Monday 30 April 2012

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC PHÁP LUẬT ( PHẦN 3)



- Không có năng lực hành vi dân sự: Người chưa đủ 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự, mọi giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
- Hạn chế năng lực hành  vi dân sự:  Điều 23 BLDS  qui định: ” Người nghiện ma tuý hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích có liên quan, cơ quan hoặc tổ chức hữu quan Toà án ra quyết định là bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”.
Điều kiện có quyền yêu cầu TA tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự:
+ Nghiện ma tuý hoặc các chất kích thích khác.
+ Phá tán tài sản gia đình nghĩa là làm cho tài sản bị thiệt hại mất mát, hao hụt mà không mang lại lợi ích gì. Thường những trường hợp nghiện ma tuý, cờ bạc, rượu chè và sống vô trách nhiệm với gia đình, xã hội thì có hành vi phá tán tài sản.
Tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều trường hợp vì cờ bạc, số đề dẫn đến phá tán tài sản gia đình nhưng trong qui định của BLDS mới chỉ qui định đến trường hợp bị “nghiện” mà chưa qui định trường hợp này.
Trong trường hợp cá nhân bị tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch dân sự liên quan đến taì sản của người đó phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật do TA chỉ định trừ những giao dịch dân sự nhỏ phục vụ  nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
- Năng lực hành vi dân sự một phần: Người có năng lực hành vi dân sự một phần là những người chỉ có  thể xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong một giới hạn nhất định, ngoài ra các quan hệ dân sự khác phải có sự đồng ý của người đại diện mới có giá trị pháp lý.
Điều 20 BLDS quy định: Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.
Những người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi tài sản riêng mà không cần người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có qui định khác.


Đ.N

ĐẶC SẮC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở HUẾ


Nghề truyền thống của Huế từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc để Huế được biết đến không chỉ là thành phố của di sản mà còn nghề mưu sinh của con người ở đó cũng mang đậm tính nhân văn và nghệ thuật. Những tác phẩm được tạo ra bởi những nghệ nhân tài hoa là cả một nghệ thuật kết hợp của sức lao động, cái tâm yêu nghề và bàn tay khéo léo. Tác phẩm nào cũng không thiếu sự tinh tế, sức sống và sáng tạo. Còn tinh tế hơn nữa khi nghề mưu sinh trở thành thú chơi tao nhã, công phu và cũng không kém phần quý phái. Ví như người Huế vẫn thường nói ăn không chỉ ngon mà còn đẹp, sống không chỉ ở mà còn hài hòa với thiên nhiên, trồng cây không chỉ thư giãn mà còn có hồn và thanh tao không kém.
Trên đà hội nhập và phát triển, nghề truyền thống xứ Huế không hề mất đi nét đặc sắc vốn có mà còn chuyển mình tìm hướng đi mới để không bị mai một. Do vậy vấn đề khôi phục và phát triển nghề và làng nghề truyền thống là vô cùng quan trọng trong việc duy trì những giá trị, tài sản của quốc gia. Để kích thích các làng nghề phát triển, tỉnh cũng đã tổ chức các hội thi sản phẩm thủ công, công nghiệp nông thôn tiêu biếu để phát triển thành các sản phẩm hàng hoá theo từng năm.tập trung ưu tiên vào đầu tư và phát triển làng nghề mây tre đan Bao La, làng nghề nón lá Mỹ Lam, làng nghề gốm Phước Tích theo hướng mở rộng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển du lịch làng nghề. Ngoài phát triển sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu, kế hoạch này còn nhằm giải quyết việc làm trong nông nghiệp nông thôn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Ngoài ra, các sản phẩm từ tre truyền thống như nan quạt thư pháp, đèn lồng, vành nón, rổ rá, túi sách….hiện đang rất hút hàng, cung không đáp ứng được cầu. Đó là tín hiệu vui cho một sự phát triển của làng nghề truyền thống mây tre đang của Huế. Sản phẩm đã thật sự có chỗ đứng trên thị trường.
Trong tương lai, khi các làng nghề đã có thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng, sẽ tạo nên hiệu quả "kép" không chỉ giúp việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề có hiệu quả mà còn giúp giải quyết được một lượng lớn lao động, tăng nguồn thu nhập, nhất là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra còn góp phần đáp ứng các tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

