Friday 31 October 2014

CHÚNG TA CHỈ CẦN SỐNG HẠNH PHÚC MỖI NGÀY


Một người không tốt với bạn, bạn không nên quá bận tâm. Trong cuộc sống của bạn, không ai có nghĩa vụ phải cư xử tốt với bạn trừ cha mẹ.

Còn với những người tốt với bạn, bạn nên trân trọng và biết ơn điều đó. Nhưng bạn cũng cần phải có chút đề phòng bởi mỗi người khi làm bất cứ việc gì đều có mục đích riêng của họ. Hãy nhớ, họ tốt với bạn không đồng nghĩa với việc họ phải quý mến bạn.

Không có ai là không thể thay thế, không có vật gì thuộc hoàn toàn sở hữu của bạn. Vì thế, nếu sau này người bạn yêu thương không còn ở bên, hay họ không còn là nơi bạn có thể đặt niềm tin, bạn cũng đừng bi lụy.
Sinh mệnh con người thực sự ngắn ngủi, bạn đừng để mỗi ngày trôi đi vô ích. Người ta tham vọng sống lâu nhưng bạn chỉ cần sống hạnh phúc mỗi ngày.

Hãy trân trọng và yêu lấy cuộc sống hiện tại của bạn.

Trên đời này không có gì là nhất cả, tình yêu chỉ là cảm giác bất chợt đi qua cuộc đời bạn, nhưng nó sẽ theo thời gian và lòng người mà thay đổi.

Nếu như người đó rời xa bạn, bạn hãy học cách chờ đợi. Hãy để thời gian rửa sạch vết thương, để tâm hồn bạn lắng lại rồi nỗi đau của bạn cũng sẽ dần biến mất.

Bạn đừng mơ ước một tình yêu hoàn hảo, cũng đừng thổi phồng nỗi đau khi nó không còn.

Bạn có thể bắt mình phải giữ chữ tín, nhưng không thể yêu cầu người khác làm thế với mình.

Bạn có thể yêu cầu bản thân phải đối đãi tốt với người, nhưng bạn không thể kỳ vọng người ta sẽ làm ngược lại. Khi bạn tốt với họ, họ không có nghĩa vụ phải tốt lại với bạn.

Hãy nhớ điều này nếu không bạn sẽ luôn gặp ưu phiền trong cuộc sống.

Chỉ những ai có duyên phận mới trở thành người thân của nhau, cho dù trong cuộc sống bận rộn bạn ít khi gặp mọi người, nhưng bạn hãy trân trọng từng khoảnh khắc khi còn bên họ. 

Hãy dành cho họ thời gian để yêu thương bạn hơn!

NT

Thursday 30 October 2014

Từ việc giáo dục của người Do Thái cho đến…….



Nếu được chọn dân tộc nào trên thế giới đáng ngưỡng mộ nhất thì tôi sẽ chọn ngay không ngần ngại dân tộc Do thái. Một dân tộc lưu vong, đau thương, nhiều nước mắt và cũng quá đỗi huy hoàng với những thành tựu họ có được trong kinh tế, văn học, khoa học…vv. Một dân tộc đã sản sinh ra những con người mà tên tuổi có thể nói là vượt thời gian, vươn cùng thời đại như Chúa Jesu, nhà tiên tri Mohammed, Henry Ford, Karl Marx, Alber Einstein hay kẻ diệt chủng điên cuồng Adol Hitler….vv

Sự thành công của dân tộc này có lẽ đến từ sự giáo dục bài bản của họ đối với trẻ nhỏ, lúc mà nhân cách và tư duy chưa được hình thành rõ ràng nhất. Họ có những phương pháp dạy dỗ và hướng suy nghĩ cho những thế hệ mầm những tư duy tân tiến thực dụng và không bao giờ tự mãn.
Vào những nhà Do Thái như được biết thì ở phòng khách người ta thường trưng sách. Những tủ sách, giá sách ở tầm thấp cho trẻ con dễ dàng với được để rồi cầm được, đọc được. Thế là hình thành thói quen đọc sách, yêu sách của trẻ nhỏ và làm cho lớp mầm non ở đây có thứ trí tuệ khởi đầu tốt hơn những dân tộc khác. Không như ở một số nước như Việt Nam phòng khách là thứ để trưng ra những thứ gì gọi là đẹp nhất, kinh tế nhất của gia chủ. Thời kỳ hiện đại nhà nào giàu có của thì trưng rượu hay đồ cổ, đàn piano…vv còn ngày xưa thời kỳ bao cấp thì trào lưu trưng tủ lạnh, tivi hay đơn giản là một chiếc radio fm….vv

