Tôi học rất nhiều ở các thế hệ đi
trước về lòng tự trọng của họ.
Ngày xưa đó là tính cách có thể nhìn
thấy bất cứ nơi đâu, ở bất cứ một người nào. Nay vật đổi sao dời, tìm
được một người nổi tiếng, vai vế có lòng tự trọng sao mà khó thế, khó như
"mò kim đáy bể".
Lòng tự trọng là một thiên tính, hình
như sinh ra ai cũng mang trong mình tính cách này; do hoàn cảnh xã hội và điều
kiện sinh hoạt, môi trường làm việc, tính cách này sẽ càng được trau dồi để trở nên siêu
việt hơn, thâm trầm, sắc bén hơn, hoặc ngược lại bị thui chột, mai một đi.
Thiết chế của pháp luật và xã hội,
cộng đồng cũng góp phần quan trọng để hun đúc phát triển lòng tự trọng cũng như
nhân cách con người, nâng cao tính "nhân" trong mỗi con người. Vì vậy
có thể nói, người có lòng tự trọng cao sẽ có nhân cách lớn và tính nhân văn hơn
hẵn người không có lòng tự trọng.
Trong xã hội, xây dựng được lòng tự
trọng nơi mỗi con người, thì xã hội sẽ bớt đi tệ nạn, trị an tốt hơn, phát
triển hài hòa hơn, con người sống với nhau chân tình, hạnh phúc hơn... Đối với
người có trọng trách, ảnh hưởng lan truyền "của lòng tự trọng trong con người đó" sẽ lớn gấp bội lần người bình thường.
Một người dân bình thường không có
lòng tự trọng, sẽ bị người khác chê trách là "người thiếu lòng tự trọng" thôi!. Nhưng một lãnh đạo
mà không có lòng tự trọng, sẽ bị người dân, cấp dưới phê là "trơ trẽn", "mặt
dày", "vô liêm sĩ"...
Bác Hồ khuyên dạy cán bộ về việc phải: CẦN,
KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG, VÔ TƯ.Với mỗi cán bộ, công bộc của dân nếu tu
dưỡng và đạt được lòng tự trọng ngay đối với bản thân mình thôi, tức cũng là đã đạt được
chữ LIÊM vậy!
Xem ra, nên đừng rao giảng cho người khác những
gì mà mình không biết, không thực hiện, "thủ đắc" được! Tôi đã và sẽ luôn dạy con mình như
thế! Có thể mình nghèo, nhưng không ai có thể khinh được. "Tự trọng của
mình" hãy tự "xây đắp" và giữ gìn lấy, con nhé!
PVH
No comments:
Post a Comment