Thursday 19 May 2011

TÍN DỤNG VI MÔ – CƠ HỘI CHO NGƯỜI NGHÈO

Như chúng ta đã biết, đói nghèo là một vấn đề xã hội mang tính toàn cầu. Những năm gần đây, nhờ có chính sách đổi mới, nền kinh tế nước ta đang từng bước tăng trưởng nhanh. Chính vì vậy mà đời sống của nhân dân ta đang ngày một được nâng lên một cách rõ rệt. Song, một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt dân cư ở các vùng xâu vùng xa, nông thôn… vẫn đang đang chịu cảnh nghèo đói, chưa đảm bảo được những điều kiện tối thiểu của cuộc sống. Hơn nữa, sự phân hóa giàu nghèo vẫn đang diễn ra mạnh, là vấn đề xã hội cần được quan tâm. Chính vì lẽ đó chương trình xóa đói giảm nghèo là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu của chiến lược phát triễn kinh tế xã hội của nước ta hiện nay.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới đói nghèo, trong đó có một nguyên nhân quan trọng đó là: Thiếu vốn để sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, một trong những cách tiếp cận để giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay là khuyến khích người dân tham gia vào lĩnh vực tài chính vi mô, tạo cơ hội cho người nghèo có vốn kinh doanh nhờ các khoản tín dụng nhỏ hay còn gọi là tín dụng vi mô.
Vậy tín dụng vi mô là gì? Có thể hiểu nôm na rằng, tín dụng vi mô là tín dụng cho người nghèo: là những khoản vay nhỏ, rất nhỏ do các ngân hàng hoặc một tổ chức nào đó cung cấp cho người nghèo. Mục đích là giúp họ có thể tham gia hoạt động sản xuất hay tiến hành kinh doanh. Tín dụng vi mô thường dành cho cá nhân vay, không cần tài sản thế chấp, hoặc thông qua việc cho vay theo nhóm.
Với tín dụng vi mô thì tuy các khoản cho vay là không lớn như các ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách, nhưng các khoản vay này lại có ý nghĩa rất quan trọng bởi những khoản vay này có thể đến được với những người nghèo và nghèo nhất. Theo thông lệ, để được vay một khoản tiền lớn tại các ngân hàng thì trước tiên chúng ta phải có tài sản để thế chấp. Trong khi đó người nghèo thì lấy đâu ra tài sản để thế chấp mà vay. Chính vì vậy mà Tín dụng vi mô rất có ý nghĩa đối với người nghèo. Có thể nói Tín dụng vi mô là một chiếc cầu bắc qua sông để người nghèo vượt qua “biển khổ” bằng chính năng lực của mình.
Nếu coi hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính của các ngân hàng là biển, là sông thì tín dụng vi mô chỉ giống như là các con mương, con lạch đưa nguồn nước đến tận các cánh đồng hay nói rõ hơn là đưa nguồn vốn đến tận nhà người dân.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều tổ chức lớn  cũng đã có những hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ người nghèo được hưởng dịch vụ tiết kiệm và tín dụng để thay đổi cuộc sống. Ở nước ta, tài chính vi mô cũng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tài chính quốc gia, với xu hướng hoạt động đang phát triển rộng khắp trên toàn quốc. Hệ thống tài chính của chúng ta đang trong giai đoạn phát triển và còn một tỉ lệ lớn người dân Việt Nam có thu nhập thấp chưa thể tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức. Do đó, tài chính vi mô chính là cơ hội để các đối tượng này tiếp cận được các dịch vụ tài chính góp phần cải thiện cuộc sống.
Cùng với xu hướng phát triển của thị trường về ngành tài chính vi mô; ngoài ra nhằm tạo cơ hội cho người nghèo có nguồn vốn sản xuất kinh doanh thì hiện nay TTKKTL cũng đã và đang cung cấp dịch vụ Tín dụng vi mô dành cho người nghèo trên địa bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế. Tính đến nay, Trung tâm chúng tôi đã giải quyết được nhu cầu vay vốn cho các hộ dân ở 42 phường xã. Khách hàng chủ yếu của Trung tâm đa số là phụ nữ. Họ sử dụng nguồn vốn vay chủ yếu để chăn nuôi, buôn bán, sản xuất.... Dưới hình thức trả góp nhiều lần, những khoản vay rất nhỏ từ chương trình Tín dụng vi mô tưởng chừng như “gió vào nhà trống” đã giúp không ít các hộ vay khởi nghiệp, bước từng bước vững chắc hơn trong cuộc sống hàng ngày. Và trong thời gian qua cũng đã có một số hộ dân đã thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn vay của Chương trình. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn thành phố chúng ta còn rất rất nhiều người nghèo có nhu cầu vay vốn để tiền hành sản xuất kinh doanh nhưng do nguồn lực của Trung tâm chúng tôi còn hạn chế nên chưa thể đi sâu đi sát và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, trong tương lai chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng mô hình cho vay vốn đến với nhiều địa bàn hơn nữa để góp phần giúp các hộ dân có nguồn vốn ban đầu để khởi nghiệp.

P.T.M

No comments:

Post a Comment