Wednesday 27 March 2013

NÍU KÉO KHÔNG CẦN THIẾT



Hình như nhà nước đang cố níu kéo, để cho thị trường Bất động sản không phải chết gấp theo qui luật thị trường.
Thị trường đất và nhà đất của Việt Nam là thị trường đầu cơ không tuân theo qui luật của thị trường, nó làm cho nhiều người ngoại quốc ngạc nhiên. Một nước nghèo mà giá đất gấp 25 lần thu nhập của người dân, giá nhà gấp 100 lần. Như vậy, người nghèo cho đến khi chết không thể sở hữu một căn nhà để chui ra chui vào, nếu dùng toàn bộ tiền thu nhập có được để mua nhà, cho dù đó là nhà ở xã hội hay nhà cho người có thu nhập thấp. Điều này càng được chứng minh bởi phát biểu của một bộ trưởng khi cho rằng ngay lương của ông tích lũy trong 40 năm cũng khó mà mua nổi nhà cho người có thu nhập thấp (như ông bộ trưởng này).
Nhà nước Việt Nam làm mọi cách để quốc tế công nhận VN có nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, việc quản lý của nhà nước VN về kinh doanh bất động sản hình như lại không phải như vậy. Việc sẽ xuất 30.000 tỉ cho vay với lãi suất thấp đối với một số đối tượng vô hình dung  là đang sử dụng biện pháp hành chính đối với thị trường này. Thay vì phải để cho giá bất động sản xuống thấp, còn 1/3 hay gần như thế so với giá hiện nay để rồi người dân có thể lựa chọn mua nhà đất hợp với số tiền của mình (và tiết kiệm vốn của nhà nước) thì nhà nước đang làm ngược lại.
Còn một điều quan trọng nữa là: việc vay vốn giá rẽ sẽ khó kiểm soát và nhóm lợi ích dễ lợi dụng để làm ăn.
Kinh nghiệm gói kích cầu 8 tỉ usd vào năm 2008 đã chứng minh cho điều đó.
Vì vậy, theo qui luật thị trường, thì không nên níu kéo bất động sản như trên.

PVH

Monday 25 March 2013

BUÔN DƯA LÊ




Gần đây người ta nhắc nhiều đến văn hóa nhậu như là một hiện tượng lệch chuẩn về lối sống. Thói quen tụ tập nhau nhậu nhẹt đã tạo ra nhiều hành động không tốt như sự hưởng thụ cuộc sống thực dụng, hành động mất kiểm soát dẫn đến bạo hành gia đình, các quan hệ “làm việc”mờ ám, tai nạn giao thông, … Tất nhiên, mỗi người ở bàn nhậu đều có mục đích khác nhau và mục đích nào cũng chí lý cả. “Đầu sơ sau thân” câu chuyện cứ thế tiến triển suốt cả đêm.
Ngày xưa người ta nói phụ nữ là chúa “ngồi lê đôi mách” vì ngoài nội trợ, chăm sóc con cái, rảnh thì họ sang nhà hàng xóm ‘buôn dưa lê”. Còn đa phần đàn ông ngày nay sáng chiều đi làm, trưa hoặc chạng vạng thì ở quán nhậu… Chẳng biết họ làm gì ở đó mãi đến khuya khoắt mới về. Chẳng lẽ cứ nói chuyện công việc hết mấy tiếng đồng hồ sao? Ly đầu bàn chuyện chính trị, công việc, thể thao, ly sau là tình anh em nhậu gắn kết, ly nữa là mừng chuyện gia đình mỗi người, … ly tiếp đi sâu chi tiết hơn: con vợ mày hồi này làm gì mập dữ, vợ mày chỉ biết đẻ vịt giời, con bé váy đỏ mới đi ngang qua có giò dài, .... Lúc này dường như không còn khoảng cách nữa, giữa họ là mối quan hệ khắng khít đến mức những kinh nghiệm về tình dục cũng được san sẻ, tình cảm giữa vợ chồng cũng được đùa vui, mổ xẻ,…
Ai nói chỉ phụ nữ mới biết “buôn dưa lê”? Người phụ nữ buôn dưa lê còn ở trong trạng thái tỉnh, không chịu tác động của rượu, cồn nên còn biết chắt lọc thông tin.Còn việc “buôn dưa lê” trên bàn nhậu làm ảnh hưởng tới nhiều yếu tố mà trong đó đạo đức và hạnh phúc gia đình dễ dàng có nguy cơ tan rã. Hình ảnh người cha đầy trách nhiệm và đáng tự hào giờ chỉ còn là người bê tha cục cằn, thô lỗ, người chồng luôn sẵn sàng gây hấn với vợ chỉ vì những câu nói của bạn bè trên bàn nhậu, từ đó tình cảm gia đình dần dần mất đi và tan rã. Mặc dù không cố tình nhưng những câu nói trên bàn nhậu lúc đó luôn tạo cảm giác khó chịu cho người nghe, ám ảnh họ và đến khi trở về nhà trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh họ sẵn sàng lấy lại bản lĩnh đàn ông trước mặt vợ con và sau đó nỗi chán chường không bằng bạn bằng bè cọng với sự mệt mỏi của người phụ nữ trong gia đình không được quan tâm, chia sẻ đã dẫn đến rạn nứt gia đình.
Hiện nay, nhiều cuộc hôn nhân chỉ còn lại sự chán chường mà nguyên nhân sâu xa của nó là những câu chuyện bâng quơ trên bàn nhậu. Vẫn biết rằng thi thoảng con người cũng cần giảm stress từ áp lực công việc nhưng đừng để điều đó ảnh hưởng tới người khác đặc biệt là những người thân yêu nhất của mình. Hạnh phúc cần được vun đắp, tưới nước hằng ngày chứ không phải trên trời rơi xuống. Vì vậy, đừng đánh mất mình vì những câu chuyện trên bàn nhậu.
 A.D

