Wednesday 30 January 2013

Ngôn từ trên Internet



Hiện nay đúng là thế giới phẳng. Mọi người liên lạc với nhau bằng internet cập nhật nhanh chóng, kịp thời không chỉ về thông tin, các giao dịch mà cả tâm tư con người. Giới trẻ bây giờ đã tận dụng triệt để vấn đề này và các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều như blog, facebook… Tuy nhiên, nếu tham quan một vòng các trang mạng mới thấy ngoài mặt tích cực nó còn có những mặt tiêu cực. Do tính nhanh chóng nên các câu văn không còn được gọt dũa trau dồi làm trong sáng Tiếng Việt. Nhiều bạn trẻ sử dụng những ngôn từ thô tục, thiếu văn hóa khiến cho người đọc cảm thấy chói mắt, hụt hẫng. Đã vậy, nhiều bạn còn viết tắt câu từ rất khó chịu mà nhiều người đọc mãi suy nghĩ chẳng ra. Nhiều câu bình luận cũng rất ác ý, thiển cận mà không nghĩ đến người đọc. Nói một cách đơn giản người viết mới nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến cảm xúc của người đọc.
Chúng ta nên biết rằng: “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói đã phát ra, bốn xe ngựa kéo khó đuổi theo kịp), câu văn thể hiện cảm xúc của bạn vì vậy nó sẽ cho người đọc biết suy nghĩ của bạn và họ dần nhìn thấy con người bạn qua các câu văn mà họ đọc được. Điều này cũng thể hiện cả sự tinh tế và văn hóa của người viết nữa.
Trước đây, không có internet. Các lá thư bao giờ cũng đầy tình cảm luyến lưu với những câu văn ngọt ngào. Ngôn từ được trau dũa, đẹp như những ca khúc của Trịnh Công Sơn: bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa, tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài.. Những câu văn này đưa người đọc vào cả một thế giới tưởng tượng. Còn bây giờ, các câu từ không những mất đi hình ảnh mà còn thô tục và thiếu văn hóa quá.
Vì vậy, các bạn trẻ nên cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ trên Internet. Bởi vì ở đó có rất nhiều người nhìn vào, đọc nó. Người đọc ở đây không những là bạn bè, người mà chúng ta chỉ định vào mà còn nhiều người khác nữa. Chẳng may sau này con cái chúng ta lớn lên nhận ra bút tích của ta ngày xưa thì sao?. Ngày xưa ông bà ta có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” là vậy. Chúng ta phải biết trân trọng bản thân mình qua các ngôn từ mà ta sử dụng để từ đó thể hiện văn hóa của bản thân, sự tôn trọng với người đọc. Và trên hết đó là bức hình của chính ta họa ra,là tấm gương phản chiếu con người thật của mình. Vậy hãy cẩn trọng với ngôn từ của mình, bạn nhé!
A.Đ

Tuesday 29 January 2013

ĐÓN TẾT TẠI CỐ ĐÔ HUẾ


Ăn Tết Nguyên Đán không phải là phong tục riêng của Huế. Tuy nhiên, Tết Huế có những nét riêng thú vị. Là kinh đô xưa, Huế còn giữ được nhiều phong tục trong việc đón Tết và ăn Tết. Trước Tết, người Huế có thói quen đi thăm các phần mộ tổ tiên. Sau khi quét dọn bàn thờ, thay cát mới cho bát nhang và đánh bóng những bộ tam sự, ngũ sự trên bàn thờ, người ta chuẩn bị hương hoa đi thăm viếng phần mộ những người thân. Họ đến đó, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc những luống hoa, búi cỏ nơi phần mộ, rồi thắp mấy nén nhang mời người quá cố về ăn Tết với gia đình. Với những người còn giữ những liên hệ ruột rà nơi quê quán thì lúc này chính là dịp họ trở về thăm bà con nơi quê cũ, biếu người này hộp trà, người kia quả mứt để đón Tết.
Người dân Huế trước Tết, tất cả đều tụ hội về vườn hoa công viên Phu Văn Lâu, để từ đó tỏa ra làm đẹp cho mọi miền, mọi nhà của xứ Huế trong dịp Tết. Khoảng chục năm trở lại đây, đi chợ hoa đã trở thành một thói quen của người Huế. Ðến chợ hoa, nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra tính cách, khiếu thẩm mỹ, trình độ học vấn và cả sự sang hèn của những hạng người mua hoa và thưởng hoa. Ðó cũng là một thú vui của Tết Huế vậy.
Ðêm giao thừa là lúc gia đình đoàn viên. Khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Mấy năm gần đây, nhà nước có tổ chức cầu truyền hình đêm giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ, đã biết ra khỏi nhà, song ít ai trở về nhà trước lúc giao thừa.
Q.H

