Friday 27 February 2015

Năm Ất mùi nói đôi nét về con Dê


Trong quan niệm phương đông con dê tức mùi là con vật đứng thứ 8 trong 12 con giáp. Trong chuyện dựng vợ gả chồng hay chọn đối tác làm ăn của người phương đông người ta thường chọn theo tiêu nhị hạp và tam hạp. Lúc này Mùi kết hợp với mão,hợi,tý tạo thành nhóm tam hợp và tạo với ngọ thành cặp nhị hạp. Theo âm dương thì mùi thuộc hành âm tức thuộc về những gì dịu dàng, mát mẻ, nhu, thanh nhiệt. Theo ngũ hành thì mùi (cũng như ngọ,tỵ) thuộc hành hỏa nên tọa hướng chánh nam. Vì vậy trong căn nhà nếu có những bức tranh con dê (hay con ngựa) thường được treo ở hướng chánh nam để hạp phong thủy,tạo sinh khí trong căn nhà.
Theo phương tây thì con dê biểu tượng cho cung ma kết trong 12 cung hoàng đạo, một cung thứ 10 trong 12 cung chiêm tinh, một cung đại diện cho sự bị động.
Người tuổi mùi thường hòa đồng, an phận và có phần hiền lành. Theo quan niệm phật giáo mật tông người tuổi mùi được thần bảo hộ là Đại Phật Như Lai. A Di Đà Như Lai hộ mệnh. Ma Lợi Tử ban phúc đức, Quan Âm Bồ Tát ban trí tuệ.
Dê có nhiều biểu tượng phong phú và phức tạp từ Đông sang Tây, sừng dê biểu tường sức sinh sản mạnh. Dê đực tượng trưng cho khả năng tình dục mạnh mẽ vì một dê đực có khả năng giao phối với với cả đàn dê cái. Chính có lẽ vì điều này mà dê được nhìn nhận như là một thứ đại diện cho sự dâm đãng với hình tượng “dê già” hay “máu dê”…vv. Ở một số nơi dê còn được xem như là biểu tượng hiến tế.
Dân hay đánh số đề thì coi con dê là số 35. Bởi tích ngày xưa ở Sài gòn những thập niên 50 60 có một sòng bạc tên là Kim Chung. Ở đây có nhiều bàn để đánh số đề, một bàn được tượng trưng bằng 1 con vật vd: 1 là con cá trắng, 3 là con ngỗng, 32 con rắn, 35 con dê, 66 còn rồng…vv. Hễ xổ ra con vật nào thì người đó trúng giải nên từ đó 35 được xem như là tượng trưng cho con dê.
Dê cũng là con vật giúp con người biết đến thức uống café, thứ mà không nhân viên công sở hay người lao động nào trên thế giới không dùng đến mỗi ngày. Số là vào thế kỷ thứ 9 ở làng Cafa bên Ả rập có một người chăn dê. Một ngày nọ anh ta thấy đàn dê của mình sau khi ăn trái lạ đen đen thì có vè kích thích hưng phấn lạ thường anh ta bèn bức một ít trái đó về nấu canh thì thấy có vị đắng sau anh lỡ tay làm rớt xuống đống lửa thì có mùi thơm phát ra. Sau này quả đó được đặt là hạt Cafa hay hạt café như bây giờ.

Nhật Hoàng

Thursday 26 February 2015

VÔ THƯỜNG


Mọi thứ tồn tại trên cõi đời này đều hiện hữu một cách vô thường. Từ con người đến sự vật đều như vậy. Không có gì là trường tồn mãi mãi. Cuộc sống là thế!!
Có những sự việc thay đổi một cách bất ngờ làm ta đến ngỡ ngàng. Có thể ngày hôm nay, những người sống xung quanh ta đang trò chuyện với chúng ta nhưng ngày mai hoặc có thể mãi mãi ta sẽ không được gặp được trò chuyện với họ. Vậy nên, ta phải trân trọng những giây phút được ở cạnh bên những người thân của chúng ta. Đừng để một ngày nào đó ta cảm thấy hối tiếc. Mỗi người được sinh ra trên cõi đời này, đều được ấn định một cuộc sống riêng một hoàn cảnh riêng, không ai giống ai cả. Có lẽ tốt nhất là ta phải biết hài lòng với những gì ta có được mà người khác không có được, hơn là cứ đi so sánh những thứ mà người khác có được mà ta chưa có. Có như thế, mới làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, sống thanh thản hơn.
Mọi thứ đều vô thường!!! Ngay cả đến sức khỏe vô thường, có thể hôm nay ta mạnh khỏe nhưng ngày mai có thể ta đổ bệnh nào ai biết trước được. Bởi vậy ngay khi có sức khỏe, ta phải cố gắng làm những việc mà mình cảm thấy có ích hoặc ít ra cũng tạo cơ hội cho mình làm những công việc mình thích.
Tâm trạng chúng ta cũng thế cũng thay đổi một cách vô thường. Khi gặp những điều may mắn, làm được những điều ta thích, hay đạt được những thứ ta mong muốn thì ta vui; ngược lại khi thất bại thì làm ta nản chí tâm trạng buồn bả.
Mỗi sự việc xảy ra trong cuộc đời chúng ta, từ công việc đến tình yêu điều do một chữ duyên. Bởi vậy dù gặp thất bại hay thành công cũng nên trân trọng nó, cố gắng không nản chí. Coi như đó một kinh nghiệm sống để điều chỉnh lại bản thân mình, sống tốt hơn trong chặn đường còn lại của cuộc đời.

