Đã sắp tới thời điểm phải ra đi, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi xem lại cuốn
phim quay lại cuộc đời mình rõ một một đang hiện ra trước mắt ông. Là phật tử,
ông rất hiểu trách nhiệm của người con Phật là phải ra tay bố thí. Từng được
nhiều bậc chân tu trực tiếp tiếp chuyện, đàm đạo và giảng kinh Phật, ông thấm
nhuần và thuộc từng lời các Hòa Thượng răn dạy về bố thí.
Bố thí (zh. 布施, sa., pi. dāna)
là hành động hiến tặng vật chất, năng lực hoặc trí huệ cho người khác, được xem
là hạnh quan trọng nhất trong Phật pháp. Bố thí là một trong sáu hạnh
Ba-la-mật-đa (Lục độ), một trong Thập tùy niệm (pi. anussati)
và là một đức hạnh quan trọng để nuôi dưỡng Công đức (sa. puṇya).
Trong Tiểu thừa,
bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỉ và được thực hành
để tránh khổ đau của đời sau. Theo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng Từ bi và
là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ.
Hành động bố thí thức ăn cho các vị Khất sĩ hiện nay vẫn còn phổ biến tại các nước
theo Phật pháp Nam
truyền. Phật tử tại các nước này cúng tặng tiền bạc và phẩm vật cho chùa chiền
và tăng sĩ, ngược lại các vị tỉ-khâu "bố thí" Phật pháp, hướng
dẫn tu học. Hành động này cũng được xem là để nuôi dưỡng phúc đức.
Ông không phải là người có trí óc siêu việt, lại càng không phải là người
có năng lực gì đặc biệt, nhưng cuộc đời ông đi lên từ bàn tay trắng để trở
thành một đại gia bất động sản, ngân hàng
khét tiếng như hôm nay thì không mấy ai là không biết sự giàu có của
ông. Thế mà trong cuốn phim chiếu lại đó, tịnh không thấy ông bố thí cho ai cái
gì cả. Tất cả đều là sự trao đổi sòng phẳng, ngang giá, hay phần lợi phải thuộc
về ông. Ôi! sao lại không có hành động bố thí nào cả nhỉ? phải chăng đạo diễn
quay phim sai lầm, bỏ sót...
Nhưng ngẫm kỹ lại, ông thấy mình đã đứng trước nhiều cơ hội để ra tay bố thí làm phúc, nhưng ông đã ngoảnh mặt
làm ngơ. Những việc đó ông còn nhớ rõ hơn bao giờ hết vào lúc này - sắp từ giã
cõi trần.
- Có lần vào thăm bà con ở bệnh viện, năm đó bệnh dịch tả hoành hành khắp
thành phố. Có một người con dắt mẹ già ở quê lên, không có tiền mua "nước
biển" để truyền cho mẹ. Cũng không đáng là bao số tiền ông vừa trúng quả một phi vụ lớn, thế mà
không trích ra đồng nào giúp mẹ con nhà đó. Hôm sau nghe tin bà già qua đời vì
mất nhiều nước; ông không động lòng chút nào.
- Có năm, tình hình biển đảo sục sôi, nhà nhà-người người góp đã xây đảo,
giúp ngư dân ra khơi...Ông là doanh nghiệp xuất khẩu hải sản không đóng một
đồng, lấy lý do đã nộp thuế đầy đủ. Rồi tình hình ngày càng căng thẳng, ít có
ngư dân nào dám ra khơi. Công ty ông không thu mua đủ hải sản xuất khẩu, nên
lại đổi hướng kinh doanh lâm sản. Ông ra sức phá rừng, và trận lụt năm Mão hồi
ấy đã làm mấy trăm mạng thị dân bị trôi ra bể. Ông tỏ ra vô can, không có đóng
góp giúp khắc phục hậu quả sau lụt.
- Có năm Thìn nọ, ông đã là chủ nhà băng, doanh nghiệp bị ông siết nợ với
giá rẽ bèo đếm không xuể. Khi đó tiền lời xiết nợ vào ngân hàng ông như nước. Nghiều
doanh nghiệp cầu xin ông khoanh nợ hoặc giản nợ để họ có thời gian phục hồi sản
xuất, kinh doanh và có tiền trả cho ông...nhưng ông lạnh lùng một mực từ chối.
Một số doanh nghiệp đã tự sát, nhưng ông đâu có động lòng...
Cứ thế, cuốn phim chiếu lại các cơ hội bố thí đều bị ông bỏ qua một cách
tàn nhẫn.
Nay ông muốn bố thí lắm, nhưng ông không còn nói, viết, động đậy gì được
nữa rồi. Quá trễ rồi.
Bỗng bóng điện phòng vụt tắt, cùng lúc bộ phim ông xem kết thúc và ông "thăng"
luôn.
Một tài sản đồ sộ được ông để lại đang chờ đợi các vụ tranh chấp thừa kế
khốc liệt của các hàng thừa kế theo pháp luật.
(Tản truyện)
PVH
No comments:
Post a Comment