Friday 30 January 2015

Nhật kí ngày đầu năm


Tôi cũng như bao người khác đang háo hứng chào đón một năm mới, hớn hở chuẩn bị mở một bữa tiệc với bạn bè cho ngày đầu năm. Buổi tối sau khi hẹn hò với chúng bạn địa điểm, tôi đến quán gặp mặt như đã định. Tôi với chúng bạn đang ríu rít đủ thứ chuyện trên trời dưới đất và cả những chuyện đã xảy ra trong năm qua có lẽ là quên luôn cả thời gian đang trôi qua rất nhanh. Bỗng nhiên, một bàn tay nhỏ xíu rất lạnh nắm lấy tay tôi, làm tôi giật mình, quay người lại thì ra là một cô bé bán kẹo. Tôi như nghẹn lại vì nhìn thấy cô bé chỉ mặc một chiếc áo khoác mỏng trong khi tôi mặc tới tận ba cái áo mà vẫn còn lạnh. Đôi môi khô rát đang run rẩy vì cái lạnh nói nho nhỏ: “ Chị ơi mua cho em ít kẹo đi chị”. Tôi với tụi bạn cũng chạnh lòng khi nhìn thấy cô bé nên gom góp nhau ít tiền để cho cô bé về sớm nhưng lạ là cô bé không nhận mà nói là: “ Em bán để có tiền thêm đi học cho học kì sau. Em không phải đi xin tiền”. Nghe vậy, chúng tôi đành mua hết hộp kẹo cho cô bé.

Qua hình ảnh cô bé này, tôi mới thấy được ở trên đời này còn nhiều lắm những con người cuốn theo dòng đời hối hả mà quên đi cái thời gian, cũng như cô bé chỉ biết kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng đã hình thành nhân cách rất đáng để nhiều người lớn học hỏi.

P.K

MONG CHỜ 2015...



        Bước sang 2015, tôi và mọi người dân trên toàn thế giới đều mong muốn rằng thế giới sẽ không còn chiến tranh, khủng bố, máy bay rơi, tai nạn giao thông, kinh tế đình trệ ... mọi người chung tay hướng đến một thế giới tốt đẹp, văn minh và hiện đại.
       
        Là người con của TP Huế, tôi luôn mong muốn Huế sẽ có nhiều thay đổi mới trong năm như: TP sẽ xanh, sạch, đẹp hơn, mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường góp phần xây dựng TP của Festival và du lịch văn minh trong mắt bạn bè trong nước và trên thế giới.

        Là người bố, tôi mong các con chúng tôi được hưởng một nền giáo dục tốt, không có dạy thêm, học thêm; trẻ em được nâng niu, coi trọng, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển về thể chất và tinh thần.

        Với bản thân mình, tôi mong có được sức khỏe tốt, tự vấn lương tâm thường xuyên để sao cho bản thân luôn chiến thắng phần tiêu cực trong suy nghĩ, tự giác cố gắng hơn để cải thiện kết quả công tác, góp phần giúp TTKKTL-một tổ chức thiện nguyện- mang lại nhiều niềm vui hơn cho người nghèo trong năm mới.

QH...

Thursday 29 January 2015

CHÀO THÁNG CHẠP

Một năm có tới 12 tháng, tháng chạp là tháng cuối cùng trong năm tính theo âm lịch. Và có bốn mùa trong năm đó là: xuân, hạ, thu, đông. Tháng chạp trời vào đông nên rất lạnh. Miền trung là miền có sự phân biệt bốn mùa rõ rệt nhất so với các vùng miền còn lại.
Tháng chạp là thời điểm cuối năm nên thấy ai ai cũng tất bật làm việc để có tiền chuẩn bị chu đáo cho những ngày tết. Không khí tết ngày một đến gần, dạo qua các con đường thấy khắp nơi hoa cúc đã chuẩn bị đâm chồi, nó cứ gồng mình vươn lên dưới ánh nắng ban mai, những tia nắng cứ thế chiếu qua từng kẻ lá. Tạo nên một bức tranh bình dị nhưng rất đẹp lạ thường. Càng cận tết thì khí trời ngày một nóng lên, bầu trời càng sáng dần ra.
Xa xa đằng kia, những bác nông dân đang hối hả gieo cấy trên đồng ruộng cho kịp vụ đông xuân. Những cô bán hàng cứ thế đạp thật nhanh trong nắng sớm, cho kịp họp chợ bán được những mớ rau đầu tiên. Những em học sinh đã thi xong học kỳ một, vẫn phải mang những chiếc cặp đầy ấp sách vở tới trường để học kịp chương trình học kỳ 2 vì sắp tới các em phải nghỉ tết âm lịch dài ngày.
Cuộc sống cứ trôi đi một cách hối hả, những tờ lịch ngày một ít dần đi. Đầu tháng chạp, các em sinh viên hay các cô chú làm ăn xa đã bắt đầu chuẩn bị đặt vé tàu vé xe, để kịp về quê ăn ba bữa tết cùng những người thân trong gia đình.
Hy vọng mỗi khi đến tháng chạp, bà con ai ai cũng buôn may bán đắt để chuẩn bị đón tết âm lịch trong tinh thần thoải mái vui vẻ.


TÚ NHƯ

HÀNG GIẢ - HÀNG NHÁI: NỖI LO MUÔN THUỞ


Có thể nói, trong cái thế giới vàng thau lẫn lộn như hiện nay, thì khái niệm “thật”- giả trong xã hội bấy giờ cũng mơ mơ hồ hồ, gây biết bao hậu quả nặng nề cho chính người dân, nhà tiêu dùng, những người trực tiếp dùng chính những sản phẩm thiếu chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán ồ ạt, trà trộn vào hàng nhãn hiệu uy tín để tiêu thụ. Thời xưa, hàng giả hàng nhái không có nhiều như bây giờ, có chăng thì các ban ngành, cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra cũng ngăn chặn kịp thời. 

Chẳng bù thời nay, việc người tiêu dùng mua đúng sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết các mặt hàng đều được làm giả, làm nhái một cách tinh vi nên bằng mắt thường khách hàng khó có thể phẩn biệt được đâu là hàng chất lượng và kém chất lượng. Và hậu quả người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp gánh chịu những thiệt hại về nhiều mặt, mà trước hết là về kinh tế, chất lượng không tương xứng với khoản tiền phải chi trả dẫn đến tiền mất tật mangnghiêm trọng hơn là hàng hóa kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng bản thân người tiêu dùng nhất là các mặt hàng về thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ uống…Với tâm lý thích dùng hàng rẻ, các nhà sản xuất dễ dàng đánh trúng tâm lý người dân bằng cách cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc kém an toàn cho người sử dụng. Tết Nguyên Đán đang đến gần, nhu cầu mua sắm của người dân đang tăng caođể phòng tránh nguy cơ mua nhầm hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh các ban ngành, chức năng cần vào cuộc để phát hiện, xử lý một cách kịp thời. Ngoài ra, bản thân chúng ta trước hết phải là người tiêu dùng thông minh trong việc chọn lựa những sản phẩm, hàng hóa vừa túi tiền, giá cả hợp lý mà vẫn bảo đảm chất lượng, và hiệu quả, tích cực đấu tranh phòng chống vận nạn hàng giả, hàng nhái vì mục tiêu quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và cho cộng đồng xã hội.
Ngọc Thủy

Wednesday 28 January 2015

KHÁC BIỆT


Chuyến bay Sài Gòn đến Huế vào lúc 19h55, tôi là một trong số đoàn người đứng ở cửa để đợi người nhà. Từng ánh mắt dõi theo hàng người xếp hàng lấy hành lý phía trong sân bay, tôi nhận ra trong đoàn người bước ra có một ông X tôi đã từng tiếp xúc vài lần. Ông ta là giám đốc của một công ty  có tiếng ở tỉnh tôi, một công ty có thể nói là nằm trong danh sách "top ten" về việc đóng góp cho ngân sách của tỉnh rất lớn.
Bước ra khỏi cánh cửa phi trường, việc đầu tiên ông ta đến thẳng bàn bán vé xe buýt với giá 50.000/người, khác xa so với những ông X1, X2 đã có sẵn "đệ tử" đứng đón ở ngoài với những chiếc Camry, Lexus bóng loáng sang trọng. Mặc dù với đẳng cấp như ông ta thì chỉ cần một tin nhắn trước khi lên máy bay thì ông có thể như những ông X1, X2 và nhiều ông X­i khác sẽ có "đệ tử" đến đón, song khác xa với mọi ông Xi khác ông chọn cách di chuyển từ sân bay lên thành phố tiết kiệm nhất chỉ với giá 50.000 đồng.
Có lẽ không chỉ riêng ở tỉnh tôi mà trên đất nước tôi sẽ khó để có những vị lãnh đạo như ông X kể trên !!!

DT.

Y TẾ HỌC ĐƯỜNG


Giáo dục bằng đòn roi đối với các em nhỏ là vấn đề mang đầy tính nhân văn. Và cũng mới đây một cô giáo chỉ đánh vào mông của em học sinh lớp 6 nhưng lại khiến em tử vong, như vậy phải chăng có trách nhiệm của ngành y tế học đường. Trên lý thuyết thì trẻ em được bảo vệ bằng Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cùng với hàng tá văn bản pháp quy liên quan tới công tác y tế học đường. Chúng ta có ngành y tế, ngành giáo dục, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cùng tham gia triển khai vấn đề này. Nhưng các bậc phụ huynh sẵn sàng đạp đổ cổng trường để nộp đơn xin học cho con, nhưng thử hỏi bao nhiêu phụ huynh bước chân vào phòng y tế, bao nhiêu người cầm trên tay, đọc hồ sơ khám sức khỏe khi con chuyển trường. Phiếu khám bệnh cho các em là để đảm bảo cho các em đủ diều kiện học tập, hoặc biết rằng các em có tiền sử bệnh lý để các em có chế độ học taaph phù hợp. Như miễn tham gia các môn học thể lực, tránh các hoạt động gây áp lực lên hệ tim mạch… Nhưng hầu hết người lớn, phụ huynh, nhà trường, học sinh, cơ quan y tế đều lơ là chỉ làm cho xong chuyện. Hiển nhiên rằng những số liệu về các học sinh mắc các bệnh sẽ có trong các báo cáo, thống kê, nhưng các cô giáo, thầy giáo khi nhận lớp thử hỏi bao nhiêu thầy cô đọc qua bản hồ sơ sức khỏe của học sinh. Và nếu đủ quan tâm các thầy cô sẽ đọc kỹ bản hồ sơ sức khỏe của của các em, trò chuyện cùng các em và phụ để hiểu rõ bệnh tình của các em. Và vì thế không có gì đáng ngạc nhiên nếu một giáo viên thể dục không biết học sinh của mình bị suy tim…Chúng ta hẳn chẳng có gì xa lạ với những cuốn sổ khám bệnh chỉ toàn với chữ “BT” bình thường. Đôi khi những chữ ấy là một sự qua loa, thậm chí là tắc trách. Và trong y tế sự qua loa và tắc trách trong y tế là sự nhẫn tâm và hơn nữa đó là tội ác. Chúng ta là những người lớn lòng tràn đầy nhân hậu không bào giờ đánh trẻ em chì là cây thước. Nhưng chính chúng ta lại đánh các em còn đau hơn là dùng cây thước kẻ đó cũng chỉ bởi hai chữ “bt”. Thiết nghĩ các bậc phụ huynh, thầy cô quan tâm đến sức khỏe của các em và đặc biệt là ngành y tế hãy quan tâm nhiều hơn nữa về vấn đề sức khỏe của lứa tuổi học sinh bỏ bớt thành tích số liệu báo cáo và tránh lạm dụng hai chữ “bt”.

Đức Nhân

Monday 26 January 2015

ẤM TRÀ VÀ TÁCH TRÀ.

        An và Phương lâu ngày không gặp ngồi tâm sự  nói nhiều chuyện từ trước đến nay. Tâm sự một lúc. 
An: Việc đam mê học vẽ của mày thế nào rồi.
Phương: Tao đã đi khắp các tỉnh thành trong vòng 5 năm song vẫn chưa tìm được người nào có thể cho tau học hỏi khá hơn được, tất cả tau nghĩ chỉ là hư danh mà thôi.
An: Vậy mi có thể vẽ cho tau một bức tranh nhân dịp lâu ngày hai đứa mình không gặp nhau, mi tặng cho tau được chứ.
Phương: Cái đó đơn giản.
An: Mi vẽ cho tau bức tranh về ấm trà và tách trà trên bàn này đi.
Một lúc sau,  nhanh chóng hoàn thàh bức tranh để tặng An. Phương thấy bức tranh ấm trà đặt cao hơn so với tách trà để rót nước.
Phương: Mi vẽ sai rồi, ly trà phải đặt cao hơn tách trà.
An: Ngốc thế, ly trà cao hơn tách trà thì làm sao có thể rót nước được.
Phương: Thì đúng rồi, nếu mi là tách trà mi muốn học hỏi từ những thứ hay ở thế gian thì mi phải đặt mình ở dưới thấp. Từ đó mới học hỏi được giá trị cuộc sống.
Nói đến đây An chỉ biết im lặng.
Trong cuộc sống cũng vậy, nếu muốn học hỏi những cái hay, cái tốt trong cuộc sống, chúng ta cần phải đặt mình thấp hơn người khác thì có thể tiếp nhận thêm nhiều điều hay, nhiều kiến thức để giúp cho chính chúng ta.
Duy Tung.

Friday 23 January 2015

KAIZEN




Kaizen, tiếng Nhật có nghĩa là “ cải tiến, cải thiện “, làm cho tốt hơn.
Tinh thần đó thấm đẫm trong xương tủy người Nhật. Theo họ,  không có cái gì là hoàn thiện tuyệt đối cả, vì vậy ai cũng có thể tự tư duy để tìm ra điểm còn tồn tại rồi cải thiện nó làm cho mọi vật, mọi việc ...trở nên hoàn thiện hơn. Và chu trình Kaizen lại được tiếp tục với “sản phẩm” đã được coi là “ hoàn thiện”. Cứ như vậy, “sản phẩm” được cải tiến ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, chất lượng hàng hóa của Nhật Bản được bảo đảm bởi tinh thần lao động không ngừng “kaizen” của người người Nhật.
Nhiều người nghĩ rằng: phải là người có trình độ thì mới có tư duy “kaizen”, thực ra không phải như vậy.
Chỉ cần chịu khó suy nghĩ tìm ra sự chưa hoàn thiện của sự vật, vấn đề…để đưa ra giải pháp cải thiện nó tức là đã “Kaizen” rồi.
Xếp đặt văn phòng phẩm trên bàn làm việc để là sao cho dễ tìm; cách cầm bút sao cho đúng cách; làm sao để người già không thể cúi gập có thể mang tất chân chỉ với một tay; bỏ bút trong cặp ở đâu cho dễ lấy, dễ tìm; thiết kế sổ kẹp hóa đơn sao cho dễ tính tiền chi tiêu gia đình theo định kỳ…là những ví dụ về Kaizen đã làm cho người Nhật thuận tiện hơn trong công việc và cuộc sống…

Còn ở Việt Nam ta thì sao?


PVH

XUÂN VỀ



Thế là một năm nữa lại sắp đi qua. Năm mới đang cận kề. Mọi vật như đang chuyển mình để đón một năm mới đầy hứng khởi. Mùa xuân về mang theo một không khí mới cho đất trời, cho lòng người thêm náo nức. Tiết trời của mùa xuân đem lại cho con người cảm giác thật dễ chịu. Bởi không còn cái nắng gay gắt của mùa hè, không còn cái lạnh “như cắt da, cắt thịt” của mùa đông. Mà thay vào đó là cái nắng êm dịu, và se lạnh của mùa xuân.
Mùa xuân về, vạn vật như đang hối hả để khoác lên mình những chiếc áo mới. Những cành cây trơ trụi là trong mùa đông cũng bắt đầu đâm chồi nảy lộc xanh biếc. Trăm hoa khoe sắc, đua nở. Đường phố cũng được trang trí đẹp mắt và lộng lẫy mỗi khi màn đêm buông xuống. Người người thì đang hối hả, tất bật để chuẩn bị cho một năm mới thật an khang. Có người thì đang hứng khởi để chào đón xuân về.
Nhưng đâu đó không thể không có nỗi lo của những bà con nghèo, những người buôn thúng bán bưng, những người xa quê hương lập nghiệp. Đó là những người có thu nhập bấp bênh, cơm ba bữa hàng ngày còn lo chưa được trọn vẹn. Huống gì khi xuân về…
Là người nghèo thật khổ. Cái gì cũng phải lo, tiền đâu để lo cho con cái áo mới, tiền đâu để về quê ăn tết, tiền đâu để sắm bánh mứt… Chính những nỗi lo này đã làm cho họ có thêm động lực để cố gắng buôn bán vào những tháng cuối năm để có thêm khoản dư thừa lo cho gia đình mỗi khi Tết đến.
Mùa xuân đang cận kề, chúng ta hãy tạm quên bớt đi những nỗi lo, những muộn phiền trong năm cũ để chào đón một năm mới với những niềm vui mới.


