Friday 30 September 2011

LỜI CẦU CHÚC “VỪA ĐỦ”


Xin gửi đến quí Bạn lời cầu chúc vừa đủ, vừa đủ thôi... vừa mới sưu tầm được như dưới đây:

Vừa đủ HẠNH PHÚC để tâm hồn Bạn luôn thanh cao
Vừa đủ THỬ THÁCH để Bạn được dũng mãnh
Vừa đủ MUỘN PHIỀN để Bạn có lòng nhân ái
Vừa đủ HY VỌNG để hạnh phúc mãi ngự trị nơi Bạn
Vừa đủ THẤT BẠI để giữ Bạn khiêm nhu
Vừa đủ THÀNH CÔNG để Bạn luôn kiên cường
Vừa đủ BẠN BÈ để giúp Bạn an vui
Vừa đủ VẬT CHẤT để Bạn được thảnh thơi
Vừa đủ NHIỆT TÌNH để Bạn có thể đi đến cùng các dự tính
Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan nơi Bạn những chán nản ngã lòng
Vừa đủ NGHỊ LỰC để cuộc sống Bạn mỗi ngày được tươi đẹp và hạnh phúc hơn
Và vừa đủ TÌNH YÊU để Bạn có thể thực hiện tất cả những hy vọng và ước mơ của Bạn!”

PVH

Wednesday 28 September 2011

KHI BẠN CÓ NIỀM TIN

Có đôi lần rơi vào trạng thái hoang mang, hụt hẫng, chới với, vô định trước tất cả những gì cuộc sống mang đến cho mình, tôi trở nên dè dặt, đắn đo, ngập ngừng và sợ hãi con đường phía trước. Nhưng rồi tôi hiểu, nếu lót dưới bước chân mình một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống thì nỗi sợ hãi sẽ không là gì cả.


Chẳng ai trong chúng ta sống mà không có niềm tin, chỉ là niềm tin tồn tại như thế nào thôi. Bởi đây không phải thứ đồ vật có thể nhìn, sờ mó, cầm nắm, và dĩ nhiên càng không thể thấy được nó khi ta bao phủ mình một sự hoài nghi về chính bản thân, cũng như sự hoài nghi về cuộc sống.

Cuộc sống mang đến cho ta tất cả những gì nó muốn, chứ không phải những gì ta muốn, và dù muốn hay không ta cũng phải đón nhận những thứ cuộc sống gửi đến cho mình. Tuy nhiên, ta có quyền lựa chọn một cách, một thái độ để đón nhận. Gượng ép hay cởi mở với niềm tin yêu cuộc sống?

Cuộc sống có bao giờ trơn tru, hoàn hảo, bằng phẳng với ai đó trong chúng ta đâu. Mỗi người có một nỗi niềm, tâm tư, khó khăn, trở ngại riêng và những nỗi đau không ai giống ai, nhưng sống với niềm tin giúp ta cảm thấy mọi thứ trở nên tốt hơn.


Khi những thử thách của cuộc sống làm ta đau đớn, ta sẽ tìm thấy sự an ủi cần thiết nơi những người thân, những người bạn, nhưng họ chỉ là người khơi dậy niềm tin nơi ta mà thôi. Chính ta mới là người nuôi dưỡng niềm tin, và làm cho niềm tin sống và tồn tại. Hãy nuôi dưỡng nó bằng sự nhẫn nại, kiên trì, ý chí kiên định, bằng nghị lực đủ lớn để cảm thấy ta có thể tiếp tục bước về phía trước, mà không tìm cho mình một ngã rẽ nào khác tiêu cực hơn.

Vì sao ta có hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, hai tay, hai chân? Nhưng chỉ có một cái đầu, một cái miệng và một trái tim. Ta sinh ra và có một hình hài như thế đều có ý nghĩa cả! Ta có hai con mắt bởi cuộc sống muốn ta nhìn, quan sát nhiều hơn và biết trân trọng những gì ta đang có.
Ta có hai cái tai, bởi ta cần phải lắng nghe nhiều hơn những âm thanh cuộc sống muốn gửi đến. Ta có hai lỗ mũi, để hít thở nhiều hơn và cảm ơn những gì cuộc sống đã ban tặng. Ta có hai cái tay, để làm việc, cầm nắm và trao tặng yêu thương cho mọi người. Ta có hai cái chân, để bước đi nhiều hơn, đến những nơi mà ta muốn, và rồi những bước chân đó sẽ cho ta biết đâu là bến đỗ cuộc đời mình.

Vậy tại sao ta có một cái đầu? Một cái miệng? Và một con tim? Ta có một cái đầu, vì ta cần gom lại tất cả những gì đã thấy, đã nghe, đã làm, đã đi, quy tụ về làm một trong suy nghĩ của mình, để soi xét và phân tích tất cả mọi việc dưới ánh sáng của niềm tin. Ta có một cái miệng, chẳng phải ta cần nói ít lại những lời than vãn, trách móc, than phiền hơn đó sao? Vì than vãn, trách móc, than phiền chỉ làm cho niềm tin của ta bị bào mòn, hoen rỉ, rạn nứt, mục rữa đi mà thôi. Trái tim chính là cái "kho" chứa đựng của tâm hồn, không cần phải có đến hai cái đâu, bởi con tim có thể lưu trữ tất cả những gì nó muốn và giới hạn là vô tận, là nơi cho niềm tin cư ngự và được che chắn trước những sóng gió của cuộc đời.

Vậy đấy! Niềm tin là một ngôn từ hết sức đơn giản mà ai cũng có thể nói được, đọc được. Nhưng để có được niềm tin là một điều kỳ diệu mà mỗi người cần nỗ lực giành lấy. Niềm tin sẽ giúp ta đứng vững trước vòng xoáy cuộc đời và khi bạn có niềm tin bạn sẽ làm được những điều tưởng chừng không thể.

Ngọc Thủy

Monday 26 September 2011

TĂNG!

