Monday 31 October 2011

CÂU CHUYỆN ĐẦU TUẦN

Tản mạn. Trước đây tôi hay nghĩ cơm áo gạo tiền cứ vần con người xoay quanh, xoay quanh... nhưng một hôm tôi bất chợt nghĩ lại khi nghe tiếng hát trong trẻo của con trẻ. Theo đó tôi cũng cất tiếng hát và không ngờ giọng hát của tôi vẫn trong trẻo như ngày nào. Vậy ra, sau nhiều năm trăn trở với cuộc sống, may mắn thay giọng hát của tôi vẫn không đổi. Hy vọng rằng tâm hồn tôi cũng vậy.
Trên đường đời xô bồ và chông gai nhiều khi con người khó giữ được mình. Đến lúc thấy  chệch hướng thì mình đã đi quá xa rồi không thể lui được nữa. Vì vậy, nhiều lúc ta phải tập thiền, thiền trong nghĩ suy, thiền để thoát ra đời sống thường nhật, thiền để tìm lại chút gì đó trong trẻo của mình ngày xưa.
Cuộc sống có nhân có quả. Nhân và quả hiển hiện ngay trước mắt ta rành rành, có điều ta không chịu để tâm nhận thấy. Một trái tim đẹp thì tinh thần thư thái, minh mẫn, tình cảm tràn trề, nếu không chính ta sẽ là người giúp việc của chính ta, ta là nô lệ của việc mình làm và kết quả chính ta gánh chịu mọi hậu quả. Và có nhiều hậu quả khó nhận ra ngay tức thì, chỉ đến khi mọi thứ vuột mất khỏi tầm tay thì đã quá muộn. Vì vậy, thỉnh thoảng ta phải nhìn xung quanh ta để thấy rằng ta đã có đủ, và rằng ta đã hạnh phúc và may mắn hơn  nhiều cảnh đời khác. Đôi khi hạnh phúc cũng làm nên tất cả.

Và sau cùng, hãy dành ít phút để đọc câu chuyện nhỏ này.

Những con sói trong tâm hồn

Một cậu bé đến gặp ông mình để kể cho ông nghe về nỗi bực tức của mình khi bị bạn cùng lớp chơi xấu...
Sau khi nghe xong câu chuyện, người ông liền nói: "Để ông kể cho cháu nghe chuyện này. Đôi lúc, ông cũng cảm thấy rất ghét những người như vậy, nhưng rồi ông không buồn vì những gì họ làm. Bởi vì sự thù hận, bực bội chỉ làm cho cháu mệt mỏi chứ không làm đau kẻ thù của cháu. Điều đó cũng giống hệt như cháu uống thuốc độc nhưng lại đi cầu nguyện cho kẻ thù của mình chết. Ông đã phải đấu tranh với những cảm xúc như thế này nhiều lần rồi!"
Ngừng một lúc, ông lại nói tiếp: "Cũng giống như có hai con sói bên trong ông, một con thì rất hiền và chẳng bao giờ làm hại ai. Nó sống hòa hợp với tất cả mọi thứ xung quanh và nó không bao giờ tấn công ai cả, bởi vì sự tấn công đã không được dự tính sẵn. Nó chỉ đánh nhau khi điều đó là đáng để làm và làm theo một cách rất khôn ngoan, đúng đắn".
Người ông từ tốn nói tiếp: "Nhưng con sói còn lại thì không như thế! Nó lúc nào cũng giận dữ. Một việc thật nhỏ nhặt cũng có thể khiến nó nổi giận. Nó đánh nhau với tất cả mọi người, mọi vật bất kể lúc nào, mà không hề có lý do. Nó không nghĩ rằng đó là do sự tức giận và thù hận của nó quá lớn. Thật khó để hai con sói này cùng sống trong ông. Cả hai con đều cùng muốn chiếm lĩnh tâm hồn ông".
Cậu bé nhìn chăm chú vào mắt người ông rồi hỏi: "Ông ơi! Vậy con sói nào thắng hả ông?"
Người ông nói một cách nghiêm nghị: "Đó là con sói mà cháu vẫn hằng nuôi dưỡng!".
(Nguồn: Inspiretoday)
Anh Đào

Friday 28 October 2011

20 đôla và 1 giờ

Một người cha đi làm về rất muộn,mệt mỏi và bực bội sau một ngày bận rộn ở cơ quan. ông vừa về đến nhà, đứa con trai 5 tuổi đã ngồi chờ từ lúc nào, và hỏi:
Bố ơi!
- Con hỏi làm gì? – Ông bố đáp.
- Bố ơi, bố làm được bao nhiêu tiền một tiếng đồng hồ?
- Đó không phải việc của con. Mà tại sao con lại đi hỏi việc như thế hả? - ông bố hết kiên nhẫn.
- Con muốn biết mà – Đứa con nài nỉ.
- Nếu con cứ khăng khăng đòi biết, thì bố sẽ nói. Bố làm được 20 đô la một giờ đồng hồ.
- Ôi ! đứa bé suy nghĩ rồi rụt rè hỏi - Bố cho con vay 10 đô la được không ? Ông bố rất bực mình:
- Nếu lý do duy nhất con muốn biết bố làm được bao nhiêu tiền chỉ là để vay mà mua mấy thứ đồ chơi vớ vẩn, thế thì mời con đi ngay vào phòng mình và ngủ đi. Hãy nghĩ xem tại sao con lại ích kỷ đến thế! bố làm việc vất vả cả ngày, và không có thời gian cho những chuyện ấy đâu.
Đứa bé đi vào phòng và đóng cửa. Ông bố ngồi xuống, càng nghĩ càng cáu. Tại sao đứa con lại dám hỏi mình một câu như thế chứ?
Một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại , ông bố nghĩ có thể đứa con rất cần tiền để mua một thứ gì đó, và nghĩ ra rằng mình đã quá nghiêm khắc với nó. ông đi vào phòng con:
- Con ngủ chưa?
- Chưa ạ, con còn thức – cậu bé nằm trên giường đáp.
- Bố suy nghĩ rồi, có thể bố đã quá nghiêm khắc. Đây là 10 đô la.
Rồi thò tay xuống dưới gối , lôi ra thêm mấy tờ tiền lẻ nữa , ông bố thấy con có tiền từ trước, lại cáu. Khi đứa con ngồi đếm chỗ tiền, ông bố càu nhàu:
- Tại sao con lại vay thêm tiền khi con đã có rồi?
- Vì con chưa có đủ ạ? – Bỗng đứa trẻ ngẩng lên vui sướng.
- Bây giờ thì con đủ rồi Bố ơi, đây là 20 đô la, con có thể mua một giờ? trong thời gian của bố không?
Ngọc Thủy ( sưu tầm )

Thursday 27 October 2011

HẠNH PHÚC NẰM TRONG BẢN LĨNH SỐNG

Con người khác con vật ở chỗ nó dự phần quyết định vào việc tạo dựng nên nhân cách của nó. Chính vì vậy ,một nhà triết học có nói:"Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì mà nó có. Chỉ có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả. Nó phải làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy và nó phải tự làm bằng chính tự do của nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính tôi làm ra".Câu nói đó chẳng những nêu bật sự khác nhau giữa con người à con vật mà còn nhấn mạnh tới vai trò con người trong việc hình thành nhân cách của mình.

