Wednesday 31 July 2013

TÌNH YÊU TUỔI HỌC TRÒ



Nhiều năm trước, khi nói đến tình yêu tuổi học trò, người ta thường nghĩ đến học sinh các lớp cuối cấp, chuẩn bị ra trường. Sự chia tay để chuẩn bị bước vào một cấp học mới khiến cho chúng có cảm giác nuối tiếc, nhớ nhung. Đó là thứ tình cảm rất hồn nhiên, trong sáng theo kiểu “thuở chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu”. Nhưng bây giờ, cùng với sự thay đổi của môi trường xã hội, sự phát triển về kinh tế, các phương tiện công nghệ hiện đại như intenet, điện thoại di động thì việc học sinh biết yêu xuất hiện ở tất cả các cấp học, đặc biệt là bậc THCS và THPT. Hiện tượng hai học sinh khác giới ôm nhau trên chiếc xe đạp giữa ban ngày ban mặt bây giờ không phải là chuyện hiếm. Qua thông tin báo chí, đài truyền hình, truyền thanh thì lứa tuổi này vào nhà nghỉ, khách sạn cũng không ít hơn các lứa tuổi khác.Do chưa có những nhận thức chín chắn về tình yêu, lại chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cơ bản nên hiện tượng học sinh yêu sớm đã dẫn đến những hệ lụy không mong muốn.
Yêu ở lứa tuổi học trò xảy ra nhiều hệ lụy không hay, khiến cho việc học hành bị giảm sút nghiêm trọng. Lại có trường hợp hai cậu cùng thích một cô nên xảy ra hiện tượng bạo lực nhằm tranh giành đối tượng. Thời gian qua, trên mạng intenet có không ít hình ảnh về các học sinh nam nữ đánh nhau chỉ vì những chuyện liên quan đến tình cảm. Những cảnh dường như chỉ thấy trong xã hội đen như hay túm tóc, cào cấu hay dằn mặt, lột áo nhau giờ không còn là lạ giữa chốn học đường. Với bản tính bồng bột, nông nổi và quan niệm rằng yêu là phải biết dâng hiến, nhiều mối tình tuổi học trò đã có kết cục buồn khi cả hai đi quá giới hạn, quan hệ tình dục sớm. Trong trường hợp này, chịu thiệt thòi nhiều thường thuộc về các nữ sinh. Trên thực tế, nhiều nữ sinh tỏ ra vô cùng lo sợ, hoảng hốt không biết xử trí ra sao khi lỡ ăn “trái cấm” và kết quả là cái thai trong bụng cứ lớn dần lên trong khi các em chưa đủ các điều kiện để làm mẹ. Trong trường hợp này, đa số nữ sinh phải chấp nhận đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường. Theo thống kê của vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)Hơn 1/3 số thanh niên Việt Nam chưa được tiếp cận các phương tiện tránh thai. Năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên (VTN) là 46/1.000. Mang thai tuổi VTN không chỉ khiến các em phải từ bỏ ước mơ hoc hành mà còn phải đối mặt với nguy cơ về sức khỏe (sinh non, tiền sản giật, thậm chí tử vong)… tỷ lệ VTN có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: Năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1% và đến năm 2012 là 3,2% tương ứng với tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này là 2,2% (2010), 2,4% (năm 2011) và 2,3% năm 2012. Thứ trưởng Tiến khẳng định, VTN mang thai phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật nhiều hơn người trưởng thành (sản giật, tiền sản giật, chảy máu).
Vì vậy, không ai khác, cha mẹ phải là người đầu tiên quan tâm đến cuộc sống tinh thần của con.  Mọi sự cấm đoán cực đoan, can thiệp thô bạo vào chuyện tình cảm của con trẻ ở độ tuổi mới lớn có thể gây ra những phản ứng tiêu cực, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Nhà trường nên có những buổi ngoại khóa, chủ đề về tình yêu học trò để chính người trong cuộc là các em được phát biểu ý kiến của mình về thứ tình cảm hết sức phức tạp và tế nhị này. Thầy cô giáo phải quan tâm sâu sát đến tâm tư, tình cảm của học trò.
Bằng nhiều cách thức khác nhau, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản ở tuổi mới lớn. Trong đó bao gồm cả việc trao đổi, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là gia đình và các thầy, cô giáo trong nhà trường phải là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy để giúp học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì vượt qua được giai đoạn tâm lý có nhiều thay đổi, xáo trộn này.