NT

Friday 27 April 2012

Ở HIỀN GẶP LÀNH



Cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt gặp dữ hoá lành, kẻ ác gieo gió gặt bão,... là những mô típ quen thuộc trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là trong các câu chuyện cổ tích. Ẩn sau những câu chuyện đầy màu sắc đó là những triết lí sống, triết lí làm người. Mối quan hệ nhân - quả “Ở hiền gặp lành” luôn là cái tâm, cái cốt lõi của đa số tác phẩm văn học và được nhiều người lấy đó là phương châm sống. Nhưng trong thực tế, “Ở hiền gặp lành” có phải lúc nào cũng đúng, cũng hoàn hảo như trong các câu chuyện cổ tích, như trí tưởng tượng của con người?
Vậy, thế nào là “Ở hiền gặp lành” ? “Ở hiền” phải chăng chỉ là hiền lành, không dữ, không làm điều sai trái, gây hại cho người khác, mưu lợi cho bản thân,...? Nếu chỉ nghĩ theo ý nghĩa cơ bản của từ “hiền” như vậy thì sẽ gây ra sự hiểu nhầm, cho rằng cứ sống sao tốt cho mình không ảnh hưởng đến ai là được rồi, dẫn đến tính cách nhu nhược, dĩ hoà vi quý, không biết quan tâm, giúp đỡ người khác,... Có nhiều người luôn cho rằng mình luôn “ở hiền” mà không “gặp lành”. Vậy bạn tự hỏi mình xem liệu bạn đã từng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông chưa hay cũng chỉ “bu” quanh dòm ngó nhận xét, bàn tán như bao người khác; bạn đã từng lên tiếng nhắc nhở một người xả rác không đúng nơi quy định,...? Nếu cho bạn nghĩ lại, bạn có dám khẳng định mình là người “ở hiền” nữa không? Nhưng thực chất không phải vậy, sâu xa hơn, từ “hiền” ở đây mang ý nghĩa lớn lao, bao trùm lên cả ý nghĩa nhân đạo – đạo lí làm người. Có thể nói, “ở hiền” là sống sao có ích cho đất nước, xã hội, biết quan tâm giúp đỡ người khác lúc khó khăn, hoạn nạn, đồng thời phải biết lên án, đấu tranh chống lại cái ác, những thế lực xấu xa luôn muốn làm hại con người,... Vậy “ở hiền” sẽ “gặp lành” như thế nào? Người “ở hiền” sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp, may mắn. Khi bạn không làm điều xấu, hại người bạn sẽ không cảm thấy bất an, tội lỗi, lo lắng mà suy sụp. Không những thế khi làm việc thiện, giúp đỡ người khác bạn sẽ cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái, tự hào,... Không chỉ vậy, mọi người xung quanh sẽ yêu quý bạn, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn, cuộc sống sẽ luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
Nhưng có phải ai “ở hiền” cũng “gặp lành” không? Có rất nhiều người sống và làm việc chuẩn mực, không làm điều gì trái lương tâm nhưng sao cuộc sống của họ vẫn khó khăn, vẫn gặp nhiều biến cố trắc trở, bị nhiều tai ương giáng xuống đầu? Như khi tôi đi làm việc ở những vùng xa thấy những cảnh không thể cầm long, ví như: hai chị em người chị tên MÉT người em tên VUÔNG hai người này đã quá tuổi thất thập và bị bịnh Parkinson nhưng phải tự nuôi nhau. Hoặc bà ở xã Vinh Thái tuổi đã người 80 không có người than phải nhờ hàng xóm chăm sóc... Không chỉ vậy, số phận cũng không mỉm cười với nhiều đứa trẻ, những sinh linh nhỏ bé, ngây thơ. Nào là những cô bé, cậu bé mồ côi, không nơi nương tựa, những đứa trẻ tật nguyền hay những em bé bị di chứng chất độc màu da cam,... Những tâm hồn trong sáng ấy có tội tình gì mà số phận nỡ đối xử với chúng một cách tàn nhẫn đến như vậy. Những đứa bé ấy còn chưa có cơ hội để “ở hiền” vậy mà đã “gặp dữ” rồi. Những đứa trẻ đó thật đáng thương! Chỉ cần một lần nhìn thấy những khuôn mặt ngây thơ đó thôi, tôi đảm bảo các bạn cũng như tôi sẽ không cầm nổi lòng mình và lúc đó, các bạn sẽ khẳng định lại câu nói của cha ông ta “Ở hiền gặp lành” là sai, hoàn toàn sai!!!

Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng không phải ai “ở hiền” mà cũng “gặp lành” cả. Câu nói của cha ông ta chỉ có phần nào đó là đúng thôi. Nhưng không phải vì thế mà ta phủ nhận nó. Qua câu nói “Ở hiền gặp lành” những người đi trước muốn răn đe, nhắc nhở mọi người phải sống sao cho tốt, làm công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Chúng ta may mắn hơn nhiều người, “gặp lành” hơn nhiều số phận, vì vậy chúng ta nên cưu mang, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, mang lạikhông chỉ niềm vui cho bản thân mà còn mang đến niềm hạnh phúc cho mọi người. Có thể nói, câu nói “Ở hiền gặp lành” là một câu nói hay, mang nhiều ý nghĩa. Có thể câu nói có lúc không đúng nhưng chúng ta vẫn phải “ở hiền”, làm người tốt, việc tốt, để khỏi phải bị tòa án lương tâm soi xét.
Đ.N

Wednesday 25 April 2012

NGHỀ CHÀI LƯỚI TRÊN SÔNG

Từ xa xưa con người đánh bắt cá trên sông chủ yếu là bằng các phương pháp thủ công như: thả lưới, bắn súng, rà điện, cất rớ, đôi bột pháo, câu cá, kéo lưới, tát cạn,... Ngày nay, một số phương pháp thủ công này bị mai một đi, người ta không còn sử dụng đến. Cách thức rà điện để bắt cá rất hiệu quả, được phổ biến khắp nơi và được nhiều người sử dụng đến. Tuy nhiên, phương thức này đã bị cấm từ lâu vì nó làm chết những con cá nhỏ, hủy hoại môi trường sinh thái.
            Cho đến ngày nay, đánh bắt cá trên sông bằng phương thức chài lưới vẫn được bà con ngư dân duy trì, tồn tại và phát triển nhiều nơi. Đây có thể nói là phương thức hiệu quả nhất cho bà con, phù hợp với việc bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần việc cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Nói chung, bà con đã làm một việc rất có ích cho xã hội. Với phương thức này, bà con chỉ cần những tay lưới, một chiếc xuồng và một cái chầm để chèo xuồng; sau khi thả lưới xong, bà con chèo xuồng đi quang và gõ chầm vào thành xuồng tạo ra tiếng kêu làm cho cá bơi tán loạn để mắc phải vào lưới, cuối cùng bà con kéo lưới lên để gỡ những con cá đã mắc vào lưới; sau đó bà con lại thả lưới tiếp tục, rồi lại kéo lưới,...
            Tuy nhiên, những bà con làm nghề này hầu hết là những người nghèo khổ, con đông, chạy ăn từng bữa, nhưng lại không được quan tâm, hỗ trợ gì để phát triển nghề nghiệp, cải thiện cuộc sống.

H.S

Monday 23 April 2012

“CÚ ĐÁNH” QUYẾT ĐỊNH



Ngày xưa có từ “Mã thượng” để nói về người quân tử trong cách xử trí với người yếu thế hơn mình. Cũng có thể là là nói về người quân tử, không bao giờ đánh người ngã ngựa-thường đó là cú đánh quyết định sinh mạng của người thua cuộc.

