Wednesday 31 August 2011

TỰ TI-TỰ PHỤ-TỰ TRỌNG


“Tự ti”, “tự phụ”, “tự trọng” là những nét tính cách và trạng thái tâm lí thường có ở con người. Giữa chúng có những nét giống nhau và khác nhau nhưng đều tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách và sự thành công hay thất bại trong cuộc đời của mỗi con người. Tính “tự ti”, “tự phụ” và “tự trọng” được thể hiện như thế nào trong cuộc sống
Thế nào là tính “tự ti” ?.
“Tự ti” là tự đánh giá mình thấp nên thiếu tự tin vào năng lực của bản thân. Vì thế mà ngại suy nghĩ, nói năng, hành động, ngại giao tiếp với mọi người. Những ai mắc tính “tự ti” thường cho rằng mình yếu kém, bất tài, chẳng có gì nổi bật so với người khác. Nói theo kiểu dân gian là : “Ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời”, làm gì hỏng nấy. Từ nhận thức sai lệch về mình, họ sẽ trở nên thụ động, thiếu hẳn sự linh hoạt, sáng tạo trong mọi công việc vì sợ thất bại, sợ trách nhiệm. Tính “tự ti” cản trở rất lớn đến sự phấn đấu vươn lên của mỗi cá nhân, bởi nó tạo ra sức ỳ và thói xấu ỷ lại cùng tâm lí thất bại. Mà đã sẵn tâm lí thất bại thì không bao giờ có thể thành công. Tâm lí “tự ti” đi ngược lại tâm lí chung của số đông là ai cũng muốn khẳng định mình, muốn thành đạt trong cuộc sống. Do đó, “tự ti” là trạng thái tâm lí tiêu cực, chúng ta không nên có. Từ ngày xưa, dân gian đã có những câu ca dao nói về tính “tự ti”,
 ví dụ :
Cây khô xuống nước cũng khô,
Phận nghèo đi đến nơi mô cũng nghèo.
Hoặc :
Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Nếu mang nặng tâm lí ấy, con người sẽ tê liệt ý thức phản kháng, đấu tranh, chấp nhận những ngang trái, bất công trong xã hội, chấp nhận thân phận thấp hèn con sâu cái kiến, bị rẻ rúng, khinh bỉ, bị áp bức, bóc lột. Nguyên nhân sâu xa của tính “tự ti” phần lớn là do thiếu tự chủ, tự lập và thiếu nghị lực cùng quyết tâm phấn đấu. Nói như nhà giáo Nguyễn Bá Học đầu thế kỉ XX thì đây chính là tâm lí “ngại núi e sông”.
Thế nào là tính “tự phụ” ?.
“Tự phụ” là tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác. Nó đồng nghĩa với kiêu căng, tự mãn. Một người có năng khiếu hoặc tài giỏi ở một lĩnh vực nào đó và đã được xã hội công nhận, ví dụ như nhà văn, nhà toán học, nhà vật lý học, hay một ca sĩ, một diễn viên điện ảnh nổi tiếng chẳng hạn… không có nghĩa đó là người toàn tài, có quyền đứng trên tất cả. Thuở vừa nổi tiếng trên thi đàn “Thơ mới”, Xuân Diệu đã viết : “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất, Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (“Hy-mã-lạp-sơn”). Để rồi sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thi sĩ tự phê phán đó là nhận thức ấu trĩ, nông nổi của tuổi trẻ. Quả đúng như vậy !. Tuổi trẻ thường hăng hái và xốc nổi, hay ngộ nhận về mình. Có chút tài năng nào đó đã vội cho mình là “trung tâm vũ trụ”, mọi người phải tung hô, nể phục, phải ca ngợi, còn mình thì có “đặc quyền” đòi hỏi thỏa mãn tất cả những gì mình muốn. Một số ca sĩ và diễn viên điện ảnh hiện nay đã mắc bệnh “ngôi sao”, khiến nhiều người bực bội và ngao ngán. Trong một lớp học, học sinh nào kiêu căng, “tự phụ” thường cô độc, ít bạn bè. Mà như thế thì sự khiếm khuyết về tình cảm, về đời sống tinh thân là điều khó tránh khỏi. “Tự phụ” là thói xấu có hại. Nó làm cho người ta ảo tưởng về mình. Tài năng chỉ chút đỉnh nhưng lại tưởng mình là thiên tài, để rồi nảy sinh thói huênh hoang, khoác lác, hợm hĩnh đến mức lố bịch, đáng ghét. Kẻ tự phụ ngồi đâu cũng thích nói về mình, khoe khoang cái mình có, thậm chí bịa đặt, thổi phồng cả những cái mình không hề có để thỏa mãn tính thích hơn người. Vì không nhận thức đúng đắn về bản thân nên kẻ mắc bệnh “tự phụ” khó có thể thành công lâu dài và ít nhận được sự ủng hộ của số động.
Thế nào là “tự trọng” ?.
“Tự trọng” là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình. Đây là một nét tính cách được coi là nền tảng để làm nên phẩm giá cao quý của một con người chân chính. Từ ngàn xưa, tổ tiên chúng ta đã đặt danh dự lên hàng đầu : “Đói cho sách, rách cho thơm”; “Tốt danh hơn lành áo”; “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”… “Tiếng” ở đây chính là những nhận xét, đánh giá tốt đẹp của cộng đồng xã hội về một cá nhân nào đấy và điều đó sẽ được lưu truyền mãi mãi. Người có tính “tự trọng” luôn nhận thức đúng đắn về bản thân và về những người xung quanh. Biết phân biệt đúng, sai, phải, trái; cái gì nên làm và cái gì không nên làm. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn thiếu thốn đến đâu, người có tính “tự trọng” vẫn luôn giữ nếp sống trong sạch, thanh cao, không vì chút quyền lợi vật chất mà bán rẻ lương tâm, danh dự. Những bậc chính nhân quân tử nổi tiếng trong lịch sử như Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Cao Bá Quát… và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng của lòng “tự trọng”, xứng đáng cho muôn đời con cháu noi theo. Tính “tự trọng” được thể hiện qua suy nghĩ, lời nói và từng công việc trong cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như một học sinh không thuộc bài nhưng dứt khoát không quay cóp của bạn bên cạnh, không giở sách để chép, đó là “tự trọng”. Có lỗi, biết nhận và biết sửa lỗi, đó là “tự trọng”. Việc gì làm được thì cố gắng làm, không phiền lụy đến người khác, đó là “tự trọng”… Điều đáng lưu ý là bản thân phải tôn trọng mình trước, không làm điều gì tổn hại đến thanh danh, không bị khuất phục trước cường quyền, bạo lực; không bị mua chuộc bởi tiền tài, danh vọng. Tính “tự trọng” không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một quá trình được giáo dục và tự tu dưỡng lâu dài của mỗi cá nhân. Rèn luyện, tạo cho mình tính “tự trọng” và giữ vững đức tính ấy suốt cuộc đời quả là cực khổ, nhưng để mất nó thì cực dễ. Người xưa đã đúc kết : “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”; “Kiếm củi ba năm thiêu một giờ” để nói đến những trường hợp như vậy.
Ngạn ngữ Nga có câu : “Hãy giữ gìn chiếc áo từ khi còn mới. Hãy giữ gìn danh dự từ khi còn trẻ trung”. Đó là lời khuyên bổ ích và thiết thực cho tất cả những ai muốn trở thành con người chân chính. Trong ba tính : “tự ti”, “tự phụ” và “tự trọng” thì chúng ta nên chọn “tự trọng” vì đó là đức tính rất đáng quý. Nó giúp chúng ta phát triển nhân cách, có ý chí và nghị lực vươn lên để thành công trong cuộc sống.

