Wednesday 29 April 2015

40 NĂM, TỪ CẬU BÉ ĐẾN NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH



Mới đó mà đã 40 năm, thời gian trôi đi thật nhanh. Đối với khoảng thời gian này thì mỗi người có cảm nhận khác nhau, có thể là chậm, có thể là nhanh. Ý chính của bài viết này không bàn về "thuộc tính tương đối của thời gian" mà chỉ nêu những cảm nhận cá nhân của người viết, từ thời là một cậu bé và nay là người đã trưởng thành.

Hồi đó, thật là ghét Mỹ, vì đi học được dạy phải như vậy, phải sống và sinh hoạt phần lớn dưới hầm là do Mỹ ném bom, chiếc máy bay phản lực Mỹ bị rơi nằm gần cây cổ thụ giữa làng nhìn mà sướng rơn lên, "cho mi chết vì thả bom ồn quá"!.
Nay thì không thấy ghét, vì người Việt ta thường suy nghĩ hướng về tương lai nhiều hơn, mà tương lai hợp tác của Việt Nam và Mỹ là hết sức tươi sáng, dù có nhiều bất đồng và bị phá bỉnh; và rồi bạn bè, người thân của gia đình tôi sống bên ấy cũng tốt đẹp cả đó thôi. Rồi bậc phụ huynh nào cũng ao ước con em mình được tiếp cận nền giáo dục bên Mỹ đó.

Hồi đó thật là sợ mấy ông thầy tu chùa Từ Đàm. Nhà bà cô ruột của ba ở gần đó, nên hết chiến tranh là bà con tìm thăm nhau xem ai còn sống chết ra sao?.  Đến tối cùng mấy người em đi tới chùa Từ Đàm, vào cổng chùa bước lên chính điện là cậu bé là tôi hoảng hồn bỏ về ngay. Thì người nhà quê trong chiến tranh biết chi đến lễ phật, đọc kinh Phật, ...theo các nghi thức trang nghiêm như thế đâu. Thế mà nay cảm thấy Phật giáo là điểm tựa cho tâm hồn của nhiều người bị trào lưu thị trường làm chao đảo, kéo theo thiết chế xã hội bị xáo trộn, khung giá trị nhân bản bị đảo tung, đồng tiền lên ngôi.  Rồi ngày Tết ngày lễ Phật, ma chay... thân gia được dịp gặp quí thầy và thấy thêm gần gũi và tin tưởng vào tương lai của nền Phật giáo nước nhàdường như vẫn đồng hành cùng dân tộc để đi tới dẫu rằng giáo hội cũng mang tiếng thị phi trần đời.

40 năm mới hiểu được  rằng: sự yêu ghét chính là sự trải nghiệm và sự cảm nhận chân thực chứ không phải là do giáo dục mà có được, mặc dù giáo dục có vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách và hành vi cá nhân. Sự yêu ghét có lẽ là vùng ngang bướng nhất của con người, khó ai giải thích được. Và vì vậy, đồng loại thì rồi sẽ đồng cảm và tha thứ cho lỗi lầm của nhau, vì con người vốn hay sai lầm do không quản trị được sự yêu ghét nhiều lúc thái quá.

40 năm rồi, từ hồi giang sơn thu về một mối có lẽ cảm nhận duy nhất không thay đổi là “sợ”. Bây giờ vẫn "sợ". Vốn là hồi đó khắp xóm làng ăn mừng chiến thắng, cậu bé nhà quê chưa cảm nhận được sự “vĩ đại” đó, chỉ thấy sợ tiếng ồn của phèng la múa lân (nhức tai hơn tiếng bom xưa, sợ đến chết kiếp khi ông địa chỉ tay vào mặt tôi và vẫy quạt chào. Có lẽ là do hồi đó cậu bé vùng quê còn quá quê mùa thô kệch. Nay cũng man mác sợ mỗi khi đến  dịp này, nơi nơi làm lễ mừng thống nhất, bao nhiêu tiền của phải bỏ ra để tổ chức, sợ người nghèo tủi thân vì họ không được dự phần vào niềm vui chung, sợ cho những người từng mang vinh quang về cho dân tộc buồn phiền vì sự lãng phí xa hoa của hình thức. Nếu giảm bớt đi lễ hội rình rang, nước ta chắc chắn không òn nghèo và có người còn lo ăn từng bữa. Mặt khác còn có nhiều người buồn – như lời ông VVK trước khi mất không lâu ( 2008) thì ta có quan tâm tới tình cảm của toàn thể người dân VN phía này phía kia hay không? Ta nên tổ chức ngày hội vui một cách vô tình khô khan như vậy hay không?

Giang san về một mối là niềm vui chung, niềm vui tột cùng của khát khao thống nhất; nhưng đừng khơi dậy nỗi buồn riêng mà lỗi không phải do mỗi cá nhân tự gieo cho mình! Ai ơi, nên thương lấy mình và thương nhau nhiều hơn!