Chúng ta đang ở trong thời bình, nhưng do đất nước mới thoát ra khỏi  cuộc chiến tranh tàn khốc không bao xa nên ngôn ngữ nói và báo chí  hàng ngày hiện nay còn bị ảnh hưởng nhiều của ngôn ngữ  thời chiến như: “ra quân”; “chiến dịch”; “phát động”; “sơ tán”; “tập kết”...Tuy nhiên, ý định của người viết bài này muốn hướng người đọc suy nghĩ tới sự việc trong thời bình hiện nay thuộc lĩnh vực dân sinh, chứ không liên quan đến chiếc TĂNG-vũ khí siêu công phá của thời chiến.

Đùng một cái, tân bộ trưởng Y tế nêu chủ trương tăng viện phí. Cứ như là dân ta ngày càng khỏe mạnh lên, ít người vào viện nên bà bộ trưởng  phải cho tăng thu để bù việc số con bệnh ngày càng giảm đi.

Đùng một cái, bộ Công thương và các tổng công ty độc quyền kinh doanh xăng dầu muốn tăng giá xăng dầu do các ông độc quyền này nại lý do kinh doanh lỗ nặng quá. Cứ như là gần 90 triệu người VN này mù lòa cả, không ai biết các ông đang làm gì và giá dầu thô quốc tế sụt giảm chừng nào so với trước đây.

Đùng một cái, ông Bộ trưởng giáo dục nhiệm kỳ trước quyết tăng học phí đại học, tăng học phí các cấp học với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện đời sống giáo viên, phấn đấu đến năm....ông rời nhiệm sở thì giáo viên sống được bằng lương. Cứ như mấy chục giáo viên mầm non Thanh Hóa phải bỏ dạy do thu nhập thấp (chưa tới 500 ngàn/tháng) vừa rồi là những giáo viên Vô danh của ngành giáo dục và chuyện các em học sinh phải đu dây qua sông hoặc tự bơi để đến trường là những chuyện phịa hài hước của những kẻ ác ý vậy. Chuyện của ông bộ trưởng mấy năm trước nhưng cũng là hiện tượng nhức nhối của xã hội bây giờ.

Chúng ta thường nói: Dân có giàu thì Nước mới mạnh. Nhưng với cách điều hành của các vị quan chức đầu ngành như nêu ở trên, thì dân ta càng ngày càng nghèo là cái chắc vì những quyết sách “TĂNG” lung tung, vô căn cứ của các vị.

Thôi thì người dân chúng tôi thấp cổ bé họng chỉ biết ngữa cổ than với trời và kính tặng tới các vị danh hiệu họ TĂNG để bày tỏ sự bất bình vậy. Đó là “TĂNG VÔ CẢM”.

PVH

Friday 23 September 2011

NHƯỜNG NHỊN

Từ xưa, đức nhẫn nhịn được các bậc hiền nhân xem là một trong các phương châm xử thế hàng đầu. Nó thể hiện được trí tuệ sáng suốt, tính cách điềm đạm, ý chí bền vững, lòng khoan dung đức tính vị tha của người quân tử. Có biết bao tấm gương để lại cho đời sau về đức tính nhẫn nhịn.
Trong thực tế không phải ai cũng hiểu và thực hiện được điều đó. Mỗi người đều có lòng tự ái của mình, đôi khi tự ái quá lớn dẫn đến sự kiêu hãnh. Chỉ cần lòng kiêu hãnh ấy bị xúc phạm là xung đột sẽ xảy ra. Hơn nữa, con người ngày nay có thói quen đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả, cho nên mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp xử thế thường bị coi nhẹ. Mọi sự nhường nhịn cảm thông được đánh đồng với cảm giác bị thua thiệt, nhục nhã. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những đám đông hiếu kì bu quanh hai người đang đôi co hùng hổ, đó là hệ quả của thói xấu không nhường nhịn.
Thật ra, nhường nhịn không phải là đầu hàng, là thất bại. Nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ai cho rằng nhường nhịn là thua thiệt, mất mặt tức là họ chưa hiểu hết bài học về lễ nghĩa trong việc xử thế. Nhường nhịn là một chìa khoá đưa con người đi đến thành công. Vì sao? Vì con người là đối tượng có những mối quan hệ đầy phức tạp , chỉ cần ta sơ xuất sẽ dẫn đến hiểu lầm, tranh chấp thậm chí hoá ra hận thù khó giải. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình, bao nhiêu cuộc xô xát diễn ra trong nhà trường, ngoài xã hội cũng vì con người ta không biết yêu thương nhường nhịn Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nổi tiếng : “ Hoà khí sanh tài”, giữ được mối giao hảo tốt đẹp với nhau là cơ hội để phát triển làm ăn buôn bán. Đó là lý do vì sao người Hoa lại có thể xuất hiện và làm ăn lâu dài ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.Theo quan điểm Nho giáo, nhường nhịn là một trong những biểu hiện về cái Đức của bậc đại trượng phu. Sách sử Trung Quốc vẫn thường ca ngợi những tấm gương biết nhẫn nhục để mưu đồ việc lớn. Danh tướng Hàn Tín thời Đông Hán là một điển hình. Trong thuở hàn vi, ông dám hạ mình bò qua trôn một tên bán thịt giữa chợ đông. Không phải vì nhân cách thấp hèn mà vì ông biết nhường nhịn việc nhỏ để làm đại sự. Sau nay, tấm gương của ông vẫn được người đời truyền tụng mãi.
Trong gia đình vợ chồng anh em luôn hoà thuận, kính trên nhường dưới cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Nhìn rộng ra xã hội, nếu mọi người thân ái hoa đồng nhường nhịn lẫn nhau thì làm gì xảy ra bất đồng, xô xát và những điều đáng tiếc xảy ra.