Monday 28 January 2013

MÓN ĂN NGÀY TẾT



Mỗi khi tết đến, không biết sao trong lòng tôi lại gợi lên một cảm giác gì đó háo hức, nao nao. Chắc có lẽ, tôi háo hức được gặp lại bạn bè cũ thời trung học trong những buổi họp lớp đầu năm hay là tôi được ba mẹ dẫn về quê thăm họ hàng bên nội bên ngoại trong những ngày tết. Đúng là một cảm giác thật khó tả, chỉ có ngày tết tôi mới có được cảm giác dó. Một điểm nữa làm tôi rất thích và mong đợi mỗi khi tết đến, đó là được ăn những món ăn ngon dành cho ngày tết. Những món ăn, mà bao năm qua tôi không thể nào quên được. Vì mỗi khi năm nào tết về, mẹ cũng làm cho mấy chị em tôi ăn.
 Mặc dù, bây giờ mẹ tôi tuổi cũng đã lớn, nhưng mẹ vẫn không quên làm những món ăn ngon cho chị em chúng tôi thưởng thức. Cũng như tết mọi năm, năm nay mẹ vẫn rủ mấy chị em tôi đi chợ, chọn những quả đu đủ, cà rốt thật ngon về phơi làm dưa món. Dưa món mà ăn kèm với bánh chân, bánh tét thì ngon tuyệt, không thể nào tả nổi, chắc không cần tôi phải nói các bạn cũng cảm nhận được điều đó. Và một món nữa, không biết nhà các bạn có làm được không, đó là món tré. Mẹ tôi làm tré rất ngon, tôi học mẹ hoài nhưng chẳng làm ngon được như mẹ. Để làm món tré, thì phải chuẩn bị đầy đủ các gia vị dành riêng để làm tré. Gia vị chủ yếu và đầu tiên đó là riềng, tiếp theo là thịt đầu, thịt bò, tiêu, tỏi, chả, cùng các gia vị khác. Bỏ những thứ đó trong lá ổi, ủ một thời gian là cho ra món tré đấy các bạn. Ai tới nhà tôi vào dịp tết, vẫn không quên được món tré này.Với  món tiếp theo sau đây, tôi tin rằng thời trung học các bạn cũng rất thích nó. Đó là món cóc dầm, me dầm. Món này, tôi làm cũng ngon đấy. Tuy thấy đơn giản là vậy, những cũng trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là gọt cóc, đây cũng là giai đoạn vui nhất. Vì mấy chị em tôi vừa làm vừa tám chuyện, một rá đầy cóc và me, ham tám chuyện mà gọt xong lúc nào không biết. Bước tiếp theo là nấu nước đường. Bước cuối cùng là bỏ cóc, me vào nước đường. Cũng như món tré, sau một thời gian sẽ có được món cóc dầm, me dầm rất ngon. Đó là các món ăn chiêu đãi ngày tết của gia đình tôi đấy, tết các bạn nhớ ghé để thưởng thức nha. Xin mời! Xin mời.

T.N

Sunday 27 January 2013

TỪ CHỐI KHÉO !



Nguyễn Hiến Lê là một học giả nổi tiếng của Việt Nam. Những năm trước 1975 tại Sài Gòn, ông là một trong một vài người cầm bút được giới trí thức quí mến về tài học, nhân cách đối với xã hội cũng như trong học thuật. Do thành quả lao động nghiêm cẩn của mình, ông được đa số công chúng độc giả trân trọng kể cả học sinh, sinh viên. Những năm 60, 70 (của thế kỷ XX), chính phủ Sài Gòn đã trân tặng ông (cùng với Giản Chi) Giải thưởng văn chương toàn quốc (1967) và Giải tuyên dương công trạng (Văn hóa - 1973) với danh hiệu cao quí đương thời, cùng một ngân phiếu lớn (tương đương mấy chục lượng vàng). Ông đã công khai từ chối với lý do “dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh” và bản thân tác giả không dự giải.

Nghệ sĩ Kim Chi là nghệ sĩ đẹp nổi tiếng tình nguyện vào miền nam trong chiến tranh ác liệt, biểu diễn ở vùng ven Sài Gòn, qua cái Tết trong hầm.
Được biết đến là một người đẹp nổi tiếng của ngành sân khấu và điện ảnh, năm 1964, Kim Chi là nữ nghệ sĩ đầu tiên đã đi bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường B. Tài hoa, can trường và đôn hậu là những nét tính cách đã làm nên phẩm chất nghệ sĩ - chiến sĩ của bà.

Gần đây có thông tin bà đã gửi thư đến Hội điện ảnh Việt Nam từ chối nhận bằng khen của chính phủ với lý do ghi rõ ràng nhưng khó viết ra ở đây-do tế nhị.

Cùng là người nổi tiếng, hai cách từ chối với hai lý do khác nhau, nhưng tựu chung là cách từ chối và lý do từ chối rất nhân văn, là bài học cho nhiều kẻ háo danh hiện đại.