Đức Nhân

Monday 29 August 2011

HOẠT ĐỘNG TẶNG SÁCH, VỞ CHO CÁC EM HỌC SINH NGHÈO Ở ĐẬP GÓC – PHÚ MỸ

Thôn Đập Góc thuộc xã Phú Mỹ là nới tập trung phần lớn những hộ dân vạn đò nghèo sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, so với các thôn khác ở trong xã Phú Mỹ, thì điều kiện sống và sinh hoạt của người dân ở đây còn nhiều thiếu thốn và nằm khá xã so với các thôn khác, do vậy về mùa mưa lũ trông Đập Góc chẳng khác gì một hòn đảo. Vì cuộc sống của phần lớn người dân ở đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của các bậc phụ huynh còn thấp, gia đình lại đông con nên đa số trẻ em ở đây đều không được đến trường mà phải phụ giúp bố mẹ trong việc đánh bắt thủy sản. Với mong muốn giúp trẻ em ở trong thôn biết chữ để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn, thầy Trần Văn Hòa đã đứng ra mở lớp học ghép và trực tiếp giảng dạy cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 với hai môn chính là Toán và Tiếng Việt, .mỗi buổi dạy cho 2 lớp ngồi 2 dãy ngược chiều nhau. Mặc dù mục đích của việc mở lớp học ghép này là dạy miễn phí cho con em ở trong thôn, nhưng do trình độ dân trí của người dân ở đây còn thấp, không chú ý đến việc học hành của con cái nên lúc đầu có rất ít các em đến học. Vì vậy để kêu gọi các em đến lớp thầy phải đi đến từng nhà vận động và phân tích cho phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học hành của con cái. Sau một thời vận động thì số em đến lớp ngày mỗi đông hơn, để có sách, vở, viết.... cho các học thầy phải đi mượn sách củ hoặc xin các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em...Mặc dù cuộc sống và điều kiện học tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng một số em sau khi học xong chương trình từ lớp 1-4 do thầy dạy tiếp tục xin vào các trường khác để học tiếp và thi đỗ đại học. Đây là niền động viên để giúp thầy tiếp tục công việc đầy ý nghĩa này cũng như giúp trẻ em nghèo trong thôn biết được cái chữ để sau này có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh dạy học cho trẻ em trong thôn, thầy còn tranh thủ buổi trưa để dạy chữ cho những phụ nữ đã có gia đình ở trong thôn, hiện tại thì phần lớn các phụ nữ ở đây đều biết đọc, biết viết . Trong năm học 2011-2012 lớp học ghép ở Đập Góc có 39 em đang theo học: Lớp 1: 10 em; lớp 2: 10 em; lớp 3: 9 em; lớp 4: 10 em. Để giúp các em có sách vở, viết... phục vụ cho việc học tốt hơn, sáng 26/08/2011 chúng tôi đã tiến hành tặng sách, vở, viết... cho 39 em hiện đang theo học ở lớp học ghép này, nhận được phần quà đầy ý nghĩa mà chúng tôi trao tặng, cả thầy lẫn trò ai nấy đều rất vui mừng và xúc động, vì cũng đã khá lâu rồi các em ở đây mới cầm được quyển sách, quyển vở mới để học. Những quyển sách, vở mới mà chúng tôi trao sẽ là niềm động viên cho các em ở đây học tốt hơn, cũng như giúp các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến việc học hành của con cái.

X.Q

Friday 26 August 2011

SỨC MẠNH CỦA TÍNH KỶ LUẬT

“Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ông cha ta đã nhắc nhở hậu thế như vậy về sự đoàn kết, và sức mạnh của tính kỷ luật.

Nhờ có kỷ luật chặt chẽ, loài kiến đã phân công lao động hợp lý, tạo ra những kiến trúc và công trình kho tàng qui mô có thể sánh ngang với Kim Tự tháp Ai Cập của loài người. Cũng như thế, loài ong đã chăm chỉ  tìm hoa hút mật và tổ chức xây dựng tổ ONG với kết cấu và kiến trúc tinh tế mà bất cứ kiến trúc sư chuyên nghiệp nào cũng phải ngạc nhiên, thán phục.

Với tính kỷ luật được tuân thủ nghiêm ngặt, loài vượn người hàng triệu năm trước đã vượt qua được những thử thách khắt khe của tự nhiên để không ngừng tiến hóa phát triển lên thành loài người văn minh ngày nay.

Đất nước Lạc Việt ta đã có sự phân công mang tính kỷ luật nghiêm ngặt từ thời xa xưa khi bà mẹ Âu Cơ sinh con đã dắt 50 người con theo mình xuống biển lập địa và số 50 người con còn lại theo bố Lạc Long Quân lên rừng khai sơn. Thế mới có nước Việt Nam ta rộng lớn hôm nay với bao chiến công  hiển hách đã chiến thắng thiên tai và địch họa. Thử hỏi nếu không có tính kỷ luật mà tổ tiên đã thiết lập nên từ buổi hồng hoang đó, người Việt chúng ta hôm nay sẽ là ai và đang ở đâu, đi về đâu?.

Đã là con người có nhận thức thì kỷ luật sẽ tạo ra sức mạnh vô biên. Với một quân đội được trang bị tinh gọn thì kỷ luật chính là sức mạnh tiềm tàng của cả đội quân. Với một dân tộc có sự đoàn kết với tính kỷ luật cao dựa trên thiết chế pháp luật minh bạch, sức mạnh của dân tộc đó chắn chắn sẽ là vô địch.

