Sunday, 31 January 2016

NỖI NIỀM KHI TẾT ĐẾN XUÂN VỀ


Thế là mùa đông đã bắt đầu khép lại, để chuẩn bị chào đón một mùa xuân mới. Chúng ta lại sắp được chào đón một tuổi mới đầy vui tươi và cũng tràn đầy lo lắngÁi ai cũng tự vạch ra cho mình những dự định mới những mục tiêu mới để thực hiện trong tương lai. Nếu theo quan niệm tâm linh, những người năm tuổi sẽ rất lo lắng vận xui sẽ đếnvới mình trong năm mới này. 
Dù cuộc sống hiện tại đã đầy đủ mọi thứ, nhưng chắc ai trongchúng ta cũng muốn tìm về quá khứ, tìm lại hình ảnh những cái tết xưa cách đây 15 đến 20 nămTôi vẫn còn nhớ như in, hình ảnh gia đình quây quần bên cạnh nồi bánh chưng bánh tét với đầy đủ các thành viênai nấy gương mặt đều rạng rỡ niềm vuiNhưng mà bây giờ, tết đến không còntự nấu bánh chưng bánh tét nữa mà toàn đi mua ở tiệm, với lại có nấu thì cũng không đông đủ mọi người như trước vì khi lớn lên mỗi người lại chọn cho mình một phương trời riêng, cuộc sống riêng.
Tôi vẫn còn nhớ tiếng pháo nổ mỗi đêm giao thừa, nghe tiếng nổ trong lòng náo nức đến khó tả. Ôi, thời gian trôi qua đã lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ. Bởi vậy, ta nên trân trọng từng giây từng phút trôi qua bên đời ta, mỗi khoảnh khắc đều có giá trị riêng của nó
Không hiểu sao, mỗi khi tết đến xuân về tôi lại nhớ nội tôi. Nhớ những cái tết được nội lì xì, ăn những bữa cơm do nội nấu, những hạt cơm thơm mùi lá dứa. Vậy mà hơn chục năm rồi chẳng được nội lì xì nữa. Rồi nhớ những người bạn cùng thời năm ấy, bây giờ ai nấy đều đã xa quê lập nghiệp, có người đã biệt tích chẳng còn biết thông tin liên lạc gì về họ. Ai có thể cho tôi mượn cổ máy thời gian, để tôi có thể tìm về những năm ấy bây giờ
Năm mới cũng đang đến cận kề ngoài ngõ, tôi chẳng suy nghĩ nhiều chỉ hy vọng mỗi người trong chúng ta, cứ mỗi năm trôi qua lạicàng làm thêm nhiều việc tốt cho bản thân và cho mọi người. Để cuộc sống này càng trở nên ý nghĩa hơn
Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế


Saturday, 30 January 2016

HỐI HẢ HOA TẾT Ở PHÚ MẬU NHỮNG NGÀY GIÁP XUÂN

                                                    (st)
 Trên đường về địa bàn làm việc, tôi được dịp đi ngang qua những “cánh đồng” hoa rợp ngát hương thơm ở Phú Mậu – một địa phương nổi tiếng với truyền thống làng hoa lâu đời trên đất cố đô. Là vựa hoa chính cung cấp hoa cho thị trường tết ở Huế, mỗi dịp xuân về, làng hoa Phú Mậu lại được dịp tất bật, hối hả các thương lái lại về mua hoa cung ứng cho thành phố và các tỉnh địa bàn lân cận. Do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại kéo dàithời tiết những ngày cuối năm nay lạnh hơn rất nhiều so với mọi năm. Điều này làm cho nông dân và tiểu thương đang đứng trước nỗi lo hoa nởchậm sẽ không kịp cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ hoa trước tết. Tuy nhiên lo thì cũng có lo, nhưng không khí rộn ràng sắc xuân đang ngập tràn trên khắp mọi nẻo đường càng làm cho tinh thần người nông dân càng thêm phấn chấn, và háo hức tập trung cho những công việc cuối cùng như tỉa cành, chỉnh hoa, tưới hoa…để kịp thời mang hoa đi bán đúng thời vụ.
Mỗi năm mỗi khác, cuộc sống hiện đại, đầy đủ, nhu cầu chơi hoa của người dân cũng càng ngày càng phong phú và đa dạng hơn, thay vì khệ nệ bưng những chậu hoa cúc, thược dược to đùng, nặng nề về chưng trước nhà, khách hàng gần đây có thú chơi sang chảnh hơn là chơi ly và phong lanĐể đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người nông dân ở Phú Mậu đã và đang cố gắng mạnh dạn thử nghiệm nhân giống thêm một số dòng hoa chất lượng caonhằm thu lợi nhuận và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp tết. Vỏn vẹn khoảng chưa đầy nửa tháng là tết Nguyên Đán, kết thúc năm cũ bước sang năm mới, , hy vọng rằng mọi điều suôn sẻ và may mắn, tiết trời sẽ bớt lạnh hơn để cho người dân trồng hoa ở Phú Mậu được đón một cái tết đầy đủ và sung túc hơn.