TN

Wednesday 25 February 2015

TÒ HE – NÉT VĂN HÓA DÂN GIAN


Tò he – một trò chơi gắn liền với tuổi thơ từ thuở bé nay lại một lần nữa làm sống lại trong tôi một ký ức xa xưa khi anh Lê Xuân Tùng một nghệ nhân nặn tò he đã đem đến trong chương trình tìm kiếm tài năng Việt Nam một màn biểu diễn đầy ấn tượng và khó phai. Tưởng như nghề làm tò he truyền thống dần như bị mai một theo năm tháng thì nay dưới bàn tay tài tình của anh Tùng nó đã được anh truyền cảm hứng mới mẻ và đầy sáng tạo theo cách riêng của mình đó là vẽ tranh bằng tò he. Qua tiết mục độc đáo này cho thấy niềm say mê yêu nghề, gắn bó với nghề luôn nung nấu cháy bỏng trong anh, chàng thanh niên trẻ tuổi người đã thổi hồn vào nghệ thuật thủ công tạo hình một loại hình văn hóa dân gian nhưng không kém phần hấp dẫn, thu hút, và mang đậm giá trị nhân văn cao cả.
Không biêt bọn trẻ hiện giờ có biết đến tò he hay không chứ cái thời tụi tôi thì tò he là một trong những trò chơi dân gian không thể thiếu lúc bấy giờ. Bằng những nguyên liệu rất đổi đời thường, gần gũi với cuộc sống nông dân đó là những sản phẩm nông nghiệp do chính bàn tay họ làm ra là bột gạo, phẩm màu và que tre. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ. Còn công đoạn làm màu nhuộm bột, nguyên liệu cũng được lấy từ cây nhà lá vườn: màu xanh từ lá cây, màu đỏ của gấc, màu vàng của nghệ, màu đen từ tro bếp, màu tím từ một loại lá của người dân tộc thiểu số…và đặc biệt ở đây màu rất bền, không bị loang ra và không dính vào nhau nên rất dễ nhào nặn. Tuổi thơ tôi gắn liền với tò he từ thưở mới lên 8 lên 10. Khi đó cứ ba hay mẹ cho dăm ba đồng là tôi vội lon ton ra đường cùng mấy đứa bạn trông hóng những chú, bác làm tò he để mua cho được những bông hoa hay là các nhân vật nổi tiếng một thời như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…đủ màu đủ sắc để khoe với bạn bè.  Chơi chán rồi lại cùng nhau đem đi nướng, mùi thơm thoang thoảng của bột gạo bắt đầu tỏa ra thơm ngát, và chưa kịp xong thì cả đứa nào đứa nấy chụm năm chụm ba để chia nhau ra thưởng thức thành phẩm của mình.
Có thể nói, tò he so với những trò chơi hiện đại mà tụi nhỏ chơi bây giờ có thể kém thu hút hơn, mộc mạc hơn nhưng nó gửi gắm trong đó những tình cảm chân thành, bình dị, đồng thời thể hiện tính nghệ thuật thủ công hết sức sáng tạo, độc đáo và thẩm mỹ cao lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam từ bao đời.
NT

