Monday 31 August 2015

HUẾ NHỮNG NGÀY MƯA


Sau những tháng nắng nóng đến đỉnh điểm kéo dài thì những ”cơn mưa vàng” đã khiến thời tiết Huế dịu lại trong những ngày gần đây. Thành phố Huế vốn đã tĩnh lặng, vào những ngày mưa thì lại càng thêm vẻ trầm buồn, thời gian như trôi chậm lại, con người dường như cũng muốn thu mình hơn.
Mưa cũng không làm cho người Huế hối hả nhiều, những chiếc ô được mở ra, những tấm áo mưa được khoác lên người, và dòng người giữa phố, trên vỉa hè và những con người trong công việc thường ngày, vẫn cứ chầm chậm, lặng lẽ.
Những di tích lịch sử nhuốm màu thời gian, dưới cơn mưa những bức tường thành, những lăng đài một thời uy vệ càng rêu phong quá đỗi. Mưa cũng cho Huế một gam màu trầm lạnh, trầm vang từ những phố nhỏ, những ngôi nhà thấp, những hàng cây lặng lẽ, và những bước chân người cũng lặng lẽ.
Ngồi nghe một bản nhạc trong chiều mưa thấy hay hơn vào những ngày nắng, nỗi buồn cứ thế tan theo cơn mưa chứ không cần phải tâm sự cùng ai.

Thành phố nhỏ bé này có lẽ không phải là nơi quá lý tưởng dành cho những ai yêu thích những danh thắng kiêu sa, hiện đại, nơi nhịp sống náo nhiệt và sôi động nhưng với những ai yêu sự bình yên, hoài cổ, lãng mạn thì Huế - với những nét đượm buồn rất riêng, một vẻ đẹp sâu xa luôn khiến người ta phải hướng về, phải khắc khoải.
Ở Huế khung cảnh thường trầm lặng, vào mùa mưa lại càng buồn bã hơn, nhà cửa rêu phong phủ đầy, sân ngõ lầy lội, đường phố ẩm ướt, bầu trời ảm đạm từ sáng đến tối, xám xịt, giá buốt, thế nên những người ở xa đến Huế trọ học ai cũng ngán mưa Huế.
Chỉ những người con của Huế mới thân thuộc, thích nghi với thời tiết thất thường nơi đây, như đã thấm vào máu thịt, tâm hồn, làm cho họ trở nên trầm tĩnh, chịu đựng hơn. Có ở nơi nào mưa dầm dề suốt ngày này qua tháng khác, mưa đến độ thúi đất thúi đai, vừa mở mắt ra đã thấy mưa trắng xóa bên khung cửa sổ, dùng điểm tâm cùng với bản giao hưởng êm đềm của mưa và giấc ngủ cũng đồng hành trong làn điệu ru miên man của mưa?

Hầu như ở Huế chỉ có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa nắng, còn lại là khoảng giao mùa với gió heo may, bầu trời đầy mây bàng bạc, những hạt mưa rào tí tách, tất cả tạo nên nét riêng của Huế, bình lặng, dịu dàng và bí ẩn. Có lẽ chính thời tiết độc đáo đã tạo cho con người nơi đây một tính cách riêng biệt và không lẫn vào đâu được.

KL



Sunday 30 August 2015

Cảm xúc mùa Vu Lan


Xuân qua đông tới, thời gian cứ thế thấm thoăt như thoi đưa. Ngoảnh đi ngoảnh lại mới đó mà tôi đã bước sang độ tuổi băm, cái độ tuổi chín muồi của cuộc đời, ấy thế mà tôi vẫn chưa  thể nào tự lập trên chính đôi chân của mình. Lập gia đình rồi sinh con đẻ cái, chưa báo hiếu cho cha mẹ được ngày nào thì nay tôi lại phải nhờ mẹ trông con để có thể đi làm. Ba mươi năm cuộc đời, mái tóc mẹ nay không còn xanh mướt như ngày nào mà đã ngả sang màu bạc trắng, đôi tay thì sạm đi nhiều vì suốt một đời lo cho chồng con không quản ngại khó khăn vất vả. Nghĩ thấy mà thương mẹ nhiều lắm. Cuộc sống gia đình vốn dĩ cứ êm đềm trôi qua thì không may sóng gió cuộc đời bất ngờ ập đến, ba tôi ra đi mãi mãi trong một buổi chiều đầy định mệnh ấy. Biết rằng cuộc sống luôn phải biết chấp nhận những cái được và mất nhưng sao nó quá khắc nghiệt và mong manh làm sao.

Một mùa vu lan lại đến, con xin nguyện cầu đức phật từ bi phù hộ cho hương linh cuả ba con trên trời  sớm được siêu thoát về miền cực lạc, gia đạo được bình an. Bên cạnh đó con cũng xin gởi đến mẹ của con mỗi ngày đều vui vẻ và sống khỏe. Cám ơn mẹ đã sinh con ra và nuôi con khôn lớn. Từ sâu thẳm trái tim con, con muốn nói rằng: “ Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều lắm”.