Đức Nhân

Wednesday 21 September 2011

VAI TRÒ CỦA SÁCH

Xã hội ngày nay đã phát triển và thay đổi rất nhiều ,dấu vết thời xưa cũng đã dần phai nhoà.Vậy tại sao chúng ta có thể biết được xã hội,con người cuộc sống ngày xưa như thế nào. Để biết được tất cả những điều đó chúng ta phải cần đến sách. Vậy sách có vai trò gì với nhân loại?. Sách đã đi vào cuộc sống của chúng ta từ rất lâu rồi. Nó đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người. Đọc sách giúp ta tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức và đặc biệt đọc sách giúp ta cảm thấy thoải mái , yêu đời hơn .Giống như Môngtexkiơ đã nói:“thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút kì thú”. Đọc sách còn có thể làm thay đổi cả một con người , một cuộc đời. Nói tóm lại đọc sách có rất nhiều lợi ích. Đọc sách để trở thành những nhà lãnh đạo như cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hay thống đốc bang giàu có hàng đầu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - California như Arnold Schwazenegger. Mỗi lần tìm hiểu về những người thành đạt, sự liên quan giữa sự thành đạt và sách, chúng ta lại càng hiểu thêm mối quan hệ này, càng hiểu thêm giá trị của sách.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt, cần phải có những quyển sách hay , phù hợp với lứa tuổi , và việc cần chú trọng nhiều nhất đó chính là cách đọc sách. Đọc sách phải nghiên cứu , suy ngẫm tìm tòi, chắt lọc những điều hay để áp dụng vào cuộc sống chứ không phải đọc để lấy thành tích. Đọc sách nhiều mà không hiểu chỉ làm cho chúng ta cảm thấy thêm mệt mỏi , chứ không giúp chúng ta mở mang thêm kiến thức. Vì vậy cầm trong tay một quyển sách hay chưa phải là tốt, mà tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta có biết đọc quyển sách đó hay không. Hiện nay sách tràn ngập khắp mọi nơi. Nhưng để tìm được một quyển sách hay, phù hợp với hoàn cảnh lứa tuổi thì không phải là dễ. Nếu muốn tìm được một quyển sách vừa ý chúng ta phải mất hàng giờ ở nhà sách để tìm kiếm. Công việc này mất rất nhiều thời gian và hầu như chẳng mấy lần mang lại được hiệu quả. Vì vậy “Khi gặp được một quyển sách hay, nên mua liền dù đọc được hay không đọc được, vì sớm muộn gì cũng cần tới nó”  đó là câu nói quen thuộc của Churchill Sir Winston.
Sách mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích , nó còn được coi là kho tàng cất giữ di sản tinh thần nhân loại . Biết đọc sách tức là chúng ta đã thoát khỏi sự chán ghét của cuộc sống , và hướng tới một tương lai tươi sáng ,tốt đẹp hơn . Sách sẽ trở thành một người bạn của tất cả những ai trân trọng nó.

Đức Nhân

Monday 19 September 2011

“CUỘC SỐNG LÀ KHÔNG CHỜ ĐỢI”

Có ai đó luôn cho rằng cuộc sống không có chỗ cho sự chờ đợi,chờ đợi chỉ làm người ta đau khổ hơn.Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng dù biết sự chờ đợi của mình là vô vọng nhưng vẫn cứ chờ.
Bởi ở khía cạnh nào đó, nếu có niềm tin thì sự chờ đợi cũng đồng nghĩa với hy vọng.Bạn nghĩ sao về điều này?
Cuộc sống là biết… chờ đợi. Cuộc sống này vẫn luôn vội vã và tấp nập, tại sao cuộc sống lại hối hả đến vậy? Đơn giản, bởi vì chính chúng ta vội vã và tấp nập, bạn và tôi cùng tất cả chúng ta chính là cuộc sống.
Ai cũng bảo: “Sống là không chờ đợi”! Nhưng có thật chúng ta sống mà không chờ đợi được ư? Tôi từng đọc ở một cuốn sách nào đó trong lúc lật thoáng qua: “Không chờ đợi không phải là người!”
Có nhiều cách chờ đợi, và mỗi người chọn cho mình một cách.Có thể chờ đợi là một cách để lo lắng cho bản thân và cho những người xung quanh. Đối với những người yêu nhau, cách xa nhau cả chiều dài đất nước, cách xa cả hai cuộc chiến tranh. Những người phụ nữ ở nhà tần tảo nuôi con, chờ ngày đất nước hòa bình, chờ ngày người thân yêu trở về. Chờ đợi là sự hy sinh, là tình yêu. Những mầm cây non nớt, được đất mẹ ấp ủ từng ngày. Mầm non dần lớn lên, gió cũng chờ từng ngày, sương cũng chờ từng đêm. Chờ đợi là yêu thương, là cưu mang sự sống.
Nếu ai từng đọc “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse thì chắc hẳn biết vì sao Tất Đạt có thể vượt qua mọi khó khăn, bởi vì ba khả năng: Biết suy nghĩ, biết nhịn đói và biết chờ. Biết nghĩ để phân biệt đúng và sai, thật và giả, tạm thời và bền lâu. Biết nhịn đói để không bị cái đói điều khiển mình mắc bẫy, nuốt nhằm chất độc, chất bẩn. Biết chờ để không bị lòng si mê, nóng giận, tham lam sai khiến, đẩy mình vào sai lầm và vội vã.

Ngược lại, không chờ đợi là buông cho bản năng kéo xuống, như ly nước đổ ra. Ly nước đã đổ ra thì không lấy lại được, người buông theo bản năng thì rơi xuống thấp.Kẻ tồn tại là người biết chờ và biết nhịn.Chờ đợi là dấu hiệu đầu tiên của văn hóa. Làm người phải biết chờ đợi.. Sống là biết chạy, biết chờ và biết chậm. Rất đơn giản, sự thật ấy không nằm ở khẩu hiệu, biểu hiện hay sách vở, bục giảng, mà nằm ngay ở …ngã tư đường, nơi có ngọn đèn vàng, đèn đỏ, đèn xanh.
Điều thú vị nhất tạo nên cuộc sống chính là chúng ta không thể đoán trước được tương lai vì thế ta không thể khẳng định được rằng sự chờ đợi này của ta là vô ích hay là một phép màu. Nhưng có một điều tôi muốn nói, đó là… sống là biết chậm, biết chờ nhưng phải biết chạy!
Ngọc Thủy

Friday 16 September 2011

TẾT TRUNG THU BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?