PVH

Wednesday 24 August 2011

7 cách Đắc nhân tâm nơi công sở

Hầu hết mọi người ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ trong cuộc sống. Không có gia đình và bạn bè, cuộc sống của bạn không những buồn tẻ mà còn gặp nhiều khó khăn vì bạn phải một mình đối mặt với mọi việc.
Trong công việc cũng vậy. Không ai đi một mình đến đỉnh thành công, sẽ có những lúc bạn cần sự giúp đỡ của đồng nghiệp để giải quyết những khó khăn trong công việc. Mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp còn làm cho cuộc sống nơi công sở của bạn cân bằng. Chính yếu tố này sẽ đem lại hiệu suất làm việc cao hơn, giúp bạn tiến nhanh hơn trên con đường sự nghiệp. Áp dụng bảy gợi ý sau, bạn sẽ tạo nên một môi trường làm việc của bạn sẽ thoải mái và hiệu quả:
1.    Thân thiện với mọi người
Hình ảnh của bạn tại nơi làm việc không chỉ thể hiện qua kết quả công việc bạn đạt được mà chính thái độ của bạn cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh này.
Một nụ cười hay lời chào vui vẻ khi gặp đồng nghiệp là cách thể hiện sự thân thiện và tích cực. Bạn cũng nên để ý đến những hành động nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn như: giúp mở cửa, giữ nút thang máy, nhặt đồ đánh rơi… Bạn muốn làm việc với những người bạn thích và chắc chắn đồng nghiệp của bạn cũng vậy!
2.    Giúp đỡ nhiệt tình
Khi xong việc của mình, tất nhiên bạn được phép nghỉ ngơi và thư giản một chút. Nhưng nếu bạn tận dụng khoảng thời gian này để giúp một đồng nghiệp đang “ngập đầu” giải quyết những phàn nàn của khách hàng, đồng nghiệp của bạn không những cảm kích mà chắc chắn trong những tình huống tương tự, họ cũng sẽ hỗ trợ bạn hết mình.  
3.    Chủ động nhận việc khó
Chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều thử thách để giải quyết những công việc phức tạp.  Nhưng nếu bạn chủ động nhận phần việc trên, bạn đã thể hiện bản thân mình là một người tự tin, tích cực, không ngại khó. Đây cũng là cơ hội để bạn hoàn thiện kỹ năng và nâng cao kiến thức. Cấp trên và đồng nghiệp chắc chắn sẽ đánh giá cao tinh thần này của bạn.
4.    Cư xử lịch thiệp
Nơi bạn làm việc là một xã hội thu nhỏ và bạn đang ở nơi công cộng, vì vậy bạn cần ý thức về hành động của mình để không làm đồng nghiệp khó chịu. Ví dụ: tắt đèn và các thiết bị khác sau khi họp xong, bỏ giấy vào máy in khi sử dụng hết giấy, giữ vệ sinh bàn làm việc, bổ sung nước uống khi bình cạn, giữ điều hòa ở mức tiết kiệm hợp lý, bảo quản tủ lạnh sạch và ngăn nắp… Khi các thiết bị văn phòng như máy in, máy fax, điện thoại gặp trục trặc mà bạn không giải quyết được, đừng làm ngơ bỏ đi mà hãy thông báo ngay đến bộ phận liên quan để được hỗ trợ.
Trong môi trường làm việc mở, mọi người ngồi rất gần nhau, bạn đừng để những sở thích cá nhân ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ: nếu bạn thích nghe nhạc, hãy dùng tai nghe; khi bạn nói chuyện điện thoại, hãy hạ thấp giọng hoặc tìm một chỗ vắng người để nói chuyện; đừng ăn những món ăn nặng mùi như sầu riêng, cơm hến, bánh canh, khô mực... tại bàn làm việc…
5.    Chào đón đồng nghiệp mới
Ấn tượng về ngày đầu tiên của bạn tại nơi làm việc mới như thế nào? Bạn không biết ai, bạn bối rối không biết toilet ở đâu hay sử dụng máy fax như thế nào? Đừng để điều này xảy ra với đồng nghiệp mới, đặc biệt nếu họ làm chung nhóm với bạn. Khi thấy họ lạc lõng trong môi trường mới, hãy chủ động bắt chuyện, giới thiệu họ với những đồng nghiệp khác, giúp đỡ khi cần thiết để họ hòa nhập nhanh hơn với nhóm và công việc. Lòng tốt của bạn chắc chắn sẽ được ghi nhận với sự cảm kích!
6.    Lắng nghe
Trong cuộc họp, bạn nghĩ rằng giải pháp của mình là tối ưu cho những khó khăn hiện tại, nhưng cũng không mất gì nếu bạn lắng nghe ý kiến của những đồng nghiệp khác trước. Hãy thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho họ và những đóng góp của họ. Khi lắng nghe ý kiến từ nhiều phía khác nhau, có thể bạn sẽ đưa ra được giải pháp sáng tạo hơn cả những gì trước đó.
7.    Ghi nhận sự giúp đỡ của đồng nghiệp
Trong những tình huống bạn hoàn thành xuất sắc công việc của mình với phần nào sự hỗ trợ của đồng nghiệp, hãy bày tỏ sự biết ơn chân thành đối với họ; cũng như cho cấp trên của bạn biết vai trò của họ trong dự án này. Họ sẽ cảm thấy tự hào vì giúp được bạn. Mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp sẽ tốt đẹp hơn và hai bên sẵn lòng giúp đỡ nhau khi cần thiết.
Lời khuyên cuối cùng dành cho bạn trong việc xây dựng những mối quan hệ nơi làm việc: hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn. Rồi ai cũng muốn làm việc, hợp tác và hỗ trợ bạn. Con đường đến thành công sẽ rộng mở!

Ngọc Thủy (st)

Monday 22 August 2011

ĐỨC HẠNH

Những phẩm chất cao quí trong tâm hồn con người luôn là một mục tiêu mà chúng ta vươn tới. Đó chính là đức hạnh. Những phẩm chất đó tô điểm cho tâm hồn chúng ta, làm chúng ta luôn hoàn thiện bản thân mình. Muốn thế, chúng ta phải thể hiện qua hành động, qua hành vi cử chỉ hằng ngày của chúng ta. Và vì vậy,"mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".
Đức hạnh là gì? Đức hạnh là những gì cao quí nhất, trong sáng nhất trong tâm hồn của mỗi con người chúng ta. Hành động là gì? Hành động là những gì biểu hiện ra bên ngoài, qua đó thể hiện những tính cách của mỗi người. Những phẩm chất và hành động của con người là khác nhau, tạo nên sự khác biệt trong tính cách của mỗi thành phần trong xã hội. Vậy chúng ta phải làm gì để có được những phẩm chất cao quí và trong sáng mà chúng ta gọi là đức hạnh? Thật ra, đức hạnh là một điều không khó để vươn tới. Nó không quá cao siêu, chỉ là những gì nhỏ nhất đủ để đánh giá một con người. Giúp một bà cụ qua đường, tìm mẹ cho một em nhỏ bị lạc, hay đơn giản chỉ là một nụ cười khi ta gặp môt người quen ngoài đường, tất cả đã góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người chúng ta. Như thế, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn với mọi người, làm cho quan hệ giữa người với người càng trở nên tươi đẹp và góp phần biến xã hội chúng ta thành một nơi "tốt hơn cho bạn và cho tôi".
Đức hạnh chỉ đơn giản, không cầu kì, phức tạp để đạt được. Nhưng chúng ta không nên quá đơn giản nó đi. Đừng chỉ nghĩ mà không làm rồi sau đó ru ngủ bản thân rằng: "những gì mình làm đã là tốt nhất". Nghĩ phải đi đôi với hành động, và những phẩm chất đó cũng cần hành động để thể hiện chúng ta. Bây giờ, mở lòng mình ra với thế giới bên ngoài, nhìn xung quanh và hãy bắt đầu hành động. Không khó để xây dựng đức hạnh trong mỗi con người chúng ta.