Tuesday 30 July 2013

LỜI NÓI KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ


Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của giao tiếp bằng lời nhưng những buổi diễn thuyết, bữa tiệc hay chỉ đơn thuần là các buổi nói chuyện sẽ trở nên kém hấp dẫn nếu như không có giao tiếp bằng cử chỉ.
Giao tiếp phi ngôn ngữ mang trong mình rất nhiều thông điệp về các mối quan hệ con người. Một đứa trẻ chỉ cần nhìn cử chỉ của mẹ là đã có thể biết người đang nói chuyện với mẹ là bạn mẹ hay người lạ. Cũng như vậy trong một gia đình những nét mặt, ánh mắt của người chồng hay người vợ cũng nói lên gia đình đó có hạnh phúc hay không. Do vậy trước khi giao tiếp hay muốn tìm hiểu về những người xung quanh thì không thể bỏ qua những biểu hiện này. 

Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của giao tiếp bằng lời nhưng những buổi diễn thuyết, bữa tiệc hay chỉ đơn thuần là các buổi nói chuyện sẽ trở nên kém hấp dẫn nếu như không có giao tiếp bằng cử chỉ. Bạn mở đầu bài nói của mình bằng một cử chỉ hài hước thì chắc chắn không khí hội trường sẽ thay đổi và cơ hội thành công của bạn sẽ cao hơn. 

Giao tiếp phi ngôn ngữ chính là một cách để những người không có khả năng nói giao tiếp với cuộc sống bên ngoài. Họ dùng tay và các hành động của cơ thể để trao đổi thông tin và tình cảm của mình. Họ không còn thấy tự ti và mở rộng lòng mình hơn với mọi người. 
Giao tiếp phi ngôn ngữ đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong cuộc sống của con người. Chúng giúp cho giao tiếp của chúng ta thêm hoàn thiện và phong phú. Nếu nắm bắt được những chi tiết của cuộc sống, sẽ chẳng có ai coi thường, phớt lờ những nét mặt, ánh mắt hay điệu bộ của người khác. Mỗi hành vi xã hội đều được dạy và được học, hãy nắm bắt nó như một kĩ năng sống. 

Cuộc sống của chúng ta là những quá trình tìm tòi và học hỏi. Không chỉ có những điều lớn lao mới nên tiếp thu mà hãy nên bắt đầu từ những điều nhỏ bé mà quan trọng. Hãy nhìn cuộc sống xung quanh một cách kĩ lưỡng hơn đi bạn sẽ nhận thấy mình biết được những gì. 


N.T

Monday 29 July 2013

THĂM HOA KỲ


 Với những gì được biết sau năm 1975, lãnh đạo Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ mới có ông Phan Văn Khải, sau đó là ông Nguyễn Minh Triết, gần đây là ông Nguyễn Tấn Sang. Hình như chuyến đi sau cùng này là có nhiều nét sáng nổi bật hơn so với các lần trước. Có thể liệt kê theo cảm nhận dưới đây:

1) Ông Sang trao cho B Obama bản sao thư chủ tịch HCM gửi TT Truman năm 1946, với ngầm ý là VN bây giờ cũng mong muốn Mỹ giúp đỡ. Chỉ cần thay từ “French” trong bức thư viết năm 1946 thành từ “China” thì nội hàm của yêu cầu này không thay đổi là bao.
2) Ông Sang có phát biểu nói rõ đường 9 đoạn của TQ trên biển Đông là phi lý.
3) Hai nước cho biết sẽ có bước tiến về vấn đề TPP vào cuối năm nay.
4) HK sẽ xem xét thành lập trường đại học FullBright tại VN.
5) Ông B Obama vui vẻ nhận lời sẽ tới thăm VN trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
6) Hai nước công bố tiến tới “Hợp tác toàn diện”.
Một điều hết sức quan trọng là chính quyền HK ủng hộ các tập đoàn dầu lửa nước này hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí ở Biển Đông sát với vạch 9 đoạn của TQ ngang ngược vạch ra, một việc mà năm 2008 đã có tập đoàn phải bỏ cuộc vì đe dọa của TQ.

Nay thì mọi việc đã tiến lên được rất nhiều về phía trước. VN vừa cho trưng bày chứng cớ về bản đồ chỉ rõ Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc về Việt Nam ít nhất từ 400 năm nay, được chiếm hữu và quản lý hành chính một cách liên tục, được ghi vào chính sử hẵn hoi chứ không phải là những ghi chép hàng hải vu vơ như TQ rêu rao bấy lâu.
Điểm sáng này theo tôi là nổi bật nhất trong chuyến công du của ông chủ tịch Trương Tấn Sang sang thăm Hoa Kỳ lần này.
Xin chúc mừng!

