Friday 19 August 2011

MÙA VU LAN Ở HUẾ

Ở Huế, Vu Lan là lễ hội lớn thứ hai sau lễ Phật Đản. Đây là dịp những con người hướng về cội nguồn, nên vào cứ vào ngày 14 và rằm tháng 7 các chùa đã mở cửa từ sáng sớm để đón các du khách thập phương đến để thắp hương, cầu nguyện cho gia đình và người thân, bày tỏ lòng biết ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà , tổ tiên. Từ các cụ già cho đến các em bé đều cùng nhau đến chùa tạo nên một không khí thật ấm cúng nơi cửa thiền.
Xuất phát từ sự tích tôn giả Mục Kiền Liên vào bất chấp mọi hiểm nguy, vượt qua bao nỗi sợ hãi để xuống địa ngục cứu mẹ thoát khỏi chốn u đồ. Từ đó, hình thành nên quan niệm vu lan là mùa báo hiếu.Vu Lan theo thuyết nhà Phật là “giải thoát đảo huyền”, tức giải cứu những linh hồn thoát vòng trầm luân. Ở một cách nhìn khác, Vu lan thực chất là sự kết hợp của từ bi với trí tuệ, tu và học. Hàng năm cứ vào lễ vu lan, các chùa ở Huế thường tổ chức tụng kinh, cầu nguyện cho cha mẹ thân quyến sớm được siêu thoát về với cõi vĩnh hằng. Để đáp ứng tín ngưỡng báo hiếu của quần chúng, một số chùa còn lập trai đàn chẩn tế, giải oan bạt độ, kết hợp với viêc phóng sinh. Ngoài ra các chùa còn tổ chức cài hoa hồng cho các phật tử và du khách đến với lễ Vu Lan. Những ai may mắn còn mẹ thì được cài hoa hồng đỏ còn những ai không còn mẹ thì cài lên áo hoa hồng màu trắng.
Vu Lan cũng là ngày mà nhiều người dân Huế đi thăm mộ và thắp hương cho người quá cố, dù không đông bằng ngày Tết cổ truyền. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống mà người Huế còn giữ được, nó thật sự cần thiết đối với giới trẻ trong đời sống hiện đại này. Bên cạnh đó, vu lan còn là dịp để các tăng ni trong Ban Từ thiện Phật giáo Huế không quên thể hiện lòng từ bi của mình bằng công tác từ thiện như trao quà và viếng thăm các em nghèo neo đơn ở cô nhi viện, những người già neo đơn ở viện dưỡng lão.

Đến với lễ Vu Lan chúng ta sẽ thường bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Huế mặc áo dài lam, nam giới thì ăn mặc rất đàng hoàng, chỉnh tề. Nhờ thế mà chùa Huế luôn giữ được vẻ trang nghiêm. Cũng trong dịp này, hầu hết người dân Huế đều ăn chay. Khi đến với Huế bạn đừng bõ lỡ dịp đến với quán Liên Hoa, một quán chay mang dáng dấp kiến trúc nhà rường và bán thức ăn chay thực dưỡng. Ở đây bạn có thể vừa thưởng thức hương vị các món chay ngon và vừa ngắm không gian đẹp trầm tư vốn dĩ của một cố đô xưa.
Huế từng được mệnh danh là chiếc nôi của Phật giáo. Đất Cố Đô hiện có khoảng 1.000 ngôi chùa, phường nào, làng nào cũng có chùa. Chưa có một thống kê cụ thể, song ước tính gần 80% người dân Huế theo đạo Phật. Vào các dịp lễ Phật đản, Vu Lan, Huế trở thành thành phố của màu lam - màu của sự hiền dịu, thương yêu và hòa bình. Mong Huế giữ mãi hình ảnh màu lam thân thương ấy, để góp phần giữ vững nét đẹp hiền hòa cho dân tộc Việt Nam trong dòng đời đầy biến động này.
N.T

No comments:

Post a Comment