Monday 29 February 2016

Ra Tết

Khép lại những dư âm lúc rộn ràng, lúc yên tĩnh trong những ngày đầu năm, cuộc sống của người dân xứ Huế lại tiếp tục quay trở lại với guồng quay của cuộc sống thường nhật như mọi ngày. Sau tết, tâm trạng người đi kẻ ở của những người con xa quê nay lại canh cánh những nỗi niềm ưu tư, muộn phiền đến khó tả. Lòng người đã đượm buồn nay lại có dịp trở nên lạnh giá và se sắt trong tiết trời lất phất những cơn mưa phùn lâm râm của tháng giêng. 

Không giống như không khí rộn ràng xô bồ của miền Nam khi mà tất thảy mọi người ai nấy đều tập trung cho công việc mưu sinh, học tập và làm việc thìdường như nhịp sống của con người xứ Huế thì hầu như lại trái ngược hoàn toàn. Nó chầm chậm trôi theo từng ngày một cách lặng lẽ và bình dị nhất có thể. Mặc dầu đã ra tết được một thời gian nhưng dường như giá cả các mặt hàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Không khí trước tết sôi nổi , tấp nập người mua kẻ bán bao nhiêu thì nay tình trạng chợ vắng khách luôn xảy ra thường xuyên. Bởi tâm lý chờ đợi các mặt hàng giảm giá mà làm cho người Huế có tâm lý ngại ra đường đi để đi mua sắm. Hàng hóa khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung, sức mua lại giảm hẳn nên việc các mặt hàng đội giá lên cao cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt là các mặt hàng rau củ quả…với rau muống lên 20.000đ/bó, cà chua 25.000đ/kg,...Lý giải cho việc tăng giá này có lẽ do thời tiết lạnh rét, lượng rau nhập về không nhiều để bán nên tình hình giá rau chưa thể giảm xuống được. Việc giảm giá xăng dầu nay đã không còn tỷ lệ thuận với việc giá cả thị trường giảm theo. Việc người ta đinh ninh mỗi khi giá xăng dầu bình ổn thì giá cả các mặt hàng khác sẽ đồng loạt giảm theo phần nào nhen nhóm cho bà con một niềm vui mới, bởi công sức làm ra thì khó mà chi tiêu, trang trải cho mọi thứ thì nhiều và tốn kém quả thật là một vấn đề nan giải, cung cầu lệch pha sẽ là một bài toán khó cho các doanh nghiệp, cho bà con buôn bán vất vả mưu sinh vì cuộc sống.Tội cho các chị em tiểu thương ngày nào cũng thức đêm dậy sớm chở hàng ra chợ rồi lại cùng một tâm trạng thất thểu những bước chân nặng nề bước về nhà với với nỗi lo tồn hàng và gánh nặng cơm áo gạo tiền ngày này qua ngày khác.


Tết đã qua và tháng giêng cũng đã gần kết thúc, chỉ cầu mong cho thời gian, tới sức mua và sức bán tăng cao để cho giá cả các mặt hàng được giảm xuống cho bà con được phấn khởi, hồ hởi và chuyên tâm trong việc lao động, tăng gia sản xuất và ổn định kinh tế hộ gia đình được tốt hơn.

Nguyễn Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Thursday 25 February 2016