PVH

Monday 27 April 2015

MÙA GẶT QUÊ TÔI


Quê hương tôi ở một miền quê ven thành phố, quanh năm tĩnh lặng yên bình. Ở nơi đây tuy đường xá rộng mênh mông nhưng mật độ người đi lại thì vừa phải không đông đúc tập nập. Những cánh đồng rộng mênh mông cứ thế trải dài men theo con đường làng đầy sỏi đá.
Hàng năm cứ vào tháng 6 thì quê tôi lại bắt đầu vào mùa gặt. Ở thời điểm này vào lúc ban ngày, ta sẽ thấy nhà nào trong làng cũng rất vắng vẻ. Vì hầu hết mọi người đều tập trung  ra ngoài cánh đồng, chỉ còn lại trong gia đình người già và trẻ nhỏ.
Vào khoảng 4 giờ sáng, từng người trong gia đình lần lượt thức dậy để làm việc,  người nấu cơm người nấu nước và người dọn dẹp nhà cửa. Xong công việc nhà, mọi người lại bắt đầu ăn sáng cho ấm bụng, rồi sau đó chuẩn bị mọi dụng cụ cần thiết để đem ra cánh đồng. Như đã bàn bạc trước, mỗi người được phân công mỗi nhiệm vụ riêng, để khi vừa ra tới nơi thì bắt tay ngay vào công việc của mình.
Dưới cái nắng gần 40oC, người nào người nấy mồ hôi ướt đẫm cả áo. Nhưng họ chẳng thèm quan tâm đến điều đó, họ cứ làm việc một cách miệt mài siêng năng quên đi cả mệt nhọc.
Những cọng lúa vàng ươm sau khi gặt được chất thành từng bó. Rồi lần lượt được chở về nhà trên chiếc xe máy cày hoặc xe kéo. Cánh đồng ngày càng trơ trụi giữa bầu trời bao la bát ngát. Cuối mùa gặt thì không khí làm việc buồn hẳn đi, số lượng người tập trung ra ngoài cánh đồng ngày một thưa dần.
Công đoạn cuối cùng đó là tuốt lúa, phơi lúa và xay gạo. Những bó lúa lần lượt cho vào máy tuốt để rồi sau đó cho ra từng hạt lúa thơm lừng và từng cọng rơm vẫn còn hơi nóng. Tiếng máy tuốt lúa cứ ầm ì cả tiếng đồng hồ nghe rất quen tai, không hiểu sao tôi lại rất thích những âm thanh phát ra từ máy tuốt đến như vậy.
Sau mùa gặt, sân nhà nào cũng có một đống rơm cao ngất trời. Những đống rơm ấy chất chứa đầy những kỷ niệm về tuổi thơ của chúng tôi. Đó là những lúc bọn tôi chơi trò trốn tìm, thì nơi núp lý tưởng nhất vẫn là đằng sau đống rơm còn vương vấn mùi hương của lúa ấy. Hay những khi nổi hứng bất ngờ thì bọn tôi lại cùng nhau tổ chức đua xem ai chạy lên đỉnh của đống rơm nhanh nhất.
 Ôi, có ai cho tôi một vé đi tuổi thơ để tôi có thể tìm về những ký ức ngày ấy bây giờ.

TN

Saturday 25 April 2015

40 NĂM


Tháng 4, trùng với sự kiện 40 năm. Đó là thời gian khá dài để có thể bàn luận về phát triển kinh tế của một quốc gia. Khoảng thời gian này bằng 2 lần 20 năm.
·       20 năm sau thế chiến 2, Nhật Bản đã tổ chức Thế vận hội thành công một cách ấn tượng, trước đó nước này cũng đã tổ chức khánh thành tuyến tàu cao tốc (shinkansen) đảm bảo giờ đi-đến theo kế hoạch chính xác nhất thế giới. 20 năm sau nữa, vào năm 1985, Nhật Bản là mô hình thành công về kinh tế cho thế giới học tập, được vinh danh là cường quốc kinh tế đứng 2 trên thế giới sau Mỹ.
·       Chỉ cần chưa tới 40 năm sau khi tách ra từ Mã lai, Singapore đã thành một con rồng của Châu Á, ông thủ tướng Lý Quang Diệu trở thành nhân vật của lịch sử, ông thủ tướng Đặng Tiểu Bình của TQ khổng lồ và kênh kiệu (thường coi trời bằng vung) phải xách cặp tới học mô hình phát triển của Sing nhỏ bé.
·       Chưa tới 20 năm sau khi lập quốc, trên nền đất cằn cổi được chia lại, nhà nước Do Thái đã cho thấy sức mạnh kinh khủng của mình thông qua phát triển nông nghiệp, kiến thiết quốc gia, đánh bại và giành chủ động trong các cuộc gây hấn của các lân bang hiếu chiến, truyền bá tinh thần Do Thái hùng mạnh và kiêu hãnh ra khắp thế giới.
·       Cùng với thời gian 40 năm, Hàn Quốc là quốc gia có xuất phát điểm giống VN nhất đã có một vị thế đáng nể trên trường quốc tế. Liên quan vấn đề nay nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam đã nhận xét, đánh giá, phân tích... khá khách quan, rất đáng ghi nhận...

Người bình thường nhất cũng sẽ đặt được câu hỏi tại sao các nước nêu trên lại có  sự phát triển vượt bậc trong khoảng 40 năm một cách kỳ diệu như vậy?
Và, nếu cho chúng ta cơ hội 40 năm tiếp theo, Việt Nam có thể lặp lại kỳ tích như họ hay không? Đó là câu hỏi mà  những ai quan tâm tới tình hình đất nước đều đau đáu trong lòng.