 N.T

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG


Tính tới thời điểm hiện nay, ta thấy rằng không chỉ ở đất nước Việt Nam mà trên toàn thế giới vẫn còn rất nhiều mối hiểm họa từ thiên nhiên ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các hiểm họa đó, nhưng nguyên nhân đầu tiên mà chúng ta nhận thấy được, là do tài nguyên rừng ngày càng thu hẹp, khan hiếm.
Theo như đã biết, có hai loại rừng cơ bản đó là rừng thiên nhiên và rừng tự trồng. Dù là loại rừng nào cũng nên được chúng ta quan tâm bảo vệ. Những khu rừng ở vào thời điểm trước kia khác xa bây giờ rất nhiều, cây cối mọc um tùm xanh tươi, tán lá phủ rộng che mát một khoảng không gian lớn, có những cây cổ thụ già đến hàng trăm tuổi. Nhưng hiện tai, mọi thứ đã không còn như trước. Vì lợi tức trước mắt, một bộ phận nhỏ người dân đã tàn phá rừng một cách bừa bãi, hàng trăm cây rừng bị đốn chặt lấy gỗ đem bán. Ngoài ra có có môt số lý do khách quan khác, do nắng nóng thường xuyên dẫn đến rừng bị cháy. Vậy nên, chúng ta cần đề ra nhiều biện pháp khắc phục kịp thời những tình trạng đó .
Để bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiêm của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Theo thống kê chung, Việt nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai lũ lụt. Nếu như rừng được bảo vệ một cách nghiêm túc, thì sẽ tác động tích cực vào sự biến đổi của thiên nhiên. Nó sẽ hạn chế tình trạng lũ lụt xảy ra vào mùa lũ hàng năm mà các tỉnh miền trung là những nơi chịu nặng nề nhất. Những cây rừng sẽ làm cho dòng chảy của lũ chậm hơn, rồi nếu có bão xảy ra thì nó sẽ ngăn cản sức gió làm hạn chế phần nào sức tàn phá của bão. Cùng với đó tình trạng ô nhiễm, mức thiếu nước cũng ít xảy ra hơn.
Một điều cấp bách trước mắt để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên chú tâm vào công việc trồng rừng, song song đó cây được trồng phải được chăm sóc thường xuyên. Có thể đề ra nhiều chương trình tuyền truyền về công tác trồng rừng cho giới trẻ vào tận các trường học hay đến tận những khu chợ xa xôi hẻo lánh để phổ biến cho người dân. Trong buổi tuyên truyền cần nói nhiều hơn về lợi ích của việc trồng rừng và tác hại về việc chặt phá rừng. Tôi vẫn thấy có một số chương trình hữu ích đang được hoạt động thông qua báo chí tuyên truyền, như chương trình “trồng cây gây rừng”. Hay gần đây trên truyền hình vẫn đang công chiếu những bộ phim nói về nạn chặt phá rừng. Như bộ phim “Khi đàn chim trở về”, khi xem tôi thấy cũng hay và ý nghĩa.
Dù thể hay không thể, tôi vẫn mong mọi người hãy chung tay bảo vệ tài nguyên rừng!

T.N

Saturday 29 August 2015

Kẹo cau, kẹo gừng, ký ức của tuổi thơ


Hôm vừa rồi đi chợ Đông Ba, vô tình bắt gặp lại gói kẹo cau va kẹo gừng, cả một trời ký ức tuổi thơ ùa về, đó là những lần chờ đợi mẹ đi chợ về và được “quà” là những miếng kẹo cau kẹo gừng nhỏ xíu vàng ươm, ngậm trong miệng tan dần, ngọt lịm đến mê hồn, đó là những lần được điểm 10, mẹ lại “thưởng” cho những miếng kẹo cau kẹo gừng đó…Ngày nay, xã hội phát triển, cuộc sống của mọi người hối hả hơn, không biết trong ký ức của mỗi người có còn hình ảnh bình dị nhưng đong đầy cả tuổi thơ qua những chiếc kẹo bé nhỏ này không? Hay đến khi quay đi rồi mới thấy tiếc, thấy nhớ ra mình đã đánh mất một phần ký ức của tuổi thơ, rồi lại suy tưởng “Ai cho tôi một vé đi về tuổi thơ”? Để rồi hôm nay bắt gặp lại, vị ngọt lại tan chảy trong lòng, lại nhớ qua, nhớ da diết ký ức đong đầy đó..

Trẻ con thành phố bây giờ có lẽ không còn biết đến hương vị của kẹo cau hay kẹo gừng, thay vào đó là những thức ăn thức uống hiện đại và màu sắc hơn, chỉ những người như chúng ta mới ngồi đó hoài niệm, rồi lại nhớ, lại cười, rồi lại khao khát được trở về như ngày xưa, cái ngày sống vô tư, không lo toan gì trước bộn bề của cuộc sống…Và để rồi khắc khoải “đau rồi tuổi thơ êm đềm của tôi”

T.H

Friday 28 August 2015

Sức mạnh của tâm linh

 

Nhân ngày lễ Vu Lan, ngày báo hiếu đền đáp ân sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta được như ngày hôm nay mới thấy được cái tâm linh trong mỗi chúng ta ai cũng có. Không ít thì nhiều, tâm linh mang lại sức mạnh về tinh thần rất lớn, có thể đánh bại những khó khăn trước mắt và vượt qua nỗi đau thiếu vắng đấng sinh thành.


Trong tất cả các sức mạnh, sức mạnh của tâm linh là mạnh nhất. Bất kể trường phái tâm linh nào cũng hướng con người đến những việc đúng và thiện.
Theo tôi nghĩ những người hiểu nặng về tâm linh thường thương yêu nhau và gắn bó với nhau hơn những người khác. Tâm linh giúp ta hiểu được giá trị của tình người nhất là dân tộc Việt Nam gắn bó với đạo Phật hàng nghìn năm. Dẫu biết rằng đường đời không thẳng tắp mà nó sẽ có những ngả rẽ, mọi thứ chúng ta làm theo tôi nghĩ sẽ không tránh khỏi luật nhân quả như lời Phật dạy chúng sanh. Con người chúng ta sinh ra ngoài sự giúp đỡ của cha mẹ và xã hội còn phải tự thân vận động chứ không ai có thể giúp cho mình nhiều được, chẳng hạn như sức khỏe và kiến thức.

Vâng, nhân ngày Vu Lan chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ: “cha mẹ chỉ có một trên đời” để làm được nhiều điều bổ ích.

 

QH

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN RỪNG


Tính tới thời điểm hiện nay, ta thấy rằng không chỉ ở đất nước Việt Nam mà trên toàn thế giới vẫn còn rất nhiều mối hiểm họa từ thiên nhiên ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các hiểm họa đó, nhưng nguyên nhân đầu tiên mà chúng ta nhận thấy được, là do tài nguyên rừng ngày càng thu hẹp, khan hiếm.

