Tuesday 12 April 2011

CÒN BÃO GIÁ....CÒN TIẾP TỤC LO


LBT: Lạm phát, đồng tiền mất giá…đang là nỗi lo của nhiều giới, xin giới thiệu cùng bạn đọc thêm một bài viết về chủ đề này.
"Nỗi lo thời bão giá", là những cụm từ được nhắc đến liên tục trong những ngày gần đây, khi giá cả liên tục leo thang trong khi mức thu nhập của người dân thì không tăng....
Đứng trước thực trạng khủng hoảng giá cả như hiện nay, mỗi người đã tự trang bị cho mình một cách để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn. Một số người thực hiện việc cắt giảm chi tiêu đến mức thấp nhất, tiết kiệm chi phí ăn, ở, đi lại… Một số khác lại nghĩ ra những cách để kiếm thêm tiền, để đồng tiền sinh lợi nhuận. Sinh viên, công nhân, những người có thu nhập thấp là đối tượng chịu tác động rất lớn của đợt tăng giá cả lần này, nên bắt buộc họ phải tìm ra những cách để tăng thêm thu nhập mới có thể “chống đỡ” trong tình hình hiện nay. Và có vẻ như rất khó khăn để vượt qua cơn bão giá này!
Giá cả ngày một tăng cao trong khi đồng lương công nhân eo hẹp từ 2-3 triệu/tháng đã khiến họ nghĩ ra đủ cách xoay sở, trang trải cho cuộc sống. Cách mà họ nghĩ ra làm thêm ngoài giờ để tăng thêm thu nhập. Trước đây, công nhân có thể làm thêm ngoài giờ kiếm thêm thu nhập bằng cách tăng ca, mỗi ngày thu nhập cũng từ 150-200 ngàn đồng. Nhưng gần đây, tình hình kinh tế đang hết sức khó khăn, các công ty không gia tăng sản lượng sản xuất, không cần tăng ca, thu nhập giảm xuống 1/3, thậm chí là một nửa. Bắt buộc, công nhân phải nghĩ ra cách khác chẳng hạn cách mà đa số công nhân chọn là buôn bán ngoài giờ làm việc. Tận dụng khoảng thời gian sau khi đi làm về, hoặc khi không có ca làm, họ bưng bê từng rổ trái cây hoặc đẩy xe đi bán các mặt hàng rau quả. Một số khác thì bán xôi, bán đậu nành tại cổng các khu công nghiệp. Bán được hàng thì thu lời khoảng 50 ngàn. Có ngày bán không được thì đành chấp nhận lỗ vốn. Không có vốn để buôn bán, hoặc muốn có thu nhập ổn định hơn, một số nữ công nhân đi rửa chén thuê ở các nhà hàng, quán nhậu hoặc nhận các mặt hàng khác về gia công, kiếm tiền. Nhiều nữ công nhân khu đã nhận cắt chỉ cho mặt hàng đồ bơi, với giá 100 – 200 đồng sản phẩm.
Còn với sinh viên, với tình hình giá cả tăng vùn vụt, giá phòng trọ cao ngất, điện nước không giảm, phí ăn uống tăng, và tiền gửi xe cũng tăng, để trang trải cho những khoản ấy, sinh viên đua chen nhau tìm việc làm thêm. Các công việc được “ưu tiên” nhất vẫn là dạy thêm, phát tờ rơi, phục vụ tiệc tại các nhà hàng… Mức thu nhập này không cao, nhưng nếu chịu khó “cày”, các bạn cũng có thể sống ổn trong tình hình giá cả hiện nay. Một bạn đang đi dạy kèm tại nhà, kết hợp dạy tại các trung tâm luyện thi Đại học cho biết, mỗi tháng bạn kiếm từ 4- 5 triệu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng giữa việc học ở trường và việc làm thêm luôn là điều các bạn sinh viên phải trăn trở. Thi thoảng các bạn lại nói vui, giá thân này xẻ làm năm được, một ngày thành 48 tiếng.
Vẫn biết rằng người Việt Nam chúng ta luôn biết vun vén, “khéo co thì ấm” tuy nhiên đứng trước tình hình này liệu có thể vượt qua được hay không, công nhân viên chức sẽ được tăng lương vào ngày 1.5 này nhưng liệu với mức tăng ít ỏi như vậy giá cả thì tăng vọt vì thế nhiều người phân tích rằng nếu tăng lương vào thời điểm này là không nên, bởi lương tăng thì ít mà vật giá đã tăng lên rất nhiều. Vì vậy trước khi tăng lương Chính phủ nên làm tốt công tác bình ổn giá. Được như vậy người dân mới có thể yên tâm công tác vì cuộc sống của họ được đảm bảo. Mỗi lần tăng lương tại sao người dân không vui, không hạnh phúc mà thậm chí còn thấy cực khổ thêm. Lương tăng nhưng mức sống đi xuống, công chức, viên chức cầm đồng lương trên tay mà không thể vui cười, họ lo lắng không biết phải chi tiêu ra sao. Nước ta còn nghèo ai cũng hiểu điều đó, nhưng nghèo mà phải chi tiêu với giá cả như 1 nước phát triển như thế này thì khổ quá. Trước đây lương vài trăm nghìn vẫn dễ sống hơn bây giờ. Mong rằng 1 ngày nào đó tăng lương sẽ mang lại niềm vui chứ không phải là nỗi buồn như bây giờ.
T.H

No comments:

Post a Comment