Phan Thị Mến

CÁI TẾT VÔ TÌNH


Một năm cũ đang dần trôi, một năm mới lại bắt đầu. Người vui kẻ buồn, người trông ngóng Tết, kẻ sợ tết, người bận rộn tất bật bao công việc lo toan, người rãnh rỗi, thất nghiệp. Người giàu có mua sắm, chuẩn bị đón tết, người nghèo khó bon chen kiếm sống mưu sinh. Hơn bao giờ hết dịp tết càng giúp người có điều kiện thể hiện sự khát khao, sự sung túc của mình, đồng thời nó càng phơi bày sự thiếu thốn, khó khăn, bần cùng của những người nghèo khó, kém may mắn trong xã hội.
Hằng năm, với tinh thần “Tương thân, tương ái” cứ vào những tháng cuối năm nhiều nhà hảo tâm, nhiều tổ chức từ thiện, nhiều chính sách Nhà nước tổ chức nhiều chương trình quà Tết cho người nghèo với mong muốn mang đến niềm vui nho nhỏ cho họ trong những ngày Tết. Đồng thời là động lực, là niềm tin, là sức mạnh để người nghèo vươn lên trong cuộc sống . Đó cũng là nghĩa cử cao đẹp của tình người mỗi độ xuân về Tết đến. Mùa xuân về, người nghèo như lại được sưởi ấm khi đón nhận sự quan tâm chia sẽ của cả cộng đồng. Nhưng tất cả đó chỉ là nho nhỏ, chỉ trong khoảnh khắc nào đó, chỉ là “ánh sáng” le lói, không đủ sua đi “bóng tối” bao trùm cuộc đời họ. Họ phải đối diện sự thật khó khăn, sự thiếu thốn dài dài của con cái họ, của gia đình họ. Chính vì thế Cái Tết lại một lần nữa gợi lại nỗi buồn sâu thẳm trong tâm hồn họ bấy lâu nay.
Nhưng cái Tết cũng là dịp giúp họ thức tỉnh, đừng đắm chìm trong cơn mê nhu nhược, thiếu ý chí mà phải biết vươn lên bằng chính mình, để mang lại niềm vui cho con cái, hạnh phúc cho gia đình. Đó chính là một trong những trách nhiệm lớn nhất mà các bậc cha mẹ phải quyết tâm thực hiện để sua tan dần “bóng tối” bao trùm cuộc đời mình và tương lai của con cái được tươi sáng hơn.
Hồ Sơn

Cái Mic và dưa lê bắp cải


 
Sáng xách chuột dạo một vòng quanh mạng trong tình trạng cáp quốc tế bị sự cố.Lướt qua một số tít hot của giới trẻ bây giờ nghe đâu có cô ca sĩ đi dự event khoác chiếc túi có đâu hơn 1tỷ6, chị ca sĩ bỏ tiền mua nhà 85 tỷ để….sinh con, anh ca sĩ sắm xe 40 tỷ để làm show, rồi tới em ca sĩ tuổi 19 đôi mươi mua chiếc xe 6 tỷ để đi thi nhảy, cháu ca sĩ ẵm giải 1tỷ đồng….ôi nghe đâu toàn tỷ tỷ, ngày xưa nghe tỷ phú là thứ gì đó rất xa xỉ và hiếm, đa phần là những người buôn bán cực khổ và nhiều suy tính lắm. Bây giờ cứ nham nhảm và nói tới tiền tỷ cứ như chuyện đùa.

Bây giờ mở tivi lên cũng dễ dàng nhận thấy các game show truyền hình cũng toàn đa phần là những gameshow ca hát, nhảy nhót chẳng còn mấy lắm những gameshow trí tuệ và khuyến khích trí tuệ nữa. Chắc có lẽ đến từ những cái lắm tỷ tỷ kia khiến thiên hạ ai ai cũng muốn trở thành ca sĩ nên phát sinh nguồn cung là gameshow đào tạo giới thiệu ca sĩ cũng nên. Cứ theo kiểu này thì nhà ai có con cái nhỏ cứ cho học hát học nhảy hết đi, đào tạo từ nhỏ nhỡ đâu mai mốt lại vớ được tiền tỷ. Nhà nhà ca sĩ, người người ca sĩ và đất nước Việt Nam sẽ thành cái nốt nhạc.


