Monday 30 May 2011

KHÔNG XẾP HÀNG – THÓI QUEN XẤU CỦA CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Xếp hàng là một vấn đề vô cùng đơn giản mà tất cả chúng ta ai cũng biết và  cũng đã từng học qua khi mới ngập ngừng vào lớp mẫu giáo, cấp I, cấp II, trung học phổ thông... chúng ta đều phải xếp hàng hằng ngày. Ấy vậy mà khi rời ghế nhà trường, thói quen xếp hàng lại theo bụi phấn trắng rơi xuống đất đi đâu mất...
Trong cuộc sống hiện đại, xếp hàng không chỉ là hành động tôn trọng quyền "đến lượt" của mình và của người khác, một thói quen biểu hiện nếp sống văn minh mà nó còn phản ánh rất lớn đối với cái nhìn về con người và đất nước chúng ta. Ở nước ngoài, đặc biệt là những nước phát triển thì xếp hàng trở thành một cách sống, một thói quen của họ. Cho dù là trẻ em, người lớn, giang hồ, đầu gấu... hay thế nào thì họ vẫn luôn tôn trọng việc này, nó thể hiện lối sống văn minh và lịch sự, thể hiện sự tôn trọng mình và người khác.  Hơn thế nữa xếp hàng còn giúp cho công việc nhanh và công bằng hơn. Còn ở Việt nam thì chuyện xếp hàng chưa thực sự trở thành thói quen và cũng không được người dân quan tâm. Hầu như tất cả mọi người đều rất quen thuộc hàng ngày với cảnh xô đẩy, chen chúc nhau để được nhanh chóng mà không phải chờ đợi như ở các siêu thị, bệnh viện... thậm chí cả khi đi dự tiệc buffet, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy cảnh chen lấn nhau để lấy thức ăn. Hiện nay, ở Việt Nam việc không chịu xếp hàng khi đi làm một việc gì đó không chỉ là những người có trình độ văn hoá thấp mà thậm chí là những tầng lớp trí thức, những người đang làm việc tại đây lợi dụng mối quan hệ quen biết để “ chen ngang” vào làm trước. Ví dụ ở các Bệnh viện, mọi thủ  tục từ lúc lấy số thứ tự để khám, chụp hình CT, siêu âm, đóng tiền... đều phải xếp hàng. Trong khi rất nhiều bệnh nhân, những bà mẹ vừa bế con vừa xếp hàng, những cụ già tay xách nách mang... đang xếp hàng để chờ tới lượt mình thì chốc chốc lại có những cô y tá mặc áo blu trắng cầm giấy tờ chen ngang vô yêu cầu những người bên trong giải quyết trước cho mình. Có lẻ họ cho rằng vì là đồng nghiệp với nhau nên dĩ nhiên công việc của họ phải được giải quyết trước.
            Qua đó chúng ta có thể thấy trình trạng chen lấn, xỗ đẩy không chịu xếp hàng ở nước ta còn rất phổ biến, hàng ngày chúng ta có thể nhìn thấy tình trạng này ở bất cứ nơi đâu. Vì tâm lý “tranh thủ” cho cá nhân nên một chuyện tưởng nhỏ như chuyện xếp hàng cũng trở thành một vấn đề mà chúng ta thường bị phàn nàn, chê trách, đôi khi làm hỏng cả những hình ảnh đẹp khác.
            Có thói quen xếp hàng và nhường nhịn là biểu hiện của người có văn hóa ứng xử văn minh. Ở những nơi, văn hóa xếp hàng còn biểu hiện một “cục gạch” thay cho người xếp hàng đang đi đâu đó, thì văn minh ở xứ đó chắc còn lâu lắm mới tiến được bằng văn hóa xứ người. Nên chăng, chúng ta cùng nhau uốn nắn hành vi của mình hàng ngày thông qua văn hóa “xếp”, xếp hàng, xếp xe, xếp ghế, xếp áo quần, xếp tài liệu, kể cả xếp những cánh hạc giấy để mong ước và cầu nguyện hòa bình cho toàn nhân loại.

X.Q

No comments:

Post a Comment