Họ giáo dục cho trẻ nhỏ tài sản lớn nhất của con người đó là “trí tuệ”. Có “trí tuệ” là có tất cả và nó là thứ khó có thể mất đi trừ khi nhắm mắt lìa đời. Kẻ có trí tuệ sẽ làm ra của cải chứ kẻ có của cải chưa chắc đã có được trí tuệ. Vì vậy mô típ ngụ ngôn của họ thường là hình ảnh của một nhà thông thái đi với một đám trọc phú sau đó gặp cướp thì những trọc phú thì bị mất tất cả chỉ có nhà thông thái không mất gì vì ông ta chỉ có tài sản vô định hình là chất sám rồi thế là ông ta dạy học kiếm tiền rồi giàu nhanh để rồi giúp đỡ vật chất lại đám trọc phú…vv Ở những nước phương đông thì giáo dục trẻ nhỏ hướng tới những thứ tài sản có vẻ định hình và thực dụng hơn, điều đó thể hiện khá rõ qua những câu tục ngữ như “rừng vàng biển bạc”, “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, “tất đất tất vàng”…vv. Cái sự tâm thái thể hiện thông mình, trí tuệ của họ cũng khác với người phương đông chúng ta. Họ thể hiện sự thông minh trí tuệ của họ một cách đường hoàng và quang minh chính đại không mập mờ. Đối với họ sự tận cùng của trí tuệ là một trí tuệ khác, không có sự tận cùng. Còn ta thì sự tận cùng của trí tuế là sự lơ ngơ ngu dốt giả vờ vì vậy có câu “ Đại trí giả ngu” ( cái tư duy kiểu này bắt đầu từ Trung hoa nhưng Việt Nam bị bắc thuộc của Trung hoa quá lâu nên chúng ta cũng bị ảnh hưởng sinh ra cái thứ tư duy như thế này tức là “người tài giỏi thường tỏ ra vẻ ngu dốt, im im chờ thời” ).

Người Do thái cực kỳ giỏi trong việc làm kinh tế. Có một thống kê không chính thức thì hơn 1/3 những người làm tại phố Wall là người gốc Do thái. Theo thống kê chính thức của tạp chí Forbes thì 30% tỷ phú Mỹ là người Do Thái. Người ta còn cho rằng 5 tập đoàn tái chính lớn nhất của người Do Thái bắt tay nhau thì hoàn toàn có thể kiểm soát và lái được thị trường vàng của toàn thế giới. Điểm qua về một số nhà lý luận và điều hành kinh tế người Do Thái thì có J.Aron, Samnelson, Simon (những người đạt nobel kinh tế) hay Glimspan ( người đã từng giữ chủ tịch dự trữ liên bang)…vv Sự thành công kinh tế của họ lớn đến nỗi ảnh hưởng tới cả khoa nhân tướng học. Người nào có nghiên cứu nhân tướng học chắc biết phương tây người ta chia tướng mũi thành 2 loại: Do thái và Hy lạp. Hy lạp sóng mũi thẳng dâng cao chuyên làm về chính trị, văn phòng. Mũi Do Thái cao và cong chuẩn đầu có gờ đầu sóng mũi chuyên về làm ăn kinh tế. Sự thành công của họ trong kinh tế có lẽ một phần nhờ sự dạy dỗ về cách nhìn đồng tiền khi còn nhỏ. Đối với họ không có thứ đồng tiền sang hay hèn chỉ có thứ tiền có ích hay không có ích và nhiều hay ít mà thôi. Họ có những câu kinh điển về đồng tiền mà khi nghe có thể ta sẽ cảm thấy khó chịu như “kinh thánh phát ra ánh sáng, tiền bạc phát ra sự yên vui” , “đồng tiền không phải là tội ác cũng chẳng phải là lời nguyền rủa. Nó đang chúc phúc cho mọi người đó” . Còn quan niệm ở các nước phương đông ta thì hoàn toàn khác. Ta được dạy là đồng tiền mang lại tội lỗi “…hết tiền hết bạc hết đệ tử” hay “..một người giàu lên là hàng trăm người phải nghèo đi”…vv
Tôi được gặp một anh chàng người Israel nay định cư tại Mỹ trong một chuyến du lịch Việt Nam. Sau một hồi nói vớ vẩn tôi hỏi anh ta “theo anh, niềm tự hào của dân tộc anh là gì ?”. A này cười và trả lời tôi nghe được loáng thoáng là “ …niềm tự hào là chẳng có gì để đáng tự hào cả…..”. Ừ mà đúng thật, một dân tộc bị mất nước hơn 2000 năm trước, phải đi lưu vong, bị chà đạp thậm chí là bị tàn sát một cách khủng khiếp dưới chế độ phát xít diệt chủng Hitler… trày trật lắm họ mới dựng lên được một quốc gia Israel(một quốc gia một lãnh thổ chẳng có tài nguyên gì đặc biệt, thiên nhiên cũng khắc nghiệt nhưng cũng có thể đủ cho người Do thái chỉ lên bản đồ và nói đó là quê hương tôi) thì đúng là chẳng có gì để mà vỗ ngực để mà tự hào thật. Nhưng cũng có lẽ nhờ vậy mà giống nòi này ít tự kiêu và chỉ biết cấm cuối làm để hy vọng có thể lấy tương lai “bù lỗ” cho quá khứ chăng…?. Mà quả thật vậy, từ lúc sinh ra họ đã được dạy rằng dân tộc họ có một quá khứ đau thương như thế, một dân tộc mà người ta gọi là dân tộc lưu vong như thế và được định hướng trong tư duy là hãy cố gắng rồi tương lai chúng ta sẽ khác và rất khác….
Từ một số điều cơ bản trên ta có thể thấy việc giáo dục rất quan trọng và nguy hiểm. Nếu định hướng tốt, giáo dục tốt thì tương lai ta sẽ có tất cả, nếu không sẽ là một sự tai họa cho dân tộc, đất nước và cũng như chiếc xe chạy sau ngửi khỏi của những chiếc xe khác mãi mà thôi. Âu cũng có thế nói “vận nước ăn theo vận thế hệ mầm trẻ” là vậy, chứ không phải là vận của một thứ gì khác.

