Wednesday 30 November 2011

BỆNH VÔ CẢM

Hiện nay, internet đã phổ cập gần như hoàn toàn. Mọi thông tin được cập nhật liên tục, ta có thể biết được mọi việc gần như tức thì. Đọc báo báo cũng là một phần tiếp nhận thông tin mới và hiện nay các báo cũng đăng tải nhiều tệ nạn xã hội Nhất là cướp của người bị nạn đây xem như là một hành động thật là tàn nhẫn.
Trong cuộc sống ồn ào và náo nhiệt hiện nay, song song với việc phát triển của xã hội thì cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm, trong đó có căn bệnh vô cảm. Rất nhiều tệ nạn và hiện tượng thể hiện căn bệnh vô cảm không kể hết. Sở dĩ nảy sinh căn bệnh này vì những người đó không tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, không có lòng nhân đạo, thờ ơ với mọi người, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng quá kém. Đó là 1 loại bệnh gần như stress, nó thường xuất hiện khi xã hội có những yếu tố vượt quá mức bình thường, ví dụ ngày trước lâu lâu mới thấy 1 người ăn xin thì mình thấy tội và giúp họ 1 ít tiền, bay giờ thì có 1 đống tiền cũng không giúp nổi vì quá nhiều ăn xin, rồi tai nạn cũng vậy, rồi vé số cũng vậy........Bệnh này sẽ làm cho con người dần dần xa cách nhau.
Vô cảm có nhiều nguyên nhân gây nên, và các yếu tố dễ gây nên bệnh này nhất là do gia đình, bạn bè hay chính bản thân không vượt qua được khó khăn trong phút chốc, làm cho tinh thần suy giảm, lo lắng, sợ hãi, cuối cùng họ không muốn tiếp xúc hay nói chuyện với những người xung quanh.Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra hàng ngày. Liệu rằng chúng ta đã hiểu rõ căn bệnh này chưa?nguyên nhân hình thành như thế nào? tác hại ra sao? đó là 1 khó khăn .... vô tức là không, cảm tức là tình cảm cảm xúc của con người. Vô cảm tức là không có cảm xúc trước bất kì sự vật sự việc gì.chẳng hạn như : - Không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, mặc dầu mình có điều kiện có thể giúp đỡ được. Rất nhiều người, nhất là thanh niên nam nữ, khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Đi đường gặp người bị tai nạn vẫn bỏ đi không sẵn sàng cứu giúp. Thậm chí có kẻ còn nhân cơ hội tìm cách lấy cắp tiền của người bị nạn. - Thấy người tàn tật không giúp đỡ, trên xe buýt, ở nơi công cộng, không nhường chỗ cho người tàn tật, có khi lại còn cười trước những khuyết tật của họ. - Những người có trách nhiệm giải quyết, nhưng không quan tâm giải quyết công việc cho người dân, mặc dân phải đến trình bày lần này lượt khác, có khi còn vòi vĩnh rồi mới giải quyết.
Sở dĩ nảy sinh căn bệnh này vì những người đó không tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, không có lòng nhân đạo, thờ ơ với mọi người, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng quá kém, không giữ được truyền thống quý báu của dân tộc ta là "thương người như thể thương thân"
Để chữa trị căn bệnh này, chúng ta phải lên án thật quyết liệt và cùng chung tay cùng hòa nhịp con tim để lắng nghe người khác nói, không chỉ với những con người mắc căn bệnh vô cảm mà ngay cả những người đang ở xung quanh mình. Hãy biết lắng nghe và chia sẻ, dành những tình cảm chân thành để giúp họ vượt qua khó khăn, sống một cuộc đời tươi đẹp nhất.

D.N

Monday 28 November 2011

LÒNG NHÂN ÁI

Con người sinh ra có một đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, một bộ óc để suy nghĩ….Và có một trái tim để yêu thương. Con người biết yêu thương quan tâm sẻ chia với mọi người là con người có lòng nhân ái Steve Godier đã khẳng định: “Lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người”. Nhân ái là cái gốc của đạo đức con người, là nền tảng của luân lí xã hội. Không có tình thương con người chỉ là một con vật. Nhà văn Nam Cao trong tác phẩm “Đời thừa” đã khẳng định: “Tình thương là lẽ sống, là tiêu chuẩn làm người lớn nhất. Một con người có lòng nhân ái là phải biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc những người thân yêu nhất của mình”.
   Đó là cha mẹ người cho ta cuộc sống, cho ta được biết thở bầu không khí trong lành, cho ta dòng sữa ngọt ngào với tình thương không bao giờ vơi cạn. Đó là ông bà là anh em ruột thịt, là bạn bè, bà con lối xóm,…..Biết yêu thương mình, yêu thương những người thân yêu, yêu đồng bào chung một bọc, yêu thương đồng loại đó chính là biểu hiện của tấm lòng nhân ái. Tinh yêu thương ấy không chỉ biểu hiện ở tấm lòng, lời nói mà còn những hành động cụ thể: Một tấm áo gửi đồng bào miền Trung lũ lụt, một hành động giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn, một mùa hè xanh tình nguyện, một giọt máu cứu giúp người đang lâm trọng bệnh, một cái nắm tay, một ánh mắt đồng cảm sẻ chia,….Đó là những nghĩa cử bình thường mà cao đẹp của những tấm lòng nhân ái. Biểu hiện cao nhất của tấm lòng nhân ái chính là đức hi sinh. Những người chiến sĩ như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm sẵn sàng cống hiến tuổi xuân cho đất nước, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọ người. Những bà mẹ Việt Nam tảo tần lặng lẽ hi sinh cuộc đời vì chồng con, vì đất nước. Người sinh viên lao mình xuống dòng nước lũ cứu những em nhỏ,…Họ đã quên cả bản thân mình vì người khác. Họ là những con người dũng cảm, những trái tim yêu thương.
    Lòng nhân ái đã trở thành nét đẹp truyền thống Việt Nam. Tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” là đạo lí ngàn đời của dân tộc. Nhũng cái tết của người nghèo, những mái ấm tình thương, nối vòng tay lớn, chung một trái tim, đã làm ấm lòng những người con đất Việt. Những ngôi nhà được cất lên, những mái trường được dựng lại, bình yên trở về sau nhũng bão giông nở nụ cười trên môi những đứa trẻ tật nguyền bất hạnh, những con người lầm lạc tìm thấy niềm tin ở sự khoan dung của cộng đồng….
    Ngạn ngữ có câu: “Lòng nhân ái là vũ khí cao thương nhất để khắc phục kẻ thù”. Lòng nhân ái là sức mạnh bởi nó làm cho sức mạnh trở nên vô nghĩa. Đất nước ta đã tững đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, dấu ấn để lại trong những người lính không chỉ là tinh thần chiến đấu kiên cường mà còn là những con người Việt Nam nhân ái, bao dung.
    Lòng nhân ái không phải là những gì cao đạo, xa vời, càng không phải lòng thương hại, sự bố thí. Lòng nhân ái có thể là một tình yêu, một lòng tốt bình thường nhưng có sức mạnh lớn lao có thể làm biến cải con người. Một bát cháo xoàng xĩnh với tình yêu thương thô mộc của Thị Nở đã đánh thức lương tâm của Chí Phèo, kéo một con người trở về cuộc sống của người lương thiện. Kiệt tác của bác Bomen trong “Chiếc lá cuối cùng” của Ohenri được vẽ bằng trái tim yêu thương và lòng nhân aiscao cả đã có sức mạnh kì diệu cứu cô bé Gionxi nằm trên giường bệnh trong cơn tuyệt vọng. Lòng nhân ái có thể làm tăng cuộc sống tinh thần cuẩ con người, làm phong phú tâm hồn người cho đi. Đừng bao giờ nuối tiếc vì cho đi tình yêu chính là cách nhân lên tình yêu. Cho đi người ta sẽ nhân lại được rất nhiều. Nhân ái với mọi người ta thấy tâm hồn mình thật giàu có.
   “Lòng nhân ái mang một sức mạnh lớn lao làm cho cuộc sống nhân loại trở lên tốt lành”. Ngạn ngữ Nga đã từng nói như vậy bởi “Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu”. Nếu không có tình yêu thương, cuộc sống sẽ trở thành địa ngục, Trái Đất sẽ trở thành nấm mồ lạnh giá và dẫu khi ấy trái tim ta chưa ngừng đập sống cũng chỉ là vô nghĩa. Nhà sư phạm người Nga XuKhôm Linxki đã nói: “Nếu những đứa trẻ dửng dưng với những điều đang xảy ra trong trái tim người bạn, bố mẹ hoặc bất cứ người đồng bào nào em gặp. Nếu những đứa trẻ không biết đọc trong ánh mắt người khác trong trái tim người đó sẽ không bao giờ trở thành con người chân chính”. Bài học làm người đầu tiên là bài học về lòng nhân ái, sự can đản, sẻ chia.
    Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ ngừng yêu thương. Niềm yêu thương đong đầy cho tất cả, ta sẽ thấy vị ngọt mát cuộc đời.

Đức Nhân

Friday 25 November 2011

ÁO ẤM ĐẾN TRƯỜNG

Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khá đầy đủ và no ấm. Nhưng đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn rất nhiều con người khổ cực và có được một bữa ăn ngon, một manh áo ấm đối với họ đã là quý giá lắm rồi. Cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn vất vả và những người nghèo vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cho mình những cơ hội để cải thiện  và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên với vùng đất đã từng trải qua nhiều súng đạn của chiến tranh và khó khăn về thiên thời địa lợi thì quả thật những nỗ lực xóa đói giảm nghèo của lãnh đạo chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn là dấu chấm bỏ lửng. Mùa đông lại đang đến gần, cái mưa cái rét càng làm cho cuộc sống của họ thêm phần khó khăn. Chuẩn bị được một bữa cơm đầy đủ cho gia đình đã khó, kiếm được manh áo ấm lại còn khó hơn.
Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn đó, chúng tôi những nhân viên Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập Huế đã quyết định ưu tiên chọn một số địa phương vùng sâu vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn và qua đó hỗ trợ 400 suất áo ấm cho các phường xã thuộc huyện Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy và các vùng lân cận trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế với mong muốn sưởi ấm cho các em nhỏ trong mùa đông giá lạnh đồng thời phát huy tinh thần “ tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” nhằm đem đến những gì tốt đẹp nhất dành tặng  các em.
Mùa đông năm nay ở Huế tuy có ấm hơn nhưng vẫn còn khá se se lạnh thế mà hầu như các em ở những nơi đây vẫn chỉ độc nhất trong một chiếc áo cộc phong phanh đến trường làm dấy lên trong chúng tôi một niềm cảm xúc bồi hồi, khó tả.
Không những thế, trang thiết bị cơ sở vật chất của trường còn quá nghèo nàn và xuống cấp khá trầm trọng. Nhìn những dãy phòng nhếch nhác và cũ kỹ đối lập với hình ảnh các em nhỏ hồn nhiên chơi đùa phần nào làm nguôi đi những cảm xúc ban đầu của chúng tôi khi mới đặt chân đến những nơi đây.
Có thể nói, nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng và lên kế hoạch từ trước nên công việc trao tặng áo diễn ra rất nhanh chóng và thuận lợi hơn so với dự kiến. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự phối hợp tốt và hiệu quả của quý nhà trường, các chính quyền địa phương đã tạo điều kiện tối đa cho chúng tôi hoàn tất công việc của mình một cách thành công và tốt đẹp.
Nhân đây, chúng tôi, các em học sinh và toàn thể quý nhà trường xin chân thành cảm ơn các quý nhà tài trợ, các nhà hoạt động thiện nguyện đã luôn dốc hết sức lực và khả năng của mình để chăm lo và quan tâm giúp đỡ  cho các em được có thêm chiếc áo ấm để mặc trong tiết trời chuyển đông sắp đến. Những tấm lòng dù lớn hay nhỏ nhưng gộp lại  sẽ tạo thành món quà lớn và hết sức có ý nghĩa và là niềm động viên lớn cho các em quyết tâm nỗ lực phấn đấu không ngừng trong công việc học tập của mình.
“Hãy mở rộng tấm lòng mình vì một xã hội tốt đẹp hơn và góp phần xây dựng thế hệ tương lai của đất nước là thông điệp mà chương trình muốn chuyển tải đến cho tất cả những ai biết yêu thương và chia sẻ”.
Ngọc Thủy

Wednesday 23 November 2011

GIÁO VIÊN – NGHỀ “ĐƯA ĐÒ CHỞ KHÁCH SANG SÔNG”

Bao đời nay, người Việt Nam thường lấy hình ảnh của người lái đò thầm lặng khi nói về những người thầy giáo, cô giáo. Bất kể là ngày hay đêm, dù mưa hay nắng thì người lái đò vẫn miệt mài chở những chuyến khách sang sông đi đến những miền đất mới, những chân trời mới, còn mình vẫn lặng lẽ ở lại bến sông cũ để tiếp tục chờ những lượt khác sang đò.
Hình ảnh người đưa đò và những chuyến đò là hình ảnh của những người thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm miệt mài cho sự nghiệp trồng người, ươm mầm cho những thế hệ đi trước, hôm nay và mai sau thành những người có ích cho xã hội. Đúng vậy, đã có biết bao nhiêu thế hệ đã trưởng thành từ những chuyến đò ngang. Để hôm nay, mỗi chúng ta đều tìm cho mình một con đường mới để bước với hành trang là kiến thức mà những người thầy và cô giáo đã trang bị cho chúng ta tự tin để bước vào đời.
Thầy cô đã dạy dỗ không biết bao nhiêu thế hệ. Nhưng có mấy ai còn nhớ đến những người thầy, người cô đã từng dạy dỗ mình ngay từ đầu những ngày mới chập chững bước đi. Có thể nói không ai lớn lên và trưởng thàng mà không qua sự dạy dỗ của thầy cô giáo. Công ơn của thầy cô giáo đối với mỗi chúng ta là không sao kể hết. Thầy cô là người đã truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức và đạo lý làm người. Mỗi thành quả mà chúng ta gặt hái được như ngày hôm nay đều có hình bóng của những người thầy, người cô trong đó.
Và hằng năm, đến ngày 20 – 11 mỗi người học trò như chúng ta đều hướng về thầy cô giáo với tấm lòng biết ơn sâu sắc. Dù chúng ta là ai, dù bận rộn thế nào thì hãy dành một chút ít thời gian để nghĩ về những người thầy, những người đã đặt nền tảng tri thức cho mỗi chúng ta để có được hôm nay.
Phan Thị Mến

Monday 21 November 2011

CÁC Ổ VI RÚT CÓ MẶT TẠI VĂN PHÒNG

1.      Bàn phím
Chúng ta thường xuyên lau chùi nhà cửa nhưng ít ai để ý lau chùi bàn phím vì diện tích nhỏ lại nhiều góc cạnh rất khó chùi. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay bồn cầu sạch hơn bàn phím. Thật khó tin nhưng nếu chúng ta chịu khó nhìn vào các khe hở sẽ thấy cáu bẩn bám đầy bàn phím. Hơn nữa, bàn phím là nơi bàn tay tiếp xúc nhiều nhất tại văn phòng, việc sử dụng hàng ngày cọng với thói quen vừa ăn uống vừa đọc báo, mồ hôi đã tạo ra nhiều vi khuẩn bám đầy bề mặt bàn phím.

2.      Chuột máy tính
Tương tự như bàn phím, chuột máy tính cũng là nơi chứa nhiều vi trùng E. Coli và tụ cầu trùng gây bệnh tiêu chảy. Những căn bệnh đễ lây như cảm cúm cũng lan truyền từ đây và đôi khi da chúng ta bị trầy xước là điều kiện để cho các vi trùng xâm nhập nhanh chóng và gây bội nhiễm, viêm da, điều mà chúng ta không ngờ tới.

3.      Điện thoại di động
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Queen Mary của Đại học  London và Trường Y khoa Nhiệt đới và Vệ sinh (Anh) công bố ngày 13-11, 1/6 điện thoại di động trên thế giới có mang vi khuẩn đường ruột E.Coli có thể gây chết người. Nguyên nhân là do điện thoại không được vệ sinh thường xuyên, đã vậy nó lại xuất hiện ở bất kỳ đâu, thậm chí cả toilet và từ bề mặt điện thoại ”cơ quan trung chuyển”, vi khuẩn lây lan sang tay, tai, mặt của con người.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong một inch vuông, điện thoại là nơi trú ẩn của 25.127 vi trùng, bàn phím là 3.295 và chuột là 1.676. Và trung bình, ở các văn phòng công ty có khoảng 20.961 vi trùng/inch.  

4.      Bàn làm việc, tay vịn cầu thang, nắm cửa, máy tính, công tắc,.. cũng là nơi chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Chúng ta ít khi ý thức điều này và vô tình khi chạm tay vào vi khuẩn sẵn sàng tấn công cơ thể.

Trong điều kiện làm việc tại những văn phòng nhỏ có nhiều thiết bị máy móc, đông người lại phải ngồi lâu trước màn hình máy vi tính và trong môi trường có máy điều hòa, vi khuẩn ngày càng có cơ hội phát triển. Và chính chúng ta mang đến vi khuẩn, ủ bệnh và lây lan cho người khác thông qua những “cơ quan trung chuyển” như trên. Nhằm bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, cần ý thức nghiêm túc điều này để thực hiện vệ sinh, lau chùi nơi làm việc, máy tính, rửa tay đúng cách thường xuyên để hạn chế vi khuẩn lây lan cho người khác và cho chính mình. Điều này mang lại cho bạn sự thoải mái và an toàn khi đến nơi làm việc.

Anh Đào (st)

Friday 18 November 2011

CẢNH BÁO ĐỐI VỚI NGUỒN THỰC PHẨM CUỐI NĂM

Vào dịp cuối năm, việc kinh doanh, sản xuất thực phẩm diễn ra rất sôi động nên nguy cơ xuất hiện sản phẩm giả, nguy hại, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và ngộ độc thực phẩm tăng rất cao. Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong những tháng cuối năm đặc biệt tăng cao nhưng rất nhiều nguồn thực phẩm lại không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu chúng ta không cẩn trọng, người tiêu dùng rất dễ mua phải, đem lại mối nguy cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, mỗi người tiêu dùng chúng ta thường không chú trọng đến nguồn gốc của hàng hóa, vẫn vô tư tiêu thụ những mặt hàng này. Điều này đã vô hình chung tiếp tay cho việc lưu hành các sản phẩm không đúng quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Càng về cuối năm thì lượng thực phẩm từ các nơi đổ dồn về thành phố của chúng ta càng nhiều. Vì vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề rất “nóng” đặt ra cho mỗi chúng ta nói riêng và cho toàn xã hội nói chung.
Trước tình hình này, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình, người tiêu dùng cần phải theo dõi thông tin và cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc sạch, chọn mua những nhãn hàng cam kết sử dụng nguồn nguyên liệu sạch trong quá trình sản xuất, đặc biệt không nên dùng hàng ngoại nhập mà không rõ xuất xứ sản phẩm. Không nên ham giá rẻ mà mua những thực phẩm không có nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc.
Như chúng ta đã biết thì hiện nay có một số cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi đạo đức trong kinh doanh, xem thường sức khỏe của người tiêu dùng đã lén lút sử dụng các chất phụ gia trong quá trình sản xuất, chất phẩm màu ngoài danh mục như dùng hàn the, Rhodamin B, phoocmon trong nem chả, hạt dưa, bánh phở...;. Bên cạnh đó, một số cơ sở lợi dụng sự sôi động của thị trường thực phẩm vào dịp cuối năm này để tiêu thụ những mặt hàng giả, hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng, hàng kém chất lượng...Vì vậy rất dễ gây tổn hại lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Và chính sự sôi động của thị trường thực phẩm vào những tháng cuối năm này đang đặt ra những vấn đề lớn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ quan chức năng. Vì vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm vào dịp cuối năm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Nhất là phải xử lý thật nghiêm mọi hành vi kinh doanh và sản xuất thực phẩm nguy hại, vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Và trên hết, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái, cần chủ động tự bảo vệ mình, chỉ nên mua và sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra kỹ nhãn mác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng.
Bằng những biện pháp đồng bộ, từ các cơ quan chức năng cho đến người sản xuất và cuối cùng là người tiêu dùng, đều phải đồng tâm hiệp lực, thực hiện với mục tiêu giữ gìn sức khỏe cho thế hệ chúng ta hôm nay cũng chính là cho thế hệ con cháu mai sau...

Phan Thị Mến

Wednesday 16 November 2011

Hịch ...Tiến sĩ

Ta cùng các ngươi
 Sinh ra phải thời bao cấp
 Lớn lên gặp buổi thị trường.
 
 Trông thấy:
 Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
 Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
 Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
 Pháp dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo…
 
 Thật khác nào:
 Đem cổ tích biến thành hiện thực
 Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
 Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
 Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao
hao Băng la đét.
 Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm
nguyên tử, ta cũng cam lòng.
 
 Các ngươi ở cùng ta,
 Học vị đã cao, học hàm không thấp
 Ăn thì chọn cá nước, chim trời
 Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
 Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
 Lương ít thì có lộc nhiều.
 Đi bộ A tít, Cam ry
 Hàng không Elai, Xi pic.
 
 Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
 Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
 Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
 Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
 Lại còn chính sách khuyến khoa
 Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền
thưởng.
 
 Thật là so với:
 
 Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
 Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
 Ta nào có kém gì?
 
 Thế mà, nay các ngươi:
 
 Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
 Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
 Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
 Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
 Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
 Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
 Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
 Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
 
 Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
 Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
 Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
 Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
 Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
 Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
 Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
 Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
 
 Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na
niếc na nô?
 Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên
nghiên.
 
 Cho nên:
 
 “Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
 “Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
 Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
 Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
 Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
 Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
 Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
 Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
 Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm, lưởi bò liếm liếm
 Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ
 
 Thật là:
 
 “Dân gần trăm triệu ai người lớn
 Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!
 
 Nay nước ta:
 
 Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
 Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
 Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
 Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
 Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!
 
 Chỉ e:
 
 Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
 Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
 Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
 Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
 Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
 Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.
 
 Hỡi ôi,
 
 Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
 Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.
 
 Nay ta bảo thật các ngươi:
 
 Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
 Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
 Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
 Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
 Mà lo học tập chuyên môn
 Mà lo luyện rèn nhân cách
 Xê mi na khách đến như mưa
 Vào thư viện người đông như hội
 Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
 Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ
 
 Được thế thì:
 
 Kiếm giải thưởng “Phiu” cũng chẳng khó gì
 Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
 Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
 Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
 Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
 Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
 Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
 Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
 Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
 Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
 Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
 Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
 Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
 
 Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến
lược
 Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà
khoa học chính danh.
 Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là
phường phàm phu tục tử.
 
 Vì:
 
 Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
 Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
 Giữ một ngọn cỏ, cành cây, giọt nước trong giang sơn ta cũng làm ta quên ăn
mất ngũ
 Mà các ngươi cứ điềm nhiên lo tranh quyền đoạt lợi
 Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
 Nếu vậy rồi đây không biết dân Việt ta đi về đâu nữa, ta cùng các ngươi há còn
mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?
 
 Trí thức là nguyên khí quốc gia
 Cho nên ta mới thảo Hịch này
 Xa gần nghiên cứu
 Trên dưới đều theo!

(st)

Monday 14 November 2011

VAI TRÒ NGƯỜI CHÉP SỬ

 Trừ những lý do đặc biệt mà con người không nhận thức hết, các sự kiện lịch sử thường được ghi lại hết sức khách quan và chân thực.

Vai trò của người chép sử từ bao đời nay vì vậy hết sức quan trọng. Ngay cả người ghi chép gia phả của dòng họ hay dư địa chí của các vùng miền chắc hẳn phải là những người có uy tín được dòng họ và cộng đồng kính trọng.
Nếu như « Bia miệng » được lưu truyền thông qua truyền khẩu là chủ yếu, thì «quốc sử » phải được chép ra bằng văn bản có tính pháp qui. Nhiều khi, những sự kiện  từ « bia miệng » lại được đàng hoàng đi vào « quốc sử », và nhiều khi tính chân thực của sự kiện do « bia miệng » lưu truyền lại là căn cứ để các nhà sử học đời sau, truy tầm được bản chất và sự thật của những sự kiện được ghi lại trong « quốc sử » vốn « sai lệch » do sử gia buộc phải chắp bút dưới lưỡi kiếm của ông vua bạo tàn, độc đoán. Lại có loại người mất nhân tính, tự nguyện chép sử sai sự thực để lừa bịp lấp liếm. Đó là loại « Sử nô ».
Vì lịch sử vốn là các « sự kiện » xảy ra đúng với nguyên nhân khách quan (rất quan trọng) và chủ quan (chất xúc tác của sự kiện) nên bản chất sự thật của « sự kiện » không thể dễ dàng bị xuyên tạc và hiểu sai trong dòng chảy của lịch sử loài người.

Xin đọc lại câu chuyện dưới đây để hiểu hơn vai trò của người chép sử.

PVH

Án mạng trong sử nước Tề

Vụ án Tề Trang công bị giết được quan Thái sử nước Tề chép: “Thôi Trữ giết vua là Quang”. Thôi Trữ bắt quan thái sử chép khác đi, thái sử không chịu nên bị Thôi Trữ giết chết
Người em quan thái sử chép lại như anh mình vào quốc sử nước Tề. Thôi Trữ nổi giận lại giết người đó. Đến người em thứ 3 chép nguyên cũng bị giết. Tới khi người em thứ tư không chịu thay đổi theo lệnh của Thôi Trữ, Thôi Trữ đành thôi không giết người chép sử nữa. Vụ việc này được người đời sau nhắc đến nhiều, với lời ca ngợi tấm gương ngay thẳng không sợ chết để ghi lại sự thật của các sử quan nước Tề.
Hơn 1 năm sau, Thôi Trữ bị Khánh Phong tiêu diệt. Sau đó các vệ sĩ còn sống sót của Tề Trang công là Lư Bồ Miết và Vương Hà liên kết với các đại phu nước Tề tiêu diệt Khánh Phong để báo thù cho Tề Trang công.

Friday 11 November 2011

“ Sống chết mặc bay...”.

Câu chuyện mà nhà văn Phạm Duy Tốn đã viết ở thể kỷ trước hình như vẫn còn nóng hổi và được liên hệ với tình hình ngập lụt rất nặng mà một phần là do “nhân tai” tại các tỉnh miền Trung vừa qua.
Xin các ban cùng đọc, và ngẫm lại các sự kiện và xâu chuổi chúng lại với nhau.  Sẽ có những kết luận và bài học cho bản thân trên quan điểm riêng của từng độc giả.
Nếu là nhà lãnh đạo, kế sách xây dựng các đập và nhà máy thủy điện trên thượng nguồn các sông vốn rất dốc và ngắn của miền Trung Việt Nam đã không mang lại hiệu quả, ít nhất là tính tới thời điểm này, với các lý do:
1) Lũ lụt ngày càng nhiều hơn, gây thiệt hại lớn hơn;
2) Rừng đầu nguồn, lá phổi của tiểu vùng đã bị chặt phá để ưu tiên làm hồ thủy lợi, đập thủy điện;
3) Số tiền người dân bị thiệt hại và tiền nhà nước để khắc phục hậu quả (suy cho cùng là tiền thuế của dân) là không kể xiết, phải tính tới việc người dân còn mắc nợ các ngân hàng và không thể trả nợ, lãi vẫn bị tính đều đều;
4) Doanh nghiệp quản lý hồ thủy điện (hoặc cơ quan nhà nước quản lý hồ thủy lợi) không phải gánh chịu bất cứ thiệt hại nào đã nêu ở trên, mấy chục sinh mạng bị lũ cuốn vừa rồi là hết sức lớn.

Đúng là “ Sống chết mặc bay...”.

PVH
Sống chết mặc bay
(Tả-chân tiểu-thuyết)
Phạm Duy Tốn         
   Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng... thuộc phủ... xem chừng núng thế lắm, không khéo thì vỡ mất.
   Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức gìn giữ, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì-bõm dưới bùn lầy, ngập quá khỉu chân, người nào người ấy, lướt thướt như chuột. Tình cảnh này trông thật là thảm.
   Tuy đánh trống liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác, gọi nhau sang-hộ, nhưng xem chừng ai cũng mệt lử cả rồi. ấy vậy mà trên trời thời mưa vẫn tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất!...
   Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu đuối mà đối với sức mưa to lớn, để bảo-thủ lấy tánh-mạng-gia-tài; thế thời quan cha mẹ ở đâu?
   Thưa rằng: Ðang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Ðình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.
   Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập mới kê ở gian giữa, có một mình quan phụ-mẫu, uy-nghi chễm-chện ngồi. Xung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan, thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội-nhất, thầy thông-nhì, sau hết, giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh-tổng sở-tại, cùng ngồi chầu bài.
   Ngoài kia tuy mưa gió ầm-ầm, dân phu rối rít; nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm, trừ quan phụ-mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cảnh trăm họ đang vất vả lấm-láp, gội gió tắm mưa, như đoàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn-nhã, đường-bệ, nguy-nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới; người nhà, lính lệ như khoanh tay sắp hàng, nghi-vệ tôn-nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: "Ðiếu, mày!" tiếng tên lính thưa: "Dạ"; tiếng thầy Ðề hỏi: "Bẩm, bốc?" tiếng quan lớn truyền "ừ". Kẻ này: "Bát-xách... n", người kia: "Thất-văn... Phỗng", lúc mau, lúc khoan, ung-dung êm-ái, khi cười, khi nói, vui-vẻ dịu-dàng. Thật là tôn-kính, xứng đáng với một vì phúc-tinh...
   Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài sơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọ, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang dậy trời đất... Mọi người giật nẩy mình, duy quan vẫn điềm-nhiên, chỉ lăm-le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.
   Có người khẽ nói:
   - Bẩm, đê có khi vỡ!
   Ngài cau mặt gắt rằng:
   - Mặc kệ.
   Rồi ngài xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình, bảo thầy đề-lại:
   - Có ăn không thì bốc chứ!
   Thầy đề vội vàng:
   - Dạ, bẩm bốc.
   Vừa lúc đó, thì tiếng người kêu rầm-rĩ, càng nghe, càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, tiếng chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.
   Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn-nao sợ hãi.  Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
   - Bẩm..., quan-lớn,... Ðê vỡ rồi!
   Quan-lớn đỏ mặt, tía tai, quay ra, quát rằng:
   - Ðê vỡ rồi!... Ðê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mầy, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
   - Dạ, bẩm...
   - Ðuổi cổ nó ra!
   Ngài quay vào, hỏi thầy đề:
   - Thầy bốc quân gì thế?
   - Dạ, bẩm con chưa bốc.
   - Thì bốc đi chứ!
   Thầy đề, tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút một con bài lật ngửa, xướng rằng:
   - Chi chi!
   Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
   - Ðây rồi!... Thế chứ lại!
   Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười, vừa nói:
   - Thông tôm, chi chi nẩy!... Ðiếu mày!...
*        *
   Ấy, trong khi quan-lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh-đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh sầu thảm, kể sao cho xiết!

Wednesday 9 November 2011

LUẬT ....TRỜI ƠI!

Gần đây báo chí đưa tin về  dự thảo  kế hoạch xây dựng pháp luật Việt Nam trong nhiệm ký Quốc hội này  có Luật Nhà Văn. Rồi nghe đâu còn có Luật Nhà Thơ nữa.
Là người đóng thuế, người dân mong muốn đại biểu Quốc hội có những việc làm thiết thực nhất để nâng cao đời sống  vốn đã bị thụt lùi do nhiều nguyên nhân trong các năm vừa qua.
Lúc sinh thời HCT có nói: " Trẻ em như búp trên cành, biết ăn-ngũ- biết học hành là ngoan".
Chăm lo cho trẻ em hôm nay tức là đã vun trống cho tương lai, rường cột của nước nhà ngày mai. Tôi đề nghị QH nên ra Luật qui định Ăn - Ngũ - Học hành của trẻ em Việt Nam thay cho Luật Nhà Văn như dự kiến.
Nếu được nêu thêm nêu ý nguyện, tôi đề nghị trên cơ sở đối tượng chi phối là  "trẻ em" như trên, Luật ban hành sắp tới nên mở rộng ra cho đối tượng  là : "toàn bộ người Việt". Vì vậy cần có ngay luật qui định Ăn - Ngủ ....nằm trong "Tứ khoái" mà ông bà ngày trước hay nói.

Nên giải quyết 2 khoản khoái số 1 và số 2 trước, khoản số 3 và số 4 nếu có điều kiện và  kinh phí thì tiến hành sau cũng chưa muộn.
Mới viết đến đây, nghe người bạn điện thoại báo tin đã có một công dân dự thảo giúp Luật "Khoản khoái thứ 4" rồi.

Ngẫm ra, dân Việt ta thật nhạy bén và trào phúng thức thời. Quan cũng vậy mà Dân đâu có khác chi!

PVH

Monday 7 November 2011

VĂN HÓA NGHỆ THUẬT ẨM THỰC HUẾ

Nói đến Huế, người ta không chỉ nghĩ đến một Cố đô hoa lệ với điện đài lầu các vàng son, một thành phố xanh trữ tình được tôn vinh là “kiệt tác thơ-kiến trúc đô thị”, mà còn nghĩ ngay đến một di sản độc đáo khác của Cố đô- nghệ thuật ẩm thực Huế. Món ăn Huế thể hiện đậm nét giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và có hương vị riêng đã trở thành một thương hiệu hấp dẫn cho nền văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Từ thuở xa xưa đến giờ người Huế vẫn thường thích khám phá, tìm tòi những cái cầu kỳ trong ăn uống để khẳng định sắc thái của riêng mình. Do đó, mà ẩm thực xứ Huế khó lẫn với những vùng miền khác Nói đến nghệ thuật ẩm thực Huế, ta phải kể đến nghệ thuật nêm nấu pha chế, nghệ thuật thưởng thức tinh tế, ẩn chứa những triết lý sâu xa trong bản sắc văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Một món ăn dù với những loại thực phẩm bình thường nhưng được chế biến thơm ngon, bày biện đẹp mắt luôn hấp dẫn và kích thích khẩu vị thực khách. Để tạo ra sự hài hòa về mùi và vị, người Huế thường mất nhiều công và chú trọng chọn gia vị nêm hơn là các vật liệu chế biến. Một số món ăn đặc trưng của xứ Huế như bún, bánh, chè… đã được rất nhiều thực khách sành ẩm thực yêu thích. Trải qua nhiều thế kỷ tích lũy những yếu tố nhân văn của cả nước, bếp ăn Huế chứa đựng đầy đủ khẩu vị của mọi miền, từ mặn, ngọt, béo, bùi đến chua, chát, đắng, cay. Người Huế thích tất cả các vị, nhưng vị nào rõ vị ấy. Muốn mặn có vài chục vị ruốc, ngọt thì một chuỗi các loại chè (chè xanh đánh, chè đậu ván…), béo thì có bún bò, đắng thì có cháo nấm tràm, cay dùng cơm hến. Sự đậm đà tạo nên hương vị đặc trưng trong món ăn Huế.
Ngoài ra, món Huế còn đậm màu sắc và tính phối mùi hấp dẫn: Đồ màu giữ chức năng hòa sắc trong món ăn Huế, tỉ mỉ nhưng chính xác, quan trọng không kém gì thịt, cá, vì thế tạo ra vị giác hoàn toàn khác lạ của một món ăn giống như một tác phẩm mỹ thuật của mùi và vị. Nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét rằng người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng mùi vị. Ví dụ món tôm kho cần ớt màu cho đỏ mặt “như hoa”. Canh chua cần tạo ớt màu để màng đỏ nổi lên mặt cho đẹp. Về mùi, trong ẩm thực Huế không phải tất cả món nước đều được người Huế nêm ruốc và nước mắm. Muốn đạt đến trình độ cao, người nội trợ phải có kiến thức và tay nghề trong kỹ thuật chế biến món ăn để tạo ra mùi đặc trưng cho mỗi món.
Món ăn Huế rất chú trọng về hình thức: Hình thức món ăn Huế thể hiện trong sự trang trí món ăn. Món ăn có được trang trí đẹp mắt thì mới tăng thêm sự hấp dẫn cho người ăn, ví dụ các món gỏi vả hình rồng, nem công - chả phụng, cơm sen… đều được người nấu ăn tỉa rau củ thành những tác phẩm nghệ thuật.
Các món ăn ở Huế được chia làm hai loại: Món ăn Cung đình và món ăn Dân gian. Các món ăn Cung đình như: Yến xào, nem công, gân nai nấu nước gà hầm, hải sâm nấu tôm hùm, bào ngư hầm ngũ vị, cửu khổng hầm… đến những món đặc sản nổi tiếng, nhất là cơm hến, bún bò, bánh khoái, bánh bèo, nậm lọc, bánh ướt thịt nước… Ngoài ra có hàng chục loại mắm và cũng ngần ấy loại muối. Về mắm có: mắm ruốc, mắm nêm, mắm tôm chua, mắm gạch cua, mắm cá ngừ, mắm cá nục, mắm cá cơm, mắm cá rò. Về muối có: muối sống, muối rang, muối hầm, muối ớt, muối tiêu, muối sả…
Nhờ có truyền thống văn hóa lâu đời, nhờ nguyên liệu dồi dào của địa phương và nhờ bàn tay khéo léo của con người chế biến, các món ăn Huế chẳng những ngon miệng, đẹp mắt, giàu chất dinh dưỡng mà còn thể hiện một cách ứng xử của con người trong xã hội. Là một địa danh nổi tiếng về văn hóa ẩm thực nên cho dù Huế có hàng trăm món ăn thì mỗi món ăn Huế đều có phong vị riêng, gây ấn tượng cho nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Huế trở thành Cố đô, nghệ thuật ẩm thực Huế từ đất Thần kinh cũng đã lan tỏa đi muôn nơi theo bước chân của những người con xứ Huế. Đó cũng là một cách quảng bá hữu hiệu cho văn hóa Huế. Tuynhiên, nếu có cơ hội, bạn nên đến thăm Cố đô để cảm nhận được đầy đủ về văn hóa Huế, con người Huế. Trong khung cảnh thơ mộng hữu tình của non nước Thần kinh, bạn sẽ thấy ẩm thực Huế quyến rũ và đáng được tôn vinh đến thế nào. Chắc chắn, đó là một thứ nghệ thuật mà phần lớn nhân loại đều yêu thích và mong muốn được thưởng thức.

Ngọc Thủy

Friday 4 November 2011

Mưu đồ thâm hiểm

Trong tuần, Đài Truyền hình Việt Nam có đưa tin một số thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đã bị nước ngoài đăng ký Bảo hộ độc quyền và mất luôn chỉ dẫn địa lý.

Như vậy một thời gian không lâu kể từ hôm nay , người tiêu dùng trên thế giới sẽ thấy có một số thương hiệu có chỉ dẫn như sau:
Cà Phê Buôn Ma Thuột ---xuất xứ Trung Quốc;
Nước Mắm Phú Quốc ----xuất xứ Trung Quốc;
Kẹo dừa Bến Tre---xuất xứ Trung Quốc;
Vinataba---xuất xứ Trung Quốc;
......

Nhưng Buôn Ma Thuột, Phú Quốc, Bến Tre, Thuốc là những địa phương nằm trong vùng lãnh thổ của Việt Nam.
Suy rộng ra, nếu người tiêu dùng chấp nhận xuất xứ hàng hàng như đã nêu, thì họ sẽ nghĩ rằng: Việt Nam cũng là vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

Đó là một mưu đồ rất thâm hiểm. Cần phải được đánh động và ngăn chặn ngay.

PVH

Xin xem thêm các bài viết liên quan ở các link dưới đây:

http://www.tin247.com/thuong_hieu_ca_phe_buon_ma_thuot_mat_ve_tay_trung_quoc-16-21827383.html

