Monday 30 November 2015

“KHÔNG TIN”


          Tôi có 2 người bạn mà bố vừa mới mất cách nhau chưa đầy 2 tuần.
Một người mất vì tại nạn xe máy, người kia mất vì tại nạn nghề nghiệp của bác sĩ. Cả hai cùng ra đi ở độ tuổi 76 một cách không ai ngờ tới vì trước khi mất ai cũng đều mạnh khỏe. Có thể nói là rất khỏe.

          Một người để tăng cường sức khỏe và an toàn bản thân nên  thường xuyên đi xe đạp. Qua các ngã tư hay chỉ qua đường thông thường ông thường xuống xe dắt bộ cho chắc. Ông khi nào cũng chấp hành nghiêm luật giao thông và không tin mình sẽ gặp nạn khi tuân thủ nghiêm luật. Thế mà ông đã bị một thanh niên phóng ẩu tông vào người, đập đầu xuống đất và ra đi mãi mãi.

          Một người khác là cán bộ về hưu, con cái rất thành đạt và cuộc sống thoải mái. Khi bị bệnh ông được điều trị và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện có tiếng của thành phố. Khoảng 10 ngày thì bình phục khỏe mạnh và bác sĩ có dự định chuẩn bị cho về nhà an dưỡng. Thế mà cách đây mấy ngày vào ngày chủ nhật, ông đã ra đi nhẹ nhàng khi thấy khó thở và người thân điện thoại cho bác sĩ trực ca nhưng không được bác sĩ này hồi âm. Các bác sĩ điều trị sau khi biết ông qua đời cũng không tin đó là sự thực.

          Trên đời có nhiều việc không tin nhau xảy ra hàng ngày như vậy, và hệ quả là vô cùng nghiêm trọng. Phóng chiếu ra một qui mô lớn hơn, chúng ta sẽ mường tượng được những hệ lụy liên quan tới việc con người đặt lòng tin không đúng người đúng lúc.

          Tin và không tin nhau cách một làn ranh sao thấy mong manh  quá đỗi khó nhận ra.
          Một văn sĩ nổi tiếng có nói đại ý: Dầu sao tôi cũng vẫn tin vào những gì tốt đẹp ở mỗi con người...

          Không biết có bao nhiêu người đặt niềm tin vào con người như văn sĩ nói trên?

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế) 

Friday 27 November 2015

CÁI CHẬU VỠ


Một người có hai cái chậu lớn để đựng nước. Một trong hai cái chậu có vết nứt, vì vậy khi lấy nước từ giếng về, nước trong chậu chỉ còn một nửa. Chiếc chậu còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc chậu nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ. 
Một ngày nọ chiếc chậu nứt nói với người chủ:
 Tôi thật xấu hổ về mình. Tôi xin lỗi ông.”
“ Ngươi xấu hổ vì chuyện gì?”
“Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với sức của ông.”
“ Không đâu, khi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường.”
Quả thật, dọc bên vệ đường là những luống hoa rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ một lúc, nhưng rồi về đến nhà nó vẫn còn nửa nước.
-    “ Tôi xin lỗi ông.”
-    “ Ngươi không chú ý rằng hoa chỉ mọc bên này đường phía bên ngươi sao? Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống bên vệ đường phía bên ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua ngươi đã tưới cho chúng. Ta hái những cánh hoa để trang trí cho ngôi nhà này. Nếu không có ngươi, nhà ta sẽ không ấm cúng thế này.”

        Câu chuyện trên cho chúng ta một chiêm nghiệm trong cuộc sống rằng:” Trên đời không có ai là hoàn hảo. Quan trọng rằng, chúng ta biết nhìn nhận ra khuyết điểm của bản thân để sớm khắc phục và dần dần hoàn thiện mình được tốt hơn. Cuộc sống vô cùng khó khăn, thậm chí là khắc nghiệt khôn cùng. Hãy tự tin, vững bước tiến về phía trước, vượt qua chướng ngại, cố gắng nỗ lực không ngừng để sửa đổi bản thân, làm những điều có ích trong cuộc sống được ý nghĩa và vui vẻ hơn. Hoàn hảo hay khiếm khuyết điều đó trở nên không còn quan trọng nữa bởi mỗi người là một cái chậu nứt hãy biết tận dụng vết nứt của mình, biến những gì không thể thành có thể để làm đẹp cho bản thân và cho cuộc sống được tốt đẹp hơn.