“Dậu đổ, Bìm leo”, “ Trâu ngã, lắm kẻ cầm dao”...cũng là những câu nói về nhân tình thế thái, qua đó có thể thấy  kẻ yếu thế thường sẽ bị kẻ mạnh lấn lướt khi thất thế.

Minh chứng cho điều này, không gì sinh động hơn sự kiện Bạc Hy Lai bị cách chức về chính quyền và đảng trong một thời gian ngắn vừa qua. Ông ta là một ngôi sao đang lên trên chính trường Trung Quốc, hy vọng sẽ được bầu vào thường vụ Bộ Chính Trị, thay ông Chu Vĩnh Khang người đang nắm an ninh và công an của Trung Quốc.

Ấy vậy mà khi ông ta bị thất sủng, báo chí Trung quốc đã dùng không tiếc lời để bội bẩn thanh danh của ông cùng vợ và con trai, cùng các thân nhân liên quan.

Chính trị như vậy thật ra không quân tử lắm. Nhưng việc lựa chọn nhân sự do đảng CS Trung Quốc tự tiến hành, nếu ông Bạc thật sự xấu xa như vậy, cũng phải có một phần lỗi của đảng đã không phát hiện, hoặc đã có người bao che cho ông trong quá khứ.

Còn việc  để trở thành tổng thống của Mỹ và một số nước Phương Tây thì phải thông qua một quá trình sàng lọc rất là khó khăn, không một tí ti nào của gia đình và người thân từ nhỏ tới lớn của ứng cử viên mà không bị báo chí bơi xới. Những người lọt vào vòng chung khảo được đề cử ra tranh chức tổng thống hoặc thủ tướng coi như đã được bạch hóa các vấn đề trong quá khứ hết rồi.

Nếu họ bị “đánh”, thì cú đánh quyết định không gay cấn, không còn tính mĩa mai và khôi hài như vụ ông Bạc Hy Lai nữa.
“Cú đánh” của các thể chế chính trị khác khau là khác biệt xa như vậy.
 Bạn chọn cú đánh nào, nếu mình là người trong cuộc?
Còn nếu là người có quyền lựa chọn, bạn sẽ thiên về “cú đánh” nào?

PVH

Wednesday 18 April 2012

CÂY THÔNG REO



Nguyễn Công Trứ là người có tài. Là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó.
Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy
Hay:
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi
Hoặc:
Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Trong xử thế ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn:
Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào
Đã sa xuống thấp lại lên cao.
Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông vốn yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đem chơi kể cả tài kinh bang tế thế.
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng . Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước, anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)
Hoặc trong bài "Bỡn nhân tình" :
Tau ở nhà tau, tau nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nói: răng không đến?
Đến thì mi nói: đến làm chi
Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông (*)

Đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi.
Cảm phục tào thơ văn của ông, hậu duệ ngày nay đã “mài”  thơ của ông ra thành những “lời vàng ngọc” như dưới đây.

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm  con gà trống sống đời tự do
Ban ngày thì ngáy o o
Quanh năm đạp mái không lo mất tiền
Xong rồi về với tổ tiên
Tắm qua một cái rồi lên bàn thờ
Lạc vào  tiên cảnh nên thơ
Khỏa thân làm dáng cho vừa sức giai
Cuộc đời ngẫm cũng chông gai
Thôi thì ta cứ đầu thai kiếp gà
......
Kiếp sau xin chớ làm người...

Thôi, làm người nữa chi cho mệt.
Một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt như nước Việt mà bị tụi “lạ” hà hiếp, bắt ép, coi thường như hiện nay thì quá thể lắm rồi.
Mà thôi, đừng nghe “xúi dại” làm gà, cho dù là KIM KÊ, ngõ ý làm cây thông REO vậy. Chỉ là thực vật thôi nhưng khí phách ngang trời, người đâu sánh được.
(*) Cây thông trong cách hiểu Nho-Khổng giáo là người quân tử.


PVH (st, bs)

Sunday 15 April 2012

XÃ HỘI “DÂN XỬ”






Khi luật pháp không được thực thi công minh, người dân sẽ tự hành xử theo cách của mình. Nhìn lại tình hình trong nước thời gian qua cho thấy có nhiều điều rất đáng báo động.