Đức Nhân

Friday 19 August 2011

MÙA VU LAN Ở HUẾ

Ở Huế, Vu Lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản. Đây là dịp những con người hướng về cội nguồn, nên vào cứ vào ngày 14 và rằm tháng 7 các chùa đã mở cửa từ sáng sớm để đón các du khách thập phương đến để thắp hương, cầu nguyện cho gia đình và người thân, bày tỏ lòng biết ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà , tổ tiên. Từ các cụ già cho đến các em bé đều cùng nhau đến chùa tạo nên một không khí thật ấm cúng nơi cửa thiền.
Xuất phát từ sự tích tôn giả Mục Kiền Liên vào bất chấp mọi hiểm nguy, vượt qua bao nỗi sợ hãi để xuống địa ngục cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ. Từ đó, hình thành nên quan niệm vu lan là mùa báo hiếu.Vu Lan theo thuyết nhà Phật là “giải thoát đảo huyền”, tức giải cứu những linh hồn thoát vòng trầm luân. Ở một cách nhìn khác, Vu lan thực chất là sự kết hợp của từ bi với trí tuệ, tu và học. Hàng năm cứ vào lễ vu lan, các chùa ở Huế thường tổ chức tụng kinh, cầu nguyện cho cha mẹ thân quyến sớm được siêu thoát về với cõi vĩnh hằng. Để đáp ứng tín ngưỡng báo hiếu của quần chúng, một số chùa còn lập trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ, kết hợp với viêc phóng sinh. Ngoài ra các chùa còn tổ chức cài hoa hồng cho các phật tử và du khách đến với lễ Vu Lan. Những ai may mắn còn mẹ thì được cài hoa hồng đỏ còn những ai không còn mẹ thì cài lên áo hoa hồng màu trắng.
Vu Lan cũng là ngày mà nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống mà người Huế còn giữ được, nó thật sự cần thiết đối với giới trẻ trong đời sống hiện đại này. Bên cạnh đó, vu lan còn là dịp để các tăng ni trong Ban Từ thiện Phật giáo Huế không quên thể hiện lòng từ bi của mình bằng công tác từ thiện như trao quà và viếng thăm các em nghèo neo đơn ở cô nhi viện, những người già neo đơn ở viện dưỡng lão.

Đến với lễ Vu Lan chúng ta sẽ thường bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Huế mặc áo dài lam, nam giới thì ăn mặc rất đàng hoàng, chỉnh tề. Nhờ thế mà chùa Huế luôn giữ được vẻ trang nghiêm. Cũng trong dịp này, hầu hết người dân Huế đều ăn chay. Khi đến với Huế bạn đừng bõ lỡ dịp đến với quán Liên Hoa, một quán chay mang dáng dấp kiến trúc nhà rường và bán thức ăn chay thực dưỡng. Ở đây bạn có thể vừa thưởng thức hương vị các món chay ngon và vừa ngắm không gian đẹp trầm tư vốn dĩ của một cố đô xưa.
Huế từng được mệnh danh là chiếc nôi của Phật giáo. Đất Cố Đô hiện có khoảng 1.000 ngôi chùa, phường nào, làng nào cũng có chùa. Chưa có một thống kê cụ thể, song ước tính gần 80% người dân Huế theo đạo Phật. Vào các dịp lễ Phật đản, Vu Lan, Huế trở thành thành phố của màu lam - màu của sự hiền dịu, thương yêu và hòa bình. Mong Huế giữ mãi hình ảnh màu lam thân thương ấy, để góp phần giữ vững nét đẹp hiền hòa cho dân tộc Việt Nam trong dòng đời đầy biến động này.
N.T