Thật vậy, mỗi con vật khi sinh ra đều đã là tất cả những gì mà nó có. Điều đó có nghĩa là con vật được sinh ra như thế nào thì nó sẽ lớn lên như thế ấy. Một con chó sói được sinh ra thì sẽ trở thành con chó sói, một con chim sẽ thành chim. Dĩ nhiên phải có thời gian để con chó sói trưởng thành, tự kiếm ăn và tự vệ, để con chim được lớn,mở mắt biết bay đi kiếm mồi. Nhưng qua thời gian đó, con sói và con chim trưởng thành vẫn chỉ là con vật được quy định trong bộ gen của nó. Con vật được sinh ra trong trạng thái đã tự đấy đủ. Con người thì khác hẳn, khi sinh ra tự nó không đầy đủ, không là gì cả. Một em bé sơ sinh đang khóc  oa oa chào đời, tự em không thể sống được nếu thiếu sự chăm sóc, bú mớm đùm bọc của người mẹ. Em sẽ không trở thành người được nếu không biết nói, biết đọc, biết viết, biết giao tiếp với cộng đồng . Em sẽ không có chỗ đứng trong xã hội nếu em không có một nghề nghiệp nào đó. Rồi em có thể có được mộ nghề nào không,em trở thành người tốt hay xấu , chưa ai có thể quả quyết được. Vậy là con người, do khi lọt lòng tự nó không đầy đủ, cho nên mỗi người sinh ra đều mang theo một nhiệm vụ, hãy trở thành một con người !

Ai chịu trách nhiệm làm cho một con người trở thành CON NGƯƠÌ? Xã hội hay cá nhân? Tại sao nhà triết học nói con người làm như thế nào thì nó sẽ trở thành như thế ấy, như vậy có coi nhẹ điều kiện xã hội hay không? Có quá coi trọng vai trò chủ thể cá nhân hay không? Xét về điều kiện, thì gia đình và xã hội là điều kiện để con người trở thành con người. Cha mẹ cho bú mớm, nuôi nấng , dạy dỗ . Xã hội cung cấp trường học.sách vở, kiến thức, ngành nhề. Các điều kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hãy thử tưởng tượng một con người sinh ra trong một gia đình nghèo túng, ăn không đủ no lại phải làm việc để sống thì sẽ như thế nào? Lại tưởng tượng một người sinh ra trong một gia đình giàu có, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và học tập thì thế nào? Nếu một con người ở nơi hẻo lánh , xa trung tâm văn hoá , thiếu trường sở , ít giao lưu thì thế nào? Một người khác ở thành phố lớn , nhiều trường tốt, có nhiều thầy giỏi thì sẽ ra sao. Rõ ràng điều kiện tốt là rất thuận lợi và điều kiện xấu là hết sức khó khăn. Nhưng điều kiện không thể quyết định tất cả. Nhiều người xuất thân nghèo hèn lại có ý chí vươn lên. Ở đây , hoạt động tích cực, chủ động sáng tạo của môi người vẫn là yếu tố quyết định sử dụng điều kiện như thế nào. Khi nói tôi sáng tạo ra tôi, tôi tự làm ra chính tôi . Không có nghĩa là tôi muốn trở thành cái gì cũng được . Một người mà không có giọng hát trời phú thì không thể trở thành danh ca; một người không có thể chất tốt không thể trở thành vận động viên triển vọng…Nhưng khi đã có một số đã có một số điều kiện nào đó thì việc phát huy điều kiện tốt, khắc phục điều kiện xấu phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của cá nhân có điều kiện ấy.

Con người làm như thế nào thì nó sẽ được trở thành như thế ấy. Đúng như vậy ,con người được tự do lựa chọn để tự thực hiện mình theo một lý tưởng nhất định. Nhà sư Tuệ Tĩnh đi tu, nhưng ông tự học để trở thành một nhà thuốc vĩ đại của dân tộc. Ông Tư Mã Thiên đời Hán bị nhục hình , nhưng ông chu du khắp nước , thu thập tài liệu để hoàn thành bộ Sử kí nổi tiếng…Lỗ Tấn đã tốt nghiệp trường khai mỏ, nhưng niềm băn khoăn cho số phận dân tộc dẫn ông đến nghề văn. Paster thi đỗ trường sư phạm, nhưng niềm say mê hoá học làm ông dồ sức vào môn khoa học này và cuối cùng và cuối cùng trở thành nhà bác học về vi trùng và phòng dịch vĩ đại . Ngay trước cái chết , con người vẫn có cơ hội để khẳng định mình. Câu nói của Trần Bình Trọng “ Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn Vương đất Bắc” đã khích lệ bao nhiêu thế hệ người Việt Nam yêu nước. Anh Nguyễn Ngọc Kí liệt cả hai tay vẫn học viết bằng chân… Lịch sử cũng cho thấy có nhiều gương lầm lạc, tuy có những điều kiện tốt đẹp nhưng con người đã tự làm hỏng đời mình.
Rõ ràng dù điều kiện hoàn cảnh có vai trò quyết định như thế nào con người vẫn chịu trách nhiệm trước nhân cách của mình. Hiểu được điều này mỗi người cần thấy hết trách nhiệm của mình trước cuộc đời mình trong từng hành động lớn nhỏ.