PVH

Friday 25 January 2013

TRỒNG NẤM LINH CHI - HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO



Từ xa xưa đã có rất nhiều truyền thuyết về nấm linh chi, cho rằng đây là một loại tiên đa linh dược chữa được bách bệnh. Ngày nay, linh chi vẫn là thảo dược quý, được trồng và kinh doanh sôi động trên thị trường, nó được xem là mô hình mang lại lợi nhuận cao nhất trong các loại nấm.
Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum, màu nâu sẫm, mũ nấm lớn từ 2-15cm. Sở dĩ, nấm linh chi bán đắt nhất trong các loại nấm vì chúng là một thảo dược quý hiếm có giá trị dinh dưỡng cao. Dùng nấm linh chi dưới dạng sắc uống, bào chế thành thuốc viên, trà, ngâm rượu uống có thể tăng khả năng miễn dịch và chữa được nhiều bệnh như: Trị đau nhức, chống dị ứng, phòng ngừa viêm cuống phổi, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng độc tố, nhờ vào tính đào thải đuợc gốc tự do, chống ung thư, kháng siêu vi, làm giảm huyết áp trợ tim, làm hạ cholesterol, làm giảm xơ cứng thành động mạch, giúp thư giãn thần kinh, làm giảm ảnh hưởng của caffeine và làm thư giãn bắp thịt, long đàm, chống HIV, làm tăng cường hoạt động của nang thượng thận.
Vài năm trở lại đây, nấm linh chi trở thành sản phẩm bán khá chạy ở Việt Nam. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp và cá nhân  trong nước đã đầu tư vào sản xuất nấm linh chi, thu lợi nhuận kinh tế cao. Sản phẩm nấm linh chi sấy khô hiện nay có giá khoảng 500 ngàn đồng/kg, đắt nhất trông tất cả các loại nấm.
Để làm được loại nấm này chỉ cần những nguyên liệu và vật dụng khá đơn giản và rẻ tiền: mùn cưa từ các loại gỗ mềm không có tinh dầu và độc tố, bột cám, bột ngô, túi ni lông, và kỹ thuật đơn giản,... Đặc biệt nó tiết kiệm diện tích, ít tốn thời gian chăm sóc, phù hợp với bà con nông thôn lúc nông nhàn. Đây là một loại cây trồng giúp bà con nông dân có được việc làm, tận dụng những phế phầm từ nông – lâm nghiệp để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và có thể vươn lên làm giàu ở nông thôn. Để thực hiện được điều này cần phải có những bàn tay dẫn đường chỉ lối về kỹ thuật và vốn đầu tư ban đầu, mới có thể giúp họ đạt đến thành công trọn vẹn hơn.
H.S

Wednesday 23 January 2013

NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG ĐẦY Ý NGHĨA CỦA TRUNG TÂM KHUYẾN KHÍCH TỰ LẬP - HUẾ NĂM 2012



          Với mong muốn ngày càng có nhiều hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa để giúp người dân nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong năm 2012, ngoài hoạt động cho vay vốn tín dụng, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập Huế đã chủ động kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí để triển khai các hoạt động đầy ý nghĩa này. Trong năm 2012, với các khoản kinh phí có được từ sự đóng góp của các nhà tài trợ và của những nhà hảo tâm, Trung Tâm đã triển khai các hoạt động thăm và tặng quà cho những hộ nghèo và các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở làng Niêm Phò thuộc xã Quảng Thọ, đây là những trường hợp rất đáng thương rất cần được giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống cũng như được tiếp tục đến trường; tiến hành tặng tủ sách, đàn organ và sách, vở, bút, viết….cho trẻ em nghèo ở Đập Góc, đồng thời triển khai các hoạt động giúp đỡ cho thầy và trò ở lớp học nghèo ở Phú Đa…, đây là những vùng nghèo, các em ở đây vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện để đi học phải đi học ở những lớp xóa mù miễn phí do những người hảo tâm ở trong thôn đứng ra giảng dạy.
Ngoài các hoạt động từ thiện được triển khai từ các khoản kinh phí do các nhà hảo tâm tài trợ, trong năm 2012 Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập Huế cũng trích các khoản kinh phí để triển khai các hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa như: Tổ chức tặng 150 suất học bổng cho học sinh nghèo là con em của những khách hàng đang vay vốn của Trung tâm nhân dịp năm học mới, mỗi suất trị giá 500.000đ; đồng thời vào dịp cuối năm điều kiện thời tiết khá lạnh, Trung tâm cũng đã phối hợp với nhóm DKSG 67 và các thân hữu đóng góp kinh phí để đặt may 1.030 áo ấm để tặng cho trẻ em nghèo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đa số các hoạt động này của Trung tâm chủ yếu dành cho trẻ em nghèo, những hộ gia đình nghèo, những người già cả, neo đơn…, đây là những đối tượng đang chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nên rất cần nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng và xã hội. Tuy những món quà mà chúng tôi trao tặng không phải là lớn, nhưng đã thể hiện sự quan tâm đối với những người kém may mắn trong xã hội, được người dân và chính quyền địa phương đánh gia rất cao. Trong năm 2013 Trung tâm tiếp tục kêu gọi sự đóng góp kinh phí của các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, cũng như trích một phần kinh phí của Trung tâm để duy trì các hoạt động này, đồng thời triển khai thêm các hoạt động mới để hoạt động cộng đồng của Trung tâm ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

X.Q

Tuesday 22 January 2013

MÙA ĐÔNG XỨ HUẾ



Dường như mùa đông ở Huế năm nay đến muộn hơn so với mọi năm. Tiết trời ở Huế vào mùa đông thật khó dùng lời để diễn tả hết cái lạnh của nó. Cái lạnh của thời tiết kèm theo mưa tầm tã khiến cho những người dân nhỏ bé ở xứ Huế càng thêm nhỏ bé hơn vì phải “co mình” để chống chọi với cái giá rét. Mùa đông ở Huế được xem là một nét đắc trưng mà những ai khi xa Huế hay khi nhắc đến Huế đều nhớ đến những cơn mưa tầm tã cộng thêm cái lạnh tê tái của mùa đông. Nhớ đến những mùa đông ở Huế cũng đã khiến cho chúng ta phải rùng mình vì cái lạnh của nó. Đó là mùa đông của những năm về trước. Còn mùa đông ở Huế năm nay ít mưa hơn và cũng ít lạnh hơn mọi khi. Không còn những cơn mưa dai dẳng, cũng không còn những cái rét đến tê người. Tiết trời mùa đông năm nay ấm hơn mọi năm. Bầu trời vẫn hửng nắng và không khí có vẻ ấm áp hơn. Dường như tiết trời Huế năm nay có chìu lòng người hơn thì phải!
Mùa đông năm nay đến muộn vào tháng cuối năm, khi mà những người dân Huế đang phải hối hả, chạy đua với thời gian để tích cóp những đồng tiền dành dụm cho việc chi tiêu cuối năm. Chính những điều này đã biến một mùa đông ảm đạm ở Huể trở nên sôi động và náo nhiệt hơn.
Không còn những đợt mưa kéo dài cũng như những cái lạnh “cắt da, cắt thịt” nên những người dân nghèo buôn thúng bán bưng, lấy vỉa hè làm nơi buôn bán kiếm sống có cơ hội để kiếm thêm thu nhập để lo cho những ngày Tết sắp đến gần. Dường như tiết trời Huế đang dần thấu hiểu nỗi lòng của những người con nghèo xứ Huế nên cố tình xua tan đi cái giá lạnh mùa đông để níu lấy Xuân về!
PTM