Thursday 18 August 2011

BÀI VIẾT VỀ LỄ PHÁT HỌC BỔNG CHÂU TRỌNG NGÔ NĂM 2011





Theo như kế hoạch dự kiến đã được các thành viên HĐQT đồng thuận, Ban Điều Hành TTKKTL đã tổ chức lễ trao học bổng: “ Châu Trọng Ngô” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập từ khá trở lên, là con em của những khách hàng vay vốn thuộc 39 địa bàn hưởng lợi của TTKKTL vào sáng ngày 13/08/2011 tại Hội trường UBND Phường Xuân Phú - Thành phố Huế.
-         Đây là một Chương trình rất có ý nghĩa cho trẻ em nghèo nên rất được lãnh đạo địa phương, CTV, các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Số tiền 500.000đ/suất sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho bố mẹ các em trong năm học mới này, cũng như góp phần động viên các em cố gắng học tập tốt hơn nữa trong những năm học tiếp theo.
-         Để chuẩn bị cho Chương trình phát học bổng năm nay được diễn ra thuận lợi, thì cách đây 1 tháng các nhân viên TTKKTL đã bắt đầu lập kế hoạch, tiến hành khảo sát để  chọn lựa các em học sinh theo đúng tiêu chí mà Chương trình đề ra. Phần lớn các em được nhận học bổng năm nay là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống trong những ngôi nhà tạm bợ.
-         Một số em nhà ở xa như Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Vinh Hà…không có xe máy được anh chị chở bằng xe đạp đến nhận học bổng thì phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị ăn sáng và mất hơn 1 tiếng đồng hồ đạp xe mới đến được địa điểm nhận học bổng. Vì thời tiết ở Huế trong những ngày này rất nóng nên khi các em đến nơi thì người đã nhễ nhại mồ hôi.
1.      Tổng số suất học bổng trao tặng: 148 suất được phân cho 39 địa bàn hưởng lợi của TTKKTL
2.      Thành phần tham dự:
        Ông Nguyễn Đăng Thạnh - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế;
        Thầy Châu Trọng Ngô - Ủy viên danh dự HĐQT TTKKTL
        Lãnh đạo của một số địa bàn hưởng lợi
        42 CTV của TTKKTL;
        148 học sinh được nhận học bổng;
        Phụ huynh của các em học sinh được nhận học bổng; và
        Toàn thể nhân viên của TTKKTL.
3.      Nội dung buổi lễ phát học bổng:
Chương trình phát học bổng: “ Châu Trọng Ngô” được bắt đầu vào lúc 8:30 và các nhân viên của TTKKTL được phân công tiếp đón, ổn định chỗ ngồi cho đại biểu và các em học sinh. Mặc dù Chương trình bắt đầu lúc 8:30 nhưng từ sớm đã có rất nhiều các bậc phụ huynh và học sinh ở các địa bàn xa có mặt tại Hội trường.
-         Mở đầu Chương trình, ông Nguyễn Đăng Thạnh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Huế đã có bài phát biểu và cảm ơn TTKKTL đã có những hoạt động rất thiết thực cho người dân nghèo trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong những năm vừa qua, đặc biệt là Chương trình phát học bổng cho những sinh nghèo hiếu học là một Chương trình rất bổ ích và thiết thực giúp các em không phải dở dang việc học. Và Ông cũng hy vọng trong thời tới TTKKTL tiếp tục duy trì những hoạt động thiết thực này để giúp những gia đình, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Ông Thạnh cũng hứa rằng ông sẽ luôn luôn ủng hộ các hoạt động của TTKKTL trong khả năng của mình, ông sẽ tạo điều kiện để TTKKTL ngày càng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho người dân nghèo. Ông Thạnh cho rằng TTKKTL có 2 mục đích cơ bản là: (a) Giúp người dân thoát nghèo và (b) Hỗ trợ người dân bằng các hoạt động thiện nguyện, trong đó có chương trình phát học bổng cho học sinh nghèo như hôm nay.
-         Tiếp theo buổi lễ là bài phát biểu của Thầy Châu Trọng Ngô - Ủy viên danh dự HĐQT TTKKTL. Thầy rất cảm động trước việc các thành viên HĐQT quyết định lấy tên “ Châu Trọng Ngô” để làm tên cho Chương trình phát học bổng năm nay, đây là niềm vinh dự rất lớn cho thầy và thầy thực sự cảm ơn sự quan tâm của TTKKTL đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Thừa Thiên Huế. Theo thầy thì ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng vẫn còn rất nhiều em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải dở dang việc học, số tiền 500.000VNĐ ( hoặc 250.000đ) mà TTKKTL trao tặng đã phần nào giúp các em trang trải các chi phí như sách vở, học phí... cho năm học mới. Và thầy chúc cho TTKKTL ngày càng phát triển lớn mạnh hơn nữa để có điều kiện giúp cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện để tiếp tục đến trường. Thầy áy náy khi thấy tên của thầy được nêu lên trang trọng trong một buổi lễ trịnh trọng, thầy mong tên được xướng ở sân cỏ thể thao đầu tiếng ồn chắc đỡ áy náy hơn.
        Tiếp theo chương trình, Ông Phan Văn Hải – Tổng giám đốc TTKKTL đã có bài phát biểu nêu rõ mục đích và tiêu chí hoạt động của TTKKTL, những khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như những thành quả mà TTKKTL đã được kể từ khi triển khai hoạt động đến nay, đặc biệt là những thành quả trong việc giúp người dân nghèo trên địa bàn Thừa Thiên Huế có vốn làm ăn vươn lên trong cuộc sống góp phần đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo ở các phường/xã. Ông Phan Văn Hải cũng đặc biệt nhấn mạnh đến ý thức của người dân khi vay vốn, cũng như trách nhiệm của CTV, lãnh đạo địa phương đối với các khoản vay của người dân ( đốc thúc người dân hoàn trả đầy đủ và đúng thời gian qui định).
        Sau bài phát biểu của Ông Phan Văn Hảỉ là bài phát biểu cảm nghĩ của một em  học sinh đại diện cho 148 em học sinh được nhận học bổng “ Châu Trọng Ngô”, đó là em Ngô Thị Thu Hiền – học sinh lớp 11B Trường trung học phổ thông Hai Bà Trưng. Em Hiền đã thay mặt cho những em học sinh nhận học bổng bày tỏ lòng cám ơn chân thành đến TTKKTL đã quan tâm đến việc học của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em. Để có tiền cho các em ăn học thì bố mẹ các phải rất vất vả làm việc kiếm tiền, nhiều khi phải nhịn ăn để dành dụm tiền cho con ăn học, số tiền học bổng mà các em được nhận lần này sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho bố mẹ em trong năm học mới. Và em cũng mong muốn tất cả những bạn hoc sinh có hoàn cảnh như em, có thành tích học tập tốt đều có thể nhận được những suất học bổng ý nghĩa từ TTKKTL
        Sau bài phát biểu đầy cảm động của một em học sinh, BĐH TTKKTL đã tiến hành phát học bổng cho các em. Chúng tôi đã chia thành nhiều đợt để tặng học bổng cho các em, mỗi đợt là 10 em, vì trong buổi lễ phát học bổng năm nay có sự tham gia của các lãnh đạo ở các phường/ xã nên mỗi đợt như vậy chúng tôi sẽ mời một lãnh đạo lên tặng cho các em. Các lãnh đạo các phường/xã đều rất hài lòng khi được mời tham dự buổi lễ cũng như được mời lên phát những suất học bổng đầy ý nghĩa cho các em; còn CTV, các em học sinh cũng như tất cả các phụ huynh đều rất vui mừng khi con em mình nhận được những suất học bổng đầy ý nghĩa.
        Sau chương trình trao học bổng cho các em là phần kết thúc buổi lễ do Ông Phan Văn Hải – Tổng Giám đốc TTKKTL trình bày. Thông qua buổi lễ phát học bổng Ông Phan Văn Hải đã giới thiệu cho các lãnh đạo phường/xã biết thêm một số hoạt động đầy ý nghĩa của TTKKTL như tập huấn cho người dân về môi trường, phối hợp với FHF xây dựng Trường Mẫu giáo ở thôn Lợi Nông, giúp người dân nghèo ở Làng Niêm Phò lắp đặt nước sạch, giúp đỡ các trường hợp thương tâm… Và Ông cũng rất mong muốn phía lãnh đạo địa phương tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm triển khai các hoạt động ở địa phương được tốt, cũng như giúp Trung tâm nhanh chóng thu hồi các khoản nợ đang còn tồn đọng để có điều kiện duy trì và ngày càng phát triển các hoạt động đầy ý nghĩa như trên. Và, cuối cùng, thay mặt Ban Điều Hành, ông Hải đã gửi lời cám ơn lãnh đạo thành phố và các địa phương cùng cộng tác viên đã hợp tác và tạo điều kiện để TTKKTL triển khai các hoạt động ở các địa phương,  đặc biệt chuyển lời cảm ơn chân thành các CTV đã bỏ công sức để cùng với nhân viên của TTKKTL triển khai thành công hoạt động tín dụng trong suốt thời gian qua.
        Buổi lễ kết thúc lúc 10:30 cùng ngày.
4.      Kinh phí
Chi phí học bổng: 110 suất x 500.000 = 55.000.000, 38 suất x 250.000 = 9.500.000. Tổng: 64.500.000
Chi phí khác (thuê hội trường, hổ trợ tiền xăng xe phụ huynh học sinh, vở làm quà cho học sinh,...): 5.500.000
Tổng chi phí: 70.000.000 VNĐ

X.Q

Wednesday 17 August 2011

BẢN CHẤT CỦA THÀNH CÔNG

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục? Vậy thì bạn hãy để chút thời gian lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.
Thành công là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?
Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công - bị - trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ - người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ - người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế? Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá - học - của - một - người - cha.
Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.
Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.
Và bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao-nếu cô giáo dạy văn chấm điểm, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công.