CHỌN LỰA



Mấy ai trong cuộc đời có thể tự tin cho rằng sự lựa chọn của mình là hoàn hảo, mấy ai hạnh phúc mãi mãi với sự lựa chọn của mình? Cho dù cuộc sống là luôn luôn công bằng…

Hạnh phúc hay đau khổ, cho hay nhận, tiếp tục hay từ bỏ… đó là những lựa chọn trong cuộc sống mà bạn buộc phải chọn lựa để sinh tồn, mỗi người có số phận riêng, có người hạnh phúc mỉm cười mãi mãi, có người đi hết cuộc đời cũng chẳng thể nào định nghĩa được hạnh phúc là gì? Không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra với mình vì thế hãy hài lòng với những gì mình đã và đang lựa chọn, với những gì mình đang có, kiên trì trên con đường của mình để rồi tập trung và tìm ra hướng đi mới cho chính mình, đừng cố đi theo con đường của người khác, hãy loại bỏ ý nghĩ "cỏ bên này luôn luôn xanh hơn cỏ bên kia" ra khỏi đầu để tìm cho mình một sự lựa chọn đúng đắn nhất.

Có sự lựa chọn là đúng đắn tuy nhiên cũng có sự lựa chọn là sai lầm hoàn toàn, vấn đề là hãy học cách đứng dậy, lấy sai lầm làm bài học kinh nghiêm, học hỏi từ sai lầm đó để bước tiếp, đừng tiếp tục sai lầm, đừng trượt dài trong sai lầm đó, đây cũng chính là sự lựa chọn…

Trong công việc cũng vậy, có nhiều quyết định sai lầm, tuy nhiên hãy mạnh dạn, thành thật nhận lỗi và rút kinh nghiệm, khắc phục sai lầm đó đừng từ bỏ dễ dàng, rồi thành công chắc chăn sẽ đến…

Đinh Thị Thuý Hằng
Cử nhân Anh Văn

Thursday 26 November 2015

HỖ TRỢ CẢI TẠO NHÀ VỆ SINH KHU F CHỢ DÔNG BA





Nằm trong chương trình cải thiện môi trường chợ mà Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (TTKKTL) đã ký thỏa thuận với Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế vào ngày 22/04/2013. Sau quá trình làm việc và đánh giá thực trạng tại nhà vệ sinh khu F chợ Đông Ba, TTKKTL và Bản Quản Lý Chợ Đông Ba (BQL) đã thống nhất sẽ cùng nhau hợp tác để cải tạo công trình nhà vệ sinh này với kinh phí cải tạo được phân chia theo tỷ lệ 50/50. Vào sáng ngày 15/11/2015 TTKKTL và BQL Chợ Đông Ba cùng với các đơn vị liên quan đã tiến hành làm lễ động thổ khởi công công trình, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong thời gian 3 tháng. Công trình cải tạo nhà vệ sinh khu F chợ Đông Ba hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp bà con tiểu thương được sử dụng toilet hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch để cải thiện tình vệ sinh ở các khu vực trong chợ góp phần cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong khu vực chợ. Công trình cải tạo nhà vệ sinh khu F chợ Đông Ba là công trình thứ 2 mà TTKKTL đã hợp tác với các BQL chợ để thực hiện sau công trình cải tạo nhà vệ sinh tầng 1 của Chợ An Cựu đã được thực hiện vào năm 2013. Sau khi công trình cải tạo nhà vệ sinh khu F chợ Đông Ba hoàn thành, TTKKTL sẽ tiếp tục tìm kiếm và lựa chọn thêm chợ mới phù hợp để hỗ trợ tài trợ, tuy nhiên việc lựa chọn chợ mới để hỗ trợ tài trợ sẽ phụ thuộc vào kết quả duy trì cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường của các chợ đã được hỗ trợ trước đó. Nếu trình trạng vệ sinh môi trường của các chợ đã được hỗ trợ chưa được cải thiện theo hướng tích cực thì dự án sẽ tạm dừng để tập trung thúc đẩy vệ sinh môi trường cho các chợ này.