PVH

Friday 26 July 2013

ĐIỀU GIẢN DỊ


Xem truyền hình, nghe một cụ ông họ Hồ 85 tuổi trả lời phỏng vấn của VTV, chất giọng của người Vân Kiều, Huyện Hướng Hóa Quảng Trị lôi cuốn tôi xem hết đoạn phỏng vấn này, nhưng nội dung trả lời lại càng cuốn hút tôi hơn.

Về vấn đề chiến tranh, hòa bình, ông nói đại ý: Hết chiến tranh rồi, người dân sướng lắm. Ai thích trồng sắn thì trồng sắn, thích trồng khoai cứ trồng khoai, thích trồng cà phê thì cứ trồng cà phê…khoái lắm. Ai muốn nuôi heo thì cứ nuôi thôi….rồi cười hì hì.

Về sức mạnh dân tộc, ông lý giải: chúng ta có tư tưởng vĩ đại. Biết bắn ná, biết bắn nỏ, và cả bắn súng nữa.

Về tiếp tục chiến đấu và chiến thắng, cụ ông họ Hồ thủng thẳng trình bày: Chúng tôi ghét chiến tranh. Nhưng bọn nào ưa chiến tranh, mà đến đây thì chúng tôi sẽ chiến đấu, rồi lại chiến thắng thôi. Chắc chắn phải là như thế.

Phát biểu của cụ thật giản dị, nhưng chứa đựng bao điều sầu sắc, xuất phát từ tấm lòng của một người yêu hòa bình và độc lập tự do, ấm no cho muôn nhà.
Xem những hình ảnh của cụ ông 85 tuổi vẫn miệt mài cuốc cỏ vườn rau, mới thấy sức sống trường kỳ của người Việt Nam ta.

Thì ra, sự vĩ đại luôn chứa chất trong nó những điều giản dị nhất.

PVH

Wednesday 24 July 2013

NHỚ CÁNH ĐỒNG QUÊ TÔI NGÀY ẤY



Cuối xóm nhà tôi là một cánh đồng xanh bát ngát, theo thời gian trôi qua nó để lại trong tôi bao nhiêu là kỷ niệm. Để rồi một ngày nào đó khi xa quê, tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh cánh đồng quê hương, nơi mà tôi đã từng sinh sống.
Một năm có bốn mùa khác nhau, mọi thứ cứ chuyển mình theo từng mùa. Thì cánh đồng quê tôi cũng vậy, cứ chuyển mình theo từng mùa.
Còn nhớ những ngày hè năm ấy, thời mà bọn tôi còn cắp sách đến trường. Nhớ những chiều khi trời đã tắt nắng, chúng tôi lại rủ nhau đi thả diều. Những con diều đó do chúng tôi tự làm, lấy từ những tờ giấy cũ mà chúng tôi không còn dùng tới nó cho việc học nữa. Gió chiều ở cánh đồng thổi mát rượi, làm xua đi cái nóng của mùa hè. Cánh diều được gió thổi bay rất xa, lên cao tận trời xanh. Xa xa nhìn thấy những đống rơm đang đốt giữa trời, khói nghi ngút, khói rơm thoang thoảng mùi thơm. Tạo nên một cảm giác bình yên giữa một vùng quê bình lặng, không ồn ào như ở thành phố.
Rồi mùa hè cũng kết thúc, để chào đón mùa thu đến. Vậy là chúng tôi phải đi học trở lại, không còn những ngày hè rong chơi trên cánh đồng nữa. Mùa thu không có ánh nắng chói chang như mùa hè, mà thay vào đó những cơn mưa rất to, có khi kèm theo những cơn giông sấm sét. Dưới cơn mưa, nhìn cánh đồng rất vắng vẻ, bát ngát mênh mông không có một bóng người. Sau những cơn mưa, mọi người chân trần đi trên những đường ruộng lầy lội, để bắt được con cá, con cua đồng về nấu canh chua.  Đó là những món ăn dân dã rất ngon, mang đậm hương vị quê hương. Cánh đồng vào thu ruộng đã được cấy, lúa đã mọc lên cao.
Đến mùa đông thì cây lúa đã chín. Những người bà con nông dân quê tôi, bắt đầu gặt lúa. Lúa được gặt chất thành từng đống đầy đồng, rồi được mọi người bó thành từng bó để gánh về nhà. Mọi người làm việc cực khổ, mồ hôi ướt đẫm đầy áo, nhưng trên gương mặt họ vẫn luôn nở nụ cười. Họ vừa làm việc vừa nói chuyện với nhau rất thân tình. Hình ảnh ấy tạo nên một bức tranh đồng quê thật là đẹp và ý nghĩa. Để rồi bức tranh ấy, để lại một dấu ấn rất đặc biệt trong tâm trí chúng tôi. Dù thời gian trôi qua, mọi thứ đều  thay đổi nhưng tình yêu quê hương của những người con chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi.
Đến mùa xuân thì lúa đã được gặt xong, chỉ còn lại những gốc rạ trơ trọi. Mọi người gác lại chuyện làm đồng, để đón một mùa xuân vui vẻ.