Huỳnh Thị Ngọc Thuỷ
Cử nhân Anh Văn

Friday, 29 January 2016

XÔN XAO ĐÓN TẾT


Đến thời điểm này thì còn cách Tết Nguyên Đán còn khoảng hơn nữa tháng nữa,. nhưng từ góc phố, ngõ hẻm, mọi người đều sơn sửa lại nhà, quét sơn cầu đường chuẩn bị đón Tết. Hàng năm, cứ đến hẹn lại lên, khi năm cũ qua đi, năm mới đang gần kề thì ai nấy đều chuẩn bị tươm tất để đón một năm mới vui tươi và đầy may mắn hơn. Không khí Tết về đang rạo rực trong mỗi người, mỗi nhà.
Đặc biệt là trong những ngày này, đi đến đâu người ta cũng bàn đến cái Tết sắp đến.  Ra chợ, các chị em tiểu thương bàn tán xôn xao năm nay không biết có buôn may bán đắt không. Đến công sở thì các chị em lại bàn tán về vấn đề lương thưởng cuối năm. Mong rằng thưởng sẽ được nhiều để chuẩn bị cho gia đình một cái tết đủ đầy sau một năm dài làm việc vất vả.  Đối với những người xa quê hương thì mong ngóng ngày về để đón một cái tết sum vầy bên gia đình, người thân. Và đáng để tâm hơn đó là tâm sự của những bà con nghèo khi tết đến xuân về. Những người có cuộc sống ấm no thì mong chờ, vui vẻ để đón nhận cái Tết sắp đến. Nhưng với những chị em buôn thúng bán bưng thì lại lo canh cánh bên lòng mỗi độ xuân về. Lo cái ăn, lo cái mặt cho con, cho gia đình... Niềm vui của các con lại là nỗi buồn của các chị, các mẹ. Vì vậy, trong tháng cận Tết này, nhu cầu vay vốn của các hộ vay vốn là rất cao. Họ vay để mong có khoản tiền để buôn bán, có thêm khoản tiền để lo cho cả gia đình. Ngày thường thiếu thốn thế nào không quan trọng, nhưng đến Tết thì cũng phải mâm cao cỗ đầy.
Tháng cuối năm này, khi làm việc với các địa bàn, giải ngân cho bà con ai nấy nhận tiền cũng đều vui mừng khấp khởi không phải lo thiếu vốn trong dịp cuối năm này. Hy vọng rằng mọi người sẽ có một năm mới đầy an khang. Đặc biệt là những người nghèo có một cái Tết no ấm.


Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh Tế

Thursday, 28 January 2016

NHÂN VIÊN TRUNG TÂM KHUYẾN KHÍCH TỰ LẬP HƯỚNG ĐẾN NĂM 2016


Trung tâm Khuyến khích Tự lập chúng tôi được thành lập dựa trên những hoạt động xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân trong cơn lũ lịch sử năm 1999 ở Huế. Hoạt động chính của Trung tâm là hỗ trợ vốn cho những người dân thu nhập thấp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Tỉnh TT- Huế. Số tiền lãi thu được từ việc cho vay Tín dụng này chúng tôi đã dùng để thực hiện thành công những chương trình sau:
- Xây trường mầm non An Cựu thuộc phường An Cựu, trường mầm non Xóm Hành thuộc phường An Tây và trường mầm non kết hợp làm nơi tránh lũ cho người dân địa phương tại thôn Lợi Nông thuộc phường Thủy Châu.
-  Bắt nước sạch cho người dân nghèo tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ.
- Hàng năm đều tổ chức trao từ 150 đến 200 suất học bổng dành cho con em của những hộ vay vốn có thành tích học tập tốt.
- Vào mỗi dịp đông về, Trung tâm sẽ trao tặng từ 1000 đến 1500 chiếc áo ấm dành cho các em nhỏ trong độ tuổi từ 7 đến 11 ở những vùng quê.
- Xây dựng nhà vệ sinh tại chợ Thông thuộc phường Hương Long, chợ An Cựu thuộc phường Phú Nhuận, chợ Đông Ba thuộc phường Phú Hòa.
- Từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với phòng giáo dục tổ chức dạy bơi cho hơn 3000 cháu nhỏ trong toàn Tỉnh TT-Huế.
- Vào mỗi dip Tết, Trung tâm đều tổ chức những hoạt động tặng quà Tết dành cho những người già sống neo đơn, những gia đình nghèo có con bị bệnh tật…
- Xây nhà mới cho những hộ nghèo có 3 người con đang học đại học (Trong năm 2014 chúng tôi đã xây dựng 1 ngôi nhà cho ông Nguyễn Tân sống tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ)
- Thăm và tặng quà cho những trường hợp thương tâm.
- Thực hiện rất thành công chương trình Tiết kiệm dành cho giáo viên, phụ huynh học sinh tại lớp học ghép Đập Góc thuộc xã Phú Mỹ, lớp học mầm non tại tổ 11 hộ Thành Hào thuộc phường Phú Bình, trường mầm non Thủy Xuân thuộc phường Thủy Xuân.

Từ sự thành công của những hoạt động trên thì trong năm 2016 Trung tâm Khuyến khích Tự lập sẽ tiếp tục thực hiện một số chương trình:
- Khảo sát và xây dựng hệ thống bể lọc nước sạch cho người dân xã Hồng Vân thuộc Huyện A Lưới.
- Phát triển hai địa bàn Tín dụng mới tại các xã nghèo trong tỉnh TT Huế.
- Xây dựng nhà vệ sinh tại 1 khu chợ trong thành phố.
- Kêu gọi thêm một số tổ chức bạn để mở rộng chương trình phát áo ấm, trao học bổng, phổ cập bơi cho các cháu nhỏ con nhà nghèo.
- Hỗ trợ học phí cho một số em sinh viên con nhà nghèo không có điều kiện đến trường.
- Tìm kiếm và giúp đỡ cho những trường hợp thương tâm.
- Khảo sát trường mầm non Hương Bình thuộc xã Hương Bình, trường mầm non Phú Thanh thuộc xã Thủy Thanh… để thực hiện chương trình tiết kiệm dành cho giáo viên và phụ huynh.

Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Monday, 25 January 2016

BẠN CŨ-NGƯỜI MIỀN TRUNG


Tôi muốn viết tiếp về những người bạn thủa học trò tóc để chỏm của mình. Phải nói những người bạn của tôi ai cũng thích đá bóng và leo trèo, bơi lội, hái hoa, bắn chim, đá cá, chọi gà, đánh bi, đánh đáo, chơi căng cù... Chúng tôi đã dùng quả bóng là lá chuối khô, vải rách quấn lại, rồi bóng nhựa, bóng cao su, sau này sang hơn thì có bóng da.
Cùng với hai người bạn "giọng Hà Nội"- như đã đề cập trong bài trước tôi có thêm hai người bạn giọng "Quảng Trị" thật trong trẻo. Các bạn phát âm rất rõ ràng, chính xác hơn cách đọc phát âm thông thường của người Huế; đặc biệt là những âm cuối.
Các bạn Quảng Trị là con cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Trị Thiên ( được nhập lại từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) thường được bố cho đi ra Hà Nội mỗi dịp có việc gia đình hay ngày lễ. Các bạn vốn là "mọt sách" nên phải ra HN để mua sách thật nhiều về "cho các bạn ở Huế đọc". Hai bạn Quảng Trị này đối xử với các bạn trong lớp rất tốt, không bao giờ ỷ ta đây là con nhà cán bộ quyền thế. Có cái gì ngon trong nhà cũng thường đem tới lớp chia cho chúng bạn.
Có lần tôi đầu têu rủ các bạn khá "gan lì" là nhóm Hà Nội và Quảng Trị vào Đại Nội hái trộm me, mận, đào...Chúng tôi thấy ở gầnhọc Viện Quốc gia Âm Nhạc Huế gần các cây đào rất trĩu quả đang có họp hành gì to lắm. Tôi nói với các bạn: " Thôi chúng ta về đi, hái đàolúc này họ phát hiện ra thì hết đường chạy". Các bạn tôi rất hiểu chuyệnnói: "Hôm nay có họp to, thì mấy cây đào mận này là của tụi mình rồi. Bảo vệ họ chỉ lo tập trung cho an ninh hội họp nên không quan tâm tới chuyện vặt này đâu. Trèo lên mau đi". Thế mà đúng thật. Chúng tôi ăn một bụng no nê mà không thấy ai lảng vảng xung quanh các gốc cây đầy quả và xum xuê cành lá này.
Trên đường mang "chiến lợi phẩm về" cho chúng bạn trong lớp, các bạn tôi đều nói: Ở Hà Nội mỗi khi có "họp  to" là biết liền. Vì nhà nhà, khu tập thể, chung cư, khắp phố, cùng ngõ, tổ dân phố... phải làm vệ sinh, kết hoa đèn, giữ gìn trật tự, hạn chế đi lại. 
Tôi là dân nhà quê,  cho tới khi đó chỉ mới biết nơi đông người nhất là hội làng, đua ghe, đi chạp, kỵ, giỗ, cưới, tiệc mừng trong họ. "Hội Họp", "Đại Hội" "Họp To" là những từ được các bạn Bắc-Trung khai ngộ cho những ngày đi hái hoa, bẻ cành, bắn chim, hôi cá... Vì vậy, viết ra những dòng này vẫn lâng lâng nhớ tới kỹ niệm xưa và nhớ tới các bạn cũ vô cùng...
Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Saturday, 23 January 2016



"Mọi sự thật vô thường", Jenny nhắn từ Mỹ lúc nửa đêm. Chẳng phải tự dưng mà cô lại nói như vậy, vì Jenny đang phải đối mặt với cái ngưỡng sinh tử của cuộc đời.
Tháng 10/2015, giữa lúc đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc tranh cử ghế nghị viên Hội đồng thành phố San Jose, bang California, thì kết quả khám định kỳ được đưa ra như một lời tuyên án: bệnh ung thư của Jenny đã ở cấp độ 4 và đang di căn, thời gian sống còn lại của cô được bác sĩ ước tính chỉ còn chừng hai đến ba tháng. Jenny 49 tuổi.