Trước mỗi con người, con người mở ra muôn ngã, con người có thể chọn một nghề phù hợp với khả năng sở trường của mình. Nhưng khà năng sở trường của con người chỉ có thể thực sự phát huy khi nó gắn liền với mục đích cao đẹp; phục vụ con người, phục vụ xã hội và nhân loại. Không phải ai cũng hiểu được trách nhiệm của mình đối với cuộc đời cùa mình. Gặp khó khăn trắc trở người ta thường than thở, viện ra nào hoàn cảnh nào số phận rồi buông xuôi gặp sao hay vậy. Nhưng tư tưởng đúng đắn thì cho thấy ngoài hoàn cảnh, yếu tố quyết định số phận mỗi người là chính người đó.

Đức Nhân

Wednesday 26 October 2011

Loan báo tài trợ từ 1000.00 USD tới 10,000.00 USD cho một số thành viên của VA-NGO Network

Center for the Encouragement of Self-Reliance (CESR)
8021 Golfers Oasis Drive, Las Vegas, Nevada 89149
Email: doanlphung2@gmail.com and doanthule@yahoo.com
       Ngày 11 tháng 10, 2011
Kính Gửi:  Thành Viên VA-NGO Network  
Các Hội Thiện Nguyện Phi Chính Phủ (NGOs) khắp nơi
Cá nhân hoặc nhóm người đang giúp đỡ người Việt
Loan Báo
Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (CESR- Center for the Encouragement of Self-Reliance) loan báo ý định đóng góp từ 1000.00 USD tới 10,000.00 USD cho một số thành viên của VA-NGO Network, các hội NGO khác, cá nhân hoặc một nhóm người trong hoặc ngoài nước Việt Nam để quí vị đó có thể giúp thêm người Việt có nhu cầu. Sự đóng góp này sẽ thực hiện trước ngày 31 tháng 12, 2011, với tổng ngân khoản là 200,000.00 USD.

Điều Kiện
Hội thiện nguyện hoặc cá nhân nộp đơn phải hội đủ các điều kiện sau: 
1.  Đã giúp người Việt trong nước hoặc ngoài nước Việt Nam được hơn một năm với chứng từ rõ ràng về tài chánh và kết quả. 
2.  Có thể đóng góp cộng hưởng 1-1 hoặc nhiều hơn bằng các nguồn tài chánh khác, hoặc bằng công sức có thể tính ra tiền mặt. 
3.  Đang có một chương trình giúp người Việt và sẽ dùng tiền đóng góp của CESR để làm tốt hơn, nhiều hơn trong năm 2012.
4.  Nộp hồ sơ qua điện thư trước ngày 30 tháng 11 năm 2011.

Tổ chức nào hoặc cá nhân nào có thể nộp hồ sơ?
  Thành viên của VA-NGO Network hoặc một NGO nào khác đang làm việc từ thiện tại Việt Nam đóng góp vào bẩy yếu tố an ninh con người do Liên Hiệp Quốc quảng bá mà CESR gọi là yếu tố hạnh phúc. Đó là an ninh thực phẩm, sức khỏe, kinh tế, cá nhân, cộng đồng, môi trường và cơ chế. 
  Bất cứ NGO nào, trong nước hoặc ngoài nước, không phải là do chính phủ lập ra, đang giúp người Việt có nhu cầu. 
  Bất cứ cá nhân hoặc một nhóm người nào đang giúp người Việt có nhu cầu.

Làm Đơn 
Đơn không dài quá 10 trang, chữ theo chuẩn font 12, các hàng cách nhau 1.5 dòng và gồm các mục sau:
1.  Chứng minh hội đủ 4 điều kiện trên. Nếu đổi công sức ra tiền tương ứng mà không rõ ràng, hợp lý, và thực tế thì đơn có thể bị loại. 
2.  Diễn tả NGO hoặc cá nhân. Phải viết mới. Các tài liệu in sẵn chỉ có thể liệt vào một phụ bản không dài quá 10 trang và không cần đúng điều kiện về chuẩn font và dòng của đơn chính.
3.  Diễn tả cách dùng tiền đóng góp của CESR. Phải nêu cao mục đích là giúp người nghèo tự lập và bảo trọng danh dự. Phải chứng thực là dùng tiền hợp lý, minh bạch, có kiểm tra, phải cho biết dự tính kết quả của chương trình. 
4.  Ủng hộ tinh thần. Phải có thư ủng hộ ngắn gọn của hai người đáng kính đã quen biết với công tác của người hoặc cơ quan nộp đơn hơn một năm. Hai lá thư này không kể vào giới hạn số trang của đơn như đã nói ở trên.  

Công việc nào hội đủ điều kiện?
Bất cứ công việc nào giúp người Việt có nhu cầu trong nước hay ngoài nước Việt Nam. 
Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (CESR) Là Ai?
CESR là một tổ chức thiện nguyện nhỏ, do TS Phùng Liên Đoàn và bà Đoàn Thu Lê thành lập năm 1997 dùng tiền để dành của chính mình. CESR đã giúp nhiều NGO khác trong những năm qua, và đặc biệt giúp hơn 20 ngàn gia đình nghèo sản xuất, buôn bán tự lập tại hơn 35 địa bàn quanh thành phố Huế. Năm 2008 CESR được Liên Hiệp Quốc trao giải thưởng UN Habitat- Civil Society Innovation. Nhiều hội thiện nguyện trong VA-NGO Network cũng đã trao giải thưởng Bác Ái cho CESR. Hiện nay CESR chủ trương giúp các hội NGO và cá nhân thực hiện công tác thiện nguyện giúp người Việt giống như mục đích của CESR.

Ai là người xét đơn? 
TS Phùng Liên Đoàn và bà Đoàn Thu Lê. 