Nguyễn Xuân Quý
Cử nhân Kinh Tế

Wednesday 25 November 2015

VÌ ĐÂU... NÊN NỖI



Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng của toàn xã hội; Là bài toán nan giải của các nhà chức trách; Và đó cũng chính là nỗi lo của toàn thể người dân.
Khi mà hiện nay trên thị trường tràn lan các loại thực phẩm bẩn thì những người tiêu dùng được cho là thông thái thì cũng khó lòng mà phân biệt được đâu là sản phẩm sạch, đâu là sản phẩm bẩn. Trước đây, những bà nội trợ đi chợ thường tránh mua những sản phẩm được cho là nhập từ Trung Quốc. Nhưng hiện nay, những sản phẩm do chính người Việt mình tạo ra cũng không còn được đảm bảo. Người dân ta đang hại chính đồng bào ta thông qua hình thức bán thực phẩm bẩn để kiếm lời.
Vì đâu lại nên nông nỗi này? Phải chăng là do sức mạnh của đồng tiền quá lớn đã khiến cho những người buôn bán kinh doanh bất chấp tất cả, kể cả mạng sống của dân mình? Hay là do con người ta bây giờ sống quá vô cảm không màng đến đồng bào ta sẽ sống ra sao mà chỉ thấy cái lợi trước mắt???
Ngày nay, người Việt Nam ta đang tự hỏi "ăn gì để không chết". Bởi thực phẩm được này bán trên thị trường hầu hết là thực phẩm bị nhiễm hóa chất, những chất độc hại. Hàng ngày, thông qua các bản tin thời sự, các kênh tin tức chúng ta đều thấy được các hành vi của những người kinh doanh bất chính như: ngâm chuối vào hóa chất để mau chín, bơm thuốc tăng trọng vào hải sản để bán kiếm lời, thực phẩm ôi thiu ngâm hóa chất thành thực phẩm tươi, gạo giả, trứng giả....Dần dần người dân mất niềm tin vào cuộc sống. Người ta thường bảo "ăn để sống" nhưng ngày nay liệu ăn có phải là để sống hay không là một câu hỏi khó để trả lời. Bởi vì, hiện nay những căn bệnh ung thư quái ác đang hoành hành người dân Việt Nam ngày càng nhiều và càng trẻ hóa, mà nguyên nhân chính là do những thực phẩm bẩn, nhiễm độc kia đang được bày bán một cách hiên ngang trên thị trường.
Mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng vào cuộc một cách ráo riết để ngăn chặn những hành vi sai trái, nguy hại đến sức khỏe của toàn nhân loại. Và hy vọng rằng, những người đã đang và sẽ kinh doanh xin hãy lấy chữ Tâm làm trọng, đừng vì chạy theo đồng tiền mà bán rẻ lương tâm.


Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh tế

Monday 23 November 2015

NGÔI TRƯỜNG NĂM ẤY



Dù thời gian đã trôi qua rất lâu, tính ra phải cách đây gần 15 năm. Nhưng tất cả những kỷ niệm về thời học sinh những năm học cấp 2 vẫn cứ khắc sâu trong ký ức của tôi. Lúc nào tôi cũng bồi hồi cảm xúc khi nghĩ về nó.
Ban đầu ngôi trường cấp 2 của tôi nằm cách nhà tôi chưa đầy 100m. Nhưng sau đó, khi tôi lên lớp 8 thì lại  được chuyển vào ngôi trường mới cách nhà tôi gần 2km do cơ sở vật chất trường cũ kém không đạt chất lượng. Ngôi trường mặc dù được xây mới nhưng lại thiếu bóng mát. Thế là vào những giờ lao động, lớp chúng tôi lại được phân công bưng đất trồng cây ngay trước cổng trường. Những buổi lao động năm ấy tuy mệt nhưng rất vui. Đó cũng là những kỷ niệm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những buổi họp lớp của chúng tôi. Giờ đi ngang trường cũ vẫn thấy còn đó những cây xanh mà bọn lớp tôi từng trồng nhưng giờ nó đã cao to và già lắm rồi.
Cũng tại ngôi trường này, chất chứa trong tôi một kỷ niệm rất đáng nhớ về cô giáo chủ nhiệm năm lớp 8, cô dạy môn hóa. Rất buồn cô ấy đã mất cách đây vài năm vì căn bệnh ung thư. Tôi cũng đã kịp tới thắp cô một nén hương cùng những người bạn cùng lớp. Vào giờ lao động năm ấy, tôi đi sớm nên quên đem theo mũ để đội. Thấy tôi để đầu trần dưới cái nắng chang chang, thế là cô đưa cho tôi cái mũ rộng vành cô đang đội, rồi cô nói với tôi “em đội đi kẻo nắng”. Bây giờ tôi vẫn còn lưng lưng cảm xúc khi nhớ về kỷ niệm này, cô làm tôi xúc động đến bao nhiêu. Tự nhiên được sự quan tâm của ai đó khiến lòng mình vui hơn, hạnh phúc hơn. Có hai điều bất ngờ, mấy bạn trong lớp ai cũng nói tôi có nét giống cô, không biết do động lực nào tôi hết sức đam mê môn hóa vào năm học ấy, để rồi tổng kết cuối năm tôi đạt điểm rất cao đứng nhì lớp.
Rồi cũng chính năm lớp 8 ấy, lần đâu tiên trong đời tôi có một chiếc xe đạp cho riêng mình. Chiếc xe đạp cũ của mẹ tôi để lại, được sơn sửa mới ghi cả tên tôi lên chiếc xe. Tôi vui lắm vì  đó cũng là lần đầu tiên được sở hữu một tài sản cho riêng tôi.
Tôi vẫn còn nhớ như in vào những ngày lễ “Mừng Nhà Giáo Việt Nam” của những năm đó. Gần tới ngày lễ là bọn lớp tôi náo nức biết bao nhiêu, từng nhóm họp họp bàn bàn rất nhộn nhịp. Rồi đến đúng ngày 20 -11, là cả lớp cùng nhau đi mua hoa tặng cô. Nhà cô thì ở tận thành phố, mà bọn lớp tôi thì ở dưới quê. Khi thấy bọn tôi đến thăm cô rất mừng, liền bày bánh kẹo ra mời bọn tôi, rồi còn đổ mì gói cho bọn tôi ăn nữa. Ôi, những kỷ niệm đó chắc suốt đời tôi không quên.
Tự nhiên tôi bỗng nghiệm ra một điều :”Hãy sống thật vui vẻ với hiện tại, để rồi thời gian trôi đi ta sẽ được một ký ức đẹp”!

Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh Tế

Friday 20 November 2015

LẠI TƯỢNG ĐÀI!


          Cách đây mấy tháng, tỉnh Sơn La xin Trung Ương cấp ngân sách 1.400 tỷ đồng để xây dựng tượng đài. Với số tiền như vậy khiến dư luận cả nước sôi sục. Cứ ngỡ, sau việc lỡ miệng xin số vốn khủng của tỉnh Sơn La như vây sẽ khiến các tỉnh thành khác rút kinh nghiệm. Nếu có manh nha việc xây dựng tượng đài cho tỉnh mình. Và chí ít là vào lúc họp Quốc hội đang bàn luận về vấn đề nợ công đang sắp vượt ngưỡng. Không biết lãnh đạo tỉnh Cần Thơ có được dự họp tại Quốc hội hay không hay họ có theo dõi báo chí không!? Hay cũng có thể họ cho rằng ngân sách thiếu thì cũng đã thiếu rồi và có chi thêm chút đỉnh cho việc xây tượng đài cũng không sao.
          Trong cuộc họp Quốc hội vừa qua đã có đại biểu thẳng thắn đề cập vấn đề các tỉnh thành cả nước đang có phong trào xây dựng tượng đài. Và theo đại biểu này thì đây là vấn đề cần phải xem xét với điều kiện ngân sách quốc gia.
Hiện đất nước đang còn nhiều người nghèo, nhiều trẻ em thất học và còn nhiều vấn đề cấp bách cần đến ngân sách quốc gia. Hay cứ cần đến việc gì mà ngân sách không đủ thì huy động người dân, ví như như ngày vì người nghèo, hoặc góp gạch xây Trường Sa thì mỗi phường mỗi xã lại của người đi thu tiền từ các hộ dân!
          Tới lúc chính phủ phải có văn bản, chỉ thị rõ ràng hơn trong việc chi tiêu ngân sách lãng phí và thực hành tiết kiệm. Và phải có như vậy thì mới mong trả sớm nợ công, tăng thu ngân sách phục vụ an sinh xã hội cho toàn dân. Nếu chính phủ không quyết liệt trong vấn đề này thì nợ công sẽ đè nặng lên vai của mỗi người dân và gây giảm lòng tin của người dân mà thôi.


Nguyễn Đức Nhân
Cử nhân Công tác xã Hội
Cử nhân Luật học

Thursday 19 November 2015

PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG HOMESTAY TẠI TỈNH TT HUẾ


Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng cũng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho người dân ở các vùng nông thôn. Nhân tố chính đóng góp cho sự thành công của loại hình du lịch này chính là cộng đồng địa phương. Họ có mối quan hệ mật thiết trong vấn đề khai thác tài nguyên du lịch để hình thành nên các hoạt động, loại hình và sản phẩm du lịch. Vì thế, việc phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển hợp lý ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Đặc biệt, khi triển khai loại hình du lịch homestay, việc kêu gọi sự tham gia của cộng đồng địa phương cần được chú trọng và quan tâm đến lợi ích của họ nhiều hơn.
Tại tỉnh TT Huế, việc phát triển du lịch cộng đồng ngoài việc thu hút du khách, quản bá hình ảnh con người và phong cảnh đẹp đẽ hữu tình tại các vùng nông thôn nó còn mang lại nguồn lợi lớn về công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời nó phù hợp với sở thích du lịch của người nước ngoài và chi phí rất thấp khiến thu hút được ngày càng nhiều du khách cho tỉnh TT Huế hơn.
Tỉnh TT Huế đà có nhiều đề án phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn còn nằm trên giấy mực, có triển khai rãi rác vài nơi chưa hiệu quả. Để thực hiện được điều này, không những chỉ cần đến bàn tay của các nhà chức trách Nhà Nước mà cần phải có sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể, các chuyên gia phân tích, hoạch định chính sách du lịch, và trên hết làm sự tham gia tích cực và có lợi ích của người dân. Đây là một hình thức du lịch khá mới mẻ tại tỉnh TT Huế. Nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân nông thôn và cơ hội quảng bá về con người và sản phẩm du lịch tại tỉnh TT Huế.