Thursday 12 February 2015

HOẠT ĐỘNG TẶNG QUÀ CHO NGƯỜI NGHÈO


Những cành mai vàng đang đua nhau nảy chồi, đơm hoa khoe sắc trong nắng xuân ấp áp báo hiệu một năm mới đang đến rất gần, không khí chuẩn bị Tết đã rộn ràng khắp nơi. Nhằm chia sẽ bớt những khó khăn cho những người kém may mắn trong cuộc sống cũng như phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách. Trong tháng này TTKKTL đã trích một phần ngân sách dành tặng cho những trường hợp thương tâm trong năm 2015 cọng thêm số tiền có được từ sự tài trợ của những tấm lòng hảo tâm để tổ chức chương trình tặng quà cho những hộ gia đình nghèo, những người già cả neo đơn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay thầy giáo nghèo bị tàn tật nhưng hàng ngày vẫn cố gắng đem cái chữ đến cho các em nghèo ở vùng quê đất cát…ở các vùng Quảng Thọ, Đập Góc, Phú Hiệp, Phú Đa. Phần lớn những người được chúng tôi tặng quà lần này đều có hoàn cảnh rất đáng thương, đều già cả neo đơn và đều mang bệnh trong người, có những người mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng vì không có con cái nên cũng phải làm việc kiếm tiền để tự nuôi sống bản thân và mỗi khi đau ốm thì phải dựa vào sự cưu mang giúp đỡ của bà con hàng xóm. Thông thường Tết là khoản thời gian để sum họp gia đình, để những người con đi làm ăn xa có dịp về thăm gia đình và vui vầy bên con cháu, nhưng đối với những người này thì đó là điều mà họ không bao giờ có được, cuộc sống của họ nhường như chỉ cô độc trong bốn bức tường. Trong số những người được chúng tôi tặng quà lần này chúng tôi đặc biệt ấn tượng về em sinh viên nghèo vượt khó và lớp học nghèo của người thầy giáo bị tàn tật. Đây là hai con người với hai độ tuổi, hai số phận và hai hoàn cảnh khác nhau. Một người thì ngày đêm trao con chữ đến cho những đứa trẻ nghèo ở vùng quê đất cát Phú Đa, một người thì đang cố gắng tìm kiếm con chữ ở giảng đường đại học năm đầu tiên. Xong, cả hai con người đều đang cố gắng vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Người thì vượt qua tật nguyền để đóng góp cho xã hội, tiếp lửa tri thức cho những đứa trẻ nghèo. Người thì đang cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn trong gia đình để vươn lên trong học tập. Cả hai được xem như là những tấm gương giàu nghị lực điển hình để người khác noi theo.
Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết, không khí đón Tết đã rộn ràng ở nhiều gia đình nhưng với những người này vì hoàn cảnh quá khó khăn nên ngày Tết đối với họ chẳng khác gì so với những ngày bình thường khác. Vì thế mà những phần quà chúng tôi trao tặng hy vọng sẽ giúp họ giảm bớt được gánh nặng về tiền bạc trong những ngày Tết để họ có điều kiện đón một cái Tết ấm cúng và đầy đủ hơn.

TRỞ VỀ TUỔI THƠ…


          Đọc bài báo về “Ngôi trường ngôi trường mẫu giáo “trong mơ” ở Nhật Bản” theo báo dân trí(http://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/ngam-ngoi-truong-mau-giao-trong-mo-o-nhat-ban-1028946.htm) mới thấy được ngày nay trẻ em không những được chú trọng để đầu tư phát triển về trí tuệ, thể chất mà còn hướng đến thân thiện với điều kiện thiên nhiên trong lành, phát triển tâm hồn hòa nhập với thiên nhiên một cách tự nhiên không bị gò bó trong bốn bức tường như ngày xưa.

 

Hướng đến công cuộc “vừa học vừa thực hành vừa hít thở không khí trong lành của thiên nhiên” người Việt Nam có câu “không có gì bằng” nhỉ? Mong Việt Nam sớm có những mô hình như thế một ngày không xa, nhất là các thành phố lớn, nơi chật chội đông đúc, trẻ em thiếu sự quan tâm do cha mẹ cố gắng phát triển công việc của mình hơn là chú trọng chăm lo chu đáo về mặt “tự nhiên để trẻ tự tìm hiểu và học tập” ..

 

Và cũng giống như tuổi thơ của mình,  tôi, hy vọng rằng trẻ em hiện nay sẽ không còn bị phụ huynh hay giáo viên “ép” đi học thêm nữa. Với chương trình chưa giảm tải như hiện nay, học ở trường không thôi đã khiến học sinh “ngắc ngư rồi” còn sức đầu nữa mà “học thêm’?

