Wednesday 30 September 2015

BỮA CƠM NGOẠI GIAO.


Chặng dừng chân đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên đất Mỹ. Tuy không phải là quốc yến nhưng rõ ràng đây là một buổi chiêu đãi ngoại giao cũng đồng nghĩa mọi chi tiết nhỏ nhất cũng phải được xem trọng.
Nhưng lạ thay, đáng lẽ ra buổi cơm ngoại giao của nước chủ nhà phải mang đậm chất người Mỹ nhưng trong thực đơn mời ông Tập Cận Bình lạ có món Wasabi đâm chất món ăn truyền thống của nước Nhật, không thể nhầm với một món ăn của bất kỳ quốc gia nào khác. Ai cũng biết từ xưa đến nay hai quốc gia Nhật và Trung Quốc chả mấy êm thấm. Vậy chẳng có lý do gì mà Mỹ lại mời món ăn Nhật trong buổi gặp mặt đầu tiên với lãnh đạo Trung Quốc.
Ngoài món wasabi thì còn một số món được dùng bằng tiếng Nhật nhưng vẫn có thể thay bằng tên thông dụng như “daikon” tên thông dụng là “white radish”. Người Nhật có món đậu nành luộc hay gọi là “edamame” trong khi đó vẫn có thể thay thế bằng từ “green soy bean”
Phải chăng người anh cả về kinh tế và quân sự có dụng ý trong món ăn mời lãnh đạo Trung Quốc!? Có thể Mỹ muốn hóa giải những điều không êm thắm giữa hai quốc gia này. Hoặc cũng có thể dụng ý người Mỹ muốn cho anh Trung Quốc biết rằng là: Nhật ở trong bụng của Trung Quốc, mọi hành động của Trung Quốc đều không thể qua mặt được”
Theo thiển ý của người viết thì cũng có thể ban tổ chức trong buổi tiệc muốn thể bày tỏ quan điểm đồng thuận với ông Tập Cận Bình về việc chống chi tiêu lãng phí mà ông Tập Cận Bình đang phát động tại quốc gia mình. Họ cũng không muốn nhà lãnh đạo khó xử trong bữa tiệc quá hào nhoáng và đắt tiền.
Nguyễn Đức Nhân
Cử Nhân Công Tác Xã Hội
Cử Nhân Luật học

Monday 28 September 2015

HÃY BIẾT ƯỚC MƠ


Ước mơ chính là nguồn động lực thật sự của cuộc sống, là hạt mầm của mọi thành công khi được “vun trồng” bằng ý chí, lòng quyết tâm và sự nổ lực bền bỉ. Con người sống thì phải biết ước mơ và tin tưởng, dẫu không phải ước mơ nào rồi cũng sẽ trở thành hiện thực. Trong cuộc đời, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ để luôn hy vọng, sống lạc quan và tránh rơi vào tâm trạng bi quan, tuyệt vọng. Vậy hãy mơ những gì mà mình muốn có, làm những gì mà mình muốn đạt được để có được hạnh phúc trong cuộc đời.

Muốn hiện thực hóa ước mơ, hãy biến ước mơ thành khát vọng cháy bỏng, tự tin và hành động kiên trì để biến niềm tin, ước mơ thành hiện thực. Chỉ khi ước mơ trở thành niềm đam mê bất tận và mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường được mới là điều bắt buộc ta phải đi đến tận cùng.
Những việc nhỏ đó có thể là những công việc hết sức bình thường nhưng có giá trị giúp ta tự lập nuôi sống bản thân trong những bước đi đầu tiên. Những công việc bình thường ấy có thể giúp ta khám phá ra muôn mặt của cuộc sống quanh ta mà trước đây vì mãi mê với sách vở và với cả những ước mơ lớn mà  ta chưa chú ý. Kinh nghiệm sống, cách ứng xử, sự cảm thông và cả những cảm hứng sáng tạo, óc tưởng tượng là những điều ta có thể thu nhận được khi làm “những công việc nhỏ”. Miễn là chúng ta làm với sự say mê, lòng tận tụy trong khi vẫn trung thành với những ước mơ lớn của mình. Những việc nhỏ đó có thể là những hành vi trong cuộc sống đời thường mà ta cần có ý thức thực hiện hằng ngày để biến chúng thành những thói quen tốt, cần thiết cho cuộc sống văn minh, hiện đại. Chẳng hạn như trong ứng xử nơi công công: việc xếp hàng, tôn trọng luật đi đường và không xả rác tùy tiện…những việc được xem là nhỏ này đang trở thành vấn nạn lớn cho nhiều thành phố và không ít người trẻ là tác nhân gây hại. Cũng như thói quen tập thể dục, đọc sách thường xuyên để có được “ môt tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” cũng được nhiều bạn trẻ không mấy chú ý vì xem đó là chuỵện nhỏ chưa đáng quan tâm. Rồi những ứng xử cần thiết trong đời sống gia đình mà nhiều bạn trẻ với lý do ngụy tín vì công việc lớn nên xem nhẹ để rồi khi nhận ra giá trị  của chúng thì đã muộn.
Hãy biết ước mơ lớn nhưng dám và biết bắt đầu  từ những công việc nhỏ, những hành vi nhỏ.  Bắt đầu với những công việc nhỏ, với những thành công nhỏ để tích lũy kinh nghiệm, nuôi dưỡng ý chí và khẳng định dần bản thân là con đường phù hợp và đúng đắn để chạm tay vào thành công trong tương lai.

