Wednesday 20 January 2016

"DÂN-CÁN"


          Nhiều người cho rằng cán bộ trong thời kỳ chiến tranh thì gần dân, trọng dân, gắn bó mật thiết với nhân dân hơn trong thời bình. Đó là một hiện tượng có thực mà ông Vũ Ngọc Hoàng (Ban Tuyên Giáo) trong nội dung trả lời báo chí đã nêu rõ, không né tránh.
          Tuy nhiên, nếu nói tất cả cán bộ đều như vậy thì tôi cho rằng có lẽ chưa đúng hẵn. Tôi xin nêu quan điểm của mình.
          Ở Việt Nam chúng ta, người dân sống trong một khu dân cư nào đó thì thường phải tham gia các cuộc họp tại nơi mình sinh sống. Các thông tin tại địa phương đều được trao đổi công khai. Tổ dân phố của tôi nằm cạnh con đường dẫn tới Đàn Nam Giao nổi tiếng, được  nhà nước đầu tư để  thành tuyến đường đẹp nhất cố đô thời gian gần đây. Nhiều lao động nghèo xóm tôi khi thấy hè phố thông thoáng thì tự nhiên ra chiếm lấy một chỗ để buôn bán, mưu sinh. Như vậy là đã vi phạm các nội qui về quản lý lòng lề đường do thành phố ban hành. Nhưng vì đây là hộ nghèo, nếu không tạo điều kiện để họ mưu sinh thì gia cảnh của hộ nghèo này sẽ càng khó khăn, các con nhỏ sẽ không có điều kiện tới trường. Vì vậy, chính quyền Phường đã thu xếp cho hộ này một lô buôn bán ở chợ gần đó. Điều trớ trêu là hộ này không chịu đi vào chợ, muốn ở lại lề đường gần nhà để buôn bán thuận tiện hơn. Chắc rồi  theo vận động của tổ dân phố hộ này cũng sẽ vào chợ để buôn bán ổn định, qua đó trả lại mỹ quan cho tuyến đường du lịch. Theo tôi, cán bộ lo cho dân như vậy cũng là tốt lắm rồi.
          Mà cán bộ cũng là dân mà ra cả. "Hết quan thì hoàn dân, hết dân thì hoàn vô quan (tài)", rồi dân sẽ là số đông tham gia đưa đám "cựu cán bộ"  tại tổ dân phố/khóm phố/khu phố/ấp ...chứ có phải ai khác đâu? Chắc cũng vì lập luận này mà hiện nay có nhiều cán bộ rất gần dân, tạo điều kiện cho người dân làm ăn với điều kiện: phù hợp pháp luật và lợi ích của cá nhân người dân phải phù hợp với lợi ích của xã hội.
          Cũng tuyến đường này, tôi gặp một anh hàng xóm bày bán cây cảnh ngày Tết. Tuy là hơi lấn lề đường, nhưng chỉ "lấn" dăm ba ngày gần Tết thôi. Anh bán những cây cảnh được tạo thế rất đẹp, nay lác đác hoa xuân chớm nụ. Anh hàn xóm của tôi đã đưa xuân về khắp tuyến đường du lịch. Chắc chắn có cán bộ sở tại đã thông cảm cho anh "lấn tạm thời". Cảm ơn anh bán cây cảnh và cảm ơn cả những người cán bộ gần dân nào đó. Có thể cán bộ này sẽ bị khiển trách vì "dung túng" cho dân "chiếm vỉa hè". Nhưng không sao, anh gần dân, hiểu dân, trọng dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân... thì nhân dân sẽ ghi nhớ tấm lòng của anh.
          Tôi mong muốn bộ máy nhà nước ta ngày càng có nhiều cán bộ như vậy - như anh hùng lao động Phan Thế Phương - đã được nhân dân TT Huế lập miếu thờ và tôn làm thần hoàng, vì ông đã hy sinh vì lợi ích nhân dân châm lấm tay bùn.
          Hy vọng này của tôi mong được đồng hành cùng với sức sống mãnh liệt của xuân Bính Thân đang gõ cửa trên mọi nẻo đường quê hương VN trong những ngày tháng năm này.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

No comments:

Post a Comment