Friday 31 August 2012

BÀI HỌC CUỘC SỐNG



Câu chuyện mà tôi muốn chia sẽ với các bạn sau sẽ giúp chúng ta rút ra thêm một bài học nữa của cuộc sống:
Có một chú ếch được thả vào một cái nồi nước lạnh. Cái nồi nước đó không hề đậy vung và rồi được để lên một cái bếp.
Ban đầu, nước vẫn còn lạnh thì chú ta không hề có phản ứng gì. Sau đó, nước cứ từ từ ấm dần lên, nhưng chú ta không hề để ý được đến điều đó. Tại sao ư? Tại vì nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ và khiến chú ta quen với điều đó.
Càng về sau, nồi nước càng tăng nhiệt độ, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi.
Đến khi nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi. Chú ếch đã được luộc trong nồi nước đó rồi.
Đây là một câu chuyện kinh điển về sự thay đổi. Vì nồi nước cứ nóng dần dần khiến chú ếch không hề để ý đến và cuối cùng là bị chết trong nồi nước sôi. Giả sử, nếu thả chú ếch đó vào nồi nước khi nước đã nóng rồi và cũng không đậy vung thì chắc hẳn chú ếch sẽ cố mà nhảy ra cho được.
Cuộc sống con người cũng thế. Chúng ta đã quen với những việc thường ngày đã xảy ra và không hề muốn thay đổi, hay thậm chí sợ sự thay đổi, sợ tiếp nhận cái mới. Nhưng thực tế thì cuộc sống của chúng ta thay đổi hàng ngày và nếu chúng ta không chú ý đến thì cũng lại đã quá muộn.
Còn khi đối diện với một sự thay đổi rõ rệt thì khi đó ta cuống lên, ta sợ. Liệu khi đó ta có thể đối diện được với sự thay đổi hay không? Ta có thể chấp nhận sự thay đổi hay không? Khi đó có là quá muộn không?
Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi sự thay đổi.
Hãy nhìn nhận cẩn thận mọi thứ đang diễn ra xung quanh mình.
Hãy đối diện và chấp nhận những thay đổi đang diễn ra để bản thân thay đổi theo nó cho phù hợp.
Ngọc Thủy

Wednesday 29 August 2012

TỰ TRỌNG



Có thể hiểu lòng tự trọng là những quan điểm, suy nghĩ của bạn về chính bản thân mình dựa trên thái độ của bạn đối với: 
- Giá trị bản thân. 
- Công việc bạn đang làm. 
- Những thành tựu bạn đạt được. 
- Suy nghĩ của bạn về người khác. 
- Lý tưởng sống. 
- Vị trí của bạn. 
- Những điều bạn có thể đạt được trong tương lai. 
- Điểm mạnh và điểm yếu của bạn. 
- Địa vị xã hội và mối quan hệ của bạn với mọi người. 
- Sự tự lập hay khả năng đứng vững trên đôi chân của mình.

Theo từ điển Tiếng Việt thì tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách , danh dự của mình. Nó khác với tự ti cũng như tự cao. Tự ti là cho mình là thua kém người,còn tự cao là cho mình nhất, là hơn người mà coi thường người khác
Lòng tự trọng được hình thành và phát triền trong suốt cuộc đời chúng ta. Những trải nghiệm trong thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên lòng tự trọng. Khi lớn lên, thành công hay thất bại, cách đối xử của gia đình, bạn bè, …đều tác động trực tiếp và góp phần hình thành nên lòng tự trọng của mỗi người. Lòng tự trọng là ý thức coi trọng giá trị bản thân mình, Và sự thật, trong mỗi con người luôn tồn tại những giá trị sẵn có vì con người là “tinh hoa của tạo hóa”. Việc coi mình có giá trị, biết giữ gìn danh dự, phẩm cách của mình là thái độ sống đúng đắn.
Như trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có đoạn:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
cái “giật mình” của Thúy Kiều , đó chính là sự ý thức giữ gìn phẩm cách. Với Kiều, sự thức tỉnh nỗi đau tinh thân chính là biểu hiện của lòng tự trọng . Lòng tự trọng ko chỉ là coi trọng giá trị của mình để tỏa sáng những giá trị ấy bất cứ lúc nào, cũng không chỉ là sự nhận thức về danh dự, nhân phẩm của mình để giữ gìn nó mà còn là sự ý thức về sự hạn chế, thiếu sót của mình để có sự chỉnh sửa đúng đắn, thích hợp. Lòng tự trọng là điều kiện cần trong cuộc sống của bạn. Một khi biết tôn trọng bản thân, bạn sẽ vững tin hơn vào những việc bạn làm. Một khi biết giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình, bạn sẽ thận trọng và làm chủ mình khi đương đầu với thách thức. Nhìn ra được hạn chế , thiếu sót của mình để kịp thời sửa đổi, bạn sẽ dần dần hoàn thiện nhân cách của mình. Tin vào bản thân là động lực để người khác đặt niềm tin vào bạn.
Hiểu được giá trị của mình ta sẽ hiểu được giá trị của những người khác. Lòng tự trọng là cơ sở đầu tiên để xây dựng lòng tin vào xã hội . Marden từng nói: “Những gì chúng ta thật sự tin vào bản thân chúng ta đều đúng”. Vì vậy, lòng tự trọng là nền tảng để trên đó bạn định hình thái độ sống lạc quan, yêu đời.