 

QH

Wednesday 11 February 2015

TẾT Ở NÔNG THÔN VÀ THÀNH THỊ


Đã từ lâu Tết cổ truyền đã trở thành như một thể lệ hằng năm. Năm nay thể lệ ấy lại đang về. Những đứa trẻ đang háo hức chờ đợi đón Tết. Nhiều người đang cố gắng dốc hết sức cuối cùng để hoàn thành công việc càng sớm càng tốt, những người làm ăn xa quê đang mong ngóng gần đến ngày được trở về quê hương của mình đón Tết gặp vợ, bố mẹ, con cái,… nhà nhà dọn dẹp vệ sinh sơn sữa lau chùi… người người tấp nập buôn bán, lo đồng áng, …Tất cả phải hoàn thành sơm để đón Tết – một cái Tết thật hạnh phúc và vui vẽ nhất.
Vào những ngày trước Tết, ở thành thị không khí ồn ào náo nhiệt, người người đi lại buôn bán tấp nập. Nhưng vào những ngày Tết thì không khí bổng nhiên im ắng, đường phố vắng vẻ. Còn ở nông thôn thừ trái lại,làng xóm rộn ràng, đường làng sạch sẽ, nhà cửa được sửa sang, sơn sửa mới đẹp. Nhà nào cũng gói bánh tét, bánh chưng, làm mứt các loại để thành kính dâng cúng ông bà tổ tiên,… Và điều làm cho không khí ở làng quê xôn xao nhất đó là các trẻ nhỏ nô đùa khắp các đường quê thôn xóm, vui mừng vì được nhận quà từ anh, chị, ba, mẹ, người thân đi làm ăn xa về; các thanh nam thanh nữ đi chúc tết bà con, hàng xóm, bạn bè… Cả năm đi làm ăn xa, làng quê vắng vẻ, không một bóng dáng thanh nam, thanh nữ, nên Tết là cơ hội cho họ gặp nhau 1 năm 1 lần, ai cũng vui mừng phấn khởi, hạnh phúc, quên cả bao nhiêu khổ cực trước đây. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, bao nhiêu chuyện để họ hàn huyên tâm sự, họ chỉ có thời gian quý báu mấy ngày tết để nói chuyện, thăm hỏi nhau thôi, rồi ai sẽ đi theo con đường ấy, tiếp tục hành trình mưu sinh trên đất khách quê người. Nhưng ngần ấy thời gian cũng đủ giúp họ lấy lại sức khỏe, tinh thần, giúp họ có thêm ước mơ và hy vọng để sau một mùa chơi Tết họ lại tiếp tục phấn đấu trong công việc.
Nông thôn đón Tết hạnh phúc, vui vẻ là thế. Không ồn ào, tấp nập như thành thị, nhưng lại xôn xao, rộn ràng, thú vị và hứa hẹn một ngày mai tươi sáng hơn.
H.S

NGƯỜI NHẬT…TẦM CAO CỦA SỰ ỨNG XỬ


Mới đây vụ IS bắt hai nhà báo người nhật và viên phi người Jordan để đòi thả tự do cho Al-Rishawi, một trùm khủng bố. Cả thế giới đang đều kịch liệt lên án hành động tàn nhẫn, man rợ của IS với cách hành quyết chặt đầu và thiêu sống. Không dám bàn luận đến chính sách của 2 nước Nhật bản và Jordan vì sao để công dân nước mình chết, chỉ bàn luận đến phản ứng của 2 gia đình nạn nhân.
          Cha của viên phi công người Jordan kêu gọi chính phủ bằng mọi giá phải cứu lấy con trai ông. Thậm chí là trao đổi Al-Rishawi một trùm khủng bố vì theo ông con trai ông là tài sản của đất nước. Đúng như vậy, viên phi công người Jordan phục vụ trong quân ngũ, khi việc xảy đến với viên phi công thì chính phủ phải phải có trách nhiệm là hoàn toàn đúng đắn. Và cũng thật sự khó khăn cho bất cứ ai rơi vào trường hợp như vậy khi người thân của mình gặp nạn. Cha viên phi công yêu cầu chính phủ thả nữ trùm khủng bố để đổi lấy con trai mình là điều dễ hiểu.
          Ngược lại, cha của con tin người Nhật bản đã phát biểu khiến cả thế giới phải khâm phục. khi biết con trai mình đã bị hành quyết vì chính phủ Nhật từ chối nộp 200USD tiền chuộc. Mặc dù rất đau đơn nhưng ông không trách móc gì đối với chính phủ và ông không yêu cầu bất điều gì mà chỉ mong các bên ngưng chiến. Ông ấy cũng tỏ ra rất áy náy đối với nhà báo Goto vì con trai ông mà Goto đã liều mình đến Syria và bị IS bắt giữ. Nếu như trong trường hợp như vậy mấy người nén được thương đau để lo lắng và xin lỗi người khác. Hay chỉ là những lời trách móc, đổ trách nhiệm lên người khác, hay yêu cầu cứu người bằng mọi giá và cho cái giá đó đắt bao nhiêu.
Có lẽ ông Shoichi Yukawa nghĩ rằng chính phủ có đường lối, quyết sách riêng. Đối với một chính phủ 200 triệu USD không phải là số tiền quá lớn. và cũng như vậy nếu thả trùm khủng bố ra thì sẽ có bao nhiêu người phải chết do đánh bom cảm tử của IS. 
Khi đọc bài phỏng vấn của ông Shoichi Yukawa thật sự khâm phục ông và kính phục tinh thần người Nhật. Ngày xưa, những anh hùng Nhật bản tự rạch bụng mình vì lý tưởng, hay mới đây người Nhật bị động đất sóng thần nhưng họ vẫn bình tĩnh để xử lý và đối phó. Chính vì tinh thần như vậy chỉ mấy mươi năm sau chiến tranh đất nước Nhật đã vươn lên thành cường quốc mặc dù tài nguyên rất nghèo nàn. 
          Nhìn nước bạn ngẫm sang nước mình, tự hào có rừng vàng biển bạc và tự hào hơn là con rồng cháu tiên vậy mà sau 40 năm chiến tranh đất nước vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo, lạc hậu. Để đất nước phát triển nên học hỏi tinh thần tự tôn dân tộc như ông  Shoichi Yukawa, của người Nhật. Mọi đường lối chính sách đều do con người đặt ra và thực hiện, nếu con người thực hiện không tốt thì chẳng bao giờ đường lối chính sách đó thành công được và đất nước sẽ khó phát triển.