Nhật Hoàng

Monday 19 January 2015

LẠM DỤNG VI TÍNH TUỔI HỌC TRÒ


Không ai phủ nhận mặt tích cực mà máy tính đem lại, và hầu hết các trường học đều sử dụng thiết bị tin học để dạy học. Học sinh cũng được khuyến khích sử dụng máy tính trong việc học. Và cũng nhờ máy tính mà các em học sinh tính toán nhanh hơn, chỉ mất một vài giây để tìm ra đáp số một cách dễ dàng. Hoặc để tìm ra một đáp án nào đó thì chỉ việc lên tìm internet là có thể biết được. Hiệu quả thần kỳ của chiếc máy tính đem như vậy là rất lớn, nhưng việc lạm dụng triệt để vào máy tính thì thật tình là không nên. Việc lạm dụng vào máy tính khiến tư duy của các em sút giảm va mất dần độ nhạy bén. Những phép toán đơn giản hay những bài học cần đến sự tư duy, nhưng các em vẫn phải dùng máy tính để có kết quả thì thật là không hay. Những thập niên trước, chưa có máy tính học sinh tính nhẩm rất giỏi vừa nhanh vừa chính xác. Sự tư duy của các học sinh đó rất hay và mang tính logic. Giờ các em quá phụ thuộc nên rất lười suy nghĩ.

Dẫu biết lợi ích của nền khoa học mang lại. Nhưng người lớn phải biết điều tiết cho phù hợp, đừng để các em quá lạm dụng, phụ thuộc vào máy tính mà phải biết khi nào mới sử dụng khi nào không. Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng giáo dục cần có sự thống nhất và đầu tư chiều sâu từ các ban ngành giáo dục. Sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường và gia đình để kịp thời điều chỉnh và uốn nắn các em để các em không bị lệch hướng về sau. Và điều đặc biệt là mang lại nhiều nhân tài cho nước nhà sau này.
ĐN

Saturday 17 January 2015

Kiều hối


Tổng kiều hối thống kê chính thức của nước ta trong hơn 10 năm qua lên tới 90 tỉ usd. Đó là lượng ngoại tệ cực lớn và có ý nghĩa với đất nước ta.
Với ước tính  có 12 tỉ usd kiều hối được kiều bào gửi về năm 2014 thì phải
xem như đó là lượng ngoại tệ ròng nước ta có được mà không cần bỏ vốn đầu tư.
Giả thử tỉ lệ sinh lời ròng trên vốn kinh doanh là 5% như hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải bỏ ra 240 tỉ usd để thu về 12 tỉ, gần gấp rưỡi GDP Việt Nam.
Còn với chỉ số ICOR là 7 như hiện thời, tổng số vốn các doanh nghiệp cần xuất
ra để thu được cùng từng đó lãi phải là 840 tỉ usd. Nền kinh tế Việt Nam thực sự không có năng lực đó vì tổng GDP chỉ xấp xỉ 200 tỉ.
Tình nghĩa Kiều bào thật xiết bao sâu lắng và bền chặt làm sao nói hết dù bao cách trở!
Nhà nước cần nắm rõ điều đó và có biện pháp giữ nguồn, trước mắt là giảm ngay nhập siêu với Trung Quốc.

PVH

Wednesday 14 January 2015

CỨNG!


Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có chỉ đạo dứt khoát với các nhà thầu Việt thi công chậm.
Gần đây ông có thái độ rất cương quyết với nhà thầu Trung Quốc thi công ẩu gây tại nạn cho dân ta.

Ngoại giao thì thường lịch thiệp tế nhị, nhưng khi cần cứng rắn như ông Thăng cũng rất là cần thiết, nhất là đối với TQ.

PVH


Friday 9 January 2015

TIN VUI ĐẦU NĂM Ở NƯỚC TA


        Tin vui thứ nhất là : "Bkav đi trước Microsoft, Google, Samsung 5-10 năm". Tin này đã được kiểm chứng qua đường link của báo chính thống.

Tin vui thứ hai (chưa được kiểm chứng): Ở Việt Nam hình như các nhà khoa học đã chế tạo ra được “robot nhà báo”, tức là tự sản xuất tin và đưa tin lên mạng internet một cách chuyên nghiệp như các nhà báo thực thụ. Bằng chứng là có nhiều trang mạng được coi là không chính thống đã đưa tin làm mưa làm gió truyền thông thời gian qua mà không ai biết là TỪ ĐẦU ĐẾN?

Các nhà khoa học Việt Nam chúng ta giỏi thật !!!


PVH