Đức Nhân

Monday 15 August 2011

Sử dụng laptop thế nào để không bị chai pin?

Đối với các thiết bị di động nói chung và laptop nói riêng thì pin là một thành phần rất quan trọng vì nếu thiếu pin thì chiếc máy tính xách tay của bạn không thể hoạt động khi tách rời nguồn điện, điều này làm mất đi tính cơ động vốn có của laptop. Bài viết này sẽ đề cập đến một số lưu ý trong việc giữ gìn và kéo dài tuổi thọ cho pin.
Vừa cắm sạc vừa sử dụng
Vấn đề này luôn là băn khoăn của rất nhiều người sử dụng laptop. Sự thật là việc cắm sạc để sử dụng khi pin vẫn còn có hại hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp. Khi pin đã được sạc đầy, điện từ bộ sạc sẽ không đi qua pin mà đi thẳng vào nguồn của laptop, nếu sử dụng trong thời gian không quá dài thì việc này không gây ảnh hưởng gì tới tuổi thọ của pin. Nguyên nhân chủ yếu làm pin bị “chai” chủ yếu là do nhiệt trong quá trình sử dụng chứ không phải là điện như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Sạc và xả pin
Khi mới mua pin, bạn cần sạc cho "no điện", bằng cách sạc 3 lần đủ thời gian quy định của nhà sản xuất, đối với các loại pin Li-ion ngày này thì khoảng 3 đến 4 tiếng là đủ. Lưu ý rằng lần đầu tiên sạc pin thường báo đầy sau một vài giờ nhưng đừng vội sử dụng ngay mà hãy tháo dây cắm sạc ra rồi gắn lại để sạc tiếp.
Một quan niệm sai lầm của người sử dụng khi sạc pin đó là để pin cạn sạch rồi sạc đầy trở lại sẽ tránh được hiện tượng "nhớ" của pin (là hiện tượng giảm khả năng lưu trữ của pin khi một phần pin nào đó không được sạc và sử dụng). Thực chất điều này chỉ đúng với các loại pin cũ như NiCd hoặc NiMH, còn đa số các laptop hiện nay đều sử dụng pin Li-ion và loại pin này không bị hiệu ứng nhớ và có thể sạc khi pin vẫn còn điện mà không làm ảnh hưởng tới khả năng lưu trữ. Việc xả cạn rồi lại sạc đầy thường xuyên thậm chí còn làm hại pin và lãng phí số lần sạc. Bạn nên sạc khi dung lượng pin vẫn còn một ít, khoảng từ 5% đến 10%.
Cân chỉnh lại pin
Như đã đề cập ở trên, để dung lượng pin hiển thị được chính xác chúng ta cần thực hiện thao tác nạp đầy rồi xả cạn pin (không phải cạn hoàn toàn mà xả khi nào pin còn khoảng 3% là được). Công việc này được thực hiện theo một số bước sau:
1. Sạc đầy pin.
2. Sau khi sạc đầy để pin nghỉ khoảng 2 tiếng.
3. Bật máy và và thiết lập chế độ tự động hibernate khi dung lượng pin còn 3% (nếu không thấy mức này bạn có thể đặt ở mức thấp nhất có thể).
4. Sử dụng máy cho đến khi hết pin, máy sẽ tự động đưa vào trạng thái hibernate.
5. Để máy trong trạng thái hibernate khoảng 5 tiếng hoặc hơn.
6. Cắm sạc vào máy và sạc đầy lại pin.
Bảo quản pin
Nếu trong một thời gian dài mà bạn không có nhu cầu sử dụng pin, tốt nhất hãy tháo pin khỏi máy và cất ở nơi khô ráo thoáng mát. Dung lượng pin khi cất giữ cũng không nên để đầy 100% hoặc cạn sạch mà tốt nhất là vào khoảng 40%, nhiệt độ nơi cất giữ pin càng thấp càng tốt vì nhiệt sẽ làm giảm tuổi thọ pin rất nhanh vì thế hãy tránh để pin gần các nguồn nhiệt hoặc phơi nắng lâu.
Nếu có ý định mua thêm pin dự phòng thì bạn nên cân nhắc vì ít khi chúng ta sử dụng hết cả pin chính lẫn pin dự phòng cùng một lúc, và đối với pin thì việc không sử dụng sẽ dẫn tới lão hóa và làm giảm khả năng lưu trữ. Pin dự phòng nếu không sử dụng trong thời gian dài thì bạn nên áp dụng cách cất giữ nêu trên, đồng thời một chú ý khi mua pin là ngày sản xuất, nếu pin đã được sản xuất quá lâu thì khả năng lưu trữ cũng sẽ bị giảm đi ít nhiều.
Hy vọng qua chút kinh nghiệm nhỏ này những bạn đang sử dụng Laptop sẽ tránh được tình trạng chai pin sau khoảng hơn 1 năm sử dụng.

Q.H (st)

Friday 12 August 2011

VƯỢT LÊN NỖI SỢ

Đã là con người, ai cũng có nỗi lo âu và sợ hãi về một điều gì đó. Có nỗi sợ rõ ràng nhưng cũng có nỗi sợ vô hình. Hiểu được nổi sợ từ đâu mà đến và tìm cách hóa giải nó, cuộc sống của chúng ta sẽ thị vị hơn lên.

Bắt đầu một ngày mới chúng ta sợ dậy trễ. Việc đi ngũ sớm hay tránh dùng những chất kích thích trước khi ngũ, không quên đặt đồng hồ báo thức và có chế độ dinh dưỡng sinh hoạt hợp lý...sẽ giúp cho ta có giấc ngũ sâu và dậy đúng giờ.

Trên đường tới nơi làm việc ta sợ kẹt xe hoặc vi phạm luật giao thông do vội vã. Việc tính toán tuyến đường và thời gian xuất phát hợp lý, luôn luôn chấp hành luật giao thông ngay cả những nơi không có bóng dáng cảnh sát giao thông sẽ giúp chúng ta luôn chủ động trong việc đi lại.