Tuesday 25 October 2011

Nỗi Niềm “Mưa Huế”

Huế đã bắt đầu vào mùa mưa. Là dân Huế chính gốc không ai là không thấm thía hết hai từ “Mưa Huế”. Mưa Huế có đặc trưng là mưa dầm dề, mưa “thối đất, thối trời, mưa tối tăm mặt mũi, mưa dai dẳng triền miên…
Theo Sách địa chí Thừa Thiên Huế (NXB Khoa học Xã hội, 2005) cho biết chế độ mưa của Thừa Thiên - Huế mang nhiều đặc điểm khác hẳn với Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Nếu khí hậu cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì vùng lãnh thổ Thừa Thiên - Huế chỉ có hai mùa: mưa và ít mưa.
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 với những cơn mưa xối xả, gây ngập lụt kinh hoàng và kéo dài đến khoảng cuối tháng 12 với cơn mưa dầm lê thê. Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh (thường là sau 23-10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia và có năm đến 43 ngày không thấy mặt trời (mùa đông 2007).
Mưa dầm kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau thì tiếp nối bằng những cơn mưa dông mùa hạ sấm chớp đùng đùng. Mùa hè đến với những cơn nắng gay gắt (do Thừa Thiên - Huế cũng nằm trong vùng bức xạ nhiệt dồi dào và nền nhiệt cao), dân gian gọi là “nắng bể đầu”, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể xảy ra lũ lụt. Dân gian Huế đã truyền tụng hai câu thơ bất hủ về đất trời xứ Huế: Tứ thời giai hạ thị - Nhất vũ biến vi đông (Bốn mùa đều là mùa hạ - Chỉ một cơn mưa là biến thành mùa đông).
Và mưa Huế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm hồn người Huế .
Ai đó đã từng nói rằng, thiên nhiên là một phần của tâm hồn con người, là nơi trú ngụ của những trái tim đa sầu, đa cảm và thanh cao. Vậy thì mưa Huế là một phần của tâm hồn người Huế vậy. Con người Huế luôn mang trong mình một nét hiền hòa, sâu lắng. Đặc biệt là con gái xứ Huế. Hay có một bài hát nào đó có câu diễn tả về con người Huế “Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Có thể nói rằng thiên nhiên Huế đã làm cho con người Huế có những nét đặc trưng riêng; làm cho du khách đã một lần đến Huế không sao quên được “Mưa Huế” và con người nơi đây.
Huế vào mùa mưa thường đi kèm với cái lạnh. Có những ngày mưa dài lê thê. Từ sáng đến tối hầu như mưa không lúc nào ngớt. Đi kèm mưa là cái lạnh rét luồn vào da thịt, làm tím tái những khuôn mặt, bàn tay, đôi chân trần đang tất tả mưu sinh trên đường phố.
Trong cơn mưa, hình ảnh những chú xích lô, xe thồ, người bán hàng rong, dân chài lưới ven sông vẫn tất tả ngược xuôi, bất chấp cái lạnh tê người và mưa như xối xả vào mặt để mưu sinh; đó là một sự đấu tranh mãnh liệt, nhẫn nhịn nén khó khăn vào lòng để vươn lên trong cuộc sống. Có lẽ rằng thời tiết Huế đã rèn luyện cho con người Huế cái đức tính kiên trì, chịu thương chịu khó hơn những người dân các xứ khác.
Huế của chúng ta đời sống của người dân đa số còn sống trong cảnh nghèo nàn. Đặc biệt là những người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có lẽ một phần cũng do thời tiết “khắc nghiệt” gây nên. Vào những tháng nắng nóng thì “nắng cháy da cháy thịt” và cháy cả ruộng đồng. Nhưng đến khi mưa xuống thì mưa triền miên, mưa dai dẳng ngập cả đường đi, ngập cả cánh đồng...Gây rất nhiều bất lợi cho người dân Huế.
Và “Trong cái khó, ló cái khôn”, ý tưởng đưa "mưa Huế" thành sản phẩm du lịch đã được đưa ra trong hội thảo khoa học quốc tế "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế" tại TP Huế từ tháng 2-2011. Tiếp nối những ý tưởng đó, hiện nay, cơ quan chuyên môn tỉnh TT-Huế đang thu nhận ý kiến của các chuyên gia về ý tưởng lấy "mưa Huế" làm sản phẩm du lịch. Đây được coi là ý tưởng độc đáo, lãng mạn, có tính khả thi, có thể giúp Huế biến cái bất lợi thành cái có lợi. Đây cũng sẽ là nét độc đáo và mới lạ nhất tại Festival Huế 2012 sắp tới.
Có lẽ với những người dân “chân lấm tay bùn” thì mưa Huế làm cho họ cảm thấy lo lắng. Nhưng với giới văn nghệ sĩ thì mưa Huế làm cho họ có thêm nhiều cảm xúc trong tác phẩm của mình, đặc biệt là trong sáng tác thơ và nhạc. Và cũng đã có rất nhiều tác phẩm thơ ca viết về “Mưa Huế” để những người con xa Huế khi nghe những ca khúc này lại nhớ Huế không nguôi.
Dưới cái nhìn của những người nghệ sĩ thì Huế có nét đẹp gì đó rất mờ ảo.Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì: "Phải ngắm Huế trong màn mưa mờ ảo mới thấy tận cùng nội tâm của người Huế mình". Nhưng với những người dân bình thường như chúng ta thì nghe nói đến “mưa Huế” là thấy “ớn lên tận cổ”.
Nói tóm lại, ‘Mưa Huế” vừa đem đến cho người dân những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, sinh hoạt và đi lại. Nhưng đó có lẽ cũng là một đặc điểm riêng biệt cần được khai thác để “mưa Huế” là đặc sản của Huế dành cho du khách khi đến thăm Huế.

Phan Thị Mến

Monday 17 October 2011

HIỆP SĨ

Đó là người thường ra tay giúp đỡ người khác một cách vô vị lợi.

Chúng ta thường nghe nói tới “ Hiệp sĩ đường phố” giúp bắt bọn cưới giật móc túi trên đường, “Hiệp sĩ thông tin” chuyên trị các Tin tặc trên mạng internet....

Vẫn còn đó nhiều người làm việc tốt giúp người, và có thể gọi họ là những người có tinh thần hiệp sĩ như: cứu người chết đuối; cứu dân  trong thiên tai, thảm họa; cứu người lương thiện bị truy sát trên đường; bảo về người yếu thế...

Mong rằng tinh thần hiệp sĩ này sẽ được nhân rộng không những trên đất liền lục địa và còn lan rộng ra ở các vùng biển và hải đảo xa xôi, lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.

Mong có nhiều tấm gương xả thân để cứu ngư dân bị ức hiếp trên biển, khi lãnh hải bị gây hấn và xâm phạm lấn chiếm.

Tinh thần xả thân đó chắc chắn sẽ nhanh chóng đưa sự thực lịch sử-vốn có ra phân xử tại tòa án quốc tế.

Và chiến thắng cuối cùng chắc sẽ đến vì chân lý thuộc về chúng ta, một dân tộc có tinh thần hiệp sĩ, yêu hòa bình.

PVH

Friday 14 October 2011

“ÔNG KHÔNG PHẢI BỐ TÔI !”

Đó là tên vở kịch nổi tiếng của kịch gia Lưu Quang Vũ phản ánh thực tế xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới ở thế kỹ trước kéo theo luân thường đạo lý xã hội đổi thay. Trong vở kịch, khi anh con trai cãi láo với bố đẻ thường thốt ra câu cửa miệng: “ Ông không phải bố tôi”.

Và dưới đây là một câu chuyện tiếu lâm tôi nghe được thời bao cấp:
Một phó thường dân nhặt ở bên vệ  đường một  BẢN TỰ KHAI có nội dung trích yếu....
“Tên khai Sinh: VN Dân Chủ Cộng Hòa
Tên thường gọi: CH XHCN VN
Tên bố: Liên Bang Cộng Hòa XHCN Xô Viết
Tên mẹ: CHND Trung Hoa
Tình trạng hôn nhân của bố mẹ: Đã li dị”

Đó là một câu chuyện tiếu lâm thâm thúy, có lý mà cũng vô lý.
Có lý:
+ Con lấy họ của cha, và ít tuối hơn cha; vì con sinh năm ’45, cha sinh năm ‘17
+ Liên Xô và Trung Quốc đã không còn nhìn mặt nhau thời chiến tranh lạnh, sau đó TQ xích lại gần Hoa Kỳ để hất ghế Đài Loan ở Liên Hợp Quốc và thừa cơ cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Vô lý:
 +Mẹ sinh năm ’49, sau con 4 năm nên không thể là mẹ đẻ, ngoại trừ “mẹ ghẻ”, còn làm bố của VN thì lại càng không logic.
+Tự khai thường dùng cho khai về nhân thân, các quốc hiệu nêu trên về bản chất  không có tính dân sự nên không thể hợp lý nếu là trích từ  nội dung trong BẢN TỰ KHAI.

Quay lại vở kịch đã nêu, chúng ta biết người bố là bộ đội thời chống Pháp, sau giải phóng tiến về thủ đô được cấp một chổ ở bao cấp. Ông cùng vợ đã chật vật nuôi người con trai ăn học nên người ở nơi gạo châu củi quế. Hết lòng yêu thương con, hy sinh vì con bằng lòng phụ tử  và không mong ngày con báo hiếu Chắc hẵn ông mang i lòng tin tưởng vô hạn ở sự giáo dục của chế độ XHCN tươi đẹp. Đùng một cái, ông phải đối mặt với việc mất chổ ở do bị đứa con ruột thịt đuổi với câu chửi sa sả: “ Ông không phải bố tôi”.

Đó! Xã hội mà Tam Cương “ Quân – Sư - Phụ” bị coi thường đến như vậy thì tình huynh đệ  ngày nay còn có nghĩa lý gì đâu!!!
Mở rộng ra việc giải quyết tình hình biển Đông hiện tại giữa VN và TQ, tôi tuyệt nhiên không tin tưởng vào sự cam kết dựa trên tình huynh đệ, đồng lòng, đồng hướng, có thêm màu mè với số má gì đó (có thể chúng ta rất thực lòng, cả tin)  mà nhất quyết phải dựa vào luật pháp quốc tế đặc biệt là Luật Biển 1982 và chứng cứ là sự thật lịch sử.

Cũng như ông bố trong vở kịch trên, (cũng như bao ông bố khác trong đời thường) , nếu biết phòng xa, biết nghi vấn TAM CƯƠNG của Nho giáo cổ hũ(trong tình hình mới) ông sẽ làm giấy tờ nhà đất đứng tên chung vợ và chồng thì sẽ không thể xảy ra sự cố đau lòng theo kết cục của “ vở kịch”.

« Ông không phải là bố tôi ! »
« Bà không phải là mẹ tôi ! »
« Ông phải phải là gì của tôi cả ! »

Tiếng hét văng vẳng trong vở kịch cất lên, lại nhớ Lưu Quang Vũ đến nao lòng !
Đâu đó tình Huynh đệ ngập tràn....tiếng tung hô.....hố...

PVH

Wednesday 12 October 2011

HY VỌNG

Trên bàn giữa căn phòng của một tòa nhà rộng lớn, nơi triển lãm các di tích của cuộc chiến tranh và hình ảnh các nạn nhân, có bốn cây nến được đốt lên. Khói và ánh sáng của chúng quyện lấy nhau. Bốn bề vắng vẻ tĩnh lặng. Cây nến thứ nhất thở dài lên tiếng.
- Tên tôi là Hoà Bình. Ánh sáng của tôi được chiếu tỏa mọi nơi, nhưng chẳng có người nào thèm để ý tôi nữa. Họ không muốn nói với tôi, họ không muốn tôi có mặt.
Rồi ngọn nến dần tàn và tắt lịm…
Cây nến thứ hai nói:
- Tên tôi là Niềm Tin, nhưng dường như tôi không còn hữu dụng nữa. Bởi lẽ không còn bao lâu con người cũng chẳng tin vào nhau nữa. Vì thế, không có lý do gì để tôi còn sáng lên làm gì nữa, đột nhiên một cơn gió mạnh thổi đến và ngọn nến cũng tắt lịm. Với giọng buồn, cây nến thứ ba cũng thì thầm:
- Tôi tên là Tình Yêu, và tôi chẳng còn hứng thú gì để bừng sáng cả, vì người ta đã gạt tôi ra bên ngoài. Họ chỉ biết chính họ và không thèm để ý đến một ai khác để yêu thương và nâng đỡ. Rồi một cơn gió ập vào và chẳng còn thấy ánh nến của nó đâu cả. Chỉ còn trơ trọi một ngọn nến leo lét trong phòng. Một cậu bé đến cạnh cây nến đang sắp tắt. Lắng nghe tiếng khóc cùng nỗi lo của nó, cậu bé an ủi:
- Đừng lo! Ta sẽ giữ cho ánh sáng của ngươi khỏi tắt và ta sẽ đốt sáng những ngọn nến đã tắt kia vì tên ta là Hy Vọng. Rồi cậu bé lấy diêm thắp lại tất cả các ngọn nến.
Cuộc sống của chúng ta dường như đang chìm trong khói lửa chiến tranh và bom đạn đang diễn ra ở một nơi trên thế giới trong những ngày qua. Phải chăng ngọn nến của Hòa Bình, của Niềm Tin, của Tình Yêu đã tắt lịm nơi tâm hồn con người?
Xin đừng quá lo lắng vì chắc hẳn trên đời này còn biết bao người đang tiếp tục công việc của cậu bé là thắp lên niềm Hy Vọng trên những ngọn lửa của Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu. Vì thế, trên thế giới vẫn đang có biết bao sứ giả đang mang niềm hi vọng cho nhân loại và cho thế giới hôm nay.
Ngọc Thủy ( sưu tầm)