Đức Nhân

Monday 27 August 2012

GIÁ TRỊ CỦA BẢN THÂN



Trong cuộc sống, con người luôn khao khát khám phá những giá trị của bản thân mình : mình đang đứng ở đâu? Mình là ai trong mắt mọi người, trong đời sống xã hội? Xác định được vị trí, hiểu được vị trí bản thân là nhu cầu tất yếu, chính đáng của mỗi con người. Song, không phải ai cũng có được nhận thức đúng đắn về điều đó. Có những kẻ luôn ngộ nhận về khả năng của mình, họ cho rằng mình là số một, là chân lí của cuộc sống. Đó là tư tưởng của những kẻ độc tài, tự kiêu và tự phụ. Lại có người nhút nhát, sợ sệt mọi thứ, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm được điều gì có ích. Đó lại là những người tự ti. Rõ ràng“Giá trị của con người không phải ở chân lí mà người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu”, tức là giá trị của con người không nằm ở những gì tốt đẹp, đúng đắn mà bản thân họ có hay họ nghĩ rằng mình có. Vậy giá trị ấy nằm ở đâu? Nó nằm ở những “gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”.
Điều được ghi nhận trong giá trị của con người là những nỗ lực, những cố gắng trong hành trình đi tìm, vươn tới cái đẹp, cái thiện ở đời.
Cuộc sống là hành trình con người đi tìm mình và tự khẳng định mình. Ai cũng khao khát vươn tới cái hoàn mĩ của sự sống. Nếu con người đạt được một điều nào đó, một chân lí trong cuộc sống thì chân lí đó đã được con người chiếm lĩnh. Nhưng bất hạnh nằm ở việc chân lí cũng có tính tương đối, nó có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng lại sai trong một số trường hợp. Vậy nếu con người bằng lòng với chân lí mình có, dừng lại cuộc hành trình tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống thì khi ấy con người thất bại. Vậy kết quả của mọi công việc chưa phải là điều lớn nhất mà chúng ta đòi hỏi ở một con người. Quan trong là con người ấy đã vượt khó, vượt khổ để đi tới thành công. Chính trong quá trình vượt qua những gian khó mà con người nhận lãnh trên đường đi tìm chân lí đã giúp con người bộc lộ nhiều phẩm chất, đức tính của mình. Đó có thể là sự chăm chỉ cũng có thể là lười nhác. Đó có thể là can đảm cũng có thể là hèn nhát. Đó có thể là sáng tạo, năng động nhưng cũng có thể là thụ động, máy móc. Đó có thể là sự chân thành nhưng cũng có thể là sự dối trá,.. Hành trình đi tìm cái đẹp là hành trình chạy đua trong một đường hầm kín. Kẻ về đích sớm nhất, ra khỏi đường hầm sớm nhất chưa chắc là kẻ nhanh nhất, giỏi nhất, tốt nhất. Chính bởi những điều ấy, giá trị đích thực của một con người phải là “những gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí”.Qua quá trình vượt qua những điều khó khăn ấy, con người bộc lộ những phẩm chất, giá trị của mình.
Trong cuộc đời này, mọi người đang cùng đứng trên một quả đất nhưng mặt đất ta đứng không bằng phẳng mà chỗ cao, chỗ thấp. Ấy bởi mỗi người một hoàn cảnh, một đìêu kiện khác nhau. Còn chân lí có một giá trị nhất định mà tất cả chúng ta phải vươn tới mới đạt được. Vậy thì, giá trị của mỗi người không nằm ở việc ai chạm tay vào chân lí sớm hơn mà nằm ở việc đã đi như thế nào từ vị trí của mình để đến được với chân lí.

