Friday 24 June 2011

Dinh dưỡng cần thiết cho mùa hè

Mùa hè trời nóng làm cho mọi quá trình trao đổi chất của cơ thể luôn bị tăng nhanh. Để thích ứng được với mọi hao tổn về năng lượng và duy trì sự cân bằng môi trường sinh lý trong cơ thể, chúng ta cần chú ý ăn uống sao cho phù hợp. Dưới đây là những món cháo, món ăn thuốc vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa có tác dụng thanh nhiệt.
Những món cháo thuốc
Cháo hoa cúc, ngân hoa: hoa cúc trắng 6g, ngân hoa 6g, hai thứ sấy khô, tán bột. Lấy 100g gạo tẻ nấu thành cháo, khi cháo sắp được cho bột thuốc vào khuấy đều, sôi một lát là được. Ăn ngày 1 - 2 bữa. Có thể dùng thường xuyên trong từng đợt nắng nóng.
Cháo sữa đậu nành: sữa đậu mới 500ml, gạo tẻ 100g, tất cả cho vào nồi đất nấu nhừ thành cháo, cho đường, đun sôi là được, chia ra ăn 1 - 2 lần trong ngày.
Cháo sơn tra: sơn tra tươi 80g, gạo tẻ 150g; sao vàng sơn tra cho vào nước nóng ngâm một lúc, sau sắc lấy nước đặc, bỏ bã, cho gạo, đường cát nấu thành cháo ăn.
Cháo táo nhân chua: lấy 50g táo nhân chua xào chín, cho vào nồi đổ vừa nước đun 20 phút, gạn lấy nước thuốc cho gạo tẻ 100g vào đun lửa sôi 20 phút, hạ lửa đun nhừ thành cháo, cho đường đỏ vài phút sau là ăn.
Cháo gạo tẻ, tỏi: lấy 30g tỏi tía bóc vỏ, cho vào nồi nước sôi luộc chín rồi vớt ra, cho 100g gạo tẻ vào trong nước tỏi nấu thành cháo loãng, sau đó cho tỏi đã vớt ra vào trong cháo nấu và đem ra ăn.
Cháo đậu xanh, hạt sen, bách hợp: bách hợp 50g, hạt sen 50g, đậu xanh 200g, gạo tẻ 100g, trần bì 50g, đường trắng 100g. Cho nước vào đun sôi và cho hạt sen, đậu xanh, gạo, trần bì vào, đến khi sắp chín thì mới cho bách hợp và đường, chờ cháo sánh là được.
Những món ăn thuốc
Món vịt: vịt đực 1 con cắt tiết, vặt lông, rửa sạch, mổ lưng, bỏ ruột, dùng nước sôi nhúng 1 lượt, cho vịt vào liễn hấp chín nhừ. Để vịt nguội, bỏ xương, chia ra làm 2 nửa, sau lấy nước tỏi, lòng trắng trứng, vừng, mã thầy đã tán nhỏ, bột đậu cùng gia vị… bôi phết lên trên thịt cả 2 nửa con vịt làm nhiều lần. Dùng dầu rán xong vớt ra cho ráo dầu để chặt miếng ăn. Món này có tác dụng bổ phế thận, nhuận phế dứt ho.
Canh thịt lợn, hạ khô thảo: hạ khô thảo 15g, cho vào túi vải buộc kín, sau cho vào nồi cùng 30g thịt lợn nạc, nổi lửa nhỏ đun 1 giờ thì vớt túi thuốc ra, nêm gia vị vừa miệng là được. Món này ăn có tác dụng thanh nhiệt giải nóng.
Món nho sắc: nho tươi, ngó sen lượng vừa đủ để mỗi thứ sau khi ép lấy được 100ml nước của mỗi thứ, sinh địa tươi ép lấy 50ml nước. tất cả cho vào nồi đất đun sôi thì bỏ thêm 25g mật ong, hòa uống. Món này giúp thanh nhiệt, mát huyết và rất thích hợp cho người viêm nhiễm đường tiết niệu.
Cóc nấu sò khô, bí xanh: thịt cóc (làm đúng cách, không để dây da, đầu, trứng, gan) 500g, cho vào bát hầm lớn, bỏ vỏ trần bì và nước vừa lượng. Tiếp theo cho sò khô 80g vào bát hầm lớn, bỏ cả trần bì và nước vừa lượng. Cho sò khô 80g vào bát hầm nhỏ cho chút nước sôi hầm trong 10 phút, lấy bát hầm nhỏ ra đổ vào bát hầm to có thịt cóc, trần bì, và bỏ vào bát này vài lát gừng đem hấp 1 giờ thì lấy ra. Cho thêm bí xanh đã thái miếng và gia vị vừa đủ vào bát hầm to có thịt cóc rồi hầm tiếp 30 phút nữa là được. Lấy ra ăn hết trong ngày. Món này bồi bổ cho người bị thận hư hoặc phù nề do thể hư.
Món trứng gà, cá chạch: cá chạch sống 250g, cho vào trong chậu nước rửa sạch nuôi khoảng 10 ngày (chú ý phải thay nước nhiều lần, sau lấy 3 quả trứng gà đập vào bát, cho muối, hành gừng, đánh đều cho cá chạch ăn từ từ). Sau cho nước lượng vừa phải vào nồi, nêm gia vị, bỏ cá chạch vào đun hầm đến khi thịt cá chín nhừ là được. Món này có tác dụng bổ âm, dưỡng huyết, bổ trung, ích khí.
Vài loại cháo thanh nhiệt mùa hè