Monday 21 January 2013

“ ÔI! ĐẾN BAO GIỜ ”




Từ ngày chiến tranh đi qua, đất nước ta đã có nhiều thay đổi lớn về mặt kinh tế xã hội. Tiêu biểu là trong những năm trở lại đây, đời sống của người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng từng bước được nâng cao. Cuộc sống của một bộ phận người dân hiện nay đã thay đổi khá nhiều. Người dân ngày nay chi tiêu cho cuộc sống nhiều hơn, ăn mặc đẹp hơn và phương tiện đi lại cũng nhiều và đắt tiền hơn. Số hộ nghèo cũng đã giảm đáng kể và hầu như những gia đình nghèo chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Ở thành thị, một số gia đình có kinh tế khá giả thì họ cho em mình đi học ở những ngôi trường lớn. Những ngôi trường này thường có các dụng cụ học tập rất hiện đại và mức học phí ở đây cũng cao hơn rất nhiều so với những ngôi trường ở nông thôn. Do có mức học phí rất cao nên các cháu học ở những ngôi trường này thường là các cháu con của những gia đình giàu có. Ngoài việc cho các cháu học ở trường lớn thì có không ít bậc phụ huynh còn dùng cả ô tô để đưa đón con em mình đi học. Tại thành thị là vậy, còn ở nông thôn là một hình ảnh hoàn toàn khác. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên các cháu nhỏ ở nông thôn thường tự đi học một mình hay được bố mẹ chở đi học bằng xe đạp. Các dụng cụ dạy học tại những ngôi trường này vẫn còn rất lạc hậu. Một số trường học vẫn còn thiếu trang thiết bị dạy học và thậm chí có những ngôi trường mầm non ở nông thôn vẫn chưa có sân chơi cho các cháu nhỏ. Nhìn vào hình ảnh học sinh ở nông thôn và học sinh ở thành thì thì mỗi chúng ta đều dễ dàng nhận thấy: Đất nước của chúng ta tuy có những bước phát triển lớn về kinh tế nhưng nó phát triển rất không đồng đều. Một số gia đình hiện nay rất giàu nhưng vẫn còn có những gia đình rất nghèo và thậm chí có những gia đình phải chạy ăn từng bữa.
Hy vọng trong một tương lai không xa, khoảng cách giàu - nghèo sẽ dần được thu hẹp để mỗi chúng ta sẽ không còn nhìn thấy những hình ảnh trái ngược giứa các cháu nhỏ thì được bố mẹ chở đi học bằng ô tô, hoc tại những ngôi trường có đầy đủ các dụng cụ học tập và những cháu nhỏ phải học ở những ngôi trường dột nát, phải tự đi bộ vài km để đến trường. Để làm được điều này thì những người dân như chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo của nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp để khoảng cách giàu -  nghèo dần được thu hẹp. “  ÔI! ĐẾN BAO GIỜ  ”.

I.H

Sunday 20 January 2013

KỲ VỌNG



 
         Tại sao chúng ta lại đặt kỳ vọng vào một con người?
Đó là câu hỏi mà nhiều người tự hỏi nhưng chưa tìm được câu trả lời rõ ràng. Chỉ viết điều mình cảm nhận về sự kỳ vọng, gọi là kỳ vọng cá nhân.
1) Cá nhân đó có tài năng nổi bật. Ví dụ khi tuyển thủ được chọn đá penaty, huấn luyện viên thường chọn cầu thủ có xác suất đá chắc chắn nhất trong đội tuyển 11 người.
2) Khi môi trường xung quanh không còn ai hơn người được kỳ vọng nữa, thực tế công tác đã chứng minh được người này đã đáp ứng sự kỳ vọng của một thiểu số quần chúng, nay được kỳ vọng có thể đáp ứng kỳ vọng lớn hơn nữa.
3) Bản thân những người bi quan, thất vọng, chán chường với hiện tại thường muốn tìm một sự đổi mới nào đó, người được đặt kỳ vọng luôn được cho là người sẽ làm xoay chuyển tình thế.
4) Sự kỳ vọng có tính chất thiên kiến, không rõ ràng. Ví dụ trong bầu cử tổng thống, 2 ứng cử viên có năng lực như nhau, nhưng tôi bỏ phiếu cho ông A vì ông ta đẹp trai, ăn nói có duyên hơn ông B.
5) Kỳ vọng là một điều tất yếu tồn tại cùng với sự bi quan. Bất cứ ai cũng có bi quan việc này, việc khác...từ đó le lói sự kỳ vọng. Kỳ vọng vào đấng tối cao trong tôn giáo mà mình theo đuổi và tôn thờ là thuộc kiểu kỳ vọng này.
6) Kỳ vọng để có cái gọi là... kỳ vọng mà thôi, không có lí do gì mới hơn cả.