 
Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ
Ở Trung Hoa, Tết Trung Thu đã có từ thời Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng), đầu thế kỷ thứ 8. Theo truyền thuyết, sau khi dẹp xong An Lộc Sơn, Đường Minh Hoàng nhớ thương Dương Quý Phi không nguôi. Đêm rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, một vị tiên xuất hiện tình nguyện đưa vua đi gặp quý phi. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chấm mặt đất, nhà vua trèo lên cầu vồng đi lên cung Quảng, nhìn thấy quý phi xưa trong đoàn vũ. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Ngắm Trăng.
Ở Việt Nam, ngày tết Trung Thu được diễn tả trong tục: “ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc, sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp”. Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê - Trịnh thì Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa mà “Tang thương ngẫu lục” đã miêu tả. Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912) thì từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Còn theo sách “Thái Bình hoàn vũ ký” thì: “Người Lạc Việt cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau”. Như vậy, mùa thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi” (bia chùa Đọi 1121), người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu. Theo sử sách, Tết Trung thu đã có cách đây ít nhất 2.000 năm. Từ thời cổ xưa, các vị vua chúa có tục lệ tế mặt trời vào mùa xuân, tế mặt trăng vào mùa thu. Theo Âm lịch, ngày 15 tháng 8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày "lành" để làm lễ tế thần mặt trăng.ở nước ta và một số nước châu á khác, ngày 15 tháng 8 Âm lịch hằng năm được lấy làm ngày Tết Trung thu. Tục lệ ăn bánh hình mặt trăng trong dịp Tết Trung thu đã có từ thời Bắc Tống ở Trung Quốc, cách đây trên 1.000 năm. Trong đêm 15 tháng 8 Âm lịch hằng năm, khi trăng rằm tỏa sáng, lễ tế thần mặt trăng bắt đầu. Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng còn gọi là bánh "đoàn viên", bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo và bầu không khí ấm áp của đêm rằm đến với mọi nhà.
Đêm Trung thu, các em rước đèn, múa sư tử. Ngoài Bắc gọi là múa sư tử, trong Nam gọi là múa lân. Lân còn gọi là kỳ lân. Kỳ là tên con đực, lân là tên con cái. Lân là con vật đứng thứ hai trong tứ linh: long (rồng), lân, qui (rùa), phụng (phượng hoàng). Lân là con vật thần thoại, thân hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng ở ngay giữa trán, lông trên lưng ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Tục truyền, lân là con vật hiền lành, chỉ có người tốt mới nhìn thấy nó được. Thoạt nhìn, đầu lân giống đầu sư tử. Do vậy, người ta gọi múa lân thành múa sư tử. Ở một vài địa phương, có tục các em rước đèn kéo quân trong dịp Tết Trung thu. Đèn kéo quân hình vuông, cao khoảng 80cm, rộng mỗi bề khoảng 50cm. Bốn mặt đều phết giấy Tàu bạch như giấy bóng mờ hiện nay. Phía trên và phía dưới có đường viền sặc sỡ. Bên trong có một tán giấy hình tròn. Khi đốt đèn, hơi lửa bốc lên, tán giấy xoay quanh. Đèn kéo quân còn gọi là đèn chạy quân vì hình đoàn quân cứ liên tục kéo đi, chạy đi không ngừng hết vòng nọ đến vòng kia. Chỉ khi nào đèn hết dầu (nến), đèn tắt thì các tán không quay nữa. Đèn có bốn mặt, hình ảnh xem ở mặt nào cũng được.Trẻ em rất thích ăn bánh Trung thu, múa lân và rước đèn kéo quân. Từ đó, Tết Trung thu nghiễm nhiên trở thành Tết của các em từ hàng ngàn năm nay.

Đức Nhân

Wednesday 14 September 2011

RỘN RÀNG TẾT TRUNG THU

Cứ đến rằm tháng 8 hàng năm, các em nhỏ lại nhộn nhịp nô nức kèn trống lung linh sắc màu cùng đi rước đèn, xem múa lân trên khắp mọi nẻo đường. Những cơn mưa rào nặng hạt ở Huế dường như không ngăn được niềm vui rộn ràng vui sướng khi đây là dịp các em thõa sức vui chơi thỏa thích sau những giờ học căng thẳng. Trong khi người lớn thì uống rượu, thưởng trăng và hát trống quân thì các cô bé, cậu bé tỏ ra hóa hức khi được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân hay súng phun nước..rồi bánh nướng, bánh dẻo. Và cứ vào các tối từ 13- 15 các em sẽ rước đèn đi xem múa lân, hát ca các bài hát trung thu và cùng cha mẹ phá cỗ.
Tết trung thu được coi là Tết của trẻ em hay còn gọi là “Tết Trông Trăng”, một cái tết mà ở đó, các em được phát huy hết các đức tính tốt đẹp của mình, được vui chơi thõa thích, được hòa mình vào trong thiên nhiên kỳ thú và được đắm mình trong vòng tay yêu thương nhân ái của mọi người. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều trẻ em nghèo trên địa bàn thành phố hay những em đến từ vùng sâu vùng xa thì việc nhận đèn lồng, bánh trung thu hay đơn giản chỉ là đùa vui trong tiếng trống rộn ràng quả thật vẫn còn là cái gì đó xa xỉ, và dương như quá xa vời với các em. Do đó mà hành động chung tay vì cộng đồng, vì quyền lợi của trẻ em nghèo như thăm và tặng quà hay chỉ là tổ chức một bữa tiệc trung thu đơn giản và ấm cúng cùng nhau phá cổ trăng rằm cũng phần nào mang laị niềm vui giúp các em đón một cái tết trung thu khá trọn vẹn và thực sự có ý nghĩa.
Có thể nói, lễ hội trung thu hàng năm đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt, một nét văn hóa cần phải được giữ gìn và bảo tồn. Có lẽ bất cứ một người Việt Nam nào cũng có tuổi thơ và đều có những giờ khắc tưng bừng vui đón tết Trung Thu.  Vui vì được rước đèn, được tự tay nhặt từng hạt bưởi để xâu thành một chuỗi phơi khô làm đèn thắp đêm Rằm tháng tám, để rồi khi thành người lớn có gia đình và rồi lại sắm tết cho con cái, nhìn chúng múa hát đón trăng trong lòng ai không khỏi bồi hồi nhớ về một mùa trăng năm nào, bên tai lại vọng về bài hát cũ”.
                                    Ngọc Thủy