Monday 10 October 2011

CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA CÁI THIỆN VÀ CÁI ÁC, GIỮA NGƯỜI XẤU VÀ KẺ TỐT

Qua nhiều câu chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Thạch Sanh – Lý Thông… Ta thấy rõ đượcc từ xưa đến nay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người  tốt và kẻ xấu vô cùng gian nan, phức tạp. Tuy nhiên, phần thắng luôn thuộc về người tốt và cái thiện.
Vậy thế nào là cái thiện, cái ác, người tốt và kẻ xấu? Cái thiện là những điều tượng trưng cho chính nghĩa, việc làm đúng đắn. Cái ác là những điều xấu xa, thấp hèn. Người tốt luôn hướng tâm mình về cái thiện, được người người ca ngợi còn kẻ xấu luôn gắn với cái ác, làm những việc sai trái và bị mọi người khinh rẻ. Trong cuộc sống, không ai muốn là người xấu cả mà chỉ có người vì lòng đố kỵ, ganh ghét làm họ đi sai con đường chính nghĩa và vô tình tự biến mình thành kẻ xấu. Có những người biết hoàn lương nhưng cũng có người chẳng những không nhận ra lỗi lầm mà còn càng quấy, quá đáng để cuối cùng họ phải nhận lấy hậu quả thảm thương.
Ngày xưa trong những câu chuyện cổ tích mà bà và mẹ hay kể như: Tấm Cám…, luôn xuất hiện 2 thế lực tốt và xấu. Những người tốt vì bản thân họ quá hoàn hảo, quà từ tâm nên bị người khác ganh ghét và hãm hại. Còn những kẻ xấu vì không muốn ai tài giỏi hơn mình nên đã đánh mất lương tâm mà thực hiện những hành vi tàn nhẫn. Tấm cũng vậy, 5 lần 7 lượt bị mẹ con Cám hành hạ, giết hại nhưng nàng vẫn sống và quyết vùng dậy giành lại hạnh phúc, cuộc sống vốn thuộc về nàng. Điều đó cho ta thấy tuy người tốt luôn bị kẻ xấu hãm hại nhưng họ sẽ gặp may mắn và nhờ sự nỗ lực của bản thân mà họ sẽ giành chiến thắng. Trong cuộc sống có 2 con đường – sáng tượng trưng cho cái thiện và tối tượng trưng cho cái ác – để lương tâm và lý trí ta dẫn dắt. Đừng vì những chuyện không đáng mà đánh mất chính mình. Thay vì ganh tỵ rồi hãm hại người bằng hành động , hoặc những lời nói sau lưng người khác sao ta không tự nỗ lực để mình hoàn hảo hơn. Muốn thành kẻ xấu rất dễ nhưng để trở thành người tốt là rất khó, là cả 1 quá trình đấu tranh tư tưởng trong mỗi con người. Trong công việc, cũng như mọi hành động cần tránh xa những cám dỗ tầm thường và phải phấn đấu chống lại biểu hiện của cái xấu từ khi nó mới hình thành nhen nhóm trong tâm trí,
Cuộc sống không đơn giảng như người ta vẫn nghĩ, mỗi người tự biết điều chỉnh bản thân để không lầm đường lỡ bước’, tự phấn đấu để trở thành người tốt, thẳng thắn phê phán, bổ sung những điểm tốt để tự hoàn thiện chính mình và giúp những người đang bị cái xấu lôi kéo thành người xấu. Có như vậy xã hội, tổ chức hay đơn giản hơn là gia đình mới càng tốt đẹp hơn.

Đức Nhân

Friday 7 October 2011

10 ĐIỀU TUỔI TRẺ THƯỜNG LÃNG PHÍ

Trong hành trình tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa, nếu bạn lỡ coi thường một trong 10 điều thiết yếu dưới đây, coi như bạn đã tự đánh mất một phần nhựa sống của chính mình.
Sức khoẻ: Lúc còn trẻ, người ta thường ỷ lại vào sức sống tràn trề đang có. Họ làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống không điều độ…. Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn.
Thời gian: Mỗi thời khắc “vàng ngọc” qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà không hiếm kẻ ném 8 giờ làm việc qua cửa sổ. Mỗi ngày, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là “không”, hãy xem lại quỹ thời gian của bạn nhé!
Tiền bạc: Nhiều người hễ có tiền là mua sắm, tiêu xài hoang phí trong phút chốc. Đến khi cần một số tiền nhỏ, họ cũng phải đi vay mượn. Những ai không biết tiết kiệm tiền bạc, sẽ không bao giờ sở hữu được một gia tài lớn.
Tuổi trẻ: Là quãng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao. Vậy mà có người đã quên mất điều này. “Trẻ ăn chơi, già hối hận” là lời khuyên dành cho những ai phí hoài tuổi thanh xuân cho những trò vô bổ.
Không đọc sách: Không có sách, lịch sử im lặng, văn chương câm điếc, khoa học tê liệt, tư tưởng và suy xét ứ đọng. Từ sách, bạn có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới. Thật phí “nửa cuộc đời” cho nhưng ai chưa bao giờ biết đọc sách là gì!
Cơ hội: Cơ hội là điều không dễ dàng đến với chúng ta trong đời. Một cơ may có thể biến bạn thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền. Nếu thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay, bạn khó có thể tiến về phía trước.
Nhan sắc: Là vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ. Có nhan sắc, bạn sẽ tự tin và chiếm được nhiều ưu thế hơn so với người khác. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của nhan sắc có hạn. Thật hoang phí khi để sắc đẹp xuống dốc. Hãy chăm sóc mình ngay từ bây giờ.
Sống độc thân: Phụ nữ ngày nay theo trào lưu “chủ nghĩa độc thân”. Thực tế là khi sống một mình, bạn rất cô đơn và dễ cảm thấy thiếu vắng vòng tay yêu thương của chồng con. Bận bịu gia đình chính là một niềm vui. Sống độc thân, bạn đã lãng phí tình cảm đẹp đẽ ấy.
Không đi du lịch: Một vĩ nhân đã từng nói: “Khi đi du lịch về, con người ta lớn thêm và chắc chắn một điều là trái đất phải nhỏ lại”. Vì thế, nếu cho rằng đi du lịch chỉ làm hoang phí thời gian và tiền bạc, bạn hãy nghĩ lại nhé!
Không học tập: Một người luôn biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công hơn người chỉ biết tự mãn với những gì mình biết. Nếu không học hành, bạn đang lãng phí bộ óc đấy!

