Friday 29 April 2011

NỖI BUỒN KHI ĐƯỢC TĂNG LƯƠNG

LBT: Có lẽ nào chỉ ở Việt Nam ta mới có nỗi buồn... này? Và những người chưa được tăng lương thì có tâm trạng  sao nhỉ?

            Bắt đầu từ 1/5/2011 thì Chính phủ sẽ tăng mức lương cơ bản lên 830.000đ so với mức cũ là 730.000đ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ công chức, nhưng thực tế mỗi khi lương tăng thì những người được hưởng lương lại không thấy vui sướng, hạnh phúc mà lại thấy cực khổ thêm, chất lượng cuộc sống thậm chí không được cải thiện mà ngày càng đi xuống, công chức, viên chức cầm đồng lương trên tay không biết chi tiêu sao cho tạm đủ trong tháng. Lý do khiến những cán bộ công chức, viên chức không thích được tăng lương là vì mỗi Chính phủ chuẩn bị có chính sách tăng lương thì giá cả tất cả các loại hàng hoá trên thị trường đồng loạt tăng vùn vụt trước thời điểm tăng lương gần cả nữa năm, giá cả các thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân cái nào tăng nhẹ thì cũng gấp rưỡi, không thì gấp đôi.
            Và trước khi chính phủ tăng mức lương cơ bản thì giá xăng, dầu và tiếp đến là giá điện tăng, tất cả những mặt hàng nhu yếu phẩm cũng đã tăng giá đồng loạt. Hiện tại giá đã tăng hơn giá cũ từ 10 - 50%, thậm chí có nhiều chỗ còn tăng giá gấp 70 - 80%. Tại các cửa hàng bán gạo lẻ cũng đã tăng giá từ 10-20% với các loại gạo từ trung bình cho đến gạo ngon. Việc mua thức ăn hiện tại trở nên rất khó khăn vì người mua cũng không có tâm lý mua nhiều do sợ mắc mà người bán cũng không bán được hết hàng vì không có nhiều người mua và được giải thích lý do là vì giá xăng tăng nên công vận chuyển phải tăng. Và đến nỗi hàng bình ổn giá cũng phải tuyên bố tăng giá như Công ty TNHH Vissan đã gửi đề xuất xin tăng giá bán ít nhất 15% từ ngày 1/4 đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, chế biến đang tham gia chương trình bình ổn.
Nước ta là một nước nghèo nhưng lại phải chi tiêu với mức giá của một nước phát triển thì quả thật là bất hợp lý, trước đây mặc dù lương chỉ có vài trăm nghìn mỗi tháng nhưng vẫn dễ sống hơn bây giờ rất nhiều. Vì vậy mỗi khi Nhà nước tăng lương thì điều kiện sống của cán bộ công chức, viên chức lại càng chật vật hơn, với những người cán bộ công chức đã như vậy thì những người nông dân, những người lao động nghèo...thì không biết họ phải sống như thế nào?. Do đó để người dân bớt khổ thì ngoài việc tăng lương thì Chính phủ cần có chính sách để bình ổn giá cả, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, xăng...để mỗi khi được tăng lương thì sẽ là niềm vui sướng chứ không phải là nỗi buồn như bây giờ!

X.Q

Wednesday 27 April 2011

Ý THỨC THAM GIA GIAO THÔNG CỦA GIỚI TRẺ NGÀY NAY


Hiện nay, do đời sống kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu thỏa mãn cuộc sống của con người ngày càng cao. Điều đó dẫn đến các phương tiện tham gia giao thông của con người là không thể thiếu. Đối với người Việt Nam xe gắn máy là phương tiện tham gia giao thông thuận lợi và ít tốn kém nhất của cộng đồng dân cư. Và khi xe máy tham gia quá nhiều thì điều đó ắt sẽ trở thành hệ lụy khi người tham gia giao thông ngày càng gia tăng. An toàn giao thông đã trở thành một vấn đề nan giải .
Tại thành phố chúng ta nói riêng và đất nước ta nói chung, do đời sống của người dân ngày càng được nần cao, người người đều có các phương tiện để tham gia giao thông. Chính vì vậy mà lượng người tham gia giao thông ngày càng gia tăng và đặc biệt số lượng người phạm luật giao thông ngày càng nhiều lên trong đó đặc biệt là giới trẻ.
Theo thống kê thì trong quý I năm 2011 thì tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 16.128 trường hợp vi phạm lỗi giao thông. Toàn tỉnh có 26 vụ tai nạn giao thông làm chết 30 người, bị thương 19 người. Trong đó đa số vi phạm là xe gắn máy mà chủ yếu là thanh thiếu niên . Các lỗi vi phạm thường thấy của tầng lớp này chủ yếu là: phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ… Chính những lỗi vi phạm này không chỉ làm rối trật tự an toàn giao thông, gây ảnh hưởng đến những người có ý thức chấp hành tốt luật an toàn giao thông mà còn đem lại cho bản thân và gia đình họ những hậu quả đáng buồn.
Hiện nay, số lượng các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn chúng ta ngày càng nhiều. Tai nạn giao thông mỗi ngày cướp đi hàng chục sinh mạng con người. Nguy hại hơn là nó đang ngày một gia tăng và có nhiều vụ xảy ra thảm khốc thương tâm. Chính điều này đã làm cho hầu hết chúng ta có cảm giác không an tâm khi tham gia giao thông.
Nhìn chung thì ý thức tham gia giao thông của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng ở nước ta hiện nay là rất kém. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu khiến tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tăng đột biến. Trong khi đó, các nước trên thế giới mặc dù nền kinh tế của họ phát triễn hơn chúng ta gấp nhiều lần, số lượng xe tham gia giao thông cũng gấp nhiều lần so với đất nước chúng ta nhưng vấn đề an toàn giao thông ở các nước này vẫn rất được đảm bảo. Tại sao lại như vậy?? Bởi vì ý thức của họ cao hơn chúng ta.
Như chúng ta đã biết, đất nước chúng ta là một đất nước có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trên thế giới đến tham quan du lịch. Có lẽ rằng đất nước ta sẽ là điểm đến an toàn của khách du lịch nếu như vấn đề an toàn giao thông được đảm bảo. Bởi vì hầu hết những người nước ngoài đến đất nước chúng ta thì điều họ lo ngại nhất chính là tính bất ổn của giao thông.
Những hình ảnh những người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, lấn tuyến, tìm mọi cách chèn lách để vượt lên trước phương tiện khác…diễn ra ở hầu hết các tuyến đường, giao lộ. Điều này cho thấy ý thức chấp hành luật giao thông của hầu hết người dân còn rất kém, đặc biệt là giới trẻ. Sự thiều ý thức đó của giới trẻ một phần là do lỗi của các bậc phụ huynh. Để ngăn chặn những hành vi vi phạm trong khi tham gia giao thông của giới trẻ cần có sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đặc biệt là sự tự giác trong đại bộ phận giới trẻ. Có như vậy tai nạn giao thông mới thuyên giảm, người người khi tham gia giao thông mới yên tâm khi không có những cảnh tượng lạng lách, đánh võng…Tuy nhiên, để mọi việc được cải thiện, đi vào kiểm soát một cách nền nếp không phải là công việc của một sớm một chiều mà có thể thực hiện được, vì đây là công việc của nhiều cá nhân, tổ chức hay nói rộng hơn là của toàn xã hội. Đặc biệt điều này lại phụ thuộc vào ý thúc của mỗi con người nên rất khó khăn.
Có thể nói rằng, tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông chỉ thuyên giảm khi ý thức của mỗi người dân được nâng cao.