Nhật Hoàng

Wednesday 29 October 2014

Nhìn nhận...

 
Gần đây, các bài bài liên tục đưa tin về chuyện cải cách giáo dục. Có lẽ nói về vấn về này thì tôi vẫn chưa có trình độ để nói về vấn đề này nhưng tôi xin đứng trên lập trường của một học sinh đã từng học trong giai đoạn cải cách để nói.

Khi tôi học lớp 6, tôi đã được học ngay bộ sách cải cách đầu tiên. Tôi nghĩ học bộ sách cải cách mới chắc sẽ hoàn thiện và tốt hơn nhưng không, bộ sách có rất nhiều sai sót và chính điều này thì năm sau khi đứa em họ của tôi không dùng lại được bộ sách đó mà phải mua bộ sách mới. Tại sao một bộ sách được sản xuất hàng loạt để giáo dục cho thế hệ mới có thể để sai sót nhiều đến vậy? Đến lớp 10 thì tôi cũng nằm trong cuộc của cải cách giáo dục về thay đổi phân chuyên ngành. Khi đó, tôi cũng chưa định hình rõ chuyên ngành nào sẽ thi vì mới chập chững bước vào cấp 3 và rồi chọn đại 1 chuyên ngành được cho là thích theo đuổi. Đến năm 11 thì nhận ra rằng nó không phù hợp và rồi thay đổi. Liệu có nên phân chuyên ngành sớm như vậy không? Nên phân như thế nào?

Cải cách giáo dục là điều kiện cần để đưa Việt Nam phát triển ngang bằng với các nước khác. Tuy nhiên cải cách như thế nào? Thời gian trong bao lâu? Định hướng như thế nào? Bao giờ áp dụng thực tế? ... Rất nhiều vấn đề cần suy nghĩ để thích hợp với môi trường giáo dục của nước ta. Mong rằng sẽ có 1 định hướng đúng hơn về cải cách giáo dục để đưa Việt Nam trở thành một nước có nền giáo dục đứng trong tầm của khu vực và thế giới.


P.K

Monday 27 October 2014

Con là củ cà rốt, quả trứng hay là cà phê?


Một cô gái trẻ nói với mẹ của mình rằng cuộc sống thật khó khăn. Cô không biết sẽ tiếp tục như thế nào. Cô muốn buông xuôi vì đã quá mệt mỏi khi mãi phải đấu tranh. Mẹ cô gái sau khi nghe con nói bèn đưa cô vào bếp. Bà đổ đầy nước vào ba cái bình và đặt chúng lên trên ngọn lửa. Chẳng mấy chốc ba bình nước sôi.
Trong chiếc bình đầu tiên, bà đặt vào những củ cà rốt, trong chiếc thứ hai bà đặt những quả trứng, và trong chiếc cuối cùng bà đặt những hột cà phê nghiền. Sau đó bà tiếp tục nấu sôi ba chiếc bình, và không nói một lời nào. Khoảng 20 phút sau, bà tắt lửa. Bà vớt những củ cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát. Bà lấy những quả trứng ra và đặt vào một cái bát khác. Bà lại lấy muôi múc cà phê ra và đặt vào cái bát thứ ba. Quay sang cô con gái, bà hỏi:
– “Nào, con hãy nói cho mẹ biết, con nhìn thấy gì?”.
– “Dạ, cà rốt, trứng và cà phê”. Cô con gái trả lời rồi hỏi: “Mẹ, điều đó có nghĩa là gì?”.
Bà mẹ giải thích rằng mỗi một thứ trong đó đã gặp điều kiện khó khăn như nhau, đó là nước sôi. Mỗi thứ có phản ứng khác nhau. Cà rốt khi chưa bỏ vào nước thì cứng, rắn và dai. Tuy nhiên, sau khi bị bỏ vào nước sôi, nó mềm đi và trở nên yếu ớt.
Quả trứng vốn rất dễ vỡ. Lớp vỏ ngoài mỏng manh của nó đã bảo vệ lớp chất lỏng bên trong nó, nhưng sau khi được đặt vào trong nước sôi, phần bên trong quả trứng cứng lại. Những hột cà phê nghiền thì khác. Sau khi bị bỏ vào nước sôi, chúng đã biến đổi nước.
“Con là gì?” – bà mẹ hỏi cô con gái. “Khi một hoàn cảnh bất lợi gõ cửa nhà con, con sẽ phản ứng thế nào? Con là củ cà rốt, quả trứng hay hột cà phê?”.
Người mẹ giải thích tỉ mỉ cho cô con gái: “Con là củ cà rốt, dường như rất mạnh mẽ, nhưng khi bị đau và gặp hoàn cảnh bất lợi, con yếu mềm và mất đi sức mạnh? Hay con là quả trứng bắt đầu với một trái tim mềm yếu nhưng qua khó khăn lại trở nên cứng rắn? Một số người dễ bị lung lay tinh thần, nhưng sau một cái chết, sự chia ly, những khó khăn về tài chính, họ trở nên cứng nhắc, mặc dù cái vỏ bên ngoài vẫn thế. Hoặc có thể con giống cà phê. Cà phê thực sự làm thay đổi nước nóng, chính là thay đổi hoàn cảnh mang lại nỗi đau. Khi nước bị nóng, cà phê tỏa ra hương vị của nó. Nếu con giống như cà phê, con sẽ sống tốt đẹp hơn và có thể thay đổi tình thế xung quanh con, khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ nhất.
Trước những ngày tháng đen tối nhất và trước những thử thách cam go nhất, con sẽ nâng bản thân mình lên một tầm cao mới. Sau này khi con gặp hoàn cảnh bất lợi, hãy nhớ tự hỏi mình: “Tôi sẽ là một củ cà rốt, một quả trứng hay là cà phê?”.