Theo như đã biết, có hai loại rừng cơ bản đó là rừng thiên nhiên và rừng tự trồng. Dù là loại rừng nào cũng nên được chúng ta quan tâm bảo vệ. Những khu rừng ở vào thời điểm trước kia khác xa bây giờ rất nhiều, cây cối mọc um tùm xanh tươi, tán lá phủ rộng che mát một khoảng không gian lớn, có những cây cổ thụ già đến hàng trăm tuổi. Nhưng hiện tai, mọi thứ đã không còn như trước. Vì lợi tức trước mắt, một bộ phận nhỏ người dân đã tàn phá rừng một cách bừa bãi, hàng trăm cây rừng bị đốn chặt lấy gỗ đem bán. Ngoài ra có có môt số lý do khách quan khác, do nắng nóng thường xuyên dẫn đến rừng bị cháy. Vậy nên, chúng ta cần đề ra nhiều biện pháp khắc phục kịp thời những tình trạng đó .
Để bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiêm của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Theo thống kê chung, Việt nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai lũ lụt. Nếu như rừng được bảo vệ một cách nghiêm túc, thì sẽ tác động tích cực vào sự biến đổi của thiên nhiên. Nó sẽ hạn chế tình trạng lũ lụt xảy ra vào mùa lũ hàng năm mà các tỉnh miền trung là những nơi chịu nặng nề nhất. Những cây rừng sẽ làm cho dòng chảy của lũ chậm hơn, rồi nếu có bão xảy ra thì nó sẽ ngăn cản sức gió làm hạn chế phần nào sức tàn phá của bão. Cùng với đó tình trạng ô nhiễm, mức thiếu nước cũng ít xảy ra hơn.

Một điều cấp bách trước mắt để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên chú tâm vào công việc trồng rừng, song song đó cây được trồng phải được chăm sóc thường xuyên. Có thể đề ra nhiều chương trình tuyền truyền về công tác trồng rừng cho giới trẻ vào tận các trường học hay đến tận những khu chợ xa xôi hẻo lánh để phổ biến cho người dân. Trong buổi tuyên truyền cần nói nhiều hơn về lợi ích của việc trồng rừng và tác hại về việc chặt phá rừng. Tôi vẫn thấy có một số chương trình hữu ích đang được hoạt động thông qua báo chí tuyên truyền, như chương trình “trồng cây gây rừng”. Hay gần đây trên truyền hình vẫn đang công chiếu những bộ phim nói về nạn chặt phá rừng. Như bộ phim “Khi đàn chim trở về”, khi xem tôi thấy cũng hay và ý nghĩa.

Dù thể hay không thể, tôi vẫn mong mọi người hãy chung tay bảo vệ tài nguyên rừng!

T.N

Thursday 27 August 2015

NGHỀ BIỂN


Nghề nào thì cũng có sướng khổ và cái giá riêng của nó. Đối với người dân vùng biển, họ dựa vào biển để mưu sinh thì dường như biển đã ngấm sâu trong máu thịt của họ, sự chịu thương chịu khó của người dân miền biển đã tạo nên nét riêng của những con người gắn bó cuộc đời mình với sóng nước mênh mông và trước mỗi chuyến đi họ luôn cầu trời cho sóng yên, biển lặng, vì khi ra ngoài biển khơi họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Với những ngư dân làm nghề đi biển thì bên cạnh nổi lo cơm áo thì họ còn rất nhiều nổi lo khác như: thời tiết không thuận lợi, không tìm được luồng cá, tàu khác đâm va phải, sự uy hiếp của tàu nước ngoài…Ngoài những nổi lo trên thì nghề biển cũng là một nghề có chi phí đầu tư rất lớn nhưng rủi ro cũng rất cao, có nhiều gia đình trắng tay chỉ sau một vài chuyến đi biển do bị tàu khác đâm chìm hoặc do gặp bão. Mặc dù biết nghề đi biển là rất vất vã và nguy hiểm, nhưng với những con người sinh ra ở vùng biển nếu không đi biển thì họ cũng chẳng biết làm nghề gì.

Với nghề đi biển thì mỗi chuyển đi là mỗi lần đặt cược tính mạng, có rất nhiều người dân đi biển mong cho gia đình có cuộc sống ấm no nhưng cái giá phải trả đôi khi quá lớn, những rủi ro vẫn thường xuyên xảy ra, tang tóc vẫn gieo rắc khắp các vùng quê biển.

Dẫu biết mỗi chuyến đi biển là một hành trình gian khổ, những hiểm nguy ngoài khơi luôn rình rập, đe dọa sinh mạng họ, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên những ngư dân vẫn ngày đêm bám biển, vẫn xem biển cả là nhà. 

XQ

Wednesday 26 August 2015

GIẤC MƠ CỦA ÔNG LÃO ĂN XIN


          Trước mặt khách sạn sang trọng X có một ông lão ăn xin, ngày nào cũng ngồi ở đó chờ người qua đường bố thí cho ít đồng lẻ để sống qua ngày. Ngày qua ngày cứ ngồi trước khách sạn và nhìn chăm chú và mơ một ngày nào đó sẽ được ngủ trong khách sạn một đêm ấm cúng khác xa với những chuỗi ngày dài ngủ ngoài ghế đá. Ông chủ khách sạn sáng nào cũng đi làm và bắt gặp ánh mắt của ông lão ăn xin, nên đã chủ động đến tặng tiền và hỏi:
          - Bác ạ, sáng nào cháu đi làm cũng thấy bác ngồi nhìn vào khách sạn là sao vậy?
          - Tôi đêm nào cũng ngủ ở ghế đá và mong muốn được 1 lần ngủ trong đó.
          - Thôi được, cháu sẽ để cho bác ngủ trong đó 1 tháng và ở phòng VIP nhất.
          Ông lão không tin vào mắt mình, cứ ngỡ là đùa nhưng đó là sự thật, sau đó ông được ông chủ khách sạn cho vào ở phòng VIP nhất.
          Vào khách sạn, sau khi đã chén đầy bụng các thứ trong tủ lạnh, ông lão ăn xin leo lên giường đi ngủ. Cái cảm giác thật tuyệt vời bởi hằng ngày nằm ngoài ghế đá lạnh lẽo, nhưng nay được chăn ấm nệm êm nên hy vọng đêm nay sẽ có giấc ngủ ngon vào thoải mái. Thế nhưng, 1 đêm, 2 đêm rồi lại 3 đêm, trong đầu ông lão ăn xin luôn bị giật mình và cứ ngỡ mình đang ngủ ở ghế đá. Thế rồi ông quyết định ra lại chỗ ghế đá để ngủ lại.
          Sáng sớm như mọi khi, ông chủ khách sạn bắt gặp được ông lão ăn xin ngủ ở ghế đá và rất ngạc nhiên vì ông ta đã từ chối lời mời từ phía mình. Ông lão ăn xin cho biết:
          - Tôi quen ngủ ở ghế đá và mơ được ngủ ở trong khách sạn ông. Nhưng khi ở trong khách sạn ông tôi lại giật mình và mơ đang nằm ngủ ở ghế đá. Thế là tôi không thể nào ngủ được vì cái cảm giác lạnh lẽo trong giấc mơ mang đến. Nên tôi quyết định ra lại ghế đá để ngủ và giấc ngủ đúng thật là ngon hơn nhiều.
          Ông chủ khách sạn chỉ biết im lặng và tiếp tục công việc của mình.
          Trong cuộc sống cũng vậy, đôi khi bạn thường hay mơ có được những thứ mà mình không có, để rồi đến lúc có được điều mình muốn lại cảm thấy nó không hợp với mình. Chính vì vậy, trong cuộc sống bạn đừng quá lo nghĩ đến chuyện được và mất, hãy sống trọn vẹn cuộc sống của mình và những điều kỳ diệu sẽ đến từ cách mà bạn nhìn nhận về cuộc sống.

DT.(St)

Monday 24 August 2015

ĐỪNG VỘI XÉT ĐOÁN


Cách đây mấy hôm, anh trai tôi có gọi 2 người thợ đến lắp 2 cái máy điều hòa trong đó có lắp 1 cái trong phòng của mẹ tôi. Vì là người quen nên anh trai tôi đã giao nhà cho 2 người thợ làm mà không cần đứng đó để trông coi nhà. Sau khi lắp xong cái máy điều hòa trong phòng của mẹ tôi thì họ tiếp tục sang phòng khác để tiếp tục công việc. Mọi chuyện vẫn cứ diễn ra bình thường cho đến khi mẹ tôi đi chợ về. Bà bước vào phòng thì thấy mọi thứ đồ đạc đều được 2 người thợ dịch chuyển đi nơi khác. Những thứ được 2 người thợ chuyển đi thì có chiếc giường ngủ của mẹ tôi (trong chiếc giường mẹ tôi có bỏ một bì thư trong đó có 2,8 triệu đồng). Khi thấy chiếc giường được dịch chuyển đi nơi khác thì mẹ tôi vội đến chiếc giường để kiểm tra số tiền bà để ở đó. Tìm mãi tìm hoài mà vẫn không thấy nên mẹ tôi gọi tôi và vợ của tôi vào tìm. Ba mẹ con tìm tất cả mọi nơi nhưng vẫn không thấy. Lúc này mẹ tôi cứ khăng khăng nói là 2 người thợ này đã lấy số tiền trên nên cứ đòi lên hỏi cho ra lẽ. Tôi thì không cho mẹ lên hỏi vì sợ làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến danh dự của họ. Hai mẹ con đứng tranh cải một lúc thì chị dâu tôi về. Mẹ tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện cho chị tôi và cả bốn người lại đi tìm một lần nữa. Tìm mãi không thấy nên chị tôi quyết định lên hỏi 2 người thợ. Nghe chị tôi hỏi cái phong bì đựng tiền thì hai người này vô cùng hốt hoảng, họ bảo họ không biết gì cả. Hai người thợ thì nói là không biết còn mẹ của tôi thì một mực nói 2 người thợ đã lấy số tiền trên. Vậy là tất cả lại đi tìm một lần nữa nhưng kết quả cũng như những lần trước. Chiếc phong bì vẫn không tìm thấy. Tưởng chừng như sự việc sẽ lâm vào bế tắc thì đột nhiên chị dâu tôi lại bảo tôi đến kiểm tra thùng đựng rác trong nhà xem có ai quét dọn rồi vứt nhầm vào trong đó không. Và một điều kỳ diệu đã đến đó là chiếc phong bì đã nằm trong thùng rác như suy đoán của chị dâu tôi. Tìm được chiếc phong bì thì những người có mặt lúc đó đều hết sức vui mừng vì sự việc cuối cùng cũng được làm sáng tỏ, hai người thợ cuối cùng cũng được minh oan. Còn nguyên nhân chiếc phong bì nằm trong thùng rác là do lúc 2 người thợ chuyển sang làm phòng khác, tôi và vợ tôi vào dọn phòng, tưởng chiếc phong bì không có gì nên vợ của tôi đã đem đổ vào thùng rác.
          Qua câu chuyện vừa rồi thì tôi mong mọi người, trước khi xét đoán, kết án một ai đó thì chúng ta nên tìm hiểu, suy nghĩ thật cẩn thận nhằm tránh làm mất danh dự của người khác.

N.IH

Friday 21 August 2015

TẬP LÀM “ CHỦ TỊCH”



          Mấy hôm nay đọc trên các báo mạng phản ánh về dự thảo mới của bộ GDĐT về việc bầu chức chủ tịch Hôi đồng tự quản cho các em học sinh.
Theo dự thảo mới thì tổ chức bộ máy hội đồng tự quản học sinh bao gồm có một Chủ tịch, hai phó Chủ tịch và các ban tham gia hội đồng như Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban sức khoẻ, vệ sinh, Ban văn nghệ, thể dục, Ban thư viện; Ban đối ngoại... Có ý kiến cho rằng Hội đồng tự quản là biện pháp giúp học sinh quyền làm chủ trong học tập, được rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, giúp học sinh tự tin hơn, rèn luyện tính độc lập…
          Thử hỏi với độ tuổi của các em có nhất thiết phải làm như vậy không!? Với những chức danh mang tính hình thức trong môi trường học của các em chắc gì đã không gây nên những hệ lụy sau này. Nó tạo cho các em tính ganh đua, hơn thiệt trong môi trường đáng lẽ ra chỉ có học tập và noi gương theo thầy cô để làm những việc tốt. Hồ Chủ Tịch cũng có nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” thì cớ sao các nhà giáo dục lại miễn cưỡng ghép cho các em chức danh mà đến các em cũng không hiểu nỗi. Mặc nhiên chính những người lớn chúng ta đã làm cho các em đánh mất đi sự trong sáng của tuổi thơ, biến các em thành các ông, ba cụ non. Từ cách xưng hô, đi đứng, phát biểu và thậm chí đến cá suy nghĩ. Giả sử trong một buổi hợp lớp các em lại phát biểu: “kính thưa đồng chí chủ tịch lớp. Kính thưa đồng chí phó chủ tịch thường trực lớp. Kính thưa đồng chí phó chủ tịch kiêm trưởng ban thi đua…” những từ ngữ đó hình như đã làm cho các em đánh mất đi sự ngây thơ trong sáng của tuổi học trò.