PVH

Saturday 19 January 2013

KINH TẾ 2013



Năm 2012 đã trôi qua, chúng ta chờ đợi gì ở năm 2013?

Năm 2012 tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất trong 13 năm qua, nhưng lại là đánh dấu của một sự giảm thiểu phát triển kinh tế liên tục kể từ năm 2007. Lạm phát của năm 2012 đã giảm nhanh nhưng còn ở mức cao và nguy cơ tái lạm phát vẫn còn treo lơ lững đâu đó. CPI tháng 12/2012 chỉ tăng 6,81% so với tháng 12/2011 nhưng nên lưu ý là CPI bình quân của năm 2012 là 9,81%, so với mức tăng 18,18% của năm 2011(năm này tính CPI bình quân, khác năm 2012-tính theo chỉ số thời điểm). Nói chính xác, lạm phát của năm 2012 phải là 9,81% chứ không phải mức 6,81% như giải thích. Việc chọn chỉ số nào có lợi đã được các nhà thống kê sử dụng có dụng ý. Việc này sẽ khó khăn khi so sánh các chỉ số sau này.

Năm 2013 dựa trên nền cũ 2012 nên kinh tế VN sẽ gặp một số khó khăn dự báo như sau:
- Do ảnh hưởng của kinh tế  thế giới chưa hồi phục,  kinh tế VN khó có cơ hội bứt phát "đơn độc".
- Tăng trưởng tín dụng, liều thuốc của tăng GDP chắc sẽ không còn như trước 2011, vì vậy sẽ mất đi một nguồn để đẩy GDP tăng theo ý muốn.
- Tái cơ cấu kinh tế cần nguồn vốn lớn, như vậy sẽ thiếu vốn để đầu tư cho tăng trưởng, đẩy GDP nhích lên.
- Cải cách hệ thống ngân hàng thương mại sẽ còn gặp khó khăn. Năm 2011 đã phát tín hiệu nhưng sang năm 2012 chưa thấy biến chuyển-ngoài việc trục trặc thua lỗ của các ngân hàng, và một số "sếp" xộ khám hay phải làm việc với cơ quan điều tra, năm 2013 chắc sẽ khó có đột phá nào về lĩnh vực này.
- Tái cơ cấu tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ gặp muôn trùng khó khăn. Từ cuối năm 2010 đã có Vinashin nhưng cho đến nay chưa giải quyết được gì nhiều ngoài việc các ngân hàng cho tập đoàn này vay nay phải "dính chưởng", thì có nhiều Vina khác lại hiện ra với số lỗ và nợ khổng lồ. Cứ như thân thể một con người đã suy dinh dưỡng rồi lại còn mắc bệnh "ung thư" thì khó mà sống sót được, đừng nói gì việc hồi phục. Các tập đoàn kinh tế nhà nước thua lỗ triền miên như hiện nay đang ở trong tình trạng tương tự.
- Tái cơ cấu đầu tư công: Cũng khó có bước chuyển, nếu không có tư duy chỉ đạo nào khác ngoài hướng "cắt giảm đầu tư công". Cốt lõi là đầu tư  công là: làm sao cho ít thất thoát, sức lan tỏa và hỗ trợ phát triển xã hội ở mức lớn nhất có hiệu quả nhất.
- Phát triển bền vững: nên quan tâm yếu tố này. Một con đường làm xong, sửa đi sửa lại nhiều lần thì có thể làm tăng chỉ số GDP nhưng không đóng góp gì vào việc phát triển bền vững. Số tiền thất thoát, tiền bổ sung do làm ẩu, kém chất lượng nếu được đầu tư cho các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế...thì coi như ta đã xây dựng được nhiều con đường và tạo ra nhân lực, tài lực để có thể xây dựng thêm nhiều con đường khác trong tương lai. Đó chính là ý nghĩa của phát triển bền vững chứ không phải "phát triển chạy theo thành tích" như hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng vào sự tăng trưởng kinh tế năm 2013 bởi lẽ: cái gì ở trên cao quá lâu thì phải hạ xuống thấp và ngược lại cái gì đã ở tận đáy rồi thì phải lên cao. Người chết vẫn có thể sống lại nhờ phép mầu!. Nghe ra không có học thuật kinh tế gì cả, nhưng có lúc phải tin tưởng những giải thích phi khoa học vậy!

