Monday 30 January 2012

TỰ VẬN HÀNH

Trước đây, có một chiếc đồng hồ đeo tay đã được coi là người có của.
Chiếc đồng hồ thời đó còn lên giây bằng cách vặn  tay.
Sau này mới có loại đồng hồ tự động, rồi tới đồng hồ chạy pin hoặc năng lượng mặt trời.
Dù đồng hồ chạy bằng nguyên lý tạo xung nào đi chăng nữa, công dụng quan trọng duy nhất của nó là để chỉ thời gian, tuy công dụng trang sức cũng có nhưng nó không thể sánh được với các đồ trang sức đa dạng quí giá khác.

Như vậy đã rõ, đồng hồ để chỉ giờ, nếu càng chính xác, độ bền cao, độ hư hỏng thấp thì giá của chiếc đồng hồ đó sẽ càng cao.
Chuyển đổi từ việc phải lên giây định kỳ đến việc tự vận hành như hiện nay là một bước tiến lớn của kỹ nghệ chế tạo đồng hồ.

Đồng hồ được lắp ráp từ nhiều linh kiện nhỏ li ti ghép lại với nhau, tuy kích cở khác nhau nhưng bộ phận nào cũng quan trọng, chỉ cần thiếu một thứ thì đồng hồ không vận hành được hay mất đi giá trị khi trao đổi trên thị trường. Nói chung là mất giá trị.

Thế thì một tổ chức, một cơ quan, hiện nay phân nhiều ban bệ, nhóm làm việc và có trưởng ban, nhóm trưởng là để nhắc nhở quán quyến công việc của từng bộ phận, làm cho công việc của tổng thể có thể vận hành “xuôi chèo mát máy”. Việc đôn đốc nhắc nhở định kỳ này cũng giống như lên giây cót đồng hồ vậy, tức là còn làm việc thủ công, tổng thể của tổ chức như vậy chưa tự vận hành được.

Nhưng,  một tổ chức chưa tự vận hành được, muốn tiến tới vận hành một cách tự động và bền vững lại cần phải có các cá nhân các bộ phận cấu thành nên tổ chức đó vận hành một cách tự động, có nghĩa là có ý thức tự giác cao và tự chủ động trong mọi công việc, không cần phải định kỳ đôn đốc thúc dục.

Một tổ chức để đạt được tầm “tự vận hành” như vậy là cần phải có thời gian, phấn đấu khó khăn, nhưng không phải không làm được. Nó phải xuất phát từ những việc nhỏ nhất, kể cả trong việc điều chỉnh tư duy, hành vi, thói quen của từng bản thân mỗi con người nằm trong tổ chức đó...



PVH

Friday 27 January 2012

TỨC NƯỚC VỠ BỜ

         Đó là kinh nghiệm của ông cha ta rút tỉa được qua hàng ngàn năm làm nông.

Bờ đó có thể là đê Sông Hồng được xây dựng bởi sức lao động của cả một dân tộc yêu hòa bình và chăm chỉ làm việc.

Bờ đó có thể là triền sông hiền hòa của tất cả các dòng sông đang chảy trên mọi miền tổ quốc thân yêu.

Bờ đó có thể là bờ xôi của ruộng mật phân chia ranh giới các thửa ruộng, các mãnh vườn liền kề có hệ thống dẫn thủy nhập điền ở các châu thổ lưu vực sông ngòi.

Bờ đó có thể là đức tin của tín đồ ngoan đạo đối với tôn giáo mình lựa chọn, là niềm tin phó thác cho một đảng cầm quyền, hay một nội các với các nhân sự được người dân bỏ phiếu bầu ra.

Bờ được xây bởi niềm tự hào dân tộc, sức mạnh đoàn kết, sự tin tưởng vào tính chính danh và năng lực cai trị của nhà cầm quyền là một khối bờ kiến tạo bởi tinh thần cùng vật chất sẽ  trở nên vô cùng bền vững khó bị phá vỡ.

Nhưng Bờ dù  vững bền  đến mấy vẫn bị Vỡ nếu phải chịu TỨC NƯỚC quá mạnh, quá nhiều lần, không có giải pháp tối ưu để giải quyết rốt ráo.
Vậy nếu không có sự tức nước liên tục xảy ra, tất sẽ không bao giờ có sự vỡ bờ.

Đó chính là công việc của những người quản trị xã hội thông minh chính trực và có tấm lòng đối với thiên nhiên, con người, xã hội.