PTM

Thursday 23 October 2014

TIẾT KIỆM


          Người xưa từng nói "Cha chung không ai khóc". Câu tục ngữ trên theo tôi thấy đúng trong quá khứ mà hiện tại vẫn đúng ở công sở. Vấn đề được đề cập ở đây là tình trạng sử dụng tài nguyên một cách ''xả cửa''. Người ta vẫn thường hay nôm na gọi là "xài của chùa". Ai trong mỗi chúng ta nếu có ý thức tốt hơn thì tài nguyên ngày càng lâu cạn kiệt, có thể con cháu họ sau này sẽ còn có cái mà dùng.

          Đa số ở các văn phòng, công sở việc sử dụng điện nước được sử dụng nhìn chung khá là "xả láng". Việc này cho thấy ý thức của mỗi người từ lúc còn nhỏ đã hằn sâu, nên khó thay đổi.

          Nếu ở nhà, người ta trả tiền hàng tháng thì có sử dụng như vậy không? Chắc có lẽ một câu trả lời đơn giản: KHÔNG BAO GIỜ!

          Nếu mỗi chúng ta biết:
+ Mở điều hòa ở nhiệt độ thích hợp.
+ Mở ở nhiệt độ cần thiết.
+ Tắt trước khi ra về khoảng 30-40 phút.
+ Máy tính có thể tắt khi ra ngoài hoặc không sử dụng trong vòng 30 phút.
+ Máy in, máy photo và nhiều loại máy khác phục vụ cho công sở.
+ Nước có thể vặn vừa để sử dụng.
+ Khóa chặt khi đã sử dụng xong ...

          Và còn nhiều việc cần làm khác chắc ai trong mỗi chúng ta cũng đều biết nhưng "nhác làm" do "Cha chung không ai khóc".

DT.

Tuesday 21 October 2014

CẤM MẶC QUẦN JEANS

 
Cách đây vài tuần thông tin báo chí cho biết, trường ĐH Cửu Long ban hành quyết định cấm giảng viên, sinh viên mặc quần jeans, đi dép lê. Thứ hai đầu tuần sinh viên phải mặc đồng phục nữ áo dài, nam quần tây.

Dẫu biết rằng giảng viên phải mặc quần tây, áo sơ mi là đúng vì liên quan đến các quy định riêng về công chức của từng địa phương. Nhưng chỉ lạm bàn về việc CẤM có hợp lý hay không. Quần Jeans là một phát kiến vĩ đại của lịch sử loài người. Nó không bị lỗi mốt suốt hàng trăm năm và nó luôn là trang phục có thể mặc mọi lúc mọi nơi. Và trường ĐH lại can thiệp vào chuyện ăn mặc bắt sinh viên phải mặc trang phục truyền thống phải chăng quá khiên cưỡng. Nhà trường lại nhắc đến trang phục truyền thống trong khi trong văn bản lại có tên “quần tây”? Phải thấy rằng tuổi trẻ cần phải đa dạng, mạnh mẽ và tươi trẻ trong khi nhà trường lại bắt những sinh viên già hóa xơ cứng vì khi nào cũng bắt mặc quần tây và bỏ áo trong quần. Đất nước còn nghèo những sinh viên ngoài việc đi học còn phải làm thêm để trang trải chi phí, đùng một cái nhà trường bắt phải thay đổi đồng phục thì lấy đâu ra tiền. Áo dài cũng là điều đáng bàn, phụ nữ nói chung và sinh viên nói riêng mặc áo dài thì cử chỉ phải nhẹ nhàng, dịu dàng. Trong khi một xã hội cần sự nhanh nhẹn, năng động thì mặc áo dài có hợp hay không!? Đó là chưa tính đến những người có vóc dáng không hợp với áo dài, nhà trường bắt phải mặc áo dài phải chăng đang mỉa mai họ.

          Sau khi báo chí đưa tin, trường ĐH phản hồi là có sự hiểu sai về văn bản. Thử hỏi, soạn thảo văn bản của một trường ĐH mà không biết dùng câu chữ thì làm sao có thể đào tạo thế hệ trẻ được.