PVH

Friday 18 January 2013

BẢN SẮC DÂN TỘC



Tham khảo một số trang web tôi mới biết được người Nhật ăn tết dương lịch chứ không ăn tết âm lịch như những quốc gia có nền “văn hóa cầm đũa” khác. Người Nhật gọi dịp này là “Oshogatsu”, và đây là sự kiện để nghênh đón vị thần Toshigamisama. Người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873. Phong tục đón năm mới của người Nhật hiện vẫn giữ được những truyền thống Á Đông điển hình, bên cạnh đó cũng thu nhận những nét văn hóa mới từ phương Tây qua quá trình giao lưu, tương tác theo dòng chảy của thời gian.
          Tuy nhiên vào ngày nghỉ cuối tuần trong mùa xuân thì rất nhiều người đến viếng thăm các chùa chiền. Đó là biểu hiện về nước Nhật hiện đại, cường quốc về khoa học công nghệ, nhưng vẫn giữ gìn nguyên vẹn bản sắc dân tộc. Một trong những truyền thống đó được biểu hiện qua từng ngôi nhà, từng căn phòng: Nhà người nhật không rộng rãi nhưng họ sắp xếp căn phòng rất hợp lý, gọn gàng và sạch sẽ. Họ rất giàu có nhưng họ không phô trương như nhiều gia đình mới trở nên giàu có ở nước ta.
          Có thể nhận thấy được mỗi người Nhật ở công sở, trên đường phố, ga xe lửa, xe điện ngầm … họ toát lên vẻ tôn trọng quốc thể. Họ rất tự do, nhưng không ai làm ảnh hưởng tới ai dù chỉ là hành động nhỏ. Làm sao học được người Nhật ở đức tính này? Nước ta là một nước có hơn 4000 năm văn hiến, truyền thống dân tộc ta có bề dày lịch sử. Vậy mà ngay trên đất nước mình không chịu giữ gìn quốc thể. Có rất nhiều điều không thể chấp nhận được. Đó là hiện tượng ăn xin tại các khu danh lam thắng cảnh. Người bán ảnh, vật lưu niệm lẻo đẽo đeo bám du khách. Tại khu công cộng thì cười to, nói lớn như ở nhà….
          Đã đến lúc cần đánh thức tinh thần dân tộc trong con người và trong cộng đồng. Mỗi người phải có trách nhiệm giữ gìn quốc thể, đó không chỉ là giữ thể diện cho chính mình trước con mắt người nước ngoài mà còn là niềm tự hào dân tộc.

Đức Nhân

Thursday 17 January 2013

Lập trường



Trong bất cứ môi trường tập thể nào thường bạn sẽ thấy có rất nhiều người ngại đưa ra ý kiến của mình và lập trường của họ rất dễ bị lay động. Họ là những người dễ bị lôi kéo và rủ rê nhất thế nên họ cũng chính là những người bị lợi dụng nhiều nhất. Khi gặp khó khăn hay thất bại trách nhiệm sẽ bị những kẻ thông minh, cơ hội và tàn nhẫn đặt lên vai của họ. Chắc chắn là không ai muốn mình chính là vật thế thân cho người khác.Vì vậy, đừng bao giờ lay động trước sự lôi kéo, cám dỗ của tác động quanh và hãy tự suy xét ra cái gì nên theo và cái gì nên phản bát lại. Không phải lúc nào bạn cũng giữ lấy ý kiến của mình mà phải biết lắng nghe những ý kiến khác. Nhưng nếu bạn không có lập trường và giữ chính kiến riêng của mình rất có thể bạn sẽ trở thành kẻ a dua và đi ngược lại những điều tốt đẹp bạn đã tự đặt ra ban đầu cho bản thân mình. Bạn nên khẳng định chính kiến của mình trước mọi người . Đôi lúc cũng không nên giữ khư khư cái lập trường của mình quá sẽ trở nên bảo thủ ,gây ảnh hưởng đến mối quan hệ tập thể .Nên biết nhận biết rằng cái gì nên giữ và cái gì nên bỏ là một con người thông minh . Lập trường vững vàng bao nhiêu thì ý kiến chúng ta đưa ra càng có sức nặng, bạn có để ý những người lập trường dễ dao động và thay đổi chưa? Ý kiến của họ dường như không có sức nặng và không làm thay đổi được vấn đề, họ chỉ là những kẻ a dua và làm theo những người khác. Như vậy, họ không có giá trị trong làm việc tập thể mà chỉ khiến cho tập thể gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi vì thông thường những người lập trường dễ lay động là những người thấy lợi mới làm, họ sẽ theo bên nào mang lại nhiều lợi ích cho mình nhất, chứ không phải đi theo bên nào đúng nhất.
Với ai cũng vậy, hãy học cách sống là chính mình và bảo vệ ý kiến nào mà chúng ta cho rằng đó là tốt nhất. Đừng vì nể nang hay sợ hãi mà đưa ra những quyết định sai lầm. Bạn cũng biết rằng, mỗi người đều có những lập trường riêng và ai cũng cần phải xây nó thật vững chắc để không nghiêng ngả hay lay động trước những thử thách. Khi chúng ta sợ hãi hãy tìm những người ủng hộ chúng ta, có chung ý kiến để tạo thành một khối vững chắc. Đừng bao giờ chiến đấu đơn độc với những kẻ thù nguy hiểm của mình. Hãy biết tìm sự giúp đỡ khi cần thiết và đừng ngại vì điều đó. Bởi vì chúng ta sống và làm việc luôn cần đên tập thể.
Bạn hãy sống thật bản lĩnh để có một lập trường vững vàng và ý kiến uy tín nhé. Đó là điều còn quý hơn cả tiền bạc. Bởi vì không có gì có thể mua được danh dự và uy tín cá nhân, nó được tạo nên theo năm tháng và sự cố gắng của mỗi người.
P.K