          Các nhà giáo duc phản biện rằng chức danh chủ tịch hay lớp trưởng không có gì to tát cả. Chẳng qua chỉ để cho các em học sinh thực nghiệm môi trường tự quản trong nền giáo dục mới mà thôi. Vậy thì tại sao các vị không dạy trẻ ngẩng cao đầu và tự đi trên đôi chân của chính mình. Tại sao không dạy trẻ có những hành trang tốt nhất  là văn hóa, kiến thức hay đạo đức chứ không phải là chức này chức kia. Giáo dục phải thay đổi thực chất chứ không phải đưa ra những mô hình thí nghiệm để các em học sinh biến thành những con chuột bạch và những chức danh hợm hĩnh như vây.!

DN

Wednesday 19 August 2015

TIẾT KIỆM, TIẾT KIỆM,…HÃY TIẾT KIỆM GẤP!


Trong cuộc sống hằng ngày, cơm, áo, gạo, tiền, thị hiếu tiêu dùng, cám dỗ chi tiêu,… luôn là vấn đề nan giải cho nhiều người, nhiều gia đình, đặc biệt là dân Việt chúng ta. Trong một giới hạn thu nhập nhất định nhưng lại có vô vàng khoản chi tiêu. Điều này đã khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nầng, có thể dẫn đến trộm cắp, cướp giật; nhiều gia đình tán gia bại sản, thiếu hụt quanh năm, không còn tinh thần để làm ăn, sinh ra nhiều tật xấu rượu chè, cờ bạc,…
Nhiều người luôn tự hỏi tại sao thu nhập của mình khá cao nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng nhẵn túi hoặc phải đi vay nợ người khác. Như vậy, tiết kiệm không chỉ dành cho người thu nhập thấp mà càng có ý nghĩa đối với những người thu nhập cao. Tất cả mọi người nếu có kế hoạch chi tiêu, nếu biết tránh những thủ phạm làm xé lẽ hầu bao tài chính của mình thì việc xây dựng một mô hình tiết kiệm cho cá nhân mình là không khó. Tuy nhiên, những thủ phạm đó không dễ dàng buông tha cho chúng ta, chúng luôn rình rập với tất cả mọi người, từng giờ, từng phút. Những thủ phạm mà mọi người cần phải chú ý và tránh xa đó là:
-         Chi tiêu nhiều hơn khi thu nhập tăng.
-         Chỉ biết hiện tại mà không tính toán tương lai
-         Nghĩ là còn trẻ nên còn quá sớm để bắt đầu tiết kiệm
-         Không quan tâm đến sự hợp lý giữa thu nhập và chi tiêu
-         Không thiết lập ngân sách
-         Không hiểu rõ về những gì mình cần và những gì mình muốn
-         Quên đi các khoản mình đang nợ
-         Chạy theo, đua đòi theo sự phát triển công nghệ hiện đại, các thiết bị điện tử mới được phát minh,…
Hầu hết mọi người đều biết và nghĩ đến việc chi tiêu tiết kiệm một cách rất tổng quát. Ít người biết đến hậu quả của sự túng thiếu nghèo nàn là do những thủ phạm trên. Và việc thực hiện tiết kiệm theo một quy chuẩn trên thì càng ít người làm được.
Vì thế, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người cùng: “TIẾT KIỆM, TIẾT KIỆM,… HÃY TIẾT KIỆM GẤP”. Sống phải có trách nhiệm với bản thân mình, gia đình, bạn bè và xã hội. Đừng sa đà vào những chi tiêu không cần thiết, đừng để thời gian hoang phí cả cuộc đời, đừng nghĩ suy vớ vẫn vô ích. Mà hãy tận dụng thời gian tăng thêm thu nhập, hãy chớp lấy thời cơ khi còn trai trẻ, hãy làm những điều mình cần thực hiện từ hôm nay.

H.S

Monday 17 August 2015

CHỌN NGHỀ HAY NGHỀ CHỌN?


Ngày nay, vấn đề việc làm đang là đề tài rất được mọi người quan tâm. Trong thời đại ngày nay, khi mà số việc làm không đủ để đáp ứng cho một số lượng lớn người lao động. Đặc biệt là lượng lao động trí thức. Hàng năm, có không ít các cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp. Trong khi đó công việc thì không có quá nhiều để cho người lao động chọn.
Tâm lý của người lao động ai cũng muốn chọn cho mình một nghề yêu thích, phù hợp với khả năng của bản thân. Tuy nhiên có mấy ai có thể thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình sau khi ra trường. Ngày nay, ra trường kiếm việc làm là một việc cũng quả thật rất khó khăn, có được việc làm để nuôi bản thân không bám bố mẹ đã là điều đáng mừng chứ đừng nói là phải tìm công việc đúng sở thích, có mức lương hấp dẫn và môi trường tốt.
 Vậy theo xu hướng ngày nay thì người chọn nghề hay nghề chọn người? Đây quả thật là một câu hỏi khó trả lời cho hầu hết các bạn trẻ đang trong giai đoạn lập nghiệp. Có nhiều lúc, chúng ta đang không biết mình đang muốn gì và đang có những gì. Chúng ta cứ mơ hồ là phải tìm cho được việc phù hợp với khả năng của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta chưa bắt tay vào làm thì làm thế nào để biết được liệu công việc đó có phù hợp với mình.  Vì vậy, chúng ta cũng đừng nên băn khoăn quá nhiều khi chọn cho mình một công việc. Có lẽ mỗi chúng ta đến với nghề là một cái duyên dù không như mong muốn. Vì vậy chúng ta phải cháy hết mình trong mỗi công việc mình làm, dốc hết tâm sức và lòng nhiệt huyết để hoàn thành tốt các công việc. Để rồi sẽ có một lúc nào đó chúng ta chợt nhận ra rằng, đây chính là công việc phù hợp với khả năng của bản thân.
Ngày nay có rất nhiều người làm trái ngành nghề mình học và lựa chọn nhưng cũng đã có không ít người thành công trong các lĩnh vực trái ngành. Có thể nói, nghề nghiệp là một chuỗi rất nhiều các công việc khác nhau mà ta đã từng trải qua trong cuộc đời. Có nhiều người sau những lần vấp ngã  và va chạm với thực tế mới tìm ra được công việc phù hợp với mình.
Vì vậy, dù người chọn nghề hay nghề chọn người thì mỗi chúng ta hãy cố gắng hoàn thành tốt các công việc hiện tại bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết. Đừng nên "đứng núi này, trông núi nọ" để rồi chẳng làm được việc gì ra hồn. Hãy luôn học hỏi và không ngừng hoàn thiện bản thân. Bởi, cuộc sống chẳng bao giờ phụ những người biết cố gắng và nỗ lực!
PTM