Nguyễn Thị Khánh Linh
Cử nhân Anh Văn
Trung cấp kế toán

Friday 25 September 2015

Trung thu yêu thương..


Buổi tối đang ở nhà, nghe tiếng trống múa lân, đứa con đòi tôi: “chở con đi xem múa lân với”, tôi chợt nhận ra rằng: “à, con bây giờ đã biết đến Trung thu rồi”. Năm ngoái, cu cậu nghe tiếng trống chỉ đòi mua cho được cái trống thôi, không nghĩ là có múa lân vì rất sợ ông lân, ông địa nên có dám nhìn đâu.

Trung thu lại về không nhộn nhịp như ngày xưa vì bây giờ các đội múa lân nhỏ không ít thì nhiều đã không còn, nhường lại cho các đội múa lân lớn có tổ chức quy mô hơn.

Nhớ lại ngày xưa, các đội múa lân không phân biệt lớn nhỏ cùng nhau góp vui cho đêm Trung thu thêm phần sôi động và nhộn nhịp. Các ngày trước đêm Trăng tròn, các đội múa nhỏ bỏ công chăm chỉ tập luyện để được mọi người mọi nhà chú ý và treo thưởng xứng đáng. Ngày nay, các đội múa lân nhỏ của các em thiếu nhi đã dần ít đi cũng do phần lớn mọi nhà đã không còn hứng thú như lúc xưa mà cứ nghĩ múa lân bây giờ là phải thật to, thật lớn và thật hoành tráng.

Trung thu là của nhi đồng, của các em thiếu nhi..vậy mà người lớn đã ít nhiều quên mất. Nghĩ lại không có những đêm Trung thu nào đẹp nhất như ở Huế. Chị tôi ở TP Hồ Chí Minh thường kể rằng: Trung thu ở trong đó không có các đội đi múa từng nhà, từng xóm, mọi ngóc ngách như ở Huế, Trung thu trong đây người dân thích đi chơi phố, xem múa lân của các đoàn lớn tập trung tại một điểm đâu đó, có tổ chức bài bản. Cũng đúng thôi, một thành phố lớn mà..

Mong rằng một mùa Trung thu mới lại về đầy ắp tình yêu thương và tiếng cười cho các em nhỏ, các em nghèo không đủ điều kiện vui cùng đêm Trung thu sẽ không còn xa nữa.

Trương Hữu Quốc Huy
Cử nhân Công nghệ thông tin
Cử nhân Kế toán

Wednesday 23 September 2015

NHỌC NHẰN MƯU SINH ĐÊM MƯA DẦM XỨ HUẾ



Mưa dầm xứ Huế từ xa xưa đã đi vào ký ức mỗi người. Mưa dầm xứ Huế thường diễn ra vào tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Nó không ồn ào, dữ dội, mà dai dẵng, dầm dề, da diết, buồn bã. Mưa dầm xứ Huế mới chính là những cơn mưa dầm không ai có thể quên được với những ai sinh ra và lớn lên ở Huế, những ai từng sống ở Huế và thậm chí cả những du khách chỉ đặt chân đến Huế một vài lần.
Đêm mưa dầm xứ Huế lại càng thê lương, xót xa hơn đối với những người bán hàng rong mưa sinh qua ngày. Đối với mọi người đến Huế dù chỉ một lần, dù cố quên nhưng cũng không thể quên được gió mưa não nề đêm về, không sao quên được tiếng rao chìm vào đêm mưa của những người bán hàng rong trong cơn lạnh buốt, mưa dầm. Tiếng rao lúc trầm lúc bổng trong đêm mưa dường như người bán hàng đã mệt nhoài, nghe sao quá dây dứt, thâm trầm, làm xao động lòng người. Ai có thể cố quên được?
          Gió lạnh như dao cắt, cơn mưa vẫn rì rào không ngớt, như muốn thử thách lòng người xứ Huế. Và dường như người bán hàng rong vẫn không chịu khuất phục: mưa cứ rơi, mà chân người cứ bước, quanh co tất cả các ngõ phố, mọi nhà đã im lìm đóng cửa đi ngủ, mong sao hàng rong mau vơi đi cho đỡ nỗi buồn, hiu quạnh.
          Chỉ còn khoảng một tháng nữa là lại đến mùa mưa dầm xứ Huế. Đối với du khách thì nó đẹp, thơ mộng, lãng mạn...nhưng với nhiều người khác thì nó mang lại cảm giác buồn rười rượi, lắt liu, nhớ nhung, da diết, thâm trầm; và đặc biệt hơn nó khắc sâu thêm những ký ức, những nỗi nhọc nhằn cho người bán hàng rong vốn đã lặn lội đêm khuya vất vả, tủi cực. Mong sao cho người bán hàng rong đôi tay rắn chắc, đôi chân vững vàng và một tinh thần tràn đầy nghị lực, để chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt, để ngày mai lại tiếp tục hành trình gian khổ, để vượt qua những tháng ngày khó khăn này, để thay đổi cuộc sống đỡ khổ cực hơn.

Hồ Sơn
Cử Nhân Kinh Tế - Đại Học Kinh Tế Huế

Monday 21 September 2015

TẶNG ĐÀN ORGAN CHO CÁC TRƯỜNG MẦM NON





Với sự tài trợ của một nhóm thân hữu người Nhật, trong tuần này Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập – Huế đã tiến hành trao tặng hai cây đàn organ cho Trường Mầm Non An Hòa thuộc thành phố Huế và Trường Mầm Non Hương Vân thuộc thị xã Hương Trà nhằm giúp hai trường có điều kiện dạy nhạc cho các cháu được tốt hơn. Hoạt động tặng đàn organ cho các trường Mầm non được nhóm thân hữu người Nhật và Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập duy trì hàng năm, trung bình mỗi năm chúng tôi trao tặng khoảng 3 – 4 cây đàn cho các trường. Năm nay, ngoài hai trường đã được chúng tôi tặng đàn thì trong thời gian tới chúng sẽ tặng thêm một cây đàn nữa cho một trường Mầm Non ở địa bàn thị xã Hương Thủy. Phần lớn những trường được chúng tôi lựa chọn để tặng đàn organ là những trường nghèo với cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn và đặc biệt là chưa có đàn để phục vụ cho việc dạy nhạc cho các cháu. Hy vọng là những cây đàn mà chúng tôi trao tặng sẽ giúp cho các giáo viên và các cháu có điều kiện để dạy và học tốt hơn.

Nguyễn Xuân Quý

Cử nhân Kinh Tế

Friday 18 September 2015

PHONG CÁCH NHẬT


Theo lời mời của thủ tướng Shinzo Abe tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Nhật bản ngày 15/09 vừa qua. Đi theo đoàn Việt Nam đến thăm Nhật Bản toàn là những cán bộ cao cấp của chính phủ và Đảng. Qua buổi gặp mặt dễ dàng nhận thấy thủ tướng Shinzo Abe và Nhật Hoàng Akihito bày tỏ sự  nồng ấm và thân mật đối với tổng bí thư và ngược lại. Xét về nghi thức ngoại giao thì có thể thấy được quan hệ giữa 2 nước. Nhưng có một điều nều xét kỹ dễ dàng phát hiện, đó là trang trí tại nơi hội đàm. Nếu những người không biết văn hóa Nhật dễ lầm tưởng nước Nhật không tôn trọng khách mời.  
          Phải chăng nước Nhật nghèo đến nỗi lãnh đạo Việt Nam đến thăm mà không có nổi một bình hoa đẹp đáng giá!?, phòng họp thì quá sức đơn giản thậm chí là sơ sài, ghế ngồi thì của lãnh đạo thì quá bình thường…
Kính thưa, không phải như vậy. Được biết hoàng gia Nhật và chính phủ Nhật không xa hoa như những vua chúa và lãnh đạo của các nước khác. Nhật là một nước hùng cường, mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Nhật Bản được xếp hàng đầu trong những nước hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư. Họ (Nhật Bản) biết tiết kiệm nguồn ngân sách quốc gia, tiết kiệm tiền thuế của người dân, để khi cần họ có thể sử dụng nguồn ngân sách đó vào mục đính có lợi cho người dân và đất nước họ. Cũng như hỗ trợ cho những nước đang còn nghèo như Việt Nam .
Để có hình ảnh so sánh khi Nhật hoàng tiếp lãnh đạo Việt Nam cũng như lãnh đạo các nước khác thì có thể nhận thấy sự tiết kiệm của hoàng gia Nhật và chính phủ Nhật. Tháng 07/2013 hoàng gia Nhật tiếp tổng thống Pháp Francois Hollande, trên bàn tiệc không có đầy hoa trái hay các vật dụng châu báu gì cả.
  

Nguyễn Đức Nhân
Cử Nhân Công Tác Xã Hội, Cử Nhân Luật học 

Wednesday 16 September 2015

BÓNG CHÀY NHẬT


       Con đầu tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ.
Vừa rồi theo dõi, tôi thấy cháu có một số chuyển biến tự giác rất đáng khen.
Gần đây trong buổi tối gia đình dùng cơm chung, tôi có trao đổi với vợ về việc Hoa Kỳ sẽ thành lập trường đại học Fullbright tại Việt Nam (FUV). Được hỏi lại: tại sao quan tâm điều này, tôi mới trả lời rằng, những người bạn tôi quen biết sau khi học Fullbright và có chứng chỉ tốt nghiệp đều có sự thăng tiến ấn tượng trong cuộc đời. Tôi đã dẫn chứng sự thành công của người bạn đàn anh mà Tết vừa rồi đã cùng con trai đầu tới thăm nhà tôi. Anh từng học chương trình FB tại Hoa Kỳ từ năm 1995, ngay sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Nay anh là một nhân vật chủ chốt trong hội Anh Ngữ tại SGN.
3 người bạn khác người Huế, từng học CT Fullbrigth chi nhánh tại Tp HCM thì nay đều là những nhà quản trị cấp cao làm việc trong các công ty nước ngoài và cơ quan công quyền.
Cháu trai con đầu tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện trên và sau đó hỏi thêm: 
" Muốn thi vào FBV thì cần phải hội đủ tiêu chuẩn nào?" Theo kinh nghiệm của các bạn đi trước, tôi biết tiếng Anh và toán học là yêu cầu bắt buộc, nhưng khi trường FUV bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam thì không biết có thêm các yêu cầu bắt buộc nào khác hay không?. Cháu đầu con tôi có hơi năng khiếu về toán học, giao tiếp khá tiếng Anh, nhưng cháu biết rằng chỉ bấy nhiêu thôi thì không đủ để có thể theo học tại các trường đại học lớn có yêu cầu cao về sinh ngữ. Thế rồi cháu tự tìm đường đi riêng cho mình. Cháu đã tới các trung tâm dạy tiếng Anhtại Huế có người nước ngoài giảng dạy để tìm hiểu và quyết định chọn trung tâm sẽ theo học trong thời gian tới.
Gần đâychương trình VTV1 có đưa tin người Cuba đổ xô đi học tiếng Anh để mong kiếm được việc tốt ngay sau khi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận. 
Còn con tôi đi học thêm tiếng Anh để tìm kiếm một cơ hội được tiếp cận một nền giáo dục tiến tiến trong tương lai, đó là một sự tự chuyển biến lớn của cháu mà vợ chồng chúng tôi không ngờ tới.
Chưa hết, mấy ngày nay thấy tôi quan tâm thông tin chuyến thăm Nhật của TBT Việt Nam, thằng con út ghé tai tôi nói "Con thích qua Nhật du học để được chơi bóng chày Nhật. Nhưng con chỉ học tiếng Anh thôi, đó là tiếng quốc tế  thông, không học tiếng Nhật để bị cận như ba đâu!".
Là phụ huynh, còn gì vui bằng con trẻ mình trở nên tự giác, có niềm say mê học tập và ý chí đổi đời.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Monday 14 September 2015

TẶNG ĐÀN TRƯỜNG MẦM NON NẮNG HỒNG


Nhằm động viên, chia sẻ và giúp đỡ cho những trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn nghèo khó về cơ sở vật chất dạy và học. Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập đã tiến hành trao tặng 1 cây đàn ORGAN của gia đình ông SAITO (Nhật Bản) đến trường mầm non Nắng Hồng thuộc địa bàn phường Thủy Châu – thị xã Hương Thủy – tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trường mầm non Nắng Hồng là một trong số những trường có cơ sở trang thiết bị còn thiếu thốn trong địa bàn phường Thủy Châu. Với tổng cộng 7 phòng học bao gồm 150 cháu trong độ tuổi từ 24 tháng tuổi đến 5 tuổi được sự chăm sóc và nuôi dạy của 17 giáo viên và công nhân viên trong trường. Thăm và tặng quà tại đây, đại diện lãnh đạo địa phương cũng như hiệu trưởng trường đã gửi lời cám ơn chân thành đến nhà tài trợ và TT đã quan tâm đến trường, hỗ trợ trường cây đàn phục vụ tốt hơn cho việc dạy và học của cô cũng như các cháu trong trường.
Thông qua buổi tặng đàn, nhóm chúng tôi đã tiến hành giao lưu với cô và trò trường mầm non Nắng Hồng một vài bài hát về tuổi thơ. Không khí của buổi giao lưu càng thêm phần sinh động khi có sự hỗ trợ từ tiếng đàn mà chúng tôi mang đến. Các cháu nơi đây tỏ ra vui mừng khi được nhận món quà từ nhà tài trợ hết sức ý nghĩa. Hy vọng với sự hỗ trợ này, việc dạy và học của cô cháu nơi đây ngày càng tốt hơn.


Nguyễn Duy Tùng
Cử nhân Môi Trường
Đại học Đà Lạt

Friday 11 September 2015

ÔNG TOSHIYA MIURA


          Sau trận thắng đội tuyển Đài Loan một cách may mắn trong cuộc tranh vòng loại WC 2018 (đêm 8/9/2015), huấn luyện viên người Nhật, ông Toshiya Miura (MIU) đã bị chỉ trích dữ dội.
          Người hâm mộ mong muốn tuyển VN phải thắng đẹp và có lối chơi sắc nét, định hình, đặc trưng, phải loại bỏ lối chơi vô hình như hiện nay.
          Trăm dâu đều đỗ đầu tằm; ông Miura có đáng bị chỉ trích như vậy không?
          Dù bóng đã với tôi chỉ là một môn giải trí, nhưng đó là môn thể thao được chơi từ bé (với quả banh bằng là chuối khô quấn lại, với khoảng sân là vạt vườn vừa mới thu hoạch xong) nên hôm nay bỏ chút thời gian thử bênh vực cho ông MIU, để ông khỏi phải thân cô thế cô, "tứ bề thọ chuyên gia ... chém gió) trong lúc này.
          Đành rằng ông MIU không phải là cầu thủ nổi tiếng thời trẻ, nhưng việc ông học nghề tại Đức và tốt nghiệp cho thấy bằng cấp của ông- như người Việt ta nói - không phải dạng tầm thường đâu!
          Thông thường, một gười Nhật bình dân thôi đã sống và làm việc hết sức có trách nhiệm, cho nên ông MIU nhận lương cao để làm việc cho một quốc gia cuồng nhiệt bóng đá như VN thì ông càng ý thức trách nhiệm của mình, và phải làm thế nào cho hoàn thành trách nhiệm đó.
          Đành rằng, người hâm mộ luôn có lý khi mong muốn đội tuyển nam quốc gia phải đá hào hoa, nhưng sự tốt đẹp không tới với ai một cách ngẫu nhiên cả. Hãy thử lật lại những khuyết tật của bóng đá Việt:
- Cầu thủ là những kịch sĩ, tung hô cho một số đường dây cờ bạc chuyên nghiệp;
- Ý thức trách nhiệm, danh dự, niềm tự hào quá thấp;
- Giải nhà nghề V-League nữa vời, liên đoàn gồm những người không chuyên nghiệp; ông Đoàn Nguyên Đức chuyên bỏ họp VFF...
- Thể lực nền của các cầu thủ chuyên nghiệp quá thấp, không chạy quà 70 phút của trận đấu 90 phút.
- Kỹ thuật cơ bản yếu, ý thức tuân thủ chiến thuật thấp, lối chơi thiên cảm tính cá nhân.
...
          Với tất cả những khuyết tật trên, những ai nắm đội tuyển, đến thánh cũng phải bó tay mà thôi. Làm gì có lối đó "thêu hoa, dệt gấm" với nền tảng khuyết tật nêu trên? Còn những huấn luyện viên nào gặt hái được một vài danh hiệu, chắc cũng ăn may, như cú đánh đầu ngược của Công Vinh (9) (12/2008)  mang lại danh hiệu vô địch đầu tiên cho VN sau 40 năm đến tận hôm nay.

Ông MIU cũng làm được nhiều điều cho bóng đá Việt, chỉ tại người ta quên mà thôi.
- Cầu thủ lên tuyển có thể lực sung mãn;
- Ý thức chiến thuật khá tốt;
- Các đối thủ truyền thống ( Thái, Nam Dương, Mã Lai, Miến...) phải kiêng dè, không dám coi thường như trước đây;
- Đội U23 giành vé vào chung kết châu Á, đội này cũng từng thắng Iran (4-1) gây tiếng vang tại Incheon 2014 thì người hâm mộ mới tung hô năm ngoái nay lại quên ngay rồi!!!.
- Tại AFC hay SEAGAME vừa rồi, lọt vào 4 đội mạnh nhất và có huy chương không phải là kết quả tồi.
- Sự cạnh tranh của các tuyển thủ là lành mạnh, không ngôi sao nào dám gây áp lực hay ảnh hưởng lên ông MIU cả.
          Một bộ mặt mới của đội tuyển như vậy không đáng để tự hào và khích lệ ông MIU hơn hay sao?
          Trong bóng đá chiến thuật rất quan trọng, nhưng nó chỉ áp dụng cho từng trận đấu, chiến lược cho đội tuyển với tầm nhìn dài hạn mới là cái đội tuyển chúng ta cần. Phải chăng với việc nhận sự chỉ trích qua môt trận cầu mơi lộ ra điều tầm chiến lược của ông MIU nhiều lúc đã đi vượt tầm chiến thuật.  Và nhiều người không nhận ra.
          Nhờ ông, có thể tuyển VN sẽ lần đầu tham dự WC trong 8 hay 12 năm tới.
          Vì vậy nên ký hợp đồng dài hạn với ông MIU và tin tưởng ở sự cam chịu để vươn lên tầm thế giới của người Nhật.
          Đừng tin lời ông Đức- ông chủ của đội HAGL đội đang ngụp lặn chống rớt hạng tại giải V-League đang hạ màn trong sự ngao ngán quay lưng thực sự của người hâm mộ.

Phan Văn Hải

Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế);
Nguyên tiền vệ tấn công (Tuyển 10i THPT Nguyễn Huệ, Huế)

Thursday 10 September 2015

TẶNG QUÀ CỤ PHAN THỊ CHIÊN


Tặng quà và giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp thương tâm là một trong những hoạt động được Trung tâm Khuyến khích Tự lập tại Huế duy trì từ ngày thành lập cho đến nay. Sáng ngày 09 tháng 09 năm 2015, chúng tôi đã đến thăm và tặng quà cho cụ bà Phan Thị Chiên. Cụ Chiên năm nay đã gần 80 tuổi nhưng hằng ngày phải đi xin nước mã, thức ăn thừa về nuôi heo, đi lượm ve chai để nuôi hai đứa cháu ăn học. Rất tiếc là lúc chúng tôi đến, do đã đi học nên chúng tôi không gặp được hai cháu. Ngồi trò chuyện cùng cụ thì chúng tôi được cụ cho biết là do tuổi cao sức yếu nên cuộc sống của 3 bà cháu là hết sức khó khăn. Số tiền từ việc đi lượm ve chai, nuôi heo không đủ để trang trải cho cuộc sống của gia đình. Đầu năm học vừa qua, do không có tiền để đóng học phí nên cụ định cho 2 cháu nghỉ học. Nhưng nhờ được sự động viên của những người hàng xóm, họ đứng ra quyên góp tiền để mua sách vở, đóng học phí… nên 2 cháu mới tiếp tục được đi học. Sau khi trò chuyện cùng cụ thì chúng tôi đã trao tặng cho cụ một món quà gồm 1 thùng mì tôm, một chai dầu, một bì bột ngọt và 500 ngàn đồng. Với phần quà của chúng tôi tặng cụ ngày hôm nay tuy không lớn nhưng chúng tôi hy vọng nó sẽ đem đến cho cụ nhiều niềm vui, sẽ làm giảm bớt khó khăn cho gia đình cũng như tạo thêm nhiều động lực để giúp cho 3 bà cháu cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Nguyễn Ích Hoàng


(Cử nhân Vật lý - Đại học Khoa học Huế)

Wednesday 9 September 2015

THIẾU….


“Tắc” là qua bên trái,
“Hò” là đứng lại,
“Rì” là qua bên phải.

