Thursday 31 December 2015

Hạnh phúc…


Tìm kiếm mưu cầu hạnh phúc là ước muốn của tất cả chúng ta. Đối với người này mong muốn có nhiều tiền là hạnh phúc, người kia thì có nhiều sức khỏe để làm những điều mình muốn là hạnh phúc, cũng có người mong ước rằng sự hòa thuận êm ấm trong gia đình là hạnh phúc. Mỗi người có một mong ước riêng để làm cho họ thấy vui vẻ hạnh phúc và cũng là động lực để phấn đấu vươn lên.
Cuộc sống vốn không dễ dàng gì khi chúng ta hằng ngày phải đối mặt với đủ thứ áp lực, căng thẳng trong công việc, các mối quan hệ, cách đối nhân xử thế với nhau…Cuộc sống là như thế, bạn không thể làm hài lòng tất cả, ai cũng có nguyên tắc và tự tôn riêng. Con người chúng ta có ánh mắt giống nhau nhưng góc nhìn khác nhau. Miệng giống nhau nhưng mỗi người mỗi cách nói. Mỗi cá nhân có mỗi cách sống, cần tự tin bước đi trên đôi chân của mình. Hạnh phúc lúc này là giải tỏa được căng thẳng mệt mỏi, bỏ qua các chuyện không vui, luôn là chính mình, để tâm hồn mình thảnh thơi lấy lại tinh thần để tiếp tục đồng hành với các thử thách trong cuộc sống, chính những thử thách này làm cho mình bản lĩnh hơn và có được các kinh nghiệm sống quý báu.

Nguyễn Thị Khánh Linh
Cử Nhân Kinh Tế

Wednesday 30 December 2015

HÃY CHO ĐI THÌ SẼ ĐƯỢC ĐÁP LẠI


Là một thông điệp yêu thương mà người ta thường nhắc đến trong tình yêu lứa đôi. Và ngay cả trong cuộc sống vật chất và nhiều thứ khác cũng cần như thế. Chúng ta hãy sống nhẹ nhàng, thoải mái, quan tâm đến người khác một cách chân thành. Cho dù chúng ta chưa nhận được món quà nào đáp lại từ người khác thì chính sự chân thành, hi sinh của mình cũng là món quà đầy ý nghĩa nhất cho bản thân mình rồi đó.
Trong xã hội “Nhân bất thập toàn”, mỗi người không thể thoát ra khỏi vòng vây của cái tôi to lớn, sự ích kỷ gay gắt… Chính vì thế, hãy nhìn thấy nhau những điểm tốt nhất, những dấu ấn tích cực nhất bằng trái tim chân tình trong vô vàn cảm nhận về xấu, tốt đang lẫn lộn và giữa dòng đời đầy ắp những vội vã, xô bồ.
Những gì ra đi từ trái tim thì sẽ trở về với trái tim. Đúng như vậy, bạn cho đi thứ gì thì bạn sẽ nhận những gì tốt đẹp đáp lại. Xin dẫn lời một câu chuyện:
Câu chuyện kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
Người ta kể chuyện là có thời ông Gandhi đi một chuyến xe lửa. Khi xe bắt đầu chuyển bánh thời ông nhảy vội vã lên tàu khiến cho một chiếc giày của ông rơi xuống đường. Ông không thể nào nhảy xuống để nhặt lại chiếc giày trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Ông bèn tháo luôn chiếc giày còn lại trong chân và ném về phía chiếc giày kia ở dưới đường. Hành khách trên tàu tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy thế và lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông.
Gandhi mỉm cười và ôn tồn giải thích rằng: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc giày thứ nhất thì người đó có thể tìm thấy chiếc thứ hai và như thế là có được đủ đôi giày để đi.”
Trong cuộc sống chúng ta ít khi nghĩ đến các người khác mà thông thường chỉ nghĩ về chính bản thân mình. Khi bị mất mát thì điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là những thiệt thòi và bất hạnh của mình và rồi nuối tiếc, than thở, sinh ra chán nản.
Trong xã hội, xung quanh chúng ta hàng ngày có biết bao nhiêu người thiếu thốn đang cần sự giúp đỡ. Chiến tranh đã qua đi nhưng nhiều nơi trên Thế giới vẫn diễn ra nội chiến, nhân dân lầm than, đói, rét, sống trong cảnh bom đạn hằng ngày, thiếu ăn, thiếu nước, thiếu áo mặc, lưu lạc khắp nơi,…Hơn bao giờ hết, mỗi một người hãy làm nhiều hơn nói, hãy yêu thương đồng loại, hãy dành cho nhau những nụ cười, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Cuộc sống này thật ý nghĩa biết bao nếu mỗi người biết cách vận dụng trái tim và tình thương để mang những điều tốt đẹp nhất đến với nhau, yêu thương và giúp đỡ nhau những điều thiết thực nhất.

Hồ Sơn

Cử Nhân Kinh Tế - Trường ĐH Kinh Tế Huế

Monday 28 December 2015

NGHỀ NÔNG- LẮM NỖI NHỌC NHẰN


Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuần nông, quanh năm vất vả với ruộng đồng nên tôi thấu hiểu hết những nỗi vất vả nhọc nhằn của những người làm nông.
Người nông dân ai ai cũng phải dãi nắng dầm mưa trên ruộng đồng, đất rẫy. Ngày đêm vất vả chỉ mong có một mùa bội thu để lo cho gia đình và con cái ăn học đàng hoàng. Thế nhưng, không phải lúc nào trồng cây cũng cho quả ngọt.
Công việc thường nhật của người nông dân là sáng vác cuốc ra đồng đến tối mịt mùng mới về nhà. Ngày nắng cũng như ngày mưa. Để nói đến những vất vả nhọc nhằn của nghề nông, chúng ta thường có những câu nói như một nắng hai sương hay bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để diễn tả những nỗi nhọc nhằn mà người nông dân phải nếm trải. Ngày ngày cuốc đất trồng cây, hết vụ  lúa, lại đến trồng khoai, sắn... rồi lại bón phân, làm cỏ... Vì vậy, đôi tay của những người làm nông thường chai sạn. Bao nhọc nhằn đều in hằn trên đôi tay và cả đôi vai .
Dù vất vả là thế nhưng sản phẩm làm ra từ nông nghiệp lại mất giá. Những năm vừa qua, hầu như nông dân ở tất cả các vùng, miền đều luôn phải vật lộn trong cái vòng luẩn quẩn: được mùa - mất giá và được giá - mất mùa. Làm đủ ăn để rồi tiến tới giàu có trên chính mảnh đất của mình là mong mỏi của biết bao người nông dân. Thế nhưng, ông trời vẫn thường hay thử thách lòng người. Có những năm, lúa gần vào vụ thu hoạc thì trời đỗ mưa bão khiến cho người dân mất trắng.
Khó khăn là thế, vất vả là thế nhưng người dân ở các vùng quê vẫn luôn bám trụ, vẫn tin vào một tương lai tươi sáng ở phía trước.