Friday 24 August 2012

LỄ KHAI GIẢNG DỰ ÁN DẠY BƠI



Mỗi năm vào mùa mưa lũ , số trẻ em bị lũ cuốn theo mỗi năm một tăng. Đây không những là nỗi buồn, nỗi lo của mỗi một gia đình mà đã trở thành mối quan tâm của xã hội. Theo như thống kê hằng năm thì các em bị lũ cuốn là do không biết bơi chiếm phần lớn và một số nguyên nhân khác .Trẻ em là tương lai của đất nước cần được quan tâm và bảo vệ.Vì vậy ,bước vào năm học mới 2012-2013 thì dự án “Dạy bơi cho học sinh tiểu học ” được triển khai nhằm dạy cho các em kĩ năng bơi, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn để có thể tự bảo vệ mình trong dòng nước lũ .Theo thảo thuận giữa UBND Thành phố Huế, Phòng GD-ĐT với Trung tâm Khuyến khích tự lập (TTKKTL) thì:
-Dự án sẽ được triển khai thành 2 đợt (năm học 2012-2013):
+Đợt 1: từ ngày 15/8/2012 đến ngày 15/11/2012 cho 500 học sinh lớp 4 của các trường Tiểu học: Hương Long, Kim Long 2, Phú Thuận, An Hòa, Phú Bình, Hương Sơ, Tây Lộc, Nguyễn Trãi, Thuận Hòa và Thuận Thành
+Đợt 2 : từ ngày 15/1/2013 đến ngày 15/4/2013 dành cho 500 học sinh lớp 5 của các trường Tiểu học: Tây Lộc, Nguyễn Trãi, Thuận Hòa, Thuận Thành, Trần Quốc Toản, Thanh Long, Phú Hòa, Phú Hậu, Ngô Kha và Phú Cát
-Và địa điểm là Trung tâm thể dục thể thao Thành phố Huế
- Dự án triển khai trong vòng 10 năm
Vào 7h30 ngày 20-08-2012 tại Trung tâm thể dục thể thao Thành phố Huế đã chính thức khai giảng lớp học bơi với sự có mặt :
+Ông Nguyễn Đăng Thạnh-Phó Chủ tịch UBND Thành phố đại diện lãnh đạo Thành phố
+Ông Nguyễn Đăng Dấu- Giám đốc trung tâm thể dục thể thao Thành phố Huế
+ Ông Lâm Thủy-Phó phòng GD-ĐT Thành phố đại diện cho phòng GD-ĐT
+Thầy Châu Trọng Ngô phía đại diện  TTKKTL
+Cùng hiệu trưởng và các giáo viên phụ trách lớp, phụ trách TDTT của các trường tham gia dự án và gần 100 em học sinh của 2 trường tiểu học Tây Lộc và Nguyễn Trãi được chọn để học buổi đầu tiên trong buổi khai giảng này.
Các em học sinh của mỗi trường sẽ tập trung tại trường và theo sự hướng dẫn của giáo viên phụ trách để đến trung tâm học. Mỗi trường sẽ thống nhất phương tiện để đưa đón học sinh .Và trong buổi lễ khai giảng ,trường Nguyễn Trãi do rất gần trung tâm nên tập trung ở trường sau đó đi bộ theo hàng qua trung tâm .Còn các em trường Tây Lộc thì đi bằng phương tiện xe buýt đến .
Ông Nguyễn Văn Dấu -Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao đọc phát biểu buổi lễ khai giảng
Trong buổi khai giảng, ông Nguyễn Đăng Thạnh cũng đã phát biểu đôi lời  cám ơn sự hợp tác hỗ trợ của TTKKTL cho dự án này , đồng thời giao trách nhiệm Trung tâm thể dục thể thao và Phòng GD-ĐT phối hợp quản lí và yêu cầu các trường có phương tiện đưa đón học sinh đi lại để đảm bảo an toàn. Theo lời của ông Thạnh, việc TTKKTL hỗ trợ cho dự án bơi này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phổ cập bơi, đặc biệt cho các em có hoàn cảnh khó khăn và tình trạng mỗi năm VN có rất nhiều em nhỏ bị chết nước. Năm đầu tiên của dự án số em được dạy biết bơi lên tới 1,000 em là khá nhiều. Nếu so sánh với số các em đi học bơi trên địa bàn thành phố theo thăm dò của ông Thạnh là 1,000 em thì biết rằng sự hỗ trợ của TTKKTL-CESR trong dự án này là rất lớn và quan trọng. Ông Thạnh cũng nhắc tới trách nhiệm của các bậc phụ huynh liên quan trong dự án này, vì nếu thiếu sự quan tâm và đóng góp công sức của phụ huynh, dự án này không thể đạt kết quả như mong muốn.
Tiếp theo chương trình, thay mặt cho 1,000 học sinh , cô học sinh nhỏ nhắn Lê Phước Mai An học sinh lớp 4 trường Tây Lộc đã phát biểu cảm tưởng  nói lời cám ơn đến UBND Thành phố, TTKKTL, Phòng GD-ĐT cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô ...đã mở ra lớp học bơi này để các em có điều kiện học bơi, biết bơi, không những nâng cao sức khỏe mà còn có thể tự bảo vệ bản thân trong mùa mưa lũ hay khi tiếp xúc với môi trường nước.
Sau khi kết thúc Lễ khai mạc thì gần 100 em học sinh thay đã thay đồ bơi , tập các động tác khởi động theo hướng dẫn rồi xuống nước với mức nước 1,200m2 để làm quen với môi trường nước . Buổi tập đầu tiên này đối với các em thật là thú vị và bổ ích. Nhìn các em vui đùa trong làn nước trong xanh mới thấy được niềm vui của con trẻ thật là bình dị nhưng cũng không phải là điều dễ dàng có được khi môi trường sông nước ngày càng bị ô nhiễm và kinh phí học bơi đối với các em con nhà nghèo khá caoo như hiện nay.

Tu Nhu

Wednesday 22 August 2012

MỘT TẤM GƯƠNG ĐIỂN HÌNH CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRUYỀN THỐNG