PVH

Friday 24 April 2015

VĂN MINH ĐÔ THỊ



Nâng cao ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh- sạch – đẹp là đề tài rất được người dân Huế cũng như các cấp lãnh đạo hết sức quan tâm. Là một thành phố festival của cả nước, nơi mà hàng năm có đến hàng triệu du khách đến tham quan thì vấn đề vệ sinh môi trường, làm đẹp thành phố luôn được các cấp chính quyền và người dân đặt lên hàng đầu. Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố Huế đã đẩy mạnh trồng cây xanh trên một số tuyến đường, nhiều tuyến phố đã được nâng cấp mở rộng, tất cả các công viên đều được trồng  hoa tươi. Còn với người dân thành phố Huế thì ngày nay họ cũng đã rất ý thức trong việc vứt rác thải, các đường xóm, khu dân cư luôn được người dân quét dọn thông thoáng... Bên cạnh những nổ lực của các cấp chính quyền, người dân để làm đẹp cho thành phố thì vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa có ý thức trong việc làm đẹp thành phố. Đi trên các tuyến phố thì thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy hình ảnh người dân vứt các chai lọ trên vỉa hè, các bì rác thải được người dân để cạnh thùng rác thay vì bỏ vào thùng rác, đi ơ các khu công viên thì chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy các tui ni lông đựng quà, các tờ giấy loại được người ta vứt bừa bãi, thậm chí có một số bác xe ôm, các mệ bán hàng rong đi tiểu tiện ngay trong công viên.

          Để môi trường thành phố luôn đẹp trong lòng khách du lịch, luôn xanh- sạch- đẹp thì nên chăng chúng ta cần chung tay làm sạch hè phố, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc vứt rác cũng như đi tiểu tiện đúng nơi qui định.

N.IH


Wednesday 22 April 2015

MỘT NGHÈ MƯU SINH CỦA BÀ CON SỐNG Ở ĐÔ THỊ


Có dịp đi vào các con hẻm của khu vực trung tâm Thành Phố chúng ta sẽ thấy cuộc sống hiện thực của bà con kham khổ thế nào. Ở một con hẻm nhỏ thuộc đoạn đường Chi Lăng Thành Phố Huế. Nơi ấy chị Hồng Kiều Trâm đang sinh sống cùng gia đình. Chị chỉ chừng 20 tuổi nhưng trông bên ngoài ai cũng tưởng chị đã ngoài 30 tuổi. Vì sao như vậy? Chính vì miếng cơm manh áo, vì ấm no cho con cái, cho gia đình, chị ngày nào cũng tần tảo thức khuya dậy sớm để buôn bán hàng giải khát ở vĩa hè ngoài Bệnh viện TW Huế. Hình ảnh trên đây là chị cùng với chị dâu đang chuẩn bị khâu cắt gọt mía, đóng sẵn vào túi ni lông để tối đến sẽ mang đi bán. Ngày nào cũng thế chị thức suốt đêm bán trên vĩa hè. Đến sáng lại về nhà, làm việc nhà và chuẩn bị hàng hóa để tối đến lại tiếp tục đi bán. Chị tâm sự nhiều khi mấy anh trật tự đô thị thu hết bàn ghế nhựa phải mua sắm lại rất tốn tiền, nhưng cũng phải vay mượn để mua sắm chứ không thì làm sao buôn bán được. Chị đang vay vốn BBĐP của chương trình. Mặc dù khó khăn nhưng việc thanh toán cho chương trình chị luôn đảm bảo. Về mùa mưa không buôn bán được ở vĩa hè, gia đình chị rất khó khăn nên đôi lần chị cũng trả muộn, rồi sau đó chị xoay sở làm việc khác rồi cũng thanh toán cho chương trình. Chồng chị đi xe ôm vào buổi đêm, còn ban ngày thì làm thêm phụ thợ nề, đi sơn nhà, ai thuê gì cũng làm.
Không chỉ đối mặt với háng hóa bán ra ể ẩm, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió, mà còn đối mặt với việc tranh dành chỗ bán và còn cả mấy anh làm trật tự đô thị thu hết dụng cụ bán hàng. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng chị vẫn mĩm cười và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

H.S

Tuesday 21 April 2015

VIỆT NAM VÀ NHỮNG CÁI “NHẤT”