Phan Thị Mến

Cử nhân Kinh Tế

Saturday 26 December 2015

Xã Hồng Vân: Đang “Khát” Điện Và Nước Sạch



Xã Hồng Vân là một xã thuộc huyện Miền núi A Lướinằm về hướng Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp giáp với địa phận Lào và có cửa khẩu cùng tên. Là một vị trí địa lý rất quan trọng về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa. Người dân ở đây hầu hết là người dân tộc thiểu số, mật độ khá thưa thớt khoảng 50người/km2. các ngành nghề chủ yếu là ngành nghề truyền thống, sản xuất nông – lâm nghiệp một cách tự phát, chưa thể hiện các bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế rõ ràng. Do đó, đời sống kinh tế của bà con gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt nhất là nhu cầu tối thiểu về điện và nước sạch chưa được đáp ứng ở một số thôn. 
Mặc dù đã được huyện A Lưới quan tâm, đầu tư hàng trăm triệu đồng để dưa nước sách đến với bà con nhưng đến nay vẫn còn hơn 400 hộ dân sống thiếu nước sạch sinh hoạt. Đồng thời trên 160 hộ dân ở thôn Ka Cú 2 của xã này chưa có điện thắp sáng. Ông Lê Văn Cắt, Ch tịch UB MTTQVN xã Hồng Vân cho biếtNgoài thôn A Năm, hơn 160 hộ dân ở thôn Ka Cú 2; 40 hộ dân ở thôn Ta Lo và 32 hộ dân ở thôn A Hố (xã Hồng Vân) cũng chung tình trạng thiếu nước sạch trong 14 năm qua. Thiếu điện và nước ngoài việc cho sinh hoạt, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất chăn nuôi, làm giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội của bà con.
Cho đến nay, bà con nhân dân xã Hồng Vân “Đang Khát Điện Và NướcSạch, rất cần được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tổ chức dự án, các nhà hảo tâm. Để giúp cho các hộ dân có nước sạch sinh hoạt và điện thắp sáng thay cho đèn dầu leo lét hiện nay mà các h này đã chịu sống kh cực trong suốtmột thời gian rất dài.
H Sơn
C Nhân Kinh Tế - Trường ĐHKT Huế

Friday 25 December 2015

ĐỀN TỘI


Trong những ngày hồi hộp trông ngóng cuối cùng vụ thảm sát sáu người trong gia đình đại gia ngành gỗ của ông Lê Văn Mỹ ở Bình Phước cũng đã đi đến hồi kết. Vừa qua các báo dantri, vnexpress đều đồng đồng loạt đưa tin trực tiếp phiên xử cuối cùng và chính thức khép lại với hai án tử hình được tuyên dành cho hai bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến, riêng bị cáo Trần Đình Thoại chịu mức án 16 năm tù. Qua tất cả những gì mà những đối tượng này gây ra không bao giờ gột rửa hết những tội lỗi và xoa dịu những mất mát và đau thương cho những người đã mất và người thân gia đình nạn nhân, đặc biệt vô tình chúng đã đẩy cho cô bé Na chỉ mới 18 tháng tuổi phải sống trong nỗi ám ảnh không gia đình thì không một lời nào có thể diễn tả hết được. Gieo nhân nào thì gặp quả nấy, kẻ ác ắt hẳn sẽ đền tội cho những gì mà chúng gây ra. Tại phiên tòa xét xử, đặc biệt không có sự tham dự của người thân bị cáo bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án mà không khỏi xót xa đau lòng cho những người làm cha làm mẹ khi đến phút cuối cùng họ không thể nhìn mặt những đứa con mà họ dứt ruột sinh ra. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, nhăn nheo, đôi mắt sâu hoắm bao ngày trằn trọc không ăn không ngủ vì con của những bậc sinh thành không biết chúng có thấu hiểu và ăn năn.
“ Giết người phải đền tội”, tội ác của chúng trời không dung, đất không tha” Nhưng những vụ án đau lòng do những kẻ không còn nhân tính gây ra vẫn gieo vào lòng chúng ta những trăn trở, âu lo. Làm thế nào để không còn những vụ thảm án mà kẻ gây ra lại là những con người trông tưởng bình thường nhưng ẩn bên trong là những dã tâm độc ác. Trả lời cho những thắc mắc này. Tôi xin thưa đó là hậu quả của lối sống chạy theo đồng tiền. Lối sống vô cảm của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên hiện này.Tình trạng này chỉ dùng pháp luật chế áp thì không bao giờ giải quyết được. Đây là vấn đề xã hội nó nảy sinh từ sự thiếu quan tâm, thiếu tình thương yêu trong đời sống gia đình, nhà trường, và xã hội…. Nó là hậu quả của giá trị sống bị lệch chuẩn giá trị của con người được đánh giá bằng danh vọng, địa vị và tiền tài tài có được bất kể nó là bẩn hay sạch. Bên cạnh đó, một tác nhân không kém góp phần quan trọng cho những hành vi tiêu cực này cũng phải kể đến những tác động từ phim ảnh, internet có nội dung bạo lực tràn lan khiến thay đổi nhận thức và tư duy dẫn đến sự xuống cấp đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay. Ngoài ra, sự chênh lệch người giàu kẻ nghèo cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lệch chuẩn đạo đức sống. Người giàu bất ngờ giàu lên từ những đồng tiền bất chính như tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu. Người nghèo thì suốt đời cùng cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Điều đó dẫn đến tâm lý thấy người khác có cuộc sống sung túc, giàu sang là đâm long ghen ghét bất luận họ sung túc giàu sang từ nguồn thu nhập nào, mà điển hình là vụ án của Nguyễn Hải Dương là kết quả của sự tha hóa đạo đức, sự lười lao động chỉ muốn làm giàu một cách nhanh nhất mà nhẫn tâm tàn độc giết đi sáu mạng người trong một gia đình gây chấn động dư luận trong một thời gian dài. Vụ án là một hồi chuông cảnh tỉnh cho một bộ phận giới trẻ lệch chuẩn đạo đức có tầm nhìn hạn hẹp về kiến thức, coi thường pháp luật ắt hẳn sẽ bị trừng phạt đích đáng.

Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Wednesday 23 December 2015

NỀN GIÁO DỤC CỦA NƯỚC TIÊN TIẾN.


          Không thuận lợi như các nước khác, không có rừng vàng biển bạc như Việt Nam. Nước là một nước nghèo về điều kiện tự nhiên, thường xảy ra động đất và những yếu tố thời tiết không thuận lợi. Nhưng, Nhật Bản đã trở thành một trong những cường quốc của thế giới. Một trong những lý do để trở thành cường quốc là chính phủ Nhật quan tâm hết mức đối với thế hệ tương lai ngay từ trên ghế nhà trường.
          Xem đoạn phim ngắn được đăng trên youtube với nội dung: ”School lunch in Japan - It’s not just about eating” với đoạn phim này tôi nhận thấy thời gian ăn trưa cũng được xem là một tiết học.
          Một câu chuyện được bắt đầu từ một học sinh lớp 5. Cô bé bước chân ra khỏi nhà với những dụng cụ cần thiết cho một buổi ăn trưa ngoài những sách vở dùng cho buổi học chính khóa. Qua đoạn phim thì có thể thấy một số học sinh chuẩn bị ghế bàn ăn, một số khác đi đến nhà bếp lấy phần ăn cho cả lớp. Thực ra, những hình ảnh đấy chẳng có gì là là đối với những người lơn nhưng lạ ở chỗ đây là những học sinh lớp 4-5 mà cả ngya cả những học sinh lớp 1-2 vẫn phải đi làm những việc như các học sinh lớp trên. Điều này khác hẳn ở Việt Nam, ở cac trường này các trẻ vẫn thụ động trong việc ăn trư tại lơp và có người đưa cơm tới cho cả lớp. Đến nhà ăn các em phải thay đồng phục để vào phòng ăn và trươc khi nhận phần cơm cho cả lớp thì các em vẫn không quên nói một cách rất tự nhiên “ Cảm ơn đã nấu bữa ăn nghon cho chúng em” . Khi vào ăn tất cả các em dều gọn gàng từ tóc cho tới trang phục. Ngoài ra, trường cũng có trông một số cây thực phẩm để làn nguồn cung thức ăn cho các em. Điều đáng nói là những hộp sữa sau khi được sử dụng các em xé ra và rửa sạch để sau đó được đưa đến khu vực tái chế. Ăn xong các học sinh đều tự giác đứng dậy dọn bàn và một lần nữa nói cảm ơn. Một cách giáo dục rât hay về ý thức và trách nhiệm, tât cả phải lao động và phải cảm ơn những gì người khác đã làm cho mình.
          Một người tôi biết đã từng kể: Nền giáo dục người Nhật không mang tính hàn lâm mà rất gần gũi.  Các học sinh lớp 1-2 đã phải tự mình đi xe buýt đến trường học, đi siêu thị, đi dã ngoại…qua đó nhận thấy người Nhật đã đào tạo cho con em họ tính độc lập ngay từ nhỏ.
Nền giáo dục của Nhật rất bình đẳng, Không giống tại Việt Nam, đa số học sinh đảm nhiệm chức lớp trưởng trong năm học vừa qua thì năm tiếp theo sẽ có khả năng đảm tiếp tục đảm nhiệm chức này. Đồng ý rằng với các như vậy em đó sẽ mạnh dạn hơn, có tố chất lãnh đạo, nhưng điều này sẽ lấy đi cơ hôi của những em khác. Chắc gì, những em khác không có tố chất lãnh đạo!? Qua một số thông tin trên truyền thông được biết, ở Nhật mỗi học sinh đều được làm lớp trưởng 1 ngày và ai cũng phải có cơ hội làm lớp trưởng. Ngoài ra, các em chia nhau làm lao động từ rửa bát, chùi toilet và tất cả đều quay vòng như vậy nên tất cả các em ai cũng biết việc. Đây chính là sự bình đẳng trong giáo dục ở Nhật và giúp học sinh hình thành khả năng giao tiếp, diễn đạt ý, giải quyết mọi vấn đề dù rất nhỏ.
          Qua đó có thể thấy nền giáo dục nước nhà nên thay đổi từ những việc nhỏ như vậy. Đừng nên quá rùm ben tính chuyện viễn vông như thay đổi cách thi tốt nghiệp hay thay đổi sách giáo khoa. Hãy bắt đầu từ cách giáo dục ý thức tự lập, kỹ năng giao tiếp, giải quyết mọi vẫn đề cho trẻ nhỏ.

Nguyễn Đức Nhân
Cử nhân Luật

Monday 21 December 2015

GƯƠNG SÁNG MỘT GIA ĐÌNH NGHÈO

Về thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh TT- Huế. Hỏi gia đình ông Nguyễn Tân thì tất cả mọi người ở đây ít ai không biết. Gia đình ông Tân được xem là gương sáng ở xã Quảng Thọ trong việc nuôi con ăn học nên người. Ông Tân thuộc diện hộ nghèo của xã, gia đình có tất cả 4 người con (3 gái 1 trai) thì có đến 3 đứa con học Đại học và một đứa đang học lớp 9 nhưng cháu học cũng rất giỏi.

