Monday 29 August 2016

TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH DẠY BƠI TẠI SỞ GIÁO DỤC HUẾ


Sáng ngày 26/08/16 tại Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thừa Thiên Huế đã diễn ra buổi tổng kết chương trình dạy bơi hè năm 2016. Đến tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo, đại diện Trung tâm Khuyến khích Tự lập, tổ chức NCA Việt Nam, Hue Help, Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng Hải Đức, Trung tâm Tư vấn và Ứng dụng Y học và Giáo dục toàn diện – Change Hải Phòng và đại diện các trường tiểu học.
          Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo đã trình bày các hoạt động đã triển khai trong năm 2016 với những kết quả đạt được hết sức khả quan. Có hơn 4.000 học sinh của 43 trường tiểu học tham gia học bơi đã hoàn thành khóa tập bơi với những kỹ năng cơ bản để phòng tránh đuối nước, hơn 98% học sinh nắm được các động tác của các kiểu bơi và đa số các em đều bơi được ít nhất 5m. Trong toàn khóa học có đến 100%  học sinh nắm được các kỹ năng cứu đuối, một số em có thể bơi được từ 20 đến 30 mét. Và đặc biệt trong quá trình dạy bơi thì giáo viên đã phát hiện được một số em có năng khiếu bơi lội nhằm khuyến khích các em phát huy năng khiếu của mình. Ngoài việc thông báo kết quả đã đạt được thì lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo cũng đã trình bày rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình giảng dạy để rút kinh nghiệm cho khóa dạy bơi năm 2017.
          Tiếp theo bài phát biểu của lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo là bài phát biểu của đại diện Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng Hải Đức, Trung tâm Tư vấn và Ứng dụng y học và Giáo dục toàn diện – Change Hải Phòng. Đại diện của 2 trung tâm này đã chia sẽ cùng tất cả mọi người những hình ảnh dạy bơi của Trung tâm trong năm 2016 và họ cũng đã chia sẽ những kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn…. trong quá trình giảng day. Tiếp sau  đó là đại diện các trường TH số 2 Hương Toàn, TH Hồng Thái, TH Số 1 Phú Đa, TH Số 1 Quảng An và đại điện các trường TH huyện Nam Đông cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm trong công tác dạy bơi. Tiếp đến là phần thảo luận của các đại biểu về việc nhân rộng mô hình, tổ chức tập huấn cho cho giáo viên, đầu tư hồ bơi trong khóa bơi hè năm 2017.
          Kết thúc buổi tổng kết, đại diện Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thừa Thiên Huế đã  thay mặt cho BGH các trường, phụ huynh học sinh và tất cả những người được hưởng lợi từ dự án cám ơn Trung tâm Khuyến khích Tự lập tại Huế, tổ chức Nav, Hue Help, công ty Cổ phần My Way Việt Nam đã tài trợ dự án bơi cho học sinh.
Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Monday 22 August 2016

CHƯƠNG TRÌNH DẠY BƠI TẠI VINH THÁI.



Ngày 13/8/2016 vừa qua, được sự phân công của Ban Điều Hành, chúng tôi đã có mặt ở chân cầu Trường Hà thuộc xã Vinh Phú để tham dự lớp học bơi của các em học sinh các khối tiểu học 3, 4, 5. Trùng hợp hôm nay là đợt thi kết thúc khóa học bơi 10 ngày sau một thời gian học tập vất vả và siêng năng. Vinh Thái là một xã nghèo lại xa xôi nên điều kiện cơ sở vật chất của trường vẫn còn khó khăn để trang bị cho các em một nơi tập bơi đàng hoàng, tươm tất. Vì lý do đó mà nhà trường đã quyết định chọn chân cầu Trường Hà thuộc xã Vinh Phú cách trường học là 5km. Và cứ thế mỗi sáng sáng chiều chiều, phụ huynh phải đèo các em trên xe máy mỗi ngày để di chuyển đến địa điểm học bơi. Tuy vất vả là thế nhưng họ vẫn không quản ngại đường xa cốt để cho con em có điều kiện được học bơi một cách nghiêm túc và đầy đủ. Trao đổi với cô Phan Thị Hồng – hiệu trưởng trường chúng tôi được biết: “Do bơi trên sông nước nên trước khóa học 2 ngày, các thầy cô giáo nơi đây đã cố gắng làm vệ sinh bãi bơi bằng việc vớt hàu và rong rêu để bảo đảm điều kiện vệ sinh tốt hơn cho các em tập bơi.” Chương trình bơi bao gồm 2- 3 suất vào buổi sáng và 1 suất buổi chiều. Trong 1,2 ngày đầu do điều kiện nắng nóng oi bức lại bơi giữa trời trong điều kiện không có mái che nên có một số em bị cảm và ốm. Tuy nhiên các em vẫn cố gắng nỗ lực tối đa để theo kịp khóa học một cách nhanh nhất có thể. Và trong buổi thi đầu tiên, chúng tôi được biết tỷ lệ đạt là 100% so với mục tiêu đề ra. Hy vọng rằng với tất cả những gì mà tập thể thầy và trò đã và đang làm được sẽ giúp cho các em rèn luyện thể chất thật tốt và trang bị thêm các kỹ năng bơi lội cần thiết nhằm phòng tránh và ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Thursday 18 August 2016

KHẢO SÁT LỚP BƠI TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÚ MỸ 2


Ngày 09/08/2016 được sự phân công của Ban Điều Hành, tôi cùng với một đồng nghiệp nữa đã về khảo sát lớp bơi tại Hồ Nuôi Tôm Mỹ Lam – Phú Mỹ. Đi một đoạn đường dài khoảng gần 10 cây số thì chúng tôi đến được địa điểm này. Ở đây có đặc điểm đặc biệt là ao hồ rất nhiều, để tới được lớp bơi chúng tôi phải băng qua con đường nhỏ và hẹp, có vẻ cũng hơi nguy hiểm một chút nếu không quen đi qua đây.
 Dưới trời nắng chang chang, các học sinh được các thầy hướng dẫn tập bơi tại hồ. Từng động tác bơi các em được thầy chỉ dẫn rất tận tình. Qua tìm hiểu được biết các em mới chỉ được học trong 3 ngày, nhưng tôi thấy một số em đã có thể bơi được một đoạn cũng tương đối dài. Hình như bản năng bơi đã sẵn trong mỗi em nên khi được các thầy hướng dẫn các em tiếp thu rất nhanh.
Mỗi ngày nhà trường chia ra học 5 suất học kéo dài từ sáng đến chiều. Tổng cộng có 3 thầy hướng dẫn ở dưới hồ, một thầy quản lý chung ở trên (có thể là thầy hiệu trưởng hoặc là thầy hiệu phó), thêm một cô y tế kèm theo để đề phòng tai nạn bất ngờ xảy ra thì có thể xử lý kịp thời.
Hồ đang sử dụng để dạy bơi cho các em lúc trước đã được sử dụng để nuôi tôm, chiều sâu của hồ khoảng 1,2m. Lượng nước trong hồ hiện tại đã được thay mới, hàng ngày các thầy vẫn cho nước chảy thêm vào hồ bằng hệ thống nước bên cạnh. 100 em học sinh học bơi trong đợt này được chọn trong độ tuổi từ lớp 3 đến lớp 5. Trước khi lớp bơi diễn ra thì trước đó nhà trường và phụ huynh đã có một bản thỏa thuận rõ rệt , nhà trường đã phổ biến hoạt này cho phụ huynh để họ hiểu hơn lợi ích của việc học bơi.