Monday 12 September 2011

TỘI ÁC VÀ TRỪNG PHẠT

Wikipedia đã tóm tắt tập tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoevsky như dưới đây:
 Rodion Romanovich Raskolnikov
Tội ác và trừng phạt tập trung vào nhân vật trung tâm Rodion Romanovich Raskolnikov, một sinh viên trường luật ở Petecbua. Raskolnikov xuất thân từ một gia đình nghèo ở nông thôn, bà mẹ không đủ điều kiện nuôi anh ăn học đến ngày thành đạt, cô em gái Dunhia giàu lòng hy sinh phải làm gia sư cho gia đình lão địa chủ quý tộc dâm dục Arkady Ivanovich Svidrigailov để nuôi anh. Nhưng vốn là một cô gái thông minh, giàu tự trọng, Dunhia bỏ việc dạy học vì bị lão địa chủ Svidrigailov ve vãn hòng chiếm đoạt, mặc dù lão đã có vợ con. Đời sống gia đình ngày càng khó khăn khiến Raskolnikov phải bỏ học giữa chừng. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, một người mối lái đưa Pyotr Petrovich Luzhin (Luzhin), một viên quan cao cấp ngành Toà án ở Thủ đô đến gặp Dunhia hỏi vợ.
Do đời sống thiếu thốn, hàng ngày chứng kiến nơi cái xóm trọ toàn dân nghèo với bao cảnh đời lầm than, cùng quẫn, lại bị tiêm nhiễm bởi triết lí người hùng khi mơ tưởng một ngày sẽ được như Napoléon Bonaparte, Raskolnikov tự coi mình là phi thường, thường xuyên khép kín lòng mình, bơi mải miết trong những suy tư đơn độc, nung nấu những căm uất về tình trạng bất công, phi nghĩa của xã hội và tìm kiếm lối thoát bằng sức lực của cá nhân mình. Những lý do đó đã khiến chàng, trong một lần nọ, đã quyết định đến nhà mụ cầm đồ Alyona Ivanovna giàu nứt đố đổ vách, lạnh lùng lấy búa bổ vỡ đầu mụ và cướp tiền bạc, châu báu. Sau khi mở được két tiền, quay ra chàng gặp ngay em gái mụ cầm đồ, Elizabet. Vì quá hốt hoảng Raskolnikov vung búa đập chết luôn ả. Trốn khỏi căn nhà mụ cầm đồ, chàng giấu kín gói đồ cướp được dưới một tảng đá và không dám tiêu một đồng mặc dù không còn một xu dính túi. Sau vụ giết người khủng khiếp đó, dù chưa bị phát hiện, lương tâm của Raskolnikov vẫn bị dày vò triền miên. Chàng như người mất hồn tâm thần hoảng loạn, đêm nằm mê sảng vật vã, ngày đi lang thang vơ vẩn.
Trong một hôm uống rượu giải khuây, trong quán tình cờ Raskolnikov tâm sự với một bác công nhân già nát rượu Semyon Zakharovich Marmeladov và biết được Sonya, con gái bác phải bán thân để nuôi cả cha, mẹ kế và các em trong khung cảnh đói rét và bệnh tật. Raskolnikov đã đến với Sonya để rồi tình cảm giữa chàng và Sonya ngày càng gắn bó.
Trong lúc đó, Dunhia tuy chưa rõ Luzhin là kẻ tốt hay xấu, nhưng cả mẹ và nàng đều tìm thấy ở con người có thế lực giàu sang này chỗ dựa chắc chắn về kinh tế, không chỉ giúp gia đình mà cả con đường công danh của Raskolnikov về sau. Thương anh và thương mẹ, Dunhia đã nhận lời đính hôn với Luzhin, người có thể trở thành chỗ dựa kinh tế cho gia đình nàng, đồng ý cùng mẹ về sống ở thủ đô để chuẩn bị lễ cưới. Biết chuyện Raskolnikov ra sức chống lại đám cưới của Dunhia và Luzhin, vì chàng hiểu rõ bản chất đồi bại bỉ ổi của kẻ tai to mặt lớn này trong giai đoạn chàng còn ở Petecbua. Chàng cho rằng nếu để em gái Dunhia cưới Luzhin thì không khác nào đồng ý cho Dunhia đi làm đĩ như số phận của Sonya. Như vậy là phạm tội ác đến hai lần, không chỉ giết chết nhân phẩm của Dunhia mà còn giết chết cả nhân phẩm của chính mình. Raskolnikov đã không ngần ngại đuổi Luzhin ra khỏi nhà ngay trước mặt mẹ và em gái.
Đang đi lang thang trên phố, thấy bác công nhân Marmeladov nát rượu bị xe ngựa cán ngã lăn ra đường mê man bất tỉnh, Raskonikov đã vội vàng đưa bác về nhà, rồi tự tay bỏ tiền ra lo việc ma chay cho gia đình của Sonya. Từ đó tình yêu giữa chàng và Sonya ngày càng thắm thiết.
Luzhin, với bản chất xấu xa của hắn, không quên mối nhục và tìm cách trả thù Raskolnikov. Nhân lúc nhà Sonya có tang, hắn giả vờ xót thương gọi Sonya tới nhà mình và cho nàng 10 rúp nhưng lại lén bỏ vào trong túi nàng một tờ 100 rúp. Sau đó, hắn đến đám tang, đột ngột bước vào không thèm chào hỏi ai và đến trước mặt bà mẹ góa kêu ầm lên là mất tờ 100 rúp hắn để trên bàn vào lúc Sonya tới nhà hắn. Hắn cả quyết rằng chỉ có Sonya lấy cắp, đòi khám áo Sonya và thấy quả là từ đáy túi áo ngoài của nàng rơi ra một tờ giấy 100 rúp được gấp làm tám. Luzhin la toáng lên yêu cầu gọi cảnh sát đến bắt Sonya. Mục đích của hắn nhằm bôi xấu Raskolnikov và cứu vãn danh dự của bản thân: sở dĩ hắn không kết hôn được với Dunhia bởi ông anh trai nàng có người tình là kẻ ăn cắp. Nhưng trong lúc hắn đang hí hửng vì hạ nhục được Raskolnikov trước đông đảo mọi người, thì bạn của hắn, trước đó vô tình đứng ngoài cửa đã chứng kiến Luzhin bỏ tờ giấy bạc 100 rúp vào túi Sonya, tưởng Luzhin cho tiền để giúp đỡ Sonya. Anh bạn đã vạch mặt trò bịp này của Luzhin và không thể chối cãi, Luzhin bẽ mặt lủi thủi ra về.
Raskolnikov vẫn triền miên trong nỗi ân hận dày vò vì đã giết người cướp của. Tâm trí chàng luôn căng thẳng, vừa vì sự lẩn tránh tội lỗi, vừa vì những dằn vặt ám ảnh của bản thân khiến toàn thân chàng nhiều lúc rã rời, đầu óc muốn nổ tung, và đã tâm sự với Sonya rằng anh giết người bởi muốn trở thành một Napoléon Bonaparte (?). Trong một lần tự đối thoại với chính mình, chàng đã liên tục tự hỏi "ta là con sâu con bọ run rẩy hay ta có quyền lực?", và khi hiểu ra phần nào chàng đã thốt lên “ta đã giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lí”. Với chàng lúc này hình phạt ghê gớm nhất không phải là tù đày mà là nỗi nhức nhối dai dẳng vì đã giết chết nhân phẩm của mình và cắt đứt quan hệ với những người thân thiết.
Dunhia hết sức đau khổ vì sự cùng quẫn của anh trai nhưng vẫn không thể tìm lối thoát. Trong lúc đó lão địa chủ Svidrigailov vẫn không từ bỏ ý định theo đuổi nàng, thậm chí hắn đã giết cả vợ. Song hắn không thể chinh phục nổi người con gái trong sáng và nghị lực ấy. Vốn là kẻ giàu có lại sống trụy lạc, hắn định kết hôn với một cô gái rất trẻ, con một quý tộc bị phá sản đang cần nơi nương tựa. Nhưng rồi trong một cơn khủng hoảng, bất ngờ hắn đã rút súng lục tự tử ngay gần bốt cảnh sát, để lại một bức thư tuyệt mệnh xác nhận rằng hắn tự tìm đến cái chết. Trước đó hắn đã vĩnh biệt Sonya, người sống cạnh buồng trọ của hắn, và tặng nàng số tiền 3000 rúp để giúp đỡ gia đình nàng sinh sống. Còn Raskolnikov sau chín tháng dằn vặt đã đến tòa tự thú. Xét thấy thần kinh của chàng không ổn định, trước vành móng ngựa tòa miễn tội chết cho Raskolnikov và đày chàng biệt xứ ở Sibiria trong 8 năm khổ sai. Sonya, người con gái đau khổ với trái tim tràn ngập bác ái đã tự nguyện gắn bó đời mình với người yêu nơi đày ải khắc nghiệt ấy.”
Lời bình người đọc truyện:
Gây ra tội ác tất phải bị trừng phạt. Người còn lương tâm thì lương tâm sẽ tự vấn và dằn vặt, khó mà sống thanh  thản vô tư. Người vô lương tâm, vô cảm nếu không bị pháp luật ra tay trừng trị thì cũng bị hành hạ dập vùi bởi luật quả báo luân hồi, chỉ việc  bị trừng trị  nhanh hay chậm mà thô!.
Thế nào là tội ác? Các nhà đạo đức học, nhà làm luật, nhà truyền giáo, nhà giáo...thì tội ác được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau căn cứ vào hành vi của một đối tượng cụ thể gây thiệt hại và tạo  ảnh hưởng xấu cho con người, tự nhiên, xã hội. Theo nhận thức ngày càng cao của con người nhiều hành vị được liệt vào hành động gây tội ác, ví dụ : Tham nhũng là tội ác. Sống xa hoa từ đồng tiền không do mình làm ra trong khi những người xung quanh còn có cuộc sống khó khăn, chạy ăn từng bữa là tội ác. Lừa phỉnh cộng đồng bằng những lời ngon ngọt và có hành động che dấu hành tung bất hảo, không chính danh của một cá nhân, một tổ chức là tội ác...
Có những tội ác mà trời không dung, đất không tha như phản bội lý tưởng của dân tộc yêu hòa bình, cầu vinh bản thân mà bán thân mình làm tay sai ngoại bang, phản bội tổ quốc.
Đặc biệt, tội ác của kẻ ngoại bang hoặc cấu kết với ngoại bang gieo rắc tai họa cho đất nước và dân tộc ta chắc chắn sẽ bị trừng phạt tức thời. Lịch sử giữ nước oanh liệt của dân tộc Việt Nam đã chứng minh hùng hồn điều đó. Việt Nam chúng ta là dân tộc yêu hòa bình, song hành động bảo vệ từng thước đất của tổ tiên chắc cũng đã thuận theo lẽ trời đất cho nên dù có gặp nhiều gian nan thử thách nhưng đã thành công và chắc chắn sẽ thành công hiển vinh hơn nữa..