Cho rằng:  việc giải quyết về cho thuê đất và thu hồi đất đai không thỏa đáng một người dân ở Hải Phòng đã tự chế bom và dùng súng hoa cải để chống lại lực lượng cưỡng chế. Cũng vậy, một người dân Quảng Nam đã đâm bị thương hai cán bộ cưỡng chế giải tỏa, sau đó tự vẫn tại nhà.

Cho rằng: việc Trung Quốc bắt bớ, đánh đập ngư dân, buộc thân nhân trả tiền chuộc mới thả tàu; cùng với các hàng động ngang ngược khác như cưỡng chiếm Hoàng Sa, có hành động xâm lấn Trường Sa và coi việc này là “Bất khả tranh nghị”, nhiều người dân đã bức xúc xuống đường “tuần hành” ở hai thành phố lớn nhất nước trong mùa hè năm ngoái. Việc này nằm ngoài khuôn khổ qui định cụ thể của luật pháp, mặc dù hiến pháp không cấm, nên cũng được coi như là người dân “tự hành xử”.

Cho rằng: các hành động của một số cá nhân và cộng đoàn gây mất trật tự và rối loạn công cộng nên có một số “quần chúng tự phát” đã ra tay theo kiểu .....để trấn áp đe dọa những người này. Cái “tuyệt đỉnh” của sự tự phát này là rất ngang nhiên, coi thường pháp luật và nhiều khi diễn ra ngay trước sự chứng kiến bàng quan của lực lượng an ninh, cảnh sát...

Chỉ vài nét chấm phá nêu trên, có thể đi đến nhận định rằng ở xứ ta tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được chấn hưng như thời có bộ Luật Hồng Đức.

Khi pháp luật không được thượng tôn, sự hành xử sẽ tùy tiện. Khi đó sẽ có tình trạng dân “tự xử”.

Cũng có lẽ vì vậy, ở xứ ta ngoài từ “đồng bào” rất đỗi thân thương còn có một từ cũng rất gần gũi “ dân gian”. Khi người dân cho rằng mình có quyền thay mặt pháp luật để hành xử khi đó xã hội có mầm móng bất ổn. Có người đã đùa rằng khi dân tự xử thì cũng là khi “dân cũng thành gian” và “gian cũng đã cải trang thành dân”.

Thế mới thấy, xã hội “dân xử là chông chênh” bất an thế nào!



PVH

Wednesday 11 April 2012

SỰ LỰA CHỌN KHÓ KHĂN


Trong cuộc sống, thật là khó khăn khi đứng trước một vấn đề có nhiều sự chọn lựa khác nhau với nhiều hệ quả liên quan rất khác biệt.

Khi rời trường phổ thông, bắt đầu học cao hơn, việc lựa chọn ngành trường phù hợp hẵn là những đêm mất ngũ của thí sinh và cả gia đình.

Sau một thời gian miệt mài học tập, chuẩn bị trở thành người của xã hội, khi lựa chọn việc làm cho mình, bản thân con người đứng trước một tình cảm xao xuyến; từ nay mình sẽ phải bắt đầu tự lập tự nuôi sống bản thân, sẽ dấn thân bước tiếp nữa hay lùi lại để ẩn nấp dưới vòng che chở của gia đình??? là sự giằng xé quyết liệt trong nội tâm mỗi người.

Cuộc sống xã hội tạo cho con người lớn lên và khát khao tìm kiếm mái ấm gia đình; sự lựa chọn bạn đời cũng là một trong những quyết định khó khăn nhất của cuộc sống là “thành hôn, xây nhà, sinh con”.

Đứng trước sự lựa chọn giữa “cái thiện” và “cái ác” mà làn ranh phân chia rất  mong manh thì khó khăn của việc lựa chọn quyết định càng nhân lên gấp bội.