Một ngày đầu xuân


Tiết trời mùa xuân thật đẹp. Đã hơn 7h sáng nhưng trời vẫn còn sương nhẹ khiến cho con đường trở nên thơ mộng hẳn. Đầu mùa xuân nên cây bàng vẫn còn rụng lá, những ngọn lá đỏ rải đầy đường mặc dù tối qua người lao công đã quét sạch. Quyện lẫn trong mùi sương sớm là mùi hương cúng của hai hàng cửa hiệu bên đường cúng đầu xuân và đầu ngày những mong "mua may bán đắt". Và cứ mỗi nhà đều có hai chậu cúc nở rộ trước sân. Hương vị Tết vẫn còn phảng phất quanh đây.
Nhớ lại khoảng hơn 30 năm trước, khi còn là một đứa học trò đen đúa, cuốc bộ đến trường thì nơi đây toàn ao hồ rau muống. Hồ nọ nối tiếp hồ kia, còn nhà thì nằm rải rác mặc dù đây là trục đường giao thông quan trọng của thành phố. Các hồ nước này đa số là trồng rau muống hay thả cá và tôi vẫn còn nhớ mãi những cái bảng cấm câu cá nằm chình ình giữa hồ nhưng cá vẫn bị bọn trẻ con nghịch ngợm câu trộm mãi.
Vẫn con đường nhựa ấy, vẫn còn đó một vài cây bàng cũ nhưng hôm nay con đường đã khoác một tấm áo mới, đẹp và tươi rói. Hai bên đường được lấp đầy các cửa hiệu giày dép, áo quần, shop hoa tươi, ... đâu còn các hồ rau muống ruồi muỗi ấy nữa. Nhà nhà mọc lên, những căn nhà cũ được thay bằng những căn nhà mới, đẹp và to lớn hơn nhiều. Kéo theo đó lượng người đi cũng đông đúc hơn, hối hả hơn. Đây đó một vài khách sạn mọc lên, rồi chi nhánh ngân hàng, điện thoại viettel,...Diện mạo con đường đã khác hẳn trước đây. Thế mới biết cuộc sống thay đổi biết bao nhiêu.
Nhiều người bảo rằng cuộc sống thành phố không thay đổi mấy, chậm và ù lỳ. Riêng tôi, tôi bảo rằng hãy xuống xe đi bộ một lần như tôi thử, đi và hít thở mùi thay đổi của cuộc sống mới cảm nhận được nó, sự thay đổi nhẹ nhàng nhưng vẫn rất dễ nhận ra. Và một ngày đầu xuân cảm nhận được thay đổi cuộc sống là cảm nhận được hạnh phúc xung quanh mình.


Nguyễn Thị Anh Đào
Cử nhân Anh Văn

Tuesday 23 February 2016

TẾT: NỖI LÒNG KẺ Ở NGƯỜI ĐI


Cứ mỗi độ xuân về người người đua nhau làm ăn chuẩn bị đón tết, nhiều người làm ăn xa quê chen chúc mua vé tàu, xe trước mấy tháng để về quê ăn tết. Tết là cơ hội cho những người làm ăn xa quê có dịp sum vầy, đoàn tụ gia đình. Nhưng cũng là nỗi vất vả, khi những ngày tết chưa hết, những câu chuyện hàn huyên tâm sự với gia đình đang còn dang dở đành gác lại để phải hối hả quay trở lại nơi ở trọ, chuẩn bị công việc tiếp tục cho một năm mới.
Hầu hết những người làm ăn xa quê là những thanh niên trẻ tuổi, năng động ở những miền quê khác nhau, háo hức ra đi để tìm một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi người có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có người đang còn độc thân, phấn đấu vì sự nghiệp tương lai và chăm lo tài chính cho ba mẹ già hay những người em đang tuổi ăn học ở quê hương. Có người thì đã lập gia đình, ra đi mang theo cả vợ, con để hi vọng một ngày nào đó có đủ một số vốn kha khá rồi trở về quê hương với đại gia đình sum họp… Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, nhưng họ cùng chí hướng, có hoài bão lớn là phát triển sự nghiệp, xây dựng gia đình, chăm lo tương lai cho con cái…
Và cứ thế, năm nào cũng vậy niềm hạnh phúc vui sướng chưa nguôi thì lại phải bịn rịn chia tay. Vừa đưa tiễn vừa dặn dò… trong tiếng nấc nghẹn ngào.
Tết năm nay thời tiết ấm áp, thuận lợi cho bà con, bạn bè,…thăm chơi chúc tết. Nhưng niềm vui sướng trong lòng đành tạm gác lại để dành cho những nỗi nhớ nhung, những cuộc tạm chia tay đẫm nước mắt của những đôi uyên ương vừa chớm nở rất xúc động… Tất cả hứa hẹn một ngày mai sẽ thành công trở về, người ra đi sẽ bù đắp cho người ở lại vì đã “hi sinh” và chịu quá nhiều thiệt thòi.

