Trước đây đi về miền quê
nào đều thấy cây rơm trước ngõ mỗi nhà. Cây rơm gắn bó với đời sống tinh thần
và vật chất của người nông thôn. Sau mỗi mùa gặt cây rơm lại được xây mới, to
và vàng óng ả, nhiều lúc cao hơn cả nóc nhà. Nghe nói ngày xưa nhà nào có cây
rơm to chứng tỏ nhà đó giàu có, có nhiều ruộng và tất nhiên sẽ có nhiều rơm,
gạo đầy nhà.
Sau
mỗi mùa gặt, cây lúa được tuốt sạch những hạt thóc và rơm sẽ được đem ra rải
ngoài đường, hằng ngày còn phải lật tới lật lui cho mau khô. Nhiều lúc đạp xe
ngoài đường cứ phải dắt bộ vì rơm quấn đầy vành xe đạp. Thời gian đó, rơm phủ
kín sân nhà, ngoài ngõ, cả làng vàng óng ả một màu rơm trông thật đẹp. Kế đến
là việc xây rơm. Công việc này không hề đơn giản một chút nào, nó đòi hỏi sự
làm việc của cả một gia đình. Người giỏi nhất sẽ đứng xây rơm, người khác thì
bó rơm, rồi người chuyền rơm… Rơm được cột thành từng bó rải quanh cây cọc và
cây cọc là một cây gỗ vững chắc để cây rơm có thể đứng vững trong mùa giông
bão. Suốt mùa đông rơm là nhiên liệu nấu cho cả nhà, thức ăn cho gia súc và
thậm chí làm nệm ủ ấm tránh giá lạnh của người nông dân nghèo.
Nhìn
đơn giản, nhưng nhiều người thành phố cũng chẳng biết rút (lấy) rơm. Tôi từng
chứng kiến cảnh một anh thanh niên trèo lên tận đọt cây rơm, dỡ tấm nilông che
mưa để rút rơm khiến cho bọn trẻ con trong làng cười ồ. Hằng ngày rơm được rút
từ dưới lên để dùng và đây là điểm thuận lợi của việc xây rơm. Nhiều cây rơm
khi rút quanh còn phân nửa thì như một mái nhà cho bọn gà mẹ con tránh nắng
buổi trưa hay bọn trẻ con chơi cút bắt. Tuổi thơ của chúng gắn bó với cây rơm
tự bao giờ.
Ngày
nay, cây rơm không còn nhiều. Sau khi thu hoạch xong rơm được chất lại thành
đống và đốt để làm phân bón cho vụ sau. Cuối mùa gặt, vào buổi chiều muộn người
ta đốt rơm. Nhìn lửa cháy đùng đùng nhiều người già cứ tiếc rẻ, tiếc vì uổng
phí một nguồn chất đốt theo kiểu suy nghĩ của người già và cũng tiếc vì hình
ảnh cây rơm sẽ dần biến mất trong đôi mắt trẻ con ngày nay.
Nguyễn Thị Anh Đào
Cử nhân Kế Toán
Cử nhân Anh Văn
No comments:
Post a Comment