P.T.M

Monday 25 April 2011

Tâm sự của người đi chợ


LBT: Khi lạm phát gia tăng thì chất lượng sống của người dân bị giảm rõ rệt,  đó là vì vật giá gia tăng trong khi thu nhập thì thụt lùi hoặc lương tăng không đủ bù tăng giá. Người nghèo thì không hiểu hết các chỉ số kinh tế của báo chí hàng ngày; với họ”chỉ số”  giá cả ở chợ là thiết thực và cụ thể, dễ nhiểu nhất. Ở thời điểm này, người chịu tác động của lạm phát nhiều nhất là người nghèo (theo chuẩn qui định của nhà nước). Đó là người nông dân chăn nuôi - trồng trọt không có lời, là ngư dân phải cho thuyền nằm bờ vì không có tiền mua xăng dầu giá cao; là người buôn bán nhỏ hiện nay nhiều hơn cả người mua; là người làm dịch vụ tự do  không có cơ hội để phục vụ; là nhiều tầng lớp khác chưa liệt kê hết, sau đó mới đến nhóm nhận lương hưu ít ỏi và người làm công ăn lương. Bài viết dưới đây là tâm sự của một người đi chợ, từ đó mới biết lạm phát, bão giá đã tác động như thế nào đến đời sống của tất cả các từng lớp lao động chân chính. Tất nhiên, có tầng lớp không chút mảy may bị ảnh hưởng của lạm phát. Đường link dưới đây cũng cho ta biết sự phân hóa xã hội trong thu nhập.

Ngày trước với một bữa cơm tươm tất dành cho 4 người thì khoản tiền để chi rơi vào 50 đến 60 ngàn đồng. Bây giờ cùng với số tiền đó chỉ biết thở dài và đắn đo. Giá cả tăng hằng ngày chứ không mang tính thời điểm nữa, nhẹ thì tăng 5 đến 10% cao thì đến tận 50%. Giá cả không có dấu hiệu ngừng tăng hay giảm xuống. Đi chợ, mặc cả là một điều giúp mình cân đo đong đếm. Trước đây mình là thượng đế nhưng với thời điểm hiện nay thì lời mặc cả được đáp trả bằng cái lắc đầu lạnh lùng và khi quay đi cũng chẳng còn một lời chèo kéo nào nữa. Nhiều lúc cũng phải tặc lưỡi chi ra số tiền vượt mức vì bữa cơm ấm cúng tươm tất sau một ngày vất vả.            
Trước đây, cứ mỗi sáng tôi thường xách giỏ đi chợ, cố gắng tranh thủ đi sớm để có đồ ăn tươi ngon cho gia đình. Nhưng từ Tết Nguyên Đán đến giờ tôi không dám đến chợ sớm nữa, thậm chí là sợ đi chợ sớm, vì sợ gặp các bà bán hàng gọi mua “mì xưa”(mở hàng) như trước và vì không đi chợ sớm nên cũng không mua được đồ tươi ngon nữa mà hạ thấp hơn một chút: con tôm nhỏ hơn, con cá, miếng thịt nào rẻ rẻ,….
“Ăn đi con, ăn cả vỏ cho có canxi”. Tôi nói với đứa con gái 4 tuổi mặt đang méo xệch vì nuốt không trôi cái vỏ tôm cứng. Thú thật là tôm nhỏ quá khiến tôi không thể nào lột vỏ được và nếu có lột thì còn gì mà ăn. Chồng tôi thì bảo : "Mẹ mình hồi này nấu ăn kém quá !”. Tôi cười bảo: "Bữa ni đồ ăn đắt đỏ quá mua không nổi nữa".
          Cả hai vợ chồng tôi đều đi làm, hai con đang đi học. Giống như mọi gia đình bình thường khác thu nhập đủ sống qua ngày. Tuy vậy, kể từ ngày có lạm phát, rồi giá xăng tăng, giá điện cũng tăng và theo đó mọi thứ đều tăng  giá, 4 chữ: "cơm - áo -  gạo - tiền" cứ xoắn lấy tôi khiến cho tôi suốt ngày cứ mãi nghĩ, không tập trung làm việc được. Chồng tôi cũng vậy, cả hai cứ gặp nhau là buồn thiu chẳng nói nên lời.
Kể từ hồi lạm phát ập đến, ngoài là người nội trợ tôi còn là nhà tâm lý bất đắc dĩ và trong từng bữa ăn tôi vừa ăn vừa dò xét xem ánh mắt của mỗi thành viên trong gia đình để xem mỗi người cảm nhận từng món ăn như thế nào. Hễ một ai trong gia đình thay đổi nét mặt là y như rằng tôi phải tìm lý do để thuyết phục mọi người khen đồ ăn tôi nấu và mỗi thay đổi trên gương mặt các con và  chồng tôi là những bài tập mà tôi bắt buộc phải giải ngay. Con ơi, ráng lên. Mai mốt hết tăng giá mình đổi món ngon hơn... Hay khi nào lương tăng thì mẹ con mình lại đi chợ sớm nhé.

