Wednesday 18 March 2015

Phóng sinh hay sát sinh


Những ngày qua đọc các báo mạng với nội dung: “thân phận những chú chim trong ngày phóng sinh” ,nhìn hình ảnh những chú chim tội nghiệp bị nhét chen chúc trong lồng, xác chim nằm la liệt trên thảm cỏ, gốc cây, thật sự buồn. Ngày xưa, tôi được bà và mẹ hay những người lớn tuổi kể về ý nghĩa của việc phóng sinh rất khác. Người ta bẫy chim, bắt cá, bắt cua  để ăn hoặc bán là vì cuộc sống và mưu sinh. Nếu chúng ta vô tình nhìn thấy, muốn giải thoát cho những sinh vật này thì mua lại rồi thả. Đó gọi là phóng sinh.
Bây giờ, tại các lễ hội, người ta tranh nhau bắt lại chim, vớt lại cá phóng sinh để bán kiếm lời, thậm chí dùng chất gây nghiện để chim không thể bay xa, hoặc cắt tỉa bớt lông nên dù được thả ra cũng sẽ bị bắt về, bán lại. Cái vòng luẩn quẩn: bắt - bán - phóng sinh - bắt... khiến những chú chim đáng thương không bay nổi, bị thương rồi chết vì đuối sức. Hành động đó chẳng khác gì cho chúng hy vọng sống rồi thô bạo bóp chết. Xét về mặt kinh tế học thì có cung ắt có cầu. Nếu không có người mua thì sẽ không có người bán. Và cũng như vậy nếu những người đi lễ không mua chim,cá, cua, ốc phóng sinh sẽ không có những kẻ nhẫn tâm bắt những con vật về bán rồi lại bắt. Dẫu biết rằng phóng sinh là một hành động tốt được nhà Phật nêu cao nhưng thời buổi này với nghĩa của như vậy chẳng khác nào tiếp tay cho cái ác, xúi giục người khác bắt, hành hạ những sinh vật đó. 
Điển hình nhất là ở Huế, cứ đến rằm, mùng một lại xuất hiện những em nhỏ bán ốc tại chân cầu Gia Hội, Đông Ba. Các em bán cho những người có nhu cầu mua để phóng sinh những con ốc đó vào những ngày trên. Những người mua thả ốc xuống ao hồ rồi ba, mẹ các em nhỏ lại vớt lên giao cho các em bán lại cho những người khác. Và cái vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác.
Và thực tế, nhiều người đã bỏ tiền triệu để đến đền, chùa mua chim phóng sinh nhưng cũng chính họ sẵn sàng nghĩ ra nhiều món ăn chơi để sát hại đủ loại sinh vật. Và cũng có nhiều người thay vì dùng tiền mua cá, mua chim phóng sinh đã âm thầm giúp đỡ những trường hợp khó khăn, bệnh tật vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo; bỏ thời gian, công sức đến chăm sóc những cụ già neo đơn, trẻ mồ côi… Như vậy, thử hỏi hành động nào mới đúng nghĩa tâm thiện trong đạo Phật!
DN

No comments:

Post a Comment