         
          Cách đây không lâu trong khoảng tết Ất Mùi tại công viên Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp tổ chức xác lập kỷ lục đã xác lập tô hủ tiếu lớn nhất Việt Nam và dự kiến có thể hơn 1000 người ăn. Nhưng thật đáng tiết tô hủ tiếu đã bị đổ đi sau một khoảng thời gian trưng bày, vì thời gian trưng bày quá lâu. Thử hỏi những người làm tô hủ tiếu đó và những người tổ chức ra kỷ lục không biết nghĩ gì trong khi cơ quan đoàn thể kêu gọi ủng hộ của nhân dân giúp bà con nghèo có cái tết ấm no và nhiều nơi đang chờ hỗ trợ gạo của nhà nước để cứu đói cho hộ nghèo. Thật là kệch cỡm khi nào muốn quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, công ty thì lợi dụng các mùa lễ hội là xác lập kỷ lục này, kỷ lục nọ để quảng bá hình ảnh của mình. Và cũng có lẽ muốn quảng bá hình ảnh của nước Việt Nam nên ông TGĐ Truyền Hình đề xuất lên chính phủ là xây dựng tháp truyền hình với đẳng cấp cao nhất thế giới. Hiện tại tháp truyền hình Tokyo là tháp truyền hình cao nhất thế giới với chiều cao đạt được là 634m với tổng chi phí xây dựng hơn 800 triệu USD. Nên biết rằng người Nhật xây dựng tháp truyền hình cao như vậy là do có những tòa nhà chọc trời tín hiệu không phủ khắp được, và công nghệ truyền hình hồi đó bắt buộc phải xây cột phát sóng cao.
          Theo các chuyên gia tính toán nếu tháp truyền hình Việt Nam xây dựng với kỷ lục như vậy sẽ tốn cả tỷ USD nhưng tháp truyền hình hiện nay chỉ dùng cho việc phát tín hiện analog không có thêm chức năng gì khác. Trong khi đại đa số người dân đều đã chuyển qua xem truyền hình hữu tuyến có chất lượng tốt hơn. Thử hỏi để quảng bá hình ảnh Việt Nam có nhất thiết phải làm như vậy không!? Trong khi Việt Nam đã có nhiều cái để thế giới biết đến, ví như động đẹp nhất Đông Nam Á, các di sản vật thể và phi vật thể…
          Một công trình xây dựng tốn cả tỷ USD, không đạt hiệu quả kinh tế thử hỏi nhất thiết có cần phải thực hiện. Trong khi Việt Nam là nước còn nghèo, hằng năm phải đi xin viện trợ từ các dự án nước ngoài. Người dân còn lam lũ, tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người còn thuộc vào dạng thấp của thế giới. Trẻ em đi học còn phải bơi qua sông, trường lớp còn tạm bợ. Bà con tại vùng sâu, vùng xa còn thiếu ăn. Vậy nên chăng ông TGĐ VTV cần phải quảng bá thương hiệu Việt Nam một cách vô nghĩa như vậy!?
Xin quí ông suy nghĩ lại để dân được thọ ơn!

Đ.N


Monday 20 April 2015

Việt Nam ơi….!


Mưa, gió bất ngờ…. lũ về. Ruộng dưa xơ xác. Mẹ già nhìn đăm đăm vào ruộng…. mênh mông buồn.
Những ngày gần đây không thiếu những hình ảnh các bạn trẻ căng biểu ngữ mời mua giúp dưa hấu cho đồng bào nông dân Quảng Nam, những con người đang phải điêu đứng đối mặt với kinh tế đổ vỡ khi phải hứng chịu lũ bất ngờ về.
Người Việt Nam tôi là thế, trong tâm thức, bản chất họ là những con người tốt, họ là những con người biết đùm bọc và thương yêu lẫn nhau. Chỉ vì những thứ vô hình và hữu hình mang yếu tố lịch sử nên đã tạo nên những cái nếp làm cho hành động của người Việt xấu đi mà thôi.
Trái lại với hình ảnh cướp giật hôi của khi người ta bị nạn là hình hình cả dân Việt chia sẻ khó khăn với đồng bào xứ Quảng. Họ mua dưa một cách niềm nở, một cách say sưa, không mặc cả đến… không có mà bán. Đã có lúc người dân Hà Nội phá hoa, ngắt hoa, dẫm nát cây trong Phố hoa thì nay họ tay trong tay gìn giữ, bảo vệ cho bằng từng gốc cây không cho bị đốn hạ.
Ở Sài Gòn không thiếu những chốn ăn chơi hoa lệ, đốt tiền như đốt vàng mã nhưng cũng không thiếu những quán cơm 2000đ cho những kẻ đói rách số phận kém may mắn. Có những người đêm về Vũ trường tưng bừng nhưng mai sớm lại đem chút ít gạo, tiền đến để ủng hộ những quán cơm đó.
Người Việt tôi thương nhau, chia sẽ nhau cũng ngộ lắm. Nhiều lúc ra đường thấy chai nước suối 4000đ họ khát họ không giám mua nhưng thấy người tật nguyền bán chiếc vé số 10000đ thì họ mua ngay dù chẳng bao giờ dò. Rồi những trưa hè nghe tiếng kêu “mài dao, mài kéo” dù dao không đùi lắm và có đùi thì sắm lại cũng chẳng bao nhiêu nhưng người bảo người vẫn ra mài dao, mài kéo vì giúp cho người ta nuôi nghề.
Một trong những đặc trưng của người Việt đó là cười. Vui cũng cười, buồn cũng cười, khen cũng cười, bị chửi cũng cười. Có lẽ vì nụ cười này mà Việt Nam chọn ngành du lịch là ngành mũi nhọn là hợp nhất. Nhiều lúc nhìn nụ cười không biết họ đang cười chua xót hay cười hả hê. Cũng như người Huế luôn “dạ”. Ai khen cũng “dạ”, ai chê mình cũng “dạ”.
Tôi có người bạn đồng nghiệp, nói là bạn nhưng tuổi đời là anh. Đi với anh thường nói “mình giúp người nghèo ri không biết khi mô cho hết người nghèo hí”, “giúp ri không biết có tới tận tay người thật sự không”. Người Việt tôi là thế thương nhau nhưng sợ tình thương không đủ lớn và không lâu dài, thương nhau nhưng sợ đặt tình thương không đúng chỗ. Có lẽ vị sự giả dối quá đầy rẫy và những kẻ muốn ăn trên ngồi tróc, ăn trên mồ hôi, nước mắt của những nụ cười chua xót kia nhiều quá chăn ?
Hãy có niềm tin vào cuộc sống, con người Việt. Dù đôi lúc nhìn thấy những nghịch cảnh dòng đời còn lắm chán chê.