Đầu năm 2010, trong một lần đi khảo sát thì được người dân nơi đây giới thiệu trong địa bàn có một gia đình nghèo nhưng có con học rất giỏi nên chúng tôi đã đến thăm. Vừa bước vào nhà thì chúng tôi không thể tin vào mắt mình. Một ngôi nhà lụp sụp, các bức vách được làm bằng những tấm phên tre tạm bợ, ngôi nhà rộng chưa đến 30m2  mà hằng ngày phải che chở cho 6 thành viên trong gia đình. Nhìn bao quát trong nhà thì chúng tôi chẳng thấy thứ gì đáng giá ngoài một bộ bàn ghế, những bao thóc vừa mới thu hoạch, những đồ dùng nấu ăn hàng ngày. Có lẽ, thứ quý giá nhất trong ngôi nhà lúc đó là những tấm bằng khen của các con được ông bao bọc cẩn thận và treo trên tường nhà. Ngồi trò chuyện cùng ông thì chúng tôi được ông cho biết là đứa con gái đầu đang học Đại học Kinh tế Đà Nẵng, đứa thứ nhì đang học lớp 12, đứa thứ 3 thì đang học lớp 9 còn đừa út thì học lớp 5. Bản thân ông trước đây làm nghề thợ hồ và làm ruộng nhưng từ ngày bị bệnh gai cột sống thì ông không thể làm gì được ngoài việc tận dụng dòng sông trước nhà để nuôi cá lồng. Vậy là mọi gánh nặng chi tiêu trong gia đình cũng như học phí cho các con đều đổ dồn lên đôi vai người vợ. Vợ của ông Tân hàng ngày làm ruộng, chăn nuôi lợn, những lúc nhàn rỗi bà phải đi giúp việc để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình. Cuộc sống vất vả là vậy nhưng đôi vợ chồng nghèo này vẫn quyết tâm cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Với suy nghĩ, muốn thoát cảnh nghèo đói thì phải cho con ăn học thành tài. Vậy là vợ chồng ông Tân động viên nhau chịu đựng gian khó để lo cho các con ăn học. Những lúc không có tiền đóng học phí thì ông lại chạy sang nhà người thân, hàng xóm mượn tiền để về đóng học phí cho các con. Nhìn căn nhà ông đang ở, nghe câu chuyện nuôi con ăn học của ông Tân mà những người trong đoàn chúng tôi có mặt hôm đó đều hết sức cảm động. Mọi người ai ai cũng tỏ ra cảm phục trước nghị lực nuôi con ăn học của gia đình. Chúng tôi quyết định ngay lúc đó là sẽ hỗ trợ học phí cho cô con gái đầu đang học Đại học của ông Tân cho đến ngày ra trường. Ngoài việc hỗ trợ học phí cho cháu thì để ghi nhận tấm gương vượt khó, nuôi dạy con ăn học thành tài nên đầu năm 2015 vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí để xây dựng cho gia đình 1 ngôi nhà mới. Hiện tại căn nhà cũng đã được xây xong và đã bàn giao cho gia đình.
Cử nhân Vật Lý
Nguyễn Ích Hoàng

Friday 18 December 2015

CÂU CHUYỆN VỀ LŨ CHIM TRỜI


Trời chuyển qua mùa đông, các đàn chim đều bay về phương nam tránh rét. Mỗi đàn đều có con dẫn đầu, mọi phương hướng, kỹ năng, những chỗ nguy hiểm đều do con dẫn đầu hướng dẫn. Vì là con đầu đàn nên kỹ năng cũng như sự hiều biết đều có đủ. Tuy vậy, trong đàn cũng có những con chim mới lớn không tuân thủ hướng dẫn của con đầu đàn. Lũ chim non mới lớn nên cứ cho rằng mình có thể làm được mọi việc như con đầu đàn thậm chí còn hay hơn. Lũ chim non luôn đi kêu ca, bêu xấu con đầu đàn với lũ chim khác. Một hôm, cả đàn bay qua cánh đồng nhưng để an toàn cho cả đàn con đầu đàn lại rẽ sang hướng khác. Lũ chim non ngông cuồng cho rằng con đầu đàn không biết gì, thậm chí hướng nam cũng không rõ. Chúng vẫn cố bay qua cánh đồng vừa để thể hiện mình vừa tỏ ý chê những quyết định của con đầu đàn. Nhưng chúng không ngờ, vì mùa này là mùa săn chim. Giữa cánh đồng gia đình người thợ săn đã chờ sẵn chờ lũ chim bay qua.
“Đoàng, đoàng…” lũ chim non nháo nhát bay về phía khu rừng bên cạnh. Cùng lúc đó đàn của chúng cũng đang nghỉ tại khu rừng này để chuẩn bị tiếp cho cuộc hành trình về phương nam.  
          Một con trong đàn tiến đến hỏi lũ chim non:
-         “ tại sao trông các ngươi hớt hãi thế”
Lũ chim non phân trần:
-         “ chúng tôi bị bắn”
Con chim trong đàn hỏi tiếp:
-         “Vì sao? Phải chăng các ngươi quá tự phụ, ngông cuồng?”
-         “chúng tôi, chúng tôi…” lũ chim non ấp úng.
Ta nói cho các ngươi biết, con chim trong đàn nói tiếp:
-         “ Tất cả hành động của các ngươi đều không qua mắt chim đầu đàn. Chim đầu đàn biết các ngươi sẽ đến khu rừng này, ngài ấy đã đợi sẵng”
-         “Lòng vị tha, bác ái nên ngài dẫn đàn đến đây để đón các ngươi cùng về phương nam.”
Bài học đầu tiên đã dạy cho lũ chim non hiểu được ở đời đừng cố tỏ ra hung hăng tự phụ, và phải biết tôn trọng quyết định của người dẫn đầu.
Nguyễn Đức Nhân
Cử nhân Luật