Tuesday 15 January 2013



Sau khi ngân hàng Nhà nước cho thu phí nội mạng, trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người rủ nhau lập hội "tẩy chay" ATM, và tuyên bố rút toàn bộ tiền mặt ngay khi được trả lương.
Theo Thông tư số 35 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/12/2012 quy định về phí thẻ ghi nội địa (ATM), có hiệu lực từ ngày 1/3/2013 các ngân hàng bắt đầu thu phí giao dịch trên chính ATM của mình. Ngay lập tức, quy định này vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ phía người sử dụng.
Đồng thình với quan điểm này, một chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thu phí ATM từ những người thu nhập thấp là chưa thỏa đáng. Bởi có những công nhân mỗi tuần chỉ dám rút 100.000 đồng đến 200.000 đồng về chi tiếu, tính ra số phí phải trả sẽ rất lớn đối với họ.
Đối với những sinh viên học xa nhà, khi gia đình gửi tiền cho những sinh viên này. Thông thường mỗi lần rút 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ 1 lần để chi tiêu cho những ngày tháng dài dài ăn học, nhưng từ này sẽ khó khăn cho các trường hợp này khi phải tốn phí cho nhiều lần giao dịch, còn nếu rút hết tiền từ ATM mà gia đình gửi chắc chắn sẽ không thể tiết kiệm được khi sẵn tiền trong người
Lấy ý kiến về thu phí rút tiền ATM nội mạng của Ngân hàng Nhà nước, trong dự thảo quy định về phí giao dịch ATM cho biết, mức phí có thể tăng dần theo từng năm. Cụ thể, rút tiền nội mạng năm 2013 là 1.000 đồng/lần, năm 2014 là 2.000 đồng và đến 2015 tăng thêm 1.000 đồng là 3.000 đồng/lần. Riêng rút tiền ngoại mạng, mức tối đa là 3.000 đồng/giao dịch Một số loại phí khác như chuyển khoản là 15.000 đồng/lần, phát hành thẻ tối đa 100.000 đồng/lần, phí thường niên 60.000 đồng/năm, phí in sao kê và nhiều loại phí liên quan khác ...
Như vậy, có gần 10 loại phí phải trả khi khách hàng giao dịch qua thẻ ATM. Theo giải thích của NHNN, chi phí đầu tư, vận hành cây ATM cuả các NH là rất lớn và khách hàng chủ thẻ cần chia sể những khó khăn này với NH. Bên cạnh đó, việc thu phí giao dịch ATM cũng là để nâng cao chất lượng phục vụ của cây ATM.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng hưởng lợi lớn từ việc trả lương qua thẻ, bởi từ 1.000 - 3.000 đồng rất nhỏ, nhưng cộng nhiều người sử dụng phải trả phí sẽ là rất lớn. Trong thời điểm người lao động vật lộn với hàng loạt chi phí cứ vùn vụt tăng như hiện nay, nên cân nhắc khi đặt thêm các loại phí. Nếu không tạo lợi ích hài hòa, người tiêu dùng sẽ quay lưng với ATM, khi đó chính ngân hàng sẽ bị thiệt.
Việc này có vẻ làm lợi cho ngân hàng quá. Suy cho cùng người chịu thiệt cũng là người dân thôi.
DT.

Sunday 13 January 2013

QUAN TÒA "KINH TẾ"





Ngày xưa, trong dân gian nếu không thu xếp với nhau được việc gì, người ta thường đưa nhau tới cửa quan. Ông quan trở thành quan tòa phán xử mọi vấn đề, quyết định của quan được coi như là "chung thẩm", theo đó mà thi hành, đố được kiện cáo gì thêm.

Ngày nay, do tình hình bức bách, kinh tế suy thoái, nhiều phát biểu và chính sách của những người "cầm chịch" nhiều khi không được chuẩn, nhân dân kêu than. Lãnh đạo cấp cao nhiều lúc cũng thấy được vấn đề nhưng không đủ khả năng lý luận để phản biện, truy vấn đề đến tận gốc. Vậy là cần phải tới kinh nghiệm của chuyên gia.

Nay ông Vương Đình Huệ, bộ trưởng Tài Chính đang được TW điều về giữ chức Trưởng Ban Kinh Tế. Với quyền lực và sự hiểu biết của mình, chắc ông sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu ông Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước giải thích rõ một số điều mà dư luận thắc mắc như sau:
1) Tại sao bắt buộc phải chọn vàng SJC thành thương hiệu vàng quốc gia?
2) Tại sao vàng trong nước và thế giới chênh nhau 4-5 triệu mà ông nói là không sao cả?
3) Việc Ngân hàng để cho việc thâu tóm ngân hàng bằng sỡ hữu chéo xảy ra mà không can thiệp là lý do làm sao?
4) Việc thanh tra các ngân hàng đã  được NHNN tiến hành cả năm trời sao không thấy NHNN thông báo thông tin kết quả gì cả? Vậy thì mục đích của việc thanh tra này là gì?
5) Lấy căn cứ nào để kết luận ngân hàng mua trái phiếu chính phủ cũng được liệt vào tăng trưởng tín dụng?
6) Bộ ba "bất khả thi" mà ông Thống đốc phát biểu trước quốc hội kỳ họp cuối năm 2012 thực sự là gì? Có khác bộ ba "bất khả thi" quốc tế hay không? Có phải là "bộ ba của riêng Việt Nam không?
...
Tôi biết hy vọng vào ông Huệ cũng chính là một sự đặt cược khá mong manh. Nhưng có còn hơn không!. Vì mong muốn rằng những phát biểu và điều hành cảm tính, thiếu khoa học của lãnh đạo nước ta sẽ bớt dần đi để dân đỡ khốn đốn hơn.
Gần đây nghe phát biểu của các tư lệnh y tế, giao thông, xây dựng, điện lực, ngân hàng, xăng dầu, và nhiều qui định bất khả thi...chúng tôi đã quá ngao ngán!.

PVH

Tuesday 8 January 2013

"BẤT NGỜ"!





Sự kiện ông Nguyễn Bá Thanh được TW điều chuyển ra Hà Nội giữ chức Trưởng Ban Nội chính dấy lên quan tâm của báo giới thời gian qua. Nhiều người cho đó là chuyện bất ngờ.