Friday 14 August 2015

Cháo gạo đỏ cá kho


Nếu là người Huế, có lẽ không ai không biết món ăn bình dị này, có lẽ nó gắn liền với cả tuổi thơ của nhiều người Huế…

Cháo gạo đỏ được nấu từ gạo lức thơm mùi lá dứa, rất thơm ngon và bổ dưỡng cho sức khỏe, cháo gạo đỏ khi nấu không được dùng đũa quậy để đảm bảo rằng cháo mềm nhưng vẫn giữ nguyên hạt, còn cá bống thệ trước khi kho phải làm sạch sẽ qua nhiều công đoạn, bỏ muối sát vảy rồi thêm đò màu gia vị vào, ướp khoảng hon 30 phút rồi mới kho rim, đặc biệt kho rim theo “kiểu Huế” rất công phu va tốn nhiều thời gian như nhỏ lửa và đun lâu để con cá bống ngon nhưng không bị nứt.

Nhìn tô cháo gạo đỏ thơm phức bên cạnh nhưng chú cá bống vàng ươm, vừa ăn vừa cảm nhận được sự ngọt ngào như chính tình cảm con người đối với quê hương, vì thế mà:
“ Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ về”


Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ai cũng đầy đủ với nhiều sơn hào hải vị, người trẻ tuổi thường có xu hướng quên và ngó lơ đi nhưng món ăn bình dị này, thậm chí vì mưu sinh, còn rất ít người bán, nhưng nó vẫn là nỗi nhớ chút gì đó về quê hương, về Huế của những người xa quê..

TH

Wednesday 12 August 2015

NHÂN DÂN TỆ MẤT GIÁ, DOANH NGHIỆP VIỆT GẶP KHÓ



Hôm nay (12/8) bản tin kinh tế tài chính buổi sáng loan tin ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định phá giá đồng tệ 1,9% đã tác động thì trường tài chính chứng khoán toàn cầu một các nhanh chóng, sâu sắc.

Tác động đầu tiên là giá kim loại và khoáng sản giảm mạnh.
Tác động thứ 2 là chỉ số các thị trường chứng khoán giảm.
Tác động thứ 3 với độ trễ khoảng vài tháng là sự phá giá có tính liên hoàn của các đồng tiền quốc gia, và FED sẽ cân nhắc tới việc có tăng lãi suất đồng usd trong thời gian tới như kế hoạch hay không? Mầm móng của một "cuộc chiến tiền tệ" hình như đã được kích hoạt.

Trung Quốc là nước mà Việt Nam có tổng kim ngạch thương mại chiếm tỉ trọng lớn nhất là cũng là nước mà chúng ta chịu nhập siêu nhiều nhất.

Khi đồng tệ giảm giá thì các doanh nghiệp Việt Nam  xuất hàng qua Trung Quốc chịu nhiều thiệt thòi do phải nhận lượng tiền có giá trị qui ra usd hay vnd thấp hơn trước (với giả thiết giá không thay đổi), và ngược lại các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ nhập khẩu hàng từ TQ nhiều hơn do giá hàng hóa rẽ đi. Vì lý do này, nhập siêu sẽ ngày càng tăng và hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh với hàng TQ vì giá hàng Việt luôn cao hơn (do chí phí lớn).

Vậy có thể nhận định: "Nhân dân tệ mất giá, doanh nghiệp Việt gặp khó".


PVH

Monday 10 August 2015

FB ĐANG DẮT CHÚNG TA ĐI


Không ai là không thấy sự tiện dụng của facebook (fb), nó có thể được coi là tổng hợp của website, blog, chat, email...và tất cả những gì tiện ích nhất của công nghệ internet.  Fb đang ngày càng tự hoàn thiện, và sẽ cung cấp cho người dùng nhiều tiện ích hơn nữa trong thời gian tới.
Các ví dụ về sự kỳ diệu của fb đã được nhắc tới rất nhiều:
- tìm ra bố ( mẹ) sau hàng chục năm lưu lạc;
- tìm lại được đồ bị kẻ cắp lấy đi;
- biết được tin tức bạn bè sau nhiều năm "biệt vô âm tín";
- cứu người bị nạn, nhờ biết được vị trí chính xác khi nạn nhân đăng ảnh lên fb;
- cấp cứu người bị kẹt lại trong nhà bị khóa trái cửa;
- bác sĩ tư vấn phẩu thuật cho người bệnh ở xa;
- luật sư tư vấn pháp lý cho bị cáo ở xa...
- tìm ra các giải pháp thích hợp khi gặp bế tắc trong cuộc sống.
...
Tuy nhiên, mặt trái của fb đang lộ rõ, có thể thấy việc gần nhất là một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai phải uống thuốc sâu tự tử khi bị bạn trai đăng clip nóng lên fb. Nhiều gia đình bị tan nát bởi chồng hoặc vợ qua fb đã làm quen với và kết bạn tình cảm trên mạng với người lạ và thường xuyên chat chit qua lại với nhau.
Một người bạn của tôi là giáo viên ưu tú hình như bị bệnh cuồng fb. Bạn đi đâu cũng kè kè smartphone bên cạnh và post thông tin mọi lúc mọi nơi. Bạn phải dự phòng 2 bộ sạc nhanh dự phòng để việc post bị ngừng trệ. Đi hội lớp, bạn không cần biết câu chuyện xung quanh xảy ra thế nào, chỉ chăm chăm câu like trên fb riêng của mình thôi.
Fb hình như đang làm đảo lộn cuộc sống của người dùng không bản lĩnh, fb đang lôi kéo họ đi đâu đó trên con đường bất định.
Tôi bị coi là kẻ ngoại đạo khi không có fb riêng. Thực ra tôi cũng muốn tạo cho minh 1 tài khoản fb,  biết  mình hay lông bông thích bàn bè đàn đúm, không khéo lại bị mất thời gian bởi những việc không đâu nên đành thôi cho lành.
Phải chăng nhờ vậy mà ít bị fb dắt đi đâu đó, may thật!