Luật sư Jenny tên thật là Đặng Thị Phương Thanh, sinh ra tại Vũng Tàu. Là con lai với cha người Mỹ và mẹ người Việt, rời Việt Nam sang Mỹ từ năm 1984 khi vừa 18 tuổi, Jenny đã phải bắt đầu lại mọi thứ, vừa đi học, vừa đi làm, rồi tốt nghiệp luật sư và mở văn phòng luật tại San Jose. Jenny tâm sự cô không thể quên hình ảnh bà ngoại đứng mãi bên cửa nhìn cháu xa dần lúc cô ra đi. Ngày trở lại, bà đã khuất xa phía bên kia đường chân trời ráng đỏ. 
Năm 2009, sau nhiều lần khám và phát hiện ung thư, Jenny đã trải qua phẫu thuật và hóa trị rồi dần bình phục và lại trở về với những công việc thường nhật của mình là tư vấn luật, sáng tác tranh, hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.
Người dân San Jose không ai không biết đến Jenny, người phụ nữ xinh đẹp tài năng của thành phố mình. Cô vừa là một luật sư thường trợ giúp pháp lý cho người nghèo, vừa là một họa sĩ với những triển lãm tranh về Việt Nam, vừa là đạo diễn của các chương trình "Ao dai Festival" nhằm tôn vinh tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ ở cả ba miền Bắc Trung Nam, vừa là một nhà hoạt động xã hội thiện nguyện. Jenny và các sự kiện này đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông, được giới thiệu trên các đài truyền hình và báo chí Mỹ.
Số tiền thu được từ bán tranh, tổ chức lễ hội áo dài, từ các nhà hảo tâm... đã được Jenny dành để xây dựng Trung tâm nuôi dạy trẻ em nghèo ở Huế. Cô là chủ tịch Quỹ Những người bạn Huế (Friends of Hue Foundation), một tổ chức xã hội được Jenny và các cộng sự tại Mỹ lập ra nhằm kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng cho trẻ em thiệt thòi ở Huế. Trung tâm đã trở thành mái ấm của hàng trăm trẻ mồ côi, nghèo khổ suốt cả chục năm qua, được ăn ở, được đi học văn hóa, học nghề, nay có em đã vào đại học, có em có việc làm ổn định.
Ở Mỹ đã bao nhiêu năm nhưng trái tim Jenny vẫn dành trọn cho quê hương. Hầu như năm nào cô cũng về Việt Nam, lần nào về đều đi mải miết. Sang làng gốm, tay vầy vò đất mịn, lấm lem. Lên chùa, lặng lẽ trước Phật. Đứng bên ao làng, mắt xanh ngó xuống mặt nước tù đọng. Đi trên đê, tóc vàng xõa tung cùng gió. Ngồi cà phê, lắng nghe hơi thở 36 phố phường cổ kính.
Luật sư Jenny có tâm hồn nghệ sĩ và đa cảm. Cô luôn quan tâm và cảm thương cho những kiếp người, nhất là những người phụ nữ lam lũ gánh gồng, chạy chợ, bán rong, đẩy xe trong mưa gió, trong bụi mù, giữa nắng lửa. Những hình ảnh ấy đã đi vào những bức hình cô chụp, những bức tranh cô vẽ, những hoạt động xã hội cô làm, khiến cô nguyện cả đời dấn thân vì họ.
Thời gian sống của Jenny hiện chỉ còn được tính bằng giờ. Để tận dụng quãng thời gian ngắn ngủi còn lại, cô đã phải chính thức rút khỏi cuộc tranh cử vào nghị viện thành phố.
Nhưng Jenny vẫn ước mơ có cơ hội để tiếp tục tổ chức "Ao dai Festival" IV vào tháng 5 tới, để thành lập một Trung tâm Việt Nam tại San Jose mà cô ấp ủ đã lâu.
Jenny vẫn kể về mùi hương khuynh diệp (còn gọi là bạch đàn) ám ảnh từ thuở ấu thơ ở Việt Nam, khi sống trong chùa cô thường ngâm lá khuynh diệp để làm thuốc cho thầy trụ trì. Lúc ấy cô hay vò chiếc lá trong tay để hít hà mùi hương nồng dường như đang tăng thêm sức sống cho mình.
Và giữa những tháng ngày hóa trị vì căn bệnh ung thư, mùi hương ấy vẫn đi theo trong ước mong được trầm mình vào đó để giúp cô mạnh mẽ hơn. Ở California, khuynh diệp cũng mọc đầy nhưng Jenny chỉ đau đáu nhớ về mùi khuynh diệp ở đất Việt, gắn liền với ký ức cội nguồn.
Với Jenny, hương khuynh diệp ấy đã theo suốt cuộc đời cô như một vòng tròn sinh tử, như điểm bắt đầu và cũng là nơi kết thúc, đi cùng với những thân phận người qua tháng năm. Con đường khuynh diệp mà Jenny đã đi, giờ đây sẽ có những người nối tiếp.
"Đường khuynh diệp là thế. Không dài nhưng rất tròn. Vòng tròn tử sinh. Vòng tròn tiếp trợ. Đây là vòng tròn của những người tìm người để thấy mình, tìm ra rồi lại cho đi, cho đi nhưng vẫn còn đó, còn đó lại chia cho lẫn nhau, một chút tình người, một chút tương lân, một nỗi cảm thông, đơn sơ mà quyết liệt. Tôi đã đi tìm khuynh diệp ở vùng quá khứ. Nhưng khuynh diệp vẫn ở quanh tôi, trong hiện tại. Và trên vùng tương lai. Của tôi. Và của mọi người". (Trích bút ký Đường khuynh diệp, Jenny).

Jenny đam mê thơ văn. Những truyện ngắn và tùy bút của cô như "Chùa Giánh"  và "Đường Khuynh Diệp" được nhiều người Việt ở Mỹ và Việt Nam mến mộ.
Với những cống hiến cho cộng đồng, Jenny đã được bang California bầu là Người phụ nữ của năm (2007), được trao giải Thành tựu trọn đời (Life Time Achievement Award, 2015), được trao giải Hội họa Tích cực (Art Activism, 2005) của Belle Foundation.

Võ Tuấn
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/nguoi-phu-nu-goc-viet-dau-dau-ve-que-huong-den-tan-phut-sinh-tu-3343100.html Người phụ nữ gốc Việt đau đáu về quê hương đến tận phút sinh tử

Thursday, 21 January 2016

NIỀM VUI KHI ĐƯỢC NHẬN VỐN VAY TRONG THỜI GIAN GẦN TẾT


Tết là dịp để gia đình sum họp, để những người đi làm ăn xa quê có về đoàn tụ bên gia đình, là dịp để người dân dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới, và đây cũng là thời gian người nông dân được nghỉ ngơi sau khi hoàn thành việc gieo sạ cho vụ sản xuất cuối cùng trong năm. Vì thế mà cứ mỗi khi gần đến dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì nhu cầu mua sắm của người dân lại tăng lên rất cao, gia đình nào cũng cố gắng mua sắm những thứ cần thiết để đón một cái Tết thật đầy đủ và ấm cúng sau một năm làm việc vất vả. Mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết nhưng hoạt động kinh doanh, buôn bán ở các chợ, các cửa hàng tạp hóa diễn ra khá sôi nổi, còn ở các đồng quê thì người nông dân cũng đang tích cực làm đồng để hoàn thành việc gieo sạ vụ sản xuất Đông xuân.
Do nhu cầu vay vốn để đầu tư làm ăn của bà con trong thời gian này là rất lớn nên Trung tâm cũng đang cố gắng cân đối và giải ngân vốn kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu cho bà con. Trong buổi giải ngân vốn cho bà con ở phường An Hòa thuộc thành phố Huế và phường Thủy Lương thuộc thị xã Hương Thủy chúng tôi nhận thấy, phần lớn những hộ dân ở phường An Hòa vay vốn để mua thêm hàng hóa phục vụ cho việc buôn bán, còn những hộ dân ở phường Thủy Lương lại vay vốn để mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu… để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Mặc dù mục đích sử dụng nguồn vốn của người dân ở hai địa bàn là khác nhau nhưng tất cả đều có chung mục đích là đầu tư vốn cho việc làm ăn để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Nhìn thấy sự vui mừng, phấn khởi của bà con khi cầm tiền trên tay chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng khi đã mang nguồn vốn đến cho bà con một cách kịp thời, hy vọng số tiền vay được từ Trung tâm sẽ góp phần giải quyết được một phần khó khăn về vốn cho bà con, cũng như giúp bà con đầu tư cho việc làm ăn cải thiện kinh tế gia đình.