Tại nơi làm việc, chúng ta thường sợ không hoàn thành công việc được giao, sợ sai sót hoặc không kết thúc đúng kỳ hạn, sợ quan hệ với đồng nghiệp không tốt. Nếu ta có thái độ làm việc đúng mực và có trách nhiệm, kết quả công việc chắc chắn sẽ thể hiện rõ ràng. Việc không đạt được mục tiêu có thể là vì lý do khách quan ngoài ý muốn. Chúng ta cần phải lập kế hoạch làm việc ngày - tuần – tháng hoặc của một năm (nếu có thể) một cách rõ ràng. Thường xuyên ghi chép, phân loại công việc cần làm trong một ngày theo thứ tự ưu tiên để hoàn thành công việc một cách có hiệu quả nhất, bởi vì  thời gian làm việc trong một ngày của chúng ta không phải là vô hạn. Những công việc được phân công định kỳ thì nên có chế độ ghi chép nhắc việc để khỏi bị quên. Nếu một công việc rất bình thường được phân công, bạn liên tục quên và không hoàn thành tốt, điều đó có nghĩa là bạn có thái độ làm việc không đúng mực, tức là bạn đã VƯỢT QUA NỖI SỢ, nhưng đó là dấu hiệu rất nan nguy, cho thấy LƯƠNG TÂM của bạn không có tiếng nói điều chỉnh hành vi của bạn nữa. Một tổ chức, một xã hội sẽ đi tới một kết cục không mấy tốt đẹp khi nhiều người vượt qua được nỗi sợ theo cách này.

Như vậy, vượt qua nỗi sợ vẫn là một câu chuyện  để ngõ, và chúng ta có thể cùng nhau bàn luận nhiều hơn.

Phan Văn Hải

Thursday 11 August 2011

HỌC TẬP NGƯỜI NHẬT Ở NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT

Xếp hàng ở cửa hàng sau động đất và sóng thần

Nhật Bản là một dân tộc vĩ đại, sự vĩ đại đó được vun đắp từ những điều nhỏ nhất hàng ngày mà người Nhật luôn giữ gìn như là một truyền thống hàng ngàn năm nay. Đó là luôn nghĩ về người khác.

Người Nhật tuân thủ giờ giấc rất nghiêm túc, ấy là họ luôn nghĩ về người khác, không muốn sự chậm trễ của mình làm người khác khó chịu.

Người Nhật rất có ý thức giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; cũng ở chỗ đông người, họ luôn giữ sự yên  tĩnh, không gây ồn ào náo nhiệt, không bóp còi ô tô inh ỏi...đó là họ nghỉ về người khác.

Trên tàu điện của Nhật, chúng ta thấy nhiều người đứng trong khi còn nhiều ghế trống mà họ có thể ngồi xuống cho thoải mái, nhưng họ làm vậy vì nghĩ về người khác; có thể họ nghĩ rằng người già và trẻ em hoặc người khuyết tật, bà mẹ mang thai nào đó cần có chổ ngồi hơn họ.

Trong thảm họa kép do động đất và sóng thần vừa qua, ta thấy người Nhật vẫn bình tĩnh đợi đèn đỏ, sắp hàng trật tự nhận phần ăn tiếp tế hoặc có em bé tiểu học góp khẩu phần ăn của mình để phát chung cho mọi người...đó là họ đã nghĩ về người khác trước khi nghĩ về quyền lợi của bản thân mình!

Còn chúng ta, chúng ta có thể làm gì từ việc thay đổi hành vi nhỏ nhất của mình hàng ngày để thể hiện tinh thần luôn nghĩ về người khác như người Nhật?

PVH

Friday 5 August 2011

CÁCH LỰA CHỌN TRÁI CÂY NGON TRONG MÙA HÈ

Trái cây là thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận biết và lựa chọn hoa quả đúng cách. Tạp chí Món ngon sẽ mách bạn một số cách đơn giản để mua được trái cây ngon và nhiều dinh dưỡng nhất.
Cam, chanh, bưởi:
Nâng quả trên tay, nếu bạn thấy nhẹ là quả ít nước, xốp, khô. Chọn chanh cần chọn quả lẳn, nặng tay và có màu xanh biếc.
Mãng cầu ta
Bạn nên lựa chọn quả có gai, màu trắng ngà, không bị thâm đen và nứt nẻ.
Xoài
Chọn thứ da căng bóng, có màu vàng sáng. Không lấy quả da thâm đen, vỏ nhăn, nhũn. Khúc đầu của quả xoài chín vàng và cứng, trên bụng xoài, phía dưới cùng chót đuôi có một chiếc mắt nhỏ, đó là xoài hạt nhỏ.
Dứa
Lựa chọn quả to, mắt to đều, chín vàng, dùng tay búng vào có tiếng kêu bịch bịch là có nhiều nước. Quả nào mắt nhỏ, sâu, không đều là loại dứa không ngon
 Mít
Nhìn gai mít nếu các gai dàn xa nhau, không cao, nhọn, quả không có chỗ eo, lõm, búng tay kêu bình bịch, nặng trái là ngon. Mít Tố nữ có cuống chỉ chừng 0,5 cm, chứ không dài 1-1,5 cm như mít Tây, mặt khác mít Tây ăn chua hơn mít Tố nữ.
 Chuối
Chọn quả tròn đều, chín lốm đốm (gọi là chuối trứng quốc), màu vàng tươi hay xanh đã ngả vàng, không nát, không thâm đen. Chuối ngon là chuối trái không quá to và đã chín già nên có mùi thơm đặc trưng.
 Chôm chôm, vải, nhãn
Loại quả nhiều nước là thứ vỏ mỏng, nặng. Nhãn nên lựa chọn quả to, vỏ màu sậm và nặng
Măng cụt
Bạn không nên chọn trái to, chỉ cần chọn trái có đường kính chừng 4-5 cm, quả nhỏ hơn là măng mọc cuối cành, không ngon. Cuống phải tươi, vỏ bóng vừa phải, đó là trái chín cây. Trái có bụi phấn bám quanh vỏ là trái ngon, ít mủ.
Ngoc Thuy (st)