Trong mùa hè, cháo là món ăn khá hợp lý, bởi lẽ: quá trình ninh nấu đã giúp cho thức ăn trở nên dễ tiêu và dễ hấp thụ; hơn nữa với thành phần hết sức đặc thù, cháo là nguồn cung cấp nước và điện giải rất tốt cho cơ thể trong điều kiện thời tiết nóng bức dễ gây hao tổn phân dịch thể thiết yếu.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Y học cổ truyền, không phải loại cháo nào cũng thích hợp cho mùa hè. Bởi lẽ, ngoài gạo ra, các thực phẩm phối thuộc phải có tính thanh nhiệt và thanh đạm nhằm giúp cho cơ thể chống đỡ được với điều kiện thời tiết hết sức nóng bức, Đông y gọi là “thời khí có tính viêm nhiệt”. Một số cháo thanh nhiệt dẫn ra dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vần đề này.
Bài 1: Đậu xanh 30g, lá sen tươi l/4 lá, gạo tẻ 100g. Đậu xanh loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cho vào nồi nấu trước. Khi chín, tiếp tục cho gạo tẻ đã vo sạch và lá sen tươi vào nấu nhừ thành cháo loãng, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử và bồi bổ sức khỏe. Với những người thừa cân và béo phì, loại cháo này còn có tác dụng điều hòa rối loại lipid máu, làm giảm cân nhẹ người. Chú ý: đậu xanh phải để nguyên cả vỏ.
Bài 2: Dưa hấu 1.000g, cát cánh 25g, đường phèn 100g, gạo tẻ 100g. Dưa hấu bỏ hạt, thái vụn; cát cánh thái miếng nhỏ như hạt gạo; gạo tẻ vo sạch ngâm nước cho trương lên. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ rồi ninh nhừ thành cháo. Mỗi ngày ăn một vài bát.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu và làm hết khát. Trong dược học cổ truyền, dưa hấu được mệnh danh là “thiên nhiên bạch hổ thang”, ý muốn nói: loại dưa này có tác dụng thanh nhiệt mạnh như bạch hổ thang, một bài thuốc điển hình thuộc nhóm thanh nhiệt tả hỏa.
Bài 3: Bí xanh tươi cả vỏ 100g, gạo tẻ 50g. Bí xanh rửa sạch thái miếng nhỏ, gạo tẻ vo sạch, hai thứ đem ninh nhừ thành cháo, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng và làm hết khát; rất thích hợp với những người thừa cân béo phì, người bị phù nề, đái tháo đường, cảm nắng cảm nóng, viêm đường tiết niệu, trẻ em bị bệnh ngoài da trong mùa hè.
Bài 4: Mía tươi 250g (có thể thay bằng nước mía ép 100 - 150ml), gạo tẻ 50g. Mía rửa sạch, róc vỏ, cắt đoạn chẻ nhỏ rồi đem ninh với gạo tẻ thành cháo. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 bát.
Công dụng: thanh nhiệt, sinh tân dịch, nhuận phế hòa vị, trừ phiền làm hết khát, bồi bổ sức khỏe và phòng chống táo bón; rất thích hợp cho trẻ biếng ăn, nóng sốt, bị bệnh ngoài da trong mùa hè và những người bị bệnh đường hô hấp và táo bón.
Bài 5: Bột sắn dây 50g (có thể dùng củ sắn dây 100g thay thế), đậu xanh để cả vỏ 50g, gạo tẻ 50g. Gạo tẻ vo sạch đem ninh với đậu xanh thành cháo. Khi chín, đổ bột sắn dây đã hòa nước vào, khuấy đều, đun thêm một lát là được (nếu dùng củ sắn dây thì cho vào ninh ngay từ đầu).
Công dụng: thanh nhiệt giải độc, tiêu thử lợi thủy, giải khát; rất thích hợp với người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thiểu năng tuần hoàn não trong mùa hè.
Bài 6: Bạch linh tán bột 20g, đậu đỏ 50g, ý dĩ 20g. Đậu đỏ rửa sạch, ngâm nước nửa ngày rồi đem ninh với ý dĩ cho nhừ, tiếp đó cho bột bạch linh vào đun thêm một lúc là được. Khi ăn cho thêm một chút đường trắng, mỗi ngày ăn vài lần, mỗi lần 1 bát.
Công dụng: kiện tỳ trừ thấp, thanh nhiệt giải độc; rất thích hợp cho những người bị bệnh gan mật, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng mạn tính, biếng ăn trong mùa hè.
Bài 7: Đậu ván trắng tươi (bạch biển đậu) 120g (nếu dùng khô thì 60g), gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ. Đậu ván rửa sạch rồi đem ninh với gạo thành cháo, (nếu là đậu ván khô thì phải ngâm nước qua đêm), chế thêm đường, chia ăn vài lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
Công dụng: thanh thử hóa thấp, kiện tỳ chỉ tả (cầm đi lỏng); rất thích hợp cho những người tỳ vị hư nhược, đi lỏng mạn tính, phụ nữ bị khí hư, trẻ em hay nôn và biếng ăn về mùa hè.

K.L

No comments:

Post a Comment