Hồ Sơn
Cử Nhân Kính Tế

Monday 22 February 2016

NÔNG DÂN KHẨN TRƯƠNG RA ĐỒNG SAU TẾT


 Sau Tết, mặc dù không khí đón Tết nguyên đán và các lễ hội vẫn đang diễn ra rộn ràng ở khắp nơi, nhưng những người nông dân ở các vùng quê thì đã tạm gác chuyện vui chơi và tham gia vào các lễ hội để khẩn trương ra đồng chăm sóc những diện tích lúa và hoa màu bị hư hại do ảnh hưởng của thời tiết. Trong thời gian trước Tết do ảnh hưởng của đợt rét kéo dài làm cho nhiều diện tích lúa và hoa màu chậm phát triển, một số diện tích thì bị chết phải gieo xạ lại. Trong thời gian trong Tết, điều kiện thời tiết trở nên ấm hơn tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, vì thế để nhanh chóng khắc phục những thiệt hại do thời tiết gây ra, nhiều bà con nông dân sau khi lo xong Tết cho gia đình thì ngay ngày mồng 4 Tết đã tranh thủ ra đồng để chăm sóc, tỉa dặm và bón thúc cho cây lúa và hoa màu nhằm nâng cao năng suất khi thu hoạch.
Đối với những người nông dân thì nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên họ luôn cố gắng dành thời gian chăm sóc nhằm hy vọng có một vụ mùa thắng lợi. Ngoài ra, do đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp nên trong những ngày 27, 28 Tết, trong khi người dân ở các nơi các tất bật mua sắm để chuẩn bị đón Tết thì những người nông dân lại phải lo gieo xạ và chăm sóc cho những diện tích lúa và hoa màu của gia đình. Nhường như không khí đón Tết của người nông dân thường đến muộn và kết thúc sớm hơn so với những người làm các ngành nghề khác. 
Là một người được sinh ra, lớn lên và đang sống ở nông thôn, bản thân tôi rất thấu hiểu những khó khăn, vất vã mà người nông dân đang gặp phải. Hy vọng, trong thời gian tới điều kiện thời tiết sẽ trở nên thuận lợi hơn để giúp bà con nông dân có một vụ sản xuất thắng lợi.  
Nguyễn Xuân Quý
Cử nhân Kinh tế

Thursday 18 February 2016

BÁN VẾ SỐ


          Ngồi ở một quán nước ven đường, quan sát khung cảnh và mọi vật xung quanh ta cảm nhận như cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
          Chưa uống hết ly cà phê song tôi nhẩm tính cũng hơn chục người bán vé số dạo đến chìa xấp vé số rồi mời tất cả mọi người trong quán.
          Có vẻ như nghề bán vé số không giới hạn tuổi tác, chỉ cần có sức khỏe thật tốt, có thể đi bộ một ngày vài chục km đối với thanh niên và vài km đối với phụ nữ người già là có thể tham gia vào công việc này.
          Tâm sự với một thanh niên bán vé số tên Toàn sống ở khu vực Trường An mới biết được công việc này nhìn qua có vẻ như đơn giản song không phải như vậy. Do gặp tai nạn mấy năm trước, từ thanh niên lanh lẹ hoạt bát bây giờ bị tật nguyền. Mong muốn kiếm tiền để tự nuôi sống bản thân, để không làm ảnh hưởng người khác và 2 đứa con đang còn theo học. Anh cho biết: mỗi ngày bán khoảng 150 tờ vé số, bán được mỗi tờ thì tiền lãi được 1.100 đồng. Thu nhập nhìn chung cũng khá so với mặt bằng ở Huế song để bán được chừng đó vé số không phải đơn giản. Lấy vé từ 16h (vé sẽ xổ vào ngày mai), ban đêm đi bán khoảng đến 21h, sáng mai thức dậy bán khoảng tầm từ 8h đến 14h. Công việc là như vậy, đôi lúc cảm thấy mệt quá, muốn dừng chân lại song bản thân không cho phép do còn 2 đứa con đang trong độ tuổi ăn học.
          Tâm sự đôi chuyện, anh lại tiếp tục công việc của mình trên con đường quen thuộc. Anh bước đi, trong lòng tôi chỉ mong sao anh có sức khỏe thật tốt để còn gắn bó với công việc này, kiếm tiền để đưa được 2 đứa con đi trên con đường học hành đến những nơi xa nhất.