Chị Nguyễn Thị Thảo, một tổ trưởng gắn bó với Chương trình đã khá lâu, là một trường hợp điển hình của một người phụ nữ truyền thống từ việc tích cực, nhiệt tình trong công việc thu hồi vốn vay từ chị em cho đến chăm chỉ, đảm đang tháo vát trong việc bán buôn hỗ trợ kinh tế gia đình và đến việc nuôi dạy và giáo dục con cái chăm lo học hành, lễ phép, ngoan ngoãn với mọi người. Lập gia đình khá sớm, hai vợ chồng có với nhau hai mụn con gái xinh xắn, dễ thương. Tuy còn khó khăn nhưng trong nhà luôn rộn rã tiếng cười. Anh ngày ngày chăm chỉ chạy xe thồ để đỡ đần vợ và lo con cái học hành. Còn chị thì sớm hôm dậy sớm lo nấu bánh canh để bán phụ đỡ anh phần nào.Biết được nỗi vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ, hai em luôn nỗ lực, phấn đấu đạt thành tích giỏi, xuất sắc trong suốt nhiều năm liền và luôn được bạn bè thầy cô yêu mến. Hiện tại chị gái cả đang theo học năm 2 khoa tiếng Nhật trường Đại học Ngoại Ngữ, là sinh viên giỏi của trường. Với thành tích 12 năm học sinh giỏi tốt nghiệp từ trường Quốc Học, ngôi trường nổi tiếng của Huế, em luôn chứng tỏ tấm gương của một người chị cả để em gái noi theo, và một người con ngoan hiếu thảo trong gia đình. Tất cả những điều này là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn để chị nỗ lực không ngừng trong công việc và quyết tâm mạnh dạn xin vay vốn buôn bán đường phố, một dự án đã và đang triển khai, nhân rộng trên khắp các con phố, nẻo đường trên địa bàn thành phố Huế. Khởi đầu vốn vay với 1.000.000 đồng trong thời gian 6 tháng đến nay chị đã trải qua 3 vòng vay và được cấp với số vốn lớn hơn là 3.000.000 đồng  Là một người hiền lành, thật thà chị được chị em tin tưởng, tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng. Nhờ thế mà tình hình thu hồi, giải ngân ở nhóm luôn ổn định và bảo đảm đúng kỳ hạn. Thông qua đó, các chị em cũng xin bày tỏ chân thành cảm ơn Chương trình đã đến kịp thời với người dân và góp phần tạo điều kiện để các chị em phụ nữ có thêm nguồn vốn buôn bán, sản xuất để qua đó nâng cao cải thiện thu nhập gia đình.

Ngọc Thủy

Monday 20 August 2012

HOẠT ĐỘNG TẶNG VỞ VÀ VIẾT CHO CÁC EM HỌC SINH NGHÈO Ở LỚP HỌC GHÉP – ĐẬP GÓC




          Lớp học ghép ở Đập Góc là nơi tập trung của những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện để đến trường, hiện ở lớp học này có 40 em đang theo học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4, chủ yếu học hai môn Toán và Tiếng Việt, lớp học này được thành lập nhằm mục đích giúp các em nghèo không có điều kiện đến trường biết đọc, biết viết, vì thế mà các em đến học ở lớp học này không phải đóng bất kỳ một khoảng kinh phí nào. Và để có sách vở cho các em học thì Thầy Hòa, người dạy ở lớp học này phải đi xin sách vở cũ của những em đã học xong ở nhiều nơi mang về cho các em học, còn bút và một số dụng cụ học tập khác thì đi xin sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. So với các em đang học ở các trường của nhà nước thì điều kiện học tập của các em ở đây còn thiếu thốn hơn rất nhiều, mặc dù chỉ được học hai môn Toán và Tiếng Viết từ lớp 1 đến lớp 4 với điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn, nhưng những em sau khi hoàn thành chương trình học ở lớp học này nếu có điều kiện ra các trường của nhà nước để học tiếp thì các em vẫn không thua kém gì các bạn đang theo học ở các trường này. Kể từ khi được thành lập đến nay đã có rất nhiều em xuất thân từ lớp học này thi đỗ vào các trường đại học, một số thì cũng có nghề nghiệp, công ăn việc làm ổn định. Với mong muốn giúp các em học sinh nghèo ở đây có điều kiện để học tập tốt hơn trong năm học mới, vào ngày 16-08-2012 Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập – Huế đã trích một khoảng kinh phí để mua 100 quyển vở và viết để tặng cho các em học sinh nghèo đang theo học ở lớp học này. Đây là năm thứ hai chúng tôi tiến hành hoạt động giúp đỡ cho các em ở lớp học này này. Ngoài hoạt động giúp đỡ này, Trung tâm Khuyến Khích Tự Lập còn giúp đỡ cho phụ huynh các các em vay vốn với lãi suất ưu đãi để làm ăn cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, tặng áo ấm và học bổng cho các em, đồng thời triển khai chương trình tiết kiệm hàng ngày cho phụ huynh các em đang theo học ở lớp học này nhằm giúp phụ huynh có một khoảng tiền tiết kiệm để lo cho con cái đi học ở các trường nhà nước sau khi hoàn thành chương trình học ở lớp học ghép này. Tuy những việc chúng tôi đã làm cho các em học sinh ở đây không phải là lớn nhưng cũng thể hiện sự quan tâm của chúng tôi đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng như góp phần động viên các em cố gắng hơn nữa trong học tập để sau này có một tương lai tốt đẹp hơn

X.Q

Friday 17 August 2012

ẤN TƯỢNG LONDON 2012



London 2012 là một trong những Thế Vận Hội để lại nhiều ấn tượng nhất đối với tôi, mặc dù không có nhiều thời gian theo dõi trực tiếp do múi giờ bị lệch và các cuộc tranh tài được tổ chức thiên về khuya và sáng sớm (giờ Việt Nam). Với dự lệch giờ như vậy khó có  người hâm mộ nào theo đuổi suốt thời gian 2 tuần liên tục. Vì vậy, dưới đây chỉ là những cảm nhận chấm phá.

Thứ nhất là tinh thần thể thao được tôn trọng và thực thi nghiêm luật thi đấu. Việc 8 vận động viên cầu lông bị đuổi về nước do thi đấu không hết sức, coi thường khán giả đã thể hiện điều đó. Ngoài các vận động viên dính “doping”, vận động viên say rượu cũng bị đuổi thẳng cổ.

Thứ hai là lễ khai mạc và bế mạc được tổ chức rất khoa học, tự nhiên và kết nối được tất cả người hiện diện trên sân và người xem truyền hình với sự tươi trẻ và sôi nổi, cuốn hút.