T.N

Monday 22 July 2013

“CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI”



Đó là một câu nói luôn để lại dấu ấn trong lòng người đọc của Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Du trong phần kết của Truyện Kiều.
Từ xưa đến nay “tâm” và “tài” là hai tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất của một con người. Ngay từ khi còn nhỏ, ngồi trên ghế nhà trường, mỗi người ít nhiều cũng đã được thầy cô dạy dỗ về “tài” và “đức”. Vì thế nhiều bạn tự nhủ rằng, mình sẽ học thành tài, sẽ phát triển trọn vẹn tài và đức, mình sẽ là người đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước, có ích cho xã hội,…
Vâng quả đúng như vậy. Bác Hồ cũng đã nhắn gửi thông điệp rằng:
“Có tài mà không có đức là người vô dụng
Có đức mà không có tài làm việc gì cũng không xong”
Quan niệm của ông cha ta rất xem trọng đạo đức, và phải biết phát triển kết hợp hài hòa giữa “tâm” và “tài”. Mỗi gười nếu có đầy đủ hai tố chất này thì sẽ dễ dàng phát triển. Phải biết rằng, mỗi người cống hiến tài năng của mình thì trong đó cũng có đạo đức con người.
Tuy nhiên, trong thời đại phát triển ngày nay, mọi người phải lao đầu vào công việc vì cuộc sống mưu sinh, vì gia đình, vì con cái, vì phát triển sự nghiệp bản thân, vì muốn khẳng định mình, vì quyền uy, vì địa vị, vì danh vọng, và còn rất nhiều lý do nữa. Nên đôi khi nó có thể làm lu mờ chữ “tâm” trong lòng mỗi người.
Hơn bao giờ hết, trong khi đạo đức xã hội ngày càng bị xói mòn, suy thoái, thì mỗi người nên rèn luyện đạo đức, trau dồi tài năng. Đó mới là mục đích phấn đấu của con người.
H.S

Friday 19 July 2013

PHÁN XÉT


Gần đây ở Huế người ta xôn xao chuyện một cô gái 21 tuổi, bị nghi chết do nghẹt thở tại nhà của một người bạn trai 31 tuổi độc thân. Cô gái rất trẻ, nguồn gốc làn Thủy Thanh, làm nông, có chồng làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài và con gái 2 tuổi. Người bạn trai chắc là quen cô gái tại Căng-tin bệnh Viện TW Huế nơi cô gái làm việc. Chàng trai này đã lái xe máy đâm vào tàu hỏa chết sau thời gian cô gái chết khoảng vài giờ đồng hồ. Trên cơ sở đó thiên hạ thay nhau đồn đại và phán xét.
Chúng ta ai cũng biết là người thân của hai người đang đau đớn biết bao nhiêu với những lời đồn đại của thiên hạ làm cho công việc tang tế cũng không được yên.
Việc một người con gái có chồng con, chết tại nhà một người đàn ông khác chưa vợ gây dị nghị là điều dễ hiểu.
Việc một người đàn ông trí thức (làm việc ở Khoa Ung Bướu bệnh viện TW Huế) bị tình nghi ra tay giết hại cô gái tại nhà mình cũng là điều hết sức bất ngờ đối với thành phố Huế vốn rất thanh bình này.
Vụ việc chắc là có uẩn khúc gì đây mà chúng ta cần phải có thời gian mới biết được.
Tốt hơn hết là nên để cơ quan điều tra làm rõ mọi chuyện trước khi phán xét. Vì điều đó không phải là quyền tự nhiên của tất cả chúng ta. Đừng nên phán xét ai cả, khi chúng ta chưa phán xét bản thân mình- lời của ai đó thấp thoáng trên những dòng viết này.
Cầu mong cho linh hồn của 2 người yểu mệnh được siêu thoát nơi cực lạc.