PVH

Friday 9 September 2011

Tiết kiệm năng lượng điện trong gia đình

 Để tiết kiệm điện năng sử dụng trong gia đình, các bạn nên làm theo các cách sau:

 1. Lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện:
 
Các thiết bị điện, thế hệ càng mới khả năng tiết kiệm điện càng cao. Khi chọn lựa thiết bị điện quay (bơm nước, quạt điện, máy giặt...), bạn nên chọn động cơ có nhiều nấc tốc độ hoặc có biến tần đi kèm để tiết kiệm điện. Với bóng đèn, bạn nên sử dụng đèn tuýp gầy và compact thay cho bóng đèn tròn vì bóng đèn tròn tiêu thụ điện gấp 3-4 lần.

 2. Lắp đặt thiết bị hợp lý, khoa học:
 
Biện pháp này cũng góp phần tiết kiệm điện rất lớn. Ví dụ: Máy bơm đặt ở vị trí thích hợp sẽ giúp bể nước của bạn nhanh đầy hơn. Trong nhà nên quét vôi hoặc lăn tường bằng màu sáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm một phần ánh sáng điện.

 3. Điều chính thói quen sử dụng đồ điện trong gia đình:
 
Tủ lạnh: Hạn chế mở tủ để đỡ tốn điện. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3 - 6độC. Với chế độ đông lạnh thì để - 15độC đến -18độC. Cứ lạnh hơn 10độC là tốn thêm 25% điện năng. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều nên rất tốn điện.