Nhật Hoàng

Thursday 16 April 2015

CẢM NHẬN VỀ THÁNG 4

Du lịch suối Voi

Tháng tư Huế, trời bắt đầu chuyển sang hạ một cách mạnh mẽ: ve kêu, cây phượng đã có những nụ đầu tiên, trời nóng bức. Như thường lệ đầu tháng 4 là ngày cá tháng 4, lại có dăm ba chỗ tưởng niệm ngày mất của một người con ở Huế, một người tài ba, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tháng tư Huế bắt đầu bước vào mùa du lịch nội địa, mùa người dân Việt tranh thủ nghỉ lễ ngày nước non thống nhất để đi chơi, và người ta đổ về Huế tham quan. Mùa mà theo như bà con lao động xung quanh Huế gọi là mùa no nhất trong năm. Người xích lô thêm được dăm cuốc xe; cô bán bắp, bán nước mía ven đường cũng kiếm được thêm nhờ vào các người dân đia phương và cũng như lượng khách du lịch tăng.

Các em học sinh cuối cấp tháng tư này là tháng tư vội vã, tháng tư quyến luyến, tháng tư nửa muốn níu kéo nửa muốn chia tay. Vội vã bởi phải chuẩn bị kỹ kiến thức hành trang cho những đợt thi sắp tới; quyến luyến níu kéo bởi không muốn chia tay tà áo trắng, chia xa đám bạn thân, bục giảng, ghế đá sân trường; muốn chia tay bởi muốn sự trưởng thành hơn vì biết rồi ai cũng cần phải lớn, không ai có thể nhỏ mãi, nằm mãi trong vòng tay bè bạn, gia đình, thầy cô mãi được. Đối với tôi từ hồi còn ngày ba buổi đến trường cho tới bây giờ khi nghĩ về tháng tư  luôn là sự liên tưởng đến những vòng bánh xe, những bánh xe lăn từ nơi học thêm này đến nơi học thêm khác, từ trường Nguyễn Huệ về Thạch Hãn. Tháng tư mùa này thành nội cũng đẹp lắm. Những cành sen chưa lên búp khiến những chiếc hồ điểm một màu xanh ngắt rất dễ chịu.

Trong âm nhạc Việt Nam không nhiều lắm những ca khúc về tháng 4 chắc có lẽ tháng 4 trời không chợt mưa, chợt xe lạnh, gió không hiu hắc, lá không xào xạt nên không tạo nhiều cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ nhiều lắm cũng nên. Điểm qua thì chỉ có một số ít bài đáng chú ý như “tháng tư về,  bình mình tháng tư, tháng tư”

“Tháng tư về, gió hát mùa hè Có những chân trời xanh thế Mây xa vời, nắng xa vời Con sông xa lững lờ trôi Nắng nhẹ nhàng, mây trắng nhẹ nhàng Hát giấc mơ nào xa lắm…”

Khánh Linh


Monday 13 April 2015

Hợp tác giữa các NGOs




Hôm nay, nhân viên của tổ chức Codes và Búp Sen Hồng đã tới TTKKTL để cùng nhau trao đổi về hoạt động cho vay vốn tín dụng đối với người nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác.

Thời gian tới, thông qua tài trợ của tổ chức PLAN, Codes là tổ chức đang có những hoạt động vận động cho quyền của trẻ em dự định triển khai cho 80 hộ gia đình có con lao động đường phố vay vốn để làm ăn, cải thiện sinh kế. Kinh nghiệm hơn 15 năm hoạt động vi tín dụng của TTKKTL là rất hữu ích đối với Codes.

Búp Sen Hồng thì có kinh nghiệm làm việc với sinh viên, sắp tới hội này có dự định tổ chức một chương trình ca nhạc để quyên tiền nhằm dựng một ngôi nhà cho người nghèo đồng thời thiết lập tủ sách cộng đồng để rồi giúp các em nhỏ ở chốn quê nghèo nâng cao kỹ năng sống. Búp Sen Hồng cũng là tổ chức nhận được cộng hưởng của CESR/VASF để phát triển các hoạt động thiện nguyện tại Thừa Thiên-Huế trong năm 2015.

Hy vọng các hội đoàn sẽ phát huy được điểm mạnh của mình khi kết nối và hợp tác với nhau với tiêu chí: "chi  ít nhất nhưng hiệu quả  nhất".

Mong thay mọi tấm lòng đều rộng mở vì người nghèo.


PVH

NHÌN LẠI THẢM HỌA HÀNG KHÔNG …


Ngoài những mối nguy cơ từ hiểm họa IS – một tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng hay việc cô lập loại bỏ Nga ra khỏi nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới G8, hay vụ xả súng đẫm máu ở tòa soạn báo Charlie Hebdo thì những vụ thảm họa hàng không  gần đây đã và đang là đề tài gây nhức nhối và bàng hoàng cho cả thế giới khi liên tục xảy ra những vụ rơi máy bay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù lý lẽ được đưa ra là vô tình hay cố ý chăng nữa thì suy  cho cùng an ninh hàng không đã và đang phần nào chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng tình trạng kiểm tra còn lỏng lẻo, chủ quan với khá nhiều lổ hổng trong nhiều khâu, đã phần nào gây nên những hậu quả đáng tiếc kinh hoàng cho toàn nhân loại mà điển hình là hãng hàng không Malaysia liên tiếp chứng kiến các vụ việc đau lòng từ vụ mất tích bí ẩn của máy bay MH 370 và không lâu sau đó là MH 17 rơi ở miền Đông Ukraine khiến tất cả 298 người trên máy bay bị thiệt mạng, vụ máy bay Air Asia rơi trên biển Java và gần đây nhất là vụ rơi máy bay của hãng hàng không Germanwings mà nguyên nhân điều tra ban đầu là do cơ phó Andreas Lubitz đã chiếm quyền kiểm soát máy bay và cố tình lao vào núi khi đang trên hành trình từ Tây Ban Nha về Đức làm toàn bộ 150 người trên khoang thiệt mạng. Có thể nói máy bay từ lâu luôn được xem là phương tiện đi lại an toàn nhất nhưng nhìn lại những gì thế giới đã chứng kiến qua một loạt rơi máy bay thảm khốc đã chứng minh một điều rằng trên đời này không có cái gì là an toàn tuyệt đối, khoảng cách giữa sự sống và cái chết là rất mong manh, những điều ít xảy ra cũng đã xảy ra âu đó cũng là triết lý của cuộc đời, giờ đây tôi chỉ biết tóm gọn vỏn vẹn trong hai từ “ số mệnh”.
NT



Sunday 12 April 2015

KỲ DIỆU SỨC MẠNH CÂY XANH & LÒNG NGƯỜI XỨ HUẾ


Chuyện góp nhặt ngày cuối tuần.

Theo lời anh đánh giày bên lề đường Trương Định  sát sau Khách sạn Morin Huế, cây xà cừ được đánh số 91 có tuổi đời phải trên trên 30. Vì khi anh đến đây hành nghề lần đầu cây đã có đó và lớn lắm rồi.

Cây trông nghiêng và sắp ngã ra đường nhưng không ai dự tính triệt hạ nó hết .

Cục U  trên thân cây lồi ra hè đường có lần đã làm toạc trần một xe du lịch 12 chổ ngồi, nhưng bác tài xế cho đó là do lỗi của mình nên không "kiện cáo" và bắt cây "đền bù" chi cả. Chỉ xuống xe mà cười trừ rồi xuýt xoa"  U chi mà u lạ rứa hè..." rồi lên xe đi tiếp.

Cây hiên ngang vươn cành, đâm chồi nảy lộc bốn mùa không chút âu lo, che bóng mát, và làm đẹp cho môi trường chung quanh.

Đừng đi đâu cả cây nhé, hãy đứng đó với người dân Cố đô Huế rất yêu mến môi trường, thiên nhiên, con người. Chúng tôi sẽ yêu mến, bảo vệ cây, giữ cho gốc luôn có màu xanh bất diệt.

PVH

Saturday 11 April 2015

Thầy và thợ


Như chúng ta đã biết thì vấn đề thừa thầy thiếu thợ đang là một trong những điểm nóng của xã hội. Hàng năm, với một số lượng lớn sinh viên của các trường, các ngành tốt nghiệp nhưng thị trường việc làm cho người lao động thì không có nhiều. Cung không đủ cầu. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũn như tinh thần của các bạn trẻ.
Mặc dù vấn đề thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng nhiều nhưng hàng năm số lượng học sinh đăng ký thi Đại học lại rất lớn. Hầu hết, các bậc phụ huynh cũng như các em đều nghĩ rằng, chỉ có vào đại học là con đường thành công nhất. Bằng bất cứ giá nào cũng phải thi đậu đại học, mà các em và các bậc phụ huynh cũng không ngờ đến là liệu sau khi ra trường có việc làm hay không? Chính tâm lý của chúng ta như vậy nên vấn đề thừa thầy thiếu thợ hiện đang là vấn đề nan giải của các nhà chức năng.
Ngày nay, tấm bằng cử nhân không còn là lá bài chủ chốt để đem đến sự thành công của mỗi chúng ta. Bởi thị trường lao động đến thời điểm này thì hầu hết đều có trong tay tấm bằng đại học và sau đại học. Hơn nữa, vấn đề đào tạo ở các trường chúng ta chỉ dựa trên lý thuyết, thiếu kỹ năng nghề nghiệp nên các cử nhân mới ra trường còn khá nhiều bỡ ngỡ, khó nắm bắt công việc. Trong khi đó các nhà tuyển dụng lại có yêu cầu cao với người lao động nên khó tránh khỏi các cử nhân không có việc làm hay làm trái ngành nghề. Trong khi đó, tại các công xưởng, nhà máy thì lại thiếu những người thợ có tay nghề cao để đáp ứng các nhu cầu công việc.
Cũng có không ít các bạn sinh viên sau khi ra trường không có việc làm, lúc này lại mới bắt đầu đi học nghề để hỗ tr thêm cho công việc. Lại quay về vạch xuất phát ban đầu. Chính vì vậy, chúng ta đừng đặt nặng vấn đề rằng, chỉ có lấy bằng đại học mới thành công. Nếu chúng ta đi đường thẳng không được thì hãy đi đường vòng. Vì con đường nào rồi cũng dẫn chúng ta đến thành công nếu chúng ta có cố gắng.
PTM


