Monday 19 May 2014

THẦY CÔ CŨNG PHẢI BIẾT “CẢM ƠN”, “XIN LỖI” HỌC TRÒ


Trong xã hội văn minh, mọi người đều bình đẳng trong cách ứng xử. Trẻ em phải lắng nghe lời khuyên của người lớn, nhưng người lớn cũng phải biết lắng nghe nhu cầu của trẻ em. Trò cúi đầu chào thấy thì thầy cũng phải cúi đầu chào trò. Lối ứng xử này khá quen thuộc trong trường học của các nước phát triển, nhưng nó chưa phổ biến ở nước ta.

            Một ông thầy nổi tiếng khó tính, học trò đi trễ vài phút là bị đuổi ra ngoài hay bị viết bảng kiểm điểm rồi mới cho vào lớp. Nhưng lại cũng có điều nghịch lý là thầy lại chúa đi dạy trễ, có khi muộn nửa tiếng, đã đi trễ lại không xin lỗi học trò mà lại quát mắng ầm ĩ. Hình như ông nghĩ rằng đi đúng giờ là bổn phận của trò chứ không phải là bổn phận của thầy. Có hôm, phòng học thiếu ghế ngồi của giáo viên khiến đại diện lớp phải đi lấy ghế cho thầy và khiêng từ tầng 1 lên tầng 4. Thấy học trò khiêng ghế nhễ nhại mồ hôi thầy không có lấy một lời cảm ơn mà thản nhiên ngồi phịch xuống ghế. Hình như ông nghĩ rằng bổn phận của trò là phải phục dịch thầy. Đôi khi thầy bỏ tiết dạy mà không thông báo, học trò phải ngồi chờ mỏi mệt, và hình như ông nghĩ mình chỉ có quyền bận còn học trò không có quyền đó. Thầy là trung tâm muốn dạy, muốn nghỉ khi nào cũng được học trò là vệ tinh phải theo sự sắp đặt của thầy…

            Thực tế cho thấy, chỉ có những người thầy có cung cách khuôn mẫu thì được học trò kính nể, nói đâu nghe đó, không cần phải dùng hình phạt nào. Những cựu học sinh thường chỉ nhớ và liên lạc với những thầy cô nào biết yêu thương tôn trọng mình. Thầy tôn trọng trò cũng là cách giáo dục học trò tôn trọng thầy. Cho nên thầy cô giáo không nên ngại ngùng khi dùng những lời “ cảm ơn” “xin lỗi” trước học trò.


D.N

No comments:

Post a Comment