Đ.N

Tuesday 10 February 2015

BÁNH TÉT – HƯƠNG VỊ NGÀY XUÂN


Năm mới đang về! Những ngày cuối năm này ai ai cũng tất bật để chuẩn bị cho mình một cái Tết đầy đủ và hạnh phúc. Nhắc đến Tết thì chúng ta không thể không nói đến bánh chưng, bánh tét…những món ăn cổ truyền trong ngày Tết.
Bánh tét nhìn chung thì rất đơn giản nhưng để làm ra được một chiếc bánh thì người làm phải chuẩn bị rất tỉ mỉ, từng công đoạn một. Nào là chẻ lạt, chặt lá, rọc lá, lau lá rồi đến ngâm nếp, làm nhụy…Lá được sử dụng để gói bánh thường là lá chuối hoặc lá dong để khi bánh chín màu của bánh có màu xanh đẹp mắt. Để có một chiếc bánh dẻo, thơm ngon trong ngày Tết, người làm phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức.
Tôi còn nhớ như in những ngày còn ở quê, được ở bên cạnh ông bà và cha mẹ, cứ mỗi năm tết về, cả nhà lại cùng nhau chuẩn bị làm bánh tét để cũng tổ tiên .Thường thì cứ đến khoảng ngày 29 -30 Tết thì bắt đầu gói bánh. Những đứa con nít như tôi thấy người lớn làm cũng háo hức phụ giúp một tay, nào là lau sạch lá, cột dây cho bánh…Đêm 30, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa chờ bánh chín để cúng giao thừa, nói cười rôm rả. Bao nhiêu chuyện buồn vui trong năm đều được chia sẻ. Và những khoảnh khắc đó đã đi sâu vào tâm trí của mỗi đứa trẻ như tôi ngày ấy. Để đến bây giờ, mỗi khi Tết về tôi lại thấy khắc khoải nhớ...!
Trước đây, hầu hết nhà nào cũng gói bánh trong ngày Tết nhưng đến nay, hầu hết mọi người đều mua ngoài chợ hoặc ngoài cửa tiệm vài ba đòn bánh cho có vị. Vừa nhanh lại vừa tiện. Vì vậy, những khoảnh khắc được quây quần bên gia đình để gói bánh chỉ còn lại trong ký ức. Dường như cuộc sống ngày càng hiện đại đã làm cho mỗi chúng ta ngày một xa dần những phong tục vốn dĩ là truyền thống của người Việt
PTM

