“ Thương người như thể thương thân
Người trong một nước phải thương nhau
cùng”
Hay
“Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng một giống nhưng chung một
giàn”
Nhắc đến câu ca dao này
tôi không khỏi ngậm ngùi cho một thế hệ ông cha đã có công dựng nước, và gìn
giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam . Nhưng tiếc
thay trải qua một quá trình đổi thay lịch sử, đổi mới đất nước sau chiến tranh
dường như biến xã hội con người đang đi ngược lại với những truyền thống đạo
đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời nay của dân tộc ta. Dần dà, người ta đánh
mất những gì thuộc về giá trị thực của bản thân, niềm tin yêu vào cuộc sống, về
sự sẻ chia yêu thương với con người xung quanh để tự chuốc cho mình một căn
bệnh có thể gọi là nan y có tên là “vô cảm “. Bệnh vô cảm được thể hiện bởi sự
thờ ơ, không cảm xúc trước bất kỳ một sự vật, sự việc xung quanh. Đây có thể
gọi là một dạng bệnh thuộc về tâm lý. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại
hóa đất nước như thế này cũng là điều kiện thuận lợi cho căn bệnh này sớm lây
lan một cách nhanh chóng và bùng phát một cách rộng rãi. Nó không chỉ diễn ra
ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào trong gia đình, người thân ruột thịt, anh em
thù hằn vì giành giật tài sản, con cái bất hiếu chối bỏ trách nhiệm với cha mẹ
già…
Đất nước phát triển kéo
theo nhu cầu của con người cũng cần thiết phải được đáp ứng một cách đầy đủ về
cung và cầu. Tuy nhiên quan niệm cuộc sống không biết thế nào là đủ đã khiến
con người ta trở nên tham lam, ích kỷ và cũng chính trong những suy nghĩ tiêu
cực đó, chữ “con” bản năng trong con người đã vô tình lộ ra, dần lấn át chữ “người”
khiến chính ta đánh mất bản thân và trở nên lạnh lùng vô cảm trước cuộc đời.
Trong vòng xoáy cuộc đời, con người dễ dàng
bị lung lay và bị cuốn vào những
thứ vật chất phù phiếm để đánh đổi lấy nhân cách, đạo đức vốn có của mình cốt chạy
theo danh vọng, tiền tài và tự dĩ khoác lên cho mình một bộ mặt lạnh lùng, vô cảm
với cộng đồng. Căn bệnh vô cảm có thể kể đến vụ hôi bia gây chấn động tại Đồng
Nai biến Người Việt càng trở nên xấu xí đáng hổ thẹn trước bạn bè quốc tế, hay là sự vô tư cười đùa thậm chí là chụp ảnh
“ tự sướng “ trong đám tang của người nổi tiếng, vô cảm thờ ơ trước người gặp
nạn, người tàn tật, và miệt thị và xa lánh với những người nhiễm HIV, ma túy…
Vô cảm nếu không được
ngăn chặn một cách kịp thời sẽ để lại vô số những hậu quả khủng khiếp và khó
lường cho xã hội, cộng đồng và đất nước. Nó biến con người trở thành kẻ vô
trách nhiệm, vô lương tâm và vô văn hóa thậm chí là kẻ tội đồ. Và nổi cộm trong
thời gian gần đây phải kể đến vụ án gây chấn động dư luận giết chết gia đình
sáu người ở Bình Phước đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho bộ phận giới trẻ
đang bị tha hóa, và biến chất trong xã hội hiện nay.
Xã hội đang còn đó biết
bao nhiêu những số phận, kiếp người cần được giúp đỡ, sẻ chia và đồng cảm. “
Người với người sống để yêu nhau”. Một xã hội không có tình yêu, một xã hội vô
cảm là một xã hội chết. Hãy nói không với vô cảm, ra sức rèn luyện bồi dưỡng
phẩm chất, đạo đức bản thân, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ để sớm
trở thành những công dân có ích cho xã hội là cách để bài trừ căn bệnh vô cảm
ra khỏi cộng đồng.
Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn
Cử nhân Anh Văn
No comments:
Post a Comment