Thứ ba là lực lượng cổ động viên, các nhà thi đấu, các vận động trường, dọc các đường đua thường kín chỗ. Phong cách cổ vũ và thái độ lịch sự của khán giả cũng góp phần lớn vào sự thành công của thế vận hội.

Thứ tư là các cuộc tranh tài diễn ra hết sức gay cấn trong tất cả các môn thi đấu, đặc biệt hồi hộp là sự phô diễn tinh thần “ nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” của môn Điền Kinh (*). Năm nay, người hâm mộ thể thao chú trọng nhiều tới giới hạn của con người trong cự ly chạy 100m, vì không biết rằng: sau khi đã rút xuống dưới 10s thì người chạy nhanh nhất hành tinh có thể rút xuống dưới 9s không, ai sẽ là người thực hiện việc này, khi nào sẽ thành hiện thực?. Người ta trông chờ vào Bolt, vì 4 năm trước VĐV người JAMAICA này đã đoạt huy chương vàng trong cự ly 100m và 200m, vì vậy sự kỳ vọng của thế giới lần này là rất lớn, tất cả đổ dồn vào anh, vì vậy các cuộc tranh tài có anh tham gia, kể cả cự ly 400 mét tiếp sức.

Thứ năm là sự ganh đua giữa các cường quốc thể thao đặc biệt là sự tranh giành vị trí nhất toàn đoàn của Mỹ và Trung Quốc. Sau khi Liên xô sụp đổ, thể thao của nưới Nga thay thế nước này cũng đã đi xuống, người mang mộng thay thế  Liên Xô và Nga là Trung Quốc. Có thời điểm TQ đã vượt lên vững vàng ngôi vị số 1, nhưng cuối cùng đoàn Mỹ vẫn trội hơn. Anh Quốc cũng tiến bộ vượt bậc, Nga xếp hạng 4 nhưng về điền kinh họ vẫn đứng đầu về số huy chương có được.

Cuối cùng là ấn tượng về cơ sở hạ tầng tổng thể của nước chủ nhà. Tuy chỉ bỏ ra 20 tỉ usd, không bằng một nữa só tiền TQ đã bỏ ra cho TVH Bắc Kinh 4 năm trước, ta vẫn thấy cơ sở hạ tầng và điều kiện thi đấu quá tuyệt vời. Màn sương mù Luân Đôn bị xua tan bởi ánh mắt rạng rỡ và nụ cười ấm áp và lòng hiếu khách của tất cả người dân nước chủ nhà, đồng tâm hướng về Thế Vận Hội, có thể được cho là thành công nhất từ đầu TK 21 tới nay.


PVH

(*) Điền Kinh là môn thể thao tổng hợp bao gồm đi bộ, chạy các cự li, nhảy cao, nhảy xa, ném lao, ném đĩa, ném búa, đẩy tạ và nhiều môn phối hợp khác. Cơ sở của môn điền kinh chính là các động tác tự nhiên có tác dụng phát triển toàn diện về thể lực và tăng cường sức khỏe. Chính vì vậy, điền kinh được xem là rất quan trọng trong giáo dục thể chất cũng như trong chương trình tập luyện vì sức khoẻ của mọi người. Tại các kỳ thi đấu thế vận hội, điền kinh cũng là nội dung quan trọng hàng đầu. Nó xuất hiện ngay từ những kỳ thế vận hội cổ đại.

Wednesday 15 August 2012

ĐÁNH NGƯỜI




Chỉ vì một chuyện bực mình riêng tư, một chuyên viên văn phòng quốc hội Việt Nam hùng hổ đánh người ngất lịm. Đặc biệt ở chổ người bị đánh lại là một phụ nữ (vào ngày 12/8/2012 tại sân golf Đại Lải).

Cái xấu xa của việc đánh người này, dư luận đã bàn nhiều rồi rồi. Bài này chỉ muốn nêu lên hệ lụy và nhân quả và tâm tư sau sự việc.

Trước hết, anh chuyên viên “con trời” này cũng bị báo chí “đánh” cho tơi bời theo luật “nhân-quả”. Anh ta không "ngất lịm" đi nhưng chắc cũng đau lắm bởi nhận cú "đánh trả" của dư luận. Rồi chuyện gia đình, nhân thân của anh bị lôi ra trước công luận, nếu là người có chút ít lòng tự trọng thì không biết xấu hổ này “cất” ở đâu cho hết.

Thứ đến, cha mẹ sinh ra anh, nhà trường giáo dục anh, tổ chức đang quản lý anh cũng bị “vạ lây”. Đành rằng, trong một gia đình con mỗi đứa một tính, học sinh trong trường mỗi trò một nhân cách, nhân viên của một tổ chức chỉ được quản lý trong giờ làm việc ... nhưng thử hỏi nếu ở trong một môi trường mà bố mẹ “nghiêm”, thầy cô “nghiêm”, tổ chức “nghiêm” thì có cơ hội nào để “đẻ” ra một loại chuyên viên  đánh người ở văn phòng quốc hội kia không?.

Sau cùng là việc xử lý. Pháp luật có xử nghiêm việc này không? Có bị “chìm xuồng” như bao vụ khác không? Hay cứ có “bồi thường” xứng đáng và “bãi nại” hợp tình hợp lý là xong “phim”. Có xử lý được dư luận các chuyên viên lương thấp ở VPQH lấy đâu ra tiền để đi chơi môn thể thao quí tộc mà mỗi cú vung tay của các vị này tương đương với việc người dân chân lấm tay bùn phải đổ bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt để có tiền đóng thuế?