VỐN CHO NGƯỜI NGHÈO


Người nghèo là những người thường chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là trong việc tiếp cận với các nguồn vốn, họ luôn phải vật lộn với cuộc sống. Nguồn sống duy nhất của những người nghèo là sức lao động. Một số người có sức khỏe tốt thì sử dụng sức lao động của mình để làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, giá trị sức lao động của họ lại rất rẻ mạt do thiếu kỷ năng, thiếu được đào tạo và đặc biệt là không thường xuyên. Một số người khác do sức khỏe không được tốt thì họ lại lựa chọn các công việc như buôn bán nhỏ trên các vỉa hè, buôn thúng, bán bưng…, nhưng nguồn thu nhập từ hoạt động buôn bán này cũng rất thấp do không có nơi buôn bán cố định và không có vốn để bổ sung thêm lượng hàng hóa phục vụ cho việc buôn bán. Không có vốn để làm ăn và nguồn thu nhập bấp bênh khiến họ không thể duy trì những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống như y tế, giáo dục. Tình trạng quẫn bách đã khiến một số người rơi vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, nghiện ma túy…
Nhằm mục đích giúp những người nghèo được tiếp cận với nguồn vốn để làm ăn cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập Huế đã triển khai thêm loại vốn dành riêng cho những nhóm người này và được gọi là vốn Hỗ Trợ Buôn Bán Đường Phố (HTBBĐP). Với thủ tục đơn giản và phương thức thanh toán hợp lý phù hợp với điều kiện của người dân nghèo nên kể từ khi triển khai đến nay số lượng người dân đến xin vay vốn không ngừng tăng lên. Vốn HTBBĐP ra đời không chỉ giúp những người dân nghèo có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn để làm ăn cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội.
XQ

Monday 9 February 2015

Tết - Kẻ ở người về !


Ngày tết ngày xuân, ai ai cũng háo hức về đoàn tụ, sum vầy bên gia đình của mình, nhất là những người con xa quê. Một năm trời vùi mình vào công việc để kiếm tiền thì người lao động nghèo chỉ mong 3 ngày tết 7 ngày xuân được về quê bên ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng nhau đi thăm họ hàng, cùng nhau đi chơi xuân. Nhưng người lao động thì chờ cuối năm được lương, được thưởng cao mới tính tới chuyện về quê mà đâu phải có lương thưởng là đã được về, chi phí đi lại cũng là một nỗi lo. Lương tháng tằn tiện chỉ đủ sinh hoạt và gần như không tiết kiệm được đồng nào. Mức thưởng Tết 4-5 triệu đồng/tháng tuy không nhỏ, song nhẩm tính sơ sơ tiền tàu xe về quê,  quà Tết… cũng đã gần hết, chưa kể chi phí về quê tiêu Tết.

Tết là dịp để gia đình sum vầy hạnh phúc song với những người lao động nghèo xa quê, để có được một cái Tết ấm cúng, đầy đủ không hề đơn giản. Xã hội dần thương mại hóa kéo theo những giá trị tinh thần và truyền thống cũng chịu tác động. Tết giờ đây đi cùng nhiều lo toan hơn sự háo hức. Vì vậy, nhiều người lao động nghèo xa quê sợ Tết vì muốn về quê nhưng không đủ điều kiện kinh tế, hay về mà chịu nhiều áp lực tài chính những ngày Tết. Tết! Người háo hứng trở về quê, kẻ ở lại xứ người ngậm ngùi đón Tết.

P.K

DU XUÂN Ở HUẾ


Xuân Ất Mùi đang đến gần, không khí chào đón một mùa xuân mới đang nóng lên từng ngày với người dân Huế. Trên khắp các con đường  những ngày này đều được trang trí những hàng hoa tươi, lắp đặt hệ thống đèn trang trí… Người dân thì hối hả đi mua sắm, quét dọn nhà cửa để chào đón một năm mới vui tươi, an lành cùng với người thân và gia đình. Và để không khí đón Tết thêm vui tươi, ý nghĩa thì đi tham quan cùng với bạn bè và người thân cũng là một lựa chọn không thể bỏ qua trong dip này. Dưới đây là một trong những địa điểm mà các bạn nên đến trong dịp Tết đến Xuân về.
+ Đi chợ hoa trước Phu Văn Lâu từ ngày 25 đến 30 tháng 12 âm lịch.
+ Xem bắn pháo hoa tại Quảng trường Ngọ môn vào đêm giao thừa.
+ Tham quan Đại Nội và các khu lăng tẩm, những địa điểm này sẽ cho khách tham quan tự do vào các ngày từ mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng 1 âm lịch.
+ Đi chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn, nơi đây các các bạn sẽ được chơi những trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn do người bản địa chế biến.
+ Lễ hội đấu Vật làng Sình được tổ chức vào ngày 10 tháng 1 âm lịch tại xã Phú Mậu huyện Phú Vang.
+ Đi dạo phố đi bộ tại đường Nguyễn Đình Chiểu sau đó đến thưởng thức các món khoai nướng, bắp nướng… đặc trưng của xứ Huế tại đường Lê Lợi.


