Wednesday 11 January 2012

NỖI THIỆT THÒI CỦA TRẺ EM NGHÈO

Như chúng ta đã biết thì trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của cả dân tộc, là lớp người sẽ tiếp tục kế nghiệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy mà xã hội của chúng ta luôn có câu khẩu hiệu rằng: hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Tuy nhiên, theo tôi thì câu nói này chỉ đúng với những em được sinh ra trong một gia đình khá giả . Bởi vì , hiện nay ở nước ta còn có rất nhiều trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm thì thế nào là “tốt đẹp nhất”. Thực tế cho thấy, hiện nay còn nhiều trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo, cần được cung cấp, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi và giải trí…
Trẻ em nghèo ở nước ta thường tập trung ở các tỉnh vùng núi cao, vùng sâu vùng xa, vùng ven biển, vùng nông thôn và trẻ em nghèo đang gặp nhiều thiệt thòi, thiếu sự bảo vệ để các em được sống và phát triển trong một môi trường an toàn và lành mạnh.
Ở nước ta nói riêng và trên toàn thế giới nói chung thì hằng ngày, có gần 100 triệu trẻ em không có cái ăn, trên 100 triệu trẻ em vô gia cư chỉ sống nhờ của bố thí hoặc sống dựa vào sự lao động quá sức; hàng trăm triệu trẻ em tuổi từ 6 – 11 không được cắp sách đến trường.
Có lẽ rằng, trẻ em nghèo là những đối tượng gặp nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Bởi vì tuổi của các em là tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi được học hành. Nhưng vì hoàn cảnh mà các em phải tự lo cho cuộc sống, không được hưởng thụ những gì mà trẻ em cần phải được hưởng giống như bao bạn trẻ cùng trang lứa khác.
Thực tế cho thấy rằng, trẻ em ở thành thị được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt hơn ,có môi trường sinh hoạt tốt hơn so với các em ở các vùng sâu vùng xa và vùng nông thôn.
Điển hình là, trẻ em ở những vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc… ít có cơ hội tiếp cận thông tin dẫn đến nghèo đói về văn hoá, thông tin và những vấn đề dịch vụ xã hội khác. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, đường đi học quá xa, nguy hiểm, dẫn tới việc trẻ sẽ không đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Trẻ em sống ở những vùng này cũng ít có cơ hội tiếp cận với các thông tin sách báo, phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác…Mặt khác, trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hầu như không có điều kiện tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí và ít có cơ hội thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc, giáo dục tốt hơn.
Nói đến trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là nói đến sự thiệt thòi, thiếu thốn trăm bề. Đó là miếng cơm, manh áo hay hơi ấm và tình thương vòng tay của cha, mẹ. Thậm chí, ngay cả điều đơn giản nhất, được vui chơi, được rước đèn, trông trăng trong Đêm hội Trăng Rằm, những món quà nhỏ vào dịp Noel; hay những chiếc áo mới, mứt bánh trong những ngày Tết đến xuân về... cũng trở nên quá xa lạ đối với các em. Trong khi đó, cũng là các bạn có cùng trang lứa được sinh ra và lớn lên trong những gia đình khá giả thì lại “vô cảm” trước những món quà mà các em nhận được vào những dịp lễ Tết. Bởi lẽ, trong cuộc sống hàng ngày các em đã hưởng thụ quá đầy đủ những điều kiện vật chất tạo nên cảm giác dư thừa. Có lẽ đây là nghịch lý giữa trẻ em giàu và nghèo, giữa thành thị với nông thôn.

Phan Thị Mến

No comments:

Post a Comment