Cuối cùng sinh viên là người đủ 18 tuổi có thể chịu trách nhiệm về mọi hành vi trước pháp luật, trước xã hội. Mọi sự áp đặt, bắt buộc để xem sinh viên còn quá nhỏ là sai, trường ĐH không phải là trường mẫu giáo, không phải là một trường tiểu học hay một trại lính để áp đặt. Phải chăng tư duy áp đặt trong giáo dục đã trở thành lối mòn thưa các nhà quản lý!


D.N

Monday 20 October 2014

Chúc mừng ngày 20 tháng 10


Tự nhiên thấy nhớ các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam nhân ngày phụ nữ vn 20.10. Sau khi nhìn nhận lại sự nghiệp của các cầu thủ đàn chị có thể thấy: Nghiệp quần đùi áo số với các chị thường có kết cục phần lớn là buồn hơn vui.

Gần đây, lần đầu tiên đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã vào đến bán kết Á vận hội. Đặc biệt, đội tuyển nữ đã đòi lại món nợ từ người Thái. Cùng với khoản tiền thưởng mới nhận được từ vff, xin chân thành gửi tới các chị lời chúc sức khỏe và có cuộc sống an lành trong đời thường!

pvh

Wednesday 15 October 2014

SỰ THẬT



Kết quả thi đấu chiều 13/10 giữa U19 Việt Nam và Trung Quốc là 1-1.
Chúng ta tưởng như cầm chắc chiến thắng ở phút cuối, nhưng lại để bị gỡ hòa.
Trong trận đấu cùng giờ, đương kim vô địch châu Á U19 Hàn Quốc bị Nhật dẫn 2-1. Điều đó đồng nghĩa với việc đội Việt Nam và Hàn Quốc cùng bị loại. Trung Quốc vào vòng sau không hẵn là may mắn, họ có thực lực thể hiện ơ việc  thắng Nhật và hòa Hàn Quốc 2 trận đầu.
Sự thật là như vậy! Không cần bình luận gì thêm.


PVH

Monday 13 October 2014

QUYẾT TÂM & THỰC LỰC

 
Giữa quyết tâm và thực lực để thực hiện quyết tâm ấy xem ra một khoảng cách mênh mông.
Việc trước khi vào giải U19 Đông Nam Á, tuyển trạch viên đội U19 Việt Nam tuyên bố đội tuyển chúng ta hướng đến giải U20 thế giới (tức là sẽ là 4 đội mạnh nhất châu Á), và được lên tinh thần bởi tuyên bố của ông bầu Đoàn Nguyên Đức đại ý: chúng ta phải đá để U19 Trung Quốc biết chúng ta là ai…là hơi bị lố sau khi đội nhà thất bại ngay 2 trận đầu ra quân.
Nay trước trận đấu mang tính thủ tục với Trung Quốc chiều nay (13/10), nhiều ý kiến vẫn còn quá chủ quan khi nói rằng: U19 VN phải quyết thắng Trung Quốc để đáp lại sự kỳ vọng của người hâm mộ…xem ra cũng là sự lạc quan tếu.
Vì sao? Vì 2 trận đầu ra quân, đội U19 TQ đã thắng Nhật 2-1 và thủ hòa đội vô địch châu Á Hàn Quốc 0-0 mới thấy rằng đội này rất mạnh và có thực lực. Đừng nhìn vào tuyển U23 TQ vừa thi đấu ở Incheon vừa qua mà suy ra trình độ bóng đã của nước này.
Thể thao đặc biệt là “bóng đá” suy cho cùng đối với người hâm mộ cũng chỉ là một môn giải trí, nếu đội VN thắng chiều này thì chúng ta vui, thua trong thế ngang ngữa cũng vui, thua đậm trong khi các em cố gắng hết sức thì chúng ta cũng nên vui. Không ai có bát cơm đầy lên hoặc vơi đi theo sự thắng thua của U19 Việt Nam trong trận cầu chiều hôm nay cả.
Điều tai hại là cách tư duy của người Việt ta có thể dẫn tới những kết cục không hay. Lịch sử cho thấy chúng ta thường thắng các đạo quân xâm lăng, đặc biệt là TQ, và đó cũng là nước có quân đội bị chúng ta đánh bại gần đây trong cuộc chiến biên giới năm 1979. Nhưng nếu chủ quan cho rằng chúng ta cũng sẽ thắng nếu hai nước có xung đột trong tương lai, để rồi không khoan sức dân, không xây dựng một nhà nước pháp quyền đủ mạnh, không tái cấu trúc kinh tế kịp thời, không trừng trị thích đáng những kẻ tham nhũng hũ bại, không cương quyết với âm mưu gặm nhấm dần của kẻ địch…thì dù có nhiều súng đạn, thiết bị quân sự và hệ thống phòng bị vũ trang hiện đại, dù có hàng chục triệu người hô: “Quyết tâm, quyết thắng…”, chúng ta vẫn có thể không thể thắng được trong một trận chiến mới với kẻ thù tiềm năng đang ngày càng hung hãn mà ai cũng có thể thấy được dã tâm của họ trong thời gian gần đây.
Quyết tâm và thực lực không luôn song hành với nhau!