Sunday 24 March 2013

DẤU HIỆU VỀ LÃI SUẤT




Thị trường đang có những dấu hiệu để lãi suất tiếp tục giảm.
Có hai tin quan trọng.
1) Vietcombank đã giảm lãi suất tiền gửi cao nhất xuống 1%. Như vậy đây là ngân hàng lớn đầu tiên giảm lãi suất một mạnh mẽ. Một số ngân hàng cũng rục rịch giam lãi suất tiếp sau ngân hàng VCB.
2) Ông Nguyễn Bá Thanh, lần đầu tiên với tư cách là trưởng ban Nội chính đã cùng ngồi họp với ông Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Xem cách phát biểu và nội dung phát biểu thì ông Thanh đang "trên cơ" ông Bình về hiểu biết thị trường, và nắm bắt vấn đề tài chính ngân hàng quốc gia cặn kẽ hơn ông Bình.
Như vậy cũng đang có sức ép để ngân hàng Nhà nước có chính sách điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.
Và vấn đề quan trọng hơn ở chỗ: ông Thanh đã yêu cầu ông Bình phải siết chặt kỷ cương của ngành ngân hàng để cho những ai định có ý định làm sai phải biết sợ pháp luật hiện hành.
Dấu hiệu chỉ cho biết được mặt nổi của vấn đề. Mặt ngầm còn lại như thế nào, chắc còn tùy sự phán đoán và suy luận của mỗi người.

PVH

Friday 22 March 2013

TUỔI THƠ CỦA TRẺ EM NGHÈO



Nói đến trẻ em nghèo là nói đến những nổi thiệt thòi mà các em phải gánh chịu trong cuộc sống kể cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Người ta thường bảo rằng tuổi thơ thường là lứa tuổi đẹp nhất và hồn nhiên nhất. Bởi trong độ tuổi này chúng ta chưa hề vướng bận vào những nỗi lo của đời thường như cơm, áo, gạo, tiền mà suốt ngày chỉ rong chơi rồi lại được cha mẹ vỗ về nâng niu từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tuổi thơ của các em thường gắn liền với những ngày được vui đùa bên bạn bè cùng trang lứa.Sau những giờ trên lớp thì các em lại vô tư chơi đùa không cần phải lo nghi
Tuy nhiên, đó chỉ là tuổi thơ của các em được sinh ra trong những gia đình có điều kiện về kinh tế mà thôi. Còn tuổi thơ của các trẻ em nghèo cũng như các trẻ em ở vùng sâu, vùng cao và nông thôn thì tuổi thơ của các em gắn liền với những chuỗi ngày dài theo cha mẹ kiếm sống, hay tự mình bươn chải giữa cuộc đời để kiếm miếng ăn đỡ đần cho cha mẹ. Các em kiếm tiền dưới nhiều hình thức như đánh giày, bán vé số, bán đậu phộng...Các em cứ lang thang, rong ruổi hết trên những con đường góc hẻm của thành phố.
Trong cái thành phố Huế nhỏ bé này, dừ bạn đi đâu hay làm gì thì đều bắt gặp những hình ảnh như vậy. Chỉ cần bạn một chút quan tâm và biết cách quan sát thì sẽ nhận ra rằng: tại sao cuộc sống này lại bất công với các em như vậy? Có một lần tôi đi cùng bạn vào quán KFC thì trong lúc đang ăn tôi thấy có một bé trai khoảng chừng mười tuổi, làn da rám nắng, người thì gầy, mặc bộ đồ rất đen điu đang đứng bên ngoài lấp ló nhìn vào bên trong quán. Vì quán hôm đó là chủ nhật nên được đặt tiệc sinh nhật cho các em nhỏ rất đông. Cậu ấy đang đứng say sưa nhìn vào bên trong các bạn đang được vui đùa, hát hò, được ăn ngon lại mặc đẹp. Nhìn các bạn cùng trang lứa với mình đang ngồi đó mà dường như cậu ấy cảm thấy tủi thân, một chút buồn vương trên khuôn mặt bé nhỏ của cậu. Đang say sưa nhìn ngắm các bạn mà quên mất nhiệm vụ thì bất chợt có một người phụ nữ từ đằng sau nói gì đó với cậu, hình như người đó là mẹ của cậu bé. Thế là cậu bé bắt đầu đi hết bàn này đến bàn khác để ngửa tay xin những đồng tiền lẻ của những khách đang ngồi trong quán. Những khách nào cố tình lảng tránh thì cậu cứ đứng mãi đến khi cho tiền mới thôi. Dường như cuộc sống khó khăn này đã làm cho em chai sạn và lầm lì hơn thì phải. Và đây có lẽ không phải chỉ là một trường hợp duy nhất mà còn rất rất nhiều hoàn cảnh khác cũng giống như em.
Tuổi thơ của các trẻ em nghèo là vậy đó! Tuổi thơ của các em gắn liền với những con đường và những quán xá mà em từng đi qua. Tuổi thơ của các em gắn liền với những tầm lòng hảo tâm đã cho em những đồng tiền lẻ, đã mua giúp cho em những gói hàng.....
Và những bánh xe của thời gian vẫn cứ quay tít, cuốn theo tuổi thơ của các trẻ em nghèo.