PVH

Wednesday 17 July 2013

VĂN HÓA ĐỌC



Từng đến đất nước Nhật, tôi thấy ấn tượng nhất không phải là nền kinh tế thịnh vượng của họ mà là việc mọi người chăm đọc sách báo. Nếu đi xe bus, tàu điện ngầm, tàu cao tốc, ngồi chờ ở các bến…đa số người Nhật đều đọc sách, báo, tạp chí…Họ thấy rất chướng mắt với những ai nói chuyện âm lượng to ở nơi công cộng, không biết có phải sự ồn ào làm họ mất tập trung vào dòng chữ đang đọc giữa chừng hay không? .

Ở nước ta, tôi thấy niềm ham thích đọc sách báo vẫn còn được duy trì. Mấy chục năm trước, gần nhà tôi ở có 2 người hàn xóm thường xuyên mượn sách ở thư viện tỉnh về đọc. Ngày làm việc, đêm chong đèn trong màn chống muỗi đọc sách đến khuya, mỗi tuần cũng hết vài cuốn.
Rồi tụi bạn tôi thời phổ thông, hoang như quỷ, nhưng cứ rãnh là ra phố thuê sách về đọc ngấu nghiến và còn thông tin cho nhau về các cuốn sách đạt giải quốc tế này nọ để cùng đọc và bình luận.

Nay thấy thói quen đọc sách báo vẫn còn đó, chưa bị mai một nhưng hình như người có tuổi siêng đọc hơn người trẻ tuổi.
Ra đường thấy bác xích lô đọc báo chờ khách, dì bán cà phê đọc tạp chí khi quán vắng, chị bán bánh mì đọc tờ báo cũ sẽ được dùng để gói mì cho thực khách…mới thấy đọc sách báo làm dòng chảy tri thức, tình yêu dân tộc luôn tuôn đều trong huyết quản người dân Việt.
Chủ Nhật vừa rồi, tình cờ dừng xe vĩa hè gần đường Bến Nghé có việc, thấy 2 chị bán thịt và cá đang cầm 1 tờ báo luận bán sôi nổi, một chị nói: “Mi thấy có tức không, Hoàng Sa, Trường Sa của mình đây mà họ in bản đồ ra nhìn không thấy mô cả”.
Tôi rú ga phóng nhanh để các chị tự do tranh luận, với niềm vui khôn tả “ Tiếng Việt còn thì tổ quốc ta sẽ trường tồn”.

PVH

Monday 15 July 2013

Một đồng xu



Có hai bạn trẻ, một người Anh và một người Do Thái cùng đi xin việc làm. Một đồng xu của ai đó đánh rơi trên mặt đất. Anh bạn trẻ người xứ sương mù đi ngang qua trông thấy nhưng phớt lờ, còn anh bạn trẻ người Do Thái thì cúi xuống nhặt, nét mặt tỏ vẻ hân hoan
Nhìn thấy hành động của anh bạn Do Thái, anh bạn trẻ người Anh tỏ ra khinh thường, lẩm bẩm: "Một đồng xu cũng nhặt, thật chẳng ra làm sao cả". Chờ cho anh bạn trẻ người Anh đi qua, anh bạn trẻ người Do Thái nói: "Nhìn thấy tiền mà ngoảnh mặt làm ngơ, thật là lãng phí của Giời!
Hai người cùng đến xin việc ở một công ty. Doanh nghiệp rất nhỏ, công việc thì nặng nhọc mà tiền lương thì chẳng được là bao, anh bạn trẻ người Anh chẳng nói chẳng rằng vội vã bỏ đi, còn anh bạn trẻ người Do Thái thì tình nguyện xin vào làm việc
Hai nǎm sau, hai người tình cờ gặp nhau trên đường phố. Anh bạn trẻ người Do Thái đã trở thành Giám đốc công ty, còn anh bạn trẻ người Anh vẫn chưa xin được việc làm. Không hiểu được sự việc, anh ta bèn hỏi: "Anh là người chẳng xuất sắc gì lắm, sao lại phất nhanh như thế?". Anh bạn Do Thái đáp: "Tôi không bỏ qua từng đồng xu như anh. Một đồng xu cũng không quan tâm, làm sao anh có thể trở nên giàu có được
Anh bạn trẻ xứ sương mù đâu phải là không cần tiền, nhưng trong con mắt của anh, anh chỉ muốn những khoản tiền lớn, song lại quên câu thành ngữ: "Tích tiểu thành đại", vì vậy ước mơ làm giàu của anh ta phải đợi đến ngày mai. Đó là lời giải đáp cho câu hỏi của anh bạn trẻ người Anh.
P.T.M (St)
Qua câu chuyện này ta rút ra được rằng, nếu ta bỏ qua một cơ hội dù nhỏ thì đâu có cơ hội to lớn đến với ta. Người ta thường bảo “năng nhặt thì mới chặt bị”. Và trong cuộc sống này cũng vậy, dù chúng ta không xuất sắc, nhưng nếu chúng ta biết tận dụng những cơ hội và cố gắng kiên trì thì có ngày cũng sẽ thành công. Bất kể sự thành công nào cũng bắt đầu từ những cái nhỏ nhất. Có như vậy thì sự thành công đó mới bền vững.

