Wednesday 20 April 2011

LỚP HỌC GHÉP CỦA TRẺ EM VẠN ĐÒ Ở THÔN ĐẬP GÓC – XÃ PHÚ MỸ - PHÚ VANG

           
            Thôn Đập Góc nằm cách Trung tâm Thành Phố Huế khoảng 14 km, toàn thôn có khoảng 45 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân sống bằng nghề sông nước nên  được chính quyền địa phương bố trí nằm gần bên phá (LAGOON) để  tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản của người dân. Đây là thôn được chính quyền địa phương xây dựng (từ vốn ngân sách) để đưa những hộ dân sống bằng nghề sông nước ở trong xã lên tái định cư ở trên bờ, nhưng do địa bàn khá cách biệt với các thôn khác ở trong xã nên nhìn từ ngoài vào (đặc biệt là vào mùa mưa lũ) thì Đập Góc trông giống như một hòn đảo.
           Do phần lớn các hộ dân ở đây đều sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản với ngư cụ lạc hậu nên cuộc sống của người dân ở đây rất khó khăn, mặt khác do thôn này nằm khá cách biệt với các thôn khác nên phần lớn con em của các hộ dân ở đây không có điều kiện để đến trường và  trình độ dân trí của phần lớn trẻ em và người dân ở đây rất thấp. Do đó, để giúp trẻ em trong thôn biết đọc, biết viết để sau này đỡ khổ, một người dân ở trong thôn là thầy Trần Văn Hoà đã đứng ra mở lớp học và trực tiếp dạy học cho các em ở trong thôn với 2 môn học chủ yếu là Toán và Tiếng Việt. Do trình độ văn hoá của phần lớn người dân ở đây là rất thấp và vì cuộc sống khó khăn nên đa phần các bậc phụ huynh không quan tâm đến việc học của con cái, để các em trong thôn được đi học thì ngoài việc trực tiếp dạy học, thầy Hoà còn phải đi đến từng nhà để vận động các bậc phụ huynh và kêu gọi những tấm lòng hảo tâm tài trợ sách, vở, bút, viết...cho các em.  Lớp học này có tên là“ lớp học ghép” vì ở lớp học này hiện đang có 42 em đang theo học với chương trình từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi buổi dạy cho 2 lớp. Do lớp học chật chội các em được sắp xếp ngồi 2 dãy ngược chiều nhau, buổi sáng dạy cho lớp 3 - lớp 4, còn buổi chiều dạy lớp1 - lớp 2, mỗi tuần thì lớp học này cũng học 5 ngày ( từ thứ 2 đến thứ 6). Do xuất thân từ  các gia đình nghèo, các em ở đây đều các em lớp 3, lớp 4 được bố trí học vào buổi sáng để buổi chiều còn phụ giúp bố mẹ công việc đánh bắt thuỷ sản, nâng cao thu nhập. Sau khi các em ở lớp học ghép theo học đủ chương trình học từ lớp 1 đến lớp 4, nếu gia đình có điều kiện thì sẽ cho các em vào trong làng để theo học tiếp chương trình học của lớp 5, 6,7..., còn nếu không có điều kiện thì các em phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ công việc đánh bắt thuỷ sản hoặc đi học nghề. Theo tâm sự của thầy Hoà thì mục đích của việc mở lớp học ghép này là để giúp các em có được “cái chữ” để sau này ra đời, cuộc sống của các em sẽ đỡ khổ hơn.
         
            Thầy Hòa là một giáo viên tình nguyện, không thu bất cứ khoản thù lao nào từ gia đình các em học sinh. Thầy là một tấm gương sáng của mẫu người hoạt động thiện nguyện.
 
X.Q

No comments:

Post a Comment