Wednesday 16 December 2015

ĐI PHƯỢT


Trong những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam đang dấy lên rầm rộ phong trào đi phượt hay còn gọi là đi du lịch bụi. Nếu bạn là người tự do chưa lập gia đình, thích khám phá các địa điểm đẹp nhưng địa hình hiểm trở thì đi phượt là một sự lựa chọn lý tưởng cho bạn.
Nhưng trước khi có dự định cho một chuyến đi phượt, bạn phải trang bị cho mình một số hành trang cần thiết và một số kỹ năng cơ bản. Không giống tham gia các loại hình du lịch như thông thường, ở đây khi đi phượt bạn phải tự mình lo cho mình, tự mình đương đầu với mọi khó khăn trong chuyến đi, đây xem như là một cơ hội cho bạn thử thách chính bản thân mình vậy.
Đi phượt vừa vui nhưng chi phí lại ít so với các loại hình khác. Nếu là lần đầu tiên đi phượt bạn nên chọn đi cùng với những người có kinh nghiệm, những người đó họ sẽ tư vấn cho bạn nên chuẩn bị những gì cho một chuyến đi, trong chuyến đi phải đi như thế nào để khỏi bị tách khỏi đoàn, với kinh nghiệm của mình họ có thể lường trước mọi khó khăn hiểm trở. Bạn có thể tham gia vào một hội đi phượt toàn những người lạ, nhưng tốt nhất là nên chọn đi cùng với những người bạn thân để có thể tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đặc biệt đối với tay phượt là nữ giới.
Để chuẩn bị cho một chuyến đi phượt mà thiếu chiếc máy ảnh thì xem như chuyến đi đó không còn ý nghĩa nữa, có máy ảnh bạn có thể lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của phong cảnh thiên nhiên con người nơi bạn đến. Trong chuyến đi, việc ăn uống đối với dân phượt cũng đơn giản, dừng ở đâu thì ăn ở đó, bạn có thể thưởng thức đầy đủ những đặc sản tại địa phương nơi bạn đến nhưng với giá cả cực rẻ ngon và chất. Việc ngủ nghỉ cũng đơn giản không kém, cũng dừng tại nơi nào thì dựng lều trại tại nơi đó. Rồi đến tận đêm khuya lại được cùng những người bạn trong nhóm phượt tổ chức lửa trại, khi đó bạn như được hòa mình vào không gian tuyệt đẹp của thiên nhiên ban tặng vào lúc màn đêm buông xuống, chỉ tưởng tượng thôi tôi nghĩ bạn cũng đã thấy thích thú.
Nếu là dân đi phượt thì bạn phải tuân thủ theo các nguyên tắc cơ bản khi tham gia. Không gây ồn ào hay làm mất vệ sinh môi trường tại địa điểm bạn dừng chân hay phá hoại các phong cảnh đẹp nơi bạn đến.
Nếu đã đam mê đi phượt thì bạn hãy là dân phượt có văn minh thay vì chỉ tham gia cho có phong trào. Ý nghĩa hơn nữa nếu bạn có thể tham gia các chuyến phượt hoạt động xã hội, làm từ thiện.


Trần Thiên Tú Như
Cử Nhân Kinh Tế

Tuesday 15 December 2015

Lich Sử….!


Ngày trước thuở còn cắp sách đến trường có lẽ đối với tôi môn khô khan và không thích học nhất là môn Lịch Sử vì toàn là những số liệu và ngày tháng. Cứ mỗi lần học sử để nhớ những con số năm tháng thì tôi lại phải tìm cách gắn nó vào năm sinh, tháng sinh của người này người khác nhằm cho dễ nhớ hơn. Nhưng sau này khi vào đời thì cái kiến thức mà tôi được dạy mà tôi trân trọng nhất lại là kiến thức về Lịch Sử.

Đi qua một địa danh, vùng miền…vv hay đơn giản gặp một người từ đất nước khác đến thì thông tin ta phản ảnh từ những điều đó đầu tiên là từ lịch sử của điều đó. Không có bất cứ điều gì trên cõi đời này không có quá khứ hay có lịch sử của nó. Bởi vậy mới biết môn Lịch Sử quan trọng như thế nào.

Đối với một quốc gia dân tộc để cho công dân của quốc gia đó hiểu về quốc gia mình đang sống hay cảm thấy yêu thương, gần gũi với quốc gia mình thì điều quan trọng là công dân quốc gia đó phải hiểu lịch sử của quốc gia đó. Chính vì vậy để nhập tịch một đất nước nào khác thì môn thi bắt buộc bao giờ cũng có là môn Lịch Sử.

Nhưng nghe đâu….! Đất nước tôi lại muốn bỏ môn lịch sử rồi gán ghép nó vào những môn học khác bởi vì học sinh….không ưu ái nó….Môn lịch sử là một môn khoa học có hệ thống. Mà đã là một môn có hệ thống thì thật sự không thể đem chấp vá nó vào một môn học khác được. Thay vì cải tiến đem cho môn lịch sử đến gần với thế hệ học sinh hơn thì nay phải gượng ép nó phải đồng hành với những khối kiến thức khác.

Thật chua xót khi phải nghĩ rằng những thế hệ mai sau của đất nước này không biết nhiều về truyền thống yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, về ý chí quật khởi của cha ông ta từ xa xưa hay đơn giản khi đi ra đường tên của mỗi con phố chỉ là một cái tên không hơn không kém chứ không phải là một danh nhân nào đó !

Hy vọng những ý kiến về số phận môn Sử chỉ là ý kiến nhất thời và sẽ không trở thành hiện thực vì nếu không hiểm họa đối với dân tộc này quả thật không lường trong bối cảnh sự đe dọa lãnh thổ và ý thức đối với dân tộc này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng!

Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử Nhân Kinh Tế 

       

Monday 14 December 2015

TỰ HÀO



Trước đây khi đi du học ở Nagoya-Nhật Bản, lớp tôi học có đông học sinh quốc tế, các bạn đến lớp buổi đầu tiên phải giới thiệu về mình để làm quen.

Khi tôi giới thiệu mình ở Việt Nam tới, gần hơn nữa lớp không biết Việt Nam nằm ở đâu? Các bạn Lào, Thái, Campuchia thì biết rõ. Nhưng ngay cả anh bạn Vezenuela cách mạng , đẹp trai như Chegevara là vậy mà cững không biết  đến Việt Nam.
Tôi thầm nghĩ có hai lý do:
-         Thứ nhất, có thể Việt Nam mình không có sản phẩm nào nổi tiếng như Toyata hay Piza hay Phi Thuyền Apolo, Cachiusa hoặc Internet…nên không có ấn tượng chi.
-         Thứ hai, phát âm tiếng Nhật đọc “Việt Nam” là “BETONAMU” (bệ-tô-na-mư), nghe như tiếng Phạn cổ với khuôn mặt giống người Chăm Pa của tôi sẽ gây cho các bạn hiểu nhầm tôi có gốc Ấn Độ cổ chăng?

Nhiều bạn lao nhao: “Bệ tô na mư” là nước nào?