Friday 12 July 2013

PHÁT NGÔN



Ông bà ta từng dạy phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói tức là răn dậy người ta phải cẩn thận trước khi phát ngôn.
Lời nói phát ra, không thể hồi lại được. Lời nói có tác dụng rất mạnh mẽ, ông cha ta nói “ Lời nói, đọi máu” có thể là rất chính xác.
Càng giữ cương vị cao, người ta càng phải cẩn trọng giữ lời ăn tiếng nói. Nhiều vị thiếu cẩn trọng, hoặc quá cẩn trọng nhưng do năng lực nhận thức kém nên khi nói ra bị báo giới phản ứng lại ngay.
Gần đây có một vài câu nói của quan chức tôi thấy hơi sượng, như:
+ Suy giảm kinh tế không ảnh hưởng đến người nghèo.
+ Người có thu nhập 18triệu/tháng thì có thể mua nhà ở xã hội.
+ Việt Nam ta cần có khoảng 500 sân gôn.
+ Tôi có khả năng điều hành cả nền kinh tế này chứ không phải chỉ một vài doan nghiệp xăng dầu.
+ Góp ý khác đi là suy thoái rồi chứ còn gì nữa…
Vì vậy, thời nay đánh giá khả năng tư duy của một người qua phát ngôn (có tính lặp đi lặp lại) của họ thì không gì chính xác bằng.

PVH

Wednesday 10 July 2013

MÙA THI




          Mùa thi địa học đã đến rất gần, đây là kỳ thi vô cùng quan trọng đối với các thí sinh vì nó sẽ quyết định tương lai của các em sau này. Kỳ thi này  không những quan trọng với các em thí sinh mà nó cũng vô cùng quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Với các bậc phụ huynh thì nếu các em thi đỗ đại học thì đây là phần thưởng lớn nhất dành cho họ trong suốt 12 năm lo cho con ăn học. Chính vì tầm quan trọng như vậy nên kỳ thi vào đại học luôn được sự quan tâm của tất cả mọi người.
          Các bậc phụ huynh ở xa thì lo cơm áo gạo tiền để lo cho con em mình có đầy đủ sức khỏe để làm bài thật tốt.
          Các anh chị sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi thì không ngại nắng mưa, vất vả đứng ở các bến xa, ga tàu để đón và hướng dẫn địa điểm thi, nơi thuê phòng giá rẻ…. cho các em.
          Lực lượng cảnh sát giao thông cũng tích cực điều tiết lượng xe nhằm hạn chế tình trạng tắc đường trong thời gian diễn ra các kỳ thi.
          Có những gia đình sẵn sàng giúp những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng cách cho thí sinh ở miễn phí ngay trong nhà của mình.
          Một số ngôi chùa, hội từ thiện đã tổ chức những bữa cơm miễn phí dành cho thí sinh.
          Bên cạnh những tấm lòng tốt của mọi người người dành cho các thí sinh thì vẫn có không ít người xem đây là cơ hội để kiếm thêm tiền. Vì lượng thí sinh đi thi là rất lớn nên một số chủ nhà trọ đã lợi dụng cơ hội này để tăng giá phòng lên gấp nhiều lần. Một số bác tài xe khách, một số bác xe ôm… cũng xem đây là cơ hội để chặt chém  các thí sinh.
Với hai hình ảnh đối lập này thì chúng ta mới thấy được cuộc sống của chúng ta vô cùng phúc tạp. Có người rất giàu nhưng cũng có người rất nghèo, có nhiều người tốt nhưng cũng lắm người xấu.
          Nói tóm lại: Tuy cuộc sống hiện nay của chúng ta tuy còn nhiều  khó khăn nhưng chúng ta không nên vì điều đó mà bất chấp tất cả để kiếm tiền. Chúng ta kiếm tiền bằng năng lực của chúng ta chứ đừng kiếm tiền mà làm những điều trái với lương tâm bạn nhé!