Nhưng khi nào là khi nào đây!?

A.Đ

Friday 22 April 2011

SỐNG THẬT

LBT: Sắp đến ngày Phật Đản, trong mỗi chúng ta  chắc ai cũng ghi nhớ được một vài điều  ĐứcPhật dạy. Một bản tóm tắt lời dạy của Đức Phật có 14 điều như dưới đây:
  1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
  2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
  3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
  4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
  5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
  6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
  7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
  8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
  9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
  10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ
  11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
  12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
  13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
  14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí
Kính mừng Phật Đản, xin đăng một  bài viết với nhiều trăn trở về cuộc sống.

Cách đây vài ngày, trên tivi có chiếu vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”của nhà văn Lưu Quang Vũ. Qua vở kịch có thể nhận thấy một quan niệm sống mà nhà văn Lưu Quang Vũ đã đưa ra cho chúng ta trong vở kịch Hồn Trương Ba , da hàng thịt là : “Không thể bên trong một đằng , bên ngoài một nẻo được . Tôi muốn được là tôi toàn vẹn“. Vậy thực chất câu nói của Lưu Quang Vũ như thế nào ? Quan niệm sống mà ông muốn đưa ra là gì ?
Quan niệm sống mà nhà văn muốn nói đến chính là hãy sống thành thật với chính mình,sống để giữa tinh thần và thể xác của là một sự thống nhất .“ Bên trong, bên ngoài “ ở đây chính là bên trong tâm hồn , về mặt tinh thần . Còn bên ngoài là những cư xử , về mặt thể xác . “ Một đằng, một nẻo” chỉ sự trái ngược nhau . “ Bên trong một đằng , bên ngoài một nẻo “ chỉ sự trái ngược nhau giữa tinh thần và thể xác . “ Toàn vẹn “ là sự trọn vẹn hoàn toàn , một sự thống nhất chung .
Do vậy, điều đầu tiên mà Quang Vũ muốn đặt ra ở đây là : Con người luôn cần một sự thống nhất chung giữa bên trong và bên ngoài. Thật vậy, điều đó là điều thực sự quan trọng cần có đối với mỗi người chúng ta bởi con nguời là một thực thể thống nhất giữa hai mặt tinh thần và thể xác. Nếu như sự thống nhất đó không còn thì ta không còn là chính ta nữa.  Điều thứ hai mà nhà văn muốn nói đến đó là : Con người phải sống thật với chính mình. Song để sống thật với bản thân mình chính là điều xuất phát từ trái tim. Nếu không sống thực với mình thì con người sẽ đau khổ và sẽ gây ra đau khổ, tai họa cho người khác. Bởi vì khi đó ta đang tự lừa dối chính bản thân mình, lừa dối người khác. Và rồi sự lừa dối đó sẽ làm chính bản thân mình đánh mất phẩm chất đạo đức mà đã được vun đắp bấy lâu. Ví như có một ai đó với vẻ bề ngoài rất đỗi hiền thục, tốt bụng nhưng bên trong lại mưu mô, quỷ quyệt, suy tính những chuyện có hại cho người khác để làm lợi cho mình dựa vào vẽ bề ngoài của mình thì khi đó chính người đó đã gây ra sự đau khổ, tai họa cho người khác.
Thực tế ngày nay vì tính vị kỷ có rất nhiều người chọn cách sống "bên trong một đằng bên ngoài một nẻo", họ nghĩ thế này nhưng họ lại làm trái ngược lại, dần dần họ đánh mất chính bản thân mình. Vì vậy con người phải dũng cảm đấu tranh để được sống trung thực, được là chính mình một cách “toàn vẹn”. Vở kịch của Lưu Quang Vũ không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật mà nó còn cho chúng ta thấy quan niệm sống qua những câu độc thoại nội tâm của nhân vật. Qua tác phẩm chúng ta rút ra được bài học cho chính chúng ta. Chúng hãy trung thực với bản thân mình, đừng tự lừa dối mình cũng như lừa dối những người xung quanh. Và đó là mầm mống của sự tha hoá nhân cách.
Hãy trung thực với bản thân, đừng tự lừa dối mình và lừa dối những người xung quanh. Điều quan trọng hãy là chính mình trong mọi tình huống, hãy sống một cách trọn vẹn nhất và hãy để sự thống nhất giữa tinh thần và thể xác của mỗi người luôn tôn tại. Tất cả những điều ấy cũng góp phần tạo nên điều kỳ diệu cho con người chúng ta, bởi vì “ Mỗi người chúng ta là một điều kỳ diệu”.

