Khi luật pháp không được thực thi công minh, người dân sẽ tự hành xử theo cách của mình. Nhìn lại tình hình trong nước thời gian qua cho thấy có nhiều điều rất đáng báo động.
Cho rằng: việc giải quyết về cho thuê đất và thu hồi đất đai không thỏa đáng một người dân ở Hải Phòng đã tự chế bom và dùng súng hoa cải để chống lại lực lượng cưỡng chế. Cũng vậy, một người dân Quảng Nam đã đâm bị thương hai cán bộ cưỡng chế giải tỏa, sau đó tự vẫn tại nhà.
Cho rằng: việc Trung Quốc bắt bớ, đánh đập ngư dân, buộc thân nhân trả tiền chuộc mới thả tàu; cùng với các hàng động ngang ngược khác như cưỡng chiếm Hoàng Sa, có hành động xâm lấn Trường Sa và coi việc này là “Bất khả tranh nghị”, nhiều người dân đã bức xúc xuống đường “tuần hành” ở hai thành phố lớn nhất nước trong mùa hè năm ngoái. Việc này nằm ngoài khuôn khổ qui định cụ thể của luật pháp, mặc dù hiến pháp không cấm, nên cũng được coi như là người dân “tự hành xử”.
Cho rằng: các hành động của một số cá nhân và cộng đoàn gây mất trật tự và rối loạn công cộng nên có một số “quần chúng tự phát” đã ra tay theo kiểu .....để trấn áp đe dọa những người này. Cái “tuyệt đỉnh” của sự tự phát này là rất ngang nhiên, coi thường pháp luật và nhiều khi diễn ra ngay trước sự chứng kiến bàng quan của lực lượng an ninh, cảnh sát...
Chỉ vài nét chấm phá nêu trên, có thể đi đến nhận định rằng ở xứ ta tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được chấn hưng như thời có bộ Luật Hồng Đức.
Khi pháp luật không được thượng tôn, sự hành xử sẽ tùy tiện. Khi đó sẽ có tình trạng dân “tự xử”.
Cũng có lẽ vì vậy, ở xứ ta ngoài từ “đồng bào” rất đỗi thân thương còn có một từ cũng rất gần gũi “ dân gian”. Khi người dân cho rằng mình có quyền thay mặt pháp luật để hành xử khi đó xã hội có mầm móng bất ổn. Có người đã đùa rằng khi dân tự xử thì cũng là khi “dân cũng thành gian” và “gian cũng đã cải trang thành dân”.
Thế mới thấy, xã hội “dân xử là chông chênh” bất an thế nào!
PVH
No comments:
Post a Comment