Thursday 3 November 2011

CHƯƠNG TRÌNH TIẾT KIỆM HÀNG NGÀY CHO HỌC SINH NGHÈO Ở THÔN ĐẬP GÓC – XÃ PHÚ MỸ - HUYỆN PHÚ VANG

Thôn Đập Góc nằm cách Trung tâm Thành Phố Huế khoảng 14 km, toàn thôn có khoảng 45 hộ dân sinh sống. Đây là nơi sinh sống của những hộ dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, so với mức sống và điều kiện sống của người dân ở các thôn khác trong xã thì người dân ở thôn này có mức sống thấp hơn rất nhiều và điều kiện sống cũng còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là điều kiện sống và học tập của trẻ em ở đây có phần thiệt thòi hơn rất nhiều so với trẻ em ở các vùng khác. Đa số những trẻ em ở đây điều không có điều kiện để đi học ở những ngôi trường đảm bảo chất lượng do Nhà nước xây dựng, vì ngoài không có tiền để đi học thì do thôn này nằm khá xa so với các thôn khác và thấp lũ nên vào mùa mưa các em không thể tự mình đến lớp và bố mẹ các em cũng vì lo vất vã kiếm tiền lo cho gia đình nên cũng không có thời gian để đưa các em đến trường. Vì vậy mà phần lớn các em ở đây chỉ đi học ở “ Lớp học ghép” do một người dân trong thôn tự nguyện đứng ra dạy cho các em ngay tại thôn với chương trình học từ lớp 1 đến lớp 4, nhưng chủ yếu hai môn là Toán và Tiếng Việt. Lớp học này có tên là “Lớp học ghép” vì do phòng học quá nhỏ và không có thời gian nên mỗi buổi sẽ dạy cho hai lớp ngồi ngược chiều nhau.
Qua quá trình làm việc ở đây chúng tôi nhận thấy nhu cầu học tập của các em là rất lớn, nhưng vì không có điều kiện và phụ huynh cũng chưa quan tâm nhiều đến việc học của con cái nên các em ở đây không có điều kiện để học trong những ngôi trường tốt. Vì vậy để giúp các em có một môi trường học tập tốt để có điều kiện phát triển như các bạn cùng trang lứa, trong tháng 10/2011 chúng tôi đã có buổi làm việc với phụ huynh của các em đang theo học ở lớp học ghép để triển khai Chương trình tiết kiệm hàng ngày cho các em. Chương trình tiết kiệm hàng ngày có nghĩa là hàng ngày các em đến lớp nếu có tiền sẽ nộp cho thầy giáo một số tiền khoảng 2.000đ, 3.000đ... tùy khả năng của phụ huynh các em. Thầy giáo ở lớp học ghép sẽ chịu trách nhiệm thu tiền ở các em và có sổ theo dõi rõ ràng để các em ký vào, sau 10 ngày chúng tôi sẽ về thu lại số tiền này từ thầy giáo. Số tiền thu được chúng tôi sẽ thanh toán lại cho phụ huynh các em môi năm hai lần, một lần vào cuối tháng 6 để bố mẹ có tiền mua sách, vở..., đóng tiền học phí đầu năm học cho các em; một lần vào cuối tháng 12 để bố mẹ các em có tiền lo cho cho gia đình một cái Tết ấm cũng hơn. Ngoài hoản trả tất cả số tiền các em đã nộp, chúng tôi còn sẽ hỗ trợ thêm khoảng 30% trên tổng số tiền mà các em đã nộp. Mục đích của Chương trình tiết kiệm hàng ngày này ngoài việc giúp các em có tiền để đi học ở một môi trường tốt hơn, còn góp phần giúp các phụ huynh biết cách tiết kiệm số tiền kiếm được hàng ngày và có kế hoạch chi tiêu tốt hơn. Vì là một Chương trình rất có ý nghĩa cho các em ở lớp học ghép này nên rất được thầy giáo và người dân đồng tình ủng hộ.

Nguyễn Xuân Quý

Wednesday 2 November 2011

Bao bì sản phẩm nói lên điều gì?

Chúng ta thường có thói quen ăn uống mà không nhìn bao bì sản phẩm hoặc chỉ nhìn màu sắc sặc sỡ bên ngoài hoặc ăn vào rồi bàn tán về mùi vị của sản phẩm mà quên đi việc tìm hiểu sản phẩm có tốt và an toàn cho sức khỏe hay không ? Việc đọc những thông tin chứa đựng bên ngoài bao bì sẽ giúp ta tìm hiểu kỹ sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình. Một số thông tin sau thường được các nhà sản xuất ghi rõ bên ngoài bao bì:

-         Tên sản phẩm giúp xác định thương hiệu, uy tín của nhà sản xuất. Một nhà sản xuất tốt thường ghi khá rõ ràng địa chỉ công ty nơi sản xuất hay nơi phân phối. Cần chú ý kỹ thông tin về công ty để tránh được hàng nhái, hàng giả vì các sản phẩm làm giả thường có thông tin không rõ ràng về công ty.
-         Ngày sản xuất và ngày hết hạn là khoảng thời gian sản phẩm được sử dụng tốt nhất nếu được bản quản đúng theo hướng dẫn.
-         Thành phần nguyên liệu và phụ gia thực phẩm giúp nắm rõ thực phẩm mà bạn đang cần hoặc giúp tránh được những nguyên liệu mà bạn đang ăn kiêng
-         Tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của sản phẩm sẽ giúp lựa chọn sản phẩm phù hợp như lượng chất béo, chất xơ, năng lượng,… Điều này khá quan trọng với các bạn gái khi muốn tăng cân hay giảm cân.
-         Phương thức chế biến sản phẩm cũng thường được chỉ rõ trên bao bì.
-         Hướng dẫn sử dụng sẽ giúp bạn sử dụng đúng cách thức mà nhà sản xuất yêu cầu nhằm bảo đảm các chất dinh dưỡng và hương vị có trong sản phẩm hoặc không làm phản tác dụng sản phẩm
-         Hướng dẫn bảo quản. Cần tuân thủ để sản phẩm tránh bị hư hỏng, gây ngộ độc thực phẩm
-         Khối lượng tịnh là khối lượng sản phẩm không tính bao bì bên ngoài. Đọc kỹ điều này cũng giúp chế biến sản phẩm ngon hơn, đạt giá trị dinh dưỡng cao hơn và nắm giá sản phẩm theo đơn vị.
Ngoài những thông tin nêu trên thì việc quan sát màu sắc, cách in ấn, chất lượng bao bì ... cũng quan trọng không kém vì những nhà sản xuất có thương hiệu trên thị trường cũng quan tâm đến điều này. Không nên mua những sản phẩm có màu sắc nhợt nhạt, viết sai ngữ pháp, chính tả, không có địa chỉ rõ ràng... vì đó có thể là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng cần chú ý đến những sản phẩm nước ngoài. Cần dịch ra để hiểu rõ sản phẩm nhằm đạt được mục đích của nhà sản xuất. Không đơn giản sử dụng theo lời người khác nhằm đảm bảo sức khỏe chính mình.
Một sản phẩm có được sử dụng hợp lý cho sức khỏe hay không, ngoài chất lượng sản phẩm, còn tùy thuộc vào hành động của người tiêu dùng.

Thúy Hằng (st)