Sự lựa chọn của một cá nhân đại diện cho một tập thể cũng gặp khó khăn muôn vàn, vì trách nhiệm quá lớn trong khi năng lực đánh giá các dữ kiện để đưa tới quyết định dẫn tới thành công thì không đầy đủ. Sự lựa chọn khi ra quyết định của người thủ trưởng thường được quan tâm, bị  chú ý hoặc bị xoi mói là lẽ thường tình vì liên quan đến quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích, nhiều người, nhiều bên...

Trên góc độ lớn hơn, lãnh tụ của một quốc gia, hay tập thể lãnh đạo của một chính đảng hẵn phải lao tâm rất nhiều khi lựa chọn các quyết sách quốc gia đại sự.

Chúng ta đã thấy được kết quả lãnh đạo của một số quốc gia theo  một số chính thể nhất định trong suốt gần 100 năm qua. Sự thành công hay thất bại của các thể chế chính trị phần nhiều đã được chứng minh. Lịch sử văn minh thế giới đã qua rồi việc bị xã hội có xu hướng chịu tác động dẫn dắt bởi tư tưởng của các bộ óc siêu việt về khoa học, nghệ thuật, tôn giáo hay chính trị học.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như văn minh nhân loại đã cho loài người biết thiết lập các mô hình dự báo hiện đại  để từ đó  có thể tiên lượng được các kết quả trên các dữ kiện sẵn có. Việc chọn lựa vì vậy - ở tất cả các góc độ đều trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, sự chọn lựa nào đi chăng nữa xét trên góc độ quốc gia đều hướng tới mục tiêu vì nhân dân, vì dân tộc. Vì vậy, hãy nên để chủ thể “nhân dân”  được thực sự tham gia vào việc chọn lựa ra quyết định và thực thi. Chúng ta thường nghe: Dễ vạn lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong.

Trao quyền lựa chọn thực sự cho dân xem ra thật cần thiết lắm ru!

PVH

Monday 9 April 2012

VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC CỦA GIỚI TRẺ NGÀY NAY


Cuộc sống của chúng ta đang thay đổi từng ngày theo hướng văn minh hóa, hiện đại hóa. Đời sống của người dân ngày càng được hoàn thiện hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây có lẽ sẽ là một dấu hiệu đáng mừng cho một đất nước nếu như đằng sau đó không kéo theo những hệ lụy.
Sự nâng cao của đời sống vật chất lẫn tinh thần cùng với việc sự phát triễn vượt bậc của ngành công nghệ thông tin. Cuộc sống thay đổi, đời sống vật chất được nâng cao nhưng đáng tiếc thay, giá trị đạo đức của một số bạn trẻ đang dần dần bị xói mòn bởi lối sống buông thả, chạy theo giá trị vật chất mà quên đi cái cốt lõi của con người là đạo đức. Mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do giới trẻ của chúng ta ngày nay không kiềm chế được bản thân trước những cám dỗ của đời thường.
Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên sống buông thả, xem thường những giá trị đạo đức đang diễn ra ở nhiều nơi mà bằng chứng là trong thời gian gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải các bài viết và hình ảnh, phản ánh về thực trạng này.
Đó là tình trạng cướp của giết người, đánh nhau gây thương tích. Đặc biệt là vụ án gây chấn động dư luận: cướp tiệm vàng ở Bắc Giang. Hung thủ ra tay quá tàn bạo khi đang còn ở tuổi vị thành niên. Rồi đến các học sinh kết bè kết phái đánh nhau. Rồi đến các vụ án con giết cha, anh giết em.....
Bên cạnh đó lối sống buông thả của một số cá nhân khác như sống thử,  quan hệ tình dục trước hôn nhân ở lứa tuổi cắp sách đến trường, làm mẹ khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình là mới đây báo chí có đưa tin về việc một học sinh “đau đẻ” trên lớp...
Có lẽ trên đây chỉ là một trong số những trường hợp điễn hình được báo chí đăng tải. Đây chỉ là một phần của tảng băng nổi còn thực tế thì còn nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho chúng ta đánh hồi chuông cảnh báo, báo động cho sự suy đồi đạo đức của giởi trẻ ngày nay.
Sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức của giới trẻ như hôm nay có thể xuất phát từ các nguyên nhân như: từ gia đình, từ nhà trường, từ xã hội và cũng có thể xuất phát từ chính bản thân của chúng ta.
Dù cho xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa thì trước tiên mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, hãy giữ vững lập trường để tránh rơi vào những vòng tròn cạm bẫy của cuộc đời. Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường, của gia đình, của xã hội cũng không kém phần quan trọng để hướng những bạn trẻ đi đúng phương hướng. Đặc biệt là pháp luật của chúng ta cần nghiêm minh hơn nữa, thắt chặt hơn nữa để tránh những “lỗ hổng” không đáng có mà các bạn trẻ có thể dựa vào đó để “lách luật” khi phạm tội. Bởi kẻ này làm sai mà không bị trừng trị thích đáng thì kẻ khác nhìn  vào đó sẽ học theo...
Hy vọng rằng trong thời gian tới xã hội chúng ta sẽ sớm khắc phục được phần nào tình trạng này. Và các bạn trẻ chúng ta cần hoàn thiện hơn về nhân cách. Có như vậy thì xã hội chúng ta mới phát triễn bền vững. Bởi vì “Tuổi trẻ là mùa xuân của Đất nước”.

