Saturday 5 December 2015

TRIẾT HỌC ĐƯỜNG PHỐ


Triết học chung qui tập trung giải quyết hai vấn đề cơ bản là “vật chất” và “ý thức”. Cái nào quyết định cái nào? Cái nào có trước, cái nào có sau? Từ xuất phát điểm này sẽ cho ra hai nhánh chính của triết học:  Duy Vật và  Duy Tâm. Từ những nhánh chính đó lại phân thành những nhánh phụ gọi là trường phái triết học. Nhánh phụ lại phân thành những cành nhỏ hơn nữa. Vì vậy kho tàng triết học nhân loại ngày càng phong phú và đa dạng, tư duy con người cũng vì vậy mà sinh động và lung linh hơn.

Thời cổ đại, các nhà triết học thường được gọi là các nhà hiền triết. Họ mang lại sự khôn ngoan cho cộng đồng. Thời đó, việc học hỏi tri thức tinh túy thường cho rằng phải học triết học. Các trường đại học sớm nhất hành tinh do vậy thường dạy triết học.
Những người muốn vượt lên cái tầm thường của thiên hạ thời đó phải có vốn hiểu biết về triết học và thường xuyên tranh cãi cọ xát tri thức với những người yêu  triết học khác ở  ngoài đường phố. Đám đông  thị dân xúm lại xem tranh biện giữa các nhà hiền triết  với nhau đã gọi họ là những nhà hùng biện. Tinh thần triết học mà tôi gọi vui là “triết học đường phố” đã nở rộ từ thời Hy Lạp cổ đại.
Có một câu chuyện được tranh luận giữa đám đông, được khởi đầu bởi một triết gia vui tính. Câu chuyện như sau: “Có một chiếc tàu đi qua vùng biển đầy sóng dữ, thuyền trưởng thông báo tàu có thể sắp bị lật, vì vậy hành khách trên tàu phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Các hành khách trên tàu đều tỏ ra lo lắng bồn chồn, một số hành khách nữ không giữ được bình tĩnh đã khóc, một số la toáng lên . Duy chỉ có một hành khách ở trong góc tàu thì rất ung dung điềm tĩnh, thần thái tỏ vẽ hứng thú, nét mặt hân hoan hơn bình thường. Đó là một con lợn ( một con vật cưng được chủ mang theo chuyến du lịch biển và phải trả giá vé như một hành khách bình thường).
Nhà triết học vui tính hỏi thách người tranh biện với mình “ Thưa triết gia đáng kính, trong trường hợp này, ngài có thể kết luận rằng con lợn được đề cập đã dũng cảm hơn những người trên tàu hay không?”.
Triết học đường phố ban đầu sơ khai gần với các cuộc tranh biện như vậy, nhưng càng tranh biện, lập luận của con người ngày càng sắc bén, việc tìm tòi tri thức mới ngày càng cấp bách, trí khôn con người ngày càng tăng lên.

Vậy, đừng coi thường triết học đường phố. Đừng coi thường những cách đặt vấn đề ngây ngô (như người ta tưởng).

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế) 

No comments:

Post a Comment