Nguyễn Xuân Quý

Cử nhân Kinh tế

Wednesday, 20 January 2016

"DÂN-CÁN"


          Nhiều người cho rằng cán bộ trong thời kỳ chiến tranh thì gần dân, trọng dân, gắn bó mật thiết với nhân dân hơn trong thời bình. Đó là một hiện tượng có thực mà ông Vũ Ngọc Hoàng (Ban Tuyên Giáo) trong nội dung trả lời báo chí đã nêu rõ, không né tránh.
          Tuy nhiên, nếu nói tất cả cán bộ đều như vậy thì tôi cho rằng có lẽ chưa đúng hẵn. Tôi xin nêu quan điểm của mình.
          Ở Việt Nam chúng ta, người dân sống trong một khu dân cư nào đó thì thường phải tham gia các cuộc họp tại nơi mình sinh sống. Các thông tin tại địa phương đều được trao đổi công khai. Tổ dân phố của tôi nằm cạnh con đường dẫn tới Đàn Nam Giao nổi tiếng, được  nhà nước đầu tư để  thành tuyến đường đẹp nhất cố đô thời gian gần đây. Nhiều lao động nghèo xóm tôi khi thấy hè phố thông thoáng thì tự nhiên ra chiếm lấy một chỗ để buôn bán, mưu sinh. Như vậy là đã vi phạm các nội qui về quản lý lòng lề đường do thành phố ban hành. Nhưng vì đây là hộ nghèo, nếu không tạo điều kiện để họ mưu sinh thì gia cảnh của hộ nghèo này sẽ càng khó khăn, các con nhỏ sẽ không có điều kiện tới trường. Vì vậy, chính quyền Phường đã thu xếp cho hộ này một lô buôn bán ở chợ gần đó. Điều trớ trêu là hộ này không chịu đi vào chợ, muốn ở lại lề đường gần nhà để buôn bán thuận tiện hơn. Chắc rồi  theo vận động của tổ dân phố hộ này cũng sẽ vào chợ để buôn bán ổn định, qua đó trả lại mỹ quan cho tuyến đường du lịch. Theo tôi, cán bộ lo cho dân như vậy cũng là tốt lắm rồi.
          Mà cán bộ cũng là dân mà ra cả. "Hết quan thì hoàn dân, hết dân thì hoàn vô quan (tài)", rồi dân sẽ là số đông tham gia đưa đám "cựu cán bộ"  tại tổ dân phố/khóm phố/khu phố/ấp ...chứ có phải ai khác đâu? Chắc cũng vì lập luận này mà hiện nay có nhiều cán bộ rất gần dân, tạo điều kiện cho người dân làm ăn với điều kiện: phù hợp pháp luật và lợi ích của cá nhân người dân phải phù hợp với lợi ích của xã hội.
          Cũng tuyến đường này, tôi gặp một anh hàng xóm bày bán cây cảnh ngày Tết. Tuy là hơi lấn lề đường, nhưng chỉ "lấn" dăm ba ngày gần Tết thôi. Anh bán những cây cảnh được tạo thế rất đẹp, nay lác đác hoa xuân chớm nụ. Anh hàn xóm của tôi đã đưa xuân về khắp tuyến đường du lịch. Chắc chắn có cán bộ sở tại đã thông cảm cho anh "lấn tạm thời". Cảm ơn anh bán cây cảnh và cảm ơn cả những người cán bộ gần dân nào đó. Có thể cán bộ này sẽ bị khiển trách vì "dung túng" cho dân "chiếm vỉa hè". Nhưng không sao, anh gần dân, hiểu dân, trọng dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân... thì nhân dân sẽ ghi nhớ tấm lòng của anh.
          Tôi mong muốn bộ máy nhà nước ta ngày càng có nhiều cán bộ như vậy - như anh hùng lao động Phan Thế Phương - đã được nhân dân TT Huế lập miếu thờ và tôn làm thần hoàng, vì ông đã hy sinh vì lợi ích nhân dân châm lấm tay bùn.
          Hy vọng này của tôi mong được đồng hành cùng với sức sống mãnh liệt của xuân Bính Thân đang gõ cửa trên mọi nẻo đường quê hương VN trong những ngày tháng năm này.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Monday, 18 January 2016