Đ.N

Wednesday 20 April 2011

LỚP HỌC GHÉP CỦA TRẺ EM VẠN ĐÒ Ở THÔN ĐẬP GÓC – XÃ PHÚ MỸ - PHÚ VANG

           
            Thôn Đập Góc nằm cách Trung tâm Thành Phố Huế khoảng 14 km, toàn thôn có khoảng 45 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân sống bằng nghề sông nước nên  được chính quyền địa phương bố trí nằm gần bên phá (LAGOON) để  tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản của người dân. Đây là thôn được chính quyền địa phương xây dựng (từ vốn ngân sách) để đưa những hộ dân sống bằng nghề sông nước ở trong xã lên tái định cư ở trên bờ, nhưng do địa bàn khá cách biệt với các thôn khác ở trong xã nên nhìn từ ngoài vào (đặc biệt là vào mùa mưa lũ) thì Đập Góc trông giống như một hòn đảo.
           Do phần lớn các hộ dân ở đây đều sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản với ngư cụ lạc hậu nên cuộc sống của người dân ở đây rất khó khăn, mặt khác do thôn này nằm khá cách biệt với các thôn khác nên phần lớn con em của các hộ dân ở đây không có điều kiện để đến trường và  trình độ dân trí của phần lớn trẻ em và người dân ở đây rất thấp. Do đó, để giúp trẻ em trong thôn biết đọc, biết viết để sau này đỡ khổ, một người dân ở trong thôn là thầy Trần Văn Hoà đã đứng ra mở lớp học và trực tiếp dạy học cho các em ở trong thôn với 2 môn học chủ yếu là Toán và Tiếng Việt. Do trình độ văn hoá của phần lớn người dân ở đây là rất thấp và vì cuộc sống khó khăn nên đa phần các bậc phụ huynh không quan tâm đến việc học của con cái, để các em trong thôn được đi học thì ngoài việc trực tiếp dạy học, thầy Hoà còn phải đi đến từng nhà để vận động các bậc phụ huynh và kêu gọi những tấm lòng hảo tâm tài trợ sách, vở, bút, viết...cho các em.  Lớp học này có tên là“ lớp học ghép” vì ở lớp học này hiện đang có 42 em đang theo học với chương trình từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi buổi dạy cho 2 lớp. Do lớp học chật chội các em được sắp xếp ngồi 2 dãy ngược chiều nhau, buổi sáng dạy cho lớp 3 - lớp 4, còn buổi chiều dạy lớp1 - lớp 2, mỗi tuần thì lớp học này cũng học 5 ngày ( từ thứ 2 đến thứ 6). Do xuất thân từ  các gia đình nghèo, các em ở đây đều các em lớp 3, lớp 4 được bố trí học vào buổi sáng để buổi chiều còn phụ giúp bố mẹ công việc đánh bắt thuỷ sản, nâng cao thu nhập. Sau khi các em ở lớp học ghép theo học đủ chương trình học từ lớp 1 đến lớp 4, nếu gia đình có điều kiện thì sẽ cho các em vào trong làng để theo học tiếp chương trình học của lớp 5, 6,7..., còn nếu không có điều kiện thì các em phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ công việc đánh bắt thuỷ sản hoặc đi học nghề. Theo tâm sự của thầy Hoà thì mục đích của việc mở lớp học ghép này là để giúp các em có được “cái chữ” để sau này ra đời, cuộc sống của các em sẽ đỡ khổ hơn.
         
            Thầy Hòa là một giáo viên tình nguyện, không thu bất cứ khoản thù lao nào từ gia đình các em học sinh. Thầy là một tấm gương sáng của mẫu người hoạt động thiện nguyện.
 
X.Q

Friday 15 April 2011

VẤN NẠN VỨT RÁC BỪA BÃI

Ngày nay, trên thế giới, việc bảo vệ môi trường đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Hầu hết ở các quốc gia tiên tiến thì vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường đang được thực hiện rất tốt, ý thức của người dân rất cao trong việc chấp hành gìn giữ vệ sinh chung, bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp. Vì vậy, việc xả rác và nước thải vào môi trường hầu như không có ở các nước này. Nhưng đáng buồn thay ở nước ta thì hiện tượng vất rác bừa bãi ra đường hoặc những nơi công cộng lại rất phổ biến. Chính việc làm này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống nói riêng và gây ô nhiễm môi trường nói chung.
Hiện nay, tình trạng xả rác bừa bãi đã và đang xảy ra phổ biến từ nông thôn cho đến thành thị. Vấn đề này đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội và đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho các cơ quan chức năng là làm thế nào để giải quyết một cách triệt để tình trạng vất rác bừa bãi của người dân; để duy trì vẽ đẹp mỹ quan của môi trường??? Tuy nhiên, sự can thiệp của các cơ quan chức năng cũng có giới hạn, không thể kìm hãm được lượng rác thải thải vào môi trường, khi mà ý thức của mỗi người dân chưa được nâng cao, chưa phát huy hết tính tự giác của chính bản thân mình . Có thể nói rằng, chính sự vô ý thức của mỗi người dân đang tự hủy hoại đi môi trường sống của mình.
Đi dọc các con đường ven sông, các con đường xung quanh các chợ chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh những đống rác nằm ngổn ngang. Tại các vùng nông thôn thì những khoảng đất trống cũng trở thành những bãi tập kết rác bất đắc dĩ. Đấy là kết quả của thói quen vất rác bừa bãi của người dân. Tác hại của việc xả rác bừa bãi đã rõ, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẽ đẹp mỹ quan đô thị mà đó còn là mầm mống gây bệnh cho con người.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Và một trong những nguyên nhân đó là rác thải.
Chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm môi trường đang thực sự là vấn đề lớn của cả xã hội như ngày nay. Những biến đổi khí hậu và hậu quả khủng khiếp của nó không còn là dự báo trong tương lai nữa mà nó đã trở thành hiện thực ở khắp nơi. Hiện tượng toàn cầu hoá El Nino và Trái đất nóng dần lên do hiệu ứng nhà kính vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ. Có thể nói, tất cả những hiện tượng trên cũng một phần do con người gây nên từ những hành động bừa bãi, thiếu ý thức của mình mà trong đó cá cả việc xả rác bừa bãi.
Nói tóm lại, chính chúng ta đang tự huỷ hoại đi cuộc sống xanh - sạch – đẹp của chúng ta và rút ngắn tuổi thọ của chúng ta từng ngày.
Để góp phần bảo vệ môi trường nói chung và môi trường sống của chúng ta nói riêng thì mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức của mình trong việc thu gom rác thải, xoá bỏ những thói quen vứt rác bừa bãi ra lòng lề đường, vỉa hè...Có thể nói đây chỉ là những việc làm rất nhỏ, rất dễ dàng thực hiện nếu như mọi người đều chung tay vì một môi trường chung. Tuy là những hành động nhỏ như vậy, nhưng nếu mọi người dân đều tích cực tham gia hưởng ứng thì sẽ đem lại một kết quả rất lớn.
Chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng, tất cả những gì chúng ta tác động lên môi trường hôm nay thì trong tương lai môi trường cũng sẽ trả lại cho chúng ta những kết như thế có khi lại đáng sợ hơn!!!

P.T.M

Wednesday 13 April 2011

CHƯƠNG TRÌNH SỐNG XANH TẠI CƠ QUAN


Nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người vào việc bảo vệ môi trường, kể từ những tháng đầu năm 2011, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (CESR) đã quyết định lồng ghép chương trình “Cùng sống xanh” tại cơ quan làm việc của mình. Nhận thức thấy, tình hình vệ sinh chung tại CESR vẫn còn chưa đi vào nề nếp và khuôn khổ. Đồng thời việc phân loại rác từ trước đến nay vẫn chưa được nhân viên tỏ ra quan tâm đúng mức. Trước tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng bởi công nghệ phát triển cũng như nhu cầu của con người ngày càng tăng, tiếp đến là thái độ, hành vi, ý thức và thói quen của con người trong sinh hoạt hàng ngày cũng là tác nhân không kém phần quan trọng vào việc tàn phá môi trường sống của chúng ta.
             
              Bên cạnh đó, trước tình hình giá cả leo thang do lạm phát tăng cao vào năm 2011 nên việc đưa chương trình sống xanh vào cơ quan sẽ giúp cơ quan tiết kiệm một phần nào các khoảng chi phí phát sinh như điện, nước, văn phòng phẩm… Phát huy tinh thần này, toàn bộ nhân viên đều hết lòng ủng hộ, hưởng ứng và đã chấp hành khá nghiêm túc. Biểu hiện là công tác vệ sinh, trực nhật hàng ngày tại cơ quan luôn được tuân thủ đúng mức và dần dần đã được đi vào nề nếp, ổn định. Với tinh thần xem cơ quan như là nhà của mình, việc giữ vệ sinh nơi làm việc sẽ giúp tạo nên không khí thoải mái, thông thoáng và đem lại hiệu quả công việc cao trong ngày. Đồng thời giúp mọi người rèn luyện ý thức giữ gìn vệ sinh chung là một việc vô cùng đáng hoan nghênh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiến hành phân loại rác bằng cách mua thêm một giỏ chứa rác (trước đây chỉ 1 giỏ). Các giỏ rác được chúng tôi phân biệt bằng cách thay các túi màu nilon khác nhau. Giỏ có túi màu cam chúng tôi tập trung các loại rác có thể tái chế thành nguyên liệu như giấy báo, hộp nhựa, kim loại, thủy tinh…Các loại này, chúng tôi dồn và để riêng bán đồng nát hoặc giao cho nhân viên môi trường. Còn giỏ rác với túi nilon màu đen, chúng tôi sẽ dồn các loại túi nilon, thức ăn thừa, bã trà hay café…và số rác này sẽ được xử lý trong ngày phòng trừ trường hợp gây ô nhiễm mất vệ sinh, ruồi muỗi, chuột…Về điện, chúng tôi cố gắng tiết kiệm điện tối đa như tắt toàn bộ máy tính khi không sử dụng, tắt cầu dao điện khi bãi sở, chỉ dùng máy điều hòa khi thời tiết nóng bức. Tắt đèn khi không sử dụng và tận dụng tối đa ánh sáng cũng như gió tự nhiên…Có thể nói, trong suốt thời gian qua, CESR luôn luôn nỗ lực phấn đấu phát huy tinh thần làm việc nghiêm túc, nhiệt tình không chỉ trong công việc mà còn trong công tác giữ gìn vệ sinh chung tại cơ quan và trong sinh hoạt gia đình. Điều này góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của mọi người để có sự nhìn nhận đúng đắn về các vấn đề môi trường nhằm bảo vệ hành tinh của chúng ta luôn mãi xanh, sạch và đẹp. Bảo vệ môi trường đồng thời cũng là góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình. Hãy hành động vì môi trường ngay từ bây giờ không chỉ vì lợi ích của cá nhân, cộng đồng mà còn cho toàn xã hội.

N.T

Tuesday 12 April 2011

CÒN BÃO GIÁ....CÒN TIẾP TỤC LO


LBT: Lạm phát, đồng tiền mất giá…đang là nỗi lo của nhiều giới, xin giới thiệu cùng bạn đọc thêm một bài viết về chủ đề này.
"Nỗi lo thời bão giá", là những cụm từ được nhắc đến liên tục trong những ngày gần đây, khi giá cả liên tục leo thang trong khi mức thu nhập của người dân thì không tăng....
Đứng trước thực trạng khủng hoảng giá cả như hiện nay, mỗi người đã tự trang bị cho mình một cách để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn. Một số người thực hiện việc cắt giảm chi tiêu đến mức thấp nhất, tiết kiệm chi phí ăn, ở, đi lại… Một số khác lại nghĩ ra những cách để kiếm thêm tiền, để đồng tiền sinh lợi nhuận. Sinh viên, công nhân, những người có thu nhập thấp là đối tượng chịu tác động rất lớn của đợt tăng giá cả lần này, nên bắt buộc họ phải tìm ra những cách để tăng thêm thu nhập mới có thể “chống đỡ” trong tình hình hiện nay. Và có vẻ như rất khó khăn để vượt qua cơn bão giá này!
Giá cả ngày một tăng cao trong khi đồng lương công nhân eo hẹp từ 2-3 triệu/tháng đã khiến họ nghĩ ra đủ cách xoay sở, trang trải cho cuộc sống. Cách mà họ nghĩ ra làm thêm ngoài giờ để tăng thêm thu nhập. Trước đây, công nhân có thể làm thêm ngoài giờ kiếm thêm thu nhập bằng cách tăng ca, mỗi ngày thu nhập cũng từ 150-200 ngàn đồng. Nhưng gần đây, tình hình kinh tế đang hết sức khó khăn, các công ty không gia tăng sản lượng sản xuất, không cần tăng ca, thu nhập giảm xuống 1/3, thậm chí là một nửa. Bắt buộc, công nhân phải nghĩ ra cách khác chẳng hạn cách mà đa số công nhân chọn là buôn bán ngoài giờ làm việc. Tận dụng khoảng thời gian sau khi đi làm về, hoặc khi không có ca làm, họ bưng bê từng rổ trái cây hoặc đẩy xe đi bán các mặt hàng rau quả. Một số khác thì bán xôi, bán đậu nành tại cổng các khu công nghiệp. Bán được hàng thì thu lời khoảng 50 ngàn. Có ngày bán không được thì đành chấp nhận lỗ vốn. Không có vốn để buôn bán, hoặc muốn có thu nhập ổn định hơn, một số nữ công nhân đi rửa chén thuê ở các nhà hàng, quán nhậu hoặc nhận các mặt hàng khác về gia công, kiếm tiền. Nhiều nữ công nhân khu đã nhận cắt chỉ cho mặt hàng đồ bơi, với giá 100 – 200 đồng sản phẩm.
Còn với sinh viên, với tình hình giá cả tăng vùn vụt, giá phòng trọ cao ngất, điện nước không giảm, phí ăn uống tăng, và tiền gửi xe cũng tăng, để trang trải cho những khoản ấy, sinh viên đua chen nhau tìm việc làm thêm. Các công việc được “ưu tiên” nhất vẫn là dạy thêm, phát tờ rơi, phục vụ tiệc tại các nhà hàng… Mức thu nhập này không cao, nhưng nếu chịu khó “cày”, các bạn cũng có thể sống ổn trong tình hình giá cả hiện nay. Một bạn đang đi dạy kèm tại nhà, kết hợp dạy tại các trung tâm luyện thi Đại học cho biết, mỗi tháng bạn kiếm từ 4- 5 triệu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng giữa việc học ở trường và việc làm thêm luôn là điều các bạn sinh viên phải trăn trở. Thi thoảng các bạn lại nói vui, giá thân này xẻ làm năm được, một ngày thành 48 tiếng.
Vẫn biết rằng người Việt Nam chúng ta luôn biết vun vén, “khéo co thì ấm” tuy nhiên đứng trước tình hình này liệu có thể vượt qua được hay không, công nhân viên chức sẽ được tăng lương vào ngày 1.5 này nhưng liệu với mức tăng ít ỏi như vậy giá cả thì tăng vọt vì thế nhiều người phân tích rằng nếu tăng lương vào thời điểm này là không nên, bởi lương tăng thì ít mà vật giá đã tăng lên rất nhiều. Vì vậy trước khi tăng lương Chính phủ nên làm tốt công tác bình ổn giá. Được như vậy người dân mới có thể yên tâm công tác vì cuộc sống của họ được đảm bảo. Mỗi lần tăng lương tại sao người dân không vui, không hạnh phúc mà thậm chí còn thấy cực khổ thêm. Lương tăng nhưng mức sống đi xuống, công chức, viên chức cầm đồng lương trên tay mà không thể vui cười, họ lo lắng không biết phải chi tiêu ra sao. Nước ta còn nghèo ai cũng hiểu điều đó, nhưng nghèo mà phải chi tiêu với giá cả như 1 nước phát triển như thế này thì khổ quá. Trước đây lương vài trăm nghìn vẫn dễ sống hơn bây giờ. Mong rằng 1 ngày nào đó tăng lương sẽ mang lại niềm vui chứ không phải là nỗi buồn như bây giờ.
T.H

Friday 8 April 2011

SẢN PHẨM XANH – VẤN ĐỀ ÍT NGƯỜI QUAN TÂM

Trong suốt những thập kỷ qua, thế giới đã đang chứng kiến và hứng chịu không biết bao nhiêu những thảm họa của thiên nhiên như thiên tai, bão lụt, hiện tuợng  El Nino… mà nguyên nhân chủ yếu là do tác động của con người đã trở thành vấn đề nổi bật và ảnh hưởng lớn đến toàn nhân loại. Nhận thức được vấn đề này, phần lớn mọi người trên khắp thế giới không phân biệt màu da, tôn giáo, sắc tộc đã dành một ngày để suy nghĩ và hành động cho thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống – Hưởng ứng Giờ Trái Đất ( 26/3 ). Trong nhịp sống hối hả, tất bật và hiện đại, cuộc sống của con người ngày một nâng cao nhưng dường như ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường vẫn đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng nhất hiện nay tại các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam nói riêng. Trước tình hình biến đổi khí hậu, mà biểu hiện gần đây nhất là diễn biến thời tiết khá phức tạp ở nước ta, đặc biệt ở khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Trong suốt những tháng đầu năm 2011, khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ phải hứng chịu nhiều đợt không khí lạnh tăng cường và những đợt áp thấp nhiệt đới gây rét đậm, rét hại làm thiệt hại rất lớn về gia súc, gia cầm, mùa màng và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe của con người. Trước những nguy cơ cảnh báo về tình hình ô nhiễm môi trường sống ngày một trầm trọng, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức mình để tìm ra cách bảo vệ môi trường thông qua việc hướng cho khách hàng tiếp cận những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm xanh, sạch, phù hợp với tiêu chí của người tiêu dùng và góp phần tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, những sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn chưa thu hút sự chú ý và tin cậy của khách hàng cũng bởi nhiều lý do. Phải chăng, những sản phẩm được xem là xanh và thân thiện vẫn còn khá mới mẻ, chưa được phổ biến rộng rãi để có thể nhắm đến các đối tượng khách hàng cụ thể. Và cũng có thể, đa số người dân vẫn chưa hiểu hết được khái niệm “Thế nào là một sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường”? Hay người dân vẫn chưa nhận biết rõ về một sản phẩm thân thiện với môi trường bao gồm những loại nào?...
Qua một cuộc khảo sát tại siêu thị Big C, Bà Triệu , TP Huế chúng tôi nhận thấy rằng, sản phẩm xanh phục vụ cho sinh hoạt gia đình chiếm một số lượng quá ít ỏi. Các ký hiệu nhận biết tiết kiệm năng lượng trên một số sản phẩm điện tử và gia dụng vẫn là những hình ảnh hay ký hiệu còn quá nhỏ làm cho khách hàng vô tình không để ý. Thậm chí các túi thân thiện được trưng bày rất nhiều khu vực tại đây nhưng hầu như không mấy ai tỏ ra quan tâm, hứng thú với tính năng và ưu điểm của chúng. Một câu hỏi đặt ra rằng, nếu như nhà sản xuất hay doanh nghiệp biết linh hoạt sản xuất và phổ biến những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và có thể đáp ứng nhu cầu cao của người dân thì chúng ta hãy tin rằng Trái Đất sẽ trở nên xanh, sạch và đẹp hơn. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức hiểu biết của con người với các vấn đề về môi trường, trách nhiệm bảo vệ và hành động vì môi trường.

N.T

Wednesday 6 April 2011

ĐỜI SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI CÓ THU NHẬP THẤP THỜI GIÁ CẢ LEO THANG

Từ cuối năm 2010, do ảnh hưởng của lạm phát nên tình hình giá cả của tất cả các loại hàng hoá đều tăng cao, điều này đã làm cho cuộc sống của những người có thu nhập thấp như nông dân, viên chức, người lao động....có nhiều thay đổi.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thì tình hình lạm phát trong năm 2011 còn tiếp tục tăng cao do đồng tiền bị mất giá, mặc dù chúng ta đang quyết liệt thực hiện “ thắt lưng buộc bụng “ theo chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay, trên thị trường giá cả tất cả các mặt hàng đều thi nhau tăng vùn vụt, nếu trước đây gia một bó rau chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng thì hiện nay đã lên 5.000 – 6.000 đồng, một lạng thịt ba chỉ từ 6.000 – 6.500 đồng thì lên 9.000 – 10.000 đồng, thậm chỉ còn có một số mặt hàng còn tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Bên cạnh đó thì giá cả các mặt hàng khác như xăng dầu, điện, nước...cũng đồng loạt tăng cao. Với tình hình giá cả hàng hoá tăng cao như hiện nay sẽ kéo theo nhiều nổi khổ cho những gia đình có mức thu nhập từ 2.500.000 – 3.000.000 đồng/tháng, với mức thu nhập đó nếu chúng ta tính toán các khoản chi tối thiểu như tiền điện, nước, tiền con đi học, tiền ăn uống hàng ngày, tiền xăng xe của 2 vợ chồng, tiền điện thoại....thì rất khó để chi tiêu đủ trong một tháng, ngoài ra còn có các khoản khác như thăm hỏi, hiếu hỉ, đau ốm, đồ dùng sinh hoạt..., nhưng chừng đó cũng đủ cho chúng ta thấy là chất lượng cuộc sống của những người có thu nhập thấp hiện nay là như thế nào?
Mặc dù hàng năm Chính phủ đều có chính sách tăng lương cho cán bộ công nhân viên, nhưng mỗi khi đề ra phương án tăng lương và tiến hành lộ trình thực hiện thì lập tức trên thị trường giá cả các mặt hàng đều tăng cao, trong khi đối chiếu giữa mức tăng lương tối thiểu và mức tăng của các mặt hàng thì mức tăng của lương tối thiểu hoàn toàn không đủ để bù phần tăng của các sản phẩm.
Qua đó chúng ta có thể thấy cuộc sống của những người có mức thu nhập thấp như công chức, nông dân, người lao động...hiện nay là hết sức khó khăn, nó làm nảy sinh nhiều nhiều hệ lụy đối với mỗi gia đình.

X.Q

Monday 4 April 2011

DÂN NGHÈO ĐỐI MẶT VỚI “BÃO GIÁ”


Từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, giá cả thị trường liên tuc leo thang khiến cho những người dân nghèo rơi vào hoàn cảnh “đã nghèo thêm khó”.
 Giá cả leo thang, thu nhập thực tế của người dân đã giảm. Đó là điều ai cũng nhận thấy khi khoản tiền phải chi cho cuộc sống thường ngày cứ tăng lên, cuốn vào “vòng xoáy” tăng giá ấy. Nhưng có lẽ, bị "tổn thương" nhiều nhất vẫn là những người nghèo, khi mà thu nhập của họ chủ yếu chỉ dùng cho lương thực, thực phẩm, phải lo lắng từng ngày, từng bữa. Từ giá xăng đến giá điện và tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm đều không hẹn mà cùng đua nhau tăng giá làm cho giá cả của thị trường biến động mạnh, dân nghèo phải gồng mình để chống chọi. Cơn “bão giá” ngày càng mạnh khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những người nghèo sống bằng cách làm thuê, làm mướn, phải chạy ăn từng ngày.
Dân nghèo lại đa số là những người nông dân, công nhân làm thuê và những người buôn thúng bán bưng...Vì vậy, để lo đủ cho ba bữa cơm hàng ngày đã khó đối với họ huống gì là đảm bảo cho cuộc sống thật đầy đủ trong thời gian này quả thật là không dễ chút nào; khi mà đồng tiền làm ra không tăng lên nhưng đồng tiền để chi tiêu hàng ngày cứ tăng lên một cách chóng mặt. Trước đây, bữa ăn của mỗi gia đình trung bình cũng chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng nhưng hiện nay với khoảng tiền đó cũng không đảm bảo cho bữa ăn của gia đình đầy đủ.
Công việc của tôi làm liên quan đến những người nghèo, những người có thu nhập thấp nên có cơ hội tiếp cận với họ rất nhiều. Vì vậy, tôi phần nào thấu hiểu được tâm trạng của họ trong khoảng thời gian này. Cũng đã có nhiều người tâm sự với tôi rằng: “ Bữa nay cái gì cũng mắt, đi chợ cầm số tiền ít ỏi trong tay thật sự không biết mua thứ gì. Bởi vì hỏi đến hàng thịt, hàng cá, hàng tôm... cái nào giá cũng cao trong khi tiền thì không có bao nhiêu. Không chỉ thế, rau, củ, quả,... giá cũng cao hơn so với trước đây rất nhiều.” Thật sự mà nói, việc đi chợ của các bà nội trợ trong thời “bão giá” này quả thật là một bài toán rất khó giải. Đó là làm thế nào với số tiền không nhiều mà vẫn đảm bảo cho bữa ăn của gia đình không thiếu chất trong khi giá cả mặt hàng nào cũng tăng cao???
Không chỉ có những nghèo, những người lao động có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng của “cơn bão giá” mà đến tầng lớp sinh viên cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Đó là, điện tăng kéo theo nước tăng, tiền phòng trọ và giá cả các đồ dùng hàng ngày cũng tăng khiến đời sống sinh viên cũng vô cùng chật vật.....
Nhìn chung, “cơn bão giá” càn quét qua đời sống của tất cả người dân, đẩy người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, rơi vào vòng xoáy của cơm, áo, gạo, tiền. Lúc nào cũng phải suy nghĩ, cân nhắc là làm thế nào để đảm bảo cuộc sống gia đình đầy đủ, no ấm....Nhưng suy cho cùng, hậu quả mà những “cơn bão” đi qua bao giờ cũng để lại cho những người dân nghèo những khó khăn không lường trước được.  Nói tóm lại, dân nghèo luôn là những nạn nhận chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất,  chịu thiệt thòi nhất qua các cơn bão; từ “bão thiên nhiên” đến “bão giá”. Đúng là đã nghèo càng thêm khổ!!!

Dĩ nhiên, người giàu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nạn nhân chính của lạm phát bao giờ cũng là người nghèo./.
Phan Thị Mến
Ảnh sưu tầm

Friday 1 April 2011

Tắt điện 60 phút - Hãy hưởng ứng giờ Trái đất!

Trong nhiều năm qua, môi trường thế giới ngày càng bị ô nhiễm  và dần biến đổi do sự gia tăng về dân số và chủ nghĩa tiêu dùng của con người. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trái đất đang bị suy thoái nghiêm trọng với mức suy thoái cao hơn 50% so với khả năng trái đất có thể chịu đựng được. Chính sự biến đổi khí hậu đã khiến cho thế giới phải đối mặt với nhiều đợt thiên tai nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên toàn cầu như hạn hán, lũ lụt, động đất,… Và toàn bộ chúng ta đã phải chứng kiến cảnh động đất và sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/03 khiến cho hơn 9.700 người chết và mất tích. Tính cho đến nay, đây chưa phải là con số thống kê cuối cùng tại Nhật Bản.
Nhận thức được tai họa do biến đổi khí hậu gây nên, năm 2007, một tổ chức có tên là Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã tổ chức tắt điện trong 60 phút tại Úc nhằm giúp mọi người ý thức hơn về môi trường và hành động này đã được nhiều sinh viên, học sinh tự nguyện tại nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng. Tại Việt Nam, giờ Trái đất đã trở nên quen thuộc với mọi người cách đây hai năm với sự hưởng ứng của chủ yếu là tầng lớp sinh viên. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ không của riêng ai, vì vậy, mỗi một người dân Việt Nam cần hưởng ứng hành động này, và mỗi một người sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên, thúc đẩy việc giảm ô nhiễm môi trường.
Năm nay, giờ trái đất được tổ chức vào thứ bảy ngày 26-03-2011 từ  20:30 đến 21:30 với thông điệp : Tắt đèn 60 phút – hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu tại Thành phố Huế với nhiều hoạt động: tắt đèn khi không dùng nữa; sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; không sử dụng túi nilon; trồng và chăm sóc cây; nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu…
Hưởng ứng giờ Trái Đất, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập Huế với đội ngũ  nhân viên trẻ, năng động luôn hưởng ứng các hoạt động vì môi trường sẽ cam kết thực hiện giờ trái đất vì một môi trường xanh và đồng thời qua các hoạt động chuyên môn của mình, các nhân viên trung tâm hãy kêu gọi mọi người dân hãy cùng tham gia, cùng hướng đến một môi trường xanh cho tất cả chúng ta. Và hành động này “không chỉ dừng lại chỉ một giờ tắt đèn” (khẩu hiệu tại Singapore).
Hãy hưởng ứng giờ Trái Đất vào lúc 20:30 ngày 26-03!