PVH

Friday 10 October 2014

CHẾ ĐỘ ĂN LÀNH MẠNH


Có một chế độ ăn lành mạnh giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh và chống lại được bệnh tật. Những lưu ý đơn giản trong việc lựa chọn thực phẩm có thể giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ.
Vậy thế nào là một chế độ ăn lành mạnh? Cần tuân thủ những nguyên tắc nào để có một chế độ ăn lành mạnh?
Ăn uống có chọn lọc
Chất béo
Chất béo có lợi: Là các chất béo tham gia tích cực trong quá trình hấp thụ vitamin, chống oxy hóa. Các chất béo này có nguồn gốc từ các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu phộng, dầu nành…
Chất béo gây hại: Khi chúng ta đưa một lượng lớn chất béo có hại vào cơ thể chúng ta sẽ dễ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, béo phì, huyết áp cao. Những chất béo gây hại có nhiều trong bơ sữa còn nguyên kem.

Chất đạm
Chất đạm có lợi: Những chất đạm này có chứa lượng cholesterol và chất béo bão hòa (chất béo gây hại cho sức khỏe) rất thấp. Chúng cung cấp các amino acid rất cần thiết cho quá trình cấu tạo và tu bổ các mô, tế bào như da, tóc và móng. Các chất béo này có nguồn gốc chủ yếu từ cá hồi, đậu đỗ, đậu nành, các loại hạt như hạt bí hạt hướng dương, các loại quả và bơ lạc.

Chất đạm gây hại: Ngược lại với các chất đạm có lợi trong các chất đạm này chứa nhiều chất béo bão hòa và hàm lượng cholesterol cao. Các chất đảm này có trong các loại thịt, xúc xích. Chúng vẫn cung cấp các amino acid cho cơ thể nhưng bên cạnh đó vì chứa nhiều cholesterol nên chúng có thể làm tắc nghẽn động mạch và gây tổn thương đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Chất đường
Chất đường có lợi: Chúng là các loại đường không qua chế biến có nhiều trong các loại thực phẩm như bí, các loại rau xanh có nhiều lá, đậu và các loại hoa quả. Các loại đường này giúp giảm cholesterol, kích thích tiêu hóa, điều chỉnh lượng đường và insulin trong máu.
Chất đường gây hại: Là các loại đường đã qua tinh chế. Khi ăn nhiều các loại đường này sẽ gây tăng lượng đường trong máu, có nguy cơ cao bị mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường. Chúng có nhiều trong các loại bánh kẹo, sữa có đường, nước giải khát.

Những nguyên tắc cần tuân thủ để có một chế độ ăn lành mạnh
- Chọn gạo cám thay vì gạo trắng vì trong gạo cám có chứa hàm lượng vitamin B2 cao hơn nhiều so với gạo trắng.
- Ăn các loại rau có chứa nhiều vitamin A, B2, C cũng như có chứa nhiều calcium và kali mà không chứa các chất béo gây hạị. Ăn nhiều rau xanh hoàn toàn tốt cho cơ thể.
- Uống sữa đậu nành thay vì chọn sữa bò có chứa nhiều kem và đường. Trong sữa đậu nành hoàn toàn không chứa cholesterol gây hại cho sức khỏe. Sữa đậu nành còn giúp cơ thể dễ dàng hấp thu calcium, vitamin D, B6, acid béo omage-3.
- Ăn hoa quả tươi vì chúng chứa nhiều chất xơ và vitamin tốt cho cơ thể mà không chứa chất béo gây hại.
- Uống trà xanh, trà thảo dược trà búp  vì khoa học đã chứng minh được rằng trong các loại trà có chứa nhiều chất chống oxy hóa, hàm lượng đường trong các loại trà thấp rất có lợi cho sức khỏe.
Lời kết

Ăn uống có chọn lọc, ăn những thức ăn giàu chất dinh dưỡng tự nhiên là một chế độ ăn lành mạnh giúp các cơ quan chức năng trong cơ thể không bị hoạt động quá tải. Cơ thể đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo một lượng calo vừa đủ để sống khỏe mạnh

Wednesday 8 October 2014

MẸ


          Ai trong đời cũng do cha mẹ ta sinh ra. Từ khi lọt lòng, nuôi con khôn lớn từng tháng - từng ngày cho đến khi con trải qua các kỳ thi. Trong các kỳ thi tôi nhớ nhất kỷ niệm kỳ thi vào đại học. 

Đêm đã khuya, trong căn phòng chỉ vỏn vẹn hơn 4m2, mẹ tranh thủ gấp từng cuộn sách ngăn nắp vào giá rồi dặn dò con những điều cần thiết nhất để chuẩn bị cho ngày thi hôm sau là môn thi đầu  tiên. Mới hơn 4h sáng, mẹ đã dậy sớm để chuẩn bị mọi thứ cho con từ bộ áo quần, đôi dép cho đến cây thước, cây bút mặc dù 6h30 con mới bước vào phòng thi. Đưa con đến phòng thi, con vào thi mẹ vẫn dõi theo con cùng với những ông bố bà mẹ khác ngoài trường thi mong cho con mình có kết quả thi tốt nhất. Dù con thành công hay thất bại, cha mẹ vẫn luôn dõi theo con đến hết cuộc đời này. Rồi tiếng báo hiệu kết thúc buổi thi cũng đã vang lên, mẹ đã đứng đón tôi từ lúc nào không biết. Hỏi han con một lúc rồi về quán cơm cách trường vài trăm mét. Nhìn trên khuôn mặt của mẹ toát lên nỗi cực nhọc vì con cái và sự hy vọng lớn lao cho con cái sau này. Rồi tiếng trống cũng lại tiếp tục vang lên báo hiệu cho môn thi khác, mẹ lại căn dặn con những điều chi tiết, kỹ càng nhất để cho con chuẩn bị tâm lý kỳ thi được tốt đẹp hơn.