BẠN CŨ


 Huế sau giải phóng, chúng tôi được học với  nhiều bạn là con cán bộ tập kết ra Bắc, nay trở về quê hương. Thời đó, các bạn con cán bộ thường bị chúng bạn trêu chọc là "bộ đội" nhưng ở lớp tôi học không có tình trạng đó. Các bạn xem nhau như anh em bạn bè thân thiết. Trong lớp tuyệt nhiên không có một sự phân biệt đối xử nào cả. Mặc dầu hồi đó chúng tôi biết rất rõ có nhiều trường hợp con cháu cấp tướng cấp tá  của cả hai miền Nam-Bắc, nhưng chúng tôi học tập sinh hoạt với nhau rất hòa hợp, như anh em trong gia đình, thân thương và rất vui, vô tư
Ở Hà Nội vào Huế học có hai bạn tôi nhớ rõ vì chúng tôi chơi với nhau rất thân. Một bạn là cháu đích tôn của tướng Dương Bá Nuôi, một bạn là con trưởng của Đại Tá đặc công Nghiêm Nghị, người chỉ huy cánh quân chủ lực đánh vào Buôn Mê Thuột. Ai đọc tiểu thuyết "Cánh chim báo bão" thì sẽ hiểu về nhân vật Nghiêm Nghị. Còn tướng Dương Bá Nuôi thì đã rất nổi tiếng thời bác Hồ còn sống.
Tuy gốc Huế nhưng do sinh ra và lớn lên ở Bắc nên hai bạn của tôi nói giọng Hà Nội khá chuẩn. Chỉ có một bạn thường nhầm "n" thành "l" nên lớp trưởng là tôi thường trêu: " Mình đố các bạn nói đúng câu: Tôi lên Hà Nội mua cái nồi nấu cơm nếp đi". Sống và học ở Huế nhiều năm mà bạn này vẫn phát âm " Lên Hà Nội, Mua cái LỒI, LẤU cơm LẾP". Cả lớp được dịp cười bể bụng. Kỹ niệm vì vậy được nhớ mãi.
Những ngày này, cả nước hướng về Hà Nội, và tôi thầm nhớ tới những người bạn "giọng Hà Nội" của mình, nhớ tới những k niệm học trò và suy tư về sự thiêng liêng của tình bạn, những khoảng thời gian quí giá trong học đường đã tạo nên tính cách và lối sống... của tất cả chúng tôi hiện nay.
Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Friday, 15 January 2016

ÁN LỆ


Án lệ, tiền lệ pháp hay phép xét xử theo tiền lệ là một hình thức của pháp luật, theo đó Nhà nước thừa nhận những bản án, quyết định giải quyết vụ việc của tòa án(trong các tập san án lệ) làm khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc hoặc trường hợp có tình tiết hay vấn đề tương tự sau đó. Tiền lệ pháp còn là quá trình làm luật của toà án trong việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử.
Gần đây, nhà nước Việt Nam đã có qui định các tòa án không được từ chối việc xét xử với lý do "chưa có qui định pháp luật". Đây là một điểm rất tiến bộ trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam. Chỉ một thay đổi này thôi, đã giúp người dân càng tin tưởng hơn ở những người cẩm cân nảy mực, vì cùng với sự tham khảo "án lệ" việc tranh tụng tại tòa án để tìm ra chân lý của vụ án sẽ trở nên minh bạch rõ ràng hơn nhiều.
Khi pháp luật ngày càng hoàn thiện thì việc áp dụng án lệ sẽ ngày càng ít đi. Cũng vì vậy hàng năm trong chương trình họp của quốc hội VN, các đại biểu đã giành khá nhiều thời gian cho các buổi thảo luận xây dựng và thông qua các dự thảo luật.
 Để buộc tội một các nhân, tòa án căn cứ vào luật pháp để làm rõ mục đích, động cơ phạm tội, phân tích đủ các khía cạnh chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan...theo một cách toàn diện nhất.
Người bị đưa ra tòa xét xử chắc chắn phải là người có đầy đủ năng lực hành vi,vì vậy không thể đưa một em bé, hay kẻ tâm thần...ra xét xử trước tòa được.
Theo khoa học pháp lý, cá nhân đủ năng lực hành vị phải hoàn toàn phải  chịu trách nhiệm cho những lỗi, hay tội do mình cố ý gây ra. Chỉ khi đứa  trẻ gây thiệt hại nghiệm trọng   thì bố mẹ của nó phải liên đới chịu trách nhiệm liên đới ( đền bù dân sự ) hoặc người bảo hộ phải chịu trách nhiệm liên đới khi để người thân là tâm thần phạm trọng tội ( nhưng cũng là trách nhiệm dân sự).
Nói cụ thể ra, trong thời đại văn minh ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Không thể đưa người khác ra chịu tội thay mình. Điều đó pháp luật cấm hoặc không có qui định.
Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Thursday, 14 January 2016

ĐỒNG QUÊ RỘN RÀNG MÙA GIEO XẠ


Cứ vào tháng 12 Âm lịch hằng năm là bà con nông dân lại bước vào giai đoạn “căng thẳng” nhất trong năm. Vì thời gian này bà con vừa chuẩn bị hành trang đón Tết Nguyên Đán với bao công việc buôn bán, làm thợ, làm nghề,…để kiếm tiền cho việc trang trải dịp tết; đồng thời lại phải hoàn thành bao nhiêu công việc đồng áng kịp thời vụ trước Tết.
Mặc dù, nay tôi không còn làm nông dân thường xuyên nữa nhưng tôi luôn rõ công việc đồng áng của bà con vất vả và cực nhọc như thế nào. Các công việc cơ bản mà mỗi một nông dân phải làm quá các công đoạn từ đầu cho đến khi thu hoạch lúa là: cày, xới đất thật nhuyễn, dọn dẹp hết tất cả cỏ rác, phân thành nhiều luống và mỗi luống đất phải được sang thật bằng phẳng không có chỗ đọng nước làm chết lúa mầm, sau đó tiến hành gieo thẳng thật đều đặn (trên cơ sở lúa giống đã được ủ giống trước đó mấy ngày); Và sau đó là cả một quá trình chăm sóc bón phân, phun thuốc, tỉa dặm bổ sung,… sau 3 tháng thì sẽ cho kết quả và thu hoạch.
Năm nay, thời tiết khá ấm áp, thuận lợi cho bà con xuống đồng đầu năm. Nên hầu hết khắp nơi tỉnh TT Huế đang trong quá trình làm đất, một số diện tích thì đang trong quá trình được gieo xạ. Đặc biệt một số địa phương thấp trũng hay xảy ra ngập úng nên được bà con tiến hành gieo sạ sớm để tránh ngập úng.
Huyện Quảng Điền là một vùng thấp trũng nên được bà con ráo riết xuống đồng, làm việc rất hăng say. Như nhiều người đã biết, khác với nhiều ngành nghề khác thì công việc đồng áng bà con phải “Trông trời, trông đất trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng”. Chính vì thế bà con phải tranh thủ, đôi khi bà con phải bỏ bửa ăn, hoặc ăn uống qua loa vì phải làm việc quá sức, và cần hoàn thành công việc một cách gấp rút. Tất cả các mẫu ruộng nằm gần nhau trong một khu vực lớn phải được làm cùng lúc để tránh thiên tai, thiên địch, tránh chim, chuột, ốc bươu vàng ăn hết lúa giống sau khi vừa gieo giống nên hầu hết bà con rất tranh thủ để hoàn thành kịp thời và cùng lúc.
Vất vả, cực nhọc là vậy. Mong cho bà con luôn sức khỏe, “chân cứng đá mềm”, công việc được “thuận buồm, xuôi gió”, chờ đợi một mùa mới bội thu và được giá. 