Q.H (st)

Wednesday 5 October 2011

VIỆC SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT HIỆN NAY

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên thế giới phân biệt với nhau là nhờ các yếu tố: lãnh thổ, chế độ chính trị, văn hóa, dân tộc. Trong đó yếu tố đóng vai trò quan trọng không kém các yếu tố chủ yếu khác như lãnh thổ hay văn hóa chính là ngôn ngữ, là tiếng mẹ đẻ. Trong những ngôn ngữ trên thế giới, tiếng Việt có lẽ là thứ ngôn ngữ phong phú nhất, trong sáng nhất. Tuy nhiên hiện nay vẻ trong sáng ấy của tiếng Việt đang dần bị đánh mất từng ngày.

    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại…Theo dòng cuốn của quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Vì thế từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đấy còn thiếu vắng, chẳng hạn trong lĩnh vực tin học, kỹ thuật số, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường v.v. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ” làm mất đi hoàn toàn bản sắc vốn có của tiếng Việt.

    Thực tế cho thấy, tiếng Việt hiện nay đang dần dần bị sử dụng sai đi về mọi mặt một cách cố ý. Từng chữ, từng âm, cách viết, cách đọc, chính tả… tất cả đều bị thay đổi một cách kì lạ mà các bạn trẻ vẫn biện minh theo suy nghĩ của chính mình là đa dạng hóa tiếng Việt, “dễ thương hóa” hay “teen hóa” tiếng Việt. Điều này rất dễ để kiểm chứng, hãy thử lướt một vòng vào các diễn đàn (forum), các trang nhật ký cá nhân (blog) hay đơn giản là tán gẫu hàng ngày (Chat) xem. Trong đó có bao nhiêu phần trăm là tiếng Việt, bao nhiêu phần trăm là tiếng gì đó (không thể định nghĩa được đó là thứ ngôn ngữ gì, nhiều bạn trẻ gọi là ngôn ngữ teen, ngôn ngữ 9X). Vào một diễn đàn của những “9X” nói trên, những khung chữ chat, ta dễ dàng bắt gặp thứ ngôn ngữ ấy. Chẳng hạn như câu: “Ngày mai chắc tớ không đi dự tiệc sinh nhật của bạn rôi, bài vở nhiều quá, với lại nhà đi bận việc hết, chỉ còn mình tớ.”, khi chuyển thành ngôn ngữ 9X đơn giản sẽ là:”Ngaj` maj chak to’ hk dj party of you uj`, pai` vo~ nhiu` woa’, zj laj nha` busy hjt’ uj`, to’ alone”. Hoặc nếu thêm những quy tắc thường dùng của ngôn ngữ 9X như viết hoa tùy ý, thay chữ bằng số, thêm tiếng lóng thì sẽ trở thành: “nG4j` m4j cH4k tO’ hK dJ p4rtY of y0u Uj`, p4j` v0~ nhIu` vãj, zj l4j nh4` bUsy hjK rUj`j, I’m 4l0n3”. Không chỉ vậy, có rất nhiều quy tắc của ngôn ngữ 9X như: chữ c thay bằng k, gì thay bằng j, không thay bằng ko hoặc hk, rồi thay bằng ùi, oài, rùi, biết thay bằng pít, pk … rất nhiều quy tắc. Ngoài sự tự thay đổi cấu trúc tiếng Việt nói trên, còn là việc lạm dụng từ nước ngoài quá mức cần thiết. Điển hình như hiện tượng các phương tiện truyền thông thường xuyên dùng từ nước ngoài (hầu hết là tiếng Anh) trong khi tiếng Việt vẫn có đủ những từ diễn đạt được như: show (biểu diễn), live-show (biểu diễn trực tiếp), nhạc classic (nhạc cổ điển), nhạc country (nhạc đồng quê), nhạc dance (nhạc nhảy), các fan (người hâm mộ)...

    Ngoài nguyên nhân khách quan là do sự giao thoa văn hóa đã nêu trên, thì nguyên nhân chính vẫn là tâm lý “thích sành điệu, thích được xem là dân chơi” của đa phần giới trẻ. Cho dù có giỏi ngoại ngữ đến đâu mà không biết thể hiện đúng và nhuần nhị Tiếng Mẹ đẻ thì đã là điều đáng buồn rồi, huống chi, những bạn mới có chút ít vốn liếng ngọai ngữ đã tỏ ra ta đây, nói một câu tiếng Việt phải chêm vào vài tiếng Anh cho “oai” . Có người biện minh, đổ thừa tiếng Việt ko đủ sức diễn đạt ngữ cảnh của lời nói, đó là một lời biện minh không thể chấp nhận. Bằng chứng là từ mấy trăm năm trước, tiếng Việt đã đủ tinh tế để làm nên tác phẩm bất hủ là Truyện Kiều. Ngày nay, tiếng Việt đã đủ phong phú đến mức mọi giáo trình bậc đại học cũng như mọi công trình nghiên cứu đều có thể viết bằng tiếng Việt. Cũng có ý kiến nói đó là một cách thực hành ngoại ngữ, điều cần thiết của quá trình hội nhập. Nhưng đâu phải chúng ta không có điều kiện thực hành ngoại ngữ đến nổi phải như vậy, ở những đô thị chúng ta có thừa những lớp học ngoại ngữ, thừa những cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài.

    Nếu chỉ mải mê học ngoại ngữ và dùng ngoại ngữ mà coi nhẹ việc giữ gìn bản sắc và trau dồi tiếng Việt thì có thể đến một lúc nào đó, Tiếng Việt không còn là niềm đáng tự hào về sự phong phú, tinh tế và sự trong sáng vốn có từ xưa. Cha ông ta đã hy sinh xương máu qua các cuộc chiến tranh để giành độc lập cho dân tộc, một phần xương máu ấy đã đổ xuống để giữ lấy sự độc lập, bản sắc nền văn hóa, trong đó có cả sự độc lập của tiếng Việt. Vì thế sử dụng tiếng Việt một cách không đúng đắn chẳng khác gì thái độ vô ơn, vô cảm trước những hy sinh mất mát ấy.

    Một quốc gia hoàn toàn tự do độc lập, thì ngôn ngữ của quốc gia ấy cũng phải độc lập, không được pha trộn, lai tạp với những thứ ngôn ngữ khác. Vì thế, ngay từ bây giờ cần có ngay những biện pháp để giữ những phẩm chất đẹp của tiếng Việt. Trước hết là Nhà nước nên có quy định chặt chẽ và viện Ngôn ngữ học phải có trách nhiệm đề xuất, xây dựng quy định chuẩn về việc dùng từ tiếng nước ngoài trong các văn bản, nhất là văn bản chính thức của nhà nước. Các trường học phải chú trọng, đẩy mạnh giáo dục học sinh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Các bạn trẻ cần phải tự nhận thức được niềm tự hào và ý thức dân tộc trong việc sử dụng tiếng Việt để tiếng Việt vẫn mãi đẹp, vẫn mãi phong phú, tinh tế, trong sáng như bản sắc vốn có từ lâu.

    Tiếng Mẹ đẻ vốn là một đặc trưng sống còn của một dân tộc. Qua hàng mấy nghìn năm hình thành và phát triển, chúng ta có thể tự hào về sự phong phú và tinh tế của Tiếng Việt. Sử dụng đúng cách, giữ gìn bản sắc của tiếng Việt và góp phần làm cho nó ngày càng phong phú hơn là trách nhiệm nhưng cũng là điều tự hào của công dân Việt Nam, nhất là giới trẻ.

Đức Nhân

Monday 3 October 2011

PHÁT TIỀN HỖ TRỢ TIẾT KIỆM NGÀY HỌC PHÍ Ở LỚP MẪU GIÁO TỔ 11-PHƯỜNG PHÚ BÌNH, TP HUẾ

Như đã lên kế hoạch từ trước, đúng hẹn chúng tôi đã có mặt tại lớp học nhà trẻ Trường Mẫu Giáo Phú Bình, tổ 11 vào lúc 15g30 ngày 28/09/2011. Đến nơi, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một khung cảnh có vẻ tiêu điều, vắng vẻ hơn trước. Lớp học giờ trống trơn không một bóng dáng các em học sinh vui vẻ chơi đùa như mọi ngày. Nền nhà thì nhếch nhác chưa có ai quét dọn, các cánh cửa thì như chỉ chờ để sụp xuống nếu không may có một cơn gió vô tình thổi qua. Hỏi ra thì tôi mới được biết cô giáo Nhật Anh phụ trách lớp đang nghỉ ốm và có lẽ tình trạng này còn có thể tiếp diễn thêm một thời gian dài. Các em nhỏ ở đây lại phải tiếp tục lang thang chơi đùa trong không gian ẩm ướt, chật chội của khu xóm nghèo nàn, nhếch nhác. Nhìn thấy các em như vậy, chúng tôi không khỏi chạnh lòng và đọng lại một nỗi buồn miên man khó tả. Buồn vì điều kiện của các em không được như bạn  bè đồng trang lứa. Các em không được mặc áo quần đẹp và không có một không gian học tập sạch sẽ, tươm tất và trang thiết bị học tập tiện nghi, đầy đủ. Trong lúc này có lẽ các bậc phụ huynh chỉ có thể cầu chúc cho cô giáo sớm hồi phục sức khỏe để các em được tiếp tục vừa vui chơi vừa học tập và như vậy cha mẹ các em  mới có thể yên tâm tập trung vào công việc của mình.
Cũng trong dịp này, chúng tôi cũng tiến hành phát tiền tiết kiệm sáu tháng đầu năm bắt đầu từ 18/2/2011 đến 24/9/2011 cho 14 phụ huynh với số tiền tiết kiệm lên đến 4.226.000 đồng (cộng với số tiền lãi là 1.267.800 đ). Tổng số tiền tiết kiệm và hỗ trợ đóng góp cho đợt này là 7.308.800 đồng. Một khoản tiền tuy không lớn nhưng cũng phần nào hỗ trợ động viên các bậc phụ huynh có điều kiện chăm lo và cải thiện điều kiện học tập cho các em được tốt hơn trong thời gian sắp tới.
Tiền tiết kiệm từ phụ huynh các cháu mẫu giáo được trực tiếp nộp cho cô giáo mỗi ngày khi đưa các cháu tới lớp. Hàng tuần, nhân viên của CESR sẽ tới thăm lớp, trao đổi thông tin về lớp học và nhận tiền cô giáo nhận được từ phụ huynh trong tuần và nhập vào ngân hàng. Số tiền lãi 30% CESR hỗ trợ là tiền hỗ trợ của Công ty rượu Sake Nhật Bản và tiền lãi của khoản tiền gửi vào ngân hàng. Khi thiết kê chương trình tiết kiệm hàng ngày này, chúng tôi đã họp mặt các vị phụ huynh, trên địa bàn với thông điệp mong muốn họ quan tâm tới việc giáo dục con trẻ bằng việc làm đơn giản mỗi ngày như: tiết kiệm chi tiêu không cần thiết để có tiền tiết kiệm hàng ngày và đưa con tới lớp học, luôn có kế hoạch chi tiêu trong đó có khoản lo cho con ăn học trong tương lai, và tiết kiệm trả nợ hay kế hoạch mua sắm trong gia đình..., tức là từ hành động tiết kiệm khoản tiền nhỏ hàng ngày để thay đổi hành vi tiêu tiền, tiết kiệm và lập kế hoạch của các phụ huynh nghèo trong tổ 11-Bờ Thành.
Tiền hỗ trợ 3 suất học phí tiêu học với 605.000 đ/cháu cũng được công ty Sake Nhật Bản tại Huế giúp đỡ.
Nhân đây chúng tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn Công ty rượu sake Nhật Bản tại Huế đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt mấy năm qua trong việc hỗ trợ tiền sửa chữa nhà vệ sinh, tặng áo ấm mùa đông, tặng xe thu gom rác thải cho tổ tự quản, tặng tiền học phí cho các cháu vào lớp một ở địa bàn tổ 11- phường Phú Bình và mong nhận được sự giúp đỡ của quí công ty trong các hoạt động thiện nguyện của CESR trong thời gian tới.

Ngọc Thủy