Nguyễn Duy Tùng.
Cử nhân Môi Trường. 

Wednesday 17 February 2016

LỄ HỘI VẬT LÀNG SÌNH


Dù ai đi ngược về xuôi
Đến ngày sới vật nhớ quay về Sình
Đây là hai câu thơ mà người ta vẫn thường nhắc đến khi nói về lễ hội vật ở Làng Sình được tổ chức vào ngày 10 tháng giêng (Âm lịch) hàng năm. Làng Sình là một ngôi làng nhỏ nằm bên cạnh dòng Sông Hương thơ mộng thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhưng hàng năm cứ đến ngày này thì Làng Sình lại tưng bừng chào đón hàng trăm các đô vật, người dân và khách du lịch từ khắp nơi về tham dự lễ hội vật truyền thống của làng.  Điểm đặc biệt của lễ hội này là sới vật được dựng ngay tại giữa sân đình làng, người muốn thắng cuộc phải vật cho lưng của đối thủ chạm đất. Phú Mậu là một xã có nhiều ngành nghề truyền thống nên về với Làng Sình ngày này, người dân và các du khách không chỉ được xem vật và còn được chiêm ngưỡng những sản phẩm truyền thống do người dân địa phương tự làm ra. Do có nhiều nét độc đáo hơn so với các địa phương khác và hội vật Làng Sình là một hoạt động sinh hoạt văn hóa rất lành mạnh nên rất thu hút người dân và du khách khắp nơi tham gia.
          Hôm nay, đúng ngày 10 tháng giêng (Âm lịch) lễ hội vật Làng Sình lại chính thức khai hội, đây là một hoạt động văn hóa không chỉ có ý nghĩa với người dân Làng Sình nói riêng và còn của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Hy vọng lễ hội năm nay sẽ diễn ra một cách thuận lợi và để lại ấn tượng tốt đẹp cho các đô vật, người dân và các du khách khắp nơi khi về tham dự lễ hội.


Nguyễn Xuân Quý
Cử nhân Kinh tế

Monday 15 February 2016

TẾT THÔNG MINH



        Nhìn vào cách người dân ứng phó với Tết BÍNH THÂN 2016, cảm nhận của tôi về Tết này: mang dáng dấp của ngài "Ngộ Không" - rất thông minh.
          Điều đầu tiên có thể nhận thấy là người ta không ép nhau uống nhiều  như trước đây nữa. Gia chủ phần nhiều để khách chọn thức uống, và Trà là thứ được nhiều người chọn nhất.
          Thứ đến là thức nhắm, phần người dân tự làm hoặc đặt làm tại những nơi tin cậy. Như vậy an toàn thực phẩm được đặt lên trên hết trong mấy ngày tết.
          Tết năm nay có thể nhận ra nhà nhà trang trí  khá đơn giản, có thể cho đây là tết người dân trang hoàng nhà cửa đơn giản nhất trong những năm gần đây. Hoa Tết ế ẩm dù đã đại hạ  giá. Người bán hoa đành vứt hoa và đập vỡ chậu trong đêm 30. Thiệt hại cho người trồng hoa quá lớn. Chắc họ phải tính lại "bài toán trồng hoa tết" trong thời gian tới.
Năm nay, thay vì tốn tiền mua hoa và trang trí nhà cửa, người dân có thể dạo chơi hội hoa xuân tại trung tâm thành phố và thưởng ngoạn ánh sáng lung linh đèn màu tràn khắp phố phường.        
          Người  đi lễ chùa và thăm mộ nhiều hơn những năm qua. Việc đón giao thừa ngoài phố của giới trẻ và nghe giảng kinh, xin lộc đầu năm ở chùa chiền đã trở nên phổ biến.
          Thật là một "Tết thông minh" của người Việt ta, ngoại trừ việc uống rượu bia quá chén rồi đánh nhau nhập viện mấy ngày tết thì chưa thuyên giảm được bao nhiêu, hay là người ta hiểu sai nghĩa của từ "cổ truyền"?.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Thursday 11 February 2016