Tôi  hơi nóng mặt vì tự ái dân tộc, VN anh hùng thế mà không ai biết đến ư, phải cho họ biết…, Tôi hít một hơi thật sâu rồi nói chậm rãi: “Các bạn biết nước nào từng đánh tan quân Mông Cổ, đánh tan giặc Tàu đô hộ ngàn năm, đánh bay cả Pháp và Mỹ gần đây không?”

Cả lớp cùng reo to: “Vietnam, Vietnam, Vietnam…”

Tôi người to sái cả quai hàm.
Té ra học cũng học lịch sử thế giói cận đại và hiện đại và biết đén uy danh của Việt Nam.
Khi đó tôi tự hào lắm lắm!.

Vậy tại sao Bộ Giáo dục lại định bỏ môn lịch sử nước nhà nhỉ? Thật không hiểu nổi.


Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Friday 11 December 2015

BUÔN BÁN ĐƯỜNG PHỐ


          "Bạn hãy đến những ai không ai đến và hãy cho những ai không ai cho rồi bạn sẽ là người hạnh phúc nhất trong cuộc sống này" với tâm niệm như vậy đồng thời đây cũng là một hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ người dân nghèo không có khả năng vay vốn từ ngân hàng thậm chí vay vốn tín chấp từ địa phương thông qua sản phẩm được gọi là chương trình TKĐP, sáng ngày 4 tháng 12 năm 2015, chúng tôi tiến hành khảo sát 03 hộ muốn tham gia sản phẩm TKĐP của chương trình tại khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ, thành phố Huế dựa trên đề xuất của chị Phan Thị Hồng thuộc tổ 001/BBDP (người hiên tại đang vay vòng thứ 4 của sản phẩm TKĐP) nhằm đề xuất cho công việc giải ngân vốn TKDP vào tháng 1/2016.
Cả ba chị đều có thu nhập rất thấp khi thấy chúng tôi đến khảo sát và được biết có thể sẽ được giải ngân vào tháng tới, gương mặt 3 chị tự nhiên tươi hẳn vì đó là thời điểm giáp Tết, rẩt rất cần vốn để buôn bán và sắm sửa, đặc biệt như chị Gái có thêm tiền đế đóng học phí cho đứa con gái lớn đang học đại học năm thứ 2… Có thể số vốn 1 triệu đồng ban đầu không là gì cả so với người có thu nhập cao, không là gì cả so với thời buổi vật giá leo thang, nhưng đối với các chị ở đây đó là giấc mơ thoát nghèo từ những điều nhỏ nhặt nhất (như chị An với gánh nước đậu buổi sáng, giờ vay thêm 1 triệu đồng để bán thêm bánh chuối chiên vào buổi chiều) hay hy vọng cao và xa hơn là giấc mơ thành đạt sau khi học đại học của con của chị Gái…
          Chúng tôi cũng vậy như thấy một niềm vui nhẹ cuối ngày bởi vì " chính lúc cho đi là khi được nhận lấy, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân" mỗi chúng ta luôn ý thức điều này đề cuộc sống chúng ta luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc các bạn nhé!.

Đinh Thị Thuý Hằng
Cử Nhân Anh Văn

Wednesday 9 December 2015

Chuyện mua cua


Người đàn bà vóc dáng nhỏ bé kia đang luôn miệng rao không ngớt “…ai hải sản, tôm ,cua cá không…”. Chị là Hằng, người buôn thủy hải sản ở cái chợ này ngót hơn 20 năm, từ cái thời cu tũn con chị còn bé tý, thời mà người ta quý thịt hơn quý cá tôm, nhìn lon coca mà thèm nhỏ dãi.Công việc hằng ngày của chị bắt đầu từ 3h sáng và kết thúc vào lúc 4h chiều. Quầy của chị có hàng tươi sống đủ các loại và nhập từ nhiều nơi khác nhau nhìn rất bắt mắt.

Một thanh niên chạc chừng 30 tuổi dáng người mảnh khảnh tiến lại gần quầy chị hỏi lớn: - “cua bán thế nào thế chị”
-         “Thế chú hỏi cua vùng nào”
-         “Cua vùng nào là thế nào hả chị”
-         “Ý chị nói là  mua cua miền nam, trung hay bắc đấy.”
-         “Có thế nữa hả chị. Loại nào cũng được miễn rẻ và đừng ôi là được chị”
-         “Ừ thế lấy cua nam nhé, còn nguyên con, không sứt mẻ gì cả , tươi rói, giá 280 một ki”

Anh thanh niên quan sát một lúc rồi gãi đầu nói “đàn ông đàn an đi chợ chẳng giỏi, thế chị nói sao phân biệt cua 3 miền này thế chị”

Người phụ nữa tên Hằng vừa cười nói vừa không ngừng lấy nhánh cây hất những con cua đang gắn trèo ra khỏi xô để nó rớt ngược trở lại trong xô.
-    “này nhé, cua bắc thường bị gãy càng do chúng quật nhau suốt nên giá của nó rẻ nhất. Cua nam thì đây, cái loại mà chị tốn công ngồi hất nó trở vào lại xô đây. Còn cua trung thì nhìn như nam nhưng có cái đỡ công chị hơn vì nó bò vừa lên thành xô là nó bị những con khác kéo xuống ngay”
-  “ồ ra thế, thế bán cho em 1kg nam, 500 ngàn đây, chị thối đi. Nhớ bỏ cho em cái túi cho chắc chắc nhé.”

Anh thanh niên ra về với túi cua trên tay miệng cười vui vẻ. Chắc hôm nay cả nhà anh có bữa tiệc hải sản ra trò đây.


Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Kinh tế

Monday 7 December 2015

CƠM 5.000 ĐỒNG


Với thời buổi giá cả thị trường đang leo thang như hiện nay thì khi nghe có quán cơm chỉ giá 5.000đồng/xuất chắc hẳn mỗi một chúng ta khó tin chuyện đó là có thật. Thế mà ở tỉnh Thừa Thiên Huế nơi tôi đang sinh sống chuyện đó lại có thật. Được biết tại địa chỉ 72 Đào Tấn – thành phố Huế, với chỉ 5.000 đồng thì sẽ có ngay được một đĩa cơm bình dân và đầy đủ các món ăn mặn cũng như rau quả trong đó.
Để giúp học sinh sinh viên đang học tập ở Thừa Thiên Huế, quán cơm xã hội này đã ra đời dưới sự bảo trợ của gia đình ông Hồ Văn Trung và tập đoàn Trangsgroup. Tất cả các thành viên đã tạo ra bữa cơm ngon lành, vệ sinh, dinh dưỡng đến với học sinh sinh viên nghèo. Mặc dù giá cơm rẻ song cơm ở đây đều giống như nhiều quán khác trên địa bàn tỉnh. Quán rất được sự hưởng ứng của bà con và mọi người sống trên địa bàn. Quán cơm xã hội phục vụ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần bắt đầu từ 11h đến 13h hằng ngày. 
Mặt khác trong quán luôn luôn có sự đóng góp của các bạn sinh viên đăng ký tình nguyện phục vụ miễn phí. Các bạn cũng cho biết cảm thấy rất hạnh phục vì đã cùng các bạn cùng trang lứa tiếp tục hành trình học tập của mình trên giảng đường đại học.
Hy vọng ngày càng có nhiều tấm lòng hảo tâm để các quán cơm xã hội như thế này ra đời góp phần cho cuộc sống ngày càng có ý nghĩa hơn.
Duy Tùng
Cử nhân Môi Trường.

Saturday 5 December 2015

TRIẾT HỌC ĐƯỜNG PHỐ


Triết học chung qui tập trung giải quyết hai vấn đề cơ bản là “vật chất” và “ý thức”. Cái nào quyết định cái nào? Cái nào có trước, cái nào có sau? Từ xuất phát điểm này sẽ cho ra hai nhánh chính của triết học:  Duy Vật và  Duy Tâm. Từ những nhánh chính đó lại phân thành những nhánh phụ gọi là trường phái triết học. Nhánh phụ lại phân thành những cành nhỏ hơn nữa. Vì vậy kho tàng triết học nhân loại ngày càng phong phú và đa dạng, tư duy con người cũng vì vậy mà sinh động và lung linh hơn.

Thời cổ đại, các nhà triết học thường được gọi là các nhà hiền triết. Họ mang lại sự khôn ngoan cho cộng đồng. Thời đó, việc học hỏi tri thức tinh túy thường cho rằng phải học triết học. Các trường đại học sớm nhất hành tinh do vậy thường dạy triết học.
Những người muốn vượt lên cái tầm thường của thiên hạ thời đó phải có vốn hiểu biết về triết học và thường xuyên tranh cãi cọ xát tri thức với những người yêu  triết học khác ở  ngoài đường phố. Đám đông  thị dân xúm lại xem tranh biện giữa các nhà hiền triết  với nhau đã gọi họ là những nhà hùng biện. Tinh thần triết học mà tôi gọi vui là “triết học đường phố” đã nở rộ từ thời Hy Lạp cổ đại.
Có một câu chuyện được tranh luận giữa đám đông, được khởi đầu bởi một triết gia vui tính. Câu chuyện như sau: “Có một chiếc tàu đi qua vùng biển đầy sóng dữ, thuyền trưởng thông báo tàu có thể sắp bị lật, vì vậy hành khách trên tàu phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Các hành khách trên tàu đều tỏ ra lo lắng bồn chồn, một số hành khách nữ không giữ được bình tĩnh đã khóc, một số la toáng lên . Duy chỉ có một hành khách ở trong góc tàu thì rất ung dung điềm tĩnh, thần thái tỏ vẽ hứng thú, nét mặt hân hoan hơn bình thường. Đó là một con lợn ( một con vật cưng được chủ mang theo chuyến du lịch biển và phải trả giá vé như một hành khách bình thường).
Nhà triết học vui tính hỏi thách người tranh biện với mình “ Thưa triết gia đáng kính, trong trường hợp này, ngài có thể kết luận rằng con lợn được đề cập đã dũng cảm hơn những người trên tàu hay không?”.
Triết học đường phố ban đầu sơ khai gần với các cuộc tranh biện như vậy, nhưng càng tranh biện, lập luận của con người ngày càng sắc bén, việc tìm tòi tri thức mới ngày càng cấp bách, trí khôn con người ngày càng tăng lên.

Vậy, đừng coi thường triết học đường phố. Đừng coi thường những cách đặt vấn đề ngây ngô (như người ta tưởng).

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế) 

Thursday 3 December 2015

CHIA SẺ


Phụ nữ thường được ví như mèo bởi sự mảnh mai, yếu ớt của họ khi so sánh với đàn ông. Thật vậy, họ không có sức khỏe  như đàn ông, vóc dáng lại nhỏ hơn, họ cũng không có nhiều cơ hội như đàn ông khi hoạt động ngoài xã hội bởi họ bị ràng buộc bởi con cái, gia đình và quan niệm cũ.
          Ngày xưa, người phụ nữ thường ở nhà, sinh con đẻ cái, cơm nước, giặt giũ,…còn đàn ông là lao động chính, trực tiếp tạo ra thu nhập nuôi cả gia đình. Còn trong xã hội hiện nay, phụ nữ cũng đảm đương công việc kiếm tiền, suốt ngày lăn lộn ngoài xã hội không thua gì đàn ông, đã vậy họ còn phải chăm sóc con cái, cơm nước giặt giũ,… trăm thứ bộn bề. Vậy ai bảo phụ nữ liễu yếu đào tơ? Nếu vẽ bức tranh về người đàn ông đang làm việc thì bức tranh vẽ người phụ nữ phải là đang làm việc và trông con. Như vậy, một lúc họ phải làm hai việc. Vậy ai bảo họ là chân yếu tay mềm?
Tất bật từ sáng đến tối trong vai trò kiếm tiền, việc nhà, con cái, chưa kể phải chịu cảnh mang nặng đẻ đau nhưng mấy người phụ nữ có thể cho phép mình ngồi quán nước la cà đến đêm như mọi người đàn ông khác. Ở họ còn có sự trách nhiệm: trách nhiệm với gia đình và trách nhiệm với con cái.
Người ta thường bảo “Phía sau vinh quang của người đàn ông có bóng dáng người đàn bà”. Vậy đằng sau sự thành công của người đàn bà có bóng dáng người đàn ông không?  Thử đặt một phép tính cọng về các công việc của người phụ nữ trong gia đình đơn giản như cơm nước ngày ba buổi, chăm sóc con, đón đưa con, giặt giũ, dạy con cái học, chơi với con, thu nhập từ công việc ngoài xã hội…rồi quy ra tiền xem thử vòng 10 năm bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu thuê một người lao động khác trong khi hiệu quả cao hơn nhiều.
Nhận thức được vai trò quan trọng của người phụ nữ là trách nhiệm của những người đàn ông trong xã hội văn minh hiện nay. Từ đó, tôn trọng, giúp đỡ và chia sẻ cùng họ - người bạn đời cùng sống dưới một mái nhà.
Hạnh phúc đến từ nhiều thứ và trong đó sự chia sẻ, cảm thông và trách nhiệm với người sống cùng rất quan trọng. Mọi thứ cùng dung hòa thì tổ ấm sẽ vững bền .


