Tuesday 31 July 2012

THAN CỦI ĐƯỢC LÀM TỪ VỎ TRẤU




Ông cha ta thường nói: "Cái khó ló cái khôn". Trong nhiều tầng lớp xã hội mỗi người có mỗi công việc riêng của mình. Thế nhưng đối với nhiều người dân nghèo, không có việc làm thì họ phải luôn vất vã, trăn trở, sáng tạo tìm việc làm để mưu sinh kiếm sống hằng ngày. Điển hình là anh Nguyễn Văn Nghị trú tại tỉnh Phú Yên bằng sáng tạo và ý chí của mình, anh đã chế tạo ra được than củi trấu để làm than đốt cho sinh hoạt nấu nướng giúp được rất nhiều bà con nghèo. Và điều đặc biệt hơn là nó giúp cải thiện môi trường.

Mọi người đều biết rằng, vỏ trấu là chất được loại thải từ hạt lúa sau khi được xay xát, sẽ bị loại bỏ hoặc được đốt để làm phân bón. Nhưng bằng sáng tạo và nghị lực của anh Nghị, anh đã biến nó thành một sản phẩm hết sức hữu ích cho cuộc sống mà lại rất thân thiện với môi trường. Đây là một sáng kiến hết sức hữu ích với môi trường, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Trong khi trái đất ngày càng nóng lên, môi trường ngày càng ảnh hưởng đến sức khỏe con người., thì hơn bao giờ hết, đòi hỏi mọi người cùng chung tay góp sức để bảo vệ môi trường. Và anh Nghị đã làm được điều đó. Một điều không dễ ai cũng làm được.

H.S

Monday 30 July 2012

NGƯỜI THẦY BỊ TÀN TẬT MỞ LỚP DẠY HỌC CHO TRẺ EM NGHÈO Ở THÔN THANH LAM – THỊ TRẤN PHÚ ĐA – HUYỆN PHÚ VANG



Thôn Thanh Lam thuộc thị trấn Phú Đa - huyện Phú Vang – tỉnh Thừa Thiên Huế, là thôn có diện tích khá lớn và dân cư đông đúc hơn so với các thôn khác, nhưng nếu hỏi về thầy Nguyễn Trai thì cho dù là trẻ em hay người già đều biết rất rõ và sẵn sàng đưa giúp chúng ta đi đến tận nhà thầy. Điều này không phải do thầy là một người nổi tiếng hay giàu có nhất trong làng mà đơn giản là thầy là một tấm gương cho người dân trong làng học hỏi noi theo về nghị lực sống phi thường cũng như trong việc giúp trẻ em nghèo trong làng xóa mù chữ. Thầy Nguyễn Trai năm nay đã ngoài 50 tuổi, bị tàn tật ở chân nên đi lại rất khó khăn, thầy đã lập gia đình và có một con nhỏ đang học lớp 4, hiện gia đình thầy đang sống với người mẹ già năm nay đã ngoài 80 tuổi bị tai biến cách đây 6 năm trong căn phòng rộng khoảng 10m2. Cuộc sống của gia đình thầy rất khó khăn do bản thân thầy là trụ cột trong gia đình lại bị tàn tật và hay đau ốm nên không làm việc được,, mọi việc trong gia đình đều trông cậy vào người vợ của thầy. Trước đây khi còn là một cậu bé thì thầy Trai cũng giống như bao đứa bé bình thường khác là hàng ngày ngoài giờ học ở trường và phụ giúp bố mẹ các công việc trong gia đình, còn tranh thủ thời gian rãnh rỗi để chơi đá bóng cùng các bạn. Tuy nhiên thật bất hạnh cho thầy và gia đình khi vào năm thầy đang học lớp 9 thì đôi chân của thầy bổng nhiên bị căng cứng lại, không co giản nên không thể đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình. Mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình thầy lúc đó rất khó khăn, cơm không có mà ăn, nhưng gia đình vẫn cố gắng gom góp tài sản và vay mượn của hàng xóm để đưa thầy đi trị bệnh. Sau gần 4 năm đưa thầy đi trị bệnh ở nhiều nơi tiêu tốn không biết bao nhiêu tài sản nhưng vẫn không mang lại kết quả, gia đình đành đem thầy về nhà để chăm sóc. Tưởng chừng cuộc sống của thầy từ đây coi như là chấm hết, nhưng với nghị lực sống phi thường thầy đã không chấp nhận cuộc sống mình lại kết thúc như vậy. Để có thể đi lại được như bây giờ thì hàng ngày thầy cố gắng chịu đựng sự đau đớn để luyện tập, sau hơn một năm kiên trì luyện tập, thầy đã có thể tự mình đi lại được, tuy bước đi rất khó nhọc nhưng thầy có thể tự lo sinh hoạt cho bản thân chứ không cần phải nhờ người khác giúp đỡ như trước đây. Mặc dù thầy có thể đi lại được nhưng do những bước đi khá nặng nề và yếu nên thầy cũng không thể phụ giúp bố mẹ các công việc khác trong gia đình. Vào thời đó, do điều kiện kinh tế của phần lớn các gia đình ở trong làng điều rất khó khăn, do phần lớn diện tích đất đai ở trong làng chủ yếu là đất cát nên trồng lúa không có hiệu quả, vì thế đa số người dân ở đây chủ yếu trồng khoai, sắn, chăn nuôi gà, vịt... nên nguồn thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống gia đình và lo cho con cái đi học, số trẻ em trong làng không được đến trường chiếm tỷ lệ khá cao. Với mong muốn giúp trẻ em nghèo trong làng không có điều kiện được đi học được biết chữ, vào năm 1998 thầy đã mạnh dạn mở lớp để dạy chữ cho những em không có điều kiện để đến trường mặc dù thầy chỉ học xong chương trình lớp 9. Ban đầu vì nhà quá nhỏ không có chỗ để dạy học cho các em nên thầy đã mượn căn chòi giữ vườn của một người hàng xóm để mở lớp và nhờ những người thân trong gia đình lấy tre để làm bàn, ghế cho các em, còn sách vở thì thì đi xin đồ cũ của những em ở trong làng và các làng lân cận. Lúc mới mở lớp chỉ có 3-4 em đến học, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lớp học này đã có hơn 20 em theo học nên căn chòi không còn đủ chỗ ngồi cho các em. Với việc làm đầy ý nghĩa của mình nên vào năm 2005 thầy được hội tự thiện “ Vì tương lai trẻ em” tài trợ xây dựng cho phòng học với diện tích rộng 35m2, trong đó 25m2 được sử dụng để làm phòng học còn lại khoảng 10m2 được sử dụng làm nơi ở cho 4 người trong gia đình thầy.  Hiện nay lớp học của thầy có 24 em đang theo học với Chương trình học từ lớp 1 đến lớp 4, vì đa số các em đang theo học ở lớp học này đều có hoàn cảnh rất khó khăn nên cho dù cuộc sống của gia đình mình vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng thầy vẫn không yêu cầu phụ huynh các em đóng bất kỳ khoản tiền nào. Mặc dù biết thầy không hề đòi hỏi nhưng do tất cả phụ huynh các em đều biết được hoàn cảnh đáng thương của thầy nên thỉnh thoảng đem tặng thầy ít lúa, khoai, sắn.... mà gia đình trồng được và giúp gia đình thầy các công việc như cuốc đất trồng khoai, sắn..., và thu hoạch khoai, sắn. Do điều kiện kinh tế của bản thân thầy và các em đều khó khăn như vậy nên cho dù phòng học được trang bị 1 bóng đèn điện và 1 quạt máy nhưng do không có tiền để trả tiền điện hàng tháng nên mặc dù về mua mưa phòng học rất tối, còn về mùa hè thì rất nóng nhưng thầy vẫn không thể bật đèn và quạt cho các em sử dụng, cho dù bản thân thầy cũng muốn sử dụng đèn và quạt để giúp các em có điều kiện để học tốt hơn, nhưng với hoàn cảnh của trò và thầy như hiện này thì cho dù muốn cũng không thể làm gì khác được.
Tuy điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, bản thân lại bị tàn tật đi lại rất khó khăn và thường xuyên bị đau ốm nên mọi việc nặng nhọc trong gia đình như trồng trọt, chăn nuôi gà, vịt, chăm sóc mẹ già bị bệnh đều do một tay người vợ gánh vác nhưng thầy vẫn quan niệm rằng “ thầy sẽ cố gắng duy trì lớp học này để giúp trẻ em nghèo trong làng biết đọc, viết và biết tính toán để sau nay có một tương lai tốt đẹp hơn đến lúc nào mà đôi mắt thầy không nhìn thấy được cho dù đôi chân không thể đi lại được”. Với tấm lòng của một người thầy bị tàn tật như vậy, theo chúng tôi rất cần sự chung tay giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm và của cộng đồng để giúp thầy có điều kiện để làm được việc đó tốt hơn.

X.Q

Friday 27 July 2012

MỘT KHOẢNH KHẮC VÀ CẢ CUỘC ĐỜI



Cuộc sống chẳng là gì, nhưng một khoảnh khắc lại có thể làm nên tất cả!
Có khi cuộc sống không là gì cả nhưng một khoảnh khắc lại là tất cả! Và những khoảnh khắc ấy là những miếng ghép cho cuộc sống, dần dà chúng hiện lên theo năm tháng tạo nên một bức tranh to hơn, rộng hơn mà khi càng khôn lớn, con người ta ai cũng muốn vẽ lên đó những gam màu tươi sáng nhất định.
Khoảnh khắc ấy là nước mắt…
 Khi lắng nghe tiếng khóc chào đời của bạn, cha mẹ bạn đã khóc, vì có một sinh linh bé nhỏ đã chào đời. Trong khoảnh khắc linh thiêng ấy, bạn là món quà mà tạo hóa ban cho cuộc đời, để cha mẹ thêm yêu thương gắn bó, cho một nụ cười nhăn nheo trên đôi mắt ông bà. Một khoảnh khắc tạo nên cuộc đời…
Khoảnh khắc ấy là niềm vui…
 Khi bạn nói nói được một từ đầu tiên, cha mẹ đã rất vui. Đó là vì bạn đã bắt đầu gõ cửa một thế giới mới. Những tiếng đầu tiên, ôi thiết tha làm sao. Trẻ con dễ thương bởi giọng nói của chúng, những từ ngữ trong sáng, làm bố mẹ quên đi cả những nỗi vất vả cực nhọc đời thường. Một khoảnh khắc vượt lên trên cuộc đời…
Khoảnh khắc ấy là nỗi buồn…
Khi bạn thất bại trong kì thi học sinh giỏi, bạn đã khóc và nghĩ rằng chưa bao giờ lại thấy buồn và thất bại như thế này. Nhưng rồi cha mẹ vẫn bên bạn, động viên an ủi bạn, cho bạn hơi ấm, tình thương cũng như một chỗ dựa để bạn có thể vững bước hơn nữa trên đường đời. Một khoảnh khắc khắc sâu trong tim rằng cả cuộc đời đâu mãi chỉ có niềm vui…
Khoảnh khắc ấy là sự tin tưởng…
Đó là ngày nhận tin báo con đỗ Đại học, mẹ đã cố gắng dành dụm đủ tiền để con lên thành phố học. Mẹ lo cho con, cuộc sống nơi thành thị, rời xa vòng tay cha mẹ. Liệu con có làm được không? Mẹ yên tâm, con sẽ làm được. Chim non sẽ cất cao đôi cánh, bay khỏi tổ và đi đến với bầu trời tự do phải không mẹ? Cha không nói gì nhưng trong mắt cha là niềm vui, là sự tin tưởng rằng con sẽ làm được và làm tốt đúng không ba? Một khoảnh khắc mở ra một cánh cửa mới trong hành trình gian nan đi đến cuối con đường mang tên Cuộc Đời…
Khoảnh khắc ấy là sự yêu thương…
Chứng kiến đứa con bé bỏng ngày nào lớn khôn, giờ đã thành cô dâu, chú rể rồi, mẹ đã khóc thầm. Những giọt nước mắt hạnh phúc khi mà mẹ tin rằng đàn con của mẹ nay đã lớn khôn, đã bay đi xa. Nhưng mẹ ơi, tổ ấm nơi này vẫn luôn là mái nhà của chúng con. Chúng con vẫn sẽ luôn hướng về tổ ấm này. Vì nơi ấy con biết vẫn có vòng tay cha mẹ vỗ về… Con tin tưởng người đàn ông này, con tin tưởng người phụ nữ này, người sẽ mang lại hạnh phúc trong suốt phần đời còn lại cho con. Vậy nên cha mẹ hãy yên tâm nhé! Con lớn rồi!
 Một khoảnh khắc mà những niềm vui, nỗi buồn giao nhau, hòa quện, trộn lẫn trong cuộc đời…Khoảnh khắc ấy là sự mất mát…
Sự lớn khôn của con đổi lấy những nếp nhăn trên vầng trán cha, những sợi bạc trên mái đầu mẹ. Và khi con cái đã lớn khôn, cha mẹ ra đi, cho đến lúc này mới được nhìn thấy nụ cười mãn nguyện trên môi cha. Vì cha biết con đã sống tốt và làm được những gì cha mong ước. Nhưng con biết cha mẹ sẽ dõi theo chúng con, vẫn sẽ yêu thương các con như ngày nào…
Khoảnh khắc ấy chỉ trọn vẹn một nỗi buồn. Một nỗi buồn cho một cuộc sống tiếp diễn…
Lá rụng về cội… Và khi chiếc lá rụng về nơi vốn sinh ra nó, ấy là kết thúc một chu trình cuộc đời. Nhưng hãy biết rằng bức tranh này sẽ lại có những thế hệ tiếp theo vẽ tiếp. Làm cho nó rộng hơn, sáng hơn và tươi hon bao giờ hết.
Nhưng rồi trong số những gam màu sáng, hãy có những gam màu tối đan xen, để tổng thể bức tranh không quá chói lòa, chỉ vừa vặn đủ để có một nụ cười…
Cả cuộc sống chẳng là gì, nhưng một khoảnh khắc lại có thể làm nên tất cả!
Trân trọng cuộc đời để thấy yêu thương nhiều hơn bạn nhé!
Ngọc Thủy 

Wednesday 25 July 2012

KHIÊM NHƯỜNG




“Đức tính khiêm nhường là một điều thật lạ lùng. Ngay giây phút bạn nghĩ bạn đã đạt được nó, thì cũng ngay giây phút đó, bạn đã đánh mất nó”.
Người khiêm nhường đúng nghĩa là người trung thực với chính bản thân mình và trung thực với những người chung quanh. Một người khiêm nhường thực sự có nhận định trung thực về giá trị bản thân của mình, công nhận những ưu điểm và cũng như những khuyết điểm nào mà mình có. Nhưng quan trọng hơn thế nữa, người khiêm nhường cũng nhìn nhận giá trị của người khác. Qua thái độ nhìn nhận giá trị người khác, người khiêm nhường thực sự bày tỏ sự tôn trọng và lòng quan tâm đến quyền lợi, nhu cầu và niềm hạnh phúc của người xung quanh mình, đặt những điều này lên trên quyền lợi, nhu cầu, và niềm hạnh phúc của chính bản thân mình.
Một người khiêm nhường đúng nghĩa, không cần phải tự hạ bệ mình xuống, không cần phải đánh giá thấp về chính bản thân mình. Một người khiêm nhường thực sự không bận rộn nói về mình, khoe về sự hạ mình qua những câu như “tôi chẳng ra gì”, “tôi chẳng có tài cán chi”, nhưng người đó thường bày tỏ sự quan tâm đến người chung quanh, lắng nghe những nhu cầu và nguyện vọng của người khác.
Người khiêm nhượng thực sự không quan tâm lắm đến việc xem xét mình đã đạt đến mức độ nào trong nấc thang khiêm nhường, cũng không bận rộn nói về chính mình hay khoe khoang về thái độ khiêm nhường của mình. như Kinh Thánh có diễn tả: “Đừng làm việc gì để thỏa mãn tham vọng cá nhân hoặc tự đề cao, nhưng hãy khiêm tốn, coi người khác hơn mình” Khiêm nhượng không có nghĩa là yếm thế, nhu nhược, nhưng hoàn toàn ngược lại, người khiêm nhượng có tấm lòng can đảm, hào hiệp và sẵn sàng hy sinh cho tha nhân. Khiêm nhường không liên quan gì đến địa vị hay cấp bậc của một người trong xã hội. Một người ở địa vị thấp kém vẫn có thể kiêu ngạo, và ngược lại, một nhà học giả uyên bác vẫn có thể rất khiêm nhường, bởi vì khiêm nhường không phải là tự hạ bệ mình xuống, nhưng là biểu hiện của sự tôn trọng và lòng quan tâm đến với tha nhân. Khiêm nhường đi song hành với tình yêu thương, hay nói một cách khác, không thể yêu thương một người mà đồng thời lại lên mình, kiêu ngạo, lấn lướt người đó được.

Đức Nhân

Monday 23 July 2012

GÁNH NẶNG CUỘC ĐỜI


Trong cuộc sống, ai ai cũng có một công việc để làm, để sống, để mưu sinh. Mỗi người đều có những công việc riêng, ở những lĩnh vực khác nhau nhưng mục đích cuối cùng cũng chỉ để “mưu sinh”, để tồn tại với cuộc đời này. Tuy nhiên, những người nào may mắn hơn thì được làm việc trong những môi trường tốt hơn. Còn đối với những phận người nghèo khó thì phải lặn lội với cuộc sống mưu sinh, cũng chỉ đủ để lo miếng cơm manh áo hàng ngày. Và cao hơn nữa thì họ cũng chỉ giám ước mong con cái được học hành tử tế để sau này không phải khổ như bố mẹ chúng. Với họ, những công việc nhọc nhằn mà họ đang làm không biết đã đeo bám họ suốt bao nhiêu năm qua...
Có lẽ rằng trong cuộc sống của chúng ta đang tồn tại rất nhiều những mảnh đời cơ cực. Bởi hình ảnh những người lao động vất vả với gánh nặng mưu sinh trong cuộc sống thường ngày chúng ta có thể gặp bất cứ ở nơi đâu, khắp các nẻo đường, góc phố hay hòa chung vào dòng người đông đúc.
Có đi nhiều mới biết nhiều! Quả đúng là như vậy. Trước đây, tôi chỉ biết ăn rồi học, rồi chơi đùa cùng bạn bè mà chưa bao giờ thực sự quan tâm đến đời sống của những người xung quanh như thế nào. Nhưng từ khi tôi đi làm, được tiếp xúc nhiều hơn với các bà con nghèo tôi mới thấm hiểu hết hai từ “mưu sinh” của những bà con nghèo. Đối với họ, hai từ “mưu sinh” là cả một gánh nặng đối với cuộc đời họ. Bởi họ quanh năm suốt tháng làm quần quật không quản ngại khó  khăn mà cũng không đủ tiền để nuôi các con ăn học.
Các hộ vay vốn do tôi quản lý hầu hết là các phụ nữ nghèo, buôn thúng bán bưng. Những lần đi thu hồi hay giải ngân đều được nghe các cô, các dì tâm sự về cuộc sống mưu sinh vất vả tôi lại thấy thương cảm và khâm phục họ vô cùng. Và tôi đặc biệt ấn tượng với dì Bích. Dì có hoàn cảnh cũng rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo trong phường. Chồng làm thợ nề, còn dì thì làm đủ thứ; nào là buôn bán, nuôi lợn, giúp việc nhà...Bất kể ai nhờ làm gì thì Dì cũng sẽ làm miễn sao có đủ tiền để nuôi ba con ăn học. Biết được sự vất vả của bố mẹ các con của Dì đều rất chăm ngoan và học giỏi. Các em đều là học sinh giỏi, khá của trường. Mặc dù hai vợ chồng đều có gắng làm lụng vất vả nhưng ngôi nhà vẫn còn tuềnh toàng. Cả gia đình 5 thành viên nhưng sống trong một căn nhà chật hẹp. Hôm vừa rồi giải ngân Dì đến muộn hơn so với mọi người. Với những giọt mồ hôi còn nhễ nhại trên khuôn mặt ửng đỏ của Dì, Dì bảo: Hôm nay có mấy người gọi chở rau nên Dì cố gắng làm nên đến hơi trễ. Bây giờ sau khi nhận tiền xong Dì còn đi phụ giúp nấu tiệc cưới nữa. Dì bảo: Dì làm bất cứ thứ gì miễn sao có tiền lo cho các con ăn học.
Trên đây chỉ là một trong số những trường hợp điển hình cho sự vất vả mưu sinh của các bà con nghèo. Có lẽ rằng trong xã hội này còn rất nhiều người phải vất vả với “gánh nặng mưu sinh” nhưng rồi cơm vẫn không đủ no, áo cũng không đủ ấm. Trong lúc đó có những người lại sống an nhàn, sung sướng và tiêu tiền phung phí. Liệu cuộc sống này có công bằng hay không???

Phan Thị Mến

Friday 20 July 2012

CẢNH BÁO NGHIÊM




Năm 2008, trong một là thư gửi người bạn thân tôi có dự báo về khả năng xung đột với Trung Quốc trên biển Đông. Bức thư được viết vào tháng 7/2008, trước khi TQ tổ chức thế vận hội BK 2008. Khi đó không nhiều người nhận diện ý đồ ẩn mình chờ thời của TQ và ý đồ của họ.

Nay chỉ mới 4 năm trôi qua, mọi sự đã trở nên rõ ràng, ta có thể kết luận điều đó bởi một số sự kiện sau trên biển Đông:

1)    Đụng chạm giữa tàu TQ và tàu HK ở vùng biển quốc tế gần đảo Hải Nam.
2)    Bắt bớ đánh đập ngư dân Việt và giữ thuyền đòi tiền chuộc.
3)    Khẳng định mạnh bạo yêu sách đường lưỡi bò bằng đường đứt khúc 9 đoạn vô căn cứ.
4)    Tăng cường tập trận ở biển Đông.
5)    Xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Biển Đông.
6)    Thành lập thành phố gọi là Tam Sa thuộc chủ quyền VN.
7)    Đưa dàn khoan khủng ra biển Đông, gọi thầu  khai thác dầu 9 lô trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.
8)    Gây căng thẳng tại vùng biển Philippin và Việt nam.
9)    Cắt cáp các tàu thăm dò Việt Nam. Đưa 30 thuyền tới đánh cá tại đảo chữ Thập của Việt Nam.
Vậy nên sự cảnh báo và cảnh giác bấy lâu vẫn không thừa.

Chắc chắn TQ sẽ không đánh lừa được thiên hạ bởi bản chất cố hữu của họ. Chắc chắn là chúng ta không bị bất ngờ trước những động thái gần đây, thậm chí những động thái trắng trợn hơn trong thời gian tới.


PVH

Wednesday 18 July 2012

THỜI GIAN



Cuộc sống quanh ta không bao giờ đứng yên mà nó luôn vận động theo quy luật nhất định. Thế nhưng chúng ta đôi khi quên đi sự vận động không ngừng nghỉ ấy, để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. Phí hoài thời gian chính là ta đã phạm sai lầm không thể sửa chữa, bởi “ một trong những tổn thất không gì bù đắp được là tổn thất về thời gian”.
          Trong cuộc hành trình hàng ngàn năm con người chinh phục thiên nhiên và tạo dựng xã hội ngày một văn minh, sử sách đã chép lại biết bao nhiêu chiến công, kỳ tích, biết bao tấm gương anh hùng, bao kẻ đáng chê trách đã gây đau khổ cho nhân dân hay những sai lầm trong lịch sử. Mỗi sự kiện được lưu truyền lại mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực thì cũng không ai có thể thay đổi được những gì đã qua đề sửa chữa những trang sử sách. Thời gian là thế, cứ trôi đi và không chờ đợi bất kỳ một ai, vỳ vậy không một ai có thể lấy lại những khoảnh khắc đã trở trở thành quá khứ. Tổn thất về thời gian chính là sự mất mát quý báu ấy khi ta không còn biết trân trọng từng thời khắc nhiệm màu mà cuộc sống đã trao tặng và lãng phí cuộc sống của chính mình. Đó là tổn thất thực sự không thể bù đắp.
          Mất đi thời gian quả thực là một tổn thất to lớn bởi thời gian vô cùng quan trọng. Từng giây từng phút trôi qua cũng là từng bước ta tìm kiếm cho mình một lẽ sống, một vị trí trong xã hội bao la này. Mỗi khoảnh khắc của niềm vui, của nỗi buồn đều giúp ta trưởng thành và tự tin hơn trên con đường phí trước. Vì vậy, đánh mất thời gian là đánh mất những điều giá trị mà ta không thể quay ngược bánh xe thời gian để tìm kiếm lại.
          Tuy nhiên, ngay trông xã hội mà chúng ta đang sống, vẫn không ít con người lãng phí cuộc đời mình trong các tệ nạn, hay sống một cách vô nghĩa, không mục đích, không ước mơ, để tuổi trẻ trôi đi một cách vô ích không giúp gì được cho chính mình và xã hội. Cứ như thế, họ mãi phung phí thời gian để rồi khi nhận ra sự hữu hạn của cuộc đời, họ chỉ còn biết hối hận. Những cá nhân như thế thường không biết quý trọng những gì mình đang có và họ thường không có niềm tin để sống.
          Tổn thất về thời gian là không có gì để bù đắp được, nhưng điều đó không đồng nghĩa là mãi nuối tiếc với thời gian đã qua. Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng không phải là ta trở về quá khứ để thay đổi những gì đã xảy ra hay không, mà là cách ta nhìn nhận sự việc để sửa chữa những sai lầm trong hiện tại và tương lai. Thời gian trôi đi không thể lấy lại được, đều quan trọng là phải biết quý từng giây từng phút và sống làm sao cho từng giây từng phút ấy thật có ý nghĩa.

Đức Nhân

Monday 16 July 2012

CHUẨN NGHÈO




Việt Nam được đánh giá cao như là một nền kinh tế mới nổi với thành tích ấn tượng về xóa đói giảm nghèo. Điều đáng nói là chuẩn nghèo được áp dụng để đánh giá tình trạng đói nghèo ở nước ta hiện này còn thấp hơn thế giới. Với thông tin mới nhất rằng Việt Nam có 9% hộ nghèo, nếu nâng chuẩn nghèo lên thì số hộ nghèo sẽ tăng cao hơn và thành tích chống đói nghèo của Việt Nam trong những năm qua chắc chắn bị giảm đi.

Chuẩn nghèo của Việt Nam được áp dụng hiện nay đã được Chính phủ điều chỉnh cao hơn đáng kể so với giai đoạn trước đây. Theo đó giai đoạn 2011 - 2015, ở nông thôn chuẩn nghèo được quy định có mức thu nhập từ 400 ngàn đồng trở xuống/người/tháng; ở thành thị chỉ số này là từ 500 ngàn đồng. Cũng nên lưu ý là chuẩn nghèo của giai đoạn trước 2010 được qui định tương ứng là 200k/người/tháng và 260k/người/tháng.

Điều đáng quan tâm là hiện có rất nhiều hộ dân ở dạng cận nghèo hoặc có khả năng tái nghèo. Vì vậy nếu nâng chuẩn nghèo lên một mức mới ví dụ 550k/người tháng ở vùng nông thôn và 650k/người/tháng ở vùng thành thị thì tỉ lệ hộ nghèo có thể tăng lên 20% thay vì 9% như hiện nay. Điều đó nói lên rằng thành tích giảm nghèo của Việt Nam là ấn tượng nhưng chưa thật sự bền vững.

Vấn đề làm sao cho đời sống của người dân nghèo ngày càng được cải thiện một cách bền vững lâu dài là một bài toán khó đòi hỏi quản lý vĩ mô của nhà nước phải được nâng lên một bước.


PVH

Thursday 12 July 2012

NỖI NIỀM THIẾU ĐIỆN NƯỚC CỦA NGƯỜI DÂN THÔN SƠN THỌ.



Thôn Sơn Thọ thuộc xã Hương Thọ có thể là một thôn thuộc vùng sâu vùng xa của địa phương. Trong tháng này chúng tôi được dịp đi qua thôn này để tiến hành khảo sát vay vốn cho bà con, chúng tôi bất ngờ được biết mặc dầu thu nhập của người dân ở đây không phải quá khó khăn nhưng ngặt một nổi ở nơi đây không có hệ thống điện chiếu sáng, có lẽ cũng bởi là địa hình vùng núi, xa xôi cách trở nên niềm vui được thắp sáng khu dân cư vẫn chưa được trọn vẹn. 

Một chị tổ trưởng của Chương trình tâm sự: “Hàng năm cứ đến mùa thu hoạch từ vườn cây bưởi, rau màu và ao cá trắm cỏ tụi tui cũng thu được gần mấy chục triệu bạc nhưng những cơ sở tiện nghi đầy đủ thì tụi tui vẫn chưa bao giờ dám nghĩ đến…Cũng may, gần đây nhờ dự án sử dụng nguồn năng lượng mặt trời đã đến với thôn phần nào giúp tụi tui tạm vượt qua hoàn cảnh hiện giờ. ”Cuộc sống nơi đây khó khăn, thiếu thốn là thế, vậy mà ở thành phố tình trạng lãng phí điện, sử dụng điện quá tải ở các hộ dân cư hay lạm dụng điện của công vẫn luôn là vấn đề muôn thuở nơi công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp…Hy vọng một ngày không xa, khi chúng tôi có dịp quay trở lại nơi đây, Sơn Thọ sẽ mang lại một diện mạo mới, hệ thống đèn điện sẽ được thắp sáng cả toàn thôn và cuộc sống người dân sẽ dần được mở sang trang mới với nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại hơn nếu như thôn được nhận nhiều sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền địa phương và sự chung sức chung lòng từ những tổ chức, đơn vị tài trợ nước ngoài cũng như trong nước để có thể bắt kịp với hơi thở của cuộc sống hiện đại.

N.T

Monday 9 July 2012

NHỮNG BÀI HỌC ĐIỆP BÁO



Trong chiến tranh cũng như hòa bình, công tác điệp báo, hoạt động ngầm để thu thập thông tin của đối phương có ý nghĩa rất quan trọng. Nói như nhà tình báo chiến lược huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, Việt Nam chỉ có tình báo tự vệ, chưa có tình báo chiến lược chủ động cho phản công. Đó chỉ là một cách nói của một nhân cách lớn.
Hãy đi sâu vào tình hình ở Việt Nam về vấn đề này.

Thời nhà Trần, để bẻ gãy tất cả các hướng tấn công của giặc Mông – Nguyên, vua tôi nhà Trần ắt hẵn đã sử dụng nghiệp vụ gián điệp, thám báo để biết chính xác  tin tức kẻ địch, từ đó mới chủ động bày binh bố trận ngênh đón kẻ thù. Chiến thắng Bạch Đằng là một dấu son chói lọi của việc sử dụng có hiệu quả thông tin thám báo thời bấy giờ.

Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nghệ thuật sử dụng điệp viên, tình báo đã lên tới một tầm cao mới, góp phần rất lớn vào thắng lợi chung của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất tổ quốc. Huyền thoại của chiến sĩ tình báo P.X.A đã được một nhà văn nước ngoài cất công tìm hiểu viết nên cuốn “Điệp Viên Hoàn Hảo” - “ Perfect Spy”, đó cũng là một niềm tự hào cho làng tình báo VN trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Tìm hiểu chiến lược bảo mật, chống gián điệp đối phương của các triều đại và nhà nước trước đây, chúng ta thấy luôn luôn có một sự cảnh giác rất cao về việc phòng ngừa ngoại quốc sử dụng công tác điệp báo hoặc phòng ngừa sự gây xáo trộn xã hội khác qua việc sự dụng các lực lượng nằm vùng, chờ thời cơ.

        Chúa Nguyễn đã cẩn trọng khi có chính sách cho di dân người Hoa đi ra khỏi đất Phú Xuân vì cho rằng nhóm người này sinh sống quá gần kinh thành (Khu phố   cổ Bao Vinh). Nhóm người Minh Hương chạy trốn nhà Thanh ngày đó  đã được  chúa Nguyễn cho định cư tại Gia Định, Đồng Nai rất xa kinh thành Huế.
Chế độ Ngô Đình Diệm  ở miền Nam, từ năm 1956, đã buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất.

Thế nhưng, với thông tin vừa phát hiện người Trung Quốc đóng bè nuôi cá tại vùng Cam Ranh, gần quân cảng chiến lược thì nhiều người rất lo âu. Nếu liên kết và xâu chuổi một số thông tin khác lại với nhau thì thấy chúng ta thấy một số cấp quản lý đã hơi thiếu cảnh giác trong một thực thể nhà nước thống nhất. Có thể liệt kê sơ như sau:
- Cho người nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, gần biên giới những khu vực nhạy cảm;
- Để người nước ngoài trúng thầu một công trình tại vị trí có tầm chiến lược quân sự ở Đông Dương và Châu Á;
- Nhiều khu phố ngoại quốc đã mọc lên theo chân các công nhân nước ngoài tới làm việc tại các nơi doanh nhân nước họ trúng thầu;
- Nhiều người ngoại quốc tới làm ăn sinh sống lâu dài  tại nước ta theo visa du lịch mà chính quyền địa phương không quản lý được;
...
Xu thế hữu nghị, hòa bình và cùng hợp tác phát triển là xu thế chủ đạo chính của nhân loại ngày nay.
Tuy nhiên, bài học Mỵ Châu, Trọng Thủy vẫn còn đó. Hãy thận trọng, sự cảnh giác không bao giờ là thừa cả!
  
PVH

Thursday 5 July 2012

CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ XỬ LÝ KHI XE MÁY BỊ BỐC CHÁY



Trong thời gian qua, hiện tượng xe máy và ô tô tự nhiên bốc cháy đã trở thành một đề tài khá nóng hổi trên các phương tiện thông tin đại chúng đe dọa đến tính mạng ,tài sản và tâm lý của người dân khi đang điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Tưởng như sau một thời gian hiện tượng cháy xe tạm thời lắng xuống thì chiều ngày 18/06 vừa qua trên đoạn đường Phan Bội Châu – TP Huế một trường hợp cháy xe máy tương tự lại xảy ra sau khi chúng tôi đang đi địa bàn Hương Thọ trở về. Ngay sau khi vụ việc xảy ra người chủ phương tiện đã nhanh chóng kịp thời di chuyển khỏi hiện trường và người dân cũng vội vàng phun nước dập tắt lửa nhưng chẳng những ngọn lửa không được dập tắt mà còn bùng cháy một cách dữ dội.
Do vậy trước khi xảy ra những rủi ro không lường trước mỗi chúng ta cũng nên sẵn sàng trang bị kiến thức đầy đủ để có thể phòng tránh và xử lý kịp thời nhằm đảm bảo sự an toàn về tài sản, tính mạng cho bản thân và cộng đồng xã hội. Sau đây là một số biện pháp phòng tránh và xử lý khi xe máy bị bốc cháy:
- Không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như: thiết bị bảo vệ, còi, đèn… Nếu lắp thêm phải bảo đảm không bị quá tải về điện.
Tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định, tại những nơi có bảo đảm chất lượng. Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi xe có dấu hiệu khác thường (khó nổ, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi Ngoài ra, khi để xe trong nhà, ở nơi trông giữ xe phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, dưới yên xe, trong khoang động cơ
-          Không nên đem quá nhiều tiền bạc và của cải có giá trị để dưới cốp xe phòng trừ những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Khi xe bị cháy

Xe cháy ở trong nhà:
- Nếu xe máy cháy trong nhà, cần mau chóng mở các cửa để giải phóng áp suất nổ.
- Nhanh chóng sử dụng phương tiện như: chăn, mền (hoặc áo khoác rộng) đã thấm nước, phủ kín lên vị trí đang cháy trên xe, nhằm cách ly vùng cháy với khí ôxi trong không khí từ ngoài khuếch tán vào để dập lửa.
- Có thể sử dụng các bình chữa cháy bằng khí hoặc bột để dập tắt đám cháy (nếu có). Gọi ngay cho cơ quan phòng cháy chữa cháy theo số 114 nói rõ họ tên, địa chỉ nhà có cháy để đội PCCC kịp thời can thiệp.
- Tuyệt đối không sử dụng xô, chậu hay các phương tiện khác để hất nước vào đám cháy. Xăng không hòa tan trong nước và nhẹ hơn nước, khi hất nước vào nó sẽ bắn tung xăng dầu đang cháy ra xung quanh, chúng nổi trên bề mặt nước và vẫn tiếp tục cháy. Không những thế, ngọn lửa còn theo dòng nước cháy lan sang khu vực lân cận khiến đám cháy càng nghiêm trọng hơn.

Xe cháy trong bãi để xe:
- Người phát hiện cần thông báo nhanh cho mọi người xung quanh.
- Cách ly các xe xung quanh khỏi xe đang cháy, sử dụng các phương tiện thô sơ như bình chữa cháy bằng bột, khí được trang bị tại các gara xe để dập tắt đám cháy.
- Gọi ngay số điện thoại khẩn cấp 114 để được kịp thời dập tắt đám cháy và tìm cách tránh xa khu vực cháy để hạn chế thương vong.
Xe cháy khi đang đi:
- Hô hoán mọi người xung quanh hỗ trợ, tìm phương án cách ly xe cháy.
- Sử dụng vật dụng thô sơ kể trên để ngăn chặn (các phương tiện có thể huy động từ các nhà dân hoặc các cửa hàng trên phố).
- Gọi 114 để lực lượng chuyên nghiệp đến kịp thời dập tắt đám cháy.
- Tránh xa phương tiện đang cháy, đề phòng nổ bình nhiên liệu.

N.T

Monday 2 July 2012

NỖI LÒNG CỦA BÀ NGUYỆT




"An cư lạc nghiệp" là câu thành ngữ luôn in đậm trong suy nghĩ mỗi người chúng ta trong mọi nơi , mọi lúc. Và trong tâm tư của bà Nguyệt dưới đây có lẽ ước mơ này không bao giờ thành hiện thực. Mà trái lại khó khăn chồng chất khó khăn, nỗi buồn chồng lên nỗi buồn.
Những hình ảnh trên đây là nhà của bà Trần Thị Nguyệt, địa chỉ 307 Chi Lăng. Bà Nguyệt năm nay 51 tuổi. Bà có 5 người con (4 gái, 1 trai), chồng bà làm nghề xe ôm Tất cả các con đều đã có gia đình và hoàn cảnh rất khó khăn. Xem qua địa chỉ thì ai cũng ngỡ nhà bà là mặt tiền, một ngôi nhà khan trang. Nhưng hoàn toàn ngược lại, là một nhà tạm, rất nóng nực vào mùa hè, nằm trong một con ngõ, nhà được che bạc ni lông để mưa đỡ thốt và mùa hè đỡ nóng. Ai đã một lần đến thăm nhà bà không thể không chạnh lòng, xao xuyến. Nỗi buồn gia đình bà lại chồng chất khi người con rễ bị nghiện ma túy, người con gái của bà đi lấy chồng khác và để lại đứa con thơ dại cho bà nuôi, đến nay cháu đã được 5 tuổi. Có thể nói cháu dường như "mồ côi" cả bố và mẹ. Điều lo lắng lớn nhất hiện nay của bà là bà đã gần đến tuổi xế chiều, rồi đây sẽ không đủ sức khỏe để buôn bán hàng nước và hàng ăn ở vĩa hè như bây giờ nữa, rồi ai sẽ thay bà chăm sóc đứa bé ăn học đây.
Nguyện vọng của bà Trần Thị Nguyệt bây giờ là mong cháu nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân ái, chia sẽ khó khăn của bà. Là giúp cháu được đến trường. Và hết mùa hè năm nay là cháu đến tuổi vào lớp một. Bà cũng chưa có ý định như thế nào nữa vì bà rất khó khăn.

Hồ Sơn