Thursday 4 August 2011

KỸ NĂNG GIAO TIẾP – HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG


Một doanh nhân thành công khi chiếm được sự đồng tình của khách hàng. Một nhà quản lý hiệu quả khi biết nghe nhân viên nói và biết nói nhân viên nghe. Kỹ năng giao tiếp chính là hành trang không thể thiếu của một người thành công. 
Trong môi trường kinh tế xã hội phát triển đầy cạnh tranh như ngày nay, chuyên môn giỏi, hết mình với công việc chưa đủ để mang lại cho bạn một vị trí xứng đáng. Mỗi người cần phải nỗ lực làm việc, học hỏi thật nhiều trên con đường xây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Nhưng cho dù có chất cả núi kiến thức trong bụng, đổ hàng tấn công sức cho công việc mà không có sự trao đổi thông tin với mọi người, không có sự giúp đỡ hay nhất là không có sự tin tưởng của người khác, bạn cũng khó gặt hái được thành công.
Kỹ năng giao tiếp ngày càng là bí kíp không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện đại.
Một kỹ sư cơ khí giỏi có thể sẽ mãi là kỹ sư nếu không trình bày rõ ràng những phương án sản xuất mới của mình. Một nhà kinh tế học sẽ không được trọng dụng nếu không làm người khác hiểu được những chiến lược kinh doanh mới. Và hơn thế nữa, người quản lý càng cần có kỹ năng giao tiếp để thông tin giữa nhân viên và cấp quản lý được trao đổi một cách hiệu quả. Người ta có thể dễ dàng tìm được một bảng điểm, một học bạ đầy ắp điểm giỏi ở rất nhiều trường ĐH trên toàn quốc, nhưng làm sao biết được đằng sau những dấu son trên tờ giấy học bạ ấy là con người như thế nào.
Trong học tập, học sinh phải chăm chỉ làm bài tập. Trong công việc, người ta cần có kiến thức chuyên môn tốt để làm tốt những công việc được giao. Trong cuộc sống, người ta muốn được nhiều người yêu mến. Thế nhưng, nếu không có kỹ năng giao tiếp, làm sao một học sinh có thể trình bày thắc mắc với thầy cô giáo, làm sao người ta trình bày những sáng tạo của mình trong công việc, làm sao người ta biết cười để chiếm lấy tình cảm của mọi người? Kỹ năng giao tiếp thật sự là miếng ghép quan trọng nhất trong bức tranh thành công của mọi cuộc đời.
Lợi ích của kỹ năng giao tiếp rõ ràng đến nỗi không ai là không hiểu. Nhưng có một kỹ năng giao tiếp tốt thật ra lại là điều khó đạt được. Ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh cãi vã giữa hai người đàn ông mặc quần tây áo sơmi chỉ vì một va chạm nhỏ trong giao thông thay vì một câu xin lỗi hay phàn nàn nhỏ nhẹ. Nhớ lại thời đi học, hình như bản thân ta vẫn hay ấp úng ngại ngùng mỗi khi giơ tay phát biểu một điều mình biết rõ. Một tập thể cũng có thể bị chia rẽ chỉ vì một câu nói không khéo, một cử chỉ chưa đẹp của một thành viên. Hai người có thể mãi mãi không hiểu nhau chỉ vì không với tay chào khi tình cờ gặp ở đâu đó.
Với tầm quan trọng của giao tiếp, ngày nay, đã có những khóa học về kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh, trong công việc được đăng tải trên internet . Thế nhưng, cái cơ bản của kỹ năng giao tiếp đến từ những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống. Thay vì sai khiến, hãy dùng một lời nói nhỏ nhẹ đi kèm một nụ cười, cái bạn nhận được không chỉ là sự giúp đỡ mà còn là sự sẵn lòng của người khác.  Chủ động vẫy chào khi gặp người quen để họ biết bạn luôn muốn gặp họ. Thay vì cằn nhằn vì phải chờ đợi trong một cuộc hẹn, hãy biết lắng nghe lí do của người đến trễ. Luôn chào tạm biệt với mọi người khi ra về. Tập suy nghĩ trước khi nói để không nói những điều ngớ ngẩn.Thay vì lí nhí, hãy nói to rõ những kế hoạch, những dự định của mình để chứng tỏ lòng tin của bạn trước rồi sếp sẽ tin bạn như chính bạn tin ở bản thân…
Còn nhiều lắm những “tuyệt chiêu” để bạn chứng tỏ bản thân, “PR” những ưu điểm của mình. Trong kinh tế quan niệm rằng, đồng tiền phải chảy thì nó mới sinh sôi. Còn trong cuộc sống, thông tin phải trao đổi thì mới sinh tình cảm, sinh quan hệ và cụ thể hóa ý tưởng thành hiện thực. Trong phạm vi của bài viết, Hiếu Học chỉ xin giới thiệu rất sơ lược về kỹ năng giao tiếp như là một công cụ để trao đổi thông tin, tình cảm với mọi người trong mọi mặt của cuộc sống, từ quan hệ xã hội đến công việc. Kỹ năng giao tiếp là vấn đề lớn, bao gồm nhiều kỹ năng nhỏ không chỉ đơn giản là nói cho hay, như giao tiếp bằng miệng, bằng tai, bằng cử chỉ, văn bản, giao tiếp trong kinh doanh, trong công việc, trong học hành và trong từng ngành nghề cụ thể, và Hiếu Học sẽ giới thiệu đến các bạn trong thời gian sắp tới.
“Đừng đợi người khác khám phá bạn, hãy chỉ cho người ta thấy giá trị của con người bạn.”

N.T

Monday 1 August 2011

Mẹo vận động cơ thể vừa đủ


Khuyến nghị của chính phủ chỉ rõ hầu hết người lớn nên dành 2,5 tiếng mỗi tuần cho các hoạt động thể lực giúp cải thiện nhịp tim. Nhưng nếu nghĩ mình quá bận, không thể làm được như vậy thì khoan vội từ bỏ.
Dưới đây là một số mẹo giúp bạn đạt được mục tiêu vận động 2,5 tiếng mỗi tuần của Jack Rejeski, chuyên gia sức khỏe và luyện tập khoa học, ĐH Wake Forest.

- Khuyến nghị về mức vận động thể lực có cường độ trung bình sẽ bao gồm các hoạt động như đi bộ nhanh, tập thể dục nhịp điệu dưới nước, cắt cỏ bằng máy cầm tay, tham gia lớp khiêu vũ, chơi tennis đôi.

- Chỉ cần 10 phút cho mỗi lần vận động và tăng dần vài lần 10 phút cho mỗi ngày.

- Nếu công việc phải ngồi nhiều thì hãy thực hiện dần dần các bài tập.

- Nếu thích vận động mạnh hơn, hãy chạy bộ hay chơi tennis đơn hoặc đạp xe. Với hoạt động này, bạn chỉ cần 75 phút mỗi tuần là đủ (1 phút vận động mạnh bằng 2 phút vận động vừa phải).

- Mức vận động trung bình là khi bạn không cảm thấy hơi thở ảnh hưởng đến giọng nói của bạn nhưng bạn không thể hát hò.

- Ngoài các hoạt động nhún nhảy, cũng nên chú ý các bài tập cơ bắp ít nhất là 2 ngày/tuần với các loại hình vận động như đào đất hay yoga, chống đẩy.


Q.H (st)