PTM

Friday 6 April 2012

LÀM VIỆC THIỆN




Đức chúa Giê-su có truyền giảng cho các tín đồ rằng, họ sẽ thấy được hình ảnh của chúa thông qua các người khất thực, ăn xin. Vì vậy phải ra tay bố thí và có tâm thương yêu những người này. Đức Chúa luôn dạy về tình yêu.

Đức Phật cũng rao giảng về lòng từ bi, và con đường tu tập để trở thành Phật giống như ngài. “ Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành ».

Bất kỳ tôn giáo nào cũng không quên nhắc nhở các tín đồ về việc thực hành tình thương yêu con người và làm việc từ thiện.

Vậy làm việc từ thiện có những ý nghĩa gì ?

Trước hết, làm việc thiện tức là đã nuôi dưỡng tâm thiện trong mỗi con người, làm cho nó lấn át cái « tham-sân- si » còn rơi rớt và tồn tại dai dẵng trong mỗi chúng sinh. Khi làm việc thiện tâm hồn con người chắc sẽ được thanh thản hơn, nhân ái hơn và lòng cảm thấy nhẹ nhàng hơn.

Tiếp đến, làm việc thiện sẽ hướng tới việc góp sức xây dựng một xã hội lành mạnh, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, giúp đỡ người bất hạnh có cơ hội vượt qua được nổi đau về thể xác, tinh thần hay thiếu thốn về vật chất. Giúp đỡ một cá nhân tiến tới vững mạnh tức cũng giúp góp phần cho xã hội tiến tới vững mạnh hơn.

Thêm nữa, làm việc thiện sẽ làm cho cá nhân mỗi con người cắt giảm đi  tính « tham-sân-si » luôn hiện hữu, mà chỉ từng đó thôi cũng đã giúp cho xã hội tránh được những hậu quả khôn lường gây ra từ những phút bốc đồng, nông nỗi không làm chủ bản thân của mỗi con người với cái đầu nóng không tự kiểm soát được. Nếu người có chức vị càng cao, thường xuyên dưỡng tánh bằng cách làm từ thiện thì xã hội sẽ có những vị minh quân dẫn dắt, thế giới vì vậy sẽ giảm bớt sự thù địch giữa các quốc gia, cộng đồng và nguy cơ xung đột sắc tộc, tôn giáo, kinh tế, địa chính trị sẽ được loại trừ đi rất nhiều. Làm từ thiện nhiều sẽ làm cho các cái đầu nóng giận từ từ nguội dần đi, chỉ còn lại những nghĩ suy làm thế nào có lợi cho đời.