Thầy hiệu phó nhà trường thông qua chúng tôi muốn gửi lời cám ơn đến Chương Trình, vì đã tạo điều kiện cho các em nơi đây được có cơ hội được bổ sung thêm kỹ năng bơi để tránh những tai nạn đuối nước có thể xảy ra.

Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế 

Monday 15 August 2016

LỚP HỌC BƠI TẠI LÀNG DƯƠNG NỔ - PHÚ DƯƠNG



Làng Dương Nổ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, cách TP Huế khoảng 8km. Dương Nổ là một làng do người Việt khai phá xây dựng từ khá sớm. Và đây cũng là nơi mà Bác Hồ đã từng sinh sống với cha từ thuở nhỏ. Cách đây từ nhiều thế kỷ, Dương Nổ là làng quê sầm uất, giàu có và là mảnh đất có truyền thống văn võ. Đình Dương Nổ khá nổi tiếng bởi kiến trúc bản sắc văn hóa và là một di tích tiêu biểu cho mô hình làng cổ Việt Nam. Là một trong những địa phương nằm trong chương trình tập huấn dạy bơi cho trẻ em các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mất khá nhiều thời gian để đến ngôi đình cổ của làng – nơi tổ chức lớp học bơi, cuối cùng chúng tôi cũng đã được người dân địa phương chỉ đường và vừa đến nơi thì lớp học bơi cũng đang diễn ra một cách sôi nổi và hào hứng. Trong ngày đầu tiên khai mạc, lớp học bơi đã thu hút sự tham gia khoảng 200 các em học sinh khối 4 và khối 5 và được chia ra thành 2 buổi sáng và chiều. Dưới cái nắng gay gắt và chói chang của mùa hè nhưng cả thầy và trò đều tập luyện một cách hăng say và nhiệt tình để có thể bắt kịp chương trình bơi ngắn hạn hoàn thành dự kiến trong vòng 10 ngày. Mặc dầu thời gian gấp rút, nhưng hy vọng rằng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và một tinh thần học tập siêng năng, chăm chỉ của tập thể thầy và trò sẽ giúp các em rèn luyện thêm thể lực và quan trọng nhất là trang bị thêm kiến thức và kỹ năng bơi lội cần thiết nhằm tránh tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em hiện nay.
Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Wednesday 10 August 2016

Lớp Học Bơi Của Trường Phú Đa 3


Sáng thứ 7 chúng tôi băng qua những con đường làng để đến với bến đò Viễn Trình nơi đang có lớp học bơi của trường tiểu học Phú Đa 3. Phú Đa là một trong những địa bàn xã nghèo có truyền thống cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế và là nơi thấp lũ nên cũng có thể nói biết bơi giỏi cũng là một lợi thế sinh tồn tại nơi đây.
Chạy một lúc nghe thấp thoáng đằng xa có tiếng trẻ con cười nói là chúng tôi biết sắp đến nơi có các em đang học bơi. Tiến đến gần nơi tập bơi thì là một quang cảnh khá rộng rãi bởi nơi tập bơi là được thực hiện trên một con phá, trên bờ có 2 chòi dã chiến được lập tạm, một cho giáo viên và một cho các em học sinh để thay quần áo và tránh nắng.
Trên đầu thì nắng chang chang dưới thân thì ngâm trong nước mặn nếu không có sức khỏe ổn định thì quả thật cũng khó mà tiến hành dạy và học bơi được. Nhưng thầy và trò nơi đây có vẻ không cảm thấy mệt và vất vả mấy mà vẫn hăng say dạy và học vẫn cười và vẫn vui.
Khi được hỏi khó khăn nào trong công tác dạy và học bơi thì được thầy Hiệu trưởng nơi đây cho biết chủ yếu là địa bàn học bơi. Nơi đây là phá nhưng là vùng trũng nên nước nơi đây khá nhớp cũng như dưới này khá trơn khiến các em học bơi khi lên thường chợt chân chảy máu nên cũng rất tội nghiệp và khó khăn cho các em. Mà quả thật vậy, khi học xong lên bở chúng tôi quan sát có rất nhiều các em phải mang tất để tập bơi nhằm tránh chợt chân.
Vậy là chương trình bơi đã thực hiện được 3 năm, rồi sẽ có nhiều em biết bơi hơn để mỗi mùa lũ về lại không còn nghe em nào chết vì đuối nước. Bơi để sống sót, bơi để mưu sinh, bơi để cứu người khác và bơi để biết đất nước ta có sông có biển...!
Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Kinh tế du lịch


Monday 8 August 2016

LỚP HỌC BƠI TẠI BẾN ĐÒ VIỄN TRÌNH - PHÚ ĐA

Được sự phân công của BĐH, ngày 04/08/16 chúng tôi đã có mặt tại lớp học bơi của Trường tiểu học Phú Đa. Phú Đa là một địa bàn nằm cách khá xa so với Trung tâm Thành phố, là một vùng toàn đất cát nên đời sống của người dân nơi đây khá nghèo nàn và thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn cơ sở hạ tầng. Chính vì điều kiện không đủ để trang bị một lớp bơi đàng hoàng cho các em như ở thành phố nên nhà trường đã bố trí một lớp bơi "dã chiến" để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Lớp bơi của các em trường tiểu học Phú Đa được tổ chức tại Bến đò Viễn Trình. Hôm nay là buổi học thứ hai của các em Trường tiểu học Phú Đa1, Phú Đa2 và Phú Đa 3. Một buổi học của các em được chia làm 2 ca, mỗi ca tập bơi trong khoảng một tiếng đồng hồ. Mỗi ca học được chia thành 7-8 nhóm, mỗi nhóm 5 em và do 1 thầy phụ trách.
Mặc cho cái nắng gay gắt của mùa hè, mặc cho điều kiện vật chất còn thiếu thốn, cả thầy và trò vẫn hăng say tập luyện. Đồng hành cùng các em học sinh trong các buổi học là các bậc phụ huynh. Bởi địa điểm học bơi cách nhà các em khá xa, vì vậy, các bậc phụ huynh phải sắp xếp công việc để đưa các em đến địa điểm quy định.
Tuy nhiên, địa điểm học bơi của các em cách khá xa khu dân cư, xung quanh lại không có cây cối chỉ toàn đất cát nên rất nóng, không có khu vực để cho các bậc phụ huynh cũng như các em ngồi nghỉ ngơi. Vì vậy, nhà trường đã dăng bạt, che dù tạm để làm chỗ tránh nắng.
Đồng hành cùng các em hôm nay còn có Thầy Hiệu Phó của Trường tiểu học Phú Đa. Mặc dù dưới cái nắng gay gắt, thầy vẫn kiên nhẫn ngồi dõi các em và các thầy tập luyện. Theo chia sẻ của thầy, thì lớp bơi này diễn ra trong điều kiện vật chất và cơ sở hạ tầng không có nên rất tội cho các em học sinh cũng như các thầy dạy bơi. Mực nước tại đây khá thấp, dưới mặt nước thì bùn khá nhiều nên khi các em học bơi, quẫy đạp thì nước rất bẩn, mùi bùn bốc lên. Thầy e ngại rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh. Một vấn đề nữa là nước ở đây là nước lợ, sau khi học bơi xong, các em lại không có nước sạch để tắm nên cũng rất tội cho các em học sinh cũng như giáo viên huấn luyện.
Mặc dù theo chia sẻ của Thầy thì lớp học bơi này diễn ra trong điều kiện thiếu thốn, nhưng cả thầy và trò Trường Tiểu học Phú Đa sẽ cố gắng hoàn thành khóa huấn luyện trong 10 ngày này theo chương trình của Sở Giáo Dục Huyện đề ra.
Hy vọng rằng, các em cố gắng vượt qua mọi khó khăn để sau khi kết thúc khóa học hầu hết các em đều có thể biết bơi, trang bị cho mình các kiến thức cần thiết để tránh tình trạng đuối nước ở trẻ em. Đây là ước muốn lớn nhất của những nhà hảo tâm khi thực hiện chương trình dạy bơi này.
Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh tế