PVH

Wednesday 25 January 2012

LỘ MẶT

Phát biểu của một giáo sư Trung Quốc gần đây cho ta biết hơn mặt thật của Bắc Kinh.
Theo tin từ BBC, hàng trăm dân Hong Kong đã tụ tập biểu tình dịp cuối tuần vừa rồi để bày tỏ sự phẫn nộ về phát ngôn của một giáo sư Trung Quốc, người gọi họ là 'con hoang' và 'đồ chó'.
Ông Khổng Khánh Đồng, dạy môn Trung Hoa học tại Đại học Bắc Kinh, vừa có cuộc phỏng vấn với website v1.cn, trong đó ông đưa ra một số nhận xét mà nhiều người Hong Kong cho là sỉ nhục họ.
Khi bàn về câu chuyện um xùm xảy ra trên tàu điện ngầm Hong Kong hôm 15/1, được ai đó ghi lại và tung lên mạng Youtube, về bất đồng giữa một nhóm người Hoa lục và một nhóm người Hong Kong, ông Khổng nhận xét: "Tôi biết nhiều người Hong Kong không coi mình là người Trung Quốc".
Trên chuyến tàu điện đi từ Hung Hom, Hong Kong, tới La Hồ, Thâm Quyến, một em bé người đại lục được mẹ cho ăn mì ăn liền đã làm rơi vãi lên sàn tàu. Một người đàn ông Hong Kong nhắc bà mẹ rằng nội quy tàu điện ngầm của Hong Kong không cho phép ăn uống trên tàu, bà kia cự lại.
Câu chuyện sau đó chuyển thành cãi cọ ầm ỹ, với chi tiết nhóm người Hoa lục chê cười người Hong Kong bản địa là không biết nói tiếng Quan thoại còn người Hong Kong thì công kích người đại lục là lỗ mãng.
Bình luận về đoạn video này trên v1.cn, Giáo sư Khổng Khánh Đồng nói: "Đã là người Trung Quốc thì phải nói tiếng Quan thoại chứ".
Ông cũng khẳng định: "Không nói được tiếng phổ thông, thì chỉ là đồ con hoang", ám chỉ ngôn ngữ chính ở Hong Kong là tiếng Quảng Đông.
Vị giáo sư tự nhận mình thuộc dòng dõi Khổng Tử còn nói thêm: "Những kẻ ấy, chúng chỉ là chó cho người Anh, chó chứ không phải là người".
Phát ngôn trên của ông Khổng đã làm nổ ra một cuộc biểu tình của hàng trăm người ngay trước cửa văn phòng đại diện của chính phủ Bắc Kinh ở trung tâm Hong Kong.
Nhiều người mang theo chó, và họ kêu gọi người Hoa lục phải hiểu và tôn trọng văn hóa bản địa.
Đáng chú ý là những bình luận trên được đưa ra sau khi một cuộc thăm dò ý kiến của Đại học Hong Kong cho hay có 34% người Hong Kong coi mình là người Trung Quốc.
Những người còn lại hoặc không trả lời, hoặc nói họ là người Hong Kong.
"Chúng tôi sẽ ngừng cấp nước. Chúng tôi sẽ ngừng bán rau quả. Chúng tôi sẽ ngừng cung cấp lúa gạo. Các vị tự đi mà trồng."
Trong cuộc phỏng vấn gây tranh cãi, Giáo sư Khổng cũng cảnh báo dân Hong Kong, rằng họ không nên 'giỡn mặt' người đại lục: "Chúng tôi sẽ ngừng cấp nước. Chúng tôi sẽ ngừng bán rau quả. Chúng tôi sẽ ngừng cung cấp lúa gạo. Các vị tự đi mà trồng."
Bản tin trên được trích dẫn từ nguồn BBC.

Lời bình: Đối với Hồng Kông là đất của Trung Quốc, cùng dòng máu Trung Hoa vĩ đại mà họ còn đối xử phân biệt và miệt thị đến như vậy, thì với Con Lạc Cháu Rồng của dòng máu Việt như ta thì không biết họ sẽ suy nghĩ và đối xử ra sao từ trong tâm thức của họ.

Thay đổi nhận thức của người Hoa rất khó, cực kỳ khó. Ai chưa biết việc này, nên tìm đọc cuốn “ Người Trung Hoa xấu xí” do một nhà văn nổi tiếng Đài Loan viết để thấm hiểu sâu sắc về họ, qua đó đừng có bị ru ngũ, lầm tưởng...


PVH

Monday 23 January 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM THÌN


Ông Lê Duẩn có câu nói nổi tiếng: “ Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH”.
CNXH là một hình thái phát triển xã hội ở mức độ cao của xã hội loài người.
Xét về lý thuyết, đó là một học thuyết hay, một phần lý luận của thiên tài K.Mác trong bộ kinh điển đồ sộ của mình.

Tất nhiên, một dân tộc như VN, không phải có tên gọi thì hiển nhiên được xứng đáng với tên gọi đó. VN là nước XHCN còn lại trong một số ít nước trên thế giới, Tính XHCN của nước  ta xem ra cũng khác của nước XHCN còn lại. Thậm chí khác nhiều.

Quay lại câu nói của Ông Lê Duẩn, chắc chúng ta nhiều người chỉ quan tâm tới việc độc lập dân tộc trên phương diện độc lập đối với ngoại bang, tức là phải thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, nội hàm của độc lập phải được coi trọng thêm về mặt kinh tế. Nếu ta không có được độc lập tương đối về kinh tế  thì không có độc lập thực sự.
Để được như vậy, cần phải quan tâm những điều sau:
1) Độc lập về tiền tệ, nội tệ phải mạnh và có giá trị , không bị phá giá hàng năm. Nếu được dùng thanh toán quốc tế thì càng tốt.
2) Độc lập về công nghệ, phải làm chủ công nghệ hiện đại, không lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ nước ngoài.
3) Độc lập về ngân hàng quốc gia, không phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương hay khủng hoảng tiền tệ thế giới.
4) Độc lập về các quyết định kinh tế, không để nước ngoài gây sức ép.
....

