Giáo dục con trong gia đình có vai
trò quan trọng trong quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ. Trong
thời đại đầy đủ tiện nghi vật chất ngày nay, nhiều trẻ bị cuốn vào nhịp sống
nhanh với Internet, game online, những tệ nạn xã hội….Hơn ai hết, các em rất
cần sự bảo ban, dạy dỗ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của các
bậc làm cha, làm mẹ. Giáo dục trong gia đình Việt Nam không chỉ tác động mạnh
mẽ ở giai đoạn ấu thơ của cuộc đời mỗi con người, vì con người Việt Nam gắn bó
vô cùng chặt chẽ với đời sống gia đình nên có thể ảnh hưởng của giáo dục gia
đình là hết sức to lớn, lâu dài suốt cả cuộc đời. Nó đặt cơ sở quyết định cho
sự hình thành nền tảng nhân cách ở tuổi niên thiếu, thúc đẩy sự phát triển,
hoàn thiện nhân cách ở tuổi thanh niên, củng cố, giữ gìn nhân cách ở tuổi
trưởng thành và khi về già. Vì thế, giáo dục gia đình mang tính chất thường
xuyên, lâu dài và có hệ thống chặt chẽ.
Trong gia đình cha mẹ nên là tấm
gương sáng cho trẻ noi theo. Đây là nguyên tắc quyết định, có tầm quan trọng
đặc biệt lớn lao đối với công tác giáo dục. Trẻ em rất nhạy cảm và hay bắt
chước nên cha mẹ trước hết phải làm gương từ cử chỉ, lời nói đến việc làm...
Cha mẹ cũng cần thống nhất nguyên tắc và phương pháp giáo dục trong gia đình.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm của những nhà giáo dục
và các phụ huynh khác. Cần đặt gia đình trong hệ thống giáo dục chung của xã
hội, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các tổ chức xã hội… để giáo dục con em
với tinh thần chủ động.
Cha mẹ cần nắm vững đặc điểm riêng
của từng đứa con, đặc biệt về vấn đề tâm sinh lý, nguyện vọng, sở trường, khả
năng nhận thức… để có phương pháp giáo dục phù hợp. "Dạy con từ thuở còn
thơ", cha mẹ nên giáo dục trẻ từ sớm với thái độ nghiêm khắc nhưng tôn
trọng; bao dung, độ lượng và yêu thương đúng mực; biết biểu dương, khen ngợi
trẻ để chúng tự điều chỉnh bản thân. Cha mẹ cần biết hướng dẫn cho con lao động
vừa sức và hợp lý, biểu dương kỹ năng lao động tốt, động viên tinh thần yêu lao
động, sáng tạo, dạy phương pháp lao động tư duy (học tập), biết kết hợp học và
hành. Hơn ai hết, cha mẹ phải nghiêm túc trong việc dạy bảo con cái. Ý thức
được trách nhiệm làm cha mẹ là quan trọng và không thể thay thế. Họ cần có định
hướng để chủ động và phá huy tính sáng tạo nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.
Các bậc làm cha mẹ cần trang bị, nâng cao kiến thức và khả năng giáo dục. Cha
mẹ là người có quyền tác động đến sự phát triển và định hướng con người trong
tương lai của con mình. Nếu giáo dục không có định hướng, đứa trẻ không phát
huy được khả năng của mình.
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái
nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp
sống và hình thành nhân cách. Chính vì vậy, những người làm cha mẹ cần được
trang bị nhiều hơn những kiến thức về giáo dục gia đình như chăm sóc, nuôi dạy
con cái một cách khoa học, biết kỹ năng tư vấn, trò chuyện cùng con… Đồng thời
mỗi chúng ta cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của
giáo dục gia đình nói riêng và gia đình nói chung, từ đó có những chính sách
nhằm củng cố, tăng cường sức mạnh cho gia đình, phát huy vai trò của gia đình
trong quá trình phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình thực
hiện tốt các chức năng cơ bản là việc làm hết sức cần thiết và đúng đắn
Quan niệm về giáo dục con cái
đã thay đổi. Ngày nay thời ấu thơ là thời gian để chơi đùa và học
hành, và cha mẹ không đòi hỏi nơi con cái giống như trước đây. Cha mẹ
muốn gần gũi nhiều với con cái, và họ muốn hiểu biết nhiều về sinh
hoạt của con cái mình trong những khi gia đình không gần nhau. Vì thế
họ chú trọng nhiều về sự hợp tác tốt đẹp với vườn trẻ và trường
học. Hầu hết cha mẹ cũng thấy việc quen biết bạn bè của con cái và
cha mẹ của chúng là điều quan trọng.
Trường học là nơi bọn trẻ dành nhiều
thời gian hơn bất cứ nơi đâu khác ngoài gia đình, đây chính là nơi chịu trách
nhiệm không nhỏ trong việc định hình nhân cách con trẻ. Việc kết hợp với nhà
trường và thường xuyên liên lạc với thầy cô để nắm rõ tình hình học tập và ứng
xử của con em là rất cần thiết.
Cách cha mẹ đối xử với nhau rất quan
trọng trong việc phát triển các mối quan hệ ở một đứa trẻ, đặc biệt là khi trẻ
đang lớn. Nếu các bạn đối xử không tốt với nhau, hoặc nếu các bạn chọn cách
giải quyết mọi việc bằng cách gào thét vào mặt nhau, đồng nghĩa với việc các
bạn đang đẩy con mình vào cách giải quyết tương tự. Con trẻ thường học bằng
cách nhìn việc bố mẹ làm hơn là nghe nói suông. Vậy nên bạn, với tư cách là
người làm bố mẹ, hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng, để đứa trẻ
cảm nhận được giá trị và tình cảm gia đình, giúp bé cảm thấy gia đình là một tổ
ấm an toàn cho bé.
Nguyễn Thị Khánh Linh
Cử nhân Anh Văn
No comments:
Post a Comment