BẠN CŨ-NGƯỜI NAM (bs)



          "Bắc-Trung-Nam" một nhà, tôi đã viết về những người bạn "giọng Bắc" và bạn "miền Trung", nay muốn viết thêm những người bạn miền Nam để cho đủ một gia đình Việt sum họp.
          Tôi quen các bạn miền Nam chậm hơn các bạn xứ khác, cũng vì hiếm có bạn ở phía Nam nào ra Huế học. Phải tới khi tôi ra Ha Nội học dài hạn và vào SGN vì chuyện làm ăn thì mới gặp được những người bạn Nam và sau đó thành bạn thân.
          Tại Trung Tâm SGN, sau những ngày làm việc liên tục, tôi thường thuê xe ôm đi loanh quanh trung tâm SGN. Ở gần nhà khách có anh hành nghề xe ôm đã lâu, thông thạo mọi ngõ ngách SGN, chở tôi đi và cùng nhau nói chuyện rất hạp. Mấy năm sau quay lại, tình cờ bắt một xe trên phố, nhận biết anh đã từng chở tôi trước đây, và còn nhớ rõ các chuyện trao đổi với nhau... Và sau đó trở thành bạn.
          Một dịp khác vào SGN, tôi dậy rất sớm, đi bộ từ phố Nguyễn Đình Chiểu qua hồ con Rùa rồi đi về phía nhà thờ Đức Bà. Trên đường về nhà khách tôi tranh thủ mua mấy tờ báo ở sạp bán báo vên đường và ghé mua mì ổ ăn sáng tại xe mì đẩy năm ở góc phố. Tờ tiền tôi đưa hơi lớn mà anh bán mì không có tiền "lại" vì mới vừa mở hàng buổi sáng; nhưng thật ngạc nhiên anh nói tỉnh bơ "Khi khác tới trả cũng được anh Hai". "Khi khác" này tương đương với  độ dài một năm. Vừa tròng một năm sau khi tôi tìm tới góc phố cũ nơi có xe mì lưu động trả tiền mua mì chịu năm trước và mua thêm thì anh bán mì nói "Thôi anh hai ơi, tặng luôn mấy ổ cầm ăn chơi nè, còn nhớ tụi này mà lui lại gặp là okay rồi!". Và sau đó anh cũng trở thành bạn của tôi. Những người bạn như thế này rất nhiều, người làm nghề ở khách sạn, người quản lý xích lô, người điều hành du lịch, người bảo vệ...Tất cả đều mến nhau vì sự chân tình, xởi lởi, lòng tin, coi trọng sự tự nhiên chân thành trong đời thường tất bật...
          Khi tham gia khóa học dài hạn ở một học viện tại Hà Nội, theo qui định của nhà trường thì  các địa phương từ Thừa Thiên- Huế trở vào được gọi là " khu vực miền Nam" từ Quảng Trị trở ra gọi là " khu vực miền Bắc". Các học viên người Huế và Nha Trang đương nhiên được coi là " khu vực miền Nam" nên được xếp cùng một nhóm. Bạn cùng lớp với tôi phải đưa con nhỏ từ Nha Trang ra theo, nhưng bạn này đã vượt qua khó khăn để đạt kết quả học tập rất tốt sau đó trở về quê hương cống hiến hết sức hiệu quả cho thành phố Nha Trang cho tới hôm nay. Những bạn cùng lớp khi vào Nha Trang đều tìm gặp và được bạn tiếp đón  rất chân tình. Cháu bé ngày xưa theo mẹ "vào học viện" nay đã trưởng thành, sắp tốt nghiệp đại học.
          Cũng cần kể thêm những bạn học của tôi tại Huế nay định cư làm ăn ở SGN. Các bạn cùng vợ và con đã đăng ký trở thành công dân của thành phố năng động nhất VN này.
          Còn nhiều người bạn miền Nam khác, tôi đã được gặp trong những hoàn cảnh rất khác nhau. Có người đã tình cờ trở thành chứng nhân của một phần lịch sử mà sau này mới được biết. Xin hẹn ở bài viết khác...
          Chúc các bạn sức khỏe cùng gia đình đón một mùa xuân mới an lành, một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Phan Văn Hải

Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Tuesday 9 February 2016

ẤN TƯỢNG NHẬT BẢN



          Theo lời mời của tổ chức NGO hỗ trợ hoạt động của AFHC, tôi đã có chuyến khảo sát Nhật Bản liên quan tới chủ để Dinh dưỡng, Thực phẩm và Ăn chay từ 31/1 đến 6/2/2016.

          Bài học ghi nhận được từ chuyến đi này rất phong phú, xin được ghi lại một kỷ niệm khó phai khi thăm trường tiểu học Shiroyama thuộc thành phố Asahiowari gần thành phố Nagoya miền Trung Nhật Bản.

         Tôi được bố trí thăm và ăn trưa cùng lớp 5-1 của trường. Các em ở lứa tuổi 11-12. Ấn tượng đầu tiên là các em rất hoạt bát và hiếu động. Biết tôi từ VN tới các em chào tiếng Việt "Xin chào, bạn tên gì?".
Một số em chào tiếng Anh. Còn khi ăn cơm thì thời gian ngắn nên các em nói tiếng Nhật.

         Suất ăn trưa khoảng 60.000 đ Việt Nam, được thành phố chi trả và đặt một trung tâm làm thức ăn trưa cho học sinh thành phố mỗi ngày làm 8,00 suất ăn sản xuất và đưa đến tận từng trường.
Thức ăn tới trường vẫn còn nóng, được đưa tới tận cửa từng lớp học. Trong lớp theo phân công các em cử ra 6 năm - theo tuần tự hàng ngày-mang tạp dề chia cơm và thức ăn tới tận từng bàn cho các bạn. Suất ăn gồm: 1 chai sữa tươi 300ml, 1 khúc cá,  1 bát rau xanh xào, 1 bát cơm và súp. Cơm và xúp thì các em có thể được lấy thêm.

        Từng em mang theo khăn trải bàn, tự xếp lại bàn học để ngồi ăn cơm theo nhóm 4 em. Bắt đầu  và kết thúc các em  đều theo khẩu lệnh như quân đội. Quá trình ăn có thông báo gì của trường thì được phát trên hệ thống âm thanh chung  tới tận từng lớp. Ăn xong thì các ăn phải tư thu xếp gọn gàng, phân loại rác, đặt lại chai, chén, đũa để trả lại cho trung tâm làm thức ăn trưa, xếp bàn ghế và  sau đó toàn lớp phân công nhau làm vệ sinh từ chân bàn cho tới tận chân cầu thang. Cháu nào cũng phải làm tinh tần rất vui tươi, mạnh dạn, tuân thủ kỷ luật. Thời gian ăn trưa khoảng 20 phút, 10 phút làm vệ sinh.

        Chúng tôi chia tay các cháu học sinh trường Shiroyama trong một rừng tay vẫy chào. Ấn tượng này làm sao quên được!


        Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Friday 5 February 2016

QUÀ TẾT VỀ VỚI NGƯỜI NGHÈO


Dịp Tết đến xuân về được xem là thời khắc vui vẽ và đầy ý nghĩa nhất đối với mỗi người dân chúng ta. Vào thời gian này thì người người, nhà nhà thõa sức vui chơi, mua sắm, tiệc tùng cùng bạn bè và người thân trong gia đình sau những tháng ngày bận rộn vì công việc. Nhưng với người nghèo thì không được may mắn như vậy. Dịp Tết cũng giống như những ngày trong năm, họ phải lo bươn chải từng ngày để kiếm miếng cơm manh áo. Việc vui chơi, mua sắm trong những ngày Tết là điều quá xa xỉ đối với họ. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Để động viên, chia sẽ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống nên những ngày giáp Tết năm nay, Trung tâm Khuyến khích Tự lập chúng tôi đã đi tặng quà cho một số gia đình tại xã Quảng Thọ. Trong đợt này thì chúng tôi đã trao tặng 12 suất quà cho 12 gia đình. Những gia đình được nhận quà trong đợt này đều là những gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, những cụ già không có người thân chăm sóc, những gia đình có con bị bệnh tật… Hy vọng với những món quà mà chúng tôi trao tặng ngày hôm nay thì nó sẽ tạo thêm nhiều niềm vui cho người nghèo vào dịp cuối năm cũng như giúp cho họ có thêm động lực để thoát nghèo trong năm mới.

Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý


Thursday 4 February 2016

NGƯỜI NGHÈO XÃ HƯƠNG BÌNH ĐÓN TẾT




            Tết Tết Tết .. Tết đến rồi, đi đâu ta cũng bắt gặp bài hát này ở mọi phố phường TP Huế. Đối với những người dân vùng cao, cái Tết có vẻ chậm hơn. Vì sao, có thể ai cũng biết, họ còn nhiều việc phải làm, nào là cơm áo gạo tiền, lo cho con tiền đóng học phí học kỳ 2, lo cho cây màu, gia súc, gia cầm đang bị đợt rét hại ảnh hưởng nặng, lo cho công việc bấp bênh của mình. Niềm vui duy nhất đối với họ là cái Tết đang đến gần và trong lòng càng ấm hơn, có động lực hơn để vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống đầy ắp lo toan.
           
            Cái Tết thực sự là đầy đủ, con cái có áo quần mới, giày mới, gia đình đã xong xuôi công việc dọn dẹp gọn gàng, sạch đẹp,... Nhìn thật đơn giản nhưng đó luôn là quá khó đối với mọi người dân nghèo vùng cao.

Trương Hữu Quốc Huy

Cử nhân Tin Học

Wednesday 3 February 2016

Đi chợ sớm

(st)
Buổi sáng đi tập thể dục tiện đường ghé vào chợ buổi sáng. Một công hai việc, vừa tiện vừa vui vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình.
Chợ buổi sáng đông và vui, đông đúc vì người bán và người mua cũng nhiều. Người mua sỉ cũng có và người mua lẻ cũng có. Người bán cũng vậy.
Được đi chợ buổi sáng mới thấy cái thú của nó. Đến đây có thể tận mắt nhìn thấy và phân biệt đâu là hàng từ các nơi khác chuyển về và ở đâu là thổ sản địa phương.  Trái cây, rau, củ từ các nơi khác về thường được đóng gói, đổ đầy cả bãi tập kết, cá tôm, mực thì đang ướp cả khối đá. Nhìn cứ cảm giác sợ sợ, sợ đâu đó lẫn hàng Trung Quốc hay hàng hóa nhúng thuốc bảo quản như truyền hình bấy lâu nay thường nói. Cá, tôm, mực từ xe chuyển xuống sau khi thuận mua vừa bán thường được người mua ngâm trong nước rã đông và xếp vào rổ đem bán. Loại này sau khi được ngâm nước vẫn mang vẻ sáng láng như kiểu mới được vớt từ sông lên, không thua gì đồ tươi, phải người sành sỏi mới phân biệt được.
Ngày xưa các cụ thường bảo " Nhà vườn ăn cau sâu" bởi vì cái nghèo, người ta chọn những cây trái ngon bán hết chỉ để lại những quả xấu cho con cái trong nhà. Ngày nay, khái niệm "nhà vườn ăn cau sâu" lại được hưởng ứng của cả nhà giàu. Người ta tìm mua những bó rau có sâu, các loại quả có vỏ ngoài xấu xí để đảm bảo không phải đồ Trung Quốc, loại nhúng thuốc ngon mắt, hại thân. Bởi vậy, ở buổi chợ sớm có rất nhiều người mang dáng vẻ nông dân, chất phác bưng rổ rau hoặc một buồng chuối bán ở rìa chợ hay bưng bê bên nách một ít rau trái đi dạo quanh chợ. Những người này luôn được các bà đi chợ tìm kiếm và mua hàng. Mà đúng thật, rau trái loại này về nhà mới thấy được độ thơm ngon mặn mà của nó. Chỉ tiếc rằng loại này thi thoảng mới có, giá lại không rẻ nên chưa đủ sức đánh bật các loại hàng độc hại kia ra khỏi chợ. Vậy là phải đi sớm sớm mới có đồ ngon cho gia đình.
Buổi sáng đi thể dục kết hợp đi chợ mang về thực phẩm tươi ngon vừa giữ gìn sức khỏe vừa tiết kiệm thời gian trong ngày. Tuy nhiên, điều này chỉ mới được đa số phụ nữ luống tuổi hưởng ứng. Có lẽ ở tuổi này họ mới nhận ra được giá trị của việc đi chợ buổi sớm là như thế nào.

