi nhau đi hàng hai hàng ba lấn chiếm hết lề đườngTheo tôi biết, có rất nhiều em chưa đủ tuổi có bằng lái xe nhưng vẫn được cha mẹ cho sử dụng xe máy với phân khối vượt quá mức cho phép.
Nói chung lại, dù là người lớn tuổi hay nhỏ tuổi chúng ta cũng nên tuân thủ đúng luật an toàn giao thông đã đề ra. Đó cũng là bảo vệ an toàn cho chính mình và cho mọi người.
TN