          Nếu ai từng sinh sống ở nông thôn hay thâm nhập thực tế vùng quê thì đều biết những từ trên là dùng cho trâu bò, khi người nông   dẫn chúng đi cày, bừa, kéo xe…

          Trong tập “Ngục trung nhật ký” có bài thơ với đoạn kết "Sống ở trong đời người cũng vậy, để người ta nhắc tựa trâu bò”.

          Vâng, con người hơn con vật ở khả năng tư duy, hướng thiện và tiến hóa không ngừng.

          Người có văn hóa thường ít khi vấp phải lỗi trong giao tiếp và công việc. Vì họ là những người có lòng tự trọng cao.

          Ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Hội An mấy tháng trước đã kiên quyết xin về hưu trước tuổi là một nhân cách lớn. Ông không đợi đến khi tổ chức ra thông báo nhắc ông sắp sửa bàn giao công việc để chuẩn bị về hưu. Ông tự chủ động việc đó, không muốn mình thuộc là người có tư duy “lá chuối”. Cấp trên của ông, ông bí thư tỉnh Quảng Nam, cũng vừa được BCT đồng ý cho thôi chức trước thời hạn theo yêu cầu của ông này.

          Thế mà cuộc sống này có quá nhiều người đang mang lối tư duy "lá chuối". Hay là họ thiếu…..

Phan Văn Hải

Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Monday 7 September 2015

NHỮNG MÙA KHAI TRƯỜNG ĐI QUA


Tháng 9 về, mang theo những làn gió heo may của mùa thu báo hiệu một mùa hè đã kết thúc. Tháng 9, là mùa khai trường mở đầu cho một năm học mới.
Nhìn các em cắp sách đến trường, sân trường rộn rã chuẩn bị cho năm học mới tôi lại bồi hồi nhớ lại những mùa khai trường đã đi qua.
Những năm học cấp một, hồi đó tôi còn sống ở quê, cứ đến mùa khai trường năm học mới là ba mẹ tôi lại cố gắng chắt chiu từng đồng để sắm cho anh em những bộ đồng phục mới . Đến ngày khai giảng, ngồi trên chiếc xe đạp cà tàng của ba để đến trường, trong lòng vui phấp phới. Đến bây giờ nghĩ lại, có lẽ đó là những mùa khai trường tôi hạnh phúc nhất vì vẫn luôn có bố mẹ kề bên.
Đến lúc lên cấp hai, bố mẹ mất, lên thành phố sinh sống và học tập. Mặc dù điều kiện đủ đầy nhưng lại thấy hụt hẵng và không vui. Mùa khai trường đầu tiên năm cấp hai, môi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới...tất cả đều mới và lạ lẫm nhưng không có bàn tay của bố mẹ đón đưa lại càng thấy buồn và tủi thân hơn. Nhìn xung quanh ai ai cũng đều hớn hở, vui mừng đón năm học mới mà thấy buồn vô cùng.
Đến năm cấp ba, dường như tôi đã quá quen với cuộc sống nơi thành thị nên cũng không còn lo lắng và hụt hẫng nữa mà thay vào đó là cảm giác lâng lâng khó tả khi được khoác trên mình tà áo dài trắng tinh khôi. Nhìn quang cảnh sân trường trong lễ chào đón các em học sinh mới vào trường mà lòng đầy tự hào.
Đến khi vào đại học, tôi chẳng nhớ là có ngày khai giảng không nữa, đến ngày là đi học chính trị rồi nhận lớp. Chẳng còn thú vị như những ngày còn là học sinh.
Thế đó, tôi đã đi qua những mùa khai giảng và đã đến được hôm nay. Sau bao bộn bề bon chen cuộc sống mà dường như bỏ lại sau lưng những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Hôm nay, đi ngang qua con đường đi học năm nào, thấy trường đang chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng mà lòng thấy bồi hồi nhớ lại những năm tháng đã qua, lòng chợt thấy ấm lại. Bao kỷ niệm vui buồn thuở cắp sách đến trường ùa về vui thấy lạ.
Thế là năm học mới đã đến,tiếng trống khai giảng giục giã bao đàn em thơ nô nức tới trường đã lại vang lên, mong tất cả các em học sinh sẽ có một năm học mới đạt nhiều thành công!