Hồ Sơn

Cử Nhân Kinh Tế - Đại Học Kinh Tế Huế

Tuesday 17 November 2015

VĂN HÓA GIAO THÔNG CỦA CÁC BẬC PHỤ HUYNH


Thời gian qua, tình trạng ùn tắc trước các cổng trường vào giờ tan học là hình ảnh rất dễ bắt gặp tại thành phố Huế chúng ta.Tình trạng ùn tắc không những làm ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông mà nó còn làm mất đi hình ảnh đẹp của một thành phố du lịch của cả nước.
Cứ vào mỗi giờ tan trườngkhi tham gia giao thông trên các tuyến đường Đống Đa, Đặng Thái Thân, Nguyễn Tri Phươngnơi có các trường mầm non Hoa Mai, trường TH Thuận Thành, THLê Lợi thì lúc nào chúng ta cũng chứng kiến cảnh ùn tắc giao thông bởi một lượng lớn phương tiện ô tô, xe máy… của phụ huynh đứng chờ đón conCảnh tượng chen chúc tìm nơi đỗ xe, xe để trên vỉa hè, thảm cỏ và để ngay giữa lòng đường đã tạo nên một hình ảnh rất lộn xộn, rất phản cảm. Trong thời gian qua, một số trường đã treo bảng hướng dẫn nơi đỗ xe dành cho phụ huynh đếnđón con, dùng loa tuyên truyền những phụ huynh đến đón con đỗ xe đúng nơi qui đinh. Và thậm chí, có những trường đã mở riêng một lối đi dành cho phụ huynh nhưng xem ra tình trạng này vẫnkhông mấy hiệu quả.
Đ tình trạng lộn xộn, mất trật tự không còn tái diễn tại các cổng trường thì nên chăng: Mỗi bậc phụ huynh chúng ta cần phải có ý thức hơn trong việc tham gia giao thông, phải xem việc dừng đỗ xe đúng nơi quy đinh là trách nhiệm của bản thân. Và trên hết là các bậc phụ huynh phải ý thức được việc thực hiện tốt Luật Giao thông sẽ giúp cho các tuyến đường trỏ nên thông thoáng và việc làm này cũng sẽ là 1 tấm gương tốt cho con em mình noi theo. Có như vậy thì may ra tình trạng lộn xộn trước các cổng trưởng mới được giảm bớt, những hình ảnh không đẹp của các bậc phụ huynhsẽ không còn hiện hữu trong mỗi chúng ta vào những giờ tan trường.
Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Monday 16 November 2015

"NGHIỆP VỤ"


          May mắn thời đi học là được tiếp xúc hàng ngày với các thầy cô người Nhật liên tục mấy năm ròng. Hồi đó không bận bịu gì, xã hội cũng thuần nhất nên cũng không bị xao nhãng bởi nhiều thứ như hiện nay. Người Nhật rất quan tâm đến việc tham khảo tài liệu nên chúng tôi thỏa thích lục tìm và có tất cả những thông tin mình muốn trong thư viện. Nói chung khoảng 1 năm trôi qua thì người Nhật đã có cập nhật thông tin đầy đủ rồi, chưa kể các thầy cô tùy theo chuyên ngành của mình còn bổ sung thêm cho sinh viên chúng tôi những thông tin mới nhất hàng ngày mà thầy biết được qua nhiều kênh khác nhau. Một điều ngạc nhiên là chúng tôi được học lịch sử Vương Quốc Chăm Pa qua thầy giáo Toshihiko Shine. Là người Hiroshima, thầy rất ham mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đặc biệt tự học tiếng Phạn (Sankrit) để có thể đọc văn bia một cách trực tiếp. Gần đây thầy đã giúp một số nhà nghiên cứu VN tham dự hội nghị tiếng Phạn tại Ấn Độ, giúp các giáo sư phục hồi lại truyền thống viết chữ (kinh) trên lá của các chùa Khơ-Me.
          Hồi đó khi giảng trên lớp, thỉnh thoảng thầy giải thích cho chúng tôi thay vì phải là tiếng Nhật thì thầy lại chuyển qua tiếng Phạn làm cho cả lớp ôm bụng cười bò.
          Mới đó mấy chục năm trôi qua, nay thầy đã là một vị giáo sư Lịch Sử khả kính danh tiếng  của đại học công Shizuoka Nhật Bản. Thầy cũng là người đã giúp chúng tôi hiểu và sử dụng đúng tiếng Huế, thế mới tài tình chứ.
          Chúng tôi đến khi có tuổi thì mới hiểu được lời dạy của thầy ngày xưa: "Phải giỏi nghiệp vụ, thậm chí phải trang bị nhiều cho bản thân. Phải thủ thân nhiều thứ".
          Nhân ngày 20/11, xin viết đôi dòng hồi tưởng về một thầy giáo người Nhật mà chúng tôi luôn kính trọng và mang ơn, thầy Toshihiko Shine.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Friday 13 November 2015