Nguyễn Thị Anh Đào
Cử nhân Anh Văn

Monday 1 February 2016

BẠN CŨ-NGƯỜI NAM

(st)
          "Bắc-Trung-Nam" một nhà, tôi đã viết về những người bạn "giọng Bắc" và bạn miền Trung, nay muốn viết thêm những người bạn miền Nam để cho đủ gia đình.
          Tôi quen các bạn miền Nam chậm hơn các bạn xứ khác, cũng vì hiếm có bạn ở phía Nam nào ra Huế học. Phải tới khi tôi ra Hà Nội học dài hạn và vào SGN thì mới gặp được những người bạn Nam và sau đó thành bạn thân.
          Tại Trung Tâm SGN, sau những ngày làm việc liên tục, tôi thường thuê xe ôm đi loanh quanh trung tâm SGN. Ở gần nhà khách có anh làm nghề xe ôm đã lâu, thông thạo ngõ ngách SGN, chở tôi đi và nói chuyện rất hợp. Mấy năm sau quay lại, tình cờ bắt một xe trên phố, nhận biết đã từng chở tôi, và còn nhớ rõ các chuyện trao đổi. Và sau đó trở thành bạn.
          Một dịp khác vào SGN có việc, tôi dậy rất sớm, đi bộ từ phố Nguyễn Đình Chiểu qua hồ con rùa ra nhà thờ Đức Bà. Trên đường về nhà khách thì ghé mua mì ổ ăn sáng. Do tiền tôi đưa quá lớn, anh bán mì không có tiền "thối" nói "khi khác trả cũng được anh Hai". Khi khác tương đương với  độ dài một năm. Khi tôi tới trả tiền thiếu và mua thêm anh bán mì nói "Thôi anh Hai ơi, tặng luôn mấy ổ mì ăn chơi nè, còn nhớ tui tới là được rồi!". Và cũng trở thành bạn của tôi. Những người bạn này rất nhiều, người làm khách sạn, người quản lý xích lô, người điều hành du lịch...Tất cả đều mến nhau vì tin tưởng và tự nhiên trong giao tiếp.
          Khi học dài hạn ở một học viện tại Hà Nội, theo quy định thì từ Thừa Thiên- Huế trở vào được gọi là miền Nam từ Quảng Trị trở ra gọi là miền Bắc. Các bạn người Huế và Nha Trang vì là miền Nam nên được xếp thành nhóm. Bạn tôi mang theo con nhỏ từ Nha Trang ra học, nhưng đã vượt qua khó khăn để đạt kết quả học tập rất tốt và trở về quê hương cống hiến hết sức hiệu quả cho tới nay. Những bạn cùng lớp học viên khi vào Nha Trang đều tìm gặp và được bạn tiếp đón  rất chân tình. Cháu bé ngày xưa theo mẹ "vào học viện" nay đã trưởng thành, sắp tốt nghiệp đại học.
          Còn nhiều bạn miền Nam khác, tôi được gặp trong những hoàn cảnh rất thú vị. Có người đã tình cờ thành chứng nhân của một phần lịch sử mà sau này mới được biết. Xin hẹn ở bài viết khác...

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)