PVH

Saturday 8 August 2015

TÌNH LÀNG NGHĨA XÓM GIỮA XƯA VÀ NAY


Ở quê tôi sinh sống, dù trải qua bao nhiêu thế hệ nhưng câu nói “ Bán bà con xa mua láng giềng gần ‘ vẫn còn giữ nguyên giá trị. Ở nơi làng quê, có thể không đầy đủ mọi thứ như ở thành phố nhưng cái tình giữa con người với nhau thì không ở đâu sánh bằng. Các thế hệ đi trước luôn nhắc nhở con cháu hãy biết trân trọng điều đó.
Mặc dù quan điểm sống đó vẫn được mọi người lưu giữ nhưng do điều kiện sống thay đổi nên cũng ảnh hưởng ít nhiều. So với ông cha ta trước kia thì tình cảm làng giềng mặn nồng hơn bây giờ nhiều. Cũng do là giữa các gia đình trong xóm ngày xưa có nhiều hoạt động sinh hoạt chung hơn. “Các bà nội trợ vào buổi sáng tinh mơ hay rủ nhau xuống bến nước giặc áo quần hay cùng nhau đi gánh nước ở cái giếng ở đầu làng. Rồi những lúc, nhà nào có hỷ sự hay hiếu sự cần được dựng rạp bưng bê bàn ghế thì các thanh niên trong xóm sẵn sàng chung tay giúp đỡ. Có nhiều người hỗ trợ nên tất nhiên công việc sẽ hoàn thành trong nhanh chóng”.
Ngày nay, hầu hết nhà nào sinh hoạt riêng nhà đó. Các thiết bị hỗ trợ cho sinh hoạt đều được các gia đình sắm sửa đầy đủ. Nên cơ hội đế bà con láng giềng xích lại gần nhau ngày một ít hơn. Chỉ nói là ít thôi chứ không phải là không có. Khi cần thiết mọi người vẫn sẵn sàng giúp đỡ nhau. Là khi nhà nào có người đau ốm cần sự hỗ trợ của mọi người, tôi vẫn thấy những gia đình còn lại trong xóm vẫn rất nhiệt tình giúp đỡ không cần suy nghĩ. Rồi những khi nhà nào có cúng kỵ chi đó,  họ vẫn giữ lại vài chén chè dĩa xôi để mời gia đình nhà cạnh bên. Dù chỉ hành động đơn giản vậy thôi, nhưng nó thể hiện được cái tình giữa những người ở chung xóm với nhau.
Ngay cả tình cảm giữa những đứa trẻ trong xóm cũng khác xưa rất nhiều. Nó không còn chơi thân với nhau như trước nữa. Tất cả cũng do cuộc sống xô bồ đẩy con người ngày một xa nhau hơn. Những trò chơi dân gian được rất ít đám trẻ dành thời gian để chơi mà thay vào đó là các trò chơi hiện đại. Hầu hết bọn trẻ con trong xóm ngày càng ngập đầu vào cuộc sống ảo. Làm bạn với nhau trên các trang mạng xã hội mà không biết đối tượng kia có cuộc sống thực hư như thế nào, để rồi có một số trường hợp dẫn đến hệ lụy đáng tiếc trên cuộc sống thật. Bọn trẻ trong xóm ngày xưa thì chơi với nhau rất vui, cùng chơi đùa với nhau bằng các trò chơi dân gian trên sân nhà của một thành viên trong xóm, chơi một cách hăng say quên cả phiền muộn. Rồi sau đó lại cùng nhau ôn bài, cùng nhau đi đến trường. Cuộc sống cứ xảy ra một cách vui tươi trong sáng như vậy.