N.IH

Friday 6 February 2015

KIÊU NGẠO


Cổ nhân đã dạy chúng ta: “Có 3 điều làm hỏng một con người đó là: rượu, kiêu ngạo và sự giận dữ”. Kiêu ngạo sẽ làm ta mất đi những thứ đang có và có thể sau này sẽ có từ cuộc sống, từ bạn bè, từ người thân.
Kẻ kiêu ngạo thì bao giờ cũng cho mình thông minh hơn người khác, không thấy sự thông minh tài giỏi của người khác, đôi khi cảm thấy hứng khởi – giỏi giang vì tìm được điểm yếu của người khác.
Kẻ kiêu ngạo luôn sợ người thấp hơn mình sẽ phấn đấu ngang bằng mình, sợ người hơn mình sẽ hơn mình nhiều nữa, sợ người ngang mình sẽ giỏi giang hơn chính mình.
Hậu quả của tính kiêu ngạo cho thấy, những tướng cầm quân đi “đánh giặc” nếu kiêu ngạo quá cũng sẽ nhận kết cục là thất bại thảm hại.
Và dẫn chứng thực tế Tôn Ngộ Không kiêu ngạo dám thách đấu với Phật Như Lai đã bị đè dưới núi mấy trăm năm sau này nhờ Đường Tăng mới thoát được.

DUY TÙNG.

Thursday 5 February 2015

GÓC NHÌN VĂN HÓA


Một su khách ngoại quốc, nếu lần đầu tới Việt Nam họ sẽ có ấn tượng mạnh với “văn hóa vỉa hè” của nước sở tại. Ăn  vỉa hè, nhậu vỉa hè, café cóc vỉa hè, “chem. gió vỉa hè, ngũ vỉa hè, phóng xe lên vỉa hè và đôi lúc là tập thể dục vỉa hè. Văn hóa vỉa hè có lẽ bắt nguồn từ những gánh hàng rong, khi thời xa xưa những món ăn vặt được đem tới bởi những quang gánh của một mẹ, một chị nào đó từ quê gánh ra thị thành để rồi tấp vào một góc vỉa hè nhỏ nào đó nhằm phục vụ cho nhu cầu người dân thành thị.

Ăn vỉa hè, café cóc vỉa hè có cái hay là đơn giản và chi phí thấp lại được thêm cái không khí tấp nập qua lại của dòng người, xe cộ; được nhìn trời nhìn đất rất là thú vị. Chỉ cần một chiếc ghế nhựa nhỏ, một mảnh giấy hay đôi lúc ngồi chồm hổm là ta có thế thưởng thức cái “văn hóa vỉa hè” rồi.
Buổi sáng dọc các tuyến đường Lê Lợi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi ta có thể thấy không khí “vỉa hè” rõ ràng nhất. Điều hay nhất của “văn hóa vỉa hè”  đem lại đó là phục vụ tốt cho một phần nhu cầu của người dân lao động nghèo hay sinh viên học xa nhà. Sáng ra anh xích lô chỉ cần trên dưới 8 ngànđồng  là có một tô bánh canh hay ổ mỳ thơm phức nóng hổi để nạp năng lượng cho một buổi sáng làm việc hay các bạn sinh viên sáng chỉ cần 6 ngàn đồng là có ngay một ly café cóc béo ngậy rồi.

Văn hóa vỉa hè hay là thế, thị vị là thế nhưng nó là một thách thức đô thị trong thời đại ngày nay. Việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè như thế làm mất lối đi của người đi bộ, gây cản trở giao thông và đôi lúc gây mất mỹ quan đô thị vì sự nhếch nhác cơ bản vốn có của nó. Vì vậy khi làm quy hoạch các cơ quan chức năng nên quy hoạch sao cho hài hòa giữa buôn bán đường phố và lòng đường cho người đi bộ. Như ở Hội An-Quảng Nam người ta phân vạch vỉa hè cho những người buôn bán hè phố, đảm bảo vừa đi bộ được và buôn bán được. Việc này đòi hỏi phải có những vỉa hè đủ rộng và thông thoáng. Có lẽ nhiều nơi phải làm như thế bởi lẽ có làm như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề chứ đi bắt thu giữ rồi ít ngày sau người ta cũng bày ra lại bởi lẽ không ai có thể từ bỏ “bát cơm” của mình. Một người bị mất “bát cơm” không chỉ là gánh nặng cho bản thân và gia đình người đó mà đôi lúc hệ quả kéo theo là gánh nặng cho toàn xã hội. Mọi chuyện không đơn giản chỉ là việc giải quyết theo bề nổi đó là bắt và thu. Cần tạo điều kiện cho những người buôn bán hè phố được hành nghề trong khuôn khổ cho phép, tạo được nét văn hóa riêng và giải quyết được nhu cầu mưu sinh của mọi người.