NGÂY NGÔ


Lắm lúc chúng ta cũng tự đặt câu hỏi ngây ngô cho chính bản thân mình, tuy vậy ngây ngô chỉ mang phương diện vô hại, vô lo cho người đặt câu hỏi.
Những câu hỏi ngây ngô, ẩn ý đôi khi gây sự bất ngờ cho người được nhận câu nói đó tuy nhiên lại là niềm vui thích niềm hứng khởi cho người đặt câu hỏi.
Ở xóm tôi có cái xích đu, thông thường chiều nào các bà các cô rảnh rỗi lại ra ngồi “tám chuyện”. Đến chiều hôm nọ, cái xích đu chẳng hiểu do thời tiết hay do thời gian khá dài, nó không còn hoạt động tốt như trước nữa. Chị A gần nhà đã biết cái xích đu thế nào rồi cũng gãy nếu gánh gần 1 tạ rưỡi bởi vì 3 bà hay ngồi đó “tám chuyện” mà chị ta không thích. Và như thường lệ 5h chiều 3 người phụ nữ kia lại như thường lệ ra xích đu “tám chuyện”.
Xích đu “rắc, rắc, cụp, cụp” và tất nhiên chị A trong nhà nhìn ra tỏ vẻ khoái chí vì 3 bà kia bị “ê mông”.
Cái xích đu bị gãy à. Chị A hỏi.
3 bà kia chỉ biết im lặng mà tức tối.
Ngây ngô thật, chả biết chị A kia có lợi lộc chi chi từ câu hỏi kia hay là tốt hơn nếu một lời khuyên cho 3 bà trước 5h chiều ngày hôm đó.
NGÂY NGÔ THẬT !!!.
Duy Tùng.

Cử nhân Môi trường.

Wednesday 11 November 2015

"MÒ"




          Ai đã từng sống ở nông thôn chắc sẽ biết việc mò cua bắt ốc. Xuất thân từ làng quê, tôi luôn nhận mình có nguồn gốc nông dân, và tự hào đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc ở đó. Nhiều người muốn dấu thân phận ngày xưa, tôi thì không vậy, và hôm nay vụt nhớ tới chuyện "mò" thời xa vắng đó.
          Gần nhà có một hồ cạn, rong rêu đầy hồ và đó cũng là nơi trú ẩn thích hợp cho bầy ốc bươu, cá bảy màu. Hàng ngày sau khi chơi nghịch thỏa thích với chúng bạn cùng xóm, tôi lấy một chậu thau đồng nhỏ, mặc cái quần đùi rách và cứ thế lội xuống hồ mò một mạch. Khoảng 1 tiếng thì chậu đầy ốc. Gia đình có mấy bữa canh chuối ốc đồng ngon nhức răng. Cha tôi khen: "Thằng ni mò rứa mà khá". Vì mò ốc giỏi nhất xóm nên tụi bạn đặt cho tôi  tên "Thằng Mò".
          Thế mà "thằng Mò" là tôi không có khiếu mò cá. Trong xóm có vài đứa bạn rất sát cá, chúng nó có thể bắt cá bằng mấy ngón chân. Tôi dùng nơm tre và hai tay, cả tuổi thơ không nơm và  mò được con cá nào, trừ một con rô đã chết khi đi "hôi cá" vào kỳ làng có tát lạch.
          Nhưng "Thằng Mò" lại rất cừ ở khoản thả lưới. Mấy tay lưới bén bạn của cha tặng cho, " thằng Mò" cùng với con thuyền tự chế (mà thực chất là tấm nóc chiếc xe Lam bằng nhựa) đã sát cá nhiều đến nỗi mạ tôi không phải mua cá chợ mấy năm liền. Khi một cơn lụt lớn, "thằng Mò" thả lưới mấy chổ nước chảy, hôm sau kiểm lưới thì không thấy mô. Làng quê tôi không có tính mất vặt nên "thằng Mò" cho rằng sẽ không có ai trộm, vì vậy nó cố gắng lội hết mấy cánh đồng làng ngập nước để tìm lại tay lưới đã mất. Thằng Mò rồi cũng tìm được lưới, nhưng 3-4 tay lưới bén bây giờ bó lại một cục tròn, nằm giữa là xác một con cá tràu (cá lóc) nặng khoảng 7-8kg. Con cá này đã mắc lưới, nó quá khỏe nên kéo hết mấy tay lưới (kết) chạy khắp cách đồng ngập nước cho tới khi kiệt sức. Tôi chấm dứt nghề thả lưới bắt cá từ đó.
          Nhưng có câu chuyện sau đây thì liên quan tới việc mò "tuy" không hay lắm. Gần giếng giữa làng có nhà tắm tạm cho các chị các mẹ, được che bằng mầy tấm phên tre. Cách đó mấy chục thước có cái hồ sen khá rộng. Một tối nọ thấy làng báo động, mọi người chạy về giếng làng thì thấy một vài tráng nông đang ngâm mình dưới hồ dò tìm chi đó. Có một chị,  tên H đẹp nhất làng, mặt mày tái xám đang kể : "Tui đang dội nước trong nhà tắm thì cảm thấy chi đó như một bàn tay mò lên người tui. Tui sợ quá hét lên thì "hắn" bỏ  chạy và nhảy ùm xuống hồ sen đó tề".
          Tui nghe thế thì bỏ chạy một mạch về nhà đắp chăn giả đò ngủ, sợ mấy thằng bạn xúi "thần Mò" lội xuống hồ sen tìm mò "con ma" đó thì coi như xong đời. Tuổi thơ có nhiều chuyện "vui" như thế, suốt đời mang theo, mang theo...
.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)