 Máy điều hoà nhiệt độ: Hãy để nhiệt độ ở mức trên 20độC. Cứ cao hơn 10độC là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng. Nếu bạn thường xuyên lau chùi bộ phận lọc thì sẽ tiết kiệm được từ 5 - 7% điện năng. Nếu đặt máy xa tường bạn sẽ tiết kiệm 20 - 25% điện năng. Nên tắt máy điều hòa nếu bạn vắng nhà 1 giờ trở lên.

 Quạt: Nên cho quạt chạy ở tốc độ thích hợp để tiết kiệm điện vì quạt càng chạy nhanh càng tốn điện. Nhớ rút phích cắm điều khiển từ xa ở quạt sau mỗi lần sử dụng.

 Máy tính: Màn hình máy tính có độ sáng càng cao, màu càng đậm thì càng tốn điện. Nên tắt máy tính nếu như bạn không có ý định dùng trong vòng 15 phút. Hãy chọn chế độ tiết kiệm điện năng trong máy tính (Screen Save) để vừa bảo vệ được máy, vừa giảm được khoảng 55% lượng điện năng tiêu thụ trong thời gian tạm dừng sử dụng máy (down-time).

 Bàn là: Không dùng bàn là trong phòng có bật máy điều hoà nhiệt độ hoặc khi quần áo còn ướt. Lau sạch bề mặt kim loại của bàn là sẽ giúp bàn là hoạt động có hiệu quả hơn. Sau khi tắt điện, bạn còn có thể là được 2 bộ quần áo nữa vì nhiệt của bàn là giảm chậm.

 Máy giặt: Chỉ dùng máy giặt khi có đủ lượng quần áo để giặt và chỉ dùng chế độ giặt nước nóng khi thật cần thiết.

 Lò vi sóng: Không bật lò vi sóng trong phòng có điều hoà nhiệt độ, không đặt gần các đồ điện khác để khỏi ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của các đồ điện này.

 Ti vi: Không nên để màn hình ở chế dộ sáng quá để đỡ tốn điện. Không nên tắt ti vi bằng điều khiển từ xa mà nên tắt bằng cách ấn nút ở máy. Không xem ti vi khi đang nối với đầu video. Nên chọn kích cỡ ti vi phù hợp với diện tích nhà bạn vì ti vi càng to càng tốn điện.

Ngọc Thủy (st)

Wednesday 7 September 2011

Các mẹo nhỏ giúp bạn

Cách giữ gìn đồ dùng bằng da
Giày da quá cũ, phải làm sao?
Giày da để lâu ngày không sử dụng thì bị méo mó vì khô cứng. Muốn cho da mềm lại, bạn lấy nửa trái chanh chà lên mặt da. Sau đó lấy giẻ chùi đi chùi lại cho thật khô, rồi mới đánh si lên.
Cách giữ cặp da luôn láng đẹp
Muốn cặp da luôn láng đẹp, bạn đừng dùng si đánh giày thoa lên cặp vì khi bạn ôm vào mình, quần áo sẽ bị lấm dơ. Thỉnh thoảng, bạn nên lấy khăn mềm thấm lòng trắng trứng gà (đã đánh thật đều) chà lên lớp da ngoài. Sau đó bạn cứ để nguyên cho thật khô.
Săn sóc ghế bọc da
Các vật dụng có bọc da như salon, băng, ghế... muốn được bền đẹp, bạn lấy tròng trắng trứng gà thêm vào vài giọt chanh, đánh cho đều, lấy giẻ thấm hợp chất này chùi lên mặt da. Làm cách này, mặt da sẽ bóng và tăng độ bền.

Ðánh bóng vật dụng bằng đồng hay thau
Vật dụng bằng đồng thau xài lâu ngày bị lên ten xanh xám, muốn đánh bóng cho đẹp, bạn hãy trộn muối với dấm ăn mà chà. Sau đó rửa lại bằng nước sạch, rồi lau khô.
Ðối với những vật dụng nho nhỏ bằng đồng thau, bạn có thể nấu sôi dấm có bỏ vô nhúm muối, rồi để vật dụng vào, sau đó vớt ra xối nước rửa sạch, lau khô.

Làm sạch một số vật dụng gia đình
Cách khử cặn chè trong ấm
Ấm pha trà dùng lâu ngày thường bị bám một lớp cáu bẩn của cặn chè trong đáy ấm, rất khó rửa sạch bằng nước và nước rửa chén thông thường. Cách tẩy rửa sạch như sau: Lấy giẻ tẩm chút thuốc đánh răng rồi cọ, cáu bẩn sẽ hết ngay, ấm lại sạch như mới.
Cách khử cặn đóng trong phích nước
Phích đựng nước dùng lâu cũng thường có cặn bám trong ruột phích, vì vậy khả năng giữ nhiệt bị giảm. Để tẩy các cặn đó, bạn hãy rót 0,5l giấm đã đun nóng vào phích, đậy nắp ngâm một lúc rồi đổ đi, rửa sạch, các cặn bám trong phích sẽ bong ra hết.
Dùng bã chè làm sạch bệ bếp
Bệ bếp thường hay bám dầu mỡ, để lâu ngày còn gây ra “mùi nhà bếp” rất khó chịu, nhất là ở các căn hộ chật hẹp. Để lau sạch, bạn hãy đổ bã chè lên bệ bếp, chè sẽ hút hết mỡ bám, bạn dùng giẻ lau bệ bếp sạch bong.
Khử mùi tanh hôi trong bếp
Sau khi bạn nướng hoặc rán cá, thịt, thường có mùi khó chịu tích tụ trong bếp do mùi tanh và mùi cháy khét. Để khử mùi tanh đó bạn bóc vỏ chanh cho vào nồi đun sôi, hoặc đốt ít vỏ quýt đã phơi khô, chỉ một lát sau mùi tanh hôi trong bếp sẽ hết.