Khánh Linh

Wednesday 4 February 2015

ĐỐT HÀNG MÃ


Đốt hàng mã vào dịp cuối năm là phong tục không thể thiếu của người dân Huế nói riêng và người dân cả nước nói chung. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, mỗi khi đi trên các tuyến đường ở Huế thì chúng ta thường bắt gặp hình ảnh nhà nhà, người người đem hàng mã ra các vĩa hè để đốt nhằm tưởng nhớ tới những tâm linh, người thân đã khuất. Với suy nghĩ, việc đốt thật nhiều hàng mã sẽ đem đến một cuộc sống sung túc cho những người đã khuất nên hiện nay đốt hàng mã tràn lan, đốt ở những nơi công cộng là hình ảnh thường gặp ở Huế. Nhưng những người này không biết rằng, đốt hàng mã ở những nơi không đúng qui định như vậy sẽ góp phần không nhỏ tới nạn ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho người đi đường cũng như gây nguy hiểm cho những hộ dân sống xung quanh. Trong những năm qua, đã có không ít vụ hỏa hoạn mà nguyên nhân chính là do sự thiếu ý thức của những người đốt hàng mã gây ra. Vậy để hạn chế những vụ hỏa hoạn, những tại nạn cho người đi đường do việc đốt hàng mã gây ra thì các cấp chính quyền cần tuyên truyền, vận động người dân nên đốt hàng mã đúng nơi qui định để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong dịp Tết Ất Mùi sắp đến.

N.IH

Tuesday 3 February 2015

BẦU CHỌN


Không phải chỉ có loài người mới có hình thức bầu chọn, thế giới loài vật cũng có cách thức để chọn ra con đầu đàn. Dê đầu đàn phải là con khỏe nhất, hổ đầu đàn phải là con dữ nhất, khỉ đầu đàn phải là con “láu” nhất…

Loài người phải kinh qua một thời gian dài mới tìm ra được cách bầu chọn người lãnh đạo xã hội theo cách tiến bộ nhất. Tuy nhiên, nhiều khi cách tiến bộ nhất chưa chắc thỏa mãn các vấn đề cơ bản nhất là: được lựa chọn theo đa số phổ thông.

Theo chân lý, cái gì do số đông quyết định phải là cái tốt nhất, ưu việt nhất. Nhưng số đông đó theo toán học phải là tâp hợp tổng, toàn thể hay tập hợp đầy. Nếu số đông chỉ dưa trên đại diện mẫu đã chọn – theo xác xuất thống kê – thì sai số so với sự thực là rất lớn. Chọn mẫu trong thống kê vì vậy luôn có sai số và các nhà khoa học buộc phải thừa nhận điều này với các ước lượng sai số anpha là 5,10,15,20%...tùy theo kích cở của mẫu chọn nghiên cứu.

Một dẫn dụ thú vị nhất về bầu chọn không gì hay hơn cách thức tiến hành bẩu cử tổng thống Hoa Kỳ, theo đó ứng cử viên có đa số phiếu phổ thông vẫn thất bại so với đối thủ có đa số phiếu về “đại cử tri”. Như vậy ta phải thừa nhận rằng: tổng thống Hoa Kỳ được quyết định bởi đại cử tri hơn là số phiếu phổ thông. Mà đại cử tri đại diện cho ai thì chắc chúng ta đã ró, và nên lưu ý rằng họ cũng chỉ là vài trăm người so với hàng trăm triệu người dân Mỹ.

Và vì vậy, chúng ta sẽ dễ dàng biết được kết quả bầu cử của một băng nhóm xã hội đen quen tay trộm cắp, chém giết, cướp bóc, ức hiếp dân lành…, khi phải bầu chọn thủ lãnh giữa hai úng cử viên: một tay anh chị bặm trợn giàu thành tích giang hồ, và người còn lại là vị bác sỹ bị buộc thôi việc do vô ý làm chết người, vì hoàn cảnh phải tham gia băng đảng nhưng trong thâm tâm vẫn rất giàu tình nhân văn “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Vậy cuộc bầu chọn nào rốt cuộc rồi cũng có nhược điểm cả.
Đừng vội sớm tung hê các kết quả bầu chọn cho tới khi biết rõ “sự thật” đằng sau.

PVH