Thursday 21 March 2013

TRƯỜNG HỢP THƯƠNG TÂM Ở PHƯỜNG PHÚ HIỆP


 H1.Hình ảnh anh Quỳnh đang chăm sóc em bị ốm
H2. Hình ảnh chị Dung đang chăm sóc con bị ốm
Em Nguyễn Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 11 Trường THPT Gia Hội – Huế, ngoài thời gian đi học ở trường em còn tranh thủ thời gian rãnh rỗi trong ngày kể cả buổi tối để đi bán vé số kiếm tiền mua sách, vở, bút…phục vụ cho việc học của bản thân và các em. Bố mẹ em sinh được 6 người con, hiện có 4 người con đều đang đi học, chỉ có 2 người con nhỏ ở nhà với bố và Quỳnh là con thứ 2 gia đình, hiện tại cả gia đình em đang sống nhờ nhà của ông bà ngoại ở KĐC Phú Hiệp thuộc Phường Phú Hiệp – Thành Phố Huế. Anh Lực bố em do bị bệnh không làm việc nặng được nên làm thợ cắt tóc tại nhà và chăm con nhỏ, nguồn thu nhập chính của gia đình là nhờ vào những tờ vé số mà 4 mẹ con Quỳnh thay nhau bán được hàng ngày, nhưng bây nhờ chỉ có 3 người vì người con đầu năm nay đang học lớp 12 nên bố mẹ cho em ở nhà để có nhiều thời gian học bài để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Vì thế mà gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên vai ba mẹ con em đặc biệt là Quỳnh, ngoài một buổi đi bán vé số Quỳnh còn tranh thủ thời gian buổi tối để đi bán vé số ở các quán nhậu nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mặc dù gia đình rất nghèo, phải sống kiếp “ ăn nhờ ở đậu”, nhưng tất cả anh chị em Quỳnh đều rất ngoan hiền, chăm chỉ và học giỏi. Anh Lực kết hôn với chị Dung mẹ của Quỳnh năm 1994, khi đó vì cuộc của cả 2 gia đình đều rất khó khăn nên anh chị phải đi thuê phòng trọ để ở và từ đó đến nay tất cả 6 người con của anh chị đều ra đời trong hoàn cảnh rất khó khăn. Trước đây khi còn khỏe thì anh Lực làm nghề bốc vác, phụ thờ nề, còn chị đi bán vé số nên cũng tạm đủ để trang trãi các chi phí trong gia đình, nhưng khi các con ngày càng lớn, nguồn thu nhập không đủ để trang trãi các chi phí thì anh chị lại dắt díu con đi đến thuê phòng trọ khác có giá thành rẻ hơn, đối với anh chị thì cứ 2 – 3 tháng chuyển chỗ ở một lần là chuyện rất bình thường. Vì trước đây do làm việc quá sức nên sức khỏe của anh Lực hiện nay ngày càng giảm, mỗi lần trở trời là chân tay đau nhức không đi lại được. Mặc dù cuộc sống khó khăn là vậy nhưng anh chị vẫn luôn quan niệm phải cố gắng làm việc để nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn để sau này đỡ phải vất vã như bố mẹ của chúng, nhưng mọi việc không phải đơn giản như anh chị nghĩ, khi các con anh chị lần lượt đến trường, cũng là lúc cuộc sống gia đình anh chị lại càng thiếu thốn, nguồn thu nhập từ 2 vợ chồng không đủ để lo cho gia đình. Vì thế anh chị đành để con theo mẹ bán vé số kiếm tiền để lo cho việc học hành của bản thân, hiểu được sự vất vã của bố mẹ cũng như bản thân các em luôn suy nghĩ phải cố gắng học để sau này có điều kiện để giúp đỡ bố mẹ và lo cho các em ăn học nên những đứa con của anh chị đều vứt bỏ sự mặc cảm, xấu hổ ngoan ngoãn theo mẹ mưa sinh, đứa học buổi sáng thì đi bán buổi chiều, đứa học buổi chiều thì đi bán buổi sáng. Mặc dù cả ba mẹ con lầm lũi cả ngày kể cả buổi tối để đi bán vé số nhưng số tiền kiếm được cũng chỉ đủ lo ăn uống hàng ngày của 8 miệng ăn, còn tiền đóng học phí của các em phải vay mượn ở các đại lý vé số rồi trả góp hàng ngày. Đối với mấy mẹ con Quỳnh thì thời gian ở ngoài đường và ở trường nhiều hơn thời gian ở nhà nên để gặp được mấy mẹ con là một điều hết sức khó khăn, nhưng thật may là hôm chúng tôi về thăm thì Quỳnh phải ở nhà để chăm sóc cho người em thứ 4 đang bị ốm và mẹ em cũng về sớm hơn mọi ngày để lo cho con, mặc dù con bị ốm nhưng vì không có tiền nên chỉ mua thuốc cho con uống chứ không đưa con đi khám bác sĩ. Ngồi trò chuyện với Quỳnh một lúc chúng tôi được biết, Quỳnh mong muốn được thi vào trường sư phạm, vì trường sư phạm không phải đóng học phí nên sẽ giảm gánh nặng cho bố mẹ và các em trong gia đình. Tuy cuộc sống của gia đình còn muôn vàng khó khăn, nhưng tất cả anh em Quỳnh đều rất vui vẽ, lạc quan, đều cố gắng vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ của mình.
XQ

Wednesday 20 March 2013

NÓI KHÔNG VỚI TIÊU CỰC TRONG THI CỬ VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC



Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay với những bộn bề bon chen trong cuộc sống, thế hệ thanh niên Việt Nam giỏi giang, tài đức sẽ là hình mẫu lý tưởng cho lớp thế hệ kế tục sự nghiệp vẻ vang của ông cha ta ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình để  tiến lên xây dựng một đất nước văn minh và  giàu mạnh. Tuy nhiên nhưng bây giờ đây có không ít một số bộ phận đang học không đúng khả năng mình và điều này đã tạo điều kiện cho một căn bệnh xâm nhập vào học đường đang lan rộng một cách nhanh chóng, gây xôn xao cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục.
Với những thành tựu của khoa học đương đại, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội, khuyến khích mọi người ứng dụng những lợi ích của Internet vào đời sống, học tập cũng như công việc. Tuy nhiên thay vì phát huy những mặt tích cực của nó thì một số học sinh, sinh viên đã xem nó như là một “công cụ lợi hại” để sao chép, copy để nhằm đối phó với giáo viên, với điểm số học tập ở trên trường. Họ học qua loa , đại khái, lên lớp thì nguệch ngoạc vài chữ, ngáp lên ngáp xuống, học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”nhưng kỳ lạ là lúc vào thi thì làm bài rất suôn sẻ, trôi chảy kéo theo điểm số cao chót vót đến nỗi các bạn khác trong lớp cũng phải ghen tỵ. Vậy thì do đâu? Thật là khó lý giải. Họ thông minh đến nỗi không cần học bài, hiểu bài cũng có thể làm bài thi, bài kiểm tra à? Phải chăng là những học sinh đó gặp may mắn trong khi quay cóp nhìn tài liệu hay là sự dễ dãi của thầy cô trong kỳ thi…Có thể là thầy cô không muốn học sinh mình bị điểm kém nên dễ dàng châm chước, bỏ lơ những điều mắt thấy tai nghe, hay là vì thương, cảm mến những học sinh tại gia của mình đã không quản ngại thời gian công sức học thêm với mục tiêu cái được gọi là củng cố kiến thức tuy nhiên kiến thức thì chẳng tiếp thu đến đâu mà cốt yếu là cho học sinh biết đề kiểm tra trên lớp để đạt được điểm cao thì các bậc phụ huỵnh mới vui lòng, an tâm. Và cũng chính kiểu thương đó, mà dẫn đến làm sai lệch kết quả, bất công cho những bạn tự vươn lên bằng chính năng lực thực sự của mình. Ông bà ta đã từng nói: “Không học thì làm sao có tương lai”. Tương lai đó không thể mua bằng tiền, bằng những mánh khóe khi làm bài hay sự nài nỉ của một ai đó... Tương lai là do chính bản thân mình nắm lấy, mình bắt giữ, phải đổ mồ hôi, nước mắt trong học tập thật sự thì mới có một tương lai tươi sáng. Những điểm số đáng mơ ước đó chỉ là nhất thời, nó là cái phao duy nhất để các em bơi qua một khúc sông chứ không phải là một chặng đường dài ở phía trước. Nếu các em không chịu phấn đấu nỗ lực hết sức mình thì cổng trường đại học chỉ là một mơ ước xa xăm, bởi khả năng, thực lực của học sinh sẽ được thể hiện chính xác nhất trong kỳ thi quyết định này. Ai giỏi có cố gắng sẽ đậu, ai lười nhác chỉ biết mánh khóe, giả dối thì phải nhận kết quả thấp. Không biết rằng trước kết quả này thầy cô có cảm thấy hối hận hay không vì đã quá dễ dãi cho những học sinh của mình.
Tuy nhiên nói cho công bằng, trách nhiệm cũng không thể đổ hết cho thầy cô, đó còn là sự học buông thả, không thực sự chuyên tâm vào học hành, lười nhác để cuối cùng nhận một kết quả không như mong muốn của mình.
Nói tóm lại, trách nhiệm là không phải của riêng ai mà xét cho cùng là tất cả các bộ phận, giáo viên gia đình và học sinh phải làm thế nào để tình trạng này không còn là một hệ lụy đáng buồn trong giáo dục nước ta. Để làm được điều này, giáo viên và phụ huynh cần thường xuyên theo dõi việc học của con em, kiểm tra kiến thức một cách chặt chẽ hơn nữa, đồng thời giáo viên cũng cần tạo ra nhiều phương pháp học chủ động hơn nữa để học sinh thích thú, hạn chế lối học “ thầy đọc, trò chép” truyền thống . Và quan trọng nhất là ý thức của mỗi học sinh, sự nỗ lực cố gắng hết sức mình trong học tập, lúc đó các em sẽ tìm thấy niềm vui đích thực khi đón nhận những điểm số xứng đáng với công sức mình bỏ ra, để nhằm hướng đến một môi trường giáo dục lành mạnh nói không với tiêu cực trong giáo dục và bệnh thành tích trong học đường.”
                                                                                                       
                                                                                                      Ngọc Thủy

Tuesday 19 March 2013

LÒNG DÂN




Vụ mang quan tài người chết đi diễu hành quanh Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cho thấy người dân dễ nổi giận khi thấy công quyền có những kết luận mà dân thấy là vô lý.
Liên quan tới xác chết tìm được dưới cống mương, người dân bất bình khi pháp y kết luận là người chết do ngã xuống nước, bị ngạt.
Trong khi theo người dân, bằng mắt thường có thể thấy được thi thể người chết bị chấn thương, ít nhất là ở vùng đầu - có thể là do bị đánh.
Sau khi gây mất trật tự do số người tụ tập đi theo quan tài quá đông, cơ quan chức năng cấp trên nhanh chóng vào cuộc và sớm có kết luận là người chết nằm trong quan tài do bị đánh và sau đó đã khởi tối vụ án bắt tạm giam một số người liên quan.

Đến đây, lòng dân vẫn chưa yên vì người ta còn nghi ngờ về khả năng liên can của con gái và con rễ ông chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc. Sự việc điều tra mới bắt đầu, chưa đi tới đâu nhưng hình như cơ quan công an tỉnh đã nhanh chóng loại hai người này ra khỏi vòng liên quan cho thấy điều này chưa khách quan nên người dân càng thêm bất bình.
Ông chủ tịch tỉnh đã dùng cơ quan thông tin đại chúng để yêu cầu bảo vệ danh dự cho gia đình ông trong vụ này, trong khi đáng ra ông phải yêu cầu phải xử lý nghiêm theo pháp luật bất cứ ai liên quan trong vụ án.

Phát biểu của ông chủ tịch Vĩnh Phúc cũng góp phần làm tan nát lòng dân, vốn đã không tin vào kết luật ban đầu của cơ quan công quyền.
Lòng dân là vậy!

PVH

Monday 18 March 2013

QUÊ TÔI, NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ



Quê tôi ngày ấy, mỗi lúc đếm xuống đi khắp nơi chỉ toàn thấy những ánh đèn dầu len lói trong những căn nhà tranh nhỏ. Bên ánh đèn dầu ấy, mọi người trong gia đình cùng trò chuyện, cùng chia sẻ về công việc của mình đã làm trong ngày đó. Cuộc sống tuy nghèo về vật chất, nhưng giàu về tình thương giữa những người trong gia đình với nhau.
Ấy mà bây giờ cuộc sống nơi tôi sống đã bắt đầu đổi khác rồi. Đi từ đầu làng đến cuối làng, đố các bạn tìm ra cho tôi một căn nhà tranh. Nhà ngói thì đua nhau mọc san sát, có những ngôi nhà có đến hai ba tầng. Đèn dầu ngày xưa chỉ được sử dụng khi cúp điện mà thôi. Đèn điện thì được bắt sáng từ trong nhà ra thấu ngoài đường.
Còn đâu những buổi sáng sớm, các chị em trong làng đua nhau gánh gánh gồng gồng đi lấy nước ở cái giếng nơi đầu làng. Mọi người vừa múc nước vừa nói chuyện rôm rả. Nhưng đến giờ, giếng làng tôi đã bị đập để làm đường, còn nước sạch thì nhà nào cũng có.
Còn nhớ những ngày trời mưa, đường làng lầy lội đầy bùn. Nhìn những học sinh tan trường về, tay thì phải cầm dù, lưng thì phải mang cặp, chân thì phải mang bốt. Nếu bạn nào không mang bốt thì bùn lấm lem đầy người. Nhìn làng tôi bây giờ chẳng thua chi thành phố, bê tông được lót từ đường lớn đến từng xóm nhỏ.
Thì cũng do vậy, quán xá mọc lên khắp nơi. Trong đó, đầy rẫy những quán chơi game. Bọn trẻ thì chỉ lo mải mê chơi game quên cả việc học. Nó không còn ham muốn chơi những trò chơi dân gian như chúng tôi ngày trước nữa.
 Cuộc sống bây giờ đúng là đầy đủ thật, thật ra ai cũng cảm thấy hạnh phúc về điều đó. Nhưng đôi lúc, chúng ta lại muốn tìm về ngày ấy, tìm về cái mộc mạc đơn sơ của ngày xưa mà lúc này khó mà có được.

T.N

Friday 15 March 2013

ĐỂ XỨ HUẾ LUÔN ĐẸP TRONG LÒNG DU KHÁCH



 Xứ Huế không những nổi tiếng bởi ở đó có kinh đô thời nhà Nguyễn kéo dài gần hai thế kỷ mà Huế còn có những công trình lăng tẩm, đền đài rất được nhiều du khách yêu thích mỗi khi có dịp đến thăm Huế như: Chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, lăng Gia Long, đền Huyền Trân, đồi Vọng Cảnh, cầu ngói Thanh Toàn, vườn Quốc Gia Bạch Mã…. Không những sở hữu những công trình nổi tiếng mà Huế còn được thiên nhiên ban tặng dòng sông Hương thơ mộng và hiền hòa chạy trong lòng thành phố. Nhờ sở hữu những nét đẹp cổ kính và những vẽ đẹp mà thiên nhiên ban tăng nên thành phố Huế trong những năm gần đầy là điểm đến rất hấp dẫn của du khách trong nước cũng như khách quốc tế.

Trong năm 2012 vừa qua, thành phố Huế đón trên 2,5 triệu du khách đến tham quan. Trong đó có gần 1 triệu khách quốc tế và hơn 1,5 triệu khách nội địa. Do lượng khách đến tham quan rất lớn nên tình trạng bám theo khách để xin ăn, bán hàng, chụp ảnh, cò mồi…diễn ra hầu như ở tất cả các điểm tham quan đã làm mất đi hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Ngoài nạn ăn xin, cò mồi thì tại Huế vẫn đang tồn tại một hình ảnh rất xấu đó là một số người khi tham gia giao thông không nhường đường cho du khách đến tham quan. Tại một số điểm du lịch ở Huế hiện nay, chúng ta luôn nhìn thấy hình ảnh người đi đường không nhường đường cho những đoàn khách du lịch. Có những đoàn khách người nước ngoài khi đi qua những điểm tham quan thì một số người dân Huế vẫn thản nhiên đi xe băng qua mặc cho du khách hết sức sợ hãi.

Để Huế luôn thơ mộng và hiền hòa trong lòng du khách thì chúng ta cần dẹp bỏ nạn chèo kéo khách, cò mồi… Ngoài ra thì mỗi người dân Huế chúng ta cũng cần có ý thức trong việc tham gia giao thông nhất là nhường đường cho du khách người nước ngoài. Nếu làm được như vậy thì xứ Huế thơ mộng và hiền hòa mới đẹp mãi và luôn đi vào lòng du khách mỗi khi họ đã đến thăm Huế.

I.H

Thursday 14 March 2013

GIỮ TRỌN TÌNH THƯƠNG



Có những phút giây của ngày hôm qua bạn cảm thấy lạc lõng giữa đám bạn bè của mình, bạn cảm thấy như tất cả mọi người đều trở nên quay lưng lại với bạn, một cảm giác trống trải và xa lạ, tưởng chừng như mình không có bất cứ một người bạn nào.
Nhưng có những phút giây của ngày hôm nay, bạn nhận ra rằng họ luôn quan tâm, che chở và làm cho bạn ấm lòng, chỉ có điều phút giây của ngày hôm qua bạn chưa nhận ra đó thôi!
Có những giây phút của ngày hôm qua bạn thấy chán sự che chở của cha mẹ, bạn muốn tự lập, muốn trở thành một người lớn theo đúng nghĩa – điều mà cha mẹ bạn không bao giờ nghĩ tới. Nhưng có những giây phút của ngày hôm nay, khi bạn thất bại, vấp ngã, bị tổn thương – lúc ấy bạn chợt nhận ra rằng nơi mình muốn “đến” nhất đó chính là nhà của mình nơi ấy sẽ có những lời hỏi han ấm áp, là nơi xoá đi tất cả những vết thương lòng và là nơi bạn mãi mãi có thể tin tưởng để gửi gắm những sẻ chia. Bởi ba, mẹ chính là những người luôn dõi theo từng bước chân con của mình và sẵn sàng che chắn khi con bị vấp ngã, gặp khổ đau trong cuộc đời.
Bởi vậy, những ai còn ba trên đời thì hãy biết nâng niu quí trọng, những ai còn mẹ trên đời thì xin đừng làm mẹ khóc. Vì ba, mẹ là lá chắn che chở cho con suốt cuộc đời.
H.S

Wednesday 13 March 2013

Cuộc sống !



Ta vượt qua được những thăng trầm, những hụt hẫng trong cuộc sống bằng cách nào không? Đó chính là vì ta còn hi vọng vào tương lai, bởi ta tin rằng “Ngày mai sẽ là một ngày mới” và “sau cơn mưa trời lại sáng”. Vì thế, dù trong bất cứ hòan cảnh nào, ta cũng đừng đánh mất niềm tin và hi vọng đấy nhé!

Nhiều bạn thường tự đặt cho mình câu hỏi: “Ta là ai ở giữa cuộc đời rộng lớn này?”, “Vì sao ta lại được sinh ra trong cuộc đời này ?”, “Ta sống vì điều gì?”. Đó là tâm sự của những tâm hồn khi đứng trước cuộc sống bao la rộng lớn, những người tự thấy mình cô độc, lạc lõng, thậm chí mất phương hướng. Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy, cũng chính là câu hỏi về trách nhiệm, về ý nghĩa của cuộc sống của chính mình. Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản ấy lại quá phức tạp đới với một đứa mới lớn như tôi. Và có nhiều khi đứng trước những khó khăn, thử thách của đời thì ta lại đặt ra câu hỏi đó ! Trả lời câu hỏi như tìm ra mục đích sống của chính mình, hay giải đáp với những thắc mắc tưởng chừng vô tận với cuộc sống... Cuộc sống không phải là một chuỗi những bất ngờ, tự nhiên mà có, cuộc sống là những điều nối tiếp nhau, có nhân có quả, có bắt đầu và có kết thúc. Có bao giờ ta tự hỏi, ta có được ngày hôm nay, là nhờ điều gì hay không? Ta được nuôi dưỡng lớn khôn, mạnh khỏe như thế này, là nhờ cha mẹ đã vất vả mỗi ngày, không quản nắng mưa, lao động cực nhọc để bạn có bát cơm trắng dẻo thơm, được cắp sách vở tới trường học điều hay lẽ phải, được manh áo ấm qua mùa đông giá rét... Từ khi sinh ra đến bây giờ, ai bên ta mỗi khi bệnh tật, khi ta thất bại, buồn đau… Mẹ luôn thức đêm canh ta bớt sốt trong những ngày cảm, mẹ chia sẻ, động viên cùng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Vậy thì, bạn hãy nâng niu từng hạt gạo ngọt bùi, học cho thật tốt, thật hay, và công ơn nuôi dưỡng sinh thành của cha mẹ của ta.
 Khi ta gặp khó khăn, ngoài ba mẹ thì những người bạn luôn chìa tay ra giúp ta. Khi ta có tâm sự, nỗi niềm, bạn bè luôn sẵn sàng sẻ chia. Khi bạn hạnh phúc, bạn bè luôn mỉm cười,chung vui với bạn. Vì thế, bạn hãy luôn thương yêu, luôn mở lòng với những người bạn thân thật thân ấy nhé!
? Ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trong những giá trị bình thường quanh ta – là tình yêu của mẹ cha, là tình thân của bạn bè, là niềm vui và hạnh phúc khi đối mặt và vượt qua khó khăn, là ước mơ và hi vọng vào ngày mai... Và điều gì nuôi dưỡng tâm hồn ta, xây đắp nên cuộc sống của chúng ta, thì ta cần, nên và phải sống vì chính những điều đó.

P.K

Monday 11 March 2013

SA DẠ DÀY VÌ ĐI BỘ BUỔI TỐI




Tản mạn trên một số trang web, tôi được biết đi bộ buổi tối sau khi ăn no sẽ bị sa dạ dày, xin chia sẻ cho mọi người để cùng biết.
Khi vừa mới ăn xong, về nguyên tắc máu sẽ tập trung ở dạ dày và ưu tiên cho cơ quan tiêu hóa để tiêu hóa thức ăn. Nếu lúc đó, chúng ta tập luyện hay vận động, múa phải phân tán tới các cơ quan ngoại biên, cơ làm cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, dẫn đến tiêu chậm
Ngược lại, quá trình tiêu hóa cũng ngăn cản quá trình vận động chung của cơ thể gây ra biểu hiện rối loạn tuần hoàn. Như vậy, khiến cho cử sự tập luyện và tiêu hóa đều không có hiệu quả. Hơn nữa, do tác dụng của cơ học của vận động sẽ gây ra các biểu hiện ngăn trở quá trình tiên hóa của dạ dày, lâu dần gây viêm loét dạ dày, đường tiêu hóa...
Do đó, nên ăn trước khi tập luyện tối thiểu 2 tiếng, không ăn no và uống bia, rượu. Chú ý ăn thức ăn dễ tiêu, ít mỡ, ít chất xơ để tránh tình trạng dạ dày đầy, thức ăn sẽ gây khó khăn khi chạy và thở, ảnh hưởng đến tiêu hóa, tỷ lệ thức ăn nhiều đường bột, ít chất béo và chất đạm, giảm muối.
D.T

Sunday 10 March 2013

BỊT MIỆNG...ĐA DẠNG




Đa dạng cũng là một đặc điểm cố hữu của sự vật hiện tượng.
Cứ thử tìm hiểu cách phân loại thực vật sẽ thấy sự đa dạng trong tự nhiên phong phú như thế nào!
Tính đa dạng trong xã hội do con người tạo nên cũng thật là khủng khiếp. Nếu không có phát minh, không có sáng tạo của con người, cuộc sống nhân sinh thật là nhàm chán và vô vị biết bao!.
Có người bạn Nhật tâm sự với tôi rằng, anh rất thích mua khẩu trang của Việt Nam về làm quà cho người thân. Lúc đầu tôi không hiểu ý anh, tưởng anh muốn mua quà tặng rẽ tiền, nhưng anh liền giải thích và tôi hiểu ra nguyên nhân.
Anh bảo, ở Nhật khẩu trang rất theo qui chuẩn, đó phải là khẩu trang y tế, vì vậy ra đường nhìn thấy ai đã đeo khẩu trang cũng dùng y chang một loại như nhau vậy. Anh nói trông nhàm chán quá.
Khẩu trang VN thật là đa chủng loại, kích thước, mẫu mã, cho đủ loại lứa tuổi...Tháng nào cũng có chủng loại mới, và anh thích thú nhìn vào đó để biết sự đổi thay của Việt Nam.
Đúng vậy, khẩu trang được dùng chủ yếu để bịt mũi và đặc biệt là miệng.
Cũng không biết tại sao về điểm này, anh bạn Nhật lại khen Việt Nam đến như vậy?
PVH

Thursday 7 March 2013

NƯỚC




Đầu xuân, được nghỉ dài ngày, đi ra đi vào cũng không hết ngày, rượu bia cũng chẳng màng mấy, chỉ thích uống nước lọc.
Từ đó mới thấy từ "nước" trong tiếng Việt thật độc nhất vô nhị, ý nghĩa vô cùng, không biết ngôn ngữ các nước khác có từ tương đương như vậy hay không?.
1) Nước: Chỉ chất lỏng, có công thức hóa học là H20. Tiếng Anh là "water".
2) Nước: Chỉ quốc gia, như nước Việt Nam. Không thể viết tiếng Anh : Vietnam Water được. Thay vào đó phải dùng từ "country"; hay "nation"...khi chuyển sang tiếng Anh.
3) Cụm từ "nước non"; hay "non nước" rất là đặc sắc. Hồn dân tộc Việt cũng có thể nằm trong cụm từ này.
4) "Nâng thuyền là nước mà lật thuyền cũng là nước", quả là một cách nói ví von tuyệt vời làm sao.

Vậy, chúng ta cùng nhau làm sao để cho "thế nước" trong năm mới Quý Tỵ ngày càng được vững vàng, bền chặt và bất khả xâm phạm!

PVH

Monday 4 March 2013

LẮNG NGHE DÂN



Phải học cách lắng nghe Dân.
Khi Dân còn góp ý cho nhà nước, tức họ còn yêu mến nhà nước đó. Khi họ ghét bỏ, họ sẽ ngoảnh mặt làm ngơ, mọi sự coi như không biết.
Vì vậy, lãnh đạo nhà nước phải chịu lắng nghe, học cách lắng nghe được tiếng Dân, tâm tình của Dân.
Có người nói: "Cần rửa tai để nghe Dân nói".
Lại có lời khuyên: "Cần sự tỉnh táo và dũng cảm để nghe Dân phản biện".
Nhưng phải chăng cần phải lắng nghe Dân bằng cả tấm lòng thành thật của người lãnh đạo được Dân giao phó trọng trách.
Đừng nghĩ Dân góp ý trái chiều là "thù ngịch, bị kích động, bất mãn". Đừng lấy "chủ trương lớn để chặn họng Dân".
Không có chủ trương lớn nào bằng lời ông cha đã khắc " Dân vi bản".
Hệ quả nhãn tiền của "chủ trương lớn phát triển dự án Boxit" là kết quả tất yếu của việc không chịu lắng nghe tiếng Dân.

