Monday 21 May 2012

KIẾN THỨC PHÁP LUẬT : GIÁM HỘ



Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan Nhà nước (gọi là người giám hộ) được pháp luật qui định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bênh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (gọi là người được giám hộ).
Trước đây trong Luật Hôn nhân - Gia đình 1986 có qui định chế độ đỡ đầu ( từ Điều 46 đến Điều 50), song Luật HN - GĐ và gia đình 2000 qui định cụ thể việc giám hộ giữa các thành viên trong gia đình thành chương riêng (chương IX, từ Điều 79 đến Điều 84).
Người được giám hộ bao gồm:
+ Người chưa thành niên không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn  chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có điều kiện chăm sóc giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha mẹ có yêu cầu.
+ Người mất năng lực hành vi dân sự.
Đối với người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì bắt buộc trong mọi trường hợp phải có người giám hộ.
Để thực hiện việc giám hộ với mục đích là chăm sóc, bảo về quyền lợi của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần của như đại diện cho người được giám hộ khi tham gia các giáo dịch dân sự nên pháp luật dân sự qui định người giám hộ phải đảm bảo những điều kiện nhất định.
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
+ Có tư cách đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa bị xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
+ Có điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện việc giám hộ.
* Các loại giám hộ:
- Giám hộ đương nhiên: là hình thức giám hộ do pháp luật qui định. Quan hệ giám hộ này được xác định bằng qui định về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ của họ.
+ Giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên.
* Trong trường hợp anh, chị, em ruột không có thoả thuận khác thì anh cả, chị cả đã thành niên phải là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh, chị cả không đủ điều kiện thì những anh, chị tiếp theo đủ điều kiện làm người giám hộ.
Ngoài ra pháp luật còn qui định khi quyết định các vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản của em chưa thành niên thì anh, chị là người giám hộ của em phải tham khảo ý kiến của những người thân thích và ý kiến của em (nếu từ 9 tuổi trở lên ). Quy định này nhằm hạn chế sự lạm quyền của người giám hộ, đảm bảo lợi ích của người được giám hộ (Khoản 2 Điều 83 Luật HN-GĐ 2000).
* Trong trường hợp không có anh, chị ruột hoặc có nhưng đều không đủ điều kiện thì ông bà nội ngoại đủ điều kiện phải là người giám hộ. Trong trường hợp này ông bà nội ngoại thoả thuận cử một bên làm người giám hộ.
+ Giám hộ đương nhiên của người mắc bênh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.
* Đối với vợ chồng: Chồng đủ điều kiện phải là người giám hộ cho vợ; ngược lại vợ đủ điều kiện phải là người giám hộ cho chồng.
* Đối với cha mẹ và con: Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự thì người con cả đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ, nếu người con cả không có đủ điều kiện thì những người con kế tiếp đủ điều kiện làm người giám hộ. Đối với con đã thành niên mà không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình mà chưa có vợ, có chồng hoặc đã có nhưng không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha mẹ đủ điều kiện phải là người giám hộ.
Trong trường hợp này cha mẹ thoả thuận với nhau về việc đại diện theo pháp luật cho con trong các giao dịch dân sự và lợi ích của con.
- Giám hộ cử: Trong trường hợp không có giám hộ đương nhiên thì những người thân thích của người được giám hộ cử một người đủ điều kiện để giám hộ; nếu không cử được thì UBND xã phường, thị trấn có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị với tổ chức từ thiện đảm nhận việc giám hộ.
Ngoài qui định trên thì Luật HN-GĐ còn qui định việc cha mẹ cử giám hộ cho con trong trường hợp không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Cha mẹ và người giám hộ thoả thuận về việc người giám hộ thức hiện một phần hay toàn bộ việc giám hộ (Điều 81 Luật HN- GĐ 2000).
b. Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ
Giám hộ là chế định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Do vậy, pháp luật dân sự qui định rõ các quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với từng đối tượng cụ thể từ Điều 65 đến Điều 69 BLDS 2005.


Tình huống: Anh A và chị B kết hôn năm 1990 có hai con chung đều dưới 15 tuổi. Năm 2002 anh A bị tai nạn nên bị chấn thương não mất khả năng nhận thức và Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Tháng 6/2006 do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chị B đã bán chiếc xe máy là tài sản chung của vợ chồng và một số tài sản khác của anh A được bố mẹ cho trước khi kết hôn để lấy tiền lo cuộc sống cho chồng và hai con. Sau đó bố đẻ của anh A là ông H biết được việc mua bán đã làm đơn yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng trên vì cho rằng anh A là con đẻ của ông không nhận thức được nên chị B chỉ được bán tài sản khi được ông đồng ý. Được biết chị B có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Căn cứ vào các qui định của pháp luật xác định yêu cầu của ông H được chấp nhận không? Vì sao?

Đ.N


No comments:

Post a Comment