Hồ Sơn
Cử Nhân Kinh Tế - Trường ĐH Kinh Tế Huế

Tuesday, 12 January 2016

Trường hợp thương tâm bà Nguyễn Thị Cầu Đường Bạch Đằng, P. Phú Hiệp, Tp Huế






          Vừa qua, ngày 07/01/16 chúng tôi có đến nhà bà Nguyễn Thị Cầu ở Bạch Đằng phường Phú Hiệp Huế. Bà Nguyễn Thị Cầu năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng chỉ có một mình trong căn nhà hiu quạnh.  Nơi bà đang sống trước đây chỉ là căn lều nhỏ dột nát bên cạnh ngôi nhà bà đang ở hiện tại. Trước đây, bà cùng sống với người con trai, cùng con dâu và các cháu. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của phường Phú Hiệp, người con trai của bà phải làm đủ thứ nghề để nuôi gia đình. Nhưng điều đáng tiếc là cách đây 10 năm anh bị giật điện chết trong quá trình xây dựng lại chợ Tây Lộc. Khi anh mất, bà gần như suy sụp, người con dâu và các cháu cũng đều khăn gói bỏ bà ra đi. Mất cả con và cháu bà suy sụp hoàn toàn. Trước khi đi người con dâu nhất quyết không cho bà vào nhà và khóa tất cả các cửa lại . Còn lại một mình bà phải sống chật  vật. Túp lều nhỏ của bà đã mục nát qua thời gian, buộc phải tháo dỡ. Nhà hàng xóm của bà ở bên cạnh thấy thương tình nên để bà ở một góc nhỏ của nhà bếp chưa đầy 10m2. Được sự can thiệp của chính quyền địa phương cũng như bà con hàng xóm nên người con dâu mới mở cửa để bà vào nhà, nhưng chỉ để cho bà đi của hậu cửa chính vẫn khóa và nhất quyết không mở. Mất con, mất cháu và căn bệnh tai biến mạch máu não hành hạ nên bà đã nằm liệt giường nhiều năm khiến bà cũng mất ý thức trong việc sinh hoạt. Thân nhân cũng chẳng còn ai và thấy hoàn cảnh trớ trêu của bà chị Nguyễn Thị Minh Châu là cháu họ xa bên chồng bà thương tình nên hằng ngày qua chăm sóc bà, nấu ăn, tắm rửa, dọn vệ sinh cho bà và lau chùi nhà cửa. Hiện bà rất yếu, do nằm lâu ngày cơ thể của bà đã có một vài chỗ lở loét, khi trò chuyện với chị Châu chúng tôi có thể nghe được hơi thở nặng nề của bà. Chị Châu cho biết, hiện người con dâu cũng đang mong bà qua đời để có thể lấy căn nhà và bán. Chị Châu cũng vài lần yêu cầu người con dâu mở cửa trước để khi bà Cầu qua đời có thể tổ chức nghi thức an táng nhưng tuyệt nhiên người con dâu không mở. Hiện chị cũng gởi đơn lên chính quyền và nhờ một vài người phá khóa nếu như sau này bà qua đời thuận tiện trong việc khâm liệm.
 Chị Châu cũng rất mong các nhà hảo tâm và UBND chính quyền địa phương sẽ quan tâm giúp đỡ một phần nào cho cụ  bà bất hạnh ở tuổi xế chiều này.
Mọi sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ:
Nhà 254 đường Bạch Đằng phường Phú Hiệp – Thừa Thiên Huế

Nguyễn Đức Nhân
Cử nhân Luật

Friday, 8 January 2016

NHỚ ƠN THẦY CÔ


Lịch sử là môn học rất quan trọng.
Học sinh có yêu môn học này hay không, vai trò của thầy cô dạy sử là yếu tố hàng đầu.

Hồi nhỏ, khi học đến trận thắng Điện Biên Phủ, toàn nhà trường được huy động học hành quân và ngụy trang giống như các chiến sĩ Điện Biên năm nào. Lớp chúng tôi được phân công ngụy trang tổ bộc phá đánh đồi A1. Các bạn gái phải đọc đi đọc lại sách giáo khoa và tham khảo tài liệu ở thư viện mới hóa trang cho các nam sinh trong lớp y như thật. Chúng tôi, bọn con trai cũng phải học các tư thế sao cho giống các anh khi ra trận. Bài học vì vậy thấm sâu vào lòng mỗi người khi nào không ai biết!

Rồi đến bài học 3 lần thắng Mông-Nguyên. Thầy Hòa có thân hình gầy và khuôn mặt hao hao NS Trịnh Công Sơn (mặc dù thời đó thầy nóiTCS "đã chết trong lòng tôi rồi") lại phân lớp thành 3 tổ vẽ bản đồ, và vẽ quân khí, so sánh lực lượng của hai bên thời đó. Nhóm của tôi có bạn Đông vẽ rất đẹp. Dưới sự cố vấn của những chàng trai yêu sử và giàu sự tưởng tượng, chúng cho ra đời những bản lược đồ ghi dấu những trận đánh lớn thời đó cùng hình vẽ quân binh khí của 2 bên rất sinh động. Nhờ vậy mà chúng tôi rất tự hào và không bao giờ quên nhứng gì chính mình chủ động khảo cứu, suy tư.