Monday 9 November 2015

"RÌNH"


          Tôi có người bạn là sĩ quan biên phòng vừa mới công tác vùng biên giới trở về. Bên ly trà nóng bạn kể nổi khó khăn công tác khi phải "mật phục" trong rừng rậm để bắt nhóm buôn ma túy qua biên giới theo chuyên án trên giao.
          Nghĩ tới cảnh núi rừng mênh mông, không khí trong lành thoáng đãng, tiếng suối róc rách, chim hót véo von, lan rừng nở trên đầu súng...tôi nói ước ao được đổi vị trí công tác với bạn. Bạn trả lời: " Thế là ông chưa biết đến rắn độc, vắt rừng, sốt rét, thèm thuốc lá vì không được hút, cảnh cô quạnh, tiếng vượn hú rợn người, rồi lũ quét, sụt đất sau mưa và thú dữ...nhiều thứ nguy hiểm đang rình rập mà nếu chủ quan coi như là đi họp!".

          Ồ, rình, rình mò, rình rập, rình rang... Ký ức tuổi thơ lại quay về. Thời thơ ấu ở nông thôn ai mà không chơi trò đánh trận giả. Phe "Nghĩa Quân" và phe "Quốc Gia" là hai phía rất rõ ràng. Kinh nghiệm tích lũy được của trò chơi trận giả này là kỹ năng "trốn" và "rình".

          "Trốn" thì chui vô đống rơm hoặc đống lá chuối cạnh chuồng trâu thì đố ai tìm được. Có khi "chiến sĩ mệt quá ngủ khèo trong rơm hoặc lá chuối, đến khi "chỉ huy" điểm quân sau chiến thắng thì thấy thiếu người, được đồng đội báo lại "Chắc là đã hy sinh trong khi hành quân" (MIA!!!)...

          Còn "rình". Bọn chúng tôi rình "kẻ địch" thì ít mà "rình nhân dân" là chủ yếu. Vì nhân dân mà sơ hở thì chuối xanh, cốc ổi, khoai lang, khế chua ngọt...đủ thứ bà hằm (ăn được) đều bị "quốc gia" và "nghĩa quân" cuỗm sạch. Nếu chiếu theo luật thời chiến, chắc lũ chúng tôi đã bị tòa án binh tuyên án tử hình vì vi phạm chính sách thời chiến (trộm cắp tài sản nhân dân)...chứ còn đâu được sống nhăn răng đến bây giờ để viết ra những dòng này.

          Nhớ nhất là "rình rập" trong những đêm trăng. Cũng không hiểu tại sao tiếng Việt lại có từ hay, súc tích, chính xác đến như vậy. Các cuộc "hành quân đêm trăng" trở thành các đợt huấn luyện khả năng "trinh sát và báo cáo". Số là các nam thanh nữ tú miền quê thường hay hẹn hò và tình tứ ở làng quê dưới ánh trăng vô cùng lãng mạn. Chuyện của các anh chị được các "trinh sát" tường thuật và báo cáo chi tiết sau khi trăng khuất.

          Đúng là rình "rập", cũng là một trong những kiểu "rình"...
          Tuổi thơ bổng vút qua đi với nhiều kỉ niệm khó phai.
          Đã qua rồi tuổi thơ "rình".

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Saturday 7 November 2015

NGÂN SÁCH


          Được biết, ngân sách nhà nước đang rất căng thẳng, chỉ còn khoảng  45.000 tỉ mà phải chi cho quá nhiều khoản trong các tháng sắp tới. Nghe đâu trong 5 năm, nợ công đã tăng gấp đôi từ 1,3 triệu tỉ lên 2,7 triệu tỉ. Trước tình hình này, có đại biểu quốc hội cho ý kiến là nên đóng băng việc tăng lương  và bội thu ngân sách trong 3 năm để sau đó sàng lọc công nhân viên chức theo hướng loại thải bớt người không có năng lực và giảm áp lực lên nợ công.
          Cùng với ý kiến nêu trên, một vài chuyên gia kinh tế đã có thêm các ý kiến dưới đây:
1)    Giảm bớt xe công, khoán tiền đi xe công vào lương của cán bộ lãnh đạo.
2)    Giảm đầu tư vào các hạng mục tiêu tốn ngân sách siêu lớn mà ít giúp phát triển kinh tế trước mắt như: tượng đài nghìn tỉ, trung tâm hành chính hoành tráng, bảo tàng siêu vắng…
3)    Bán bớt cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp ăn nên làm ra cũng như thua lỗ, tức là giảm can thiệp của nhà nước một cách trực tiếp vào thị trường.
4)    Bớt đầu tư cho các đại dự án biết không hiệu quả.
.....

