Saturday 31 March 2012

“CHẠY CHỨC, CHẠY QUYỀN”





Trong một xã hội mà cơ chế chọn lãnh đạo không công khai, minh bạch, nạn chạy chức chạy quyền luôn tồn tại.

Câu hỏi đặt ra là người chạy chức quyền này sẽ cậy tới ai?
Trả lời câu hỏi này không phải đơn giản, vì mọi việc cần phải có chứng cứ, mà chứng cứ chạy chức chạy quyền ở xứ ta thì rất khó mà tìm ra.
Như ông Bộ trưởng Nội vụ trả lời trước UBTV Quốc hội vừa rồi đã cho thấy rõ điều đó.
Khi chứng minh được một cách trực tiếp, thì sẽ dùng cách gián tiếp, hay suy luận vậy.

Nhà nước của ta được ghi rõ rành rành trong các văn kiện là “nhà nước của dân, do dân, vì dân”; “tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân”, “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...
Một người muốn làm ông to, bà lớn ở xứ ta chắc phải được dân tin yêu, lựa chọn và bầu lên. Như vậy, khi có được lòng dân ủng hộ, người đó chắc chắn sẽ có một vị trí, xứng đáng được giao quyền lãnh đạo. Đó là  người dân giao quyền lãnh đạo đại diện của họ cho người được dân bầu chọn.

Để được dân lựa chọn, người đó phải hiểu nỗi đau của dân, biết sự nghèo và hạnh phúc của dân, rành tâm tư nguyện vọng của dân, và trong công vụ  họ phải luôn luôn hướng tới mục tiêu phục vụ dân; thương dân, yêu quí dân,  trọng dân, giúp dân và dưỡng dân...

Mà thực ra đã những người có bản chất như vậy, họ sẽ không có tâm tưởng chạy chức, chạy quyền. Vì khi là con của dân, coi dân như phụ mẫu, lấy việc công bộc cho dân làm niềm vui thì không có niềm hạnh phúc là được phụng sự để cho dân được no ấm, yên vui, an lành. Được như thế, chức vụ có nghĩa lý gì; bổng lộc,vàng bạc, tiền của đâu có sánh được với tình cảm và sự ủng hộ của  người dân dành cho các cán bộ mẫn cán. Chính những cán bộ này, nếu có cơ chế rõ ràng và minh bạch, chắc chắn sẽ được dân tin yêu trao trọng trách lớn gánh vác giang sơn. Cán bộ này - trừ loại mị dân - chắc chắn sẽ không cần chạy chọt ở đâu cả. Dân hiểu hết, biết hết.

Chỉ những người không thực sự vì dân, mới chạy chức chạy quyền. Đó là ai chắc chắn người dân cũng biết rõ. Chỉ vì chưa thực sự có cơ chế bảo vệ khi họ nói ra sự thực.

“Độ vênh” giữa nghị quyết và thực tế là lớn như vậy đó! Khi nào còn “độ vênh” này, nạn chạy chức, chạy quyền chắc chắn chưa chấm dứt.


PVH

No comments:

Post a Comment