Học lịch sử cận đại và hiện đại cũng có những thích thú riêng. Năm cấp 3 chúng tôi được học với cô Liên dạy sử là người rất thạo Pháp Văn. Cô có những tài liệu tham khảo riêng bằng tiếng Pháp minh họa cho bài giảng một cách khách quan của người viết sử của nhiều phía

Tình yêu dân tộc cũng phát sinh từ đó. Tình yêu hòa bình cho nhân loại cũng từ đó mà ra.

Xin cảm ơn các thầy cô dạy sử. Không có các thầy cô chúng em không có tình yêu quê hương, đất nước, nhân loại…

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Wednesday, 6 January 2016

QUẢNG CÁO


         Bạn đã bao giờ nhận được những mảnh giấy nhỏ, tờ rơi quảng cáo như vay vốn ngân hàng không cần thế chấp, trung tâm gia sư, mua sắm rẻ đẹp … do một số người đứng phát ở ngay cột đèn xanh đèn đỏ trong thành phố chưa.
         Hẳn là chúng ta rất nhiều lần gặp phải cảnh tượng này.
       Một số cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức quảng cáo này để giảm bớt chi phí thay vì quảng cáo trên truyền hình, in tạp chí, quảng cáo bằng phát thanh.
         Tuy nhiên, xét về mặt trái của việc này, hầu hết sau khi nhận tờ quảng cáo thì đa số mọi người đều đọc lướt qua sau đó lại vứt lại sau tiếng rú xe khi đèn xanh vừa chuyển qua.
        Một “bãi rác” nhỏ nhưng phản ánh được ý thức của mỗi người trong việc gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp. Không biết được sau đây là việc các chị lao công phải dọn dẹp “bãi chiến trường” này.
        Cá nhân tôi, không nên nhận bất cứ tờ rơi quảng cáo nào ở những địa điểm trên.
        Thứ nhất: giảm chi phí cho việc in ấn của cá nhân, doanh nghiệp muốn quảng cáo
        Thứ hai: giữ gìn vệ sinh chung cho đường phố.
        Thứ ba: giúp cho các nhân viên vệ sinh đường phố có thời gian để làm công việc khác.
       Thứ tư: dần dần sẽ không còn tình trạng phát quảng cáo như vậy, do không ai nhận thì sẽ không có ai phát.

Nguyễn Duy Tùng
Cử nhân Môi Trường

Monday, 4 January 2016

HỌP LỚP ĐẦU NĂM



          Khi đời sống khá lên, người ta thường nhớ tới thủa hàn vi, đó cũng là một trong những lí do để các cuộc họp lớp được tổ chức nhiều hơn trong thời gian gần đây.
          Thành phố tôi sống vốn nhỏ hẹp, nếu tính cả vùng quê hương gốc gác nơi ghi trong khai sinh là "nguyên quán" thì cũng chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 15 phút xe máy. Vì vậy những gì liên quan từ thời bé cho tới đại học của tôi cũng là liên quan đến thành phố này với những người bạn phần lớn còn ở quanh đây.
          Họp lớp thuở tiểu học đầu năm mới cũng rất là vui, chuyện gì cũng nhớ hết, vì hồi đó bộ nhớ chúng tôi còn trống, cứ  nạp vô là nhớ ngay. Thấy cũng lạ, mấy chục năm qua rồi mà cứ tưởng như hôm qua, có bạn đầu bạc như vôi, có người không còn tóc, nhưng ngồi với nhau thì tinh thần cứ như thời tóc còn để chỏm ngày nào. Vui ơi là vui! Tình bạn là  thiêng liêng, khi họp lớp không mấy ai đem chuyện tiền tài địa vị để bàn bạc, để mà so sánh, để mà lên mặt với đời, để mà "ta đây rất oai" cả. Vui nhất là chuyện những anh học hành lôi thôi, hoang nghịch có hạng, hay bị bêu tên trước trường...nói chung hồi đó không thấy tương lai nào...thì nay trên khuôn mặt thấy rạng ngời nét yêu đời đáng yêu. Những anh này đang nghiêm túc lập kế hoạch làm việc, mở rộng làm ăn ở các nước trong Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN (AEC) trong năm 2016 nữa chứ. Tôi hỏi, các bạn đâu có giỏi tiếng Tây mà dự định mưu cầu lợi ích ở nước người, thì nhận được câu trả lời: Tụi mình có "kỹ năng" và "tiếng TAY" - tức là body language - sợ gì mà không đi, lại có thằng Đông họa sĩ đây, nếu họ không hiểu thì vẽ ra, chắc sẽ ok thôi. Uh, mình tin ở sự xông pha dám đương đầu tìm đường đi riêng của các bạn.
           Còn những anh chị ngày xưa học hành giỏi giang, nghiêm túc, luôn được nêu gương trước trường thì nay trên khuôn mặt hiện lên nét cam chịu để sống sao "cho qua ngày, chờ qua đời". Tổng kết như vậy, ai cũng cho là đúng và chính xác quá đi. Và vui hơn, lạc quan hơn chứ không buồn trách gì! Vì chúng tôi là bạn đồng niên...
          Vậy thì các bậc phụ huynh, đừng nên trách con trẻ về chuyện học hành, hay phê phán nền giáo dục VN ta nữa nhé! Như thế hệ chúng tôi đây, tuy hồi bé nhiều kẻ không ra gì, nhưng nay đều ổn cả, đều là những người dám xông pha ra ngoài biên giới Việt. Dù sao chăng nữa, kết cục mọi chuyện chắc rồi sẽ ổn.
          Họp lớp, thế mà hữu ích và triết lý vô cùng.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)