Friday 10 April 2015

BÓI TOÁN


            Việc bốc quẻ bói để dự đoán tương lai cho một người nào đó hoàn toàn là câu chuyện của học thuật, tỷ lệ đúng sai chỉ mang tính chất chiêm nghiệm để tham khảo chứ không hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, hiện nay do cuộc sống có quá nhiều bất ổn và ngày càng có nhiều căn bệnh lạ tai quái mà y học chưa giải quyết được, đặc biệt là do khủng hoảng niềm tin quá lớn không có gì khỏa lấp được, con người sống trong lo lắng, hoang mang mà không biết tin vào cái gì để định hướng cho cuộc sống nên có rất nhiều người tìm đến những kiến giải mang tính chất tâm linh, hoang đường. Nắm được tâm lý của những người đi xem bói nên ngày càng có nhiều người “ đội cốt” thần linh để hành nghề bất chính, và họ thường mượn bóng thần linh để phán cho những người đi xem những đều không tốt như bị cô này, cậu nọ hay bị tổ tiên quở trách. Và để hóa giải đều này thì họ yêu cầu người đi xem phải tổ chức lễ cúng với vô số các lễ vật rất tốn kém. Thông thường thì những người này họ lập thành ê kíp với đầy đủ các dịch vụ, từ thợ làm hàng mã, thầy bói, thầy cúng…cùng hợp tác với nhau để kiếm tiền. Vì thế mà đã có không ít người cả tin đã tốn không ít tiền bạc vào cuộc chơi tâm linh lãng phí này.
            Việt Nam là một vùng đất giàu văn hóa tâm linh và việc xem bói là nhu cầu riêng của mỗi người. Tuy nhiên, trước khi đi xem bói thì mỗi người cần có những hiểu biết để có cách giải quyết vấn đề bế tắc của mình để khỏi quá u mê theo những lời nói hoang đường không có căn cứ để rồi tiền mất, tật mang…

            XQ

Thursday 9 April 2015

HÀNG HIỆU XÁCH TAY


          Hiện nay, trao lưu dùng hàng hiệu xách tay của người Việt Nam đang có xu hướng dân cao. Việc sử dụng loại hàng hóa này một phần vì người tiêu dùng tin tưởng đây là một trong những sản phẩm có chất lượng, tiền nào của nấy.

          Trong khi đó khó có ai biết được những sản phẩm như thế này có thể từ hành vi ăn cắp vặt của những kẻ xấu xa trên đất nước khác rồi từ đó chuyển về Việt Nam tiêu thu.

          Đã có nhiều trường hợp người Việt Nam bị bắt ở Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan kể cả những người có trí thức, có địa vị trong xã hội.

          Nhiều nước trên thế giới có bảng cảnh báo bằng tiếng Việt đã khiến không ít người Việt Nam cảm thấy xấu hổ khi hình ảnh đang xấu dần bởi sự tham lam của một số ít cá nhân như ông cha ta có câu “con sâu làm rầu nồi canh”.

          Nên chăng cần tẩy chay hàng hiệu xách tay đôi khi cũng là một cách giảm thiểu tình trạng “chôm chỉa” của số ít bộ phận này từ đó làm hình ảnh Việt Nam trong mắt các nước trên thế giới tốt đẹp hơn.

DT.

Monday 6 April 2015

THỰC TẾ, KHOA HỌC, TRIẾT HỌC...




Thực tế rất đơn giản như : đói thì phải ăn, khát thì phải uống, lạnh thì phải mặc ấm, nóng quá thì phải tìm cách làm sao giảm nóng...và cứ như vậy. Thực tế chính là đời thường vậy.
Khoa học nói nôm na là làm cho con người đáp ứng nhu cầu của mình một cách ngày càng thuận tiện hơn như  lấy lại ví dụ trên chẳng hạn "giảm nóng": có nhiều cách-có sử dụng khoa học như: cởi bớt áo quần, mặc chất liệu chgiảm nóng, chống nóng, sử dụng quạt tay ( mo cau, tre, xếp,) quạt chân ( chân kéo dây lên xuống, qua lại...), quạt điện, rồi tới điều hòa, hoặc là tủ lạnh tạo đá thêm vào nước giải khát...BIA...
Triết học thì trừu tượng hơn hai phạm nêu trên, tổng hợp hơn  phạm trù Tôn giáo vốn chỉ thiên về đề cao tinh thần; triết học giải quyết các vấn đề cơ bản và bao quát vũ trụ - vật chất và ý thức.
Nói vòng vo như vậy để quay lại cái chân phương nhất là thực tế, mà thực tế nhất của thảo dân bất kỳ quốc gia chế độ, cá nhân nào đều là:
- Ăn cái gì và như thế nào?
- Đi lại bằng gì và như thế nào?
- Sống trong ngôi nhà nào?
- Học hành ra sao?
- Sinh hoạt văn hóa, tâm linh, giải trí theo cách nào?
- An ninh trật tự có đảm bảo không?
- Môi trường sống có bị ô nhiễm không?
---
Đó, đó, người dân họ cần cái thực tế chứ không cần biết quá nhiều những cái trừu tượng-rất khó thấy, mà ngay cả một vị rất cao hàng đầu ở xứ này tâm tư đại khái rằng :  " Không biết cuối thể kỷ này xứ ta đã xây dựng thành công... được hay chưa nữa..."
Mới thấy rằng "Thực tế cuộc sống" là muôn năm!!!