TN

Friday 7 August 2015

Người đi không mỏi


Bắt đầu từ sáng sớm nhiều lúc đến chiều tối, họ đi. Băng qua các nẻo đường hay vào tận từng căn nhà, từng con xóm nhỏ. Đôi gánh trên vai họ oằn lưng bước mãi. Lòng thổn thức với cơm áo gạo tiền và ánh mắt con thơ.
Ngày lại ngày, tháng rồi năm. Cuộc đời họ không tính hết bao nhiêu cây số. Chỉ biết rằng mỗi góc phố, con đường họ thuộc nằm lòng, như thể đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hôm nay.
Đẹp hơn một vận động viên marathon. Họ mang trong mình một tình yêu bờ bến. Tình yêu đó là tình thương của mẹ, mẹ gánh trọn cuộc đời ở hai đầu đôi vai.
Dẫu biết rằng đích đến còn dài, cuộc sống còn chông gai. Trong giông bão họ vẫn cần mẫn bước tiếp. Ngày mai ra sao họ không cần biết .Để cuối cuộc đời mang một dấu hỏi trên lưng…
 AD
Nét văn hóa lâu đời
Xem lại những bức ảnh, những hình vẽ thời Pháp thuộc, chân dung người làm trật tự ngày nay trông oai hơn, có đồng phục, có xe máy, có xe ô tô, có loa cầm tay… nhưng tính “cường hào” thì vẫn vậy. Bán dạo, bán vỉa hè, gánh hàng rong xưa nay đều đại diện cho cái nghèo, cái khổ, một hình thức mưu sinh rất lâu đời, đôi quang gánh và chiếc thúng chẳng khác xưa là mấy.
Hình thức buôn bán thô sơ mộc mạc ấy từ lâu đã đi vào thơ ca, văn học, kịch họa, phim ảnh… và trong tâm thức của bao nhiêu trái tim Việt. Hình ảnh người cha, người mẹ, người vợ, người anh, người chị… tần tảo, lam lũ đã nuôi dưỡng dạy dỗ biết bao con người thành danh, kiệt xuất. Đã ai từng thống kê có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức, nhà khoa học, nhà lãnh đạo… trưởng thành từ “chiếc nôi” người bán dạo, gánh hàng rong… Chắc là nhiều, nhiều lắm vì đó là phương thức sinh nhai quen thuộc và lâu đời của người dân nghèo nước mình, mà nghèo thì bao giờ cũng chiếm số đông.
Ai đã từng “thưởng thức” gánh chè đậu ván trong bài diễn văn của ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, trong dịp nhận giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh năm 2012 mới “thấm thía” cái triết lý của giới cần lao vô danh âm thầm chịu thương chịu khó kia, một triết lý không đối lập gay gắt, không cực đoan, một triết lý kết hợp kỳ diệu lạ lùng vừa bình dân vừa quý phái.
Nếu như “gánh chè đậu ván”… làm nên văn hóa Hội An, thì hình ảnh những người bán dạo, bán vỉa hè, bán hàng rong làm nên văn hóa Việt. Sẽ có người cho đó là lộng ngôn, nhưng hãy nghĩ xem, du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam họ quan sát và lưu lại những gì, rất nhiều, rất nhiều những cảnh sinh hoạt đời thường đặc trưng của dân bản địa mà hình ảnh gánh hàng rong, người bán dạo là dễ dàng đập vào mắt họ nhất, để lại nơi họ những ấn tượng đậm nét trong quá trình thưởng ngoạn. Và vô hình trung, đó cũng là cách quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam đơn giản nhất và hiệu quả nhất.
Vỉa hè và du khách tạo nên một sự tương tác rất lớn mà lợi và hại, được và mất lại là một ranh giới mong manh.
 (Trích lược)

Wednesday 5 August 2015

THUỞ ẤY …CÒN ĐÂU


 Không biết tự bao giờ khung cảnh xung quanh tôi đã đổi thay một cách nhanh chóng đến như thế, mới đến nỗi tôi không còn nhận ra những con đường, những cánh đồng trơ trọi thuở nào giờ đã biến thành những ngôi nhà, biệt thự xa hoa mọc lên san sát đến choáng ngợp, đến từng quán café, nhà hàng, quán nhậu trong không gian rộn ràng của những tiếng hò reo, cạn ly của những khách hàng quá khích hay không khí du dương, trang trọng trong các quán bar…Cánh đồng quen thuộc mà thuở bé tôi thường cùng bạn bè, gia đình đùa vui, chạy nhảy thì giờ đây nó được quy mô hóa một cách hiện đại, xa hoa với cái tên trông rất kiêu “ khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ “. Có thể nói cuộc cách mạng công nghiệp đã chính thức can thiệp sâu  rộng vào nông thôn biến cuộc sống của người dân cũng nâng lên một tầm cao mới, văn minh hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, cuộc sống xô bồ, rộn ràng tấp nập phần nào phá vỡ đi những gì truyền thống, cổ kính, và tĩnh mịch của cái thuộc về xa xưa, cái thuở gắn liền với hình ảnh con trâu, lưỡi cày, đồng ruộng mênh mông, bát ngát thẳng cánh cò bay…
Biết rằng xã hội mỗi ngày mỗi tân tiến, con người mỗi ngày cũng cần phải đi lên theo nhịp thở hối hả của cuộc sống, tuy vậy, những gì thuộc về truyền thống xa xưa vẫn rất đáng trân trọng và lưu giữ, nhưng biết làm thế nào bây giờ thay vào đó nuối tiếc, hay là cứ cố gắng chấp nhận những gì đang có, đang diễn ra xung quanh mình theo lẽ tự nhiên thôi.
N.T





Monday 3 August 2015

HOẠT ĐỘNG TRÍCH THƯỞNG CỘNG TÁC VIÊN


Hàng năm, cứ đến khoảng tháng 7 hay tháng 8 thì Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập lại tổ chức lễ phát học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó.
Đây cũng là thời điểm mà Trung Tâm dự kiến sẽ phát tiền trích thưởng 6 tháng đầu năm cho các cộng tác viên. Đến khi mọi người nhận được tiền trích thưởng ai nấy cũng đều vui vẻ, đó là kết quả sau 6 tháng làm việc của họ, thông qua hoạt động thu hồi tiền vay vốn từ các tổ tương trợ. Tiền trích thưởng được tính dựa trên 10% của tổng tiền lãi 6 tháng đầu năm của phường xã đó.
Để chuẩn bị cho công tác này, các bộ phận làm việc của Trung Tâm đã có sự chuẩn bị từ trước đó vài ngày. Tổng tiền trích thưởng của tất cả các phường xã đang hoạt động tín dụng lên đến cả trăm triệu đồng. Đầu tiên, kế toán tính toán số liệu chính xác cho từng vùng tín dụng rồi chuyển chứng từ qua cho thủ quỹ, tiếp đó thủ quỹ nhận tổng tiền từ ngân hàng đem về từ nhân viên tài ngân. Sau đó phân  bố tiền cẩn thận theo từng vùng dựa trên số liệu từ kế toán chuyển qua. Khâu cuối cùng là chuyển số tiền đã sắp xếp cho từng nhân viên quản lý vùng đó, họ sẽ chịu trách nhiệm chuyển lại cho cộng tác viên.
Do qua nhiều khâu kiểm soát và đối chiếu, kể cả với CTV nên việc trích thưởng luôn chính xác, công khai, rõ ràng và nhận được sự đồng lòng của tất cả cộng tác viên tham gia chương trình.
Hy vọng các cộng tác viên luôn cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình, để sáu tháng cuối năm tiếp tục nhận tiền trích thưởng từ Trung Tâm.  

TN