Saturday 6 August 2016

Xe đạp ơi

 (Ảnh minh họa)
Nếu đã trải qua thời học sinh, thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần ngồi trên chiếc xe đạp hoặc sở hữu một chiếc xe đạp cho riêng mình. Hạnh phúc nhất là khi bước vào ngôi trường cấp 3 được bố mẹ mua cho chiếc xe đạp để đi đến trường.

Cách đây hơn 10 năm xe máy không nhiều như bây giờ, xe đạp điện thì hầu như chưa có. Với chiếc xe đạp ta có thể đi đến nơi đâu mà mình mong muốn. Nhớ ngày trại vào cuối năm lớp 12, địa điểm tổ chức trại cách trường hơn 10 cây số. Vậy là bọn lớp tôi dậy thật sớm hẹn gặp nhau tại trường, rồi từ đó cùng nhau vượt quãng đường dài để đến địa điểm mà trường đã định sẵn. Cứ hai bạn đi trên một chiếc xe đạp, rồi người nọ người kia thay nhau chở. Cuối cùng cũng đến nơi mà mình muốn đến, dù rất mệt nhưng vui không thể diễn tả nỗi.

Ngày trước, bố mẹ tôi rồi những người lao động nghèo trong xóm tôi vẫn đi làm trên chiếc xe đạp cũ kỹ thế đó. Nhưng ai nấy cũng nuôi nấng con cái thành tài. Khi cuộc sống có khấm khá hơn, họ có thể sắm nhiều chiếc xe máy đắt tiền nhưng họ vẫn luôn giữ chiếc xe đạp trong nhà để làm kỷ niệm. Hình như họ muốn nhắc nhở con cháu họ rằng, không bao giờ được quên những khoảnh khắc gian khổ mà ông bà cha mẹ nó đã từng trải qua. Biết quý trọng quá khứ, giúp chúng ta ngày càng trưởng thành hơn.

Hiện tại trên những tuyến đường, thỉnh thoảng tôi mới được thấy một vài chiếc xe đạp lưu thông. Hình như lúc bấy giờ ít thấy các em học sinh đi học bằng xe đạp, đa số đều được cha mẹ mua cho chiếc xe đạp điện khi bước vào ngôi trường cấp 3 hay được bố mẹ đưa đón bằng xe máy tận nơi. Cha mẹ chăm sóc con cái kỹ lưỡng như thế cũng là điều tốt, nhưng đôi khi cũng có mặt trái của nó, làm cho con cái ít biết khả năng sống tự lập, lúc nào cũng lệ thuộc vào cha mẹ.

Chiếc xe đạp hiện tại vẫn được những người lớn tuổi dùng để đạp xe tập thể dục vào buổi sáng, đạp xe giúp cho sức khỏe ngày càng tốt hơn dẻo dai hơn. Hy vọng chúng ta với sức khỏe và tuổi trẻ tràn đầy, hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt để làm được nhiều việc có ích cho xã hội.


Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế

Tuesday 2 August 2016

LỄ TRAO HỌC BỔNG CHÂU TRỌNG NGÔ NĂM 2016





Sáng ngày 30/07/2016, Trung tâm Khuyến khích Tự lập Huế (TTKKTL) đã tổ chức lễ trao học bổng “ Châu Trọng Ngô” cho 183 em học sinh nghèo vượt khó.

Chương trình trao học bổng “Châu Trọng Ngô” là một chương trình được TTKKTL tổ chức hàng năm thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ và động viên các em học sinh nghèo vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập. Đồng thời, đây cũng là dịp nhằm vinh danh và tri ân Thầy Châu Trọng Ngô, một nhân sĩ đã góp phần sáng lập nên TTKKTL tại Huế.
183 em học sinh được nhận học bổng lần này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đã có nhiều nỗ lực cố gắng vươn lên để đạt thành tích cao trong học tập. Mỗi suất học bổng bao gồm vở và một phần quà trị giá 500 nghìn đồng.
Đáp lại tình cảm của những người làm nên chương trình phát học bổng, em Trịnh Hồng Đoan Trang, học sinh lớp 7 Trường Trung Học Cơ Sở Chu Văn An đã đại diện cho 183 em được nhận học bổng chia sẻ: “ Chúng em xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến thầy Châu Trọng Ngô và Trung tâm Khuyến khích Tự lập đã trao học bổng, học bổng này sẽ giúp gia đình chúng em trang trải một phần chi phí khi bước vào năm học mới. Đây là món quà tinh thần và là nguồn động viên để chúng em tiếp tục nỗ lực học tập. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm của thầy Châu Trọng Ngô và TTKKTL.”
Tuy chỉ là món quà nhỏ nhưng đó là tấm lòng của những người làm chương trình mong muốn gửi đến tất cả các em và động viên các em cố gắng phấn đấu hơn nữa trong những năm học tới. Hy vọng, món quà này sẽ góp phần khích lệ các em không ngừng cố gắng để thành công trên con đường học tập của mình, không phụ lòng mong mỏi của các bậc phụ huỳnh, nhà trường và xã hội.


Nguyễn Hoàng Quang Vinh
Cử nhân Anh Văn

Wednesday 27 July 2016

TẬP HUẤN CHO GIÁO VIÊN BƠI TẠI XÃ QUẢNG LỢI


Ngày 23/07/2016 theo phân công của Ban Điều Hành chúng tôi đã đến thăm lớp tập huấn bơi dành cho giáo viên tại bến đò Cồn Tộc, xã Quảng Lợi, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dưới trời nắng chói chang của tháng 7, 58 giáo viên đến từ 20 trường thuộc 3 huyện của tỉnh đã thi thực hành huấn luyện bơi cho học sinh. Mượn học sinh từ địa bàn sở tại, mỗi giáo viên tập huấn cho khoảng 2-3 học sinh trên bờ và dưới nước bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Do số lượng giáo viên đông nên buổi thi này được chia làm nhiều đợt với 4 giảng viên hướng dẫn và chấm thi. Mặc dù quá trình thi diễn ra dưới nước và dưới cái nắng gắt của mùa hè nhưng các giáo viên đã tỏ ra nghiêm túc, hợp tác với học sinh. Thêm vào đó, thương thầy cô, các em học sinh cũng nhiệt tình tuân thủ sự chỉ bảo của thầy hướng dẫn khiến cho buổi thi kết thúc đúng thời gian và đảm bảo chất lượng.
Việc tổ chức tập huấn cho giáo viên thể dục các kỹ năng trước khi các giáo viên đứng lớp là điều thực sự cần thiết. Điều này giúp đảm bảo chất lượng các lớp học bơi cho các em học sinh, giúp các em nhanh chóng nắm bắt các bài học và thuần thục kỹ năng bơi nhanh chóng. Tại các địa bàn có nhiều ao hồ, đầm phá, sông nước, do bận mưu sinh nên nhiều hộ gia đình đã không quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống tối thiểu bao gồm kỹ năng bơi lội cho các em khiến nhiều trường hợp đuối nước thương tâm đã xảy ra. Với sự hỗ trợ của TTKKTL, dự án dạy bơi đã đến nhiều phường xã trong tỉnh, góp phần trang bị cho học sinh kỹ năng sinh tồn, giúp các em có thể tự bảo vệ mình trước các biến cố không mong muốn.