Sự phân hóa thu nhập sâu sắc giữa người dân và công chức ở cơ quan cấp cao qua sự việc “chơi sang” và “đánh người” nêu trên lại cho ta thấy rõ hơn bao giờ hết một sự thật đang tồn tại trong xã hội.

Có phải do quá chú tâm vào việc "chơi sang gấp mấy tiền lương công chức" mà bao nhiêu oan khất của nhân dân muốn gửi gắm đến Quốc hội Việt Nam thông qua con đường văn phòng quốc hội lại bị "tắc" và "lờ" đi một cách có chủ ý không?.

Độc quyền mạnh mẽ toàn diện như Vua Minh Mạng (Triều Nguyễn) mà còn xử nghiêm hoàng tử là con ruột do cưỡi ngựa “tông” phải dân lành thì cớ sao nhà nước ta lại không làm được đối với một tên chuyên viên quốc hội nhưng lại rất “tép riu” về nhân cách kia?

Phải làm rõ vụ “chơi sang” và “đánh người” này để người dân đóng thuế nuôi các vị được an tâm vì biết và tin rằng nước ta còn có pháp luật nghiêm minh, và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

PVH

Monday 13 August 2012

CAO THƯỢNG





Đọc hồi ký của nhà vợ đầu nhà thơ Tế Hanh ta hiểu thêm được về lòng vị tha của các vị tiền nhân.

Nhà thơ Tế Hanh phải ly dị người vợ đầu vì không vượt qua được hoàn cảnh lịch sử và chính trị thời đó. Người vợ đầu của ông sau đó đã đi thêm bước nữa và có một người con gái với người chồng sau. Bà rất giận nhà thơ Tế Hanh - người chồng đã phụ bạc bà một cách lạnh lùng. Thế mà sau giải phóng, mỗi lần về công tác tại Đà nẵng, Tế Hanh thường về thăm con gái đầu của hai người và nói chuyện với người chồng sau của vợ đầu như anh em trong nhà. Cách ứng xử của người xưa như vậy rất đáng khâm phục.
Phải chăng cách giáo dục ngày trước hơn hẵn ngày nay nhiều lắm chăng? Tôi tự hỏi như vậy khi tự chứng kiến những nghĩa cử tốt đẹp mà người ta đối xử với nhau ngày trước, không xô bồ và mang hơi hướng “kim tiền” như hiện nay.

Cách đây hơn 30 năm, nhà tôi có một láng giềng đứng tuổi. Vào mỗi dịp cuối tuần người chồng thường đón một người bạn tỉnh lẽ đến học chương trình bổ túc ngắn hạn ở thành phố tôi đang sống. Người gọi là bạn đó thực ra là người yêu cũ của vợ ông. Họ chén tạc chén thù và trò chuyện rôm rã như những người tri kỹ. Nếu nói về sự chinh phục thì giữa họ với nhau có sự thắng thua liên quan tới một người con gái mà họ hết mực thương yêu và mong muốn kết nghĩa vợ chồng trăm năm. Thế mà sao họ lại thân thiết với nhau như vậy sau một thời gian dài và ai cũng đã có gia đình và yên bề gia thất???

Đúng là người xưa đã để lại cho chúng ta những bài học luôn luôn mới. Đó là lòng vị tha và tinh thần cao thượng.


PVH

Friday 10 August 2012

CHIẾN THUẬT ĐÀI LOAN


Bản đồ do Trung Quốc đưa ra từ đâu ???
Do quá tập trung vào những động thái do Trung Quốc gây ra trên biển Đông mà chúng ta lại quên đi một mắt xích quan trọng-Đài Loan.
Đầu tiên là việc một viên sĩ quan Quốc Dân Đảng - Trung Quốc mới chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ nước họ, mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh, cũng chưa từng có động thái hòng nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Như vậy đường 11 đoạn, nay là 9 đoạn (do xóa đi 2 đoạn ở Vịnh Bắc Bộ) xuất phát từ Quốc Dân Đảng Đài Loan – tàn quân của Tưởng Giới Thạch.
Gần đây ngày 25/7, Tiến sĩ Mai Hồng - nguyên Trưởng phòng Tư liệu Thư viện - Viện Hán Nôm, đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) mà ông đã lưu giữ suốt 30 năm qua sau khi tình cờ mua được từ một người bán sách cổ.
Bản đồ xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. Thế thì, Đài Loan làm gì có chủ quyền ở đảo Ba Bình tại Trường Sa mà cứ rêu rao “chủ quyền không thể tranh cãi”.
Vì Ba Bình là đảo lớn nhất ở Trường Sa, gần đây Đài Loan có động thái tăng cường hỏa lực cho đảo này và chính quyền của Mã Anh Cửu đang xích gần hơn tới chính phủ Trung Quốc về quan điểm giải quyết xung đột ở Biển Đông.
Cần phải nói rõ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ ghi rõ Đài Loan thuộc Trung Hoa, và cực nam của Trung Hoa chỉ tới Đảo Hải Nam tới năm 1904. Vậy Đài Loan có căn cứ gì khi nói Ba Bình thuộc về họ từ lâu đời.
Có hay không Trung Hoa đang sử dụng chiêu bài Đài Loan hay còn gọi là chiến thuật Đài Loan.
Dẫu sao họ cùng là Trung Hoa mà ra cả, tốt nên hết chúng ta phải cẩn thận và đề phòng với cả hai.

PVH

Wednesday 8 August 2012

KÍCH CẦU



Khi tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dưới 5%, chính phủ đang sử dụng chính sách kích cầu, ngõ hầu đưa kinh tế  tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm. Do toàn bộ hệ thống ngân hàng chỉ tăng trưởng tín dụng dưới 1% (kế hoạch mục tiêu là 15%) trong 6 tháng đầu năm, nên chính sách kích cầu của chính phủ đưa ra để cải thiện bức tranh kinh tế quốc gia là rất cần thiết.
Vậy “kích cầu” là biện pháp đẩy mạnh chi tiêu ròng của chính phủ (hay còn gọi tiêu dùng công cộng) để làm tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Biện pháp kích cầu cụ thể có thể là “giảm thuế hoặc “tăng chi tiêu” hoặc cả hai. Kích cầu thường chỉ được dùng khi nền kinh tế lâm vào trì trệ hay suy thoái, đang cần vực dậy. Kích cầu đặc biệt hay được sử dụng khi nền kinh tế rơi vào trạng thái bẫy thanh khoản, khi mà tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên đến mức báo động thì ý nghĩa của kích cầu được quan tâm hơn bao giờ hết.

Mặt trái của kích cầu là nhiều khi phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và hậu quả lạm phát trong tương lai.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc kích cầu bằng cách tăng chi tiêu công có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa đó là việc thực hiện phải bảo đảm:  đúng lúc, trúng đích vừa đủ.

-Đúng lúc tức là phải thực hiện kích cầu ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất và các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng. Nếu thực hiện sớm quá, kích cầu có thể làm cho nền kinh tế trở nên nóng và tăng áp lực lạm phát. Nhưng nếu thực hiện chậm quá, thì hiệu quả của kích cầu sẽ giảm. Việc thực hiện kích cầu đúng lúc càng phải được chú ý nếu các quá trình chính trị và hành chính để cho một gói kích cầu được phê duyệt và triển khai là phức tạp. Thường thì chính phủ phải đệ trình quốc hội kế hoạch kích cầu và phải được cơ quan lập pháp tối cao này thông qua. Và, không phải lúc nào công việc này cũng suôn sẻ.
-Trúng đích tức là hướng tới những chủ thể kinh tế nào tiêu dùng nhanh hơn khoản tài chính được hưởng nhờ kích cầu và do đó sớm gây ra tác động lan tỏa tới tổng cầu hơn; đồng thời hướng tới những chủ thể kinh tế nào bị tác động bất lợi hơn cả bởi suy thoái kinh tế. Thường thì đó là những chủ thể kinh tế có thu nhập thấp hơn. Người có thu nhập cao thường ít giảm tiêu dùng hơn so với người có thu nhập thấp trong thời kỳ kinh tế quốc dân khó khăn. Việc hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp để họ không phải giảm tiêu dùng hay thậm chí còn tăng tiêu dùng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thuê mướn thêm lao động.
-Vừa đủ tức là gói kích cầu sẽ hết hiệu lực khi nền kinh tế đã trở nên tốt hơn. Nếu gói kích cầu quá bé thì kích thích sẽ bị hụt hơi và tổng cầu có thể không bị kích thích nữa, khiến cho gói kích cầu trở thành lãng phí. Ngược lại gói kích cầu lớn qua tạo ra tác động kéo dài khiến cho nền kinh tế đã hồi phục mà vẫn trong trạng thái tiếp tục được kích thích thì sẽ dẫn tới kinh tế mở rộng quá mức, lạm phát tăng lên. Điều này càng được chú ý nếu ngân sách nhà nước và dự trữ ngoại hối nhà nước quá “mỏng”.
Tại Việt Nam, nếu quan sát có thể thấy chính phủ đã sử dụng đồng thời hai loại biện pháp cụ thể là “giảm thuế” và “tăng chi tiêu ngân sách nhà nước”, biện pháp thứ hai được cho rằng có hiệu suất kích thích tổng cầu cao hơn.
Về giảm thuế, chính phủ đã có nghị quyết để giảm và giản thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh với tổng số tiền lên tới 29.000 tỉ đồng.
Về tăng chi tiêu công, chính phủ cân nhắc để đẩy mạnh chi tiêu công 6 tháng cuối năm, phấn đấu giải ngân trung bình 20.000- 30.000 tỉ mỗi tháng. Dường như thấy từng đó vẫn chưa đủ độ để đạt được mục đích tăng trưởng kinh tế như dự tính, chính phủ còn đề nghị cho ứng trước 30.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2013 để thanh toán cho các dự án đã hoàn thành và các dự án sẽ hoàn thiện trước tháng 6/2013 theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chính sách nào cũng có sự khiếm diện. Liệu chính sách kích cầu lần này có lập lại kịch bản kích cầu của năm 2009 không?

Câu trả lời đang nằm ở phía trước.
  
PVH

Monday 6 August 2012

MỘT CHÚT NHỎ CỦA BẠN




“Một chút nhỏ dư thừa của bạn thôi, nhưng lại là cả thế giới của kẻ khốn cùng”. (Vô danh).

Câu nói trên có thể là của một vị thánh hoặc một người nhân hậu từng trãi. Nhưng vì không thể trích dẫn chính xác nên tạm để là vô danh.

Có khi nào bạn ra tay bố  thí cho một em bé hay người già ăn xin, da tím ngắt vì lạnh và đói trong thời tiết mùa đông lạnh lẽo chưa?