Chắc chắn với việc vươn tới độc lập như trên, Việt Nam sẽ ngày càng hùng mạnh và tên gọi của một thể chế vì vậy càng được nể trọng hơn.

Năm mới Nhâm Thìn, Chúc mừng Dân tộc Việt Nam Độc lập – Hùng Cường.

PVH

Sunday 22 January 2012

HƯƠNG TẾT CỦA MẸ


Mỗi dịp xuân về, nhìn mái tóc điểm bạc của mẹ, tôi lại nhớ lại mùi hương ngày Tết xa xưa, khi mẹ còn khỏe để có thể lo toan một cái Tết cho gia đình bằng bàn tay của mình.

Trước hết là mùi gừng tươi. Nói tới Tết phải nói tới mứt gừng là thứ phổ biến nhất trong mọi gia đình cùng với bánh chưng, bánh tét, hạt dưa. Ngày trước, trong nhà vào dịp cuối năm bao giờ cũng có vài chậu thau, nồi ngâm gừng tươi. Mùi gừng tươi hơi cay cay nhưng thơm lừng khắp gian bếp và nhà trên. Mứt gừng ngày nay được bán sẵn thuận tiện, ít ai tự mua về làm như ngày xưa.  Nay mùi mứt gừng tươi trong chái bếp chỉ còn là dĩ vãng...

Mùi thịt được ướp hành tươi, muối tiêu hoặc nước mắm, xen lẫn mùi lá chuối  lá dong tươi, lạt tươi để gói bánh chưng, bánh tét. Mẹ thường làm sẵn tất cả, kể cả việc mua ống giang về chẻ lạt để buộc bánh. Đây là mùi riêng của gia đình, chỉ có mẹ thì mới làm ra được mùi đặc trưng  với một tỉ lệ gia vị thích hợp, cách chọn là và ống tre để chẻ lạt quen thuộc theo kinh nghiệm.

Mùi hương trầm đặc biệt. Chỉ có mấy ngày tết, mẹ mới chọn mua loại hương trầm đặc biệt tại quầy người quen lâu năm. Tết đơn giản đã đến khi thoảng thấy hương trầm này. Đây là mùi ngày nay mẹ còn giữ được cho gia đình. Mùi gừng và mùi gói bánh chưng không còn nữa, tuổi tác và kinh tế thị trường đã góp phần làm biến mất hương vị này trong gia đình chúng tôi.

Trên đây chỉ là một vài mùi hương Tết của mẹ, mỗi khi đi đâu, làm gì chưa  kịp về được với mẹ trong mấy ngày tết, cứ nghĩ tới các mùi này là nhớ mẹ đến nao lòng.
Quê hương đơn giản được đặc trưng  từ các mùi hương tự nhiên như vậy.

Để cho hai đứa con có cảm nhận về quê hương, chắc chắn năm nay tôi sẽ thu xếp gói bánh chưng, bánh tét để các cháu cảm nhận được phong vị quê ngày Tết  như ngày xưa bố chúng đã từng cảm thụ được từ người mẹ tần tảo.

Và mong quí vị đọc bài này sẽ liên tưởng đến mùi hương tết riêng có của mình.
Chúc năm mới 2012 quốc gia hưng thịnh, nhà nhà an lạc.


PVH

Friday 20 January 2012

CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM

         Tôi có một số người bạn Nhật. Là chỗ quen biết hơn 10 năm qua.
Họ là những người yêu mến Việt Nam và định cư ở Việt Nam nhiều hơn bản quốc trong suốt thời gian qua.

Bên lý rượu sa kê sản xuất tại Huế cùng các món nhậu khoái khẩu của quán ven đô, chúng tôi nói đủ chuyện trên trời dưới đất.

Rồi cũng quay lại chủ để muôn thủa là tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam hiện tại.
Tôi tóm tắt lại tình hình thu thập được thông  qua sách báo mà mình đọc được và mong nhận được sự bình luận của hai người bạn đáng kính và rất thận trọng trong phát ngôn.
Một số ý kiến tiêu biểu sau của họ làm cho tôi suy nghĩ mãi:

- Kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nền kỹ nghệ của Việt Nam có vấn đề. Tôi được Công ty mẹ giao tìm kiếm một số công ty của Việt Nam có thể sản xuất áo mưa để xuất sang Nhật. Tại Tp HCM tôi đã đi một số cơ sở, thấy sản phẩm làm ra khá tốt, trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên điều tôi bất ngờ nhất là giá xuất xưởng của sản phẩm khá cao, cao hơn cả Đài Loan và Hàn Quốc là hai nơi tôi đã tới điều tra. Qua tìm hiểu sâu mới biết là nguyên liệu phần lớn phải nhập từ nước ngoài và trả bằng ngoại tệ, giá nhập cũng không rẽ chút nào. Giá nguyên liệu cao đã làm cho sự chi phí nhân công rẽ không thể kéo giá sản phẩm xuống được.
Đó là mới nói tới làm áo mưa, các thứ khác như chai đựng rượu cũng phải nhập từ Nhật về, chai rượu sản xuất tại Việt Nam không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản...đó chỉ là những ví dụ nhỏ. Cứ theo đã này Việt Nam khó phát triển bền vững được.