Riêng tôi, chuyện bất ngờ về ông lại là chuyện khác. Ông là một người mê cờ tướng và chơi cờ rất hay. Tôi có quen một người từng cắt tóc dạo và đánh cờ thế, sau được phong kiện tướng là tay cờ lừng danh đất Quảng từng thủ huề với vô địch tượng kỳ thế giới người Trung Quốc trong giải cờ giao hữu.

Thỉnh thoảng khi rãnh, ông Thanh mời người này tới nhà chơi cờ, và được biết ông Thanh đánh cờ rất có "nét". Ông Thanh đánh cờ  ngang ngữa với kỳ thủ từng thủ hòa được với vô địch tượng kỳ thế giới chắc chắn không thể là tay mơ trong làng cờ.
Có người hy vọng  ông Thanh giữ chức vụ mới sẽ như tiền đạo "cắm", sẵn sàng chờ cơ hội sút tung lưới đội quân tham nhũng.

Tôi thì hy vọng ông Thanh sẽ là một quân sư chiến lược của một cuộc cờ, ở đó ông biết sử dụng binh lực và chiến thuật, chiến lược hợp lý để đạt được những kết quả mong muốn như một trận cờ.
Trước hết là không để thua, ít nhất phải giữ hòa, mục tiêu lâu dài là chiến thắng.

Hy vọng "kỳ thủ" Nguyễn Bá Thanh sẽ làm rạng danh "làng cờ" Việt Nam.

PVH

Tuesday 1 January 2013

TTP: HY VỌNG 2013!



Cách đây mấy năm, một giám đốc người Nhật có nói chuyện với  tôi về TTP, lúc đó ông ta nói Nhật Bản cũng muốn đàm phán để trở thành thành viên chính thức nhưng rất khó khăn vì còn nhiều ràng buộc. Ông cho biết Việt Nam đang đàm phán và sẽ trở thành thành viên chính thức trong nay mai.
Quả thực cho đến lúc đó, tôi không có một chút khái niệm nào về TTP. Do mối quan tâm và thấy tầm quan trọng của vấn đề được người đối diện cẩn trọng bộc lộ, tôi mới tìm kiếm thông tin về TTP. Sau đây là một vài thông tin vắn tắt.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (tiếng Anh: Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP) là một hiệp đinh/thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ban đầu được các nước Brunei, Chile, New Zealand Singapore ký vào ngày 03 tháng 06, 2005 và có hiệu lực ngày 28 tháng 05, 2006. Hiện tại, thêm 5 nước đang đàm phán để gia nhập, đó là các nước Australia, Malaysia,Peru, Hoa Kỳ, và Vietnam. Ngày 14 tháng 11, 2010, ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Nhật Bản, lãnh đạo của 9 nước (8 nước trên và Nhật Bản) đã tán thành lời đề nghị của tổng thống Obama về việc thiết lập mục tiêu của các cuộc đàm phán thuộc Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 sẽ diễn ra tại Hoa Kỳ.
Trước đây, TPP được biết đến với tên tiếng Anh là Pacific Three Closer Economic Partnership (P3-CEP) và được tổng thống Chile Ricardo Lagos, thủ tướng SingaporeGoh Chok Tong và thủ tướng New Zealand Helen Clark đưa ra thảo luận tại một cuộc họp các nhà lãnh đạo của APEC diễn ra tại Los Cabos, Mexico. Brunei nhanh chóng tham gia đàm phán ở vòng 5 vào tháng 04 năm 2005. Sau vòng đàm phán này, hiệp định lấy tên là Pacific-4 (P4).
Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 01 tháng 01, 2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền...
Tháng 3-2010, Việt Nam cùng bảy quốc gia là Brunei, Chile, Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, Peru và Singapore khởi động vòng đàm phán đầu tiên TPP. Đến tháng 10, tại vòng đàm phán thứ ba, Malaysia chính thức tham gia TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên chín nước. Các nước này đã tiến hành 14 vòng đàm phán. Kể từ vòng thứ 15 tổ chức tháng 12-2012 sẽ có thêm CanadaMexico tham gia.
TPP là một hiệp định thương mại tự do nhưng toàn diện hơn nhiều so với các mô hình thương mại tự do từ trước tới nay. TPP sẽ hướng đến những cam kết mới về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sâu hơn nhiều so với cam kết mà các nước đã đưa ra tại WTO. Tuy nhiên, TPP sẽ đi xa hơn WTO về diện đàm phán, bao gồm cả những lĩnh vực như đầu tư, mua sắm công, chính sách cạnh tranh, các khía cạnh có liên quan đến thương mại của chính sách môi trường và chính sách lao động...
Các nước tham gia đàm phán TPP kỳ vọng sẽ cùng nhau tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư, và nếu có thể thì biến TPP thành hạt nhân để hình thành khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia tám hiệp định thương mại tự do, cả khu vực và song phương, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hiệp định thương mại tự do mang tính toàn diện. Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia TPP là: 1- mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu; 2- thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà khu vực thương mại tự do TPP đem lại; 3- phụ trợ cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đang tiến hành, hướng đến một mô hình tăng trưởng mới bền vững, năng động và hiệu quả hơn.

Sau WTO là TTP, không biết Việt Nam sẽ gặt hái những gì, và đương đầu với những thách thức ra sao khi bước vào một sân chơi lớn mà luật lệ lại chặt chẽ, khắt khe hơn, số thành viên tham gia chơi lại ít đi?
TTP là hy vọng trong năm 2013 của Việt Nam?

PVH