Lại nữa, nếu không nghe Dân thì nghe Ai?

PVH

Friday 1 March 2013

MỘT SỐ CHIẾN THUẬT TĂNG NĂNG SUẤT LÀM VIỆC



Khi nền kinh tế khó khăn, mọi thứ phải cắt giảm để tăng hiệu quả hoạt động, thậm chí cả thời gian. Do đó, để thích nghi bạn cần có chiến thuật để có thể tăng năng suất làm việc lên.
Dưới đây là 10 phương pháp được sưu tầm sẽ giúp bạn có được những chiến thuật hiệu quả để tăng năng suất làm 
1. Cảnh giác với tính năng đa nhiệm
Điều này nghe có vẻ phản thực tế nhưng sự thật là chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu chúng ta chỉ kiểm tra thư điện tử vài lần trong ngày thay vì liên miên kiểm tra chúng từng giờ. Việc kiểm tra liên tục không chỉ làm mất thời gian mà còn khiến công việc của bạn trở nên xáo trộn.
2. Sắp xếp hộp thư đến
Công nghệ là một người đầy tớ tuyệt vời nhưng cũng là một ông chủ khó tính thậm chí là tồi tệ. Nếu việc trả lời hoặc sắp xếp thư chỉ mất chưa đầy 2 phút thì bạn hãy làm ngay lập tức. Còn nếu mất nhiều thời gian hơn, hãy kiểm tra thư của bạn vào những giờ cố định đã được lên sẵn trong ngày. Đừng cài đặt những tín hiệu thông báo ở máy tính mỗi lúc có thư mới. Hãy gửi đi ít hơn để nhận ít hơn và luôn viết ngắn gọn, súc tích nhất có thể.
3. Giải tỏa đầu óc
Bạn không cần phải ngồi tư thế hoa sen và tụng kinh nhưng mỗi ngày, bạn nên dành ra vài lần, mỗi lần vài phút để bình tĩnh lại và làm thư thái đầu óc. Đi vòng quanh khu làm việc hoặc chỉ đơn giản là rời xa màn hình máy tính cũng có thể giúp bạn sảng khoái và tập trung hơn trong công việc.
4. Loại bỏ những cuộc hẹn không cần thiết
Gặp gỡ trực tiếp là điều cần thiết vì đôi khi nhiều bức thư điện tử có thể bị hiểu sai, hoặc trục trặc kỹ thuật làm nó không đến được với người nhận. Tuy vậy, hãy tích cực bảo vệ thời gian của mình, cố gắng tránh các yêu cầu gặp mặt thật sự không cần thiết.
5. Học cách nói “không”
Tuy chỉ có một chữ cái nhưng đó là từ khó nói ra nhất. Một lần nữa, hãy tránh xa các thư điện tử. Nếu bạn có thể làm được thì hãy cố gắng giải quyết vấn đề của người thỉnh cầu.
6. Lên danh sách
Các chuyên gia về làm việc hiệu quả đều lên danh sách. Nhờ vậy, sẽ không còn những đêm bạn nằm ngủ và ở trong tình trạng lo lắng khi bạn chắc chắn đã quên làm điều gì đó. Hãy lên các loại danh sách khác nhau, cả những danh sách ngắn hạn cần làm lập tức và danh sách những mục tiêu dài hạn. Bên cạnh đó, hãy xác định rõ ràng những công việc nào nên được làm trước. Đừng để bản thân thất bại vì bắt đầu mỗi ngày với một chương trình dài mà lại không hề không có thật.
7. “Cai” các mạng xã hội
Nếu bạn không cần cho công việc, hãy lưu Facebook ở nhà và tắt Twitter trong suốt thời gian làm việc. Hành động này không chỉ khiến quỹ thời gian của bạn nhiều hơn mà còn giúp bạn có thể tập trung hoàn toàn vào công việc.
8. Thiết lập hệ thống
Các hệ thống cho dù đơn giản nhất đều cho phép các dự án tiến về phía trước trong khi bạn giải phóng đầu óc để thư giãn và nhìn vào những thứ cao hơn. Quản lý những tóm tắt rõ ràng và đầy đủ giúp làm tăng sự rõ ràng, tập trung, và kiểm soát. Điều đó cũng giúp cung cấp các nền tảng then chốt phân biệt nơi bạn đang đi và điều gì là thật sự cần thiết.
9. Dọn dẹp bàn làm việc
Cảm hứng làm việc cũng là một yếu tố rất quan trọng. Chính vì thế, các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên dành ra ít nhất 15 phút mỗi ngày để dọn dẹp ngăn nắp bàn làm việc. Hãy bỏ đi những thứ không cần thiết và sắp xếp giấy tờ một lần mỗi ngày.
10. Tận dụng thời gian
Tăng năng suất không chỉ là chắc chắn những việc đó đã hoàn thành và có cảm giác kiểm soát hơn. Đó còn là giải phóng thời gian để suy nghĩ sáng tạo, sâu sắc hơn, có lẽ về một sản phẩm mới hoặc cách mới để tăng doanh thu. Hãy tắt chuông điện thoại, đóng cửa, tránh thư điện tử và suy nghĩ, bạn sẽ có nhiều thời gian sáng tạo hơn. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho hiệu quả việc làm của bạn.

T.H