N.I.H

Monday 8 July 2013

Những câu nói hay về cuộc sống




Trong cuộc sống đôi khi bạn gặp những khó khắn, những đắn đó suy nghĩ không biết phải làm gì, theo hướng nào, quyết định ra sao nó có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời và cuộc sống sau này của bạn. Đôi khi chúng ta cần những lời khuyên hữu ích, những kinh nghiệm của những người từng trải để tham khảo và áp dụng vào hoàn cảnh của mình. 


Thành công và hạnh phúc nằm trong chính suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân.

Mỗi nghịch cảnh, mỗi thất bại và mỗi nỗi đau buồn đều chứa đựng một mầm mống lợi ích tương đương - Napoleon Hill


Mọi thứ trong cuộc đời đều có giá của nó. Được cái này thì phải mất cái kia, muốn nhận thì phải cho, muốn có thành công và hạnh phúc lâu bền thì phải trả giá bằng nỗ lực và cố gắng.


Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình? - Tố Hữu


Hạnh phúc là biết mình thực sự cần cái gì và có được cái mình cần. Những cái bạn thực sự cần và bạn đang có có thể là những điều rất giản dị xung quanh bạn: một sớm mai thức dậy bạn thấy khỏe mạnh không đau yếu và ngắm một bông hoa nở bên cửa sổ, bạn ăn một bữa ăn ngon và đầm ấm với những người thân, bạn uống một tách trà nóng với một người bạn tri kỷ để cùng nhau hàn huyên, tâm sự...

Suy nghĩ giống như thuyền trưởng của một con tàu: nó điều khiển mọi lời nói, việc làm, điều khiển mọi hoạt động, hành vi và cách cư xử của bạn. Suy nghĩ tốt sẽ giúp bạn biết cái gì nên làm và cái gì không nên làm, cái gì nên học và cái gì không nên học, cái gì nên nói và cái gì không nên nói, cái gì nên biết và cái gì không nên biết...


Có trải qua đau khổ, cay đắng con người ta mới hiểu ra được nhiều điều, mới nhìn nhận ra được những sự thật mà nếu như ta sống một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc ta không thể nhận ra.


Thành công không luôn luôn phải là có nhiều tiền. Khi ta vượt lên chính mình hay khi ta đem lại hạnh phúc cho người khác đó cũng là thành công.

Q.H

Friday 5 July 2013

HIỂM HỌA ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM NÔNG THÔN TRONG DỊP HÈ



Hàng năm cứ vào dip hè thì phần lớn các em học sinh đều rất vui mừng vì có được thời gian nghĩ ngơi khá dài sau một năm học vất vả, nhưng đó lại là nổi lo của các bậc phụ huynh về nguy cơ trẻ em bị đuối nước, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn. Do phần lớn các vùng nông thôn ở nước ta đều có địa hình phức tạp, nhiều sông suối và ao hồ nên hàng năm ở các vùng nông thôn có rất nhiều trẻ em tử vong do đuối nước. Nguyên nhân do xã hội ngày càng phát triển nên quỹ đất được sử dụng cho việc xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… ngày càng nhiều, đặc biệt là ở các vùng nông thôn phần lớn các sân chơi lành mạnh cho trẻ em còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, do vào mùa hè điều kiện thời tiết khá nóng bức nên các em thường rủ nhau ra các con sông để chơi hay tắm nên rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Mặc khác là do nhận thức của các bậc phụ huynh về đuối nước còn hạn chế trong khi trẻ em không hiểu hết sự nguy hiểm khi ra sông, suối tắm hoặc chơi đùa mà không có sự giám sát của người lớn. Trong khi phần lớn các em đều không biết bơi, các khu vực sông suối lại xa khu dân cư nên khi xảy ra tai nạn không thể ứng cứu kịp thời. Vào dịp hè nếu đi dọc các con sông hay các bờ biển thì rất dễ gặp trẻ em đang vui đùa tắm mát mà không có sự giám sát của người lớn nên rất dễ xảy ra các tại nạn đáng tiếc. Mặc dù chỉ mới vào hè nhưng ở các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Nam…đã xảy ra liên tiếp nhưng vụ tai nạn rất thương tâm. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước cho trẻ em thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội để tạo cho trẻ một sân chơi an toàn trong dịp hè, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phụ huynh phải quản lý và giám sát con em mình, tuyệt đối không cho trẻ tắm sông suối, ao hồ và trước khi nghỉ hè thì nhà trường cần phổ biến cho học sinh hiểu được hiểm họa khi tắm sông suối. Tổ chức các lớp học ngoại khóa học bơi cho học sinh. Đặc biệt cần xây dựng nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ em không chỉ trẻ ở thành phố, mà cần phải quan tâm hơn nữa cho trẻ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
XQ

Wednesday 3 July 2013

Một ngày nắng ta hèn hò với mưa...