Phan Thị Mến

(Cử nhân Quản Trị Kinh Doanh)

Friday 4 September 2015

HÁCH DỊCH


          Hách dịch nói chung là bản tính xấu xa của con người chúng ta, nó có từ rất lâu song đến bây giờ nó vẫn tồn tại và phát triển.
          Đang là nhân viên, là lính lác có giọng nói, cử chỉ khác hẳn. Sau một thời gian công tác lên được tổ phó, tổ trưởng rồi chức cao hơn một chút, thái độ cũng được thay đổi hơn chút, thái độ có chút vênh váo, có chút giọng nói mà người ta hay gọi là “bề trên” thể hiện ngày càng rõ rệt và từ từ thấm nhuần vào máu lúc nào không hay biết. Thái độ có vẻ ra oai, nạt nộ hạch sách người khác do cậy mình có quyền thế càng ngày càng thể hiện rõ rệt và có cái nhìn với mọi người khác xa hơn so với trước đây.
          Hiện tượng quát nạt, nói như ra lệnh người khác, đòi hỏi người khác phải phục tùng mình không chỉ trong một tổ chức mà bất kể nhiều nơi và tràn lan mọi chỗ khác.
          Thói hách dịch chính là từ bản thân chúng ta mà hình thành, như ông cha ta có câu: “Chưa đổ ông nghè đã đe hàng tổng”. Thói hách dịch đồng nghĩa với người vô cảm và thiếu văn hóa.
          Thực tế báo chí cũng đã tốn không ít giấy mực phê phán thói hách dịch của quan chức, cảnh báo điều này nhiều lần. Nhưng chính những “công bộc của dân” lại sống không gương mẫu. Cách ứng xử bàng quan, thờ ơ, vô cảm vơi người khác đối với một số cán bộ khiến người dân không ít nhiều bất bình về tình cảnh này
          Thôi thì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có người tính này, có người tính kia. Chúng ta sống đúng với những gì đang có và những gì đang xảy ra, đối với những loại người hách dịch này ta nên ít nói lại, ít tiếp xúc và nếu tiếp xúc thật sự phải khôn khéo và nhạy bén trong cách xử sự cũng như lời nói để tránh làm mâu thuẩn gay gắt hơn.

DT.      


Thursday 3 September 2015

CÁCH DÙNG TỪ


Đọc báo, thấy việc dùng từ hiện nay hết sức tùy tiện, thiếu chuẩn và nhiều khi gây phản cảm xã hội.

Tại Bangkok có vụ nổ bom lớn đêm 17/8 làm chết gần 20 người và hơn trăm người bị thương. Bản tin buổi sáng của VTV khi điểm tin có phụ đề: "NỔ BOM THÁI LAN". Rõ ràng tựa đề đó không ổn. Người khiếm thính sẽ không biết chuyện gì xảy ra, vì họ sẽ không nghe rõ lời bình sau đó của phát thanh viên. Phải chi ghi rõ: "Bom nổ ở trung tâm Băng cốc - Thái Lan" ...thì có phải dễ hiểu hơn không? Cách viết tựa đề như vậy khiến người xem suy diễn tới việc : "quả bom nổ có nguồn gốc từ Thái Lan", như báo chí từng bình luận mãnh vỡ tên lửa năm gần xác MH17 là tên lửa BUK có nguồn gốc từ Nga.

Cũng tin báo chí gần đây: "Hoa hậu thế giới 2015 Thái Lan bị chê nhan sắc quê mùa". Nhan sắc có nghĩa là vẽ đẹp của nữ giới, người có nhan sắc là người đẹp, rõ ràng là như vậy rồi. Tại sao có vẻ đẹp quê mùa, vẻ đẹp thành phố cho phái nữ. Phải chăng người đẹp thành phố thì hơn hẵn người đạp nhà quê?

Tại sao báo chí và cả phát biểu trước công chúng lại có thể dùng từ " XXX là tỉnh lẻ". Dùng trong văn thơ thì có thể châm chước nếu tự trào, còn ngôn ngữ hành chính thì không nên.Vì theo chuẩn văn minh, cách dùng từ như trên thể hiện sự "bất bình đẳng giữa các vùng miền".

Không biết ngôn ngữ các dân tộc khác có sự "phân biệt cố tình" như đề cập trên hay không? Riêng tiếng Nhật, có thể thấy trên các phương triện giao thông công cộng, nhà ga, bến đợi...nơi ưu tiên cho người mà tiếng Việt ta gọi là người "tàn tật" thì người Nhật tuy có từ tương đương nhưng họ bị buộc phải dùng từ " người có cơ thể không được thoải mái" ( fujiyunakata), thậm chí không được dùng từ "khuyết tật" dù nó có nhẹ hơn từ "tàn tật".

Vậy phải cẩn thận khi dùng từ. Tiếng Việt ta thật phong phú, có thể chuyển tải đủ hết thảy.


PVH