Nguyễn Thị Anh Đào
Cử Nhân Anh Văn

Tuesday 1 December 2015

GIÁO DỤC CON CÁI


Giáo dục con trong gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và hình thành nhân cách của trẻ. Trong thời đại đầy đủ tiện nghi vật chất ngày nay, nhiều trẻ bị cuốn vào nhịp sống nhanh với Internet, game online, những tệ nạn xã hội….Hơn ai hết, các em rất cần sự bảo ban, dạy dỗ, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống của các bậc làm cha, làm mẹ. Giáo dục trong gia đình Việt Nam không chỉ tác động mạnh mẽ ở giai đoạn ấu thơ của cuộc đời mỗi con người, vì con người Việt Nam gắn bó vô cùng chặt chẽ với đời sống gia đình nên có thể ảnh hưởng của giáo dục gia đình là hết sức to lớn, lâu dài suốt cả cuộc đời. Nó đặt cơ sở quyết định cho sự hình thành nền tảng nhân cách ở tuổi niên thiếu, thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện nhân cách ở tuổi thanh niên, củng cố, giữ gìn nhân cách ở tuổi trưởng thành và khi về già. Vì thế, giáo dục gia đình mang tính chất thường xuyên, lâu dài và có hệ thống chặt chẽ.
Trong gia đình cha mẹ nên là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Đây là nguyên tắc quyết định, có tầm quan trọng đặc biệt lớn lao đối với công tác giáo dục. Trẻ em rất nhạy cảm và hay bắt chước nên cha mẹ trước hết phải làm gương từ cử chỉ, lời nói đến việc làm... Cha mẹ cũng cần thống nhất nguyên tắc và phương pháp giáo dục trong gia đình. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm của những nhà giáo dục và các phụ huynh khác. Cần đặt gia đình trong hệ thống giáo dục chung của xã hội, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các tổ chức xã hội… để giáo dục con em với tinh thần chủ động.
Cha mẹ cần nắm vững đặc điểm riêng của từng đứa con, đặc biệt về vấn đề tâm sinh lý, nguyện vọng, sở trường, khả năng nhận thức… để có phương pháp giáo dục phù hợp. "Dạy con từ thuở còn thơ", cha mẹ nên giáo dục trẻ từ sớm với thái độ nghiêm khắc nhưng tôn trọng; bao dung, độ lượng và yêu thương đúng mực; biết biểu dương, khen ngợi trẻ để chúng tự điều chỉnh bản thân. Cha mẹ cần biết hướng dẫn cho con lao động vừa sức và hợp lý, biểu dương kỹ năng lao động tốt, động viên tinh thần yêu lao động, sáng tạo, dạy phương pháp lao động tư duy (học tập), biết kết hợp học và hành. Hơn ai hết, cha mẹ phải nghiêm túc trong việc dạy bảo con cái. Ý thức được trách nhiệm làm cha mẹ là quan trọng và không thể thay thế. Họ cần có định hướng để chủ động và phá huy tính sáng tạo nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Các bậc làm cha mẹ cần trang bị, nâng cao kiến thức và khả năng giáo dục. Cha mẹ là người có quyền tác động đến sự phát triển và định hướng con người trong tương lai của con mình. Nếu giáo dục không có định hướng, đứa trẻ không phát huy được khả năng của mình.
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Chính vì vậy, những người làm cha mẹ cần được trang bị nhiều hơn những kiến thức về giáo dục gia đình như chăm sóc, nuôi dạy con cái một cách khoa học, biết kỹ năng tư vấn, trò chuyện cùng con… Đồng thời mỗi chúng ta cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục gia đình nói riêng và gia đình nói chung, từ đó có những chính sách nhằm củng cố, tăng cường sức mạnh cho gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong quá trình phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình thực hiện tốt các chức năng cơ bản là việc làm hết sức cần thiết và đúng đắn
Quan niệm về giáo dục con cái đã thay đổi. Ngày nay thời ấu thơ là thời gian để chơi đùa và học hành, và cha mẹ không đòi hỏi nơi con cái giống như trước đây. Cha mẹ muốn gần gũi nhiều với con cái, và họ muốn hiểu biết nhiều về sinh hoạt của con cái mình trong những khi gia đình không gần nhau. Vì thế họ chú trọng nhiều về sự hợp tác tốt đẹp với vườn trẻ và trường học. Hầu hết cha mẹ cũng thấy việc quen biết bạn bè của con cái và cha mẹ của chúng là điều quan trọng.
Trường học là nơi bọn trẻ dành nhiều thời gian hơn bất cứ nơi đâu khác ngoài gia đình, đây chính là nơi chịu trách nhiệm không nhỏ trong việc định hình nhân cách con trẻ. Việc kết hợp với nhà trường và thường xuyên liên lạc với thầy cô để nắm rõ tình hình học tập và ứng xử của con em là rất cần thiết.
Cách cha mẹ đối xử với nhau rất quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ ở một đứa trẻ, đặc biệt là khi trẻ đang lớn. Nếu các bạn đối xử không tốt với nhau, hoặc nếu các bạn chọn cách giải quyết mọi việc bằng cách gào thét vào mặt nhau, đồng nghĩa với việc các bạn đang đẩy con mình vào cách giải quyết tương tự. Con trẻ thường học bằng cách nhìn việc bố mẹ làm hơn là nghe nói suông. Vậy nên bạn, với tư cách là người làm bố mẹ, hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng, để đứa trẻ cảm nhận được giá trị và tình cảm gia đình, giúp bé cảm thấy gia đình là một tổ ấm an toàn cho bé.

Nguyễn Thị Khánh Linh
Cử nhân Anh Văn