“...Và thêm một cơn mưa chiều nay lại đến
Đang phủ đầy nơi trái tim tôi
Mưa vẫn rơi… một cơn mưa trong lòng!”

Cầm cuốn sách mình yêu thích trên tay , ta ngẩn ngơ nhìn ra tấm kính ướt vì cơn mưa nặng hạt. Ta say trong từng con chữ, mạch văn để rồi ta không biết tự bao giờ? Mưa đến mang một không khí mát lạnh cho mùa hè oai bức, phá đi cái không khí ngột ngạt của cái nóng đầu hè. Nhưng cũng không biết tự bao giờ  mưa đến lại mang một nỗi buồn miên man cho ta. Và rồi ta nhớ: Nhớ những ngày hè, khi ta còn bé vẫn nô đùa rong chơi dưới cơn mưa giông với lũ trẻ hàng xóm. Vô tư, vô lo cho cuộc sống thực tại, chỉ mãi miết rong chơi và mơ về một tương lai xa xôi ... Nhớ một ngày mưa bất chợt, ta tìm chỗ trú dưới hiên nhà ai và rồi đôi ta gặp nhau, trở thành một kỉ niệm trong kí ức tuổi học trò ...

Mưa hẹn hò với ta mang món quà kỉ niệm xưa được cất giữ bao lâu tưởng chừng đã đi vào quên lãng. Mưa đưa ta về những ngày quá khứ vui tươi, hồn nhiên của đứa trẻ dần lớn khôn và rồi mưa cũng làm phai nhạt đi những ngày hiện tại u uất mà mang đến một tương lai tươi sáng khi mưa gặp nắng sẽ xuất hiện cầu vồng.
Ta mong mưa đến ta trong những ngày đầu hè oai bức để xóa đi những bộn bề lo toan cho cuộc sống, xóa đi những căng thẳng trong công việc hằng ngày, xóa đi những bâng khuâng của cô gái mới lớn để mỉm cười như ánh nắng mùa xuân.

Ta bước ra khi cơn mưa đã tắt, nắng dần buông khi hoàng hôn chiều xuồng, bước nhẹ nhàng trên con đường ánh đèn vàng và rồi ta bừng tỉnh khi gió nhẹ thoảng qua ...

P.K

Monday 1 July 2013

GIẬT MÌNH


Bà nội mới điện thoại nói “Con ngan trong nhà chết sáng ni rồi”!. Chị nói với tôi khi mới gặp nhau vào buổi sáng đầu tuần.

Tôi giật mình, “con Trang nào vậy chị”?

“Không, con ngan đang kỳ đẻ trứng thì bị giập, chết rồi”.

Tôi nhẹ cả người. Thế là con ngan chứ không có ai mình quen bị “gặp xui” cả.

Thời buổi này, không hiểu tại sao nhiều người chết bất đắc kỳ tử quá. Không kể chuyện tai nạn, ngộ độc, chết già, nhiều người ra đi khi đang còn sung sức để cho người ở lai bao tiếc nuối ngậm ngùi.

Mới tuần trước, chị vợ anh bạn mà hàng năm thường gặp mặt ở tiệc công ty của vợ tôi theo diện mời gia đình đã mất vì bị ung thư. Cuối tháng 3 vừa rồi, cũng chị vợ một anh bạn khác mất sau khi phát bệnh ung thư chưa tròn 1 năm.

Cùng câu lạc bộ quần vợt, một anh bị ung thư vòm họng, một anh bị ung thư gan cũng lần lượt ra đi cách nhau chưa đầy 6 tháng. Nhìn vóc người to khỏe, chạy nhanh như sóc của các anh không ai biết được các anh đang mang mầm bệnh quái ác.

Chứng kiến sự ra đi nhanh chóng của những người chung quanh, càng thấm thía lời Phật dạy “sắc sắc, không không, không tức thị sắc, sắc tức thị không”, vì vậy mọi người cần phải sống sao cho có giá trị trong đời một con người vốn rất ngắn, rất ngắn!.

 


PVH