Thursday 5 February 2015

GÓC NHÌN VĂN HÓA


Một su khách ngoại quốc, nếu lần đầu tới Việt Nam họ sẽ có ấn tượng mạnh với “văn hóa vỉa hè” của nước sở tại. Ăn  vỉa hè, nhậu vỉa hè, café cóc vỉa hè, “chem. gió vỉa hè, ngũ vỉa hè, phóng xe lên vỉa hè và đôi lúc là tập thể dục vỉa hè. Văn hóa vỉa hè có lẽ bắt nguồn từ những gánh hàng rong, khi thời xa xưa những món ăn vặt được đem tới bởi những quang gánh của một mẹ, một chị nào đó từ quê gánh ra thị thành để rồi tấp vào một góc vỉa hè nhỏ nào đó nhằm phục vụ cho nhu cầu người dân thành thị.

Ăn vỉa hè, café cóc vỉa hè có cái hay là đơn giản và chi phí thấp lại được thêm cái không khí tấp nập qua lại của dòng người, xe cộ; được nhìn trời nhìn đất rất là thú vị. Chỉ cần một chiếc ghế nhựa nhỏ, một mảnh giấy hay đôi lúc ngồi chồm hổm là ta có thế thưởng thức cái “văn hóa vỉa hè” rồi.
Buổi sáng dọc các tuyến đường Lê Lợi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi ta có thể thấy không khí “vỉa hè” rõ ràng nhất. Điều hay nhất của “văn hóa vỉa hè”  đem lại đó là phục vụ tốt cho một phần nhu cầu của người dân lao động nghèo hay sinh viên học xa nhà. Sáng ra anh xích lô chỉ cần trên dưới 8 ngànđồng  là có một tô bánh canh hay ổ mỳ thơm phức nóng hổi để nạp năng lượng cho một buổi sáng làm việc hay các bạn sinh viên sáng chỉ cần 6 ngàn đồng là có ngay một ly café cóc béo ngậy rồi.

Văn hóa vỉa hè hay là thế, thị vị là thế nhưng nó là một thách thức đô thị trong thời đại ngày nay. Việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè như thế làm mất lối đi của người đi bộ, gây cản trở giao thông và đôi lúc gây mất mỹ quan đô thị vì sự nhếch nhác cơ bản vốn có của nó. Vì vậy khi làm quy hoạch các cơ quan chức năng nên quy hoạch sao cho hài hòa giữa buôn bán đường phố và lòng đường cho người đi bộ. Như ở Hội An-Quảng Nam người ta phân vạch vỉa hè cho những người buôn bán hè phố, đảm bảo vừa đi bộ được và buôn bán được. Việc này đòi hỏi phải có những vỉa hè đủ rộng và thông thoáng. Có lẽ nhiều nơi phải làm như thế bởi lẽ có làm như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề chứ đi bắt thu giữ rồi ít ngày sau người ta cũng bày ra lại bởi lẽ không ai có thể từ bỏ “bát cơm” của mình. Một người bị mất “bát cơm” không chỉ là gánh nặng cho bản thân và gia đình người đó mà đôi lúc hệ quả kéo theo là gánh nặng cho toàn xã hội. Mọi chuyện không đơn giản chỉ là việc giải quyết theo bề nổi đó là bắt và thu. Cần tạo điều kiện cho những người buôn bán hè phố được hành nghề trong khuôn khổ cho phép, tạo được nét văn hóa riêng và giải quyết được nhu cầu mưu sinh của mọi người.

Khánh Linh

No comments:

Post a Comment