Mong thay, mong thay.
Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Thursday 5 November 2015

NỤ CƯỜI



          "Tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ".
          Ông bà ta đã tổng kết thì có mấy khi trật. Giữa đời thường tất bật, cảm nhận được nụ cười hạnh phúc của tha nhân âu cũng thấy lòng ấm lên.
          Thường chở và đón con út đi học và trở về mỗi ngày, tôi thấy nhiều phụ huynh cười rất tươi mỗi khi chờ cho hình bóng con khuất đi trong lớp học hoặc cũng hình bóng đó hiện ra ở cổng sau tiếng trống tan trường. Có thể người con, là tương lai, là hy vọng, là tất cả những gì quí giá nhất của những vị phụ huynh này, hoặc họ là những người đã thành Phật giữa đời thường, tất cả đối với họ  đều là ân sủng nhận từ trời đất nên lòng an nhiên đón nhận với niềm hạnh phúc vô biên.
          Rồi nghĩ tới một số người quen sau khi cưới gần chục năm nay không có lấy một mụn con nào phải đi xin con về nuôi cho cảnh nhà đỡ quạnh hiu, hoặc nhiều cặp vợ chồng có đầy đủ điều kiện kinh tế nhưng cái còn thiếu là tiếng cười con trẻ trong nhà.
          Rồi bổng nhơ lại câu ca dao học được thủa thiếu thời:
"Có vàng vàng chẳng hay phô,
Có con con nói trầm trồ mẹ nghe"
          Mới hiểu rằng nụ cười trên môi của các vị phụ huynh kể trên không phải tự nhiên mà có được.
          Cuộc đời này là một chuổi dài những sự hy sinh và đánh đổi. Biết đâu nụ cười đó là sự kết hoa của những tháng năm dài lọng đọng?

          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Monday 2 November 2015


Trước đây đi về miền quê nào đều thấy cây rơm trước ngõ mỗi nhà. Cây rơm gắn bó với đời sống tinh thần và vật chất của người nông thôn. Sau mỗi mùa gặt cây rơm lại được xây mới, to và vàng óng ả, nhiều lúc cao hơn cả nóc nhà. Nghe nói ngày xưa nhà nào có cây rơm to chứng tỏ nhà đó giàu có, có nhiều ruộng và tất nhiên sẽ có nhiều rơm, gạo đầy nhà.
          Sau mỗi mùa gặt, cây lúa được tuốt sạch những hạt thóc và rơm sẽ được đem ra rải ngoài đường, hằng ngày còn phải lật tới lật lui cho mau khô. Nhiều lúc đạp xe ngoài đường cứ phải dắt bộ vì rơm quấn đầy vành xe đạp. Thời gian đó, rơm phủ kín sân nhà, ngoài ngõ, cả làng vàng óng ả một màu rơm trông thật đẹp. Kế đến là việc xây rơm. Công việc này không hề đơn giản một chút nào, nó đòi hỏi sự làm việc của cả một gia đình. Người giỏi nhất sẽ đứng xây rơm, người khác thì bó rơm, rồi người chuyền rơm… Rơm được cột thành từng bó rải quanh cây cọc và cây cọc là một cây gỗ vững chắc để cây rơm có thể đứng vững trong mùa giông bão. Suốt mùa đông rơm là nhiên liệu nấu cho cả nhà, thức ăn cho gia súc và thậm chí làm nệm ủ ấm tránh giá lạnh của người nông dân nghèo.
          Nhìn đơn giản, nhưng nhiều người thành phố cũng chẳng biết rút (lấy) rơm. Tôi từng chứng kiến cảnh một anh thanh niên trèo lên tận đọt cây rơm, dỡ tấm nilông che mưa để rút rơm khiến cho bọn trẻ con trong làng cười ồ. Hằng ngày rơm được rút từ dưới lên để dùng và đây là điểm thuận lợi của việc xây rơm. Nhiều cây rơm khi rút quanh còn phân nửa thì như một mái nhà cho bọn gà mẹ con tránh nắng buổi trưa hay bọn trẻ con chơi cút bắt. Tuổi thơ của chúng gắn bó với cây rơm tự bao giờ.
          Ngày nay, cây rơm không còn nhiều. Sau khi thu hoạch xong rơm được chất lại thành đống và đốt để làm phân bón cho vụ sau. Cuối mùa gặt, vào buổi chiều muộn người ta đốt rơm. Nhìn lửa cháy đùng đùng nhiều người già cứ tiếc rẻ, tiếc vì uổng phí một nguồn chất đốt theo kiểu suy nghĩ của người già và cũng tiếc vì hình ảnh cây rơm sẽ dần biến mất trong đôi mắt trẻ con ngày nay.

Nguyễn Thị Anh Đào
Cử nhân Kế Toán
Cử nhân Anh Văn