PVH

Thursday 2 April 2015

THỀ KHÔNG THAM NHŨNG


“Người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử...
làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt

          Đọc báo Dân trí thấy bài viết về lễ hội thề không tham nhũng – Minh Thề ở Kiến Thụy, Hải Phòng vừa thấy thích vừa buồn. Thích vì đây là một lễ hội lạ, phù hợp vào mọi thời đại, mọi nơi, mọi chỗ. Tuy chỉ là một lễ hội mang tính duy tâm nhưng nó giúp cảnh tỉnh con người, khiến cho con người sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Buồn vì nó hay mà không được mọi người hưởng ứng và không được nhân rộng ra khắp nơi để cho mọi thành phố, huyện, xã phường, cơ quan học tập.

          Hiện nay, người ta tổ chức và duy trì nhiều lễ hội hay như  cúng rằm, 23 tháng 5 Âm lịch, mồng 5 tháng 5 Âm lịch, tất niên cuối năm,… mọi người thậm chí là cơ quan đua nhau làm thức ăn, đốt vàng mã nhằm tưởng nhớ đến người đã khuất, nhớ đến cội nguồn. Như vậy họ đã làm tròn trách nhiệm với người chết, vậy còn người sống thì sao? Có lẽ chỉ có lễ Minh Thề mới tập trung nhiều nhất việc duy trì  bảo tồn kỷ cương phép nước cho người sống. Từ xưa đến nay vấn nạn tham nhũng đã gây ra biết bao thiệt hại cho cơ quan, nhà nước và nhà nước luôn đề cao vấn  đề chống tham nhũng. Vậy thì lễ hội Minh Thề nên được nhân rộng và đề nghị mọi người hưởng ứng, nhưng đầu tiên ai sẽ là người dũng cảm đứng ra thề đây? Có lẽ lại là những người khốn khổ thôi….

 

          Có tật thì lại giật mình, có gan cướp của người khác nhưng sợ chết là tâm lý chung cho những nhà tham nhũng. Thôi thì cũng còn may là họ còn sợ trời tru đất diệt đấy!
AD


Wednesday 1 April 2015

Chợ Đông Ba


Tính đến năm 2015 chợ đông ba đã tròn 116 năm(1899-2015). Tiền thân chợ Đông Ba là chợ mang tên “Qui Giả thị” nằm ngoài kinh thành Huế, tọa lạc ở ngoài cửa Chánh Đông (tức cửa Đông Ba theo kiểu gọi dân gian). Tên chợ “Qui giả thị” đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân triều Nguyễn. Thời Quang Toản loạn lạc, dân chúng chạy tán loạn, đến đầu triều Nguyễn thái bình họ mới trở về. Qui giả là chợ của người trở về.
Mùa hè năm 1885 kinh đô thất thủ. Dân Huế ta chìm trong bể khổ của máu, lửa, lạnh và đói gây nên bởi giặc Pháp xâm lược. Người Huế bị giết và nhiều công trình bị phá hủy trong đó có chợ Qui Giả. Đến năm 1887 vua Đồng Khánh cho xây dựng lại đình chợ và quán chợ lấy tên là chợ Đông Ba. Đến năm 1899 trong cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách tây phương vua Thành Thái cho “chợ Đông Ba đem ra ngoài giại” (nơi có vị trí như bây giờ, bên cạnh cầu Trường Tiền và siêu thị Coopmart)
Chợ Đông Ba ngày nay kết hợp với chợ Đồng Xuân ở Hà Nội và chợ Bến Thành của Hồ Chí Minh là 3 ngôi chợ nổi tiếng và mang đậm dấu ấn truyền thống nhất của Việt Nam. 3 ngôi chợ này là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và hầu như ít có tour nào bỏ những điểm đến này.
Riêng chợ Đông Ba không những là “Chợ làm du lịch” mà còn là chợ đầu mối các mặt hàng cho người dân Huế. Gần như mọi thứ chúng ta có thể tìm thấy ở chợ Đông Ba. Nhưng có một điều  rằng việc buôn bán các mặt hàng ở chợ Đông Ba còn hơi lộn xộn và nhếch nhác, hàng bày ra cả lối đường đi. Việc một số tiểu thương ở đây có thói quen hô giá cao cũng là một điểm trừ của chợ Đông Ba. Như một số phản ánh của du khách là nhiều khi trả giá một nửa người ta cũng bán (?). Chưa kể một số lực lượng chèo kéo đổi tiền gây mất trực tự xung quanh khu vực này. Nếu để tình trạng như vậy kéo dài có lẽ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Huế nói chung và du lịch Huế, người dân Huế nói riêng. Có lẽ cần lắm những cuộc vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành liên quan như BQL chợ Đông Ba, Sở Công Thương và lực lượng an ninh…v v nhằm chấn chỉnh lại hình ảnh đẹp mà Huế và chợ vốn có dự trên nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng hợp tác, đôi bên cùng có lợi hướng tới một sự phát triển lâu dài cho cả thế hệ sau chứ không đơn giản là chụp giật “no hôm nay, đói ngày mai”.
NH