Cách giữ gìn nữ trang bằng vàng
Các nữ trang bằng vàng khi bị đóng dơ làm cho nước vàng bị mờ đi. Muốn cho nó sáng đẹp, bạn hãy ngâm vào nước xà bông có pha một ít alcool 900, rồi chùi bằng vải sạch.
Hoặc để vàng luôn sạch và đẹp, mỗi tuần bạn nên dùng bàn chải đánh răng nhúng vào xà phòng hoặc kem đánh răng chải rửa trong và ngoài món nữ trang để tẩy đi bụi bẩn và mồ hôi bám vào.
Ở những nơi khí hậu ẩm nên chải rửa mỗi tuần 2 lần. Nên nhớ khi nữ trang bị ướt, không nên để nữ trang tự khô mà phải dùng vải thun cotton hoặc giấy thật mềm để lau khô. Sau nhiều tháng, vàng sẽ giảm đi độ bóng, bạn nên đến cửa hàng vàng đánh bóng lại. Tiền công không đắt lắm.
Bạn không nên để thuốc uốn tóc, nhuộm tóc và một số loại mỹ phẩm dính vào, nếu không sẽ làm cho vàng của bạn bị biến màu.
Ngọc Thủy (St)

Monday 5 September 2011

SỰ KHAN HIẾM NƯỚC NGỌT

Nhìn vào bản đồ thế giới, đâu đâu ta cũng thấy mênh mông là nước. Đại dương bao quanh lục địa. Rồi mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Lại có những hồ lớn nằm sâu trong đất liền lớn chẳng kém gì biển cả. Cảm giác đó khiến nhiều người trong chúng ta tin rằng thiếu gì thì thiếu chứ con người và muôn loại trên quả đất không bao giờ thiếu nước. Xin được nói ngay rằng nghĩ như vậy là nhầm to. Đúng là bề mặt quả đất mênh mông là nước, nhưng đó là nước mặn chứ đâu phải là nước ngọt, lại càng không phải là nước sạch mà con người và động vật, thực vật quanh ta có thể dùng được. Hai phần ba nước trên hành tinh mà chúng ta đang sống là nước mặn.
Trong số nước ngọt còn lại thì hầu hết bị đóng băng ở Bắc Cực, Nam Cực và trên dãy núi Hi-ma-lay-a. Vậy thì con người chỉ có thể khai thác nước ngọt ở sông, suối, đầm, ao, hồ và nguồn nước ngầm. Số nước ngọt như vậy không phải là vô tận, cứ dùng hết lại có mà đang ngày càng bị nhiễm bẩn bởi chính con người. Đủ thứ rác thải, từ rác thải vô cơ, hữu cơ, những thứ rác có thể tiêu hủy được tới cả những thứ hàng chục năm sau chưa chắc đã phân hủy, cả những chất độc hại được vô tư ngấm xuống đất, thải ra sông suối. Như vậy là nguồn nước sạch lại càng khan hiếm hơn nữa.
Theo tổ chức Y tế thế giới, trên hành tinh có khoảng hai tỉ người đang sống trong cảnh thiếu nước ngọt để dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Dự báo tới năm 2015 một nửa dân số trên hành tinh sẽ rơi vào hoàn cảnh không đủ nước để dùng. Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, con người ngày càng sử dụng nước nhiều hơn cho mọi nhu cầu của mình, trong khi dân số thì ngày mỗi tăng lên. Người ta đã tính được những phép tính đơn giản rằng để có một tấn ngũ cốc cần phải sử dụng 1.000 tấn nước, một tấn khoai tây cần từ 500 đến 1.500 tấn nước. Để có một tấn thịt gà ít nhất cũng phải dùng tới 3.500 tấn nước, còn để có một tấn thịt bò thì số nước cần sử dụng còn ghê gớm hơn: từ 15.000 đến 70.000 tấn. Rồi còn bao thứ con vật nuôi, cây trồng khác để phục vụ nhu cầu của con người, mà chả có thứ gì mà lại không cần có nước. Thiếu nước, đất đai sẽ khô cằn, cây cối, muôn vật không sống nổi. Mà nguồn nước ngọt lại phân bố rất không đều, nơi lúc nào cũng ngập nước, nơi lại rất khan hiếm. ở nhiều nơi, chẳng hạn vùng núi đá Đồng Văn, Hà Giang, để có chút nước ngọt, bà con phải đi xa vài cây số để lấy nước. Các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng ở vùng núi đá này đang có nguồn nước ngầm chảy sâu dưới lòng đất. Để có thể khai thác được nguồn nước này sẽ vô cùng gian khổ và tốn kém vì khắp mọi nơi đều trập trùng núi đá. Chớ nghĩ rằng nơi nào không có sông suối chảy qua thì cứ khoan sâu, khoan thật sâu xuống lòng đất là có thể lấy được nước. Do việc sử dụng bất hợp lý và rất lãng phí, các nguồn nước ngầm cũng đang cạn kiệt dần. Thì ở khu vực Tây Nguyên, mấy năm nay, vào mùa khô, bà con ta phải khoan thêm rất nhiều giếng mới có thể có nước để dùng hằng ngày đấy thôi. Vùng Ca-ta-lô-nhi-a của Tây Ban Nha bao đời nay, mấy triệu người dân ở đây vẫn sống nhờ vào nước ngầm. Nay nguồn nước này đang cạn kiệt tới mức Nhà nước phải đàm phán với Pháp để dẫn nước ngọt từ sông Rôn sang nước mình. Nói như vậy để thấy mục tiêu mà nhà nước ta đề ra trong chiến lược quốc gia về cấp nước và vệ sinh nông thôn là phấn đấu để đến năm 2010 sẽ có 85% dân cư sống ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (60 lít/người mỗi ngày), và tới năm 2020 thì tất cả người dân sống ở nông thôn đều được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Để đạt được mục tiêu này cần một cuộc phấn đấu gian khổ, để có nước ngọt để dùng ở các vùng rộng lớn như vùng cao, vùng sâu, vùng xa - nơi địa hình phức tạp, mức sống của người dân còn rất thấp, đã rất khó huống chi phải có nước sạch, hợp vệ sinh cho sinh hoạt hằng ngày của người dân. SNước ngọt đang ngày càng khan hiếm và để có nước sạch, hợp vệ sinh để dùng rất tốn kém. Vì vậy, cùng với việc khai thác các nguồn nước ngọt để dùng, con người ngày càng phải sử dụng một cách hợp lí, tiết kiệm tài nguyên nước.

Đức Nhân