Có khi nào bạn mua giúp một vài tờ vé số cho người tật nguyền hay người già yếu, kẻ đang lê tấm thân không nổi vì mệt mỏi hay đói khát chưa?.

Có khi nào bạn chia sẻ thức ăn đồ uống trên bàn với những cặp mắt thèm thuồng của con trẻ lượn qua lượn lại đầy sợ hãi quanh bàn của bạn chưa?.

Có khi nào bạn giúp một em bé đánh giày – ít nhất là một cử chỉ ân cần và cảm thông khi  thư thái ngồi uống cà phê và nghe lời van nài “đánh giúp cháu đôi giày đi chú, con đói quá, sáng nay chưa có gì vào bụng hết…” hay chưa?.

Có khi nào bạn chạnh lòng nghe tiếng rao mì trong đêm mùa đông thanh vắng của em bé tuổi vị thành niên  khi  đang nằm trong chăn ấm chưa?.

Nếu đa phần bạn trả lời chưa, thì bạn có thể điều chỉnh dần ứng xử của mình theo tinh thần câu nói “Một chút nhỏ dư thừa của bạn thôi, nhưng lại là cả thế giới của kẻ khốn cùng” bạn nhé!.

Làm như vậy, tức là chúng ta góp một phần nhỏ xây dựng thế giới này đẹp hơn lên với "chi phí" không nhiều phải không bạn?

Hy vọng là bạn đồng cảm với tôi về những "suy tư" trên.

PVH

Friday 3 August 2012

LUẬT BIỂN VIỆT NAM





Cuối cùng thì quốc hội cũng đã thông qua Luật Biển Việt Nam vào ngày 21/6/2012 sau các phiên thảo luận kín và quá trình chuẩn bị lâu dài, công phu. Cùng với Luật biển quốc tế 1982 hiện chúng ta có đủ căn cứ pháp lý để quản lý vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của mình trên biển Đông.

Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được ghi trong điều 1(Luật Biển) là một sự khẳng định mạnh mẽ và cần thiết. Tất nhiên, chúng ta còn phải làm nhiều hơn  cho tới khi luật này có hiệu lực.

Sẽ có phản ứng dữ dội của các bên liên quan, vì quyền lợi kinh tế và địa chính trị ở quần đảo và các vùng biển tranh chấp là rất lớn, có ràng  buộc với sức mạnh kinh tế của một quốc gia và giao thông hàng hải quốc tế.

Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng hòa bình không phải món quà tự nhiên mà có được nếu không phải trả bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ và có thể là  máu và nước mắt.

Tuyên truyền chủ quyền biển đảo cần phải được đẩy mạnh hơn nữa đến tận từng thôn xóm, người dân, đoàn thể, tổ chức và cán bộ viên chức… và tới tất cả những ai quan tâm đến Việt Nam

Hiện nay, khi nước ta đã hội nhập sâu vào tiến trình toàn cầu hóa và tuân theo luật chơi quốc tế thì không thể có một quốc gia nào dám ngang ngược đối xử với chúng ta bằng “luật rừng” một cách lâu dài được. Chúng ta phải có niềm tin như vậy để từng bước đưa Luật pháp vào thực tế đời sống và làm thất bại âm mưu sử dụng “luật rừng” của những kẻ còn mông muội và tham lam.

PVH

Wednesday 1 August 2012

LỢI ÍCH NHÓM





Chúng ta thường nghe nói lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, lợi ích của nhà nước, lợi ích xã hội…ít khi nghe nói đến “lợi ích nhóm”. Ấy vậy mà cụm từ này liên tục được giới truyền thông nhắc lại với tần suất cao trong thời gian vừa qua.

Cơ bản có 3 trụ cột chính hưởng lợi ích đó là: CÁ NHÂN, TẬP THỂ, NHÀ NƯỚC.

Cá nhân: có thể là công nhân viên chức, người làm công ăn lương, người lao động trí óc, chân tay…hay chủ doanh nghiệp, nông trại, trang trại, nhà máy.
Tập thể: có thể là tập hợp của toàn thể người lao động trong một tổ chức như Hợp tác xã, Công ty hợp doanh, Công ty cổ phần, Doanh nghiệp tư nhân…thường phải có từ 2 người trở lên.
Nhà nước: là một thực thể rất chung, chúng ta có thể nói lợi ích nhà nước chính là tiền thuế hay sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa nhà nước nhận được để phục vụ lại cho xã hội.

Nếu xây dựng được sự hài hòa giữa lợi ích của 3 nhóm nói trên xã hội sẽ phát triển bền vững, công bằng.

Hiện nay tồn tại một nhóm người, với khả năng về tài chính và quyền lực có được đang chạy đua tác động để có những chính sách mà khi được thực hiện sẽ mang lại cho họ phần lớn lợi ích, mà bên chịu thiệt thòi là 3 trụ cột chính đã nêu ở trên.

Nhìn diễn biến kinh tế nước ta trong thời gian qua đã thấy thấp thoáng bóng dáng của các nhóm lợi ích: Các tập Đoàn, TCT, DNNN, Ngân hàng, Doanh nghiệp KD Bất Động Sản, Vàng, Xăng Dầu…

Người dân, Các tập thể cùng với Nhà nước cần phải làm gì để hạn chế sự bành trướng và tham lam của các nhóm lợi ích mang lại sự no ấm, bình đẳng và an bình cho toàn thể người dân và xã hội đây?


PVH