DT

Monday 6 October 2014

CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH THỰC TẾ - NƠI CỦA NHƯNG CHIÊU TRÒ VÀ SCANDAL


Trước đây cụm từ Chương trình truyền hình thực tế đâu đó còn mới lạ và hấp dẫn với khán giả đến bao nhiêu thì bây giờ nó càng trở thành bữa ăn không thể thiếu trên sóng truyền hình hiện nay. Mặc dầu nó vẫn còn độ “hot” đối với dân tình nhưng “ăn nhiều thì chóng chán”, do vậy việc khán giả nhanh chóng bội thực nó cũng chỉ là vấn đề thời gian. Vốn dĩ mua bản quyền từ các chương trình truyền hình nước ngoài. Tuy nhiên khi lên sóng, hầu hết chỉ hấp dẫn và thu hút ở những mùa đầu tiên. Còn Ôi thôi những mùa thi sau thì đúng không nằm ngoài dự đoán bởi nó nhanh chóng tẻ nhạt, vô vị từ sự vụng về trong khâu tổ chức cũng như chất lượng thí sinh bị giảm đi rất đáng kể. Tại sao cùng một chương trình giải trí nhưng những nước khác người ta thành công khi chương trình người ta lôi cuốn, thu hút khán giả hết mùa này đến mùa khác. Tuy nhiên chúng ta lại không thể làm được như những gì các quốc gia đã và đang từng làm. Như vậy thì nguyên nhân từ đâu? Hay là nên chăng ta đang thiếu sót các tiêu chí cần thiết để đáp ứng điều kiện cần và đủ cho một chương trình thực tế mang tính chân thật, hấp dẫn đủ sức để lôi kéo đông đủ mọi đối tuợng khán giả. Có thể nói thay vì phát huy tính sáng tạo trong các khâu sản xuất chương trình, khâu chọn lọc thí sinh hay các khâu hậu kỳ khác… thì scandal, chiêu trò từ sự can thiệp của nhà tổ chức chương trình cho đến các thí sinh đã trở thành chủ đề hot” không thể thiếu của hầu hết các chương trình truyền hình thực tế như hiện nay. Mà cụ thể có thể kể đến nghi án dàn xếp kết quả hay nghi án tình cảm giữa giám đốc âm nhạc Phương Uyên và thí sinh Thiều Bảo Trang trong Giọng hát việt, hay khỏa thân trên sóng truyền hình trong Người bí ẩn, công khai nói xấu lẫn nhau giữa thí sinh với thí sinh, giữa thí sinh với Ban giám khảo đã trở thành thứ gia vị không thể thiếu trong vô vàn những món ăn mới mà cũ, cũ mà mới khiến khán giả như bị rơi vào tình cảnh bội thực thậm chí là ngộ độc bởi các chiêu trò câu rating, câu tin nhắn nhằm tăng lợi nhuận cho nhà đài, cho ban tổ chức chương trình cho đến ngộ độc bởi những tài năng kỳ lạ gắn mác thảm họa đến lố bịch trong Vietnam idol, tìm kiếm tài năng, gương mặt thân quen,... Không thể phủ nhận nhờ scandal và những lùm xùm là một trong những yếu tố thu hút khán giả, là đề tài hot nhất trên hầu hết các mặt báo nhưng làm sao đừng để quá lộ liễu đến mức thô thiển, dễ dãi mà thay vào đó hãy tập trung vào việc chọn lọc và tìm kiếm những nhân tố tài năng thật sự cho làng Showbiz Việt Nam đang khan hiếm như hiện nay.

HNT

                                  

Friday 3 October 2014

EM SINH VIÊN NGHÈO TRẦN VIẾT TẢI

 
Vào một buổi chiều thu, chúng tôi tìm đến nhà em Trần Viết Tải sống tại tổ 3 khu vực 1 thuộc phường Hương Long. Rất tiếc là do em bận đi học nên chúng tôi không thể gặp em được mà chỉ gặp được bố và bà nội của em. Nhà của em Tải là một căn nhà cấp 4 nằm trong một con hẻm nhỏ gần bờ ruộng. Trong căn nhà, ngoài bộ bàn tiếp khách, chiếc tivi cũ thì chúng tôi không thấy một thứ gì đáng giá cả. Khu nhà lớn là như vậy còn khu nhà bếp thì còn tồi tệ đến độ mà chúng tôi không thể tượng ra nếu chúng tôi không có dịp đến thăm. Nhưng bức tường của khu nhà bếp thì được che chắn bằng những tấm phên bằng tre, phòng ngủ của các cháu thì không có cửa mà chỉ được che tạm bằng tấm màng bằng vải. Nơi học tập của mấy chị em Tải thì có duy nhất một chiếc bàn nhỏ, một chiếc kệ để sách vở được đặt ngay bên cạnh phòng ngủ.

Trong căn nhà này chúng tôi đã có dịp trò chuyện với bố của em. Em Tải đang là sinh viên năm 1 của trường ĐHKT  Huế. Tải là anh cả trong một gia đình có 4 anh chị em, đứa em kế của Tải đang học lớp 10, đứa em thứ 3 đang học lớp 5 và đứa em cuối đang học lớp 3.

Theo anh Trần Nha – bố của em Tải kể: hai vợ chồng anh đều làm nghề nông. Hàng ngày, ngoài việc làm nông thì anh còn nuôi thêm 2 con lợn và một số gia cầm. Do thu nhập từ việc làm nông là rất thấp mà lại phải nuôi 4 đứa con đang trong độ tuổi ăn học và thêm một bà mẹ già năm nay đã 92 tuổi nên cuộc sống của gia đình anh chị là hết sức khó khăn.Vừa qua, nhận được giấy báo đỗ đại học của cháu Tải chúng tôi vừa mừng vừa lo mấy chú ơi! Mừng là con mình dù có nghèo khó nhưng cũng đã cố gắng học tập chứ không đua đòi như những đám bạn con nhà khá giả, mừng là nó có được cái chữ sau này nó sẽ không khổ cực như bố mẹ của nó bây giờ. Mừng nhiều nhưng tôi cũng lo nhiều lắm, kinh phí học đại học của cháu cũng lớn hơn nhiều so với trước đây. Tiền nhập học trong học kỳ vừa qua của cháu vợ chồng tui cũng phải đi vay mượn khắp nơi mới đủ đóng cho cháu. Không biết trong thời gian tới, vợ chồng tôi lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để đong học phí cho cháu Tải và các em của nó đây.

Rời căn nhà cấp 4 này, chúng tôi không biết nói gì hơn mà chỉ nguyện cầu những tấm lòng nhân ái từ khắp mọi nơi hãy mở rộng vòng tay để giúp cháu Tải và các em thực hiện ước mơ được đến trường.


                                                                                                               N.IH

Wednesday 1 October 2014

CON NỢ BA MẸ MỘT LỜI CẢM ƠN


Thời gian trôi nhanh thật đó, con gái của ba mẹ bây giờ đã gần 30 tuổi rồi đấy. Nhưng mà đến hôm nay con mới chợt nhận ra một điều rằng  “con nợ ba mẹ một lời cảm ơn” mà bấy lâu nay con chưa từng nói.
Từ nhỏ con là đứa lầm lì nhút nhát nhất so với mấy chị em trong gia đình, nên ba mẹ thường quan tâm để ý con nhất. Cám ơn ba mẹ đã sinh con ra trên cõi đời này, rồi từng ngày dạy dỗ con khôn lớn nên người, để trở thành người có ích cho xã hội.
Từ nhỏ đến lớn con chưa bao giờ  sống xa nhà quá 7 ngày. Lúc nào con cũng nằm trong sự bao bọc quan tâm của ba mẹ. Đôi lúc sự quan tâm thái quá của ba mẹ lại làm con cảm thấy phiền. Nhưng mà bây giờ con hiểu rằng, ba mẹ làm vậy cũng chỉ vì thương con quá mà thôi. Ai rồi cũng đến rồi đi, chỉ có ba mẹ là người luôn đứng bên cạnh ta dù lúc vui vẻ hạnh phúc nhất, hay lúc ta khổ đau buồn bả nhất.
Cuộc sống cứ trôi đi như vậy, hôm nay con vô tình chợt nhật ra mái tóc ba mẹ đã điểm bạc rất nhiều. Ba mẹ cũng đã già lắm rồi. Từ lúc này, con hứa sẽ cố gắng đem lại ít phiền lòng cho ba mẹ hơn.
Con vẫn nhớ về ngày xưa, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng ba mẹ vẫn chăm lo bốn chị em con học hành đầy đủ, không thiếu thốn thứ gì so với bạn bè cùng trang lứa. Hàng ngày, ba phải dạy từ sớm lúc khoảng ba giờ khuya để đạp xích lô chở nước đá cho người ta, trong khi đó các con còn chìm đắm trong giấc ngủ say. Còn mẹ với đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi, mẹ phải tìm thêm việc khác để làm. Hằng đêm, mẹ phải thức đến tận khuya để đan những chiếc áo len do khách hàng đặt làm.
Ba mẹ lo cho con cái đến lúc trưởng thành lấy chồng lấy vợ yên bề gia thất. Nhưng rồi nỗi lo ấy vẫn không dừng lại, ba mẹ lại tiếp tục chăm sóc cháu cho các con có thời gian theo đuổi ước mơ về công việc của mình.
 Ôi, tình cảm của ba mẹ dành cho con cái rất là thiêng liêng. Biết bao giờ con mới đền đáp công ơn của ba mẹ được đây. Một sự cám ơn không hề đủ cho sự hy sinh quá to lớn của ba mẹ.


TN