Monday 26 March 2012

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC PHÁP LUẬT

 
Năng lực pháp luật dân sự
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
            Điều 14 BLDS 2005 quy định:
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.
3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết
   Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
a. Khái niệm và đặc điểm
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân  được hưởng các quyền và gánh vác các nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự là khả năng, là tiền đề và là điều kiện cần thiết để tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Khả năng này được pháp luật ghi nhận cho tất cả cá nhân từ lúc sinh ra và chấm dứt khi cá nhân đó chết hoặc bị tuyên bố là đã chết. Năng lực pháp luật là một mặt của năng lực chủ thể của cá nhân.
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có những đặc điểm sau:
+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân do Nhà nước qui định trong các văn bản pháp luật mà nội dung của nó phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội vào hình thái kinh tế - xã hội tồn tại một thời điểm lịch sử nhất định. Do vậy, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không phải do tạo hoá sinh ra mà do mỗi Nhà nước nhất định ghi nhận, qui định cho cá nhân của họ; ở những hình thái kinh tế - xã hội khác nhau thì năng lực pháp luật dân sự được qui định khác nhau.
+ Trong cùng một hình thái  kinh tế - xã hội song những quốc gia khác nhau thì năng lực pháp luật dân sự của cá nhân khác nhau. Trong cùng một quốc gia, cùng một hình thái kinh tế - xã hội nhưng vào những thời điểm lịch sử nhất định năng lực pháp luật dân sự của cá nhân cũng được qui định khác nhạu.
+ Mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật dân sự. Khoản 2 Điều 14 BLDS qui định: "mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau”. Qui định này xuất phát từ Hiến pháp là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế bởi bất cứ lý do nào, các cá nhân đều bình đẳng về việc hưởng quyền và gánh vác các nghĩa vụ dân sự không phụ thuộc vào khả năng nhận thức, thể chất,...
Có ý kiến cho rằng năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không thể bình đẳng bởi lẽ, có nhưng trường hợp cá nhân chỉ bình đẳng về khả năng hưởng quyền mà không bình đẳng về gánh vác các nghĩa vụ dân sự (như trường hợp người mắc bệnh tâm thần không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi gây thiêt hại cho người khác,... ). Tuy nhiên, theo qui định  của pháp luật họ không thể gánh vác nghĩa vụ trực tiếp nhưng những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thay thông qua người giám hộ bằng tài sản của chính người được giám hộ; hơn nữa nếu theo quan điểm này thì ngay cả khả năng hưởng quyền cũng không bình đẳng vì các giao dịch dân sự liên quan do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là một thuộc tính nhân thân không thể chuyển dịch. Năng lực pháp luật dân sự do pháp luật qui định, Nhà nước không cho phép cá nhân tự hạn chế năng lực pháp luật dân sự của mình hay hạn chế năng lực pháp luật dân sự của người khác.
+ Tính bảo đảm của năng lực pháp luật dân sự. Nhà nước luôn tạo điều kiện để cho ”khả năng” trở thành những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể thông qua các qui định của pháp luật.
Đ.N

No comments:

Post a Comment