Cuối cùng, làm từ thiện tức là đã phát tâm thiện, căn nguyên của mọi điều thiện. TÂM thiện sẽ dẫn tới THÂN thiện tức hành động thiện và Ý thiện, tức suy nghĩ thiện. Xã hội có nhiều người như vậy sẽ thật là tốt đẹp, vì bao nhiêu vấn nạn thời đại sẽ dần dần được giải quyết như : Ô nhiễm môi trường, thiếu lương thực, khủng hoảng tài chính, chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, xung đột....và có thể giải quyết triệt để các vấn nạn đó.

Làm việc THIỆN có ý nghĩa rất quan trọng, không cần phải có tiền mới có thể làm việc thiện. Chỉ cần có tâm thiện tức đã bắt đầu chu trình làm việc thiện rồi. Hệ quả của làm việc thiện là vô cùng to lớn. Vì vậy, cần phải nhân rộng để có nhiều người có thể tham gia làm việc thiện.


PVH

Thursday 5 April 2012

FESTIVAL HUẾ 2012 CÓ GÌ ĐẶC SẮC


Festival Huế 2012 là hoạt động văn hóa đặc biệt được đề xướng trong khuôn khổ diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á, Mỹ La Tinh. Festival Huế 2012 quy tụ các chương trình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế và đặc trưng của các vùng di sản văn hóa của đất nước; các chương trình nghệ thuật độc đáo đậm sắc thái văn hóa của trên 23 đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ tên tuổi của hàng chục quốc gia đến từ 5 châu lục.
Các chương trình lễ hội hấp dẫn của Festival Huế 2012 :
+ Chương trình nghệ thuật Lễ Khai Mạc diễn ra 20h00 ngày 07/4/2012 và bế mạc Chủ nhật 15-4-2012
Lễ Tế Đàn Nam Giao diễn ra ngày 08/4/2012.
Lễ hội Áo dài diễn ra 20h00 ngày 09/4/2012.
Đêm Hoàng Cung diễn ra các buổi tối 10, 13/4/2012.
+ Sân khấu hóa  Thiên Hạ Thái Bình” (diễn xướng cung đình và lễ hội đèn, hoa đăng) diễn ra 20h00 ngày 12/4/2012.
+ Chương trình “Đêm Phương Đông” diễn ra các tối ngày 08, 10, 11, 12, 13, 14/2012.
+ Các chương trình Lễ hội đường phố diễn ra trong thời gian Festival.
+ Chương trình nghệ thuật Lễ Bế mạc diễn ra 20h00 ngày 15/4/2012.
+ Các chương trình xã hội hóa trong khuôn khổ Festival:
+ Lễ hội Trống và Nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt” diễn ra vào 3 đêm trong 3 tours Festival Huế 2012.

QH

Tuesday 3 April 2012

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC PHÁP LUẬT (Phần 2)



NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN

Điều 14 BLDS qui định: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là những khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân không chỉ bao gồm khả năng tạo ra các quyền và gánh vác các nghĩa vụ dân sự bằng chính hành vi của mình mà còn phải tự chịu trách nhiệm về những hậu quả pháp lý do chính hành vi của họ mang lại.
Mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Pháp luật dân sự qui định mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật dân sự, nhưng lại xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân không giống nhau. Việc xác định mức độ năng lực hành vi dân sự dựa vào độ tuổi và khả năng nhận thức (hiểu được hành vi và hậu quả của hành vi) để phân biệt thành các mức độ khác nhau.
- Năng lực hành vi dân sự đầy đủ:
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình có quyền tự tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do họ thực hiện.
-          Mất năng lực hành vi dân sự:
Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích có liên quan Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền. Theo qui định của Bộ luật Dân sự việc tuyên bố mất năng lực hành vì thuộc thẩm quyền của Toà án và theo thủ tục tố tụng dân sự. Trước khi đưa vụ án ra xét xử để quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự Toà án phải trưng cầu giám định và có kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần (chứ không phải của cơ sở y tế khác) để tránh tình trạng có sai sót, nhầm lẫn trong việc quyết định.
Trong trường hợp cá nhân bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch dân sự đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
(còn tiếp)


Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan (cha, mẹ, vợ hoặc chồng) Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
D.N