- Tôi có nghe nhân viên nhà máy nói lại về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng - Hải Phòng. Theo luật của Nhật thì đây là vụ án dân sự, liên quan tới các quyền về đất đai, phải có phán quyết của tòa án công minh qua các cấp xét xử độc lập. Tôi không có thông tin để phán xét đúng-sai của vụ cưỡng chế, chỉ có thể nói rằng: nếu quan chức Việt Nam cứ hành xử với người dân và cai quản xã hội với một tâm thế như vậy, Việt Nam mãi là trẻ con, đất nước này không thể thành người lớn được, xin bạn đừng buồn vì lời nói thật này.

Phải thân nhau lắm người Nhật mới bộc lộ suy nghĩ thật, vốn được dấu kín trong lòng với rào chắn ngôn ngữ được thiết kế để rào đón và phong cách xã giao hết sức lịch sự, tinh tế.

Thực trạng mà hai người bạn Nhật đề cập trên không biết sẽ kéo dài đến bao lâu? Hay là phải đợi khi nào nước Việt ta thực sự  trưởng thành trở thành người lớn thật sự trước con mắt của người nước ngoài, như nhận xét của hai người bạn Nhật nói trên thì vấn đề mới được cải thiện?

Hy vọng là mình chưa say để nghe sai lời của hai người bạn thân thiết, và sự tường thuật lại nội dung trao đổi là chính xác.

PVH

Wednesday 18 January 2012

HOẠT ĐỘNG GIÚP ĐỠ TRƯỚC TẾT Ở THÔN ĐẠP GÓC

Sau hơn hai tháng triển khai Chương trình tiết kiệm hàng ngày cho phụ huynh các em học sinh ở lớp học ghép, nhằm giúp các bậc phụ huynh biết cách tiết kiệm trong chi tiêu để có tiền lo cho gia đình cũng như đầu tư cho con cái học hành được tốt hơn. Vào ngày 17 tháng 01 năm 2012, tức chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán chúng tôi đã tiến hành hoàn trả lại số tiền mà bà con đã đóng góp, bên cạnh hoàn trả đầy đủ số tiền mà bà con đã đóng góp, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập còn trích một khoảng tiền để tặng thêm cho bà con, số tiền mà Trung tâm tặng thêm nhiều hay ít tùy thuộc vào số tiền mà bà con đã đóng góp trong hơn hai tháng vừa qua. So với các địa phương khác thì điều kiện sống và sinh hoạt của người dân ở đây còn nhiều thiếu thốn, do đặc thù của nghề đánh bắt thủy sản là phần lớn thời gian lênh đênh trên sông nước nên đa số các bậc phụ huynh không có điều kiện và thời gian để lo cho con cái. Ngoài ra, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, lại đông con nên đa số trẻ em ở đây không được học hành đầy đủ, các em chủ yếu là theo học ở lớp học ghép miễn phí do một người dân ở trong thôn giảng dạy. Về thăm Đập Góc trong những ngày giáp Tết, mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết và thời tiết rất lạnh nhưng bà con ở đây vẫn chăm chỉ làm những công việc quen thuộc của mình như đánh cá, tu sữa lại ao hồ để nuôi tôm, nuôi cá, một số khác thì ngâm mình dưới nước để bắt ốc, bắt trìa..., vì cuộc sống quá khó khăn nên nhường như không khí đón Tết của bà con ở đây không được vui vẻ và muộn hơn so với các vùng quê khác, với hoàn cảnh của họ như hiện nay thì để có tiền lo cho con cái có một cái Tết đầy đủ và ấm cúng thật là điều quá khó khăn.
Trong đợt này bên cạnh việc tặng tiền cho bà con, chúng tôi còn tặng 30 áo ấm cho 30 trẻ em nghèo ở đây, ngoài tặng cho những em đang đi học chúng tôi còn trao tặng cho những em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học sớm để phụ giúp bố mẹ. Mặc dù Tết Nguyên Đán sắp đến gần nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em không có áo mới để mặc như các bạn cùng trang lứa, nhìn các em mặc những chiếc áo mỏng tanh trong điều kiện thời tiết lạnh rét chúng tôi không thể không chạnh lòng. Như vậy kể từ khi triển khai hoạt động ở Đập Góc đến nay, ngoài giúp đỡ cho bà con vay vốn, tặng dụng cụ học tập cho các em ở lớp học ghép, chúng tôi còn hỗ trợ thêm tiền trên cơ sở số tiền tiết kiệm mà bà con đóng góp, tặng áo ấm cho các em đang theo học ở lớp học ghép và các em ở trong thôn không có điều kiện để đến trường. Mặc dù những gì chúng tôi đã làm để giúp cho bà con là rất nhỏ nhưng hy vọng sẽ giúp bà con và trẻ em ở đây vượt qua khó khăn và có một cái Tết thật vui vẻ, ấm cúng.
Nguyễn Xuân Quý

Tuesday 17 January 2012

NỖI BUỒN THƯỞNG TẾT CHO GIÁO VIÊN

Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh thì chuyện thưởng Tết đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết vì dù ít, dù nhiều thì đó cũng là một sự “cứu cánh” đối với không ít gia đình. Tuy nhiên, đối với đội ngũ giáo viên, thưởng Tết dường như là điều gì đó quá xa vời và điệp khúc buồn mang tên “thưởng Tết” vẫn là nỗi buồn nói mãi. Nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn luôn canh cánh
Sau một năm làm việc cật lực, dành tất cả tâm sức với nghề để vun đắp tài năng và trí tuệ cho đất nước, không ít giáo viên đều chạnh lòng với thưởng Tết, thậm chí có thầy cô còn quên mất cả khái niệm thưởng Tết đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu vùng xa. Khi đem ra so sánh với những cán bộ, công nhân viên hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp, thậm chí là ngay cả những đơn vị hành chính sự nghiệp, được khoán biên chế đều có tiền thưởng Tết, thưởng lương tháng 13 thì đó thực sự là một nghịch lý khó hiểu.
Và trong tất cả các bậc học, có lẽ bậc giáo dục mầm non và tiều học chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Giáo viên mầm non thường xuyên phải đứng lớp từ 8-10h/ ngày nhưng tiền thưởng tết cao nhất cũng chỉ 300 -400 ngàn đồng/người. Lí do các trường đưa ra đều là trường đông giáo viên, mỗi lớp học mầm non thường có tới 2-3 cô, ngân sách của trường chỉ đủ để chi trả lương hàng cho giáo viên nên không có nhiều dư giả cho chuyện thưởng tết bởi trường không có thêm thu nhập nào khác. Chính vì vậy mà thưởng Tết đối với giáo viên vẫn chỉ là “có cho vui, có cho đỡ tủi”.
Quả thật trong bối cảnh người người, nhà nhà đang bàn tán và mong chờ những khoản tiền thưởng Tết để chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng, đầy đủ thì chuyện “không mong chờ thưởng Tết” của đội ngũ giáo viên vô hình chung lại khiến người ta giật mình, thậm chí là kinh ngạc. Nhưng nếu đi sâu tìm hiểu thì mới thấy đây không phải là lời nói suông.

Ngọc Thủy

Monday 16 January 2012

THÔNG BÁO NHÂN SỰ MỚI CỦA HĐQT

Ngày 14 tháng 01 năm 2012
Kính gửi:
Thành viên danh dự Hội Đồng Quản Trị (HĐQT)
Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (TTKKTL)
Thành viên đương nhiệm HĐQT/ TTKKTL
Tổng Giám Đốc TTKKTL

Thưa quí vị:
Theo nội qui của Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập, Hội đồng Quản Trị gồm
ít nhất ba người, trong đó có một nhân sĩ Việt Nam tại Huế và hai
người bỏ tiền sáng lập Trung Tâm là bà Đoàn Thu Lê và tôi.
Từ 1999 tới nay, tôi nhận trách nhiệm chủ tịch HĐQT, điều khiển mọi
công việc của Trung Tâm với sự cộng tác đắc lực tại Huế của Tổng Giám
Đốc và các nhân viên Ban Điều Hành. Mọi quyết định lớn của TTKKTL tôi
đều có hội ý với bà Đoàn Thu Lê và ủy viên tại Huế.

Trong những năm 2010 - 2011, vì nhiều công việc, tôi đã nhờ bà Đoàn
Thu Lê làm quyền Chủ Tịch và được biết mọi công việc đều trôi chẩy với
sự cộng tác của ủy viên Phan Cảnh Việt Cường và Tổng Giám Đốc Phan Văn
Hải.
Nay vì sức khỏe và các công việc khác, tôi xin từ chức chủ tịch HĐQT
và đề nghị bà Đoàn Thu Lê nhận trách nhiệm chủ tịch.
Bà Đoàn Thu Lê đã đồng ý nhận trách nhiệm chủ tịch chính thức từ ngày
14 tháng 1, 2012.

Theo nội qui, mọi chức vụ trong HĐQT của TTKKTL đều có nhiệm kỳ ba năm
và được tái nhiệm một lần, ngoại trừ hai người sáng lập ra TTKKTL thì
có thể tái nhiệm nhiều lần. Chủ Tịch HĐQT có toàn quyền chỉ đạo Tổng
Giám Đốc trong công tác điều hành Trung Tâm. Chủ Tịch phải hội ý với
các ủy viên khi có quyết định lớn như ngân sách, đường lối liên hệ với
chính quyền, và những hứa hẹn có ảnh hưởng lâu dài tới tiếng tăm và sự
sống còn của Trung Tâm.

Kính thư,


Phùng Liên Đoàn
(đã ký)

Friday 13 January 2012

GỌI TÊN DÂN...

Có nhiều cách để gọi tên DÂN.
Trịnh trọng thì gọi là nhân dân, quần chúng, lực lượng cách mạng, đồng bào.
Cửa miệng thì gọi là  người dân, dân dã, dân lao động...
Chơi chữ thì có người dùng chữ  dân gian, thảo dân, dân cỏ, dân đen...

Cũng là con người đó, khi cần tới họ thì lực lượng chính trị  nêu vai trò của DÂN lên cao vút. Là gốc, là người lật thuyền, là người nâng thuyền, là giai cấp bị bóc lột lực lượng chính của mọi cuộc cách mạng (tư sản, xhcn...).

Bản chất của người dân là người lao động vốn hiền lành, cục mịch, chăm chỉ như chính vẽ đẹp tự nhiên của ruộng vườn, làng bản, cây cỏ, hoa lá, tiếng ru, khói lam chiều, con ong... Biết bao bài thơ, bài hát, bài báo ca ngợi họ không nguôi!

Thế mà đùng một phát, cũng người dân lành đó, sau một phút giây “xoay chuyển” đã trở thành dân ác, kẻ giết người, kẻ phạm tội có tổ chức, hung hãn côn cồ.

Ta không nói tới anh Chí Phèo hay chị Dậu thời thực dân phong kiến.
Không nói tới thằng Xăm trong Hòn Đất của Anh Đức.
Không đề cập tới bức xúc của bài học Thái Bình mấy chục năm trước.
Câu chuyện mới xảy ra tuần trước vừa mới đây thôi, một người đáng lẽ được tuyên dương anh hùng lao động thời đổi mới lại phạm tội giết người.(*)

Nguyên nhân nào dẫn tới sự đổi thay lớn như vậy?

Phải chăng cần có một nhà văn nào đó xuất hiện với tiểu thuyết mới có tựa đề “Tắt Điện” để phản ảnh được những gì  đang xảy ra trong giai đoạn hiện nay.

Ai sẽ thay thế tiểu thuyết gia vang bóng Ngô Tất Tố để châm ngòi cho dòng văn học phê phán hiện thực vốn đang nguội lạnh bấy lâu đây?


PVH

Wednesday 11 January 2012

NỖI THIỆT THÒI CỦA TRẺ EM NGHÈO

Như chúng ta đã biết thì trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của cả dân tộc, là lớp người sẽ tiếp tục kế nghiệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy mà xã hội của chúng ta luôn có câu khẩu hiệu rằng: hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Tuy nhiên, theo tôi thì câu nói này chỉ đúng với những em được sinh ra trong một gia đình khá giả . Bởi vì , hiện nay ở nước ta còn có rất nhiều trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm thì thế nào là “tốt đẹp nhất”. Thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo, cần được cung cấp, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi và giải trí…
Trẻ em nghèo ở nước ta thường tập trung ở các tỉnh vùng núi cao, vùng sâu vùng xa, vùng ven biển, vùng nông thôn và trẻ em nghèo đang gặp nhiều thiệt thòi, thiếu sự bảo vệ để các em được sống và phát triển trong một môi trường an toàn và lành mạnh.
Ở nước ta nói riêng và trên toàn thế giới nói chung thì hằng ngày, có gần 100 triệu trẻ em không có cái ăn, trên 100 triệu trẻ em vô gia cư chỉ sống nhờ của bố thí hoặc sống dựa vào sự lao động quá sức; hàng trăm triệu trẻ em tuổi từ 6 – 11 không được cắp sách đến trường.
Có lẽ rằng, trẻ em nghèo là những đối tượng gặp nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Bởi vì tuổi của các em là tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi được học hành. Nhưng vì hoàn cảnh mà các em phải tự lo cho cuộc sống, không được hưởng thụ những gì mà trẻ em cần phải được hưởng giống như bao bạn trẻ cùng trang lứa khác.
Thực tế cho thấy rằng, trẻ em ở thành thị được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn ,có môi trường sinh hoạt tốt hơn so với các em ở các vùng sâu vùng xa và vùng nông thôn.
Điển hình là, trẻ em ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc… ít có cơ hội tiếp cận thông tin dẫn đến nghèo đói về văn hoá, thông tin và những vấn đề dịch vụ xã hội khác. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, đường đi học quá xa, nguy hiểm, dẫn tới việc trẻ sẽ không đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Trẻ em sống ở những vùng này cũng ít có cơ hội tiếp cận với các thông tin sách báo, phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác…Mặt khác, trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hầu như không có điều kiện tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí và ít có cơ hội thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc, giáo dục tốt hơn.
Nói đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là nói đến sự thiệt thòi, thiếu thốn trăm bề. Đó là miếng cơm, manh áo hay hơi ấm và tình thương vòng tay của cha, mẹ. Thậm chí, ngay cả điều đơn giản nhất, được vui chơi, được rước đèn, trông trăng trong Đêm hội Trăng Rằm, những món quà nhỏ vào dịp Noel; hay những chiếc áo mới, mứt bánh trong những ngày Tết đến xuân về... cũng trở nên quá xa lạ đối với các em. Trong khi đó, cũng là các bạn có cùng trang lứa được sinh ra và lớn lên trong những gia đình khá giả thì lại “vô cảm” trước những món quà mà các em nhận được vào những dịp lễ Tết. Bởi lẽ, trong cuộc sống hàng ngày các em đã hưởng thụ quá đầy đủ những điều kiện vật chất tạo nên cảm giác dư thừa. Có lẽ đây là nghịch lý giữa trẻ em giàu và nghèo, giữa thành thị với nông thôn.

Phan Thị Mến

Monday 9 January 2012

GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Đối với một tổ chức, rất khó để đưa ra được kết luận giá trị cốt lõi của tổ chức đó là gì.
Nhưng khi có một yêu cầu có điều kiện như sau: Tổ chức của bạn sẽ cử người lên Sao hỏa khám phá vùng đất mới. Tàu chỉ chở tất cả được 7 người, vậy bạn sẽ cử ai tham gia chuyến hành trình này?
Trả lời được câu hỏi này, tức phần nào làm rõ được việc tuyển ra các nhân viên chủ chốt cho chuyến đi, đó cũng là những nhân viên nắm giữ các cốt lõi của tổ chức.Vậy hãy thử tìm các nhân viên chủ chốt đó là ai?

Do tàu khởi hành rất chính xác và đúng giờ, nên chỉ có nhân viên luôn tuân thủ giờ giấc mới được lựa chọn.
Phi thuyền rất sạch sẽ và ngăn nắp, nên những nhân viên luôn giữ gìn vệ sinh công sở, trực nhật tốt mới được lựa chọn.
Khi đã bay vào không gian thì mỗi người phải làm được nhiều việc, những nhân viên đa năng sẽ được lựa chọn.
Do phải xử lý những tình huống khẩn cấp, đòi hỏi sự sáng tạo cao, nên những nhân viên có tính sáng tạo mới được chọn lựa.
Để biết được hướng bay, nhân viên cùng máy móc trên tầu phải năm rõ số liệu cùng kỹ năng tính toán quỹ đạo bay; nên những nhân viên quản lý dữ liệu tốt và xử lý số liệu nhanh trên các phần mềm lập sẵn mớicó cơ hội được ưu tiên.
Là một tập thể hoạt động trong một không gian chật hẹp, khả năng va chạm, bất đồng rất dễ xảy ra; chỉ những người trong các nhóm làm việc có tinh thần hòa đồng phối hợp nhóm tốt mới được cân nhắc.

Chuyến bay dài ngày, do vậy đòi hỏi phì hành gia phải có sức khỏe tốt. Chỉ những người có sức khỏe đáp ứng mới được tham gia ê-kíp bay.

Khi bay vào vũ trụ, mỗi phi hành gia phải luân phiên xuyên trực báo cáo với trung tâm quản lý bay để phối hợp điều chỉnh kỹ thuật, dẫn đường; cho phi thuyền; chỉ những người có khả năng báo cáo chính xác, đầy đủ thông tin mà mình nắm giữ đề người khác có thể hiểu rõ thì mới có cơ may được đề cử.

Như vậy, để trở thành phi hành gia trong chuyến bay đầy khó khăn, yêu cầu một người phải hội tụ đủ rất nhiều điều kiện, vì vậy việc luyện tập, đào luyện hàng ngày để giành cho cho dịp có thể năm lấy cơ hội là một việc phải được ý thức và tiến hành thường xuyên.
Tập hợp những nhân viên có phẩm chất chung trên,  chính là một phần giá trị cốt lõi của tổ chức vậy!

PVH

Thursday 5 January 2012

TRƯỜNG HỢP THƯƠNG TÂM Ở THÔN ĐẬP GÓC – PHÚ MỸ -

Gia đình Anh Hồ Văn Tèo và Chị Trần Thị Quyên có 2 người con, người con đầu đang theo học chương trình ở “ Lớp học ghép”, người con thứ 2 mới 3 tuổi. Cuộc sống của gia đình anh chị khá khó khăn, sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, chiếc đò vừa là phương tiện làm ăn, vừa là nơi sinh sống của cả gia đình. Vì cuộc sống gia đình quá khó khăn nên anh chị rất chăm chỉ làm việc để kiếm tiền lo cho con cái, nhưng rồi một ngày chị đi khám bệnh thì được biết mình bị u xơ cổ tử cung cần phải mổ gấp nếu không sẽ rất nguy hiểm, nhưng vì không có tiền lại không có bảo hiểm y tế nên chi phí cho việc phẩu thuật sẽ rất cao nên chị quyết định không đi bệnh viện mà vẫn chịu đau để cố gắng làm việc. Đến lúc thấy chị đau quá nên anh không đành lòng để vợ như vậy, anh đã vay mượn của hàng xóm để đưa chị đi mổ. Trong thời gian chị nằm viện thì hàng ngày anh vừa tranh thủ đi làm kiếm tiền lo cho gia đình vừa phải chăm sóc, cơm nước cho vợ, còn người con đầu thì phải nghỉ học ở nhà chăm em. Nhưng thật không may cho anh là trên đường chở người con út đem cơm nước về cho vợ trở về nhà để tiếp tục đi đánh cá thì bất ngờ bị một người đi xe máy trong tình trạng say rượu đang chạy ngược chiều tông vào khiến anh bị trầy xướt đầy mặt và tay chân được bà con hàng xóm đưa đi bệnh viện cấp cứu, rất may là người con út của anh chỉ bị thương nhẹ. Vì cả hai vợ chồng đều nằm bệnh viện, lại nằm hai bệnh viện khác nhau nên bà con hàng xóm phải thay nhau chăm sóc hai vợ chồng rất vất vã. Ngoài ra, do cả hai vợ chồng đều không có bảo hiểm y tế, điều kiện kinh tế gia đình lại khó khăn, trong khi chi phí điều trị là rất lớn. Vì vậy, để có tiền trang trải chi phí trong thời gian cả hai vợ chồng điều nằm viền thì Thầy Trần Văn Hòa ( người đang dạy ở Lớp học ghép) đã đi vận động bà con trong thôn, kẻ ít người nhiều và xin một số tổ chức từ thiện để hỗ trợ cho gia đình anh trong lúc khó khăn này. Trong thời gian làm việc làm việc ở địa bàn này, biết được hoàn cảnh khó khăn của anh chị chúng tôi đã đề xuất BĐH hỗ trợ số tiền 500.000đ để giúp đỡ cho gia đình anh chị trong lúc khó khăn, cầm số tiền trên tay chị đã rất cảm động và cám ơn các nhà hảo tâm, số tiền 500.000đ là số tiền rất lớn đối với anh chị vào lúc này, vì hiện nay hai vợ chồng đều đang ở nhà dưỡng bệnh không đi làm được, cuộc sống dựa vào sự cưu mang giúp đỡ của bà con lối xóm và các nhà hảo tâm. Đối với hoàn cảnh của anh chị như hiện nay, thì mọi sự giúp đỡ dù ít hay nhiều của những tấm lòng hảo điều có ý nghĩa rất lớn đối với anh chị, không chỉ giúp anh chị có tiền để bồi dưỡng sức khỏe mà còn động viên anh chị cố gắng để vươn lên trong cuộc sống.

Xuân Quý

Tuesday 3 January 2012

NHỮNG GIÁ TRỊ THEO THỜI GIAN

Theo kinh nghiệm sống của từng người theo năm tháng, với một tâm hồn không luôn vướng bận, họ sẽ có thời gian để ngẩm nghĩ về giá trị cuộc sống, và chung hơn hết là những giá trị trong cuộc sống.

Cũng giống như hạnh phúc, mỗi người sẽ có cảm nhận rất khác nhau, mỗi chế độ chính trị sẽ có những lý luận rất khác nhau về hạnh phúc của nhân loại, trong khi hạnh phúc chính phải là do cá nhân của mỗi con người quyết định trên một thiết chế xã hội văn minh.

Bài viết này không chỉ ra cái gì là quí nhất, giá trị nhất mà chỉ nêu lên vấn đề trong muôn vàn những giá trị, có những giá trị lụi tàn theo thời gian và có những giá trị tăng dần theo năm tháng tùy cảm nhận của mỗi cá nhân.

Gần 20 năm trước, một chiếc Honda đời mới có thể tương đương một căn nhà mặt phố.
Ngày nay cũng chiếc xe đó, giá chưa bằng bộ cửa gỗ chính căn nhà hồi xưa.
Cũng thế, thời đó đất đai không có giá trị gì, nay thì vô giá.

Ngày trước, ai dùng điện thoại cầm tay thì được coi là cao sang, nay thường xuyên dùng điện thoại thì bị coi là chưa phải đại gia, vì không đủ thuê trợ lý nghe điện thoại kiêm vệ sĩ.

Một bộ máy vi tính ngày trước quá quí giá, khó người mua nỗi. Ngay cả 1 trường đại học nhiều lúc chỉ được trang bị vài bộ máy mà phải được bảo quản trong phòng lạnh. Nay thì cũng bộ máy đó nhưng có tính năng nhiều hơn, mẩu mã đẹp hơn ...thì giá chỉ bằng 1/10 ngày trước. Iphone, Ipad là những sản phẩm tích hợp siêu việt, vượt thời gian và trí tưởng tượng của người dùng.

Vàng, kim loại quí, đá quí thì khác, khi nào cũng có giá, mà ác nổi theo mặt bằng thu nhập  thì giá của chúng ngày càng cao.

Đất đai, bất động sản, gỗ quí... cũng có giá trị như vàng , do vậy mới gọi là đắt như vàng.

Vậy tại sao có những thứ mà gía trị của chúng ngày càng giảm đi, trong khi có vật khác, không giảm đi mà ngày càng tăng theo thời gian?

Có thể tạm kết luận công nghệ đã tạo nên sự khác biệt đó. Cái gì tạo ra bởi công nghệ tiên tiến và  xuất xưởng nóng sốt thì bao giờ giá ban đầu cũng cao, sau đó giảm dần.
Cái gì chỉ  tồn tại hạn chế trong thiên nhiên, con người không thể chế tạo thêm được  thì theo thời gian và sự gia tăng dân số, giá trị của nó sẽ càng cao.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy giá trị vĩnh cửu của vàng và đất đai, bằng chứng là có giai đoạn đất đại rẽ như bèo vàng lại không được coi là phương tiện cất giữ lâu dài chiến lược, nên rất bị coi nhẹ.

Như vậy, theo giác độ nào đó, trong cuộc sống này chắc chắn vẫn còn nhiều thứ giá trị hơn đất đai và vàng bạc nhưng lại không được định đúng giá trị vĩnh cửu của nó.
Nhiều người tự hỏi: đó là cái gì nhỉ?
Phải chăng là THIỆN TRI THỨC và LÒNG BÁC ÁI.

Cũng vì vậy mà có nhiều người học hành rất bài bản lại không kiếm được việc làm đúng chuyên môn, nhiều người sống tốt ra tay làm việc thiện giúp người thì bị coi là “dở hơi”.
Coi nhẹ giá trị tri thức và lòng bác ái như vậy thật là quá đáng lắm thay!.
Năm 2012 kỳ vọng sẽ có nhiều biến chuyển của tất cả chúng ta về nhận thức các giá trị thực.

PVH