Monday 16 November 2015

"NGHIỆP VỤ"


          May mắn thời đi học là được tiếp xúc hàng ngày với các thầy cô người Nhật liên tục mấy năm ròng. Hồi đó không bận bịu gì, xã hội cũng thuần nhất nên cũng không bị xao nhãng bởi nhiều thứ như hiện nay. Người Nhật rất quan tâm đến việc tham khảo tài liệu nên chúng tôi thỏa thích lục tìm và có tất cả những thông tin mình muốn trong thư viện. Nói chung khoảng 1 năm trôi qua thì người Nhật đã có cập nhật thông tin đầy đủ rồi, chưa kể các thầy cô tùy theo chuyên ngành của mình còn bổ sung thêm cho sinh viên chúng tôi những thông tin mới nhất hàng ngày mà thầy biết được qua nhiều kênh khác nhau. Một điều ngạc nhiên là chúng tôi được học lịch sử Vương Quốc Chăm Pa qua thầy giáo Toshihiko Shine. Là người Hiroshima, thầy rất ham mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đặc biệt tự học tiếng Phạn (Sankrit) để có thể đọc văn bia một cách trực tiếp. Gần đây thầy đã giúp một số nhà nghiên cứu VN tham dự hội nghị tiếng Phạn tại Ấn Độ, giúp các giáo sư phục hồi lại truyền thống viết chữ (kinh) trên lá của các chùa Khơ-Me.
          Hồi đó khi giảng trên lớp, thỉnh thoảng thầy giải thích cho chúng tôi thay vì phải là tiếng Nhật thì thầy lại chuyển qua tiếng Phạn làm cho cả lớp ôm bụng cười bò.
          Mới đó mấy chục năm trôi qua, nay thầy đã là một vị giáo sư Lịch Sử khả kính danh tiếng  của đại học công Shizuoka Nhật Bản. Thầy cũng là người đã giúp chúng tôi hiểu và sử dụng đúng tiếng Huế, thế mới tài tình chứ.
          Chúng tôi đến khi có tuổi thì mới hiểu được lời dạy của thầy ngày xưa: "Phải giỏi nghiệp vụ, thậm chí phải trang bị nhiều cho bản thân. Phải thủ thân nhiều thứ".
          Nhân ngày 20/11, xin viết đôi dòng hồi tưởng về một thầy giáo người Nhật mà chúng tôi luôn kính trọng và mang ơn, thầy Toshihiko Shine.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

No comments:

Post a Comment