Đinh Thị Thúy Hằng
Cử nhân Anh Văn

Tuesday 26 July 2016

Một buổi sáng cùng các anh ở tổ xe ôm tự quản cửa Đông Ba




Ngày 25/07 ngày đầu tuần của tuần cuối tháng.Chúng tôi đến làm việc với tổ xe ôm tự quản ở ngay cửa thành Đông Ba. Khi đến nơi nhìn thấy các anh mặc trên mình bộ áo quần mới mà chúng tôi tặng các anh trong lòng cũng nao nao vui mừng.

Tổ xe ôm tự quản được thành lập đến nay cũng hơn 14 năm rồi cũng có người đã nghỉ, có người mới vào, nay chỉ còn lại 09 người lần lượt là anh Hùng, anh Hoãn, anh Cường, anh Sơn anh, anh Sơn em, anh Lang, anh Chút, anh Thảo và anh Mau là  tổ trưởng.

Các anh hằng ngày ngoài việc chạy xe ôm, xích lô ra thì lúc không có khách lại làm việc cộng đồng như phân luồng giao thông tránh cho cửa Đông Ba bị kẹt xe. Đây là công việc rất ý nghĩa đấy thưa các bạn. Bạn nào ở Huế có lẽ sẽ biết vào giờ tan tầm học sinh đi học về rất đông, người người nhà nhà chen lấn nhau đi đã thế đôi lúc lại bắt gặp phải một vài tài xế xe ô tô, xe taxi, xe ben cỡ nhỏ thiếu ý thức cũng chen lấn vào thế là kẹt xe. Có thể mất hơn 30p để đi được đoạn đường 10m. Chính tôi cũng từng nhiều lần bị kẹt xe như vậy, giữa trưa hè nắng rát phải đứng đợi để đi từng li từng li.


Ấy thế mà các anh mặc kệ cái nắng nóng ngày hè hay trời mưa âm ỉ với cái lạnh tê tái của mùa đông, cứ như thế các anh tình nguyện phân luồng giao thông giúp mọi người có thể lưu thông an toàn và thông thoáng mà chẳng đòi hỏi điều gì. Có hôm lượng xe lưu thông nhiều dẫn đến kẹt xe 4, 5 lần trong một ngày.Tất cả mọi thứ hỗ trợ cho việc phân luồng giao thông cả tổ điều tự góp tiền để làm, từ dùi cui đến băng tay rồi cả bảng tên tổ mặc dù chiếc áo các anh mặc đã sờn vai, chiếc quần đã bạc màu các anh cũng chẳng màng. Hiểu được sự khó khăn của các anh Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập chúng tôi đã tặng cho các anh trong tổ xe ôm tự quản mỗi người một bộ áo quần để động viên các anh tiếp tục duy trì những việc làm ý nghĩa đó.

Lê Viết Hoàng Ân

Thursday 21 July 2016

TẬP HUẤN PHƯƠNG PHÁP DẠY BƠI CHO GIÁO VIÊN 2016


Tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ em vô tội, và tình trạng này đang ngày càng có chiều hướng gia tăng trong những năm trở lại đây, đặc biệt là vào dịp hè. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có rất nhiều trẻ em tử vong do đuối nước và nó xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em cũng như giúp các em có được những kỷ năng cần thiết để tự thoát hiểm khi gặp sự cố trong môi trường nước. Vào năm 2014, Trung tâm Khuyến khích Tự lập (TTKKTL) và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế (SGD&ĐT) đã ký thỏa thuận hợp tác về Chương trình phổ cập bơi cho học sinh tiểu học trong thời gian 10 năm.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được từ chương trình phổ cập bơi năm thứ 1 (2014-2015) và chuẩn bị cho chương trình dạy bơi năm thứ 2 (2015 -2016) dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 08/2016. Trong thời gian từ ngày 14/07/2016 - 23/07/2016 tại Trường tiểu học số 2 Quảng Lợi và Bến đò Cồn Tộc, Chương trình đã tổ chức khóa tập huấn phương pháp dạy bơi cho các giáo viên đến từ các trường thuộc huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang. Các giáo viên tham gia khóa tập huấn này không chỉ được đào tạo các kỷ năng về bơi lội mà còn được đào tạo thêm một số kỷ năng về cứu hộ, sơ cấp cứu… khi gặp các trường hợp đuối nước. Trước khi kết thúc khóa tập huấn, các giáo viên sẽ phải hoàn thành một bài kiểm tra chất lượng cuối khóa, nếu vượt qua sẽ được cấp chứng chỉ và sẽ được tham gia vào hoạt động tiếp theo của chương trình là trực tiếp dạy bơi cho các em học sinh ở các bể bơi mở như ao, hồ, sông, đầm phá…, năm nay TTKKTL sẽ tài trợ kinh phí để dạy bơi cho 1000 em học sinh tiểu học ở huyện Phú Vang.
Song song với công tác tập huấn phương pháp dạy bơi cho giáo viên thì công tác lựa chọn địa điểm để tổ chức dạy bơi cho học sinh cũng rất được chúng tôi chú trọng vì nó liên quan đến vấn đề sức khỏe và sự an toàn của các em học sinh. Chương trình phổ cập cho học sinh không chỉ giúp trang bị cho các em những kỹ năng tự ứng phó khi gặp sự cố trong môi trường nước, mà còn đem đến cho các em một sân chơi bổ ích trong thời gian nghỉ hè.  Với sự chuẩn bị chu đáo này thì chúng tôi hy vọng chương trình phổ cập bơi năm nay sẽ thành công tốt đẹp.

Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý


Tuesday 12 July 2016

NGHỀ BÁN VÉ SỐ


            Bắt gặp hình ảnh ông cụ đang rao “Ai mua số không, số đây” khi trời hè nóng oi ả. Nhóm chúng tôi kêu ông cụ lại mua ủng hộ ông vài tấm vé số.
            Thoạt nhìn, ai cũng ngỡ ông khoảng chừng 65-70 tuổi, cái tuổi đó còn có thể lao động để kiếm tiền mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày đối với những người dân khổ cực. Ấy thế mà trò chuyện trao đổi với ông mới biết ông tên thật là Nguyễn Phi Sáu, hiện đang sinh sống ở tại ngã ba Vạn Cù thuộc xã Hương An, huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm nay đã 86 tuổi, vợ mất cách đây cũng đã tầm 8 năm con, con cái tuy khá đông song tất cả đều đã lớn và ra riêng tự lập cuộc sống cho mỗi người. Hằng ngày, ông bắt tuyến xe bus từ cầu Hương Cần vào khoảng lúc 7h sáng từ chuyến xe bus Sịa - Huế, đến chiều khoảng 3h sau khi trả số về cho đại lý ông lại bắt xe bus Huế - Sịa để lại di chuyển về nhà. Theo tìm hiểu nhóm chúng tôi, hằng ngày ông thu nhập được từ tiền vé số khoảng 50.000 đến 80.000 đồng, “Lúc trước sức khỏe còn có thì đi được xa bán được nhiều, chứ bây chừ già rồi bán như rứa là có thể sống qua ngày rồi chú ơi”, tâm sự của cụ Sáu. Hiện tại ông sống cùng đứa cháu nội, do bố mẹ nó cũng khổ cực nên gửi sang ông nhờ ông chăm lo giúp. Khổ cực là vậy song hai ông cháu vẫn nương tựa vào nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Ông còn tâm sự với chúng tôi: không mong gì cả chỉ mong có sức khỏe để ngày nào cũng có thể lên về Huế đi bán vé số kiếm tiền lo toan cho cuộc sống.
            Nói đôi ba chuyện, ông chào chúng tôi rồi lại tiếp tục trên con đường với công việc bán vé số của mình. Dõi theo bước chân của ông, hy vọng ông ngày càng giữ được sức khỏe như bao người khác, thầm mong cho ông gặp nhiều may mắn trong cuộc sống này.
Duy Tùng.

Cử nhân Môi Trường.

Saturday 9 July 2016

DỰ LỄ KHỞI ĐỘNG DẠY BƠI HÈ 2016 CHO HỌC SINH TIỂU HỌC


Ngày 08/07/2016, tại sở Giáo Dục tỉnh TT Huế, đã tổ chức lễ khởi động dạy bơi hè 2016 cho học sinh tiểu học của các trường thuộc huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang. Đến tham dự có ông Đặng Phước Mỹ phó GĐ sở GD, ông Phan Văn Hải trưởng phòng GD của sở GD, ông Nguyễn Thọ Trường giám đốc công ty cổ phần My Way và đại diện các phòng giáo dục của các huyện nói trên.
            Cũng trong buổi lễ, Ông Đặng Phước Mỹ đã bày tỏ cảm ơn Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập đã quan tâm và hỗ trợ cho sở để thực hiện dự án “Phòng tránh đuối nước cho các em học sinh”. Qua sự hỗ trợ của TT và sự thành công trong công việc dạy bơi cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh nên công ty My Way cũng muốn dựa trên nền tảng có sẵn mà TT đã tạo ra để hỗ trợ một phần kinh phí giúp các em phòng tránh đuối nước cho các em học sinh.
Tiếp theo là ông Phan Văn Hải trưởng phòng GD tiểu học thuộc sở GD đã phát biểu và triển khai nội dung dạy bơi đến các thầy cô của các trường. Nội dung triển khai bao gồm những bước như:
-          Mỗi trường lập danh sách 3 giáo viên để đi đào tạo kỹ năng bơi ( thời gian đào tạo là 06 ngày) và yêu cầu những giáo viên được cử đi đào tạo phải là những giáo viên tâm huyết.
-          Các trường phải chọn những địa điểm thích hợp để đại diện sở về chọn lọc.
-          Kết hợp với phụ huynh và cán bộ địa phương để hoàn thành tốt chương trình dạy bơi cho các em.
Ngoài những nội dung trên thì lãnh đạo sở cũng yêu cầu các trường phải thực hiện tốt các bước sau:
-          Phải tuyên truyền cho phụ huynh của các em học sinh biết và hiểu rõ nội dung và tầm quan trọng của việc dạy bơi
-          Các trường phải chọn những giáo viên có trách nhiệm cao và tâm huyết
-          Xây dựng kế hoạch dạy bơi cho trường mình
-          Tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tham gia hoạt động dạy bơi
-          Bảo quản tốt dụng cụ dạy bơi.
-          Thực hiện tốt các báo cáo trong công tác dạy bơi của trường mình
-          Ngoài ra, khi hoàn thành khóa bơi thì nên cấp giấy chứng nhận cho các em học sinh.
Lãnh đạo sở cùng các thầy cô giáo đã bàn bạc và thống nhất sẽ tập huấn dạy bơi tại bến đò Cồn Tộc thuộc xã Quảng Lợi vào ngày 14-15 tháng 07. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn sẽ bắt đầu triển khai dạy bơi vào ngày 18-23 tháng 07 và trường được chọn đầu tiên trong việc dạy bơi là trường tiểu học số 02 Quảng Lợi.

Buổi lễ khởi động dạy bơi kết thúc lúc 9h30 sáng cùng ngày.

Nguyễn Đức Nhân
Cử nhân Luật

Friday 8 July 2016

NHÀ VỆ SINH SẠCH TẠI CHỢ AN CỰU VÀ ĐÔNG BA


Nhà vệ sinh là một yêu cầu tối thiểu giúp cho môi trường sống của chúng ta giảm bớt đi tình trạng ô nhiễm bởi chính chất thải của chúng ta. Tại thành phố Huế ngày nay, nhà vệ sinh tại các khu chợ vẫn còn rất thiếu, nhếch nhác, chật chội và đặc biệt là bốc mùi khai. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sức khỏe của các tiểu thương cũng như người dân đến trao đổi mua bán. Nắm bắt được điều này nên kể từ năm 2013, Trung tâm Khuyến khích Tự lập chúng tôi đã hợp tác với Ủy ban Nhân dân thành phố Huế triển khai dự án cải thiện môi trường chợ trong thành phố. Theo thỏa thuận hợp tác thì hàng năm chúng tôi sẽ tài trợ 50% kinh phí để xây dựng 1 nhà vệ sinh cho một khu chợ trong thành phố Huế. Và đến thời điểm này, chúng tôi đã xây dựng được 2 khu nhà vệ sinh cho chợ Đông Ba và An Cựu. Vừa qua, trong một lần đi khảo sát 2 khu nhà vệ sinh này thì chúng tôi nhận thấy Ban quản lý chợ đã thực hiện rất tốt việc bảo trì, bảo quản các công trình. Khu vực này luôn có nhân viên chùi dọn thường xuyên nên các công trình đến nay vẫn không có dấu hiệu xuống cấp và cũng không phát hiện mùi khai ỏ khu vực xung quanh nhà vệ sinh. Không chỉ Ban quản lý chợ thực hiện tốt việc bảo trì mà ý thức của các tiểu thương trong việc sử dụng nhà vệ sinh sạch cũng rất tốt. Các tiểu thương luôn chấp hành đúng các qui đinh của việc sử dụng nhà vệ sinh sạch mà Ban quan lý chợ đã đề ra. Với những gì mà Ban quản lý, các tiểu thương ở chợ đã làm được thì chúng tôii hết sức vui mừng và đây cũng sẽ là một động lực lớn để chúng tôii thực hiện các công trình tiếp theo.
Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Tuesday 5 July 2016

CHƠI FACEBOOK - ĐƯỢC VÀ MẤT


Có thể thấy, hiện nay thì thời đại công nghệ đang lên ngôi. Đặc biệt, trong những năm gần đây thì mạng xã hội là một món ăn tinh thần không thể thiếu của các bạn trẻ Việt Nam nói riêng và các bạn trẻ trên thế giới nói chung. Không những thế, Facebook không những chỉ thu hút giới trẻ mà cả những người trung niên hay thậm chí cả những người lớn tuổi. Mạng xã hội không chỉ tồn tại tại các thành phố mà ngay đến những người "nhà quê" chân lấm tay bùn, quanh năm ruộng đồng cũng biết đến facebook và tham gia mạng xã hội này. Điều này có thể thấy, facebook là mạng xã hội rộng lớn nhất và được nhiều người dùng sử dụng nhất hiện nay. Vậy thì, thông qua facebook, mỗi chúng ta được gì mà tất cả mọi người đều yêu thích đến vậy?
Có thể thấy rằng, với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, người dùng mạng xã hội dễ dàng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian. Chính vì dễ dàng tiếp cận cũng như thông qua facebook chúng ta có thể kết nối được với tất cả bạn bè, người thân; những người có khoảng cách cả về không gian lẫn thời gian một cách rất dễ dàng. Hơn nữa, thông qua mạng xã hội này chúng ta cũng có thể học hỏi lẫn nhau thông qua các chia sẻ kiến thức từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau; các bạn trẻ cùng chí hướng làm từ thiện thì kết thành từng nhóm để cùng nhau tổ chức hoạt động từ thiện, giúp cho những người nghèo khổ, bệnh tật...Thông qua mạng xã hội, mỗi chungs ta có thêm cơ hội để đến với nghề nghiệp do các bạn bố phương chia sẻ....
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Có lợi thì ắt sẽ có hại. Cũng giống như chơi facebook cũng vậy, nếu chúng ta không biết cách chọn lọc để tiếp nhận thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta quá sa đà vào mạng xã hội sẽ tốn rất nhiều thời gian vô ích. Những căn bệnh như bệnh nghiện facebook, bệnh vô cảm, hay thói quen phán xét một vấn đề nào đó... dần dần tồn tại trong mỗi con người. 
Thực tế cho thấy, mạng xã hội đang ngày càng có một vị thế quan trọng trong đời sống của mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ. Mạng xã hội là một mạng tuy rất rộng lớn, nhưng mỗi chúng ta tự biết cách chọn lọc cho mình những thông tin hữu ích thì rất bổ ích cho mỗi người dùng. Được hay mất là do mỗi người dùng tự quyết định!

Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh tế

Wednesday 29 June 2016

MÙA HOA PHƯỢNG

 (Ảnh minh họa)
Mỗi loài hoa trong năm đều được chọn để tượng trưng cho một mùa tương ứng. Như hoa mai, hoa đào được chọn tượng trưng cho mùa xuân thì hoa phượng mặc nhiên được chọn tượng trưng cho mùa hạ. Dưới cái nắng chang chang của mùa hè, những cánh hoa phượng với màu sắc đỏ thắm rực rỡ trông đẹp đến làm sao.
Cứ mỗi độ tháng sáu về, khi tiếng ve kêu râm ran ngoài hiên báo hiệu một mùa hè nữa lại sắp đến, thì đó cũng là lúc những cánh hoa phượng bắt đầu đua nhau nở rộ. Trong sân trường ngày ấy, những cánh hoa phượng rơi rụng đầy sân trông đẹp lung linh, đẹp lạ thường. Nhưng kèm theo đó là một nỗi buồn man mác, vì đó cũng là lúc chúng tôi phải xa thầy cô xa bạn bè. Rồi sau đó phải cố gắng học thật tốt để vượt qua những kỳ thi chuyển cấp chuyển trường. Bản thân mỗi người ngày đó đều lo lắng rằng, ngày mai đây khi đi đến một ngôi trường khác không biết có còn được gặp lại bạn bè cũ nữa hay không.
Tôi vẫn còn nhớ, bọn con gái chúng tôi rất thích ngồi dưới gốc cây phượng trong sân trường để được nhặt những cánh phượng rơi ép vào trang vở trắng. Bẵng đi một thời gian, khi vô tình giở lại những trang vở trang lưu bút thì bao nhiêu kỷ niệm trong tôi lại ùa về cùng với cánh hoa phượng đã được ép khô lâu ngày bị bỏ quên. Những dòng chia sẻ, những nỗi niềm những lời chúc đều được lưu lại trên từng trang lưu bút, cộng với những bức ảnh thẻ của từng chủ nhân của nó. Ôi, những gương mặt ngây thơ ngày ấy, tôi bỗng mỉm cười hồi tưởng lại những kỷ niệm đã qua .
Tôi thấy “hoa phượng” vẫn thường xuyên được xuất hiện trong các bài thơ, bài nhạc của các tác giả nổi tiếng.“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng em chở mùa hè của tôi đi đâu,…”Tôi chắc chắn ai trong ta cũng thuộc lòng bài này, đó là bài hát “Phượng Hồng” của nhà thơ Đỗ Trung Quân được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát. Tuy bài hát này đã được sáng tác rất lâu, nhưng mỗi khi được nghe lại tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi đến khó tả.
Hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ luôn lưu lại những kỷ niệm đẹp cho riêng mình khi thời gian  trôi đi. Đừng để những phiền muộn những hối hận làm ảnh hưởng đến cuộc sống .

Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế

Tuesday 28 June 2016

MÙA THI ĐẠI HỌC


Cứ vào đầu tháng 7 hàng năm, các sĩ tử trên mọi miền đất nước lại khăn gói lên đường để chuẩn bị hành trang bước vào kỳ thi đại học căng thẳng và đầy chông gai đang chờ đợi các em ở phía trước. 

Bản thân tôi đã từng trải qua cái cảm giác ấy, cái cảm giác ngột ngạt hồi hộp đến khó tả khi cánh cửa phòng thi đóng lại và mọi thứ trở nên vắng lặng, chỉ còn có thể kịp nghe tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ và tiếng bước chân của những giám thị hành lang làm tay chân tôi như đông cứng lại nhưng vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu ấy cái ý chí không cho phép bản thân được chùng bước lại thôi thúc tôi phải tiếp tục bước tiếp và hoàn thành mục tiêu đầu đề ra. Đến nay đã gần 10 năm nhưng cái cảm giác lâng lâng bồi hồi ấy vẫn cứ hiện hữu trong tâm trí cứ mỗi khi mùa thi đại học lại bắt đầu. Cảm thông và sẻ chia sự vất vả của các em khi phải gồng gánh trên vai sứ mệnh và trách nhiệm và sự kỳ vọng của gia đình, chương trình Tiếp sức mùa thi lại tiếp tục khởi động hằng năm nhằm giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời sỹ tử trước và trong mùa thi. Hưởng ứng với Chương trình nhân văn xã hội hết sức sâu sắc và ý nghĩa này, lãnh đạo bộ và ban ngành đã phối hợp thành đoàn Huế ra sức huy động đội ngũ thanh niên tình nguyện toàn tỉnh cùng chung tay hướng đến chiến dịch tiếp sức mùa thi vì sức khỏe và an toàn để cho thí sinh trên khắp các tỉnh thành có thể an tâm và tập trung vào việc thi cử thật tốt và nhiều thuận lợi. Hình ảnh những chiếc áo xanh tình nguyện trở nên quá đỗi thân thuộc với các bạn học sinh, sinh viên, xuất hiện khắp mọi nơi từ nhà ga, bến xe, trên các tuyến đường, nơi làm thủ tục thi, các điểm trọ để hỗ trợ và hướng dẫn cho các thí sinh. Những người trẻ đầy nhiệt huyết ấy với gương mặt luôn nở nụ cười rạng rỡ trên môi không quản ngại nắng mưa chuyền tay nhau từng hộp cơm miễn phí đến tận tay những em thí sinh ở xa, thí sinh dân tộc thiểu số, sẵn sàng hỗ trợ cho các em trong việc tư vấn mùa thi, giới thiệu nhà trọ miễn phí hoặc giá rẻ, hỗ trợ đi lại…tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh khi bước vào phòng thi.
Một mùa thi đại học mới lại sắp bắt đầu, tôi chúc các em cố gắng vững tâm, tự tin và nỗ lực hết mình để có thể toàn tâm toàn ý hoàn thành việc thi cử thật may mắn, tốt đẹp và đạt thành tích cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 sắp tới.

Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Tuesday 21 June 2016

HÃY ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC EM HỌC SINH NGHÈO


Trung tâm Khuyến khích Tự lập chúng tôi được thành lập dựa trên những hoạt động xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân trong cơn lũ lịch sử năm 1999 xảy ra tại Huế. Hoạt động chính của chúng tôi là hỗ trợ vốn vay cho người nghèo với lãi suất thấp. Số tiền lãi thu được từ việc hỗ trợ tín dụng chúng tôi sẽ dùng để xây trường mầm non, bắt nước sạch cho những hộ nghèo, thăm và tặng quà những trường hợp thương tâm, trao học bổng, phát áo ấm mùa đông…Đặc biệt là trong thời qua, chúng tôi đã hỗ trợ 50% kinh phí để thực hiện thành công dự án phổ cập bơi cho trẻ em nghèo và dự án xây nhà vệ sinh tại các chợ. Hiện tại thì Trung tâm chúng tôi đang lập kế hoạch để thực hiện chương trình phát học bổng “Châu Trọng Ngô. Đây là chương trình đã đồng hành cùng với chúng tôi từ ngày thành lập cho đến nay và được tổ chức vào đầu mỗi năm học mới. Chương trình hàng năm đã trao tặng từ 100 đến 150 suất học bổng. Và tính đến nay, qua 14 năm tổ chức thì cũng đã có hơn 1500 em học sinh nghèo được nhận học bổng. Để tiếp nối những thành công đã đạt được thì trong năm nay, Trung tâm Khuyến khích Tự lập sẽ tiếp tục tổ chức chương trình trao học bổng “ Châu Trong Ngô” vào ngày 30/07/2016. Theo kế hoạch thì năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ trao tặng 183 suất quà trị giá mỗi suất năm 500 ngàn đồng và 5 quyển vở. Tuy nhiên, kinh phí của Trung tâm chúng tôi chỉ đủ để trao tặng cho 160 suất.Với tinh thần là động viên, tiếp thêm động lực để giúp cho các cháu đạt thành tích cao trong học tập nên chúng tôi thỉnh cầu quý vị hãy đồng hành cùng với chúng tôi. Hãy vì một tương lai tươi sáng của các cháu, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ về kinh phí từ các nhà hảo tâm, các cá nhân, các tổ chức xã hội… để chúng tôi có thể thực hiện thành công chương trình này.
Số em nhận HB
Số tiền/suất
Số tiền vở /suất
Thành tiền
183
500.000
30.000
96.990.000
Mọi sự đóng góp của quý nhà hảo tâm sẽ đem đến những thành công cho chương trình. Xin liên lạc với chúng tôi:
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Tài chính Trung tâm Khuyến Khích Tự lập tại Huế.
Email: nguyenducnhan.huethanh@gmail.com
ĐT: 0934759799
Số TK: 4214945800931008. Tại ngân hàng ACB.
Sau khi nhận được tài trợ, chúng tôi sẽ báo cáo đến quý vị kết quả bằng hình ảnh chương trình sau khi thực hiện. Xin chân thành cám ơn quý vị.

Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý


Wednesday 15 June 2016

GIA ĐÌNH ANH HÀ VĂN THIỆN

     
Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến khích Tự lập chúng tôi đã rất thành công trong việc hỗ trợ vốn vay dành cho những hộ nghèo thông qua sự tín chấp của địa phương. Và để đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển tín dụng của Trung tâm cũng như giúp thêm được nhiều người nghèo nên trong 5 năm trở lại đây, chúng tôi cũng đã và đang triển khai chương trình cho vay vốn Hỗ Trợ Buôn Bán Đường Phố. Chương trình này dành cho những hộ buôn thúng bán mẹt, những người buôn bán ở các vỉa hè, những bác chạy xe ôm, xe xích lô…cần có nguồn tiền để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với hình thức cho vay tín chấp, thủ tục đơn giản, nguồn vốn nhanh chóng đến với người dân nên chương trình cho vay vốn HTBBĐP rất được người dân nghèo hưởng ứng. Và kể từ ngày triển khai cho đến nay thì đã có gần 1000 khách hàng được vay vốn. Trong số đó thì có không ít người nghèo đã rất thành công sau khi được tiếp cận với nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn có một số khách hàng đã không thành công do gặp một số sự cố ngoài ý muốn. Trong số những khách hàng không may này có anh Hà Văn Thiện. Anh Thiện hàng ngày đạp xe xích lô du lịch tại đường Phạm Ngũ Lão còn vợ của anh làm nghề sơn PU. Vợ chồng anh có 3 đứa con, đừa đầu học lớp 7, đứa nhì học lớp 5 và đừa út học mầm non. Anh Thiện vay vốn của Chương trình để mua xe máy cho khách du lịch thuê. Trong một lần có khách đến thuê xe nên anh đi mua xăng đổ vào bình xe. Và thật không may, trong lúc đem bịch xăng về thì anh bị té ngã. Lúc đó, do anh đang hút thuốc nên ngọn lửa đã bất ngờ bùng phát và cháy khắp người anh. Khi được đưa đến bệnh viện thì anh Thiện đã bị hôn mê sâu. Và qua gần một tháng điều trị thì anh đã không qua khỏi do vết thương quá nặng. Anh Thiện mất đi để lại cho những người thân một gánh nặng quá lớn. Người vợ không có việc làm ổn định bây giờ phải nuôi ba đứa con ăn học. Người bố của anh năm nay đã 63 tuổi thì phải đi chạy xích lô thay anh để phụ giúp cô con dâu nuôi các cháu. 
Với tình cảnh quá khó khăn hiện nay của gia đình nên chúng tôi đã xóa toàn bộ số nợ cho gia đình đồng thời sẽ trao tặng 1 suất học bổng cho cô con gái đầu của anh Thiện vào năm học mới. Với những việc làm nhỏ này thì chúng tôi hy vọng đây sẽ là động lực để giúp cho những người thân của anh Thiện nhanh chóng vượt quá nỗi đau này.
Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Monday 13 June 2016

TRƯỜNG MẦM NON


Nghe thông tin trên báo đài được biết trường mầm non Vĩnh Ninh nơi đăng ký hộ khẩu cậu con trai mình có tuyển sinh. Theo thông báo đến hết tháng 7/2016 mới là hạn cuối cùng nhận hồ sơ.
Đến trường trung tuần tháng 6/2016, tôi được cán bộ tại trường cho hay hết chỉ tiêu mặc dù là con em có hộ khẩu nằm trong địa bàn của phường.
Cán bộ nơi đây còn giải thích: thứ nhất hết chỉ tiêu, thứ hai từ lúc con chưa được 2 tuổi tức là khoảng 18 tháng, bố mẹ phải liên hệ nhà trường để nhận đơn và xin đăng ký cho con theo học. Nhưng thời điểm con tôi 18 tháng thì nhà trường lại chưa công bố phát đơn cho phụ huynh đăng ký.
Suy đi nghĩ lại đành cầm giấy tờ về lại chứ tranh cãi làm gì với cán bộ được, bởi họ là người có quyền hơn mình mà.
Không học trường này thì ta chọn trường khác, chẳng qua vì lý do nhà gần tiện bề đưa đón khi trời nắng hoặc trời mưa.
Nghĩ lại mà thấy, mới chỉ là cấp trường mầm non đã khó khăn như vậy thì thử hỏi sau này trường tiểu học, trung học, … , rồi đến trường đời sẽ ra sao nữa !!!

Duy Tùng.

Cử nhân Môi Trường.

Wednesday 8 June 2016

HÈ VỀ


Thế là một mùa hè nữa lại đến. Các cô các cậu học sinh lại được nghỉ ngơi sau những tháng ngày miệt mài vùi đầu vào sách vở. Những kế hoạch đi chơi được vạch ra trong đầu của mỗi cô cậu học trò. Mùa hè đến là niềm vui khôn tả xiết của các em học sinh, nhưng là nỗi niềm trăn trở của mỗi bậc phụ huynh. Bởi hiện nay chúng ta còn thiếu sân chơi cho trẻ em, chưa có sân chơi đúng nghĩa cho các lứa tuổi học sinh cũng như sinh viên. Chính vì vậy, công nghệ là sự lựa chọn hoàn hảo cho các em. Các em dường như bị lệ thuộc vào công nghệ, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc học cũng như sức khỏe của các em.
Bên cạnh đó, dịp nghỉ hè cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tình trạng trẻ em bị tai nạn, tai nạn đuối nước...dẫn đến tử vong khi các em tự ý rủ nhau đi tắm sông, ao hồ mà không có sự giám sát của người lớn. Bởi thời gian hè là khoảng thời gian các em thiếu đi sự chăm sóc của các bậc phụ huynh. Trong khoảng thời gian các em nghỉ hè thì các bậc phụ huynh vẫn phải đi làm, nên vấn đề quản lý con cái dường như các bậc phụ huynh đều rơi vào bế tắc khi không biết làm thế nào để tạo cho con một kỳ nghỉ hè lành mạnh và an toàn.
Có không ít phụ huynh đã phải đưa ra kế sách là đăng ký lớp học thêm cho các con để dễ dàng quản lý. Lịch học thêm dày đặt được đăng ký, đã tạo áp lực lên con trẻ. Bởi thời gian nghỉ hè là dịp để các em nghỉ ngơi, thanh thản đầu óc. Việc học thêm quá nhiều sẽ làm cho các em căng thẳng và có hiệu quả ngược. Học nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu.
Vì vậy, kỳ nghỉ hè của các em học sinh là khoảng thời gian đau đầu của các bậc phụ huynh khi không biết làm cách nào để cân bằng bằng cuộc sống cho các em trong khoảng thời gian này. Làm thế nào mà các em có thể được vui chơi thoải mái nhưng vẫn trau dồi thêm kiến thức để chuẩn bị cho năm học mới.
Hy vọng rằng, mỗi bậc phụ huynh chúng ta hãy lựa chọn cho con em mình một kỳ nghỉ hè thật đáng nhớ và hữu ích!

Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh tế

Monday 6 June 2016

NGẬP VÀ TẮC SAU MƯA


Ngày 24/5 vừa qua, một trận mưa lớn đã làm các tuyến đường trên phố Hà Nội ngập sâu trong biển nước. Tình trạng nước ngập khiến việc di chuyển của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Các phương tiện đi lại như xe máy, ô tô bị chết máy nước ngập lên nửa bánh xe phải nhờ đến dịch vụ thuê xe cải tiến kéo qua với giá 50.000đ/lượt. Nước tràn vào nhà của nhiều hộ dân gây ảnh hưởng đến tình hình sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Hình ảnh nhiều phụ huynh phải lội qua nước ngập ngang người để đưa con trẻ đến trường cho kịp giờ đi học mà không khỏi xót xaViệc tình trạng nước ngập sâu luôn diễn ra thường xuyên ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh là dấu hiệu đáng báo động cho con người trước các biến đổi khí hậu, đến các tác động mạnh mẽ của con người trước tốc độ đô thị hóa nhanh không đồng bộ với các hệ thống thoát nước đang ngày một lạc hậu, cũ kỹ khiến hạn chế khả năng tiêu thoát nước làm dẫn đến thảm cảnh ngập nước ở các tuyến phố trong thời gian qua. Nhìn vào các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ và không đi đâu xa chỉ cần kể đến các nước trong khu vực Đông Nam Á lân cận với ta như phải kể đến Singapore, Thái Lan thì cách mà họ quy hoạch và giải quyết các vấn đề về môi trường cũng phải đáng chúng ta học hỏi và rút kinh nghiệm. Câu hỏi đặt ra cho vấn đề này có lẽ là do nhiều nguyên nhân từ nhiều phía như đô thị hóa, lưu lượng xe lưu thông trên các tuyến phố tăng đột biến trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế,thiên tai, ngân sách dự án còn hạn chế phải kể đến là dự án thoát nước sử dụng nguồn vốn vay ODA JICA ( Nhật Bản ) và vốn đối ứng trong nước. Mặc dầu đã được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành vào năm 2010 nhưng cho đến nay dự án vẫn còn đang nằm trong diện dự án treo bởi ngân sách vượt quá so với mức đầu tư ban đầu và nguyên nhân của việc đội giá dự án này là do chi phí giải phóng mặt bằng chứ không phải do phần xây lắp thiết bị.Và nổi cộm trong đó phải kể đến ý thức của người dân vẫn còn yếu kém như vứt rác bừa bãi, cái gì cũng tống xuống cống rãnh sinh hoạt gia đình dẫn đến rác, bùn tích tụ lâu ngày khiến cho hoạt động tiêu nước càng trở nên khó khăn, mỗi khi úng nước cảnh rác bẩn nổi lềnh bềnh trên mặt đường là không hiếm thấy. Do đó hãy tạm khoan đổ lỗi cho các ban ngành chức năng mà trước hết hãy học cách suy ngẫm, nhìn nhận về bản thân để có một cái nhìn mang tính khoan dung, và rộng lượng hơn trước các vấn đề về môi trường và làm thế nào để có thể chung tay vào việc